Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Ban Quản lý Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II”: Họp Ban Tư vấn chuyên môn mảng sách Tư liệu - Tổng hợp
Thứ sáu, 12/04/2013 04:08
Với tiêu chí tập trung nghiên cứu không gian Hà Nội mở rộng, các đề tài trong mảng sách Tư liệu - Tổng hợp hướng tới việc khai thác khối tư liệu văn hiến của toàn bộ 29 quận, huyện, thị xã của Hà Nội hiện nay, đồng thời cũng tập trung khai thác khối tư liệu về Thăng Long - Hà Nội được chép trong sử sách, cổ thư Trung Hoa qua nhiều triều đại.

Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng giám đốc, Tổng biên tập, Trưởng ban quản lý Dự án phát biểu khai mạc cuộc họp.                                                               Ảnh: Văn Chiến

Chiều thứ năm ngày 11/4/2013, Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến - Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức họp Ban Tư vấn chuyên môn mảng sách Tư liệu - Tổng hợp. Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên Ban Tư vấn, Ban Quản lý Dự án NXB Hà Nội dưới sự chủ trì của Trưởng ban - PGS.TS. Phạm Xuân Hằng.

Với tính chất tư liệu - tổng hợp, trong giai đoạn I, đề tài của Ban Tư liệu - Tổng hợp có phạm vi khá rộng, bao hàm nhiều vấn đề với dung lượng dày, trong đó có những đầu sách khai thác, nghiên cứu khối tư liệu quý hiếm ở trong và ngoài nước có giá trị cao. Vì thế, nhiều công trình thuộc mảng sách này sau khi xuất bản nhận được sự đánh giá cao và đón nhận của đông đảo bạn đọc như: Minh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII, Thanh thực lục - Quan hệ Thanh - Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Thăng Long - Đàng Ngoài thế kỷ XVII, Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây, Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Thư mục tư liệu trước 1945...

Trên cơ sở tiếp tục kế thừa khai thác và phát huy những kết quả của giai đoạn I, trong giai đoạn II Ban Quản lý Dự án coi đây là một trong những mảng sách trọng tâm với dự kiến cơ cấu đề tài tương đối phong phú, dày dặn. Cuộc họp Ban Tư vấn chuyên môn đã tập trung vào việc thảo luận, trao đổi rất kỹ và cụ thể chi tiết về danh mục cơ cấu nhằm đưa ra những ý kiến tư vấn xác đáng, phù hợp cho Chủ đầu tư trong việc triển khai đề tài.

       PGS. TS. Phạm Xuân Hằng - Trưởng ban Tư vấn chuyên môn chủ trì cuộc họp.
                                                                                                    Ảnh: Văn Chiến

Với tiêu chí tập trung nghiên cứu không gian Hà Nội mới mở rộng, các đề tài trong mảng sách này hướng tới việc khai thác khối tư liệu văn hiến của toàn bộ 29 quận, huyện, thị xã của Hà Nội hiện nay, đã nhận được sự ủng hộ và nhất trí cao của các thành viên Ban Tư vấn như: Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội (10 tập), Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội (10 tập). Các công trình này sau khi biên soạn sẽ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của bạn đọc về những địa bàn mới của Thủ đô sau khi mở rộng địa dư.

Một số đề tài đã được triển khai trong giai đoạn I nhưng do điều kiện khách quan nên chưa thể khai thác triệt để giá trị của các khối tư liệu điều tra, sưu tầm được, do đó trong giai đoạn II việc tiếp tục đầu tư, bổ sung cho các công trình này là hoàn toàn cần thiết. Đó là các công trình Tuyển tập tư liệu phương Tây về Thăng Long - Hà Nội trước 1945 do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên; hay Tuyển tập tư liệu các công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVIITuyển tập tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài do PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn thực hiện. Đặc biệt hai đề tài của PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn trước đây mới chỉ khai thác khối tư liệu tiếng Anh và tiếng Hà Lan cổ qua các thương điếm của hai công ty Đông Ấn Anh - Hà Lan ở ngay Hà Nội và tư liệu chủ yếu là dạng đề mục và tóm tắt, nay sẽ mở rộng khai thác tư liệu của hai công ty này ở các thương điếm khác ở Xiêm, Cao Miên... với dạng lược dịch hoặc dịch trọn vẹn.

Trong giai đoạn II, Ban Tư liệu - Tổng hợp cũng sẽ tập trung khai thác khối tư liệu về Thăng Long - Hà Nội được chép trong sử sách, cổ thư Trung Hoa qua nhiều triều đại với một số đề tài được đề xuất như Khâm định An Nam kỷ lược, Thư mục đề yếu thư tịch Trung Quốc quan hệ đến lịch sử Việt Nam - Từ khởi thủy đến năm 1949, Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam (riêng đề tài về Thanh thực lục sẽ cần tiếp tục trao đổi với chủ biên đề tài để thống nhất phân kỳ thời điểm chính xác của nguồn tư liệu khai thác đưa vào công trình). Ban Tư vấn chuyên môn đánh giá đây là những đề tài cần thiết, nếu biên soạn thành công sẽ cung cấp một khối tư liệu lớn, khách quan mang lại một cái nhìn phong phú, nhiều chiều và giúp chúng ta soi rọi nhiều vấn đề về Thăng Long - Hà Nội ở nhiều thời điểm trong lịch sử.

Một số đề tài khác cũng được đánh giá hay và có tính khả thi nhưng Ban Quản lý Dự án vẫn cần tiếp tục trao đổi với những cá nhân, tập thể chủ biên để xây dựng được dự kiến dung lượng, tên gọi cũng như phạm vi biên soạn phù hợp... như: Xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội qua hệ thống văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1873-1954), Tư liệu tộc ước Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội qua một số tạp chí tiêu biểu trước 1945...


      Ban Tư vấn chuyên môn mảng sách Tư liệu - Tổng hợp thảo luận cơ cấu đề tài.
                                                                                                     
Ảnh: Văn Chiến

Hiện tại, Ban Quản lý Dự án Nhà xuất bản Hà Nội đã hoàn tất công tác tổ chức và tiến hành họp Ban Tư vấn chuyên môn các mảng sách nhằm lấy ý kiến tư vấn của các nhà chuyên môn, các nhà khoa học để thống nhất cơ cấu đề tài đợt 1 của Tủ sách giai đoạn II. Sau khi danh mục đề tài được thông qua, được Hội đồng tư vấn khoa học phê duyệt, Ban Quản lý Dự án sẽ bắt tay vào công tác triển khai làm việc với tác giả, nhớm tác giả biên soạn các đề tài cụ thể.

(Nhà xuất bản Hà Nội)

                     

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá