ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ TỦ SÁCH THĂNG LONG NGÀN NĂM VĂN HIẾN
Đây là một dự án về văn hóa phi vật thể, nhằm hệ thống hoá, tổng kết các giá trị về mọi mặt của văn hiến Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình 1000 năm lịch sử, giúp cho bạn đọc hiểu về Thủ đô vừa đầy đủ và có hệ thống, vừa khái quát và sâu sắc. Tủ sách cũng đặt cơ sở cho sự tiếp nối nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cũng như của các thế hệ mai sau. Sau 5 năm thực hiện, dưới sự lãnh đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, với sự nỗ lực hết mình của tập thể lãnh đạo và cán bộ biên tập viên, công nhân viên nhà xuất bản Hà Nội cùng sự ủng hộ nhiệt tình của các sở ban ngành thành phố và đông đảo các nhà khoa học, Dự án đã thành công tốt đẹp.
Có rất nhiều nhân tố để làm nên thành công của Dự án, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy sự đóng góp to lớn về mặt trí tuệ cùng tâm huyết của các nhà khoa học - những người trực tiếp nhất làm ra những “sản phẩm” của Tủ sách. Đến dự buổi lễ trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen, có những nhà khoa học lão thành, những người mà tuổi đời trên dưới “bát thập”, “cửu thập” như GS. Vũ Khiêu, GS. Phan Huy Lê, GS. Đinh Xuân Lâm, PGS. Bùi Đình Thanh, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ... Lại cũng có những nhà khoa học trẻ, những người đang từng bước khẳng định mình trên con đường nghiên cứu như PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn, ThS. Phạm Đức Anh, ThS. Tống Văn Lợi... Cùng rất nhiều nhà khoa học khác, đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội như GS.TS. Trương Quang Hải, PGS.TS. Vũ Văn Quân, PGS.TS. Nguyễn Minh Tường, PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn... Không thể không nhắc đến những nhà khoa học đã gắn bó với Dự án Tủ sách từ những ngày đầu tiên nhưng lại đã ra đi, không thể có mặt trong ngày vui khi những đóng góp, cống hiến của họ được ghi nhận, vinh danh như Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, GS. Vũ Hoàng Địch, GS. Đặng Đức Siêu, PGS.TS. Nguyễn Đình Lễ, PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế, GS.TS. Vũ Đình Bách, Họa sĩ Trần Việt Sơn... Tuy họ ở những độ tuổi khác nhau, nghiên cứu những lĩnh vực khác nhau nhưng lại gặp nhau ở một tấm lòng nhiệt huyết vì Thủ đô thân yêu. Tâm huyết ấy, trí tuệ ấy cùng một lúc được hội tụ, kết tinh và đã làm nên những giá trị lớn lao cho Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Bởi vậy, hơn ai hết, họ chính là những người xứng đáng nhất được ghi nhận, tri ân và tôn vinh trước những thành công mà Tủ sách có được trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đã gần 3 năm kể từ khi Hà Nội và cả nước náo nức kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Khi đã đi qua những ngày ngập tràn “không khí lễ hội, hội hè”, chúng ta dường như có cơ hội để nhìn lại chặng đường đã qua một cách có hệ thống, rõ ràng hơn bao giờ hết. Không ít người sẽ đặt câu hỏi về cái gọi là thành công của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến? Liệu “hậu Dự án” sẽ có bao nhiêu người đã biết đến và sẽ còn quan tâm đến sản phẩm của Tủ sách? Liệu những công trình đã xuất bản của Tủ sách có thực sự là cần thiết như mong đợi của những người đã đặt nhiều kỳ vọng và tâm huyết để làm ra nó?
Chúng tôi biết rằng trên các giá sách của các cửa hiệu sách, những cuốn sách mang logo của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến không phải là những ấn phẩm được gọi là “best seller”. Sách của Tủ sách cũng chưa phải là những cuốn tạo ra trào lưu để các độc giả trẻ háo hức tìm kiếm và bình luận. Tuy vậy, hàng năm sách của Tủ sách vẫn là một trong những đầu sách được ghi tên trong danh mục “Sách hay”, “Sách đẹp” do Hội Xuất bản Việt Nam và Cục Xuất bản tổ chức tuyển chọn. Tuy vậy, gần 3 năm sau khi Tủ sách chính thức ra mắt với độc giả, cho đến tận bây giờ vẫn không ít bạn đọc (có cả những cụ già tóc đã bạc và những bạn trẻ vẫn đang ngồi trên ghế giảng đường, có những nhà nghiên cứu chuyên ngành đến những độc giả chỉ đơn thuần yêu sách mà quan tâm tìm hiểu) tìm đến tận trụ sở Nhà xuất bản Hà Nội để mua sách bởi một lý do đơn giản: sách ở hiệu sách đã hết hàng... Và khi bắt đầu khởi động cho một Dự án sách tiếp theo, Nhà xuất bản Hà Nội vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các cơ quan quản lý và các nhà khoa học, các ý tưởng biên soạn sách vẫn thường xuyên được gửi về... Đó là nguồn cổ vũ, khích lệ, động viên lớn lao để Nhà xuất bản Hà Nội có thêm quyết tâm để thực hiện Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II bởi Văn hiến Thăng Long là một kho tàng tri thức luôn song hành cùng các thế hệ hôm nay và mai sau.
Mượn lời một nhà văn nổi tiếng, đại ý rằng: Những cuốn sách có sự bất tử. Đó là sản phẩm bền vững nhất của con người. Những đền đài rồi sụp đổ, những tranh tượng rồi tiêu tan… chỉ có những cuốn sách là còn mãi. Tin rằng Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến sẽ còn tồn tại và song hành cùng Thủ đô qua nhiều thiên niên kỷ nữa và sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn và chuyển tải những giá trị văn hiến của mảnh đất kinh kỳ cho những thế hệ mai sau.
Nhà xuất bản Hà Nội