Tủ sách quý về Thăng Long - Hà Nội
Chủ nhật, 17/05/2009 08:53
Sau hai năm triển khai dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến, 9.000 trang tư liệu quý về lịch sử Thăng Long Hà Nội trong và ngoài nước được sưu tập.
Gian nan hành trình sưu tầm, xác minh tư liệu
Nói về công tác sưu tầm tư liệu, theo tiến sĩ Vũ Văn Quân (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), công việc khá gian nan vì có rất nhiều tư liệu lưu lạc trong dân gian. Trước khi đến một địa bàn, người tham gia khảo sát phải tìm hiểu thông tin cũng như phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân để tạo mối quan hệ thân tình, nhờ cung cấp thông tin, tư liệu. Nếu tư liệu là các di tích, người đi sưu tầm phải khảo chứng lại các thông tin trong tư liệu so với thực tế; bổ sung tư liệu và đánh giá hiện trạng di tích. Mọi thông tin được ghi chép lại trong bản báo cáo tổng hợp về di tích đó.
Theo thạc sĩ Phạm Đức Anh (phụ trách sưu tầm tại quận Hai Bà Trưng), bình quân một ngày, đoàn khảo sát 3 - 5 di tích. Còn tính trên địa bàn quận thì phải mất ba, bốn tháng với 30 người tham gia, tùy vào số lượng di tích. Đó là chưa kể đến việc di tích bị biến dạng, thu hẹp, di dời hoặc mất hẳn do hệ quả của quy hoạch đô thị. Chính vì thế, công việc tìm kiếm và xác định chính xác nguồn gốc khu di tích mất khá nhiều thời gian.
Tìm kiếm trong nước đã khó khăn, sưu tầm tư liệu ở nước ngoài còn phức tạp hơn rất nhiều. Hà Lan và Anh là hai nước được xác định là hai điểm sưu tầm trọng tâm. Hai kho tư liệu Đông Ấn của Anh và Hà Lan rất đồ sộ với hàng triệu trang tư liệu. Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhớ lại: “Có những tập tài liệu dày hàng nghìn trang nhưng lại không đánh số trang nên việc tìm kiếm và đánh dấu chỉ vài chục trang tư liệu về Đàng Ngoài là vô cùng khó khăn”. Không những thế, tất cả tư liệu này đều được viết bằng tiếng Anh và chữ Hà Lan cổ, hiện còn rất ít người đọc được.
Kết quả bước đầu
Công tác sưu tầm đã phát hiện ra những điều lý thú. Chẳng hạn có trường hợp di tích tồn tại đến nay nhưng đã bị thu hẹp hoặc biến dạng như đình Nghiễm Thượng (là số nhà 64 Cầu Gỗ ngày nay). Năm 1991, thành phố quyết định xây khách sạn Tây Hồ Gươm trên diện tích khu đình, phần hậu cung của đình trở thành căn nhà ba tầng cho ba hộ dân sinh sống. Một số hiện vật được đặt trên gác ba để thờ cúng. Hay nhiều di tích bị di chuyển địa điểm và hiện không còn, như đình Thọ Lão chẳng hạn. Một số di tích không bị di dời nhưng chỉ còn trong sử sách như đền Hàng Bạc, chùa Thể Giao.
Kết quả sưu tầm từ Anh và Hà Lan cũng cho thấy nhiều điều mới lạ. Đó là vô số mô tả và ghi chép của người Hà Lan và người Anh về các hoạt động văn hoá, lối sống, tín ngưỡng, phong tục, tập quán và đời sống đô thị Thăng Long thế kỷ 17. Nhiều sự kiện mà các bộ chính sử Việt Nam chỉ ghi chép rất vắn tắt, thậm chí không hề nhắc đến. Chẳng hạn năm 1653, người Hà Lan dành 10 trang để mô tả diễn biến chính trị trong triều đình và sự kiện hoạn quan Hoàng Nhân Dũng bị xử tử do mưu đồ phản loạn chống lại Chúa Nguyễn. Trong khi đó, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi hai, ba dòng.
Hay năm 1697, chính quyền Thăng Long phản ứng dữ dội sau sự kiện người Đàng Ngoài làm thuê trên thuyền buôn Anh trôi dạt vào Đàng Trong và bị nhà Nguyễn bắt giữ. Sau đó, triều đình đã ban bố chính sách cấm xuất dương tuyệt đối với người Đàng Ngoài. Chính sử Việt Nam hầu như không phản ánh sự kiện quan trọng trên.
Với những nguồn tư liệu đã có và mới được bổ sung, ông Nguyễn Khắc Oánh, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý dự án cho biết, cơ quan này sẽ sớm xây dựng bộ sách tư liệu về văn hiến Thăng Long. Đó là bộ tổng thư mục công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội; tuyển tập bài viết hay nhất về lịch sử, văn hoá, văn học nghệ thuật; bộ sách thư mục đề yếu giới thiệu về mặt văn bản để tóm tắt nội dung tất cả các tài liệu về Thăng Long - Hà Nội; bộ tuyển tập các tư liệu văn bia, thần tích, hương ước, gia phả, địa bạ, tài liệu phương Tây.