Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
"Tủ sách Thăng Long 1.000 năm văn hiến" - Bộ tàng thư tổng kết lịch sử văn hiến Thăng Long Hà Nội
Thứ hai, 18/05/2009 07:32
Dự án “Đầu tư, điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản tủ sách Thăng Long 1.000 năm văn hiến” đến nay đã được Nhà xuất bản (NXB) Hà Nội tiến hành thực hiện nửa chặng đường. Song, mọi khó khăn đều nằm ở chặng đầu của cuộc hành trình tìm kiếm và biên soạn. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh văn phòng Dự án (thuộc NXB Hà Nội) là người trực tiếp triển khai Dự án.

PV:Thưa ông, sưu tầm, biên soạn, xuất bản... thế nào để muôn mặt của Hà Nội được thể hiện đầy đủ, sâu sắc và mới mẻ? Trong khi thời gian của đồng hồ đếm ngược đến thời khắc lịch sử chỉ còn hơn 700 ngày?

Ông Phạm Quốc Tuấn: Dự án “Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản tủ sách Thăng Long 1.000 năm văn hiến” (gọi tắt là Tủ sách) sẽ có 4 hạng mục chính được thực hiện: Tổ chức điều tra, sưu tầm tư liệu trong và ngoài nước về văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Trên cơ sở kết quả đó sẽ hệ thống hóa toàn diện nguồn tư liệu, phân loại, tuyển tập thành các sản phẩm: Thành lập kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long; xây dựng thư mục đề yếu gồm tư liệu Hán Nôm, chữ Quốc ngữ và người nước ngoài viết về Thăng Long - Hà Nội; xây dựng các tuyển tập công trình nghiên cứu: lịch sử, văn học - nghệ thuật và văn hóa - xã hội. Tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản Tủ sách, khoảng 100 bộ sách, mỗi đầu sách khoảng 800 bản trên tất cả lĩnh vực: lịch sử, địa lý, văn hóa - xã hội, văn hóa - nghệ thuật, kinh tế, tư liệu tổng hợp... Xây dựng 10 bộ sách điện tử (bằng đĩa VCD hoặc DVD) về văn hiến Thăng Long. Xây dựng website Tủ sách để tuyên truyền và quảng bá các tư liệu và sách...

PV:Đến thời điểm này, Dự án đã có gì để “khoe”, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Tuấn: Tủ sách được đề xuất xây dựng từ năm 2003, với kế hoạch thực hiện trong 6 năm (2004-2010). Nhưng nhiều lý do, kế hoạch không được “dài hơi” như dự kiến, đến đầu quý II năm 2007, Tủ sách mới được phê duyệt. Chính vì vậy mà ngay khi bắt tay làm việc, đội ngũ (gồm 7 cán bộ của NXB) đã dồn hết sức lực để thực hiện. Ban quản lý dự án đã nghiệm thu được 32 đề tài hoàn thành bản thảo (trong tổng số 97 đề tài dự kiến xây dựng); 25 đề tài đang tổ chức biên soạn; 4 đề tài đã có đề cương chi tiết chuẩn bị nghiệm thu; 9 đề tài đang xây dựng đề cương chi tiết. Bên cạnh đó còn có 15 đề tài được biên soạn từ tư liệu tổng hợp của hạng mục điều tra sưu tầm.

PV: Tư liệu, sách về Hà Nội trước, nay đã có ít nhiều. Các ông làm thế nào để đem lại cho bạn đọc Thủ đô, bạn đọc cả nước và thậm chí là cả nước ngoài cảm nhận được cái mới mẻ, hấp dẫn hơn về Hà Nội qua 1.000 năm tuổi, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Tuấn: Tất nhiên sẽ có những vấn đề cũ phải nhắc lại, nhưng cách thể hiện mới và nhiều đề tài có những góc nhìn hấp dẫn, mới về Hà Nội.

PV:Vậy thực hiện dự án này NXB lại tiếp tục đầu tư kinh phí để các tác giả viết mới?

Ông Phạm Quốc Tuấn: Hầu hết các bản thảo xuất bản dịp này đều là thành quả của các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu từ trước, NXB Hà Nội không “dám” đầu tư, hoặc đặt viết, vì nếu đặt mới thì sẽ mất nhiều thời gian và tiền của. Bởi bản thân những tác phẩm đó đã được tác giả và Nhà nước đầu tư. Ví dụ như bản thảo Đông Kinh Nghĩa Thục - bản thảo được đánh giá là đầy đủ nhất về thơ, văn của GS. Chương Thâu nghiên cứu và biên soạn trong 20 năm qua. Hay như bản Nghìn năm sân khấu Thăng Long của tác giả Trần Việt Ngữ... NXB sẽ in ấn có tính chất hệ thống và chọn lọc một cách đặc sắc nhất...

PV:Khó khăn trong lúc triển khai dự án là gì, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Tuấn: Khó khăn đầu tiên là vấn đề bản quyền, bởi Dự án này chưa có tiền lệ; ngay từ bước khởi đầu, những người bắt tay vào làm chưa hình dung được phải bắt đầu từ đâu, càng làm càng thấy có quá nhiều tư liệu; không cẩn trọng rất dễ vi phạm bản quyền. Hơn nữa, những vấn đề về Thăng Long - Hà Nội từ trước đến nay đều do các nhà khoa học, nghiên cứu đã khẳng định tên tuổi, có uy tín... mà những người này vốn đã rất bận, nên khó khăn cứ chồng chéo lên nhau, khó trong cả việc mời họp để đồng thuận bản thảo. Bởi vậy, điều mà NXB Hà Nội lo lắng nhất hiện nay là tiến độ xuất bản (dự kiến hết quý 2 năm 2010 sẽ hoàn thành 100 đầu sách).

Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng tôi gò ép để đẩy nhanh tiến độ, làm bất chấp... Bởi Tủ sách không chỉ là “kèn, trống” hưởng ứng cho ngày Đại lễ, mà sâu sắc hơn: hướng tới giá trị hết sức bền vững, lâu dài, cho muôn đời sau.

PV:Xin cảm ơn ông!

 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá