Họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài: Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích, Thần phả
Thần tích thần phả là những văn bản Hán
Nôm ghi chép về danh tính, hành trạng, công tích của một hay nhiều vị thần,
thánh được dân tôn thờ. Thần tích thần phả gắn liền với tín ngưỡng phong tục
nghi lễ thờ cúng của người dân Việt
Nam nói chung và Thăng Long - Hà
Nội nói riêng. Nó gắn với các di tích lịch sử như đình, đền, miếu ở một làng xã
thôn phường cụ thể. Đây là mảng đề tài mang ý nghĩa văn hóa, xã hội, tín ngưỡng
phong tục điển hình. Chính vì thế bên cạnh tư liệu về văn bia, địa chí, hương ước
thì việc khai thác nguồn tư liệu thần tích, thần phả là việc làm cần thiết và có
ý nghĩa.
Buổi họp đã
diễn ra với sự trao đổi, thảo luận sôi nổi giữa chủ biên và Hội đồng nghiệm
thu. PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh đã giới thuyết kỹ về đề
tài: giải thích các khái niệm thần tích, thần phả; ý nghĩa của nguồn tư liệu; cách
thức, tiêu chí tuyển chọn.
Hội đồng đều
nhất trí ủng hộ việc triển khai đề tài, đánh giá tốt sự chuẩn bị nghiêm túc về
nội dung của bản đề cương cũng như tin tưởng vào năng lực, kinh nghiệm của các
tác giả - những chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực Hán Nôm. Thần phả là sản phẩm
mang tính văn hóa làng xã, do đó trong danh mục văn bản dự kiến tuyển chọn
trong đề cương, số thần phả của các làng thuộc địa phận Hà Nội mở rộng khá lớn,
các tác giả sẽ cân đối lại số lượng, chú ý bổ sung thêm thần phả của địa phận Hà
Nội cũ, phân bổ đều trên các quận, huyện, ở nơi nào trống, vắng thì cần có sự
giải thích cụ thể, có một số thần tích cần bổ sung thêm, những trùng lặp thì cần
rà soát lược bỏ. Tên gọi của đề cương cũng được Hội đồng trao đổi, các tác giả
chủ trì sẽ tiếp tục cân nhắc thêm để chọn một tên gọi hợp lý nhất. Những ý kiến
góp ý nhằm hoàn thiện đề cương cũng rất cần thiết.
Tuy đề tài
được triển khai vào giai đoạn nước rút của Dự án nhưng với sự chuẩn bị nghiêm túc,
nghiên cứu khá lớn của những chuyên gia chủ trì, đề tài được tin tưởng là có tính
khả thi cao.
(Nhà xuất bản Hà Nội)