GIỚI THIỆU VỀ ĐỀ ÁN ĐIỀU TRA, SƯU TẦM TƯ LIỆU
Hạng mục Điều tra, sưu tầm tư liệu là một trong những hạng mục quan trọng của Dự án.
Từ trước đến nay, hoạt động điều tra, sưu tầm tư liệu đã được một số cơ
quan Trung ương và địa phương thực hiện như các viện nghiên cứu, các
thư viện, các sở ban ngành… Tuy nhiên, về cơ bản đó mới chủ yếu là
những cuộc điều tra, sưu tầm lẻ tẻ, chưa có hệ thống, kết quả còn tản
mạn và mới được xử lý bước đầu.
Công tác điều tra, sưu tầm trong khuôn khổ Dự án được tiến hành một
cách có hệ thống, sẽ đạt được các mục đích trước mắt cũng như lâu dài
chủ yếu sau:
- Điều tra, sưu tầm tập hợp di sản văn hiến Thăng Long - Hà Nội nhằm
mục đích bảo tồn, phát huy giá trị trước mắt cũng như lâu dài.
- Xây dựng bộ Tổng thư mục, thư mục đề yếu, các tuyển tập công trình
nghiên cứu và xây dựng kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
- Làm cơ sở tư liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn và xuất bản sách về Thăng Long - Hà Nội.
1. Yêu cầu của công tác điều tra, sưu tầm:
Là một nội dung quan trọng của Dự án Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến",
hạng mục điều tra, sưu tầm có vị trí quan trọng đối với kết quả cũng
như chất lượng của Dự án. Vì thế, việc triển khai công tác điều tra,
sưu tầm phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Tính toàn diện:
Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội rất phong phú, hình thành trong
toàn bộ tiến trình lịch sử đô thị. Cơ cấu tủ sách cũng bao quát hầu hết
các lĩnh vực của đời sống đô thị. Vì thế, để làm cơ sở cho công tác
biên soạn và xuất bản tủ sách cũng như xây dựng kho dữ liệu về văn hiến
Thăng Long - Hà Nội, công tác điều tra, sưu tầm sẽ bao gồm tất cả các
mặt của đời sống xã hội Thăng Long - Hà Nội. Cụ thể:
+ Tư liệu về địa lý tự nhiên (cảnh quan môi trường, đất đai…); hành chính (diên cách, cơ cấu…); dân cư (nguồn gốc, biến động…)…
+ Tư liệu về lịch sử (chính trị, tổ chức bộ máy nhà nước và quản lý đô
thị, quân sự, pháp luật, ngoại giao, giao lưu kinh tế và văn hoá với
bên ngoài…).
+ Tư liệu về kinh tế (nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp - dịch vụ…).
+ Tư liệu về văn hoá - xã hội (ẩm thực, trang phục, nhà cửa, giao
thông, tôn giáo - tín ngưỡng, giáo dục - khoa cử, phong tục tập quán,
văn học, kiến trúc, điêu khắc, sân khấu, âm nhạc, hội hoạ, sử học, địa
lý học, y học, kỹ thuật…).
- Tính triệt để:
Đây là đợt điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội có
quy mô lớn (và có lẽ là lớn nhất từ trước đến nay). Vì thế, cần triệt
để tận dụng cơ hội này để điều tra, sưu tầm toàn bộ tư liệu về văn hiến
Thăng Long - Hà Nội vì sẽ không dễ dàng gì tổ chức lại được một đợt
khảo sát như vậy.
2. Đối tượng điều tra, sưu tầm
- Đối tượng của công tác điều tra, sưu tầm là tư liệu (chủ yếu là tư
liệu văn hiến) phản ánh mọi mặt của đời sống Thăng Long - Hà Nội hình
thành trong tiến trình lịch sử.
- Các ngôn ngữ văn bản điều tra, sưu tầm bao gồm:
+ Nhóm văn bản viết bằng chữ Hán Nôm (phần lớn những văn bản di sản văn
hiến Thăng Long - Hà Nội được viết bằng chữ Hán Nôm, hình thành chủ yếu
dưới thời trung đại cho đến cách mạng Tháng Tám).
+ Nhóm văn bản viết bằng chữ phương Tây (chủ yếu bằng tiếng Pháp và Anh) hình thành chủ yếu từ thế kỷ XVII cho đến hiện nay.
+ Nhóm văn bản viết bằng chữ quốc ngữ
3. Phạm vi điều tra, sưu tầm
Phạm vi điều tra, sưu tầm tư liệu bao gồm toàn bộ văn hoá - văn hiến
Thăng Long - Hà Nội được hình thành trong giới hạn hành chính thành phố
Hà Nội hiện nay hoặc ở nơi khác nhưng có đề cập đến Thăng Long - Hà Nội.
Theo quan niệm trên, phạm vi nội dung điều tra, sưu tầm sẽ là những tư liệu phản ánh về Thăng Long - Hà Nội với các cấp độ:
Thứ nhất, là những tư liệu phản ánh riêng về Thăng Long - Hà Nội trên quy mô thành phố, quy mô quận huyện cho đến phường xã.
Thứ hai, là những tư liệu phản ánh về một vùng rộng lớn hoặc trên phạm vi cả nước nhưng có đề cập đến Thăng Long - Hà Nội.
4. Địa chỉ điều tra, sưu tầm
Trong điều kiện khuôn khổ dự án (điều kiện về thời gian, kinh phí),
công tác điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long chủ yếu là những
tư liệu đang được bảo tồn, lưu giữ trên đất Hà Nội trong giới hạn hành
chính hiện nay. Ngoài ra có kết hợp khảo sát, điều tra, sưu tầm bổ sung
tư liệu ở một số tỉnh, thành.
5. Nội dung Điều tra, sưu tầm
5.1 Tổng điều tra các công trình nghiên cứu khoa học về Thăng Long - Hà Nội
- Thăng Long - Hà Nội, do tính chất đặc thù của đô thị này (trung tâm
chính trị, hành chính quốc gia), trở thành khu vực địa lý - lịch sử đặc
biệt được quan tâm nghiên cứu, nhất là trên phương diện lịch sử và văn
hoá. Vì thế, việc tổng khảo sát các công trình nghiên cứu về Thăng Long
- Hà Nội, cả trong nước và ngoài nước là thực sự cần thiết nhằm vào các
mục đích chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, chuẩn bị dữ liệu cho việc xây dựng bộ Tổng thư mục các công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội trên tất cả các lĩnh vực (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội), của các tác giả trong và ngoài nước, qua các thời kỳ lịch sử.
Thứ hai, cung cấp nguồn tư liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, biên soạn Tủ sách.
Thứ ba, trên cơ sở các kết quả điều tra, chọn lựa và tập hợp những công trình có giá trị để xây dựng các Tuyển tập công trình nghiên cứu tiêu biểu về Thăng Long - Hà Nội.
5.2 Tổng điều tra, sưu tầm nguồn tư liệu văn hiến về Thăng Long - Hà Nội đã được tập hợp tại các cơ quan lưu trữ
Nguồn tư liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội hiện đã được tập hợp và
bảo quản tại các cơ quan lưu trữ tương đối phong phú, nhưng không tập
trung mà phân tán nhiều nơi. Trong số đó, phần lớn hiện đang được bảo
quản tại các cơ quan lưu trữ ở Thủ đô Hà Nội (của Trung ương và địa
phương), một bộ phận rải rác tại các địa phương trên phạm vi cả nước.
Địa chỉ khảo sát, điều tra tập trung chủ yếu ở các nguồn:
- Các cơ quan lưu trữ, các viện nghiên cứu, thư viện của Thành phố Hà Nội.
- Các cơ quan lưu trữ, thư viện một số tỉnh thành
5.3 Tổng điều tra, sưu tầm tài liệu thực địa trên địa bàn Thành phố
Đây là một trong những công việc trọng tâm của công tác điều tra, sưu
tầm. Cho đến nay, một phần đáng kể tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội
đã được tập hợp và bảo quản tại các cơ quan lưu trữ trong và ngoài Hà
Nội. Tuy nhiên, vẫn còn một khối lượng lớn hiện nằm rải rác tại các
quận huyện, các phường xã, trong các gia đình, các dòng họ, các công
trình tôn giáo - tín ngưỡng… Nếu không sớm được điều tra, sưu tầm, vì
nhiều lý do, có thể bị huỷ hoại, bị mất mát, bị mai một.
Việc điều tra, sưu tầm nguồn tư liệu này thực hiện theo hai bước:
- Xây dựng hồ sơ điều tra, sưu tầm theo đơn vị hành chính hiện tại (quận, huyện, phường, xã)
- Tập hợp tư liệu trên cơ sở hồ sơ điều tra, sưu tầm.
5.4 Phân loại, thẩm định, biên dịch
- Phân loại: Được tiến hành theo nguyên tắc
+ Phân loại theo nội dung tư liệu (tổng hợp, địa lý - địa chất, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, văn học nghệ thuật…)
+ Trong từng nhóm tư liệu này tiếp tục phân loại thành các nhóm nhỏ (theo thời gian, ngôn ngữ, tính chất văn bản).
- Thẩm định: Nhằm đánh giá giá trị tư liệu, với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín và trình độ.
- Biên dịch:
Dựa trên kết quả của công tác thẩm định tư liệu, lựa chọn những tư liệu
cần thiết tiến hành dịch và hiệu đính (từ chữ Hán Nôm và chữ phương
Tây). Những tư liệu được lựa chọn để dịch và hiệu đính gồm:
+ Phục
vụ trực tiếp cho việc biên soạn Tủ sách (trường hợp này không nhất
thiết phải dịch toàn bộ mà chỉ lựa chọn phần cần thiết).
+ Những tư liệu có giá trị đặc biệt cần được phổ biến rộng rãi.
+ Những tư liệu quý hiếm có khả năng mai một.
5.5. Xây dựng kho dữ liệu văn hiến Thăng Long
Việc xây dựng kho dữ liệu văn hiến Thăng Long là hết sức cần thiết. Đây
vừa là một di sản văn hoá Thăng Long, vừa là nguồn tư liệu có giá trị
bền vững phục vụ cho việc nghiên cứu Hà Nội trước mắt cũng như lâu dài.