|
ThS.NSND. Phạm Anh Phương viết ngày 23/08/2011
Với tư cách là người được chỉ định phản biện công trình sách “Nghệ thuật múa Hà Nội Truyền thống và hiện đại”. Trước hết, tôi xin ghi nhận lòng nhiệt thành và tâm huyết của các tác giả viết công trình nghiên cứu này nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
- Cuốn sách được cấu trúc thành 2 tập gồm 8 chương, phần mở đầu, kết luận, phần phụ lục và tài liệu tham khảo. Tổng số trang của cả 2 tập là 320 trang, trong đó phần nội dung chính là 249 trang. Chúng tôi cho rằng, về cơ bản các chương, mục trong cuốn sách được kết cấu hợp lý và gắn với tiêu đề của cuốn sách.
- Cuốn sách phần nào đã phác họa cho người đọc thấy được tổng thể về nghệ thuật múa của Thăng Long - Hà Nội trong mối quan hệ với môi trường, địa lý, lễ hội, tín ngưỡng cũng như sự tác động tương quan trong quá trình hình thành và phát triển.
- Các tác giả đã đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu các tư liệu, thư tịch, di vật lịch sử và những sự kiện lịch sử, văn hóa liên quan đến nghệ thuật múa của Thăng Long - Hà Nội (đặc biệt trong phần thứ nhất).
- Trong chương mở đầu, Tổng quan nghệ thuật múa Hà Nội, Tính cách múa Hà Nội. Phần viết này, tác giả đã đưa ra một số đặc điểm múa Hà Nội với những nét đặc trưng riêng biệt, điển hình của Hà Nội, đặc biệt là những điệu múa mà chỉ có ở Hà Nội thể hiện nét văn hóa tinh tế, thanh lịch và hào hoa của Hà Nội.
- Ở phần thứ nhất, chương 1, Mục Múa dân gian trên đất Thăng Long - Hà Nội. Trong phần này, tác giả đã đi sâu phân tích và khảo tả một số điệu múa dân gian của Hà Nội. Bên cạnh đó, tác giả đã liệt kê bản danh sách lễ hội và các điệu múa đi kèm. Hơn nữa, các phần tiếp theo của chương, tác giả đi sâu phân tích về các hình thức thể hiện của múa dân gian với tính chất “múa biểu thị cho địa vị tôn quý của thần thánh, múa chầu, múa kể chuyện thần, thể hiện thần” - như tác giả đã tình bày. Bố cục của chương và cách trình bày các vấn đề có tính liên hoàn, gắn kết các cụm với nhau trong sự hợp lý đi từ cái chung đến cái riêng của nghệ thuật múa cổ Hà Nội. Từ đó, tạo cho người đọc dễ dàng cảm nhận và dễ hiểu hơn bởi sự mạch lạc trong cách trình bày các vấn đề.
- Các mục Môi trường tồn tại những điệu múa dân gian và mục Vai trò của múa trong lễ hội và phần Múa - phương tiện đa dạng của lễ hội. Ở các phần viết này, tác giả đã trình bày tốt, với lối viết ngắn gọn, xúc tích đã cho người đọc hiểu được ý nghĩa tích cực cũng như vai trò của lễ hội trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Đồng thời, cũng đã khái quát được vai trò và sự gắn kết của nghệ thuật múa với lễ hội dân gian. Từ những đặc điểm mang tính lý luận chung của lễ hội, tác giả đã khéo léo lồng ghép dẫn chứng tên lễ hội và một số điệu múa ở Hà Nội, như vậy vừa kết hợp đưa ra được tính lý luận, vừa nêu ra được tính thực tế của lễ hội Hà Nội.
- Trong phần thứ hai Nghệ thuật múa Hà Nội thời hiện đại, các tác giả đã tiếp thu, rút gọn nội dung và trình bày ngắn gọn, hợp lý hơn. Phần trình bày các công trình nghiên cứu về Nghệ thuật múa Thăng Long - Hà Nội đã giúp cho độc giả biết thêm thông tin và thấy được bề dầy của việc nghiên cứu về nghệ thuật múa Hà Nội.
Mặt khác xin được góp ý một số điểm sau:
Nên có chú thích chữa viết tắt ở trang đầu vì người đọc thuộc nhiều trình độ và nhiều ngành nghề khác nhau nên sẽ có những sự khúc mắc trong việc luận giải chữ viết tắt.
- Trong phần mục lục, ở phần thứ nhất thiếu chữ Chương Một
- Trang 183, phần viết về khoa múa trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội có nêu tên giáo viên Thanh Phong là không đúng. Đề nghị đổi là Nguyễn Hồng Phong.
- Cần soát lỗi vi tính.
Tóm lại, chúng tôi ủng hộ việc xuất bản công trình sách này nhân dịp Hà Nội 1000 năm tuổi. Công trình sách sẽ là dấu ấn của nền nghệ thuật múa nói chung cũng như nghệ thuật múa Hà Nội nói riêng. Đồng thời, là nguồn cung cấp cho độc giả những kiến thức, tư liệu về nghệ thuật múa cũng như cho họ hiểu thêm nữa về giá trị nghệ thuật múa Hà Nội.
|
|
ThS.NGƯT. Vũ Dương Dũng viết ngày 23/08/2011
- “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại” của nhóm tác giả - hội viên Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội - do PGS. TS. NSND Lê Ngọc Canh làm chủ biên là một công trình sách về nghệ thuật múa Hà Nội rất có ý nghĩa trong việc bảo tồn, phát triển và quảng bá nghệ thuật múa Hà Nội nói riêng, nghệ thuật múa Việt Nam nói chung. Đây là công trình sách chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà nhiều người đang mong chờ và chắc chắn sẽ được đón đọc một cách trân trọng.
- Với bố cục mạch lạc, chặt chẽ, cân đối, logic và nghiên cứu công phu các tác giả đã cho người đọc hiểu biết sâu sắc về nguồn gốc, môi trường nảy sinh, bản chất và những nét đặc trưng, những giá trị sáng tạo văn hoá múa của người Thượng Kinh, những giá trị văn hoá múa tồn tại và phát triển trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng, trong lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, cung đình hợp thành múa truyền thống của người Hà Nội. Đồng thời qua đó các tác giả cũng cho người đọc hiểu biết về nghệ thuật múa Hà Nội thời hiện đại thông qua Nghệ thuật múa chuyên nghiệp và không chuyên Hà Nội, Múa Hà Nội trong lễ hội hiện đại và thông qua những công trình nghiên cứu về Nghệ thuật múa ở Hà Nội.
- Cách hành văn mạch lạc, các dẫn chứng rất cụ thể, miêu tả các động tác múa, các điệu múa tỉ mỉ, dễ hiểu. Đặc biệt là phần hai đã rất cuốn hút và hấp dẫn người đọc.
- Phần phụ lục phong phú, rõ ràng và cần thiết.
- Đặc biệt là những ý kiến đóng góp cho bản thảo “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại” lần 1 của các thành viên Hội đồng nghiệm thu cũng như của đại diện Hội đồng Tư vấn KH và Ban Tư vấn chuyên môn ngày 22/06/2009 về cơ bản đã được nhóm tác giả tiếp thu và chỉnh sửa.
- Tuy nhiên:
+ Trong “Mô hình cách bài trí tượng trong chùa Việt” trang 98 có 04 chỗ đặt dấu hỏi trong ngoặc đơn. Các tác giả cần làm rõ ngụ ý.
+ Trong phần mô tả múa Lục cúng nên có thêm phần minh hoạ cho các tượng hình và hình: chữ Hương, chữ Hoa, chữ Hoa Hồi, chữ Đăng, chữ Thuỷ, chữ Vạn, chữ Điền giúp cho người đọc dễ hiểu, dễ hình dung.
+ Lỗi vi tính, lỗi kỹ thuật vẫn còn nhiều.
Đề nghị nhóm tác giả xem xét lại bản thảo, bổ sung, chỉnh sửa kỹ càng trước khi xuất bản để đảm bảo chất lượng của công trình sách.
|
|
GS. Vũ Khiêu viết ngày 23/08/2011
1. Bản thảo chưa nêu rõ được đặc trưng của múa Việt Nam trên cơ sở lý luận chung về nguồn gốc và phát triển của múa nhân loai.
2. Trừ các dân tộc thiểu số Việt Nam đều có múa dân gian mà mọi người tham gia trong các ngày vui, các lễ hội. Vì sao dân tộc Kinh không có loại múa này?
3. Cuốn sách có bài gần 30 trang viết về lịch sử Việt Nam liên quan với múa. Nhưng trong 30 trang này thì quá hai phần ba nói về lịch sử chung những điểm không gắn liền với lịch sử. Cần gạt bỏ những đoạn thừa chỉ giữ lại những giai đoạn lịch sử có những nhân tố tác động trực tiêp đến sự biến đổi ca múa mà thôi.
4. Ý kiến cá nhân của tôi là cuốn sách đã có sự tham gia của những nhà nghiên cứu về múa Việt Nam trong mấy chục năm nay. Tôi đề nghị ban chủ nhiệm nên khuyến khích các tác giả biên soạn lại và nâng cao để cuối cùng được in dù muộn hơn các tác phẩm khác.
|
|
TS.NSND. Ứng Duy Thịnh viết ngày 23/08/2011
+ Các tác giả đã tiếp thu ý kiến đóng góp của hội đồng và đã sửa chữa tương đối đầy đủ, sát thực.
+ Những vấn đề trong nội dung công trình có tính chuyên môn sâu, hữu ích đối với công chúng, đồng nghiệp. Đáp ứng được yêu cầu trong công tác nghiên cứu lý luận, công tác đào tạo trong các trường nghệ thuật chuyên nghiệp.
+ Là một công trình có tính quy mô, dung lượng lớn thông tin. Có thể khẳng định đây là nguồn tài liệu quý. Công trình sách chắc chắn góp phần khẳng định, gương mặt văn hóa Hà Nội nói chung và nghệ thuật múa Hà Nội nói riêng.
+ Bố cục công trình tương đối hợp lý, giúp người đọc tiếp nhận thông tin một cách hệ thống. Văn phong giản dị dễ hiểu.
+ Công trình “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại” coi như bước đầu mở ra một hướng nghiên cứu, tạo đà và cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo về nghệ thuật múa Hà Nội.
Tôi nghĩ rằng, nghệ thuật múa Hà Nội còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, phát hiện và khẳng định. Rất hoan nghênh nhóm tác giả đã tiên phong khi nghiên cứu công trình này.
+ Kết quả nghiên cứu đã làm rõ giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật múa Hà Nội trong tư duy, biểu hiện và cấu trúc. Nguồn tư liệu phong phú cùng những phân tích, chứng minh có sức thuyết phục, khẳng định được giá trị văn hóa giữa chung và riêng, đặc biệt có những định hướng tương đối phù hợp trước sự phát triển nghệ thuật múa Hà Nội trong đời sống hiện đại.
+ Tôi đánh giá cao kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả. Đề nghị hội đồng nghiệm thu.
|
|
TS.NSND. Ứng Duy Thịnh viết ngày 22/08/2011
Sau khi đọc bản thảo của đề tài “Nghệ thuật múa Hà Nội, truyền thống và hiện đại” do PGS.TS. NSND Lê Ngọc Canh chủ biên, chúng tôi có một số nhận xét sau:
1. Hiện nay các tác giả đã đổi tên cuốn sách là “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và đương đại”nhưng tôi vẫn thích tên cũ đó là “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại”, bởi vì khái niệm hiện đại ở đây theo tôi với không gian nghiên cứu sẽ được hiểu rộng hơn, một mặt những nội dung mà các tác giả nghiên cứu và đăng tải và chọn lọc, được coi là những giá trị của văn hoá múa Hà Nội.
2. Bố cục cuốn sách hợp lý, ngoài phần mở đầu “Tổng quan nghệ thuật múa Hà Nội, thì phần thứ nhất có tên gọi “Nghệ thuật múa truyền thống Hà Nội gồm 4 chương: Múa trong lễ hội; Múa tín ngưỡng tôn giáo; Múa sinh hoạt văn hoá cộng đồng; Múa sinh hoạt văn hoá cung đình. Phần thứ hai: “Nghệ thuật múa Hà Nội đương đại” gồm 5 chương: Múa trong lễ hội đương đại; Múa trong sinh hoạt văn hoá đương đại; Nghệ thuật múa không chuyên; Nghệ thuật múa chuyên nghiệp; Những vấn đề lý luận múa Hà Nội qua các công trình nghiên cứu và cuối cùng là phần “Tổng luận”. Bố cục cuốn sách hợp lý, các phần phản ánh được nội dung, văn phong giản dị, dễ hiểu. Những vấn đề đưa ra để nghiên cứu được sắp xếp trình tự giúp người đọc dễ theo rõi. Các phần, các tiết có liên quan dẫn dắt, gợi mở, tạo một chỉnh thể hợp lý.
3. Nội dung bản thảo phản ánh trung thực với bản đề cương chi tiết đã bảo vệ và được nghiệm thu ngày 27 tháng 03 năm 2008. Cùng với kết quả nghiên cứu thể hiện trong bản thảo, chứng tỏ nhóm tác giả đã có một thái độ lao động nghiêm túc, công phu và tinh thần trách nhiệm cao.
4. Nội dung công trình phong phú, phản ánh được nhiều chiều cạnh khác nhau, có dung lượng lớn cùng những bình giải sâu sắc và nhiều chứng minh có sức thuyết phục. Không gian nghiên cứu tương đối rộng, có một số phát hiện mới, đặc biệt công tác sưu tầm đã đạt được kết quả thiết thực. Tôi tin rằng, công trình “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại” sẽ hữu ích đối với bạn đọc và có sự đóng góp nhất định vào sự phát triển ngành múa Việt Nam nói chung và nghệ thuật múa Hà Nội nói riêng.
5. Tôi đánh giá cao phần thứ nhất có tiêu đề “Nghệ thuật múa truyền thống Hà Nội” gồm 4 chương từ trang 40 đến trang 186. Mặc dù còn trùng lặp ở một vài ý trong khi phân tích, nhưng các tác giả đã có công hệ thống những tư liệu điền dã và nghiên cứu. Với dung lượng lớn, cùng nhiều thông tin sẽ bổ ích cho công tác nghiên cứu sau này.
6. Quyển sách có sự tham gia của nhiều tác giả, vì thế cần soát xét, biên tập kỹ hơn, tránh lặp lại, có tính thống nhất cao hơn trong một số luận giải.
7. Xin góp một số ý kiến để nhóm tác giả tham khảo:
+ Trang 37, 38 các tác giả có nêu 4 đặc điểm tính cách nghệ thuật múa Hà Nội, tôi cho rằng vẫn chưa thực sự là tiêu biểu là đặc thù như mục đích đặt ra là đi tìm cái riêng của nghệ thuật múa Hà Nội. Giá trị ở chỗ là qua nghiên cứu cái riêng, cái đặc thù trong nghệ thuật múa sẽ được lộ diện bằng những chứng minh có cơ sở.
+ Trang 38 viết: “Hình thái múa cung đình ở kinh đô Thăng Long - Hà Nội không rõ nét…” và giải thích với 2 lý do: một là do triều vua Nguyễn không đóng đô ở Hà Nội, hai là vua chúa Việt Nam luôn có quan niệm: “xướng ca vô loài”. Chúng tôi cho rằng cách giải thích đó chưa thuyết phục. Bởi vì không thể căn cứ vào một triều đại nhà Nguyễn để định tính cho cả một nghìn năm.
+ Trang 170, 171 “Mục 2. chức năng múa cung đình” các tác giả chia làm 2 loại: múa lễ thức và múa tuỳ hứng. Múa Lễ thức được phân tích và dẫn chứng tương đối rõ. Còn múa tuỳ hứng chỉ bằng một vài ví dụ khi vua quan trong yến tiệc say sưa hứng khởi đứng lên múa mà coi là được tồn tại như một thể loại, theo tôi như vậy là khiên cưỡng.
+ Trang 175, “mục 2. Quan hệ giữa âm nhạc và múa”. Theo tôi nên đổi tên là “Quan hệ giữa múa và âm nhạc”. Bởi vì đối tượng nghiên cứu là nghệ thuật múa. Thứ nữa, nên chăng dùng cụm từ “cấp độ thứ nhất, cấp độ thứ hai…” thay vì hình thức thứ nhất, hình thức thứ hai, hoặc dạng thứ nhất, thứ hai…(mặc dù biết rằng các tác giả ý muốn nói lúc múa là chính, lúc múa chỉ là phụ hoạ…)
+ Từ trang 188 đến trang 199, tác giả trình bày “Múa trong lễ hội kỷ niệm 990 năm thăng Long - Hà Nội”. Nội dung gồm 11 trang khổ A4. Chủ yếu là miêu tả toàn bộ diễn biến lễ hội. Tôi nghĩ nên rút gọn hơn, hoặc bóc tách phần múa để phân tích, tránh khảo tả tỉ mỉ, lúc văn nói, lúc văn viết. Tương tự như vậy, trang 199 đến trang 208 bài “Múa trong lễ khai mạc đại hội thể dục thể thao Đông Nam Á” trình bày cũng cần được cô đọng hơn nữa.(vd – tr. 206). vv…có nghĩa là một số nội dung tiếp theo đề nghị tác giả cũng nên xem lại (thiết nghĩ những công trình lớn hiện nay đều có DVD lưu giữ, một tài liệu sinh động cả nội dung, tiếng và hình).
+ Còn rất nhiều lỗi vi tính, đề nghị cần biên tập kỹ trước khi xuất bản.
+ Cần kiểm tra lại tên tác giả, tác phẩm, các chức danh, danh hiệu, thống nhất cách dùng từ, các thuật ngữ nghề nghiệp vv…
+ Dưới góc nhìn của ngành, chúng tôi rất hoan nghênh công trình “Nghệ thuật múa Hà Nội, truyền thống và hiện đại” do PGS.TS.NSND Lê Ngọc Canh làm chủ biên. Tôi quan niệm rằng cuốn sách “Nghệ thuật múa Hà Nội, truyền thống và hiện đại” như là một ý kiến, sẽ mở ra hướng nghiên cứu cho các công trình tiếp theo, một đề tài lý thú vẫn rất cần sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.
Xin hoan nghênh và chúc mừng tập thể tác giả và nhà xuất bản sẽ có một đầu sách mới hữu ích.
|
|
NSND. Chu Thúy Quỳnh viết ngày 22/08/2011
Ở kỳ họp Hội đồng nghiệm thu ngày 27/3/2008 tôi đã có phát biểu và ghi lại những ý kiến đối với đề tài này.
Hôm nay tôi đã nhận được văn bản sửa chữa và hoàn thiện. Tôi đã đọc và xin được góp thêm một số ý kiến sau:
1. Về các chương mục - các phần
Nên ghi là: Phần mở đầu - phần I - II
Mỗi phần có các chương - mục.
Chương là chỉ cho nội dung chung từng phần, rồi đến từng mục: 1,2,3… của chương đó nói rõ từng thể loại.
- Nên đưa mục “Múa cung đình” lên trên phần “Múa trong sinh hoạt cộng đồng”.
2. Phần thứ 2: Nghệ thuật múa Hà Nội chương 5 ghi múa trong các lễ hội, không cần ghi hiện đại.
3. Trong chương 7: Nghệ thuật múa chuyên nghiệp Hà Nội.
Trang 261 phần giới thiệu một số đơn vị nghệ thuật múa trong các đoàn – Nhà hát tại Hà Nội.
- Xin ghi thêm (tr.262): Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Năm 1955 tiếp quản Hà Nội chính thức có tên “Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương” (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).
- Các nghệ sĩ tên tuổi của đoàn là: NSND Thái Ly, NSND. Chu Thúy Quỳnh, NSND. Trịnh Xuân Định, NGND. Phùng Hồng Quỳ, NSƯT. Hoàng Châu, NSƯT. Minh Hiến, NSND. Phùng Nhạn, NSƯT. Như Bình, NSƯT. Mạnh Hùng, NSƯT. Phan Hà, NSƯT. Lệ Cung, NSƯT. Anh Nghiêm, NSƯT. Lê Vân Quyên, Nghệ sĩ - nhà thơ Xuân Quỳnh, NSƯT. Tô Nguyệt Nga, NSƯT. Bùi Nguyệt Ánh, NSƯT. Danh Thân…
4. Trang 289, trong phần múa trong các lễ hội: xin được ghi thêm:
- “Chương trình lễ khai mạc - bế mạc Đại hội TDTT Đông Nam Á SEAGAME 22 – Tổng đạo diễn: NSND. Chu Thúy Quỳnh”.
- “Khai mạc Hội nghị APEC - ngày Hội Hữu nghị hòa bình quốc tế - Tổng đạo diễn: NSND. Chu Thúy Quỳnh”.
(trên đây là các chương trình lớn của Nhà nước).
5. Trang 354: Danh mục các Danh hiệu và giải thưởng: Đề nghị ghi tên các nghệ sĩ, tác giả là người Hà Nội đã hết lòng phục vụ và sáng tạo cho ngành múa cho Hà Nội mà họ chưa phải là hội viên Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội.
- Giải thưởng Nhà nước:
+ NSND. Phùng Thị Nhạn - nhóm tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh.
+ NSND. Chu Thúy Quỳnh
+ NSND. Ứng Duy Thịnh
+ NSND. Nguyễn Vũ Hoài
+ NSƯT. Tô Nguyệt Nga
+ NSƯT. Lê Huân
- Danh hiệu NSND:
+ NSND. Phùng Thị Nhạn
+ NSND. Chu Thúy Quỳnh
+ NSND. Ứng Duy Thịnh
+ NSND. Nguyễn Vũ Hoài
- Danh hiệu NSƯT
+ NSƯT. Tô Nguyệt Nga
+ NSƯT. Lê Huân
- Học vị Tiến sĩ:
+ Tiến sĩ Ứng Duy Thịnh
+ Tiến sĩ Tạ Duy Hiện
+ Tiến sĩ Phạm Anh Phương
6. Lễ khai mạc Đại hội TDTT Đông Nam Á trang 199 - 208 cuối nên ghi ekip thực hiện:
- Tổng đạo diễn: NSND. Chu Thúy Quỳnh - Biên đạo
- Phó Tổng đạo diễn: NSND. Ứng Duy Thịnh - Biên đạo
- Phó Tổng đạo diễn: NSND. Vũ Hoài - Nhóm kịch bản
- Các biên đạo và trợ lý: NSƯT. Trần Ngọc Hiển, NSƯT. Nguyễn Hữu Từ, NSƯT. Kiều Lê, NSƯT. Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Hồng Phong, Đinh Thu Hà, Tuyết Minh, Đắc Thọ, Quỳnh Lan,…
7. Các phần múa truyền thống nên để riêng thành phần gồm: Múa cổ - Múa truyền thống - Múa cung đình và… Vì vậy múa cung đình chuyển lên.
Tóm lại: Đề cương bản thảo thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” do GS.TS.NSND. Lê Ngọc Canh chủ biên tôi tán thành. Lần này đã đưa thêm một số chi tiết. Đề nghị tác giả và nhóm soạn thảo xem xét thêm những sự kiện, những chi tiết cho hoàn thiện.
Tôi hy vọng nhóm tác giả sẽ hoàn thiện cuốn sách với chất lượng cao để Tủ sách có thể trở thành một tư liệu quý giá trong ngành và xã hội, và là niềm tự hào về văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
|
|
ThS.NSND. Phạm Anh Phương viết ngày 22/08/2011
Với tư cách là người đọc, đồng thời là người được chỉ định phản biện công trình sách “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và đương đại”, trước hết tôi xin ghi nhận lòng nhiệt thành và tâm huyết của các tác giả viết công trình sách “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và đương đại” nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Về ưu điểm:
- Cuốn sách phần nào đã phác họa cho người đọc thấy được tổng thể về nghệ thuật múa của Thăng Long - Hà Nội trong mối quan hệ với môi trường, địa lý, lễ hội, tín ngưỡng cũng như sự tác động tương quan trong quá trình hình thành và phát triển.
- Các tác giả đã đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu các tư liệu, thư tịch, di vật lịch sử và những sự kiện lịch sử, văn hóa liên quan đến nghệ thuật múa của Thăng Long - Hà Nội (đặc biệt trong phần thứ nhất).
- Về cơ bản các chương, mục trong cuốn sách là hợp lý gắn với tiêu đề của cuốn sách.
Mặt khác, xin được góp ý một số điểm sau:
1. Giữa bố cục công trình sách (đề cương sau nghiệm thu được gửi kèm) so với nội dung của cuốn sách còn nhiều chỗ bị sai, sai về cách đánh số thứ tự, sai về cả tiêu đề của từng mục, tiết, làm cho người đọc không biết nên theo dõi cách nào. Đề nghị nhóm tác giả thống nhất và chỉnh lý lại.
2. Trong chương mở đầu - Tổng quan nghệ thuật múa Hà Nội, mục 4: Đặc điểm tính cách nghệ thuật múa Hà Nội. Phần viết này, tác giả nêu ra 5 đặc điểm múa Hà Nội (tr.37, 38) theo tôi cảm nhận đó cũng là những đặc điểm chung của múa dân gian người Việt Bắc Bộ. Như vậy sẽ làm cho người đọc cảm thấy bị khiên cưỡng và chung chung. Nếu như tác giả phân tích sâu sắc hơn và đưa ra dẫn chứng thuyết phục hơn về những nét đặc trưng riêng biệt và điển hình của múa Hà Nội, đặc biệt là những điệu múa chỉ có ở Hà Nội, hoặc là phân tích các điệu múa thể hiện nét văn hóa tinh tế, thanh lịch và hào hoa của Hà Nội. Như vậy, sẽ thuyết phục được độc giả.
3. Ở phần thứ nhất, chương 1, tiểu mục 1.2. (trong sách đánh số sai 2.1, tr.45): Môi trường tồn tại truyền thống của các điệu múa cổ và mục 3 (xem lại cách đánh số, tr.50) Vai trò của múa trong lễ hội và phần viết (chưa đánh số tiểu mục - tr.70 - Múa - phương tiện đa dụng của lễ hội). Ở các phần viết này tác giả đã trình bày rất tốt, với lối viết ngắn gọn, súc tích đã cho người đọc hiểu được ý nghĩa tích cực cũng như vai trò của lễ hội trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Đồng thời cũng đã khái quát được vai trò và sự gắn kết của nghệ thuật múa với lễ hội dân gian. Từ những đặc điểm mang tính lý luận chung của lễ hội, tác giả đã khéo léo lồng ghép dẫn chứng tên lễ hội và một số điệu múa ở Hà Nội, như vậy vừa kết hợp đưa ra được tính lý luận, vừa nêu ra được tính thực tế của lễ hội ở Hà Nội. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân tôi, tác giả nên chuyển hai tiểu mục và phần viết ở tr.70 như đã viết ở trên lên trước (thành 1.1 và 1.2), như vậy sẽ hợp lý hơn vì nội hàm của 3 phần viết này thể hiện tiêu đề của mục 1 - Lễ hội dân gian - Môi trường truyền thống của các điệu múa cổ.
Từ đó, chuyển xuống tiểu mục (1.1 - hiện có) - Múa dân gian trên đất Thăng Long - Hà Nội xuống thành mục 2. Trong phần này, tác giả đã đi sâu phân tích và khảo tả một số điệu múa dân gian của Hà Nội. Ngoài ra, tác giả đã liệt kê bản danh sách 42 lễ hội và các điệu múa đi kèm. Hơn nữa, các phần tiếp theo của chương, tác giả đi sâu phân tích về các hình thức thể hiện của múa dân gian với tính chất (múa biểu thị cho địa vị tôn quý của thần thánh, múa chầu, múa kể chuyện thần, thể hiện thần - như tác giả đã trình bày). Như vậy, bố cục của chương và cách trình bày các vấn đề sẽ liên hoàn hơn, gắn kết các cụm với nhau trong sự hợp lý đi từ cái chung đến cái riêng của nghệ thuật múa cổ Hà Nội. Từ đó tạo cho người đọc dễ dàng cảm nhận và dễ hiểu hơn bởi sự mạch lạc trong cách trình bày các vấn đề. Mặt khác, không cảm thấy bị lẫn lộn lúc thì phải tiếp cận với văn phong mang tính chất lý luận, lúc thì văn phong mang tính chất liệt kê và khảo tả, đồng thời cũng không cảm thấy bị nhắc đi nhắc lại về lễ hội cũng như một số điệu múa ở một số chỗ trong các phần viết.
4. Chương 2, (từ tr.74 đến tr.114), tác giả trình bày những vấn đề về mối quan hệ giữa nghệ thuật múa với tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, về hình thái múa tín ngưỡng, tôn giáo cũng như phân tích dẫn chứng múa hầu đồng. Những vấn đề đó là chính xác, nhưng hình như tác giả đã đi quá sâu và vô tình đã kéo người đọc vào một không gian khác với vấn đề riêng biệt của múa tín ngưỡng và tôn giáo, thiếu đi sự gắn kết với Hà Nội. Đành rằng ở Hà Nội cũng có những hình thái múa đó và cũng có múa hầu đồng. Do vậy, yêu cầu đặt ra cho tác giả là nghiên cứu cách trình bày sao vừa lồng ghép được những cái chung và cái riêng của các hình thái múa này trong một tổng thể mang tính lý luận chung cũng như những nét riêng của Hà Nội. Từ đó trình bày hệ thống các điệu múa theo hình thái này hiện có ở Hà Nội, ưu tiên đặc biệt việc liệt kê các điệu múa này hiện còn tồn tại ở địa danh nào, chùa, đền nào?
Theo ý kiến chủ quan của mình, xin góp ý tác giả xem xét lại, nên chăng cắt bỏ một số thông tin chuyên biệt và không cần thiết phải đi quá sâu, quá xa, đồng thời, lựa chọn đưa ra những thông tin ngắn gọn và đặc biệt cần lưu ý đến sự gắn kết với các vấn đề của nghệ thuật múa Hà Nội, đúng với tiêu đề của cuốn sách.
5. Chương 3 của cuốn sách - Múa trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nên chăng gộp vào phần viết của chương 1 - Múa trong lễ hội cổ truyền? Bởi lẽ, tác giả đưa ra một số vấn đề liên quan đến phần lễ hội, như vậy đã vô tình lặp lại. Hơn nữa phần giới thiệu một số điệu múa (4 điệu: múa Tứ linh; múa Gậy; múa Lễ Chữ; múa Giảo Long) phần viết giới thiệu múa cổ này rất chi tiết, là những tư liệu sống cho các thế hệ sau biết về múa cổ Hà Nội, nhưng phải chăng cũng nên đưa vào các phần viết ở chương 1, gộp vào các điệu múa biểu thị các sắc thái tinh thần như tác giả đã phân loại (múa trong lễ hội, múa biểu thị cho địa vị tôn quý của thần thánh, múa chầu, múa kể chuyện thần, thể hiện thần). Theo ý kiến chủ quan, như vậy sẽ gọn hơn, quy vào các đầu mục mà tác giả đã đặt ra kết hợp với việc giới thiệu các điệu múa mang tính chất đó, đồng thời nội hàm của chúng cũng chính là múa trong sinh hoạt cộng đồng.
6. Phần viết Múa trong múa Rối, thiết nghĩ giá như tác giả lý giải tại sao lại gọi là “múa Rối”, thuật ngữ múa và Rối kết hợp lại thành múa Rối. thêm nuữa, phân tích hoặc dẫn chứng một số luật động múa dân gian đơn giản được sử dụng trong các trò Rối sẽ làm cho phần viết này phong phú và có giá trị hơn.
7. Trong phần thứ hai Nghệ thuật múa Hà Nội thời hiện đại, chúng tôi không thấy tác giả đánh số mục, tiểu mục, nên chăng cách đánh số phải mang tính thống nhất trong toàn bộ cuốn sách.
Trong chương 5, phần viết Múa trong lễ hội kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội (tr.188 - 199) xin gợi ý nên cô đọng hơn nữa trong việc miêu tả, kể chuyện lại về nội dung của chương trình nghệ thuật diễn ra. Bù vào đó, tác giả nên phân tích kỹ hơn về hình thức thể hiện của nghệ thuật múa thời hiện đại như: sự phát triển của ngôn ngữ múa, thủ pháp nghệ thuật, bố cục chương trình… Bên cạnh đó, có thể so sánh với nghệ thuật múa cổ Hà Nội để cho người đọc sơ lược hiểu được sự phát triển của nghệ thuật múa Hà Nội trên góc nhìn của nghệ thuật múa, đồng thời đó cũng là sợi chỉ xuyên suốt nối liền truyền thống và hiện đại.
Cũng trong chương này, phần viết Múa trong ngày hội các dân tộc Tây Bắc, theo tôi là không cần thiết đưa vào nội dung của cuốn sách này, bởi lẽ sự kiện văn hóa này không liên quan đến nghệ thuật múa Hà Nội, chẳng qua chỉ là được tổ chức tại Hà Nội mà thôi.
8. Xin gợi ý tác giả nên đổi tên của chương 6 (tr.232 - 254) Nghệ thuật múa không chuyên Hà Nội thành Phong trào nghệ thuật múa quần chúng của Hà Nội.
9. Trong phần giới thiệu tên tuổi của các nhà nghiên cứu, các NSND, NSƯT, là sự tôn vinh tài năng và những đóng góp của các nghệ sĩ múa cũng như các nhà nghiên cứu múa, đó là vấn đề cần đề cập tới trong công trình sách này. Song, tôi không hiểu dựa trên tiêu chí nào tác giả nêu danh sách tên tuổi các cá nhân vào bản liệt kê. Tiêu chí là người sinh ra ở Hà Nội? Người có quê quán ở Hà Nội? Hay là người có danh sách là hội viên Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội? Vậy, đề nghị tác giả làm rõ tiêu chí lựa chọn và liệt kê danh sách tên tuổi sao cho đầy đủ và chính xác hơn (tránh bỏ sót).
10. Phần trình bày các công trình nghiên cứu về nghệ thuật múa Thăng Long - Hà Nội, cũng là việc cần điểm ra cho độc giả biết thêm thông tin và thấy được bề dày của việc nghiên cứu về nghệ thuật múa Hà Nội. Tuy nhiên, cũng chỉ nên dừng ở việc điểm ra mang tính chất thống kê và kèm theo một vài dòng mang tính chất giới thiệu tổng quan của mỗi công trình hoặc cuốn sách mà thôi, không nên sa đà vào tóm lược từng chương chi tiết cụ thể của công trình hoặc cuốn sách đó. Nếu người đọc cần biết sâu thì họ tự đi tìm để đọc thì hơn.
Trên đây, tôi xin thành thực đưa ra một số điểm góp ý cho tác giả của công trình sách, mong rằng các tác giả xem xét và nghiên cứu thêm nhằm mục đích hoàn thiện hơn công trình sách này. Và tôi ủng hộ việc xuất bản công trình sách này nhân dịp Hà Nội 1000 năm tuổi. Công trình sách sẽ là dấu ấn của nền nghệ thuật múa nói chung cũng như nghệ thuật múa Hà Nội nói riêng. Đồng thời, là nguồn cung cấp cho độc giả những kiến thức, tư liệu về nghệ thuật múa cũng như cho họ hiểu thêm nữa về giá trị nghệ thuật múa Hà Nội.
|
|
ThS.NGƯT. Vũ Dương Dũng viết ngày 22/08/2011
- “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và đương đại” của nhóm tác giả - hội viên Hội nghệ sĩ múa Hà Nội – do PGS. TS. NSND Lê Ngọc Canh làm chủ biên là một công trình sách về Nghệ thuật múa Hà Nội rất có ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát triển Nghệ thuật múa Hà Nội nói riêng, Nghệ thuật múa Việt Nam nói chung. Đây là công trình sách chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà nhiều người đang mong chờ và chắc chắn sẽ được đón đọc một cách trân trọng.
- Với bố cục mạch lạc, chặt chẽ, cân đối, logic và nghiên cứu công phu các tác giả đã cho người đọc hiểu biết sâu sắc về nguồn gốc, môi trường nảy sinh, bản chất và những nét đặc trưng, những giá trị sáng tạo văn hoá múa của người Thượng Kinh, những giá trị văn hoá múa tồn tại và phát triển trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng, trong lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, cung đình hợp thành múa truyền thống của người Hà Nội. Đồng thời qua đó các tác giả cũng cho người đọc hiểu biết về Nghệ thuật múa Hà Nội thời hiện đại thông qua Nghệ thuật múa chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp Hà Nội, Múa Hà Nội trong lễ hội hiện đại và thông qua những công trình nghiên cứu về Nghệ thuật múa Hà Nội.
- Cách hành văn mạch lạc, các dẫn chứng rất cụ thể, miêu tả các động tác múa, các điệu múa tỉ mỉ, dễ hiểu. Đặc biệt là phần hai đã rất cuốn hút người nhận xét. Phần phụ lục cũng phong phú và cần thiết.
- Tuy nhiên, để công trình sách được hoàn thiện hơn, các tác giả cần bổ sung, chỉnh sửa một số điểm sau đây:
+ Cần thống nhất tên của công trình sách. Ngoài bìa sách viết “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và đương đại“ nhưng ở phần lời nói đầu (trang 3) tác giả lại viết “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại”.
+ Đề mục chưa rõ ràng. Chương II đánh nhầm đề mục, cần bỏ hết các số 2 ở đầu các mục. Các chương III, IV, V, VI, VII và phụ lục nên đánh số vào các đề mục cho rõ ràng.
+ Một số chỗ câu văn còn lủng củng, khó hiểu. Đặc biệt là ở Phần mở đầu.
+ Một số chỗ chưa chuẩn:
-> Phông chữ ở chương IV - chỗ nghiêng, chỗ đậm.
-> Dùng từ ở trang 193
-> Trích dẫn năm ở trang 12
-> Miêu tả động tác múa ở phần múa Hầu đồng, múa Mồi kép, múa Bài bông.
-> Tên một số nghệ sĩ múa, danh hiệu.
-> Kết luận hay Tiểu kết (chương VI)…
+ Lỗi chính tả, lỗi đánh vi tính quá nhiều.
(Tất cả những lỗi trên người nhận xét đã đánh dấu và sửa ngay trên bản thảo).
Mặc dù vậy nội dung của công trình sách “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và đương đại” vẫn là điều cốt lõi. Tôi hoàn toàn nhất trí nghiệm thu.
Tôi rất cảm phục và xin chúc mừng nhóm tác giả!
|
|
TS.NSND. Ứng Duy Thịnh viết ngày 21/08/2011
Sau khi đọc và đối chiếu đề cương cũ và đề cương đã sửa chữa đề tài “Nghệ thuật múa Hà Nội, truyền thống và hiện đại” do PGS.TS.NSND Lê Ngọc Canh chủ biên, chúng tôi có một số nhận xét sau:
1. Bố cục hợp lý, có tính Logic, hệ thống
2. Những nội dung mà nhóm tác giả đưa ra để giải quyết đã tạo một lộ trình hợp lý, dẫn dắt người đọc tiếp thu có trình tự, từ xa đến gần, từ cái chung đến cái riêng, từ khái quát đến cụ thể.
3. Những vẫn đề có nội dung riêng biệt nhưng đều có quan hệ với nhau chặt chẽ, tạo nên một chỉnh thể tương đối ổn định.
4. Nội dung công trình phong phú, phản ánh được nhiều chiều cạnh khác nhau, hy vọng có những vấn đề nhóm tác giả sẽ được bình giải sâu sắc, chắc chắn đề tài sẽ hữu ích. Với nội dung phong phú, không gian được miêu tả có tầm khái quát rộng, cùng những phát hiện mới hy vọng sẽ mang lại giá trị thiết thực, đặc biệt còn có ý nghĩa như một đóng góp mới đối với sự phát triển của ngành múa Việt Nam nói chung và nghệ thuật múa Hà Nội nói riêng.
5. Khi đọc đề cương chỉnh sửa, chúng tôi thấy nhóm tác giả đã tiếp thu ý kiến đóng góp nghiêm túc, đầy đủ, đã bổ sung cùng những thay đổi tương đối hoàn chỉnh, đủ điều kiện để tiến hành các bước tiếp theo.
Kết luận:
Dưới góc nhìn của ngành, chúng tôi rất hoan nghênh công trình “Nghệ thuật múa Hà Nội, truyền thống và hiện đại” do PGS.TS.NSND Lê Ngọc Canh làm chủ biên. Đồng ý những nội dung mà đề tài đã đặt ra và sẽ giải quyết. Xin chúc mừng tập thể tác giả và Nhà xuất bản.
|
|
ThS.NGƯT. Vũ Dương Dũng viết ngày 21/08/2011
1. Đây là một công trình sách về Nghệ thuật Múa Hà Nội mang tầm quốc gia có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Múa của Hà Nội nói riêng, của cả nước nói chung, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nhằm hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Do vậy, việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và xuất bản cuốn sách này là cấp thiết và mang tính khả thi cao.
2. Bố cục công trình sách bao gồm:
- Phần mở đầu: Tổng quan Nghệ thuật múa Hà Nội
- Phần thứ nhất: Nghệ thuật Múa truyền thống Hà Nội được trình bày trong 4 chương.
- Phần thứ hai: Nghệ thuật Múa Hà Nội đương đại được trình bày trong 5 chương.
- Phần tổng luận
- Phần phụ lục
Bố cục công trình sách đã được các tác giả chỉnh sửa sau khi tiếp thu có chọn lọc ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng nghiệm thu ngày 27/3/2008.
- Thay đổi tên công trình sách
- Nêu rõ đặc điểm chung và riêng của Nghệ thuật Múa Hà nội
- Bổ sung thêm phần giới thiệu, giải thích ở một số chương mục
- Xác định phần tổng luận…
Do đó, những vẫn đề dự kiến được viết trong cuốn sách này hợp lý hơn, rõ ràng hơn tạo nên bố cục cuốn sách chặt chẽ, logich và dễ hiểu.
3. Bố cục công trình sách Nghệ thuật Múa Hà Nội truyền thống và đương đại đã được hoàn thiện.
Đề nghị tiến hành biên soạn.
|
|
TS.NSND. Ứng Duy Thịnh viết ngày 19/08/2011
- Những vấn đề đặt ra ở phần đề cương là thiết thực, có tính chuyên môn sâu, hứa hẹn một đầu sách tốt.
- Đây là công trình có quy mô, dung lượng lớn. Những vấn đề đặt ra có ý nghĩâ quan trọng, là điều kiện làm rõ diện mạo, phẩm chất nghệ thuật múa Hà Nội. Nếu thực hiện tốt sẽ là nguồn tư liệu quý trong nghiên cứu lịch sử múa Hà Nội xưa và nay. Công trình là một đóng góp, bổ sung quan trọng đối với văn hóa nói chung và lịch sử múa Việt Nam nói riêng.
- Cơ bản bố cục công trình là hợp lý, có tính logic, giúp người đọc thuận lợi trong việc tiếp nhận thông tin một cách trình tự.
- Công trình “Nghệ thuật múa Hà Nội trưyền thống và hiện đại” mở một hướng nghiên cứu tạo đà cho những nghiên cứu tiếp theo nhằm bổ sung, làm giàu và rõ hơn nghệ thuật múa Hà Nội.
- Chương mở đầu (chương mở đầu nên thay là phần mở đầu để tương ứng với các phần sau) “Tổng quan nghệ thuật múa Hà Nội” là cần thiết, giúp cho người đọc nhận thức cơ bản để tiếp nhận những thông tin của các chương đầu, vì thế nội dung các phần tiếp theo phải thật “Hà Nội”.
Trong chương mở đầu, mục 3.3 “Tính cách người Hà Nội”, các tác giả đã đưa ra hai tính cách tiêu biểu, đó là: Hào hoa và thanh lịch. Vậy hai tính cách đó có liên quan đến múa “Hà Nội” hay không? Nếu liên quan thì có trong điệu múa nào? Truyền thống hay hiện đại? Có những tính cách là đặc điểm chung của múa người Việt, nhưng cái ta cần tìm ở công trình sách là làm rõ đặc điểm riêng của múa Hà Nội. Đó chính là một trong những giá trị của công trình. Rất mong các tác giả lưu tâm thêm ý tôi vừa nêu.
- Phần thứ nhất: “Nghệ thuật múa truyền thống Hà Nội”, chương I: “Múa trong lễ hội”, các tác giả đã nêu vấn đề rõ múa trong các lễ hội có địa danh cụ thể như: Lễ hội Thăng Long; lễ hội Thánh Gióng làng Phù Đổng; lễ hội làng Lệ Mật; làng Triều Khúc; làng Nhân Chính; làng Đồng Nhân… Vì vậy trong các chương II, chương III, chương IV nên chăng khi mô tả múa tín ngưỡng tôn giáo; múa sinh hoạt văn hóa cộng đồng, múa sinh hoạt văn hóa cung đình, các tác giả khi trình bày cũng cần giới hạn trong không gian địa văn hóa Hà Nội… có nghĩa là trong quá trình phân tích các hình thái múa cũng cần làm rõ đặc điểm riêng, đặc điểm độc đáo của múa Hà Nội, một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước.
- Phần thứ hai, chương 3 và chương 4 có đề cập đến “múa không chuyên” và “múa chuyên nghiệp”, nên chăng trước khi đi vào nội dung, tác giả cần làm rõ hai khái niệm “chuyên nghiệp” và “không chuyên” làm cơ sở lý luận để người đọc dễ tiếp nhận những nội dung tiếp theo.
- Phần thứ hai, chương 4, mục 4.4 với tiêu đề “Các tác phẩm múa về đề tài Thăng Long - Hà Nội”. Nên chăng khi đưa các tác phẩm vào sách cũng cần có sự chọn lọc căn cứ vào hai tiêu chí: Chủ đề, nội dung và giá trị nghệ thuật.
Kết luận:
Tôi đánh giá cao công trình sách “Nghệ thuật múa truyền thống và hiện đại”. Mặc dù mới chỉ là đề cương nhưng hứa hẹn một đầu sách có giá trị tốt.
|
|
ThS.NGƯT. Vũ Dương Dũng viết ngày 19/08/2011
1. Đây là một công trình sách về nghệ thuật múa Hà Nội đồ sộ mang tầm quốc gia có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa của Hà Nội nói riêng, của cả nước nói chung lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nhằm hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Do vậy, việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và xuất bản cuốn sách này là vô cùng cấp thiết và mang tính khả thi cao.
2. Đề cương cuốn sách bao gồm: Mở đầu, phần thứ nhất (4 chương), phần thứ hai (5 chương), kết luận và và phụ lục.
Những vấn đề dự kiến viết trong cuốn sách này có đủ cả chiều sâu, chiều rộng, chi tiết, hợp lý, phần trước gắn kết với phần sau tạo nên một bố cục chặt chẽ, logic, rõ ràng và dễ hiểu.
3. Tuy nhiên đề cương cần được bổ sung và chỉnh sửa đôi chỗ cho hoàn thiện hơn.
+ Bố cục của sách là hợp lý, xong chương mở đầu nên đặt là Phần mở đầu.
+ Mục 1.4 của phần mở đầu: Nghệ thuật múa được nghiên cứu thông qua hiện vật lịch sử cho nên thay vào mục Khảo cổ là Di vật khảo cổ hay Cổ vật.
+ Mục 2.1 của phần mở đầu “Môi trường tự nhiên Thăng Long - Hà Nội” - Môi trường để nghệ thuật múa nảy sinh vô cùng rộng lớn. Tác giả đã dự kiến nghiên cứu những yếu tố chủ yếu như sông ngòi, ao hồ, khí hậu, phân bố dân cư, xong cần nghiên cứu thêm cả yếu tố địa hình, bởi địa hình rộng hay hẹp, cao hay thấp cũng ảnh hưởng nhiều đến sự nảy sinh động tác múa, hơn nữa lại phù hợp với “không gian lao động” ở mục 2.2 của phần mở đầu “Môi trường lao động Thăng Long - Hà Nội”.
+ Mục 2.3 phần mở đầu: “Môi trường văn hoá” cần nghiên cứu riêng mục Tín ngưỡng bởi tín ngưỡng có ảnh hưởng lớn đến tính cách của con người và cũng liên quan đến mục 3.1 của phần mở đầu và chương 2 của phần thứ nhất “Múa tín ngưỡng, tôn giáo”.
+ Trong các chương của phần thứ nhất và phần thứ hai cần thêm phần Đặc điểm của Múa. Có thể đặt ở sau vai trò hoặc lồng ghép vào thành một mục Vai trò và đặc điểm…
+ Nên chăng nghiên cứu thêm cả công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa Thăng Long - Hà Nội - những ưu điểm, tồn tại và đưa ra những định hướng trong công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa Thăng Long - Hà Nội.
Trên đây là những ý kiến đóng góp chủ quan mang tính tham khảo mà người nhận xét đề cương mạo muội đưa ra với mong muốn làm cho cuốn sách được hoàn thiện hơn. Có vấn đề gì chưa phải xin được lượng thứ.
|
|
NSND. Lê Ngọc Cường viết ngày 19/08/2011
Ghi nhận và đánh giá cao lòng say mê nhiệt tình của tác giả. Đây mới là đề cương nên chưa thể có nhân xét gì sâu sắc. Tuy nhiên qua bản đề cương chi tiết tôi mạnh dạn có một số nhận xét như sau:
1. Tác giả cần xem lại tên tiêu đề của công trình, nếu gọi “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại” nghe chưa ổn.
Tại sao lại nói nghệ thuật múa Hà Nội? “Múa Hà Nội” là múa cái gì? (rất tối nghĩa). Thông thường người ta nói: “Múa dân gian, múa hiện đại” không ai nói “Múa Hà Nội”. Vì vậy tiêu đề phải là: “Nghệ thuật múa truyền thống và đương đại của Hà Nội”.
2. Bố cục các chương, các tiêu đề mục chưa hợp lý, ôm đồm nhiều nội dung không cần thiết, không tập trung vào nội dung chính của công trình, sa đà vào các vấn đề văn hoá nói chung, không cần thiết, đã có nhiều sách của nhiều tác giả đã xuất bản.
- Theo tôi công trình này chỉ tập trung giới thiệu “Quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật múa truyền thống và đương đại của Hà Nội xưa và nay”. Những vấn đề về văn hoá, địa lý, môi trường tự nhiên như: sông, ngòi, ao hồ, khí hậu, phong tục tập quán, đính ước, hương ước, làng xã, gia đình, họ tộc v.v… chỉ nên tóm lược một vài nét quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành, phát triển nghệ thuật múa của Hà Nội nếu không sẽ rơi vào sự sao chép các công trình đã có.
3. Tại mục 4 (trang 2) tác giả có ý định viết về 5 đặc điểm tính cách nghệ thuật múa Hà Nội bao gồm:
4.1. Mềm mại uyển chuyển
4.2. Giàu tính cách điệu
4.3. Giàu tính thẩm mỹ
4.4. Phong phú thể loại
4.5. Đa dạng tính cách
Cả 5 đặc điểm này đều là những đặc điểm chung của nghệ thuật múa Việt Nam, không thấy có gì là đặc điểm riêng của Hà Nội.
4. Tại chương 2 (trang 3): Múa tín ngưỡng tôn giáo
Nội dung cả chương 2 cũng là những vấn đề chung trong mối quan hệ giữa nghệ thuật múa với tín ngưỡng và tôn giáo, không có gì mới và riêng biệt của Hà Nội.
5. Tha thiết đề nghị tác giả cân nhắc kỹ, không nên ôm đồm, tham vọng nhồi nhét nhiều thứ “biết rồi - khổ lắm - nói mãi”.
Một công trình phải có phát hiện gì mới cho độc giả, nếu không sẽ chẳng có giá trị.
|
|
TS. Phạm Anh Phương viết ngày 19/08/2011
Sau khi nghiên cứu đề cương chi tiết đề tài “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại”, PGS.TS.NSND. Lê Ngọc Canh chủ biên chúng tôi xin nhận xét như sau:
1. Đây là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, có cái nhìn tổng thể toàn diện. Tác giả đã xây dựng đề cương có hệ thống, mang tính tổng hợp cao. Công trình sách giới thiệu cho độc giả không chỉ về nghệ thuật múa Hà Nội mà còn giới thiệu những vấn đề liên quan như:
- Môi trường
- Văn hoá
- Tôn giáo
- Nghệ thuật
Bố cục của đề cương được chia làm bốn phần (chương mở đầu, phần thứ nhất, phần thứ hai và phần kết luận) là hợp lý.
Các chương trong từng phần và các mục trong từng chương được xây dựng trong một bố cục logic, những vấn đề văn hoá - nghệ thuật - xã hội có mối liên hệ mật thiết với nhau trên một cái nhìn tổng thể chung của Vùng văn hoá Hà Nội.
2. Sự đồ sộ của công trình sách được nhìn nhận trên phương diện về nghệ thuật múa, khi tác giả đã đặt vấn đề về nguồn gốc nghệ thuật múa và những tác động đến sự phát triển của nó từ truyền thống đến hiện đại như: môi trường tự nhiên, lao động, văn hoá, xã hội…
Tác giả đã nêu được vai trò và mối quan hệ của nghệ thuật múa Hà Nội trong những không gian văn hoá khác nhau từ xa xưa cho đến hiện tại với những hình thức biểu diễn múa khác nhau của nghệ thuật không chuyên và chuyên nghiệp.
3. Từ các điệu múa cổ truyền tác giả đưa ra được những đặc trưng tiêu biểu của tính cách nghệ thuật múa Hà Nội giúp cho việc kế thừa và phát triển nghệ thuật múa Hà Nội trong thời đại ngày nay.
Sự phân loại các điệu múa Hà Nội dựa trên các thể loại múa (múa trong lễ hội, múa tín ngưỡng tôn giáo, múa sinh hoạt văn hoá cộng đồng, múa sinh hoạt văn hoá cung đình) đã giúp cho độc giả dễ hình dung và nhìn nhận một cách có hệ thống hơn.
Đồng thời, tác giả đã nêu được các vấn đề về đào tạo múa, giới thiệu những công trình lý luận về nghệ thuật múa Hà Nội cùng với sự phát triển của nó. Ngoài ra, tác giả đã giới thiệu một số tác phẩm về đề tài Thăng Long Hà Nội thông qua các vở kịch múa điều đó đã nói lên được sự phát triển của nghệ thuật múa Hà Nội trong hình thức nghệ thuật đỉnh cao.
4. Tóm lại, cuốn sách này sẽ mang đến cho độc giả hiểu biết sâu sắc về những giá trị văn hoá Vùng Hà Nội nói chung và nghệ thuật múa Hà Nội nói riêng. Đồng thời là cuốn sách quý góp phần vào Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” và là một món quà có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
*Xin góp ý: Chương mở đầu nên thay là Phần mở đầu để đồng bộ hơn với bốn phần (phần mở đầu, phần thứ nhất, phần thứ hai và phần kết luận) để tránh nhầm lẫn giữa các Phần và Chương của từng phần.
|