|
PGS.TS. Trần Lâm Biền viết ngày 25/08/2011
Đây là lần thứ hai tác giả đưa công trình ra thông qua hội đồng. So với lần thứ nhất, phần viết này có cẩn thận hơn, bớt đi được nhiều sai sót về lỗi chính tả, về một số nhận thức chủ quan, với bố cục có phần áp đặt. Tuy nhiên phần nào cách viết của tác giả vẫn còn nặng tính chất giới thiệu tư liệu, chưa đủ sức dẫn người đọc đi tới chỗ hiểu cặn kẽ về tranh Hàng Trống.
Về hình thức, không thể chối cãi được rằng: Tranh Hàng Trống bắt nguồn gần gũi từ tranh Tàu, gần với tích Tàu, và như một sao chép y nguyên từ mẫu gốc. Điều đó rất khó có thể tạo nên những thiện cảm cho những người vốn yêu quý văn hóa nghệ thuật truyền thống và những người có tinh thần yêu nước đơn thuần. Nhưng tranh Hàng Trống thực tế đã tồn tại như một sự kiện lịch sử, dù muốn hay không, nó vẫn cần được nghiên cứu và giải thích sao cho càng cặn kẽ càng tốt, trên một số vấn đề sau:
- Hoàn cảnh ra đời của tranh Hàng Trống (hoàn cảnh và điều kiện xã hội; sự xuất hiện của nó là một tất yếu của lịch sử, là yêu cầu của thị dân đương thời hay thành phần nào nữa).
- Cần có phần so sánh và cả đối sánh với các làng tranh khác (cái chung, cái riêng).
- Cần chú ý thêm đến việc giải mã nó. Vì gắn với mỹ thuật nên cần nói rõ nó đẹp xấu ở đâu, bố cục, màu sắc, thích hợp với không gian trưng bày và tâm hồn nào. Mặt khác, cũng phải nói tới ý nghĩa đằng sau bức tranh, không chỉ dừng lại ở nội dung sự tích như đã viết. Nếu quan tâm tới cách viết (mà theo tôi, hoặc không theo) gợi mở, giải thích cho người đọc theo ba bước: Hiển - Mật - Dụng. Có nghĩa là cần phải giới thiệu (hình thức) những nét cơ bản (không phải mô tả tràn lan) của người trong nghề về bức tranh. Điểm thứ hai là giải mã những ẩn ý đằng sau bức tranh, tất nhiên cả ý nghĩa đằng sau sự tích. Điểm thứ ba cần phải quan tâm tới vai trò của nó trong thực tế lịch sử và xã hội đương thời, cũng cần nói một chút về hệ quả, tác dụng của nó, mà chúng ra có thể rút ra được cho hiện tại, ít nhất là ở nghề nghiệp.
Mặt khác, để tránh đi sự mất thiện cảm (có thể) của người đọc, thì nên sắp xếp lại bộ tranh, phần một gồm tranh thuần Việt về hoạt cảnh dân gian, tôn vinh anh hùng dân tộc, thần linh tín ngưỡng dân tộc, phần hai gồm tranh nửa Việt nửa Tàu và tranh hoàn toàn theo mẫu Tàu…
Nhìn chung đây là một công trình sưu tầm công phu và có chủ đích của tác giả. Điều này rất đáng trân trọng. Về cơ bản tôi tán thành công trình này sớm được in thành sách để giới thiệu với bạn đọc.
|
|
PGS.TS. Đỗ Thị Hảo viết ngày 25/08/2011
Bản thảo “Tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội” của tác giả Phan Ngọc Khuê được đóng thành 5 tập, tập đầu từ trang 1 đến trang 118 là phần giới thiệu và nghiên cứu. 4 tập sau là công bố các bức tranh Hàng Trống có chú thích rõ ràng đầy đủ nội dung tranh.
Về 4 tập giới thiệu tranh tôi cho như thế là tốt. Tác giả đã thực hiện được ý tưởng và mục đích đặt ra như trong lời nói đầu của mình. Đối với tập 1 sau khi đọc kỹ tôi xin được có bài nhận xét nhỏ như sau:
1. Về bố cục cuốn sách, tác giả Phan Ngọc Khuê đã tiếp thu được ý kiến đóng góp của Hội đồng nghiệm thu lần thứ nhất, vì vậy kết cấu các đề mục và các chương hợp lý và đầy đủ.
2. Đối với nội dung tập 1 là phần cơ bản, phần cốt lõi để khẳng định cái tầm của cuốn sách, đây là sách nghiên cứu, không phải là sách công bố tư liệu. Trong tập 1 ưu điểm nổi bật của tác giả là sưu tầm được nhiều tư liệu quý hiếm. Vì là họa sĩ nên tác giả không chỉ hiểu rõ về dòng tranh Hàng Trống mà còn biết rất cặn kẽ về dòng tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng. Điều này giúp cho nội dung tập 1 càng trở nên đặc sắc và hấp dẫn hơn…
Nhìn chung với vốn hiểu biết và tư liệu phong phú như đã nêu, tác giả dư sức để viết một cuốn sách có giá trị và rất hay.
Tuy nhiên tập 1 của bản thảo theo tôi còn một số tồn tại sau:
1. Câu văn viết không chuẩn, rất nhiều câu què, cụt… theo lối văn nói (tôi đã đánh dấu cụ thể trong bản thảo).
2. Tác giả quá lạm dụng dấu hai chấm (:), vì thế biến phần viết này thành công bố tư liệu chứ không phải là sách nghiên cứu. Đó là chưa kể câu rất dài với lối tư duy miên man làm giảm giá trị nội dung của cuốn sách và người đọc không biết tác giả muốn diễn đạt ý gì.
3. Tên các tiểu mục không rõ ràng. Giữa những nội dung khác nhau không có những câu chuyển tiếp vì thế các phần viết trở nên rời rạc và không có gì liên kết mang tính nhất quán.
Để cuốn sách được hay hơn và đáp ứng được yêu cầu của độc giả tôi đề nghị Ban biên tập phối hợp với tác giả rà soát lại những câu chữ, cách diễn đạt, làm sao để tác phẩm không chỉ là công bố tư liệu.
|
|
Bà Nguyễn Thị Hải Yến viết ngày 25/08/2011
I ) Phần mở đầu: Đầy đủ
II) Phần tổng luận:
1. Sự hình thành và phát triển của tranh dân gian hàng trống Hà Nội:
Trang 16: Trên dòng: Hiệu tranh Vũ Hải nên có một vài dòng khẳng định các hiệu tranh ra đời tại Hà Nội đầu TK 20 là một hiện tượng đặc biệt, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc hơn là ảnh hưởng tôn giáo tín ngưỡng. Ý nghĩa xã hội của tờ tranh Hàng Trống rất rõ, tác giả Phan Ngọc Khuê cũng đã đề cập ở trang 12, 13 (cuối trang 12 đầu trang 13) nên phát huy thêm ý này không nên nhấn mạnh quá vào ý nghĩa tôn giáo.
2. Đặc điểm kỹ thuật và hình thức tranh dân gian Hàng Trống: Phần này viết rõ ràng, khoa học.
3. Nội dung tranh dân gian Hàng Trống
A) Tranh Tôn giáo: Phần này hết sức quan trọng trong nhận thức tranh dân gian hàng Trống. Tác giả đã đề cập một cách khoa học, tách bạch các dòng tranh tôn giáo: Bảo hộ gia trạch, đạo Giáo, Phật giáo, Chư vị thánh Mẫu.
Đặt dòng tranh Bảo hộ Gia Trạch lên đầu tiên là đúng theo quan niệm của nhiều nhà nghiên cứu khi nghĩ về tranh hàng Trống trong khuôn khổ tâm thức người Việt (đại chúng rộng rãi) đó là loại tranh Chủ. Có thể coi loại tranh này là điểm chung ngẫu nhiên quan niệm của người bình dân - thành thị - Nếu vậy tác giả nên viết kỹ hơn sự giao thoa hai ý thức hệ tuy đối kháng nông thôn - thành thị nhưng lại gặp nhau trong nghi lễ tổ tiên. Một phần cũng giúp công chúng biết thêm tranh tôn giáo Bảo hộ gia trạch cả Đông Hồ - Hàng Trống đều có những nét tương đồng.
Trang 67 tác giả có viết tranh Hương chủ là của người nghèo vậy giải thích thế nào khi loại tranh này cũng có mặt trong bàn thờ gia tiên của người thành thị.
B) Tranh đạo giáo, phật giáo, chư vị thánh mẫu: Phần này viết tốt, đầy đủ, gọn.
Phần tranh chơi, thế sự:
Trang 91: tóc tỏa đuôi gà sửa thành tóc bỏ đuôi gà
Trang 92: Những dòng cuối của trang:
Nên xếp các tranh Đám cưới chuột, Thầy đồ cóc lên trên các tranh đả kích chế độ thực dân Pháp: Công cử, Duyệt binh, Hội Tây, Hiểu dụ... viết sau, nên phân tích thêm loại tranh châm biếm này, đó là nét đặc biệt trong tranh Hàng Trống ở ý nghĩa xã hội đầu thế kỷ 20.
Chú thích lại ảnh:
Trang 493: Trần Xuân Sinh em trai Hạnh Nguyên, trong sách ghi là em gái
Trang 495: Hoàng Trung sửa thành Hoàng Tung.
Kết luận chung: Bản thảo đạt yêu cầu một cuốn sách nghiên cứu, phân tích, giải nghĩa đầy đủ khoa học. Lời văn gọn, sáng sủa để đọc.
Đề nghị nghiệm thu.
|
|
HS. Nguyễn Thành Đàm viết ngày 25/08/2011
Sau cuộc họp do Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức ngày 24/11/2010. Tác giả đã chỉnh sửa lại theo tinh thần tiếp thu có chọn lọc những ý kiến đóng góp của hội đồng và nhà xuất bản.
Bản thảo lần thứ hai nổi lên mấy điểm:
1- Bố cục mạch lạc, phần chữ thể hiện rõ tính chất của một công trình nghiên cứu công phu, sâu và kỹ. Nguồn tư liệu phong phú, đã cung cấp cho người đọc hiểu biết thấu đáo về một dòng tranh dân gian, từ hoàn cảnh ra đời đến khi phát triển thành thương hiệu Tranh Hàng Trống.
2- Về hình thức cấu trúc: Sách chia làm 2 phần rõ rệt. Phần bài viết liên tục gần 200 trang và phần tranh minh họa khoảng 400 trang (Khổ giấy A4). Sắp xếp mạch lạc theo các đề mục lớn:
- Tranh thờ thần, bảo hộ gia trạch.
- Tranh chúc tụng
- Tranh chơi và tranh thế sự
- Tranh truyện.
Dưới mỗi tranh đều có phần chú thích kỹ lưỡng, thực chất là lời bình của tầm nghiên cứu, giảng giải thấu đáo, cái đẹp của tác phẩm. Giống như một bài thơ hay, được người bình thơ khéo làm cho câu thơ thêm sức bay bổng, lan tỏa rộng hơn.
Có thể nói phần trình bày - văn viết là gọn ghẽ, khúc triết của một công trình nghiên cứu học thuật, phản ánh được tâm nguyện của tác giả dồn hết tâm sức vào cuộc “Tổng kiểm kê các di sản về tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội”. Trên tinh thần ấy tác giả đã không ngần ngại đưa ra nhiều dị bản ở nhiều nguồn, nhiều hướng của dòng tranh.
Là một độc giả, tôi rất tâm đắc và hoan nghênh khi tác giả lập luận rằng đây không phải là một cuộc trưng bày hay triển lãm đơn thuần bởi: Đó là một công trình nghiên cứu.
Về phần tranh minh họa, như trên đã nói việc sắp xếp theo trình tự như vậy là hợp lý. Có một đôi chỗ tôi chưa hiểu, cần được giải thích thêm:
1- Bộ tranh “Tứ quý” Thanh An hiệu - Lê Đình Nghiên vẽ (tranh số 328 đến 331) gọi là bộ I và “tứ quý” sách TTDGVN - 1960 - Thanh An hiệu (tranh số 332 đến 335) gọi là bộ II, xuất hiện 2 cặp tranh giống nhau:
Cặp thứ nhất: “Mùa hạ - Hoa sen và đôi uyên ương - Liên áp” (bộ I) giống với “Hạ” lời đề thơ - Thiên ái liên hoa chân phú quý (bộ II). Vậy tranh chuẩn là của bộ nào hay có sự vay mượn tạm thời?
Cặp thứ hai: “Mùa thu - Hoa phù dung và gà trống - mẫu đơn trĩ” (sao lại là mẫu đơn trĩ được) (bộ I) và “Đông” thơ: Uyên minh khứ hậu vô tri kỷ (bộ II). Có thể là do sắp xếp nhầm lẫn, hoặc nguyên trạng là như thế cần có lời giải cho rõ hơn.
2. Ở tranh số 373 “Trung thu tiết” (trang 459) chú thích “Lương Ngọc Võ Cát phủ họa”, phần giải thích lại ghi do ông Lương Ngọc Võ Cát vẽ và 5 bức tranh Tam Quốc ký tên Cát Phủ họa. Tuy ở phần đầu tiểu để mục e - (trang 19) tác giả có bút danh là Lương Ngọc Võ Cát Phủ, hoặc Cát Phủ (ông Cát) đã được giải thích rằng không thể tìm được tông tích của tác giả này.
Phần bảo tồn và phát huy trong môi trường mới là những đề xuất hết sức quý để góp phần gìn giữ và phát triển dòng tranh dân gian Hàng Trống, nên chăng có thể đưa vào chương trình giảng dạy và học tập ở các trường Mỹ thuật hoặc Mỹ thuật Công nghiệp bộ môn “Tranh dân gian Hàng Trống”./.
|
|
PGS.TS. Đặng Văn Bài viết ngày 25/08/2011
1. Tác giả đã cố gắng tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng và có những điều chỉnh cần thiết (như bản giải trình việc tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng đợt II) để đưa ra một cấu trúc bố cục tương đối hợp lý giữa phần viết và phần tranh minh họa.
I. Sự hình thành và phát triển tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội
II. Đặc điểm kỹ thuật và hình thức nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống và các vấn đề liên quan
1. Đặc điểm về chất liệu
2. Phong cách nghệ thuật tạo hình và các mối liên quan
3. Bút pháp và quan niệm thẩm mỹ
III. Nội dung tranh dân gian Hàng Trống và những vấn đề liên quan
1. Tranh tôn giáo
2. Tranh chúc tụng
3. Tranh chơi và tranh thế sự
4. Tranh truyện
IV. Kết luận
Tác giả cũng đã phần nào khắc phục được những nội dung không liên quan đến dòng tranh Hàng Trống Hà Nội và ở phần minh họa đã cố gắng chú thích chi tiết, giới thiệu thêm thông tin giúp người đọc có điều kiện hiểu sâu hơn nội dung và chủ đề các bức tranh. Tôi nghĩ ưu điểm nhất của bản thảo, theo như tác giả khẳng định, muốn thực hiện việc tổng kiểm kê các tác phẩm tranh Hàng Trống với nguồn thông tin đa dạng, phong phú rất có ích cho bạn đọc.
2. Một vài ý kiến đóng góp
Một: Phần câu chữ trong bản thảo còn mắc rất nhiều lỗi, cần được biên tập thật nghiêm túc. Vì lỗi quá nhiều nên tôi không thể liệt kê cụ thể ở đây.
Hai: Cần loại bỏ hoặc rút gọn những nội dung không thực sự gắn với chủ đề cuốn sách.
- Trang 8 - 9, đình Hàng Trống chỉ là nơi các phường mang tranh về bán trong dịp Tết mà không liên quan tới vị thần được thờ, vì thế không nhất thiết phải mô tả sâu về ngôi đình và nhân vật Nguyễn Thị Huệ.
- Trang 14 giới thiệu sâu về lịch sử truyện Nôm, sách chữ Nôm, cửa hàng bán khắc truyện Nôm mà không gắn với nội dung bản thảo sách là tranh truyện.
- Trang 18 lại gới thiệu sâu về họa sỹ Tạ Tỵ, có lẽ cũng không cần thiết.
- Trang 27, tiêu đề là phong cách nghệ thuật tạo hình, vì sao lại giới thiệu về cách in tranh. Tôi nghĩ, nói về phong cách nghệ thuật có lẽ nên nói nhiều về bố cục, phối cảnh…
- Trang 51 - 58, đi sâu về tranh Đông Hồ và Kim Hoàng mà không gắn với nội dung hoặc góp phần làm rõ các mặt giá trị tranh Hàng Trống.
- Trang 59 - 63, phần nói về bút pháp và quan niệm thẩm mỹ cũng chưa được làm rõ, ngược lại tác giả trích dẫn quá sâu về những lề luật kiêng húy trong văn chương và thi cử của cụ Ngô Tất Tố.
- Phần B bàn về loại tranh thờ Đạo giáo, Phật giáo, Chư vị thánh mẫu, trang 68 - 87, chủ yếu giới thiệu tóm tắt lịch sử Đạo Lão và Đạo Mẫu, trong khi đó chỉ có vài trang về tranh tôn giáo (mà tranh tôn giáo mới là nội dung chủ đạo).
Tóm lại, tác giả cũng đã thực sự cầu thị tiếp thu và sửa chữa, hoàn thiện bản thảo, nhưng tôi cho rằng phần viết vẫn rất cần được tiếp tục hoàn chỉnh thêm. Tôi nghĩ rằng nếu tác giả có thêm một cộng tác viên là nhà nghiên cứu chuyên sâu cùng hợp tác biên soạn lại thì sẽ có một sản phẩm hoàn chỉnh hơn.
|
|
PGS.TS. Trần Lâm Biền viết ngày 25/08/2011
Tranh dân gian nói chung chưa phải là đề tài hấp dẫn đối với nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật. Sự say mê với nghiệp này có lẽ phải xếp Phan Ngọc Khuê là một trong vài ba người đứng hàng đầu. Các nhà nghiên cứu khác, phần nhiều cũng quan tâm tới tranh dân gian, song chủ yếu vì yêu thích, hay để đáp ứng một lối chơi thời thượng, hoặc để tạo thế cân bằng trong nhận thức chung của mình về mỹ thuật dân tộc… Nhận thức về tranh dân gian Hàng trống cũng vậy, người ưa, kẻ không ưa đều rất nhiều, khó có những ý kiến tập trung như một số dòng tranh dân gian gần với cuộc sống bình dân, thôn dã khác. Tuy nhiên cũng có người (cả trước đây và ngày nay) đã lẩy ra được nhiều vẻ đẹp và giá trị nhiều mặt (kể cả mỹ thuật và sự phản ánh xã hội…) của tranh dân gian Hàng trống, trong đó có Phan Ngọc Khuê qua công trình: “Dòng tranh dân gian Hàng trống – Hà Nội” của anh. Trước hết phải nói rằng công trình này là một sự cố gắng đặc biệt của tác giả trong việc suy ngẫm, tìm tòi ý nghĩa, nhất là công tác sưu tầm…
1. Về ưu nhược điểm: Đây là công trình chủ yếu lấy tranh thay lời. Tác giả đã tập hợp được tới 475 bức tranh về đủ mọi thể loại đã có của tranh Hàng Trống. Đã nêu lên được các dữ liệu trên bản vẽ và bằng tư liệu điền dã tác giả đã tìm thấy xuất xứ chúng thuộc nhiều địa bàn và vùng phụ cận của kinh thành Thăng Long - Hà Nội xưa, đã xác định nhiều thể loại với bước đi của nó trong lịch sử. Tác giả đã cho chúng ta tiếp cận với tranh Hàng Trống bằng 29 trang viết giới thiệu khởi đầu qua nhiều vấn đề:
Lời nói đầu (gần 2 trang)
I. Thông tin tư liệu (gần 7 trang) nói tới những công việc và công trình của người đi trước, từ tác giả hồi thuộc Pháp, các tác giả người Nga, Nhật Bản… Tiếc rằng phần này còn quá ngắn và ít, khiến người đọc không đủ hiểu được các tác giả đó đã đạt được những thành quả nào về nghiên cứu, nhận định.
II. Tranh dân gian Hàng Trống trong đời sống đô thành Thăng Long (gần 1 trang). Phần này quá ngắn, đầu đề nội dung chưa tương hợp. Tuy nhiên đã nêu lên được một số địa điểm liên quan tới dòng và loại tranh. có lẽ là một công trình nghiên cứu khoa học thì phần này viết độ 10 trang mới khỏi bị hụt hẫng.
A. Mấy vấn đề về sự hình thành và phát triển của tranh dân gian Hàng Trống (8 trang)
Từ lịch sử, tác giả đề cập tới các loại tranh và các cửa hiệu tranh tiêu biểu… Có lẽ giữa tiểu đề (A) và nội dung phần viết cũng chưa tương hợp (vì đề quá lớn)
B. Giai đoạn phát triển nhanh và mạnh nhất có các nét chính (hơn 5 trang). Tiểu dề (B) như văn nói, gồm:
B1. Tình hình chính trị: không thấy mối liên kết với tranh
B2. Tình hình kinh tế - xã hội: không rõ ràng vì quá ngắn, rồi lại chuyển sang nói nhiều về phường tranh và loại tranh…
B3. Tình hình văn học nghệ thuật: nói chung chỉ điểm tới các sự kiện
III. Những đặc điểm kỹ thuật và nghệ thuật thể hiện tranh Hàng Trống (khoảng 4 trang). Tiêu đề quá lớn so với phần trình bày.
Tiếp theo, tác giả đi tới phần giới thiệu tranh. Đóng góp lớn của phần này là tranh nào cũng được giới thiệu về xuất xứ, sự tích và phần nào về ý nghĩa…
Từ trang 247, tác giả cho ta tiếp cận với “Dẫn luận phần hai” dù cho không thấy dẫn luận phần 1 ghi ở đâu.g
Dẫn luận này viết được 17 trang. Có lẽ phần này viết ngắn nhưng tốt hơn cả so với phần chữ ở công trình này. Tác giả đưa ra được một số tư liệu về các Thần/ Thánh liên quan tới tôn giáo, tín ngưỡng mà lâu nay ít người quan tâm hoặc chưa có điều kiện để quan tâm. Tiếp sau là cả một hệ thống tranh thờ chủ yếu gắn với Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian khác. Có lẽ đây là phần mà tác giả đã để nhiều công sức và thời gian suy ngẫm hơn cả.
Nhìn chung, trên tổng thể, dù cho có một số nhược điểm, nhưng chúng ta vẫn có thể tự đối thoại với các bức tranh mà tác giả đưa ra để tự rút ra được một số vấn đề cơ bản như:
- Một số tranh có tính chất thế sự, ít nhiều mang nội dung phản ánh xã hội Việt Nam, tranh do nghệ nhân Việt Nam vẽ nhất là từ đầu thế kỷ XX tới trước Cách mạng tháng 8/1945, ít nhiều các tranh này có chọn chủ đề mang khuynh hướng thức tỉnh, nội dung thể hiện có ý thức chủ động về ý niệm “tháo ách, bỏ cùm” dù cho có ảnh hưởng nặng nghệ thuật vẽ tranh Trung Hoa.
- Chúng ta biết được nhiều nghệ nhân có tên như: Trọng Đan, Thanh Vĩnh, Cao Quý Sơ, Lê Đình Nghiên, Lương Ngọc Võ Cát… Rồi các hiệu tranh như: Thanh An, Vĩnh Lợi, Vạn Mỹ Xuân… Đây là điều ít thấy ghi lại trên những tác phẩm mỹ thuật cổ truyền. Hiện tượng này như đánh dấu một bước phát triển mới của xã hội với nền kinh tế tư nhân đã có một vị thế nhất định. Qua đây cũng thấy được tài năng ít nhiều có sáng tạo, rất đáng đề cao của các nghệ nhân tranh Hàng Trống.
- Trong cách thể hiện cấu tạo hình tượng của người xưa, thường được chú ú tới ba yêu cầu: Hiển, Mật, Dụng. Hiển và Dụng ở tranh Hàng Trống thì đã có. Còn Mật thì đã được tác giả ghi chú cẩn thận về sự tích, sự kiện liên quan tới nội dung ở mỗi bức tranh, khiến người xem dễ cảm nhận.
- Tập công trình có rất nhiều tranh (đa số) mang tích Tàu, có rất ít tranh mang tích Việt. Nếu chỉ nhìn phiến diện thì các tranh này ít có tác dụng trong việc đề cao bản sắc văn hóa dân tộc, dù cho ít nhiều các nghệ nhân có chọn lọc về tính chất và mặt nào đã Việt hóa để thích hợp… Nhưng tranh Hàng Trống đã là một sự kiện của lịch sử, nó cần được giới thiệu để chúng ta hiểu biết thêm về một khía cạnh văn hóa nghệ thuật ở nước ta trong thời bị thực dân Pháp đô hộ.
2. Đôi điều góp ý:
- Tác giả cần nói rõ hơn về sự khác biệt cũng như vay mượn giữa tranh Hàng Trống và tranh Tàu.
- Cần so sánh nhiều hơn với các dòng tranh khác của Việt nam để thấy tính riêng biệt của tranh Hàng Trống.
- Cần phân tích kỹ hơn về kỹ thuật vẽ/in tranh (kể cả công cụ) và cả về mỹ thuật của nó (bố cục tranh, những chi tiết đẹp xấu để rút ra “nét” chung của dòng tranh này, ngoài ra cũng nên nói tới giá trị biểu tượng ẩn sau hình tượng – không gắn với nội dung sự tích).
- Cần tránh những tiểu đề quá to mà nội dung nhỏ không tương hợp, tránh đưa văn nói vào trong văn viết, không nên chấm câu tùy tiện cũng không nên viết quá dễ dãi.
Nhìn chung đây là công trình tư liệu tốt, tôi ủng hộ việc xuất bản công trình này, sau khi đã sửa chữ bổ sung nhiều về phần chữ, viết có phân tích cả về điều kiện hình thành phát triển tiêu vong và nhiều mặt thông thường của một công trình nghiên cứu, phổ biến kiến thức.
|
|
PGS.TS. Đỗ Thị Hảo viết ngày 25/08/2011
Từ trước tới nay đã có nhiều người nghiên cứu, nhiều người viết về dòng tranh Hàng Trống - Hà Nội, nhưng phần lớn chỉ là những bài báo, bài tạp chí. Còn đối với những sách đã xuất bản kể cả các tác giả nước ngoài hay trong nước thì số trang viết về dòng tranh Hàng Trống không nhiều (ví dụ cuốn Imagerie populaire Vietnamiene của Maurice Durand, hay Làng nghề phố nghề Thăng Long Hà Nội, tác giả Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo). Vì thế đúng như Họa sỹ Phan Ngọc Khuê đã viết trong bản thảo “Dòng tranh Dân gian Hàng Trống – Hà Nội” rằng đây coi như một cuộc tổng kiểm kê di sản tranh Dân gian Hàng Trống do tiền nhân để. Cho nên tôi nghĩ rằng đây là một đề tài rất hay, nó không những có giá trị về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn nhất là trong dịp Thủ đô Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.
Đọc bản thảo “Dòng tranh Dân gian Hàng Trống – Hà Nội” (520 trang vi tính khổ A4), nội dung được tập trung vào ba vấn đề chính:
1- Nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của dòng tranh Hàng Trống.
2- Kỹ thuật và nghệ thuật của dòng tranh Hàng Trống.
3- Giới thiệu về các loại tranh Hàng Trống (có tranh minh họa)
Trước hết xin được nhận xét về phần Tranh ảnh (phần chính của bản thảo từ trang 30 đến hết bản thảo).
Phải nói rằng trong rất nhiều năm Họa sỹ Phan Ngọc Khuê đã lặn lội để sưu tầm được một số lượng tranh Hàng Trống khá đồ sộ rải rác trong Dân gian mà cho đến nay nhiều bức đã không còn. Đối với những bức tranh đó Họa sỹ Phan Ngọc Khuê đã chia thành từng thể loại khác nhau căn cứ theo nội dung, ví dụ: Tranh thờ, tranh chúc phúc, tranh chơi, tranh thế sự, tranh truyện...Dưới mỗi bức tranh, tác giả có giới thiệu ý nghĩa, nội dung và chú thích rất cặn kẽ, công phu. Điều này không chỉ giúp ích cho đông đảo bạn đọc phổ thông mà còn cung cấp được khá nhiều tư liệu cho những nhà nghiên cứu. Tuy nhiên ở phần này tác giả cần lưu ý một số chỗ, phiên âm, dịch nghĩa chữ Hán Nôm viết trên tranh bởi còn nhiều chỗ chưa chính xác (mặc dù đây chỉ là những tiểu tiết)...
Sau khi đọc Bản thảo tôi cứ băn khoăn đối với phần viết về quá trình hình thành và phát triển của dòng tranh Hàng Trống. Thực ra tác giả đã tích lũy được khá nhiều tư liệu mới và có giá trị về dòng tranh Hàng Trống. Phải chăng do bố cục của phần này chưa hợp lý, cho nên người đọc có cảm nhận tư liệu nhiều nếu không nói là thừa thãi, nhưng nội dung nghèo nàn, rời rạc, nó giống như một đề cương chi tiết hơn là một tác phẩm nghiên cứu hoàn chỉnh. Xin thử nêu một ví dụ ngay mục I với tiêu đề Thông tin tư liệu (từ trang 3 đến trang 9) Họa sỹ Phan Ngọc Khuê công bố tất cả những tin tư liệu liên quan đến dòng tranh Hàng Trống, thực ra những tư liệu này phải được sử dụng để viết trong phần nội dung. Tiếp đến mục II nội dung cũng là những vấn đề gạch đầu dòng 1, 2, 3, 4... Với cách trình bày như thế này, tác phẩm có lẽ chủ yếu là để công bố tư liệu chứ không phải nghiên cứu như đã viết ở trang đầu của bản thảo.
Theo thiển nghĩ của tôi, tác giả nên viết lại phần đầu cuốn sách (tức là phần nghiên cứu và giới thiệu về dòng tranh Hàng Trống từ trang 3 đến trang 29) một cách rõ ràng mạch lạc với bố cụ hợp lý và khoa học, để xứng tầm với phần giới thiệu về từng loại tranh ở phần sau.
Trên đây chỉ là những ý kiến của riêng tôi, nếu có gì chưa thỏa đáng, chưa hiểu thấu đáo, mong được tác giả thông cảm.
|
|
Bà Nguyễn Thị Hải Yến viết ngày 25/08/2011
I. Nhận xét chung: Sau công trình nghiên cứu của học giả người Pháp Mourice Durand và những nhà nghiên cứu Việt Nam Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Tố về tranh dân gian Việt Nam nói chung những năm đầu thế kỷ 20, đến nay công trình nghiên cứu tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội của nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê đã đặt lại vấn đề trong cách nghiên cứu dòng tranh này trong cái nhìn lịch sử và quan hệ xã hội. Tác giả có công hệ thống dòng chảy của tranh dân gian Hàng Trống vốn dĩ quá quen thuộc trong sinh hoạt thị dân, từ đề tài đến kiến thức biểu hiện:
Tác giả giải thích sự ra đời của dòng tranh Hàng Trống, đề tài tôn giáo chiếm gần hết nội dung của dòng tranh này, cùng với đề tài tích truyện đã tạo ra sự khác biệt với dòng tranh Đông Hồ xuất phát từ một làng quê bên kia sông Đuống .
1. Ở phần A: Mục hình thành và phát triển của dòng tranh dân gian Hàng Trống tác giả dẫn chứng tư liệu người thật việc thật, những tác phẩm được hình thành từ các hiệu tranh mà tác giả có cơ hội được tiếp xúc với các nghệ nhân sáng lập hiệu tranh đó. Những cuộc trò truyện ghi chép chụp ảnh đã giúp tác giả có tư liệu chính xác về dòng tranh Hàng Trống qua các hiệu tranh xuất hiện trên đất Thăng Long - Hà Nội cuối TK 19 đầu TK 20.
2. Ở phần III: Kỹ thuật và thể hiện tranh: giải thích ngắn gọn cách thể hiện một bản tranh, kỹ thuật tô, vờn, cán màu một đặc trưng riêng cách vẽ nghệ nhân Việt Nam.
3. Phần Tranh ảnh: Phần chính của bản thảo
II. Phần đóng góp ý kiến của người nhận xét ( Nguyễn Hải Yến )
1. Lời nói đầu: Trang 1 dòng 7 từ dưới lên “Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 (tác giả viết 2000) giải thưởng Hồ Chí Minh tặng cho các sáng tạo nghệ thuật của cố họa sĩ Nguyễn Tiến Chung (1914 - 1976) là một ví dụ” . Ý này tác giả viết không sai, nhưng giải thưởng Hồ Chí Minh tặng cho cả 18 tác giả họa sĩ có công thừa kế khai thác nghệ thuật dân tộc. Nếu chỉ giới thiệu riêng họa sĩ Nguyễn Tiến Chung thì nên viết kỹ hơn bởi chính Nguyễn Tiến Chung là người thành công hơn cả trong sử dụng vốn nghệ thuật dân gian cũng như dùng giấy dó, xuyến chí để vẽ tranh.
2. Dòng tiêu đề II Tranh dân gian Hàng Trống trong đời sống Đô thành Thăng Long nên đổi chữ Đô Thành bằng chữ Đô thị hay Thành Thị Thăng Long.
3. Phần Tranh ảnh: Nên tách bạch và giới thiệu cái chung nhất, ý nghĩa các chủ đề tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh chơi, tranh thế sự, tranh truyện.
Trong bản thảo phần tranh thờ, câu đối, đại tự (trang 30 đến 48) tác giả viết tốt, cụ thể rõ ràng.
Nên chuyển tranh Tử vi trấn trạch (trang 38) vào vị trí tranh Huyền đàn trấn môn (trang 37) vì trần trạch là trần đất đai phải đi trước trần môn là trần cửa nhà. Nhưng bức vẽ lại quay mặt vào nhau ở phía trong trong cách treo thờ cúng nên trấn trạch đặt trước là đúng, điều này cần giải thích vị trí trên tranh thờ của người Việt (có thể theo hướng từ phải sang trái).
- Phần tranh chúc tụng từ trang 49 đến 103 nên có lời giới thiệu chung về loại đề tài này cũng như tác giả đã viết kỹ ở phần tranh thờ cúng tôn giáo. Ở loại tranh này đã có ảnh hưởng đến tranh Trung Quốc nên giải thích vì sao.
- Phần tranh sinh hoạt xã hội từ trang 104 đến 118
- Phần tranh lịch sử và tích truyện: đề tài lịch sử xưa - nay. Phần này tranh đề tài Trung Quốc nhiều, giải thích vì sao?
Dẫn luận Phần II: Tranh thờ Hàng Trống
- Nên chuyển phần Tranh thờ Hàng Trống từ trang 450 tranh Phật Dược sự (sách M.Durand) lên trên, phần sưu tập của Mask và Nhung xuống dưới, cùng ảnh chụp những nghi lễ tang ma do Phan Ngọc Khuê chụp. Bố cục này sẽ làm cho phần viết tranh dân gian Hàng Trống mạch lạc hơn rõ ràng hơn trong hệ thống chủ đề của tranh dân gian Hàng Trống ngay từ khi hình thành.
Phần Tranh thờ Hàng Trống từ trang 450 đến trang 504 (tranh Hắc Hổ) là phần đẹp nhất cẩn đề cao giới thiệu kỹ hơn.
- Giới thiệu sưu tập của Mask và Nhung nên chọn lọc, có cảm giác tác giả quá phụ thuộc gọn ghẽ của sưu tập này mà không dám lấy ra những tranh ảnh hưởng từ tranh dân gian Tày Nùng Dao. Nguời xem sẽ không hiểu được cặn kẽ chuyển giao ý tứ trên tranh tôn giáo giữa các tộc người nếu không đưa vài bức vào phần tranh thờ để so sánh. Hai tranh: tranh số 395 trang 427 Hiện tại thế Phật, tranh số 401 trang 433 Quan thế âm bồ tát chữ Vạn (ở trên ngực phật viết sai) nên bỏ.
Kết luận chung: Bản thảo sưu tập công phu, rõ ràng, khoa học nên công bố rộng rãi.
|
|
HS. Nguyễn Thành Đàm viết ngày 25/08/2011
Trước hết phải khẳng định đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, công phu do tác giả Phan Ngọc Khuê chủ biên.
Với gần 600 trang bản thảo (khổ A4) trong đó có trên 50 trang chữ trong các tiêu đề lớn:
1. Thông tin về tư liệu
2. Giới thiệu về sự hình thành và phát triển tranh dân gian Hàng Trống.
3. Các loại tranh thờ, tranh sinh hoạt, tranh thờ thần bảo hộ gia trạch, tranh truyện...
4. Những đặc điểm nổi bật của nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống.
Phần còn lại dành cho tranh ảnh, minh họa.
Đọc xong phần chữ, xem hết phần tranh đã giúp độc giả có cái nhìn thấu đáo về tranh dân gian Hàng Trống. Người đọc như vừa được tham dự vào cuộc “tổng kiểm kê di sản tranh dân gian Hàng Trống do tiền nhân để lại”, như ước nguyện của tác giả bộc bạch ở phần đầu.
Về sự hình thành và phát triển của tranh dân gian Hàng Trống được viết rất công phu. Việc lần theo các sự kiện lịch sử để tìm đến cội nguồn của dòng tranh là hợp lý. Tất nhiên khó có thể xác định cụ thể thời gian và tác giả đầu tiên của những bức tranh dân dã cũng giống như một câu ca dao, một khúc dân ca lưu truyền trong cuộc sống vậy.
Trong cuốn “Mỹ thuật của người Việt” của hai tác giả Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng, do Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành năm 1989, cũng có đề cập đến hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống với nhận định: “Có lẽ khởi nguồn sớm hơn trong thế kỷ XVII khi làng xã và đô thị Việt Nam phát triển”. Như vậy, tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh Hàng Trống nói riêng đã xuất hiện từ trước, nhưng đến thế kỷ XVII là thời kỳ nở rộ về số lượng tranh và phong phú về mặt đề tài. Đặc biệt là dạng tranh thờ, tranh sinh hoạt, tranh chơi và chúc tụng.
Về tranh thờ là sự chuyển hóa hình tượng từ các tượng Phật ở các đền, chùa sang tranh vẽ trên giấy cho phù hợp với việc treo tường ở các gia đình. Hãy xem tranh “Võ sĩ” số 16 ở trang 45 chính là tượng “Hộ pháp” trên chùa. Hoặc như các tranh số 12 - 13 “Tả môn thần - Hữu môn thần” trang 44 là hình tượng đắp nổi ở cửa đền hay chạm nổi trên cánh cửa chùa.
Đề tài “Tranh hương chủ” được tác giả triết luận tinh tế và chính xác: đây là món quà người nghệ sĩ “tặng cho người nghèo” là chí lý.
Như vậy có thể thấy tranh Hàng Trống tuy ra đời ở đô thị nhưng vẫn duy trì mục đích phục vụ là quảng đại nhân dân.
Cuốn sách nghiên cứu kỹ về dòng tranh Hàng Trống nhưng độc giả còn được biết thêm các dòng tranh khác như Đông Hồ, Kim Hoàng và xa hơn là dòng tranh dân gian Trung Quốc để thấy được cái hay, cái đẹp của mỗi dòng tranh góp phần lý giải việc tác động qua lại giữa các dòng tranh về đề tài cũng như phong cách thể hiện. Ở phần này, tác giả viết rất khéo, lập luận chặt chẽ để không rơi vào tình trạng “ăn cây nào rào cây ấy”. Tỷ như tranh “Thất Đồng” của Việt Nam, số 27 trang 51 với tranh “Tam đa” của Trung Quốc, số 28 trang 52. Nếu không tinh, không thấy được ý tưởng khác biệt trên cây đào với những chùm hoa, quả lộc đầy đặn (Lê Đình Liệu, Lê Đình Nghiên vẽ) khác với cây đào trên tranh Trung Quốc thể hiện là các chuỗi tiền vàng, tiền bạc xâu vào các cành cây thì sẽ thấy hai bức tranh hệt nhau về bố cục từ thân cây đến tư thế, thậm chí cả trang phục của 7 em bé trong tranh.
Phần tranh nhằm minh họa cho phần lời rất phong phú, đa dạng. Rất tiếc là số tranh của Marcus lại không có được bản in màu như lời phân trần của tác giả ở đầu sách khiến cho việc thưởng ngoạn kém phần thú vị.
Cuối cùng xin có một vài ý nhỏ cùng tác giả:
- Phần thông tin tư liệu - là những trăn trở, bức xúc dẫn đến việc tác giả đi vào nghiên cứu đề tài hấp dẫn này. Đây là phần dẫn luận nên cần ngắn gọn vì ở lời nhà xuất bản và lời nói đầu đã có đề cập tới.
- Phần ảnh chụp, các ảnh từ số 287 - 292 xem ra gắn bó với tranh hơn các ảnh từ số 470 đến 473, nếu khống thiết thực lắm có thể bỏ 4 ảnh này.
- Một số ngôn từ rải rác trên các trang viết cần được thống nhất và chính xác như: Thếp vàng hay thiếp vàng, nghi môn hay y môn, nhuộm phẩm hay ruộm phẩm, con hương đệ tử hay con nhang đệ tử v.v...
- Câu ca dao:
“Mẹ nuôi con bằng trời bằng biển
Con nuôi mẹ con tính từng ngày”
Có một dị bản khác là:
“Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể
Con nuôi mẹ con kể từng ngày”
Âm vận ca dao của từ bể và kể có lẽ phù hợp hơn.
- Xem lại chú thích các tranh cho chuẩn xác cùng một bức tranh ở trang 80 số 57 là: “Mùa hạ - Hoa sen và đôi uyên ương - Liên áp”; thì ở trang 84, số 61 lại là: “Hạ - Thơ trên tranh: Thiên ái liên hoa chân phú quý”.
Hoặc như tranh vẽ “Gà trống đứng bên hoa phù dung”:
Ở trang 81, số 58 có tên “Mùa thu - Hoa phù dung và gà trống”, ở trang 86, số 63 cũng tranh đó lại chú thích: “Đông - Thơ trên tranh: Uyên minh khứ hậu vô tri kỷ”.
Ở trang 161 và 162 là 2 tranh giống nhau nhưng chú thích tranh số 137 là “Tạ Thiên Lăng cướp ngôi” và ở số 138 lại là “Phe trung thần cứu thứ phi và ấu chúa”
Nếu là dụng ý của tác giả thì cần có giải thích thêm.
Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” có thêm công trình nghiên cứu “Dòng tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội” là hết sức cần thiết và quý giá.
|