|
PGS.TS. Phan Trọng Thưởng viết ngày 21/08/2011
So với yêu cầu của một Lời giới thiệu về Tuyển tập ký - tản văn Thăng Long - Hà Nội, tôi thấy đây là một bài viết khá tốt thể hiện ở các phương diện cụ thể sau đây:
- Bài giới thiệu bao quát một cách khá đầy đủ diện mại của thế kỷ và tản văn Thăng Long - Hà Nội qua các đặc trưng lớn của thể loại cũng như những thành tựu về nội dung và nghệ thuật của nó trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc nói chung, lịch sử văn học nghệ thuật Thăng Long-Hà Nội nói riêng. Nếu như ở bài viết lần đầu còn có một số điểm tác giả hoặc là bỏ qua, bỏ sót, hoặc là chưa chú trọng đúng mực thì ở bài giới thiệu lần này đã có sự tiếp thu, bổ sung và chỉnh sửa nghiêm túc khiến cho nội dung Lời giới thiệu trở nên đầy đủ, thấu đáo hơn.
- Các cứ liệu về lịch sử và lịch sử văn học sử dụng trong Lời giới thiệu nhìn chung là chính xác, đủ độ tin cậy. Các tiêu chí về thể loại cũng được xác lập bước đầu, làm căn cứ cho việc nhận diện và đánh giá thành tựu.
- Các nhận định, đánh giá về giá trị nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa của nó trong lịch sử phát triển của Thăng Long-Hà Nội theo tôi là thoả đáng, đạt được sự chừng mực cần thiết. Trong khi đánh giá, tác giả đã chú ý làm rõ vị thế của Thăng Long – Hà Nội với tư cách là trung tâm văn hoá – chính trị, là nơi thu hút tài năng, trí tuệ của cả nước, đồng thời là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo văn học nghệ thuật không chỉ riêng đối với các nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động chính trị - ngoại giao trong nước mà còn với bạn bè quốc tế.
- Văn phong trong Lời giới thiệu trang trọng, mực thước, phù hợp với nội dung tuyển tập.
- Theo tôi, ngoài Lời giới thiệu gắn với mỗi thể loại ở từng tuyển tập, nên có một chuyên luận nghiên cứu Tổng quan văn học Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội hay một bài Khái luận được viết trên cơ sở tổng hợp từ các thể loại, các tác giả, tác phẩm từ các thời đại khác nhau, đúc kết những thành tựu nghệ thuật, những kinh nghiệm cần thiết để tôn lên vị thế Thủ đô, vị trí trung tâm của Thăng Long - Hà Nội.
Tôi đồng ý thông qua Lời giới thiệu này.
|
|
Nhận xét của PGS.TS. Tôn Phương Lan viết ngày 21/08/2011
Đây là một bài viết tốt, đạt được mấy yêu cần sau:
- Bài viết có cấu trúc chặt chẽ. Người viết đã tiếp thu một cách có chọn lọc những góp ý của Hội đồng thẩm định và bài viết đã được nâng lên. Dung lượng cho các phần cân đối, hợp lý. Văn phong sáng sủa, mạch lạc.
- Tác giả đã cho người đọc có một hình dung về sự hình thành, phát triển và đóng góp của thể loại này trong việc tái hiện nét đẹp riêng của Thăng Long - Hà Nội trong quá trình dựng nước. Người đọc dễ nắm bắt được nội dung của bộ sách qua cách giới thiệu của tác giả.
- Lối văn viết không quá nặng về khảo cứu, chuyên sâu nhưng cũng không bị rơi vào tình trạng dễ dãi theo kiểu làm văn. Bài Tổng quan đã đạt được độ súc tích cần thiết và bảo đảm được yêu cầu khoa học trong kiểu một bài giới thiệu sách có chất nghiên cứu.
Tuy nhiên tôi xin có thêm một vài ý kiến nhỏ để tác giả có thể cân nhắc thêm:
Trên đại thể tôi thích chất văn của bài cũ hơn (chẳng hạn ở trang đầu, phần mở bài, ở tr.13 và một số chỗ khác). Ở bài viết đó văn chương nhẹ nhàng, bay bổng ít tính hàn lâm hơn và theo tôi, như vậy có thể phù hợp hơn với đối tượng độc giả mà mình hướng tới.
Ở tr.12, câu 9 (trên xuống), theo tôi nên viết “Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng ngôi nhà, ngõ phố đã được người dân Hà Nội biến thành trận địa”. Một số câu trong trang này nên lấy lại trong bản cũ thì hơn.
Phần viết về ký thời Trịnh Nguyễn đã được bổ sung đầy đủ hơn (tr.7-8) nhưng phần viết về ký thời chống Mỹ nên nói thêm về đóng góp của Nguyễn Tuân với tư cách là một người viết ký xuất sắc nhất trong giai đoạn này. Tôi nghĩ bài viết có thể thêm một vài trang vẫn được (vì hiện nay bản mới ngắn hơn gần một trang so với bản cũ). Đặc biệt cũng nói qua một chút về ký đương đại. Tại sao vào thời kỳ hậu chiến, Hà Nội có rất nhiều vấn đề nhưng thể ký chưa được phát triển theo như quy luật phát triển của nó. Theo tôi thì có thể không tuyển nguyên bản (chẳng hạn như Ký sự về một ông vua lốp) nhưng trong Tổng quan, những bài ký viết về Hà Nội cũng cần được nhắc đến…
Nhìn chung, đây là một bài viết công phu, nghiêm túc, khoa học. Trong điều kiện về thời gian và đối tượng phục vụ, tôi nghĩ bài viết này đã đáp ứng được yêu cầu mà Dự án đặt ra. Vả chăng trước khi đưa in, tác giả cần chỉnh trang thêm để hoàn thiện tiếp.
Bài viết đã thể hiện được thế mạnh của một tác giả có kỹ năng viết.
|
|
PGS.TS. Hà Văn Đức viết ngày 21/08/2011
Sau buổi nghiệm thu bản thảo đề tài Tuyển tập kí - tản văn THăng Long - Hà Nội vào ngày 2/4/2008, nhóm tác giả do PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp chủ biên đã có sự bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo, đặc biệt là phần Lời giới thiệu. Theo tôi, so với buổi nghiệm thu trước thì chất lượng bản thảo đã được nâng lên một bước, đặc trưng thể loại ký - tản văn được chú trọng hơn khi tuyển chọn, tính nghệ thuật cũng được quan tâm nhiều hơn…, phần Lời giới thiệu đã được chỉnh sửa kỹ có tính khoa học hơn, khái niệm kí - tản văn được giới thuyết rõ. Sau đây là một số nhận xét cụ thể về sự chỉnh sửa ở các phần.
1. Phần Tuyển chọn:
- Những tác phẩm lược bỏ ở phần trung đại theo tôi là hợp lí và cần thiết (đặc biệt là các văn bia).
- Việc bổ sung các tác phẩm ký của Nguyễn Phi Khanh, Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Hương, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Trí, Ngô Thì Hoàng theo tôi các tác giả nên có sự cân nhắc kỹ hơn. Ở đây giữa hai tiêu chí: viết về Thăng Long – Hà Nội và tác giả là người Hà Nội thì tiêu chí thứ nhất là quan trọng hơn. Vì vậy những bài ký ghi chép về động Nhị Thanh của Ngô Thì Chí hay bài về hón đá Liễu Thăng của Ngô Thì Hương… đưa vào hơi khiên cưỡng.
- Phần Hiện đại việc xếp tác phẩm của các tác giả nước ngoài viết về Thăng Long - Hà Nội như đề nghị của nhóm biên soạn là đúng và nên để ở Phần Phụ lục. Bài Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Ký viết ở thời kỳ trung đại, nhưng nhóm tác giả để ở tập 2 với lí do là được viết bằng chữ quốc ngữ và được xem là tác phẩm đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại. Lý do này chấp nhận được nhưng nên có Lời dẫn giải thích rõ.
2. Phần Lời giới thiệu
- Lời giới thiệu tuyển tập Ký - tản văn Thăng Long – Hà Nội đã làm rõ nổi bật được sự phong phú và thành tựu của ký - tuỳ bút viết về Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Bài viết kết hợp được tính lí luận khoa học với cảm thụ, các ý - luận điểm thoả đáng, sâu sắc.
- Tuy nhiên một đôi chỗ còn diễn đạt dài dòng, hoặc chưa thoát ý, như Trang 14: “Ngoại trừ Băng Sơn là người chuyên viết về tản văn về Hà Nội với nhiều tác phẩm nổi bật, như: Thú ăn chơi của người Hà Nội, Đường vào Hà Nội, Dòng sông Hà Nội…, hai nhà văn Mai Ngữ và Mai Thục cũng có Cành đào tàn trên xe rác và Tinh hoa Hà Nội; Còn lại các cây bút khác viết về Hà Nội chủ yếu như những phút “chơi ngang” trong cuộc đời cầm bút của họ (cần xem lại cả diễn đạt và nhận định đánh giá). Hay “… Nguyễn Bắc Sơn hầu như chỉ tìm đến với Hà Nội gắn với Sông Hồng” (diễn đạt).
Câu: “Giống như Hà Nội trong tâm thức người Việt, mỗi quốc gia đều có một kinh đô trong lòng người dân nước họ, như Bắc Kinh với người Trung Quốc, Kyoto với người Nhật Bản, Paris với người Pháp…” (có lẽ câu này nên diễn đạt đảo lại thì đúng hơn).
|
|
PGS.TS. Trần Ngọc Vương viết ngày 21/08/2011
1. Về Lời giới thiệu:
Do chỗ cả hai từ - ký và tản văn - đều là những từ - khái niệm, hơn thế, đều đã xuất hiện và được sử dụng từ xa xưa, đều có nguồn gốc là những thuật ngữ thể loại trong văn học Trung Quốc cổ đại, đều được các quốc gia đồng văn (Trung Quốc, Triều Tiên - Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) vận dụng theo với những cách hiểu ít nhiều xuất nhập, không hoàn toàn đồng nhất với nhau, rồi cùng được tái sử dụng trong các nền văn học đó thời hiện đại, khi mà tất cả các nền văn học này đều kinh qua sự chuyển đổi hệ hình (paradigm), vận động theo quỹ đạo của văn học thế giới lấy khởi nguyên từ truyền thống Hy – La, dĩ nhiên trong đó có truyền thống thể loại. Nhưng trong thực tế lịch sử văn học, ký và tản văn lại là những văn thể phát triển hơn ở phương Đông chứ không phải ở phương Tây, …mọi sự rắc rối kiểu đó cần được làm rõ hơn trong Lời giới thiệu.
Nếu truyện ngắn và tiểu thuyết dù sao chăng nữa cũng được độc giả phổ thông hình dung tương đối rõ ràng, ít nhầm lẫn và lẫn lộn, thì ký và tản văn lại không có được cái may mắn ấy. Vì độc giả dễ nhầm, nên mới cần đến sự trợ giúp của nhà nghiên cứu .
Theo tôi, trừ việc cần phải minh định bản chất của các văn thể này rõ ràng hơn nữa (bằng cách tốt nhất là tái hiện một lược sử thể loại, nhất là trong “mẫu gốc” tức là trong truyền thống văn học Trung Quốc và một đoản thuật về việc vận dụng các văn thể này qua thư tịch Việt), thì Lời giới thiệu cho tuyển tập viết như thế có thể đánh giá là đạt yêu cầu.
Tôi xin chuyển lại cho VP văn bản của tác giả mà tôi đã đọc và có ghi chú trực tiếp về những gì cần và nên làm thêm một cách cụ thể.
2. Về phần văn bản:
Không nên bỏ hết Truyền kỳ mạn lục lẫn Truyền kỳ tân phả, bởi vì về lý mà nói, cả hai tác phẩm này thuộc về ký (chí, lục,…là tương đẳng), nên cho dù tuyển Truyện ngắn đã tuyển nhiều từ đó, cũng nên “chừa” cho tuyển ký một phần.
Nếu bỏ Giấc mộng lớn (đúng thôi!) của Tản Đà thì phải “bù” cho ông ít ra là vài chục trang những tác phẩm giai đoạn đầu đời văn, chính những tác phẩm đã khiến ông nổi tiếng như “một cơn gió lạ” bậc nhất của văn đàn. Đó chính là những bài tản văn in trên Đông Dương tạp chí (đã được Nguyễn Khắc Xương sưu tầm vào Tản Đà toàn tập).
Hy vọng là nhóm tác giả vui vẻ tiếp thu những góp ý này.
|
|
PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh viết ngày 21/08/2011
Sau lần nghiệm thu, các soạn giả đã điều chỉnh một số tác phẩm trong phần nội dung; những tác phẩm chúng tôi thấy “gợn” đã được bỏ ra. Chúng tôi tôn trọng sự quyết định của nhóm soạn giả.
Về bài “Lời nói đầu”, có thể nói tác giả đã bỏ công đọc, suy ngẫm, bài viết cho người đọc được một cái nhìn tổng quan về ký Thăng Long – Hà Nội trong hành trình nghìn năm, cũng có thể hình dung được diện mạo thể loại một cách khái quát.
Tuy vậy, trong phần giới thuyết khái niệm tôi vẫn ít nhiều băn khoăn. Cụ thể như sau:
- Tản văn, không nên coi là thể loại (trong văn học trung đại), chỉ là hình thức diễn đạt; sở dĩ phải viết ký - tản văn vì để không xét đến ký viết bằng thơ, trong văn học trung đại có những tác phẩm rất dài và cũng hay.
- Bản thân từ “ký”, đương nhiên như tác giả viết, ghi chép (động từ), chuyển sang danh từ, với chức năng thể loại thì bản thân nó đã có tính xác định ở một mức nào đó; bởi lẽ có nhiều từ thể hiện động từ ghi chép, như … một số từ thiên về sử, như chí. Khi đã nói đến “bất phân” tức là đã có sự phân biệt rồi.
Chính vì lẽ đó, tôi cho rằng đứng ở góc độ tập sách này các tác giả nên nhấn mạnh đến phương diện ký nghệ thuật của tác phẩm. Dù là địa chí, ký khoa học (ngay cả hiện đại cũng có kiểu bút ký khoa học) thì cũng không nên tính đến những ghi chép khoa học. Tác giả nên làm rõ thêm ý “cái tôi và sự kiện can dự đến cái tôi ấy”, cả chỗ tương đồng với ký hiện đại. Cho nên, như tôi biết thì trong ký trung đại, bộ phận quan trọng và cũng phong phù là ký phong cảnh, kết hợp với ký về các cuộc đi chơi (ký du), chứ không phải là ghi chép tôn giáo, khoa học – mà kể cả ghi chép về đình, chùa nhiều tác phẩm cũng mang tính chất ký phong cảnh, ký du, kết hợp triết lý; thậm chí cả ký truyền kỳ.
Tuy nhiên, nếu bàn về ký thì bài viết cần một dung lượng lớn, có thể trong điều kiện cụ thể của công trình chưa bàn triệt để được. Vì lẽ đó tôi muốn bài viết xác định những điều chính yếu nhất, trong chừng mực không làm “phân tâm” người đọc.
Có điều, quan trọng vẫn là soạn giả và nhóm soạn giả, trên đây chỉ là một vài gợi ý, hoặc băn khoăn của tôi.
|
|
PGS.TS. Phan Trọng Thưởng viết ngày 19/08/2011
- Về cơ bản, “Tuyển tập ký - tản văn Thăng Long - Hà Nội” đã tập hợp được những tác giả, tác phẩm tiêu biểu, ưu tú nhất của hai thể loại này dựa trên các tiêu chí lịch sử và nghệ thuật đã được thảo luận và nhất trí.
- Việc chia làm 2 thời kỳ: Từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX ứng với tập 1, và thế kỷ XX ứng với tập 2, theo tôi là hợp lý, phản ánh đúng thực tế lịch sử và thực tế nghệ thuật; đồng thời, tạo ra một cấu trúc cân đối cho tuyển tập.
- Phần tuyển của các tác giả nước ngoài, vì tôi không nắm chắc chắn nên chỉ dám đề nghị các tác giả kiểm tra lại một lần nữa xem có bỏ sót trường hợp nào không? Nhìn vào mục lục phần “Thăng Long - Hà Nội trong con mắt người nước ngoài”, tôi không thấy một tác giả người Trung Quốc hay Châu á nào. Ngay cả những nhà văn Nga từng gắn bó với Việt Nam trong một khoảng thời gian dài, rất yêu Việt Nam như Tkachev… cũng không thấy có tên. Điều đó gây cho tôi cảm giác ngờ ngợ. Tất nhiên, đó chỉ là cảm giác, không dựa trên cơ sở khoa học nào.
- Bài Giới thiệu của PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp theo tôi là tốt, đáp ứng các yêu cầu đặt ra cho Lời giới thiệu. Văn phong sáng sủa, khúc chiết.
- Tôi tán thành nghiệm thu bản thảo này.
|
|
PGS.TS. Tôn Phương Lan viết ngày 19/08/2011
A. Về kết cấu và mục lục từng tập của bản thảo
Việc chia bản thảo làm 3 tập là hoàn toàn hợp lý về thời gian, về độ dày của từng tập.
Hầu hết những ký - tản văn Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử đều đã có mặt. Mặc dù không phải là một thể loại chiếm phần quan trọng trong văn học của Thăng Long - Hà Nội qua 1000 năm nhưng sự hiện diện của thể loại này đã đưa đến cho người đọc thấy được nét đẹp riêng của Hà Nội - điều mà không phải thể loại nào cũng có được điểm mạnh này. Những nét đẹp đó trải qua thời gian, đã trở thành văn hóa: văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực, văn hóa trong gia phong, trong sinh hoạt cộng đồng. Có thể thấy được đặc trưng của các thời kỳ lịch sử đất nước nói chung và của con người, văn hóa Hà Nội nói riêng qua ba tập sách này.
Tôi có một băn khuăn nhỏ là ký và tản văn Hà Nội đương đại hơi bị ít trong tập III. Không biết có phải là do thời nay người viết ít viết đến thể loại này không. Đặc biệt là thế hệ những người cầm bút trẻ. Tôi nghĩ nếu trước đây ta tuyển được những sáng tác của Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang, Tam Lang về một Hà Nội nhộn nhạo thời “hội nhập" với phương Tây thì những người biên soạn có thể tìm trên báo chí để bổ sung thêm những phóng sự, bút ký về đời sống của những người dân lao động trước sự tác động của kinh tế thị trường chăng? Tôi nghĩ chắc là có thể có. Ngay cả những nét đẹp của con người mới trong tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Chúng ta cũng đừng nên hoàn toàn coi đó là loại bài “người tốt việc tốt" thuần túy. Nếu có bài nào có chất văn học thì cũng nên đưa vào, coi đó là những nét đẹp truyền thống của người Hà Nội. Tôi không nhớ cụ thể vào khoảng thời gian nào nhưng có một lần trên báo Văn nghệ có một bài viết của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú viết về tinh thần làm việc của những người bác sỹ ở bệnh viện Việt Đức. Các soạn giả có thể rà soát lại trên các báo để đưa vào tuyển tập thêm một ít ký viết về cuộc sống và con người đương đại chăng?
B. Về bài Tổng quan
Đây là một bài viết tốt, đạt được mấy yêu cầu sau:
- Bài viết có cấu trúc chặt chẽ, chứng tỏ người viết đã nắm được toàn bộ nội dung những ký, tản văn mà mình đã tham gia tuyển chọn. Dung lượng cho các phần cân đối, hợp lý.
- Người đọc dễ nắm bắt được nội dung của bộ sách qua cách giới thiệu của tác giả.
- Lối văn viết không quá nặng về khảo cứu, chuyên sâu nhưng cũng không bị rơi vào tình trạng sơ lược, dễ dãi. Bài Tổng quan đã đạt được độ súc tích cần thiết và bảo đảm được yêu cầu khoa học trong kiểu một bài giới thiệu sách.
Tuy nhiên, theo tôi tác giả có thể cân nhắc thêm:
Ở trang 14, nên đưa thêm tên tác phẩm “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” vào phần điểm tên tác phẩm.
Ở trang 15, nên đưa thêm tên tác phẩm vào nhằm chứng minh cho ý kiến "Phóng sự đã đi sâu, đi sát vào đời sống để bóc trần tất cả phần còn tăm tối của đời sống xã hội và con người".
Ở trang 16 có nên dùng chữ “khuất kín" hay thay bằng một từ khác?
Cũng ở trang 16 viết “Hai nữ nhà văn Mai Ngữ và Mai Thục" là chưa chính xác. Chỉ có một nhà văn, nhà báo nữ Mai Thục, còn Mai Ngữ là nhà văn nam.
Nên viết thêm về ký đương đại, đặc biệt cũng nói qua một chút về những nhược điểm của nó...
Nói chung, đây là một công trình được tuyển chọn công phu, nghiêm túc, khoa học. Các soạn giả đã thể hiện được thế mạnh của những chuyên gia trong công tác sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu.
|
|
PGS.TS. Hà Văn Đức viết ngày 19/08/2011
1. Đề cương Tuyển tập ký tản văn Thăng Long - Hà Nội được biên soạn khoa học, công phu và nghiêm túc. So với bản đề cương được đưa ra xem xét lần đầu thì bản thảo lần này được chuẩn bị tốt hơn. Ngoài việc bổ sung thêm những văn bản mới có chất lượng, các tác giả cũng mạnh dạn bỏ ra ngoài những tác phẩm không đạt tiêu chí tuyển chọn (cả về mặt nội dung và nghệ thuật). Qua những tác giả, tác phẩm ký, tản văn được tuyển chọn, người đọc có thể thấy diện mạo Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, cuộc sống sinh hoạt của người Hà Nội cũng như nét tinh tế của văn hoá Việt, văn hoá Thăng Long. Đề cương tuyển tập cho thấy một sự làm việc công phu, nghiêm túc của nhóm tác giả tuyển chọn.
2. Kết cấu của bộ sách được phân chia làm 3 tập, ứng với ba giai đoạn lịch sử: tập I tuyển chọn những tác phẩm từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX; Tập II từ 1900 đến 1975; và tập III từ 1975 đến nay. Việc phân chia như vậy là hợp lý, khoa học, mặt khác cũng tạo được sự cân đối cho các tập sách.
3. Lời giới thiệu bộ sách Tuyển tập ký tản văn Thăng Long - Hà Nội của PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp được viết gọn, cô đúc. Tác giả không chỉ giới thiệu nội dung phản ánh của các tác phẩm ký, tản văn viết về Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, mà còn giúp người đọc thấy được sự vận động, phát triển của thể loại này. Các ý, luận điểm được triển khai mạch lạc, chặt chẽ, có sức thuyết phục.
4. Một số điểm góp ý thêm với nhóm tác giả
- Một số tác phẩm chọn cần phải cân nhắc kỹ hơn, bởi nó không phải là chuyện riêng của Hà Nội, hoặc nằm ngoài địa danh Hà Nội, như Truyện cây cau, Truyện bánh chưng (Lĩnh Nam chích quái), hoặc Phủ Hoài Đức, Phủ Thường Tín, Phủ ứng Hoà, Phủ Lý Nhân (Phương Đình dư địa chí).
- Phần Thăng Long - Hà Nội trong mắt người nước ngoài (Tập III) có thể bổ sung thêm một số tác giả, tác phẩm nữa. Mặt khác, việc sắp xếp thứ tự các tác phẩm trong đề cương còn lộn xộn và chưa có tính khoa học.
|
|
PGS.TS. Trần Ngọc Vương viết ngày 19/08/2011
1. Cái khó trước tiên của việc làm tuyển tập này chính là việc hình dung cho thật mạch lạc về đối tượng để được tuyển chọn. So với các tuyển tập về thơ, tiểu thuyết, cả truyện ngắn thì tuyển tập ký - tản văn có độ co giãn, mơ hồ lớn nhất. Do chỗ ba thể loại vừa đề cập trên đều nằm ở vị trí trung tâm của hệ thống thể loại văn học mà lý luận văn học (có nguồn gốc châu Ân) từng mô hình hóa và cũng cấp cho người đọc những tri thức đã trở thành “kinh điển”. Người biên soạn bộ Tuyển ký - tản văn nhất thiết phải quay lại từ gốc, tìm cho ra những dòng mạch nguồn cội của thể văn này, trong một chừng mực naò đó, phải xác lập, hay chí ít, bổ túc để tự hoàn thiện cho mình những tri thức mang tính lý thuyết tối thiểu về các thể văn hữu quan. Một khi trong “Lý luận văn học đại cương” những định nghĩ về thể loại hay cách hình dung về nội hàm khái niệm thể loại còn thực sự mơ hồ như thực trạng lý luận ở ta ngày nay, thì “người làm tư liệu” cũng không tránh được việc bị đòi hỏi phải cáng đáng lấy cả việc làm nhà lý luận bất đắc dĩ. Cá tác giả công trình tuyển tập này cơ hồ chưa tiến hành một bước đi nào trên quỹ đạo này, vì thế ngay việc trả lời cho câu hỏi mang tính thực tiễn sơ đẳng đàu tiên “chọn những cái gì đây?” đã không tránh được sự lúng túng.
Xin đừng nghĩ rằng tôi đang làm khó dễ cho các soạn giả. “Tản văn”, như một thuật ngữ, không tìm được từ tương đường trong lý luận văn học của châu Âu. Ngay cả những từ ngữ như “ký”, “bút ký”, “phóng sự”, “tùy bút”, mà hiện thời được sử dụng rất phổ biến trong văn chương đương đại, cũng khó tìm thấy những định nghĩa mạch lạc trong khung khổ nền lý luận văn học thường dụng ấy. Các soạn giả nhất thiết phải thực hiện một bước khởi đầu mang tính tiên quyết, tức là việc định danh các khái niệm - thuật ngữ, đặng từ đó mà minh bạch hóa đối tượng sẽ được tuyển chọn. Tôi sẽ giúp các soạn giả phần nào trong công việc ấy, bằng cách cung cấp cho họ những tài liệu mang tính lý luận hữu quan mà các nhà nghiên cứu trung Quốc đã dày công nghiên cứu và trước tác. Trong các công trình lý luận phương tây về thể loại, tôi nghĩ rằng công trình “Lôgic học các thể loại văn học” của Kate Hambeuger chắc chắn có giá trị quy chiếu cho công trình này.
Trong lần nghiệm thu tuyển tập truyện ngắn do nhà văn lê Minh Khuê chủ trì, khi bàn về lời giới thiệu, tôi đã ít nhiều góp ý cho PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp (tác giả của lời giới thiệu đó). Một số những nhận xét và lưu ý đối với anh Điệp trong bài viết ấy có lẽ không cần nhắc lại chi tiết ở đây. Nếu anh Điệp thấy những lời góp ý ấy là đúng và hữu ích, thì anh cũng áp dụng cho cả bài giới thiệu của tuyển tập này nữa. Trong khi phát biểu tôi sẽ nêu thêm một số những chỗ mà tôi đã làm dần khi đọc bản tóm tắt nội dung tuyển tập này. Nhìn chung thì bài viết tổng quan đầu tuyển tập này có dấu ấn cá nhân người biên sọa nhiều hơn nhưng hầu hết những gì cần lưu ý anh Điệp khi viết về tuyển tập truyện bắng có lẽ cũng có thể nhắc lại ở đây được.
2. Trong phần tuyển chọn, tôi đánh giá sự tuyển chọn đối với các tác phẩm thời Trung đại là khá công phu và đầy đủ. Chắc chắn là kỹ lưỡng hơn bên tuyển tập truyện ngắn. Nhưng cũng xin đề nghị các soạn giả cân nhắc lại đối với một số tác phẩm: phải chăng nên “nhường” một số tác phẩm cho tuyển tập “truyện ngắn…”?, còn một đôi tác phẩm nào đó thuộc về văn khảo chứng (kể cả địa chí) thì nên loại bớt đi?
Việc phân chia thời kỳ, giai đoạn trong tuyển tập này theo tôi không được hợp lý lắm, và vênh khá nhiều so với việc phân kỳ bên tuyển tập truyện ngắn hay tiểu thuyết. Câu hỏi tự nhiên bật ra khá trớ trêu: Phải chăng ký và tản văn Việt Nam có một lịch sử phát triển không song hành với sự phát triển của các thể loại khác của văn học Việt Nam? Hay ký và tản văn Hà Nội nó thế?
Trong lịch sử văn học thế giới, ở những thời điểm chuyển đổi hệ hình văn học, như nhận xét của M. Bakhtin, diễn ra “sự phong thánh cho các thể loại nhỏ”. Giai đoạn được coi là giao thời trong văn học Việt Nam (1900-1930) tình hình diễn ra quả đúng như vậy. Người nghiên cứu lich sử thể loại ở Việt Nam không thể không lưu ý đến thực tế mang tính quy luật này. Việc phân kỳ và sắp xếp các tác giả trong cả một giai đoạn lớn theo trật tự vần chữ cái sẽ đánh mất hoàn toàn ở người đọc khả năng nắm bắt quá trình vận động thực của thể loại về mặt lịch sử. Một lưu ý khác: cần xem xét việc đưa hồi kỳ vào tuyển tập này. Hồi ký ở phương Tây là một thể văn có đường viền rất rõ và đặc trưng.
3. Tôi cho rằng việc biên soạn tuyển tập đã làm được phần lớn công việc, với những cố gắng đáng kể của các soạn giả. Tuy nhiên, việc điều chỉnh, bổ sung là chắc chắn cần thiết và cũng không phải quá ít. Hy vọng là các soạn giả sẽ tiếp thu được ít nhiều điều hữu ích từ những lời nhận xét góp ý thẳng thắn và chân thành này.
|
|
PGS.TS. Trần Ngọc Vương viết ngày 18/08/2011
- Cơ bản nhóm biên soạn đã tiếp thu những góp ý của Hội đồng nghiệm thu đề cương, bổ sung và bớt nhiều những “gợn” trong bản đề cương lần 1.
- Những nội dung được đưa ra trong bản đề cương lần này chi tiết và hợp lí hơn.
- Ngoài ra tôi có một vài gợi ý thêm để nhóm biên soạn tham khảo:
+ Theo tôi vẫn nên chia cuốn sách làm 3 tập: Tập 1 phần cổ trung đại (thế kỉ X-1900); Tập 2 phần cận hiện đại (1900-nay); Còn tập 3 là Phần Hà Nội trong con mắt bạn bè (tuyển tập những tác phẩm kí của bạn bè nước ngoài viết về Thăng Long - Hà Nội) nên để thành một tập của tác phẩm thì sẽ có giá trị hơn nhiều nếu để ở phần Phụ lục.
+ Tập 1 cơ bản nhóm biên soạn đã chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng.
+ Tập 2: chọn theo cơ sở xuất bản - vì lúc này văn nghệ tạo thành các cụm văn chương. Tập trung vào 5 cụm:
Kí tản văn trên Nam Phong (Phong hoá, Phụ nữ ngày nay, Tiểu thuyết)
Còn lại tuyển theo tác giả - bám theo cách chia của truyện ngắn, tiểu thuyết. Với các tác giả còn sống nên tham khảo thêm ý kiến của tác giả (ví dụ nhà văn Tô Hoài…)
Tập 3: Nên chọn một số kí của Hải ngoại nhưng phải đảm bảo độ an toàn về nhân thân tác giả, không có tì vết về chính trị. Ngoài ra chọn theo tác giả hau và tiêu biểu của Hà Nội.
Các tác giả, tác phẩm trước năm 1945 không nên thành kiến về chính trị. Tốt nhất là nói rõ chọn trên Nam Phong (khai thác trên báo) để đỡ phải lấn cấn việc giải trình về tác giả. Cần nhất là cách ứng xử mềm mỏng, khéo léo, công bằng. Cần rất thận trọng với các tác giả hải ngoại còn sống (tránh việc thay đổi thái độ chính trị của tác giả sau khi đã tuyển chọn, xuất bản).
Tóm lại nên chia thành 3 tập.
Tất nhiên đề cương là như thế nhưng trong quá trình tiến hành biên soạn các tác giả phải hết sức linh động, sáng tạo nhưng thận trọng khi tuyển các tác phẩm kí-tản văn nhất là với những tác giả có khối lượng sáng tác lớn.
Vấn đề bản quyền đối với các tác giả (nhất là với các tác giả đã qua đời) cũng cần được nhóm biên soạn lưu tâm.
|
|
PGS.TS. Tôn Phương Lan viết ngày 18/08/2011
Sau buổi nghiệm thu nhóm tác giả đã chỉnh sửa đề cương và gửi lại Hội đồng. Xin đưa ra một vài nhận xét và góp ý sau:
- Về cơ bản người viết đã tiếp thu một cách có chọn lọc những góp ý của Hội đồng thẩm định và đề cương đã được nâng lên. Dung lượng cho các phần cân đối, hợp lí hơn. Văn phong sáng sủa, mạch lạc.
- Tác giả đã cho người đọc có một hình dung về sự hình thành, phát truển và đóng góp của thể loại này trong việc tái hiện nét đẹp riêng của Thăng Long - Hà Nội trong quá trình dựng nước. Người đọc dễ nắm bắt được nội dung của bộ sách qua cách giới thiệu ở đề cương của tác giả.
- Bài Tổng quan đã được tác giả nêu ra những nội dung cụ thể hơn (phân tích những nét đặc sắc nhất về tâm hồn, cốt cách, truyền thống yêu nước, truyền thống văn hoá lâu đời của người Hà Nội qua các tác phẩm kí-tản văn tiêu biểu, đặc sắc cả về nội dung và nghệ thuật qua các thời kì lịch sử khác nhau…)
- Trong phần nội dung tác phẩm đưa vào Tuyển tập có sự chọn lọc và cân đối giữa các tác giả, giữa các giai đoạn lịch sử.
- Phần hiện đại, những tác giả được chọn khá tiêu biểu. Theo tôi cần bổ sung thêm một số tác giả hiện đại: Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc… để làm nổi bật nét văn hoá của Hà Nội.
- Chú ý các đề tài, tác giả cần đảm bảo cân đối giữa các đề tài: ẩm thực, văn hoá, địa danh… cũng như giữa thế hệ, giữa trẻ với già. Phần Hà Nội với bạn bè của quốc tế cũng cần cân nhắc kĩ càng. Và cũng không nên phân biệt giữa những nước trước đây có quan hệ đối địch và những nước bè bạn mà nên lựa chọn hết nếu như tác phẩm đó đặc sắc. Mục Hà Nội trong con mắt người nước ngoài nên điểm cả cũ, mới tránh đưa quá nhiều về Liên Xô, hiện nay ta đã mở rộng quan hệ với nhiều nước đôi khi cũng cần có cái nhìn trái chiều về Hà Nội để cảnh báo cho Hà Nội.
- Nếu để là phần phụ lục thì sẽ giảm bớt giá trị của cuốn sách, nên chăng đưa vào cơ cấu chính, bằng không phải nói rõ ở phần Tổng luận.
Với những nội dung nhóm tác giả đã chỉnh sửa, tôi cơ bản nhất trí thông qua đề cương này.
|
|
PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh: viết ngày 18/08/2011
Sau lần nghiệm thu, các soạn giả đã điều chỉnh một số tác phẩm trong phần nội dung của đề cương; những tác phẩm chúng tôi thấy “gợn” đã được bỏ ra. Chúng tôi tôn trọng sự quyết định của nhóm soạn giả.
Về bài “Lời nói đầu”, có thể nói tác giả đã bỏ công đọc, suy ngẫm, bài viết cho người đọc được một cái nhìn tổng quan về ký Thăng Long - Hà Nội trong hành trình nghìn năm, cũng có thể hình dung được diện mạo thể loại một cách khái quát.
Tuy vậy, trong phần giới thuyết khái niệm tôi vẫn ít nhiều băn khoăn. Cụ thể như sau:
- Tản văn, không nên coi là thể loại (trong văn học trung đại), chỉ là hình thức diễn đạt; sở dĩ phải viết ký - tản văn vì để không xét đến ký viết bằng thơ, trong văn học trung đại có những tác phẩm rất dài và cũng hay.
- Bản thân từ “ký”, đương nhiên như tác giả viết, ghi chép (động từ), chuyển sang danh từ, với chức năng thể loại thì bản thân nó đã có tính xác định ở một mức nào đó; bởi lẽ có nhiều từ thể hiện động từ ghi chép, như … một số từ thiên về sử, như chí. Khi đã nói đến “bất phân” tức là đã có sự phân biệt rồi.
Chính vì lẽ đó, tôi cho rằng đứng ở góc độ tập sách này các tác giả nên nhấn mạnh đến phương diện ký nghệ thuật của tác phẩm. Dù là địa chí, ký khoa học (ngay cả hiện đại cũng có kiểu bút ký khoa học) thì cũng không nên tính đến những ghi chép khoa học. Tác giả nên làm rõ thêm ý “cái tôi và sự kiện can dự đến cái tôi ấy”, cả chỗ tương đồng với ký hiện đại. Cho nên, như tôi biết thì trong ký trung đại, bộ phận quan trọng và cũng phong phù là ký phong cảnh, kết hợp với ký về các cuộc đi chơi (ký du), chứ không phải là ghi chép tôn giáo, khoa học - mà kể cả ghi chép về đình, chùa nhiều tác phẩm cũng mang tính chất ký phong cảnh, ký du, kết hợp triết lý; thậm chí cả ký truyền kỳ.
Tuy nhiên, nếu bàn về ký thì bài viết cần một dung lượng lớn, có thể trong điều kiện cụ thể của công trình chưa bàn triệt để được. Vì lẽ đó tôi muốn bài viết xác định những điều chính yếu nhất, trong chừng mực không làm “phân tâm” người đọc.
Có điều, quan trọng vẫn là soạn giả và nhóm soạn giả, trên đây chỉ là một vài gợi ý, hoặc băn khoăn của tôi.
|
|
PGS.TS. Trần Ngọc Vương viết ngày 18/08/2011
- Trước hết tôi khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của đề tài này trong Tủ sách để kỉ niệm Thăng Long 1000 năm. Vì những tác phẩm kí - tản văn là một sản phẩm tinh thần thể hiện những nét đặc sắc về thiên nhiên, con người, cốt cách người Kinh kỳ.
- Phương pháp nghiên cứu, đối tượng và tiêu chí lựa chọn nhóm biên soạn đưa ra trong đề cương là hợp lí.
Xin đưa ra một vài góp ý nhỏ:
- Trong đề cương chia làm 2 tập nhưng theo tôi cần làm thành 3 tập để có các lát dứt khoát từ trước Thăng Long đến 1900, 2 tập sau sẽ từ 1900, dự kiến 800tr/tập.
- Sự phân chia về thể loại theo cách nhìn của thời địa chỉ có tính áp đặt. Tên tản văn là rất rộng nếu có phân biện thì chỉ phân biệt đối văn chép sử (nhưng vẫn nghiêng về sử nhiều), nhưng vẫn cần tuyển chọn.
- Tản văn chỉ tất cả các loại văn xuôi, chỉ văn chép sử là đứng riêng. Ta vẫn chọn được một số tiêu biểu. Một vài tác phẩm có thể tranh chấp giữa kí - tiểu thuyết hoặc nửa chính sử nửa dã sử, có thể xếp vào lí như: Hoàng Lê nhất thống chí, trong đó sử dụng những lời đồn (cung nữ đánh giá Nguyễn Huệ) chủ biên chọn đoạn nào đậm chất kí nhất.
- Tác giả nên đối chiếu với đề tài truyện ngắn của Nhà văn Lê Minh Khuê để tránh chọn từng. Lựa chọn nên rộng rãi, tập trung vào những tác phẩm đậm chất kí nhất.
- Thượng kinh kí sự: là tập kì rất đặc biệt, vai trò và đóng gió văn chương rất cao, trích như tác giả dự định là ít, ít nhất nên chọn một nửa tác phẩm này, tuỳ theo sự cân đối với các tác phẩm khác.
|
|
PGS.TS. Phan Trọng Thưởng viết ngày 18/08/2011
1. Về ý nghĩa của đề tài:
Có thể nói đây là một tập sách rất nên có trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Với thành tựu của nền văn học - nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội suốt 10 thế kỉ, bên cạnh những tuyển tập Truyện ngắn, Tiểu thuyết, Thơ ca,… một Tuyển tập kí - tản văn là không thể thiếu và sẽ đem lại cho độc giả nhiều húng thú, nhiều hiểu biết về cảnh sắc, sự biến thiên của Thăng Long - Hà Nội, lịch sử và tâm hồn, cốt cách, văn hoá người Kinh kỳ.
2. Phương pháp biên soạn và tiêu chí lựa chọn:
- Nhóm biên soạn sẽ sử dụng các phương pháp của ngành khoa học nghiên cứu và phương pháp đặc trưng của lĩnh vực tuyển tập, sưu tầm tác phẩm văn học nghệ thuật: so sánh, đối chiếu nhất là tam sao thất bản… Phương pháp nghiên cứu như thế là hợp lí và cẩn trọng.
- Đối tượng, tiêu chí lựa chọn: Lựa chọn các tác phẩm ký về Hà Nội từ xưa đến nay (bao gồm phóng sự, tuỳ bút, bút kí, tản văn). Đây sẽ là bộ tuyển công phu, bao gồm những tác phẩm xuất sắc, có giá trị lâu dài phản ánh khá toàn diện đời sống Hà Nội và con người Hà Nội trong lịch sử nghìn năm.
Tiêu chí lựa chọn là hợp lí và phù hợp, có sự chọn lọc như vậy sẽ tuyển được những tác phẩm vừa đắt giá vừa toàn diện về thể loại tuyển kí-tản văn của Thăng Long - Hà Nội.
3. Bố cục:
Đề cương có nêu ra tên tác giả và các tác phẩm cụ thể gắn với giai đoạn (Thời trung đại và thời hiện đại) và chia làm hai tập như vậy là hợp lí.
Xin có một vài góp ý:
- Vì tên đề tài là Tuyển tập… như vậy là có sự chọn lọc. Trong quá trình biên soạn nhóm biên soạn cần chú ý đến tiêu chí lựa chọn, nhất là với những tác giả có nhiều tác phẩm thì cần phải chọn những tác phẩm mang tính tiêu biểu cho văn phong của các tác giả đó cũng như của cả giai đoạn.
- Vì khái niệm kí-tản văn không có giới hạn rõ ràng với nhiều thể loại khác nên cần phải giới thuyết hết sức cụ thể ở phần Tổng quan. Đây là phần quan trọng nên cần phải đầu tư thời gian và công sức.
- Một số bài không nên đưa vào tuyển tập, ví dụ một số bài văn bia nội dung lặp và không hay.
- Phần các tuyển tập kí của các tác giả nước ngoài về Thăng Long – Hà Nội để ở phần Phụ lục là hợp lí nhưng cũng phải chọn lọc.
Nhìn chung đây là một đề cương xây dựng chi tiết và cẩn thận. Nếu được bổ sung một vài điểm cho cụ thể hơn thì sẽ là định hướng cho một bản thảo.
|
|
PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh viết ngày 18/08/2011
Đây là một tập sách nên có trong Tủ sách Thăng Long. Với thành tựu của văn học 10 thế kỷ, tập sách hứa hẹn sẽ đem lại cho độc giả nhiều hứng thú và bổ ích, đúng như nhóm biên soạn nhận định: “… sẽ giúp người đọc hiểu hơn cảnh sắc, sự biến thiên của Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử và tâm hồn, cốt cách, văn hóa người Tràng An”.
Đề cương cuốn sách được viết tương đối chi tiết, cụ thể, có thể triển khai được. Nội dung như vậy cũng đã phong phú, có thể giúp người đọc hình dung được cảnh sắc, con người Thăng Long - Hà Nội.
Dưới đây xin góp thêm một số ý kiến:
1. Về tên sách: Có lẽ nên là: Tuyển tập ký về Thăng Long - Hà Nội. Chỉ chọn những tác phẩm về Thăng Long - Hà Nội, đối với những tác gia người Hà Nội cũng vậy. Nên cân nhắc - tập sách này khác với Tuyển tập thơ Thăng Long - Hà Nội.
2. Về thời kỳ trước khi văn học được viết bằng chữ quốc ngữ nên chọn thêm. Thực ra phần văn học này rất nhiều.
3. Xin nói thêm về đối tượng tuyển chọn: Vì khối lượng tác phẩm phong phú nên không cần chọn những bài ký viết về nơi khác của các tác giả là người Hà Nội. Như vậy vừa khỏi phải giới thuyết khái niệm ký Thăng Long – Hà Nội và chủ đề tập trung, tránh được khái niệm “lạc lõng” của một số bài ký về nơi khác của các tác gia Hà Nội. Có thể chọn thêm những bài ký của người Hà Nội, người Thăng Long.
4. Nên xác định rõ hơn tiêu chí của ký; do vậy có cần trích “Hoàng Lê nhất thống chí” hoặc nên xác định khi thì nào thì chọn các truyện ký trong văn học chữ Hán?...
Một số ý kiến cụ thể:
Cần bổ sung phần văn học cổ đại. Có thể tìm ở các tuyển tập “Truyện truyền kỳ Việt Nam”, dòng văn - các tác giả Vũ Trinh, Ngô Thì, ví như ‘Trùng dương vô thi ký”, “Tri mục đình ký”, “Du Tam Kiều ký”… Đoàn Thị Điểm có thể lấy thêm “Đền Hùng ở Hải Khẩu” (Hải Khẩu linh từ); “Thiền uyển tập anh” nên chọn truyện “Diệu Nhân ni sư” (Lý Ngọc Kiều);
“An Nam chí lược” nên chọn bài “Hành lục” của sứ giả Trung Quốc; “Lĩnh Nam chích quái” có thể cọn thêm “Trầu cau”, “Bánh chưng bánh dày”…
Một số bài nên bớt, ví dụ Lý Thái Tông, một số bài văn bia nội dung lặp và không hay.
Phần văn học hiện đại cũng nên rà soát thêm.
Tôi ủng hộ việc làm tập sách này và nhìn về tổng thể tán thành đề cương của nhóm viên soạn. Tuy vậy cần bổ sung và soát lại khi thực hiện công trình.
|
|
PGS.TS. Hà Văn Đức viết ngày 18/08/2011
1. Việc tuyển chọn những tác phẩm ký - tản văn viết về Hà Nội nhằm phục vụ cho chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của Nhà nước và Thủ đô Hà Nội là một việc làm thiết thực và có ý nghĩa về nhiều mặt. Qua những tác phẩm được tuyển chọn sẽ giúp người đọc hiểu sâu hơn, cảm nhận rõ hơn về Hà Nội, về tâm hồn, về văn hóa, cốt cách người Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử khác nhau.
2. Các tác giả biên soạn đã nêu lên 2 định hướng và tiêu chuẩn tuyển chọn, đó là:
- Các tác phẩm được chọn phải là những tác phẩm tiêu biểu nhất thể hiện vẻ đẹp của Thăng Long - Hà Nội.
- Cố gắng tuyển chọn các tác phẩm hay để vừa thể hiện được cuộc sống đa dạng, phong phú của người Hà Nội đồng thời thể hiện được chiều sâu văn hóa, cốt cách, tâm hồn người Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử khác nhau.
Việc đề ra các tiêu chí như vậy là hết sức cần thiết với những yêu cầu, mục đích rõ ràng, các tiêu chí ấy sẽ giúp các tác giả biên soạn có hướng và chuẩn mực lúc tuyển chọn các tác phẩm.
3. Ưu điểm của bản đề cương chi tiết
- Các tác giả tuyển chọn đã bao quát được số lượng những tác giả, tác phẩm viết về Hà Nội khá phong phú, trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, từ văn học trung đại cho đến thời kỳ trước cách mạng, những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến thời kỳ đổi mới hiện nay.
- Mỗi tác giả, tác phẩm được tuyển chọn khác tiêu biểu. Hầu như các tác giả, tác phẩm tiêu biểu viết về Hà Nội đều được tuyển chọn trong bộ sách này. Phần phụ lục “Hà Nội trong mắt bạn bè” tuyển chọn những bài viết của các tác giả nước ngoài viết về Hà Nội là hết sức cần thiết và là một cố gắng rất đáng trân trọng của các tác giả biên soạn.
- Qua các tác phẩm viết về Hà Nội được tuyển chọn, hình ảnh Hà Nội xưa và nay, cuộc sống sinh hoạt của con người Hà Nội, phong cảnh thiên nhiên, những danh lam thắng cảnh, văn hóa ẩm thực của con người Hà Nội… đã hiện lên một cách khá rõ nét. Người đọc được cung cấp những tri thức phong phú, đa dạng, nhiều mặt về Hà Nội, hiểu biết thêm bản sắc văn hóa và tính cách của người Hà Nội.
4. Một số điểm cần lưu ý
- Phần Tổng quan trong phần giới thiệu khái quát về ký tản văn Thăng Long - Hà Nội lưu ý tới hai bộ phận: Ký - Tản văn do người Hà Nội viết và Ký - Tản văn viết về Hà Nội. Theo tôi, việc phân chia này không cần thiết. Ở đây chỉ nên chọn những tác phẩm ký tiêu biểu, đặc sắc nhất viết về Hà Nội, chứ không nên phân chia là do ai viết. Bởi vì trong phần lý giải về ký - tản văn do người Hà Nội viết, các tác giả biên soạn nói rõ là: “những tác phẩm này có thể viết về người Hà Nội, có thể viết về con người văn hóa nói chung”. Như vậy, phải chăng nếu là người Hà Nội thì viết về bất kỳ con người, vùng đất văn hóa nào khác cũng được tuyển chọn chăng? Vậy như nhà văn Ma Văn Kháng - là nhà văn Hà Nội, vậy có thể tuyển chọn những tác phẩm của ông viết về đề tài miền núi hay không?
- Bộ sách bao quát một số lượng tác phẩm khá lớn dàn trải suốt hàng nhìn năm lịch sử từ văn học Trung đại đến Hiện đại, đề cập đến nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh khác nhau của mảnh đất và con người Thăng Long - Hà Nội. Chính vì thế cần có sự sắp xếp hợp lý, khoa học: nên cân nhắc là sắp xếp theo thời gian (xưa/nay, trước cách mạng tháng Tám; kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ đổi mới… ) hay theo chủ đề (thiên nhiên - con người – văn hóa - ẩm thực…).
- Số lượng tác phẩm được tuyển chọn khá phong phú, nhưng theo tôi cần có sự tinh chọn hơn nữa. Một số tác phẩm được chọn chưa thật hay, hoặc chưa thật phù hợp với tiêu chí của cuốn sách. Ví dụ: tác phẩm của Hồ Dzếnh Con ngựa trắng của ba tôi (không liên quan gì đến chủ đề Hà Nội), hay của tác giả Dương Phương Vinh: Ẩm thực hà Nội - sợ cũng phải ăn - đây là một bài báo nêu thực trạng ăn uống đường phố của người Hà Nội đưa vào đây e không thích hợp.
- Cần bổ sung thêm một số tác phẩm viết về Hà Nội nữa như: Chiến đấu trong vòng vây (Hồi ức của Đại tướng Võ nguyên Giáp biết về những ngày chiến đấu của Trung đoàn Thủ đô và Tự vệ thành năm 1946) hay “Hà Nội mùa đông năm 1946” (Hồ Chí Minh, Võ nguyên Giáp, Vương Thừa Vũ). Ngô Tất Tố là nhà văn nhiều năm sống gắn bó với Hà Nội và có nhiều bài viết về cuộc sống của con người Hà Nội những năm trước Cách mạng tháng Tám, vì thế nên bổ sung thêm các tác phẩm của nhà văn này. Nếu có điều kiện bổ sung thêm phần phụ lục những bài viết của các nhà văn, nhà sử học người Pháp viết về Hà Nội thì sẽ rất hay (nhất là những bài viết vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX).
|