Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Sách văn học - nghệ thuật |  Bạn đang ở:Trang chủ » Sách văn học - nghệ thuật
  • Hà Nội với những tấm lòng gần xa
  • Đây là tuyển tập các bài thơ văn, bút ký, tản văn và một số ký hoạ, tranh, ảnh nghệ thuật của người nước ngoài nhìn Hà Nội, cảm nhận và viết về Hà Nội. Điểm theo thời gian, nêu những nét đặc sắc của Hà Nội qua cái nhìn của bè bạn. Các tác phẩm nêu bật được vẻ đẹp của cảnh sắc và con người Hà Nội, bày tỏ sự thán phục trước sự dũng cảm của con người Hà Nội và những ấn tượng sâu sắc mà Hà Nội để lại trong lòng bạn bè.
  • Tác giả :   Hoàng Thuý Toàn (Chủ biên)
  • Bình chọn:
    (Tổng số: 0 - Trung bình: 0.00)
  •   Bình luận   |  Ý kiến của bạn |  Xem thêm sách cùng chủ đề
  •   Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách
          Giới thiệu đôi nét về thủ đô Hà Nội. Điểm lịch sử giao lưu của Hà Nội với người nước ngoài. Những cái nhìn của người nước ngoài trong gặp gỡ với Hà Nội. Điểm những tác phẩm đặc sắc. Nêu bật cái nhìn ưu ái, cảm tình của nhiều người từ xa tới trước vẻ đẹp của cảnh, người, lịch sử, đời sống xã hội ở thành phố này.(Có thể dựa vào bài Hà Nội trong con mắt bạn bè của Thuý Toàn tham gia Hội thảo Người Hà Nội thanh lịch văn minh [in trong kỷ yếu mang tên Hội thảo, do NXB Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội xuất bản năm 2005, tr.300 - 313) bổ sung, nâng chất lượng lên).
Chi tiết sách
  • Tác giả:  Hoàng Thuý Toàn (Chủ biên)
  • Nhà xuất bản: Nhà Xuất bản Hà Nội 
  • Năm xuất bản:  2010
  • Tổng số trang:  
  • Kích thước:  16 x 24 cm
  • Mã số:  
  Bình luận (11)  
TSKH. Phan Hồng Giang viết ngày 30/08/2011
Với hơn 600 trang khổ A4, đây là một công trình sưu tập tư liệu công phu, tập hợp công sức của rất nhiều người chung quanh chủ đề “Hà Nội trong những tấm lòng bạn bè” khắp năm châu và theo suốt chiều dài hàng trăm năm. Chủ biên công trình này, nhà văn Hoàng Thúy Toàn cùng các cộng sự của ông đã sắp xếp, bố cục các tư liệu bộn bề, phong phú về nội dung cũng như về thể loại thành 5 phần theo tôi là hợp lý (theo trình tự thời gian và bám chắc vào các thời kỳ chủ yếu trong tiến trình lịch sử của Hà Nội). Công trình đã tập hợp được những tác phẩm khá tiêu biểu về con người, cảnh quan, đời sống thường nhật ở Hà Nội gắn với các sự kiện quan trọng. Nhiều bài viết có giá trị thông tin, giá trị lịch sử qua cách nhìn nhận khách quan của người nước ngoài. Nhìn chung công trình này đáp ứng được những yêu cầu của một tập sách có giá trị trong khuôn khổ Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Để bản thảo có thể hoàn thiện hơn, xin có một số góp ý nhỏ sau: - Nên cố gắng không bỏ sót những tên tuổi đã quen biết đã từng viết về Việt Nam như S. Lidman (Thụy Điển), Ch. Fuôcniô (Pháp), J. Lacutuya (Pháp), K. Iaxin (Angieri)… - Âm hưởng chủ đạo của tập sách là thể hiện “tấm lòng bè bạn” nên thiên về ngợi ca Hà Nội, con người và cuộc sống ở đây. Vì vậy bài viết nào, đoạn nào đi quá xa giọng điệu này, thậm chí còn đi ngược (thí dụ: bài đàu tiên mô tả rất kỹ sự bẩn thỉu, nhếch nhác, tình trạng bất an, đầy trộm cướp - về Hà Nội cuối thế kỷ XIX) thì nên lược bỏ (kẻo phá vỡ ấn tượng tốt đẹp chung). - Nên có lời giải thích vì sao đưa phụ lục ảnh tư liệu về Hà Nội vào sách về “tấm lòng bè bạn gần xa”… - Về mặt kỹ thuật: Bản thảo còn để nhiều, rất nhiều sai sót về lỗi vi tính, đặc biệt là trong phiên âm tên nước ngoài (Tôi đã mạo muội trực tiếp chữa vào bản thảo như ở các trang 83, 88, 127, 339, 362, 366…) - Nên nhất quán cách trình bày ở cuối mỗi bài viết, bài thơ được trích: Phần lớn các tác phẩm trong sách này đều có ghi rõ tên người dịch, xuất xứ của đoạn trích hoặc nguyên bản. Theo yêu cầu này, thì còn khá nhiều bài trích còn thiếu tên người dịch và xuất xứ (tôi đều đã lưu ý rõ trong bản thảo). - Vì đây là tập sách tập hợp nhỉều tác phẩm của rất nhiều tác giả từ nhiều nước, nên cần chú ý bảo đảm tính cân đối nhất định về độ dài các tác phẩm, tác giả được trích. Theo tiêu chí này và căn cứ vào nội dung thực sự của tác phẩm, thì theo tôi phần trích của L. Borton (“Tiếp sau nỗi buồn” - từ tr. 452 đến 495) tới 43 trang khổ A4 là quá dài. Tương tự như vậy phần trích tác phẩm “Ngõ phố Hà Nội” (tr.515 đến tr.548) của L.Tetsuji (Nhật Bản). Nên lược bớt, ít ra là 1/3 mỗi bài cho cô đọng hơn (dù đây là những bài viết có tính văn học hơn cả). Nhìn chung, tôi cho rằng tập sách này, sau khi sửa lại một số sai sót (chủ yếu có tính kỹ thuật), có thể đưa xuất bản và trở thành một điểm nhấn có giá trị của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Phạm Văn Chương viết ngày 30/08/2011
1. Một số nhận xét: 1.1. Đây là một bản thảo công phu, thu thập được nhiều tư liệu từ khắp năm châu (Á, Âu, Phi, Mỹ và Đại dương) và vắt qua ba thế kỷ (XIX, XX và XXI), vừa giàu thông tin mang tính lịch sử vừa có giá trị văn học, vừa là một “lễ vật” dành cho dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa là một tài liệu có thể dùng tra cứu, tham khảo lâu dài. 1.2. Việc phân chia tư liệu thành năm phần theo các giai đoạn thời gian nối tiếp là hợp lý; các phần sau tư liệu dồi dào hơn các phần trước cũng là điều dễ hiểu. Tiếc rằng do thiếu tư liệu, Bản thảo chỉ có thể đưa vào Phần II 3 bài về thời gian trước khi nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc, được gom lại dưới tiêu đề “Tháng Tám mùa Thu 1945 - 1946”, rồi đi thẳng sang Phần III (“Trở về” - 1954 - 1964), bỏ qua thời kỳ 8 năm Hà Nội bị tạm chiếm. Trong 8 năm đó, có lẽ cũng có những nhà báo, nhà văn, nhà chính trị hoặc quân sự Pháp viết về tình hình Hà Nội; hy vọng là sau này sẽ tiếp tục có những nỗ lực nhằm thu thập các tư liệu đó. 1.3. Các tác giả thuộc nhiều dân tộc và tầng lớp khác nhau, đến Hà Nội với những tư cách khác nhau, nhìn Hà Nội từ những góc độ khác nhau, nhưng các bài viết nói chung đều khách quan, thiện chí; có khen có chê nhưng khen nhiều chê ít, chê cũng đúng mực, phải chăng, tuy có nơi có lúc có phần trịnh thượng, nhưng không ác ý, không miệt thị đất và người Hà Nội (ví dụ: về tình hình vệ sinh ở Hà Nội cụối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, về tình hình giao thông ở Hà Nội cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI). Tóm lại, Bản thảo đã đáp ứng được những yêu cầu chủ yếu nêu ra tại cuộc họp ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Hội đồng nghiệm thu. 2. Một số đề nghị: 2.1. Trong bản thảo, tên riêng tác giả (và cả tên nước) được viết không nhất quán, khi phiên âm, khi để nguyên theo tiếng Pháp, tiếng Anh. Đề nghị thống nhất cách viết các tên riêng, ví dụ: có nên phiên âm tất cả hay chỉ phiên âm những tên không dùng chữ cái la-tinh? phiên âm thì có hay không có gạch nối giữa các âm tiết? v.v… 2.2. Trong Bản thảo, còn quá nhiều lỗi đánh máy, hầu như trang nào cũng có. Đề nghị hết sức coi trọng việc sửa chính tả bản thảo. 2.3. Phần Phụ lục ảnh, đề nghị bỏ các chân dung của Francis Garnier (Ảnh 6) và Henri Rivière (Ảnh 21) là hai sĩ quan Pháp đã dẫn quân đánh chiếm Hà Nội. 2.4. Phần Chú thích về tác giả:  Mục 4, đề nghị viết lại như sau: Herbert Aptheker (1915-2003). [Nếu cần phiên âm thì là Hơbớt Épthicơ]. Giáo sư, nhà lý luận chính trị, nhà hoạt động tích cực vì dân quyền và quyền của người da đen và hoà bình, phản đối cuộc chiến tranh Mỹ xâm lược Việt Nam. Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Mỹ (CPUSA).  Mục 8, đề nghị điều chỉnh và bổ sung như sau: Wilfred Burchett (1911-1983). [Nếu cần phiên âm thì là Uynphrết Bớcsét]. Nhà báo quốc tế người Australia (thêm “người Australia”)…  Mục 11 (Lady Borton), đề nghị thêm và bớt như sau: 1. thêm “sinh năm 1942”; 2. Nữ nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh Mỹ... (thêm “nhà báo” và “Mỹ”) 3. bỏ “Hiện bà là giám đốc đại diện Quỹ Quây-cơ Mỹ tại Việt Nam” vì Lady Borton đã thôi công việc này từ nhiều năm nay.  Mục 58 (David Lamb) và 59 (H. Landmann), nếu ghi rõ quốc tịch thì tốt hơn.  Mục 93 (Archimedes L.A. Patti), đề nghị thêm “1914 - 1998”).  Mục 94, đề nghị viết lại như sau: Len Fox, nhà báo, nhà văn, nhà thơ Australia, nhiều năm là phóng viên thường trú của một số tờ báo tiến bộ Australia tại Việt Nam. Tác giả cuốn Friendly Vietnam (Việt Nam hữu nghị) và nhiều bài viết về Việt Nam sau năm 1954.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc  viết ngày 30/08/2011
1. Đánh giá chung: * Mục đích biên soạn: - Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, biên soạn một cuốn sách sưu tầm ý kiến bè bạn nước ngoài về Hà Nội nhằm: a/ Hiểu biết tình cảm hữu nghị một hình thức tri ân b/ Phần nào qua con mắt khách quan, giới thiệu tư liệu về cảnh sắc, con người về sinh hoạt của Hà Nội * Dựa vào mục đích, đánh giá: - Đây là một cuốn sách công phu (nhất là về vấn đề tìm tư liệu), có một số bài hấp dẫn (ít được biết đến), và bổ ích (cho bạn đọc trong và cả ngoài nước) một đóng góp cho lễ kỷ niệm 1000 năm. - Nhưng cần hoàn chỉnh về nhiều mặt trước khi in, nếu không sẽ chỉ như là một cuốn sổ ghi cảm tưởng, gây ấn tượng vá víu và biên tập chưa kỹ. 2. Nội dung: + Ưu điểm: Có công sưu tầm được hơn 150 bài, thuộc nhiều nước, lại có bản dịch. Nhiều bài ít được biết, và gộp lại gây ấn tượng. Các bài đa dạng, cả văn lẫn thơ, văn phong lại khác nhau dễ gây hứng thú. + Những điểm cần điều chỉnh: * Theo tên sách “Tấm lòng gần xa” thì là chọn bạn thôi. Ở đây là chọn cả những người không phải là bạn. Thí dụ: Hocquard (trích dẫn dài) là bác sĩ quân y theo quân Pháp sang bình định Bắc kỳ và viết cuốn ký sự “Một chiến dịch ở Bắc kỳ” năm 1884 - 1886. Cuốn sách dày hơn 400 trang đứng về phương diện dân tộc học thì tốt, về lập trường còn khá thực dân. - Bài đầu ??? - Có ý kiến là về tư liệu, chỉ nên khen, không nên chê. Tôi cho phê phán đúng mức cứ nên để, chỉ tuyền khen cũng không hay. - Nhiều bạn nổi tiếng của ta không có * Hà Nội và Việt Nam Đây là viết về Hà Nội, nhưng rất nhiều bải về Việt Nam chung chung (Thí dụ: Tr.132, 146, 176, 48…) gây ấn tượng cố nhét cho đầy. Nên chăng thay tên là Hà Nội, Việt Nam cho dễ tìm bài bổ sung. * Tỷ lệ các quốc gia Thế nào sách này cũng đến tay người nước ngoài. Tỷ lệ nước có nhiều, nước có ít đại diện sẽ gây ra ấn tượng mình lệch về ai, chứ ai nghĩ là mình muốn người nhưng không có. - Nga, Liên Xô cũ đến 50 vị trên 150 bài chọn. * Bài dài, ngắn - Trừ các bài thơ, các bài văn xuôi nên có sự cân đối, nếu không có cảm tưởng là ưu đãi một số tác giả (suy luận thành đề cao một số nước) - Bài không nên quá 15 trang - Tr.176, bài Nga dài 37 trang, Lady Borton 42 trang… * Chênh lệch giữa 5 thời kỳ - Thời kỳ trước 45 ít bài - Thời kỳ 1945 - 1954: chẳng có gì về 9 năm kháng chiến. Do đó ấn tượng hẫng. Nên chăng bỏ xếp theo thời kỳ rất hợp lý nhưng có tài liệu, khiến cho lệch lạc. Xếp đặt lại theo đề tài (cảch sắc, con người, phong tục, sinh hoạt). * Hai yếu tố tình cảm và tư liệu về Hà Nội phải cân bằng, nếu không thành sách tả cảnh Hà Nội. 3. Hình thức + Vấn đề tên riêng: nên phiên âm Việt trước, rồi để nguyên + Phần mở đầu (cắt gọn hơn, trích ít) + Ảnh: không hợp với nội dung đề ra, mà là ảnh lịch sử và sinh hoạt hợp với sách khác. Hai loại ảnh cần: 1. Chân dung các tác giả 2. Ảnh các tác giả chụp về Hà Nội + Nhiều lỗi chính tả, câu văn chưa rõ + Các bài viết nên có ghi năm viết (Thí dụ: Tr.10, Tr. 126…) + Chính xác: Tr.56, tên có đúng không? Tr.10: bài thơ Nhật có chỗ không hiểu? + Laydy Borton không làm cho quaker nữa 4. Đề nghị - Chỉnh lý lại bản thảo theo các gợi ý - Không chạy theo số trang mà cần chất lượng. Cần xuất bản một cuốn tuyển tập có sự cân đối về mọi mặt. - Sách nếu tốt có thể in ngoại ngữ, nên có đủ nguyên văn và sự cân đối.
PGS.TS. Nguyễn Văn Dân viết ngày 30/08/2011
Đề tài “Hà Nội với những tấm lòng gần xa” là một đề tài hấp dẫn, đáp ứng tinh thần của Dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với tên gọi như vậy, đề tài có mục đích khẳng định vị thế của thủ đô Hà Nội trong lòng bạn bè thế giới. Đó là một mục đích có ý nghĩa, góp phần nâng cao lòng tự hào của người dân thủ đô nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Các tác giả của đề tài thực sự đã chọn đúng hướng đi để thực hiện một công trình văn hoá có ý nghĩa thiết thực. Với một tập bản thảo dày hơn 600 trang khổ A4, kết quả đề tài đã cung cấp cho bạn đọc rất nhiều thông tin bổ ích và lý thú. Kết quả này đã được trình bày theo kết cấu của một cuốn sách để xuất bản. Với 5 phần chính và một phần phụ lục, bố cục cuốn sách tỏ ra khá hợp lý. Nó đưa người đọc trở về với lịch sử Hà Nội từ thế kỷ XIX, qua các giai đoạn cách mạng, kháng chiến, xây dựng, bảo vệ và cuối cùng là phát triển hướng tới tương lai, để giúp người đọc hình dung con đường phát triển của Hà Nội cho đến thời kỳ đổi mới dưới con mắt của người nước ngoài, chủ yếu là những người bạn đã gắn bó với Việt Nam và đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội. Để kỷ niệm Hà Nội 1000 năm Thăng Long, việc thực hiện đề tài này cũng là một cách để chúng ta tôn vinh Hà Nội, một Thủ đô có truyền thống văn hoá lâu đời. Và cái cách các tác giả lựa chọn là mô tả Hà Nội qua con mắt của người nước ngoài sẽ đóng góp một cái nhìn khách quan về Hà Nội, đồng thời cũng cung cấp cho độc giả Việt Nam những ý kiến nhận xét cũng như những tình cảm của người nước ngoài đối với thủ đô của chúng ta, qua đó giúp chúng ta hiểu rõ thêm công sức lao động của người dân Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển thủ đô, cũng như có thể gợi ý cho người dân Việt Nam những ý tưởng phát huy các giá trị văn hoá của Thủ đô Hà Nội. Người đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ, sẽ rất thích thú khi được hiểu rõ thêm về Hà Nội thời xưa và có dịp để so sánh với Hà Nội ngày nay. Những trang viết của người nước ngoài mô tả Hà Nội thời kỳ cuối thế kỷ XIX là những bức tranh rất gây ấn tượng. Rồi những bài viết và những bài thơ của các tác giả nước ngoài về Hà Nội, về Hồ Chí Minh, thực sự là những bản tình ca thể hiện tình cảm của các tác giả đối với Việt Nam và Hà Nội một cách vô cùng xúc động. Những bài viết đó khi đứng riêng lẻ có thể sẽ bị chìm đi và bị lãng quên, nhưng khi tập hợp vào cuốn sách này, chúng sẽ làm thành một bản hợp ca với nhiều âm điệu khác nhau, và thực sự nó sẽ là một bản giao hưởng ca ngợi Việt Nam - Hà Nội - Hồ Chí Minh. Và đó chính là thành công của cuốn sách. Có thể khẳng định nếu được xuất bản, đây sẽ là một cuốn sách có giá trị văn hoá cao và có ý nghĩa thực tiễn cho việc quảng bá hình ảnh của Hà Nội nói riêng và của con người và đất nước Việt Nam nói chung, đồng thời góp phần củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc và đẩy mạnh giao lưu văn hoá quốc tế. Đó cũng chính là ưu điểm căn bản của cuốn sách. Tuy nhiên, để có được một bản thảo hoàn chỉnh có thể xuất bản, tôi đề nghị các tác giả cần gia công biên tập kỹ lưỡng hơn nữa, kể cả đối với những câu văn viết lẫn những câu văn dịch (quả thực là có những câu những đoạn rất khó hiểu), đặc biệt là cần xem lại cách phiên âm tên riêng nước ngoài, và nếu thống nhất được cách phiên âm tên riêng nước ngoài thì càng tốt. Cuối cùng, tôi đề nghị hội đồng nghiệm thu thông qua kết quả đề tài này, nhưng với một đề nghị là bản thảo cần phải được sửa chữa và biên tập kỹ lưỡng trước khi đưa công bố.
PGS.TS. Nguyễn Văn Dân viết ngày 24/08/2011
Về mục đích của công trình: Đây là một công trình cần thiết, nó cung cấp những thông tin phong phú về tình cảm và những mối quan tâm của bạn bè và các nước trên thế giới về Thủ đô Hà Nội trên diễn đàn quốc tế, nâng cao lòng tự hào của người dân Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp tới. Về quy mô của công trình: Với số trang bản thảo dự kiến là 750 trang, thì đây là một công trình có quy mô tương đối lớn, xứng đáng với tầm cỡ của chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nó sẽ là công trình đầu tiên tập hợp tương đối đầy đủ các tư liệu quốc tế về Thủ đô Hà Nội, sẽ trở thành một nguồn tư liệu phong phú để cho các nhà nghiên cứu khai thác khi nghiên cứu về Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là một căn cứ để khẳng định ý nghĩa và tính cần thiết của công trình. Với những nhận xét trên đây, xin gợi ý mấy điều như sau: - Với cái tên “Hà Nội với những tấm lòng gần xa” thì không nên đưa vào “cả phần nhận xét mặt tối” như tác giả chủ trương. Vì khi đã nói đến “tấm lòng” thì chỉ nói đến những tình cảm tốt đẹp. Còn nếu không tác giả sẽ phải đổi tên công trình thành “Hà Nội trong con mắt của người nước ngoài”. - Để cho công trình có thêm tính chất khoa học, tác giả nên cố gắng sưu tầm để dựng lại một quá trình đánh giá về Hà Nội của các tổ chức quốc tế và của các nhà nước trên thế giới. Chẳng hạn, như Hà Nội đã được kết nghĩa với thành phố hay thủ đô nào trên thế giới; hay Hà Nội đã được những tổ chức quốc tế nào vinh danh (ví dụ như năm 1999, Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Thành phố vì hòa bình); và việc sưu tầm này nếu được tiến hành với độ lùi về thời gian càng xa càng tốt, để cho xứng đáng với quy mô thời gian 1000 năm của Thủ đô ta.
Dịch giả Quang Chiến viết ngày 24/08/2011
Tôi nhiệt liệt chúc mừng NXB Hà Nội có ý định thực hiện đề án này. Đây là một việc cần thiết để giới thiệu với bạn đọc tấm lòng của bè bạn năm châu đối với Việt Nam, nhất là Hà Nội chúng ta; mặt khác cuốn sách này cũng là sự tri ân của người Hà Nội đối với bạn bè ta trên thế giới. 2. Tiêu đề tác phẩm: “Hà Nội với những tấm lòng gần xa” chưa hay, nên thống nhất và tìm một tiêu đề khác ngắn gọn, súc tích hơn, chẳng hạn: “Hà Nội trong lòng bè bạn”, “Thế giới với Hà Nội”, “Hà Nội trong mắt tôi”, “Hà Nội - Không thể nào quên”, “Hà Nội trong mắt ai”… Đây chỉ là gợi ý, đến bất chợt, đề nghị các anh xem xét thêm. 3. Một điều quan trọng cần chú ý là tên các tác giả nước ngoài được đưa vào tuyển. Có nên để nguyên tên tác giả hay phiên âm sang tiếng Việt? Đây là một khó khăn lớn, vì có tiếng Nga, Anh, Đức, Nhật, Hàn Quốc… rất phức tạp. nếu phiên âm, có nên ghi chú tên gốc hay không? Ví dụ ông Fritx Ienzeu (Áo) (Fritz Jensen), Henphret Soraitơ (Đức)… Tôi nghĩ nên thống nhất cách ghi tên tác giả trong toàn bộ tác phẩm. 4. Để thấy bè bạn trên thế giới nhìn nhận Hà Nội ra sao, tác phẩm nên có nhiều bức ảnh của các nhà nhiếp ảnh nước ngoài chụp Thủ đô và con người Hà Nội chúng ta. Tôi nghĩ nguồn tư liệu ảnh của họ rất thú vị, đôi khi khiến ta ngỡ ngàng trước cách nhìn của họ. 5. Vì là một tác phẩm “dưới con mắt người nước ngoài” nên theo tôi cũng nên chọn cả những bài mà ta không ưng, ngoại trừ những bài có hàm ý xấu, mang tính chính trị, còn những gì ta thấy họ chê đúng, ta nên cho người đọc được biết, chẳng hạn về giao thông “khủng khiếp” ở Hà Nội… 6. Đề cương chi tiết của tác giả Thúy Toàn rất tốt, khá nhiều tư liệu, có thể coi đó là cái sườn của đề án. Tuy nhiên, chắc còn phải bổ sung và có sự đóng góp của nhiều cộng tác viên khác. Ví dụ, khu vực các nước Đức, Áo, Thụy Sĩ cũng nên thêm các tác giả, như: Erich Fried, người được phương Tây mệnh danh là “nhà thơ dấn thân vì Việt Nam”, Erust Fred, tác giả cuốn “Việt Nam - Tình yêu của tôi” và nhiều nhà văn khác, nhất là các nhà văn CHDC Đức trước đây đã từng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta.
TSKH. Phan Hồng Giang viết ngày 24/08/2011
Đề cương bản thảo “Hà Nội với những tấm lòng gần xa” do nhà văn Hoàng Thúy Toàn chủ biên là một đề cương rất tốt, khá chi tiết và rất khả thi. Chỉ ở giai đoạn chuẩn bị ban đầu, tác giả đề cương đã nắm được khá nhiều tư liệu quý và đề tài gồm văn thơ, bút ký… của người nước ngoài về Hà Nội, từ trước 1945 đến nay. Đội ngũ dự kiến những người tham gia cũng khá đông đảo và gồm các chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Tôi ủng hộ đề cương này và xin đóng góp một số ý kiến sau: 1. Nên giới hạn thời gian (từ đầu thế kỷ XX đến nay). Nếu không sẽ khó thực hiện vì trước đó, từ những tác phẩm viết về Hà Nội của người nước ngoài thí dụ như ở các thế kỷ XVII – XVIII đã có nhiều tác phẩm của người nước ngoài viết về Hà Nội, trong đó có nhiều cố đạo, doanh nhân phương tây. 2. Nên sưu tầm thêm tác phẩm về Hà Nội của các nhà văn lớn nước ngoài như E. Eptusenco, Luconhin, Xôlônkhin, X. Lidman, Dimtơrova (một số tác phẩm văn xuôi), K.Ximônôp… 3. Về thể loại: Có lẽ nên xếp riêng văn xuôi và thơ cho tiện theo dõi (hay là xếp theo thời gian)
Nhà văn hóa Hữu Ngọc viết ngày 22/08/2011
Sau lần Hội đồng nghiệm thu bản thảo “Hà Nội với những tấm lòng gần xa” (nhà văn Hoàng Thuý Toàn chủ biên), nhóm biên soạn đã bỏ nhiều công chỉnh sửa, do đó bản thảo mới này đã được nâng lên khá nhiều: hợp lý hơn, gọn gàng hơn, tỷ lệ về nội dung và thành phần dẫn tới các tác giả cân bằng hơn, không còn những bài quá dài. Do đó, tính hấp dẫn được tăng lên. Nhưng để tăng chất lượng và cho sách ra hoàn chỉnh hơn có mấy đề nghị sau đây: 1. Về nội dung: Các bài chọn phải phục vụ cấn đề chủ đạo là: Cảm nhận người nước ngoài về Hà Nội. Nhưng trong bản thảo có khá nhiều bài lạc đề, cần đề cập đến: Cảm nhận người nước ngoài về Việt Nam nói chung. Như vậy, người đọc bị hẫng, đọc mãi chẳng thấy viết gì về Hà Nội cả, có cảm giác bị lừa, treo đầu dê bán thịt chó (điều này, nếu ở phương Tây rất kiêng kỵ, có thể độc giả ta dễ dãi chăng?). Tôi cũng hiểu ý đồ biên soạn là đưa vào những tác giả của nhiều nước cần có mặt, để về ngoại giao khỏi có vấn đề chênh lệch. Nhưng quả thật đọc nhiều bài về Bác Hồ chẳng có liên quan gì đến Hà Nội; nếu lập luận là Bác Hồ là lãnh đạo Việt Nam với Thủ đô là Hà Nội, thì luận điệu ấy không vững. Vì vậy, tôi đề nghị ít nhất cũng bỏ những bài sau đây (bỏ đi cũng khiến cho cấu trúc sách càng hợp lý): Mừng thọ Chủ Tịch Hồ Chí Minh bảy mươi tuổi (tr.164), Tình đoàn kết Lào - Việt (tr.167), “… Trước đây…” (Tr.255), Trời xanh đón Người về (tr.273), Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ (tr.274), Hồ Chí Minh (tr.277), Bác Hồ (tr.278), Hồ Chí Minh, xin kính chào và tạm biệt Người (tr.279), Bác Hồ (tr.293), Bài ca gửi Việt Nam (tr.300), Vì sao tôi dịch thơ Hồ Xuân Hương (tr.390). - Để tránh cảm giác bị ban biên soạn chọn tác giả nước này không chọn tác giả nước kia, hoặc chọn tỷ lệ quá nhiều tác giả một nước, hoặc cả nước không có tác giả nào, khiến gây hiểu nhầm về mặt ngoại giao, tôi đề nghị 2 cách: 1. Đóng khung ở đầu sách hay cuối sách và in mấy dòng nói rõ: Việc chọn ở đây dựa vào tài liệu có thể tìm được, chứ không chọn theo nước. Xin thông cảm cho. 2. Khi in từng bài, đừng in tên tác giả và quốc tịch đầu trang, mà in cuối bài. Như vậy tránh được ấn tượng là mình tìm độc giả theo quốc tịch, mà theo chủ đề. 2. Về công tác biên tập: làm chưa tốt + Các tên tác giả: phải thống nhất, có bài để nguyên phiên âm nước ngoài, có tên lại phiên âm tiếng Việt. Có khi cả hai đều sai. Tốt nhất là để nguyên tên gốc nước ngoài, tên theo phiên âm tiếng Việt. TD: Jean Durand (Giăng Đuyrăng). Một số sai như sau: nhà báo Pháp là VASME (Vátxmô lại phiên âm tiếng Anh là OATSMÔ), ở bài tựa đã có đến mấy tên người đề sai, chữ Independence viết sai v.v... + Có những đề tài lặp đi lặp lại đâm nhàm (có lẽ để có tên quốc tịch nhiều chăng) như: Bác Hồ, Lăng Bác, Xe đạp … + Có những bài cần phải có mấy câu giải thích mới hiểu được. Thí dụ: mấy bài của Patty (Đến Hà Nội làm gì), một số bài về Hà Nội ngày trước (hoàn cảnh đến) v.v… + Có khá nhiều câu văn lủng củng, cứ theo tài liệu cũ bê ra, đọc chẳng hiểu gì. Thí dụ: “…người Pháp đã bị bãi bỏ” (tr.75), “…nhưng một số cũng tỏ ra vô thưởng vô phạt” (tr.76) v.v… + Các bài nên cố gắng cho biết năm viết thì mới hiểu được bối cảnh. + Có một số bài quên không in tên. + Trong bài tựa, nên đề cao sự đóng góp của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) thời Pháp thuộc. + Có những chi tiết thiếu chính xác cần xem lại (TD: bài Hoa cẩm chướng Việt Nam, tr.265, tác giả là Greeth…?, xem lại tên Eva (I?), tr.437, làm gì có ngõ Vạn Bảo Khánh, tr.565). + Có những bài dài, viết về Hà Nội chỉ có một mẩu, còn tuyền là về Việt Nam nói chung thì cần bớt đi để đỡ gây cảm giác khó chịu cho người đọc. Thí dụ: bài “Gần nửa thế kỷ một chặng đường” (tr.216), dài 8 trang mất cân đối. 3. Về tên sách So với tên cũ “Hà Nội với những tấm lòng gần xa” thì tên mới “Hà Nội qua cảm nhận của khách phương xa” hay hơn, nhưng cụm từ “khách phương xa” thấy hơi gợn vì trong số tác giả, có người ở hàng mấy chục năm, không còn là khách nữa (TD: Lady Borton…). Có người là nước láng giềng (Trung Quốc, Lào…) không phải là phương xa. Nên chăng đổi là: Hà Nội qua cảm nhận người nước ngoài hay Hà Nội trong con mắt người nước ngoài. Kết luận: Trong tình trạng xuất bản dễ dãi như hiện nay, bản thảo này có thể in được vì có ích và hấp dẫn. Nhưng để nâng cao uy tín cho nhóm biên soạn nên làm công tác biên tập kỹ hơn.
Dịch giả Quang Chiến viết ngày 22/08/2011
1. Về cơ bản, tôi hoàn toàn nhất trí với bản thảo đã được chỉnh sửa của nhà văn Thuý Toàn (việc điều chỉnh một số tác giả, tác phẩm tuyển chọn và các phần bổ sung). a) Phần Lời nói đầu đã được viết lại, đọc thấy thú hơn. Tôi đề nghị có thể thay đổi đôi chút: Ví dụ: Tr.6, dòng 2, từ trên xuống, câu “do nhiều lý do này khác nữa”, nên chuyển thành: “do nhiều lý do khác nhau” nghe thuận hơn. Tr. 7, dòng 3, từ trên xuống, câu: “những thập kỷ đầu thế kỉ XX”, nên chăng: “trong những năm đầu thế kỷ XX”. Cũng tr.7, dòng 2, từ dưới lên, câu: “xuất bản một tập thơ viết về Việt Nam tập thơ với nhan đề Độc lập” / nên bỏ cụm từ “tập thơ” ở phần sau, tập thơ viết về Việt Nam với nhan đề … là đủ. Tr. 8, dòng 4, từ trên xuống, đoạn văn: “Những năm kháng chiến…” đến câu “từ đó thực sự đi lên”. Theo tôi nên sắp xếp lại cấu trúc câu để rõ ý hơn, người đọc dễ tiếp nhận. Tr.10, câu “công trình này của chúng tôi đóng góp vào chỉ là một…”, theo tôi nên bỏ ba từ “đóng góp vào”. 2. Đề nghị khâu biên tập bản thảo trước khi đưa in hết sức chú ý đến các lỗi chính tả, những câu đánh vi tính thiếu sót khiến câu văn khó hiểu hoặc lệch nghĩa còn xuất hiện rải rác trong công trình. Theo tôi, biên tập cần cắt bỏ một số từ dùng thừa, kiểu văn Tây, cho câu cú trong sáng hơn. Ví dụ: a) Lỗi chính tả: Tr.16, dòng 4, từ trên xuống, từ “ở” phải viết hoa, đầu câu cuối tr.16, những “con để” che chở, phải chữa thành những “con đê”. b) In thiếu hoặc cần biên tập kỹ: Tr.110, đoạn cuối: “Nhóm miền Bắc dùng những ngày cuối cùng của nó ở Hà Nội để làm biến chất số dầu…”. Bỏ “của nó” đi, dịch sát đại từ sở hữu trong văn Tây, không cần thiết. Tr.119, dòng 7, từ trên xuống: “…chộp lấy tay lôi kéo về phía mình và vừa tôi đến tấm biển tôi vừa chạy qua”, in thiếu, câu thành ngớ ngẩn. Trên đây chỉ là một số ví dụ muốn lưu ý khâu biên tập. 3. Một vài đề nghị sửa đổi hoặc bổ sung với các tác giả Đức: 3.1. Mục chú thích về tác giả, tr.600 về nhà văn Áo 53 Fritx Jenzen (Fritz Jesen) (Áo) …………. I50 Đề nghị sửa: 53 Fritx Jenzen (Fritz Jensen) (Áo) …………. I05 (không phải I50) Nhà văn, nhà báo, đạo diễn và là đảng viên Đảng Cộng sản Áo. Năm 1934, tham gia khởi nghĩa Tháng Hai, bị bắt giam vào trại tập trung Wollersdorf; 1936 - 1939, là bác sĩ phẫu thuật chiến đấu trong các binh đoàn quốc tế tại Tây Ban Nha; từ 1936 - 1947, là bác sĩ chiến đấu trong Bát lộ quân và Tân tứ quân Trung Quốc, là phóng viên báo “Tiếng nói nhân dân”, cơ quan trung ương Đảng Cộng sản Áo. Với tư cách phóng viên tham dự Hội nghị Giơnevơ về Việt Nam 1954, sau đó thăm Việt Nam (1954), kết quả chuyến đi này là tác phẩm “Việt Nam - Đất nước của những người anh hùng” (1955). Ông bị giết hại trong chuyến bay tới tham dự Hội nghị Băngđung ngày 11/4/1955. 3.2. Tác giả Đức: tr.605 Mục 76 H.Landmann (Mỹ)……………. sai, đề nghị sửa lại: 76 H.Landmann (Đức) Bác sĩ chuyên gia y tế Đức giúp Việt Nam những năm đầu sau hoà bình 1954. 3.3. Tác giả Đức, tr.617 Mục 143 Cuộc Stechơ (Kurt Stecher) (Đức) Đề nghị sửa lại như sau: 143 Cuốc Stecnơ (Kurt Stern) (Đức) Nhà văn, nhà báo Đức, đảng viên ĐCS Đức cùng vợ là nhà báo Jeanne Stern, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, đã tham gia cuộc kháng chiến chống phát xít ở Tây Ban Nha (1936 - 1938). Hai ông bà đã được tặng giải thưởng hoà bình thế giới (1952), giải thưởng quốc gia CHDC Đức (1952 và 1955). Cuốc và Jeanne Stern đã thăm Việt Nam trong các năm 1966 - 1967 và 1968, kết quả là những tập phóng sự gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả Đức: Đồng lúa và chiến trường (1967), Trước khi trời hửng sáng, Việt Nam giữa chiến tranh và chiến thắng (1969).
Ông Phạm Văn Chương viết ngày 22/08/2011
I. Một số nhận xét: 1. Tên sách: so với tên cũ “Hà Nội với những tấm lòng bè bạn”, tên mới “Hà Nội qua cảm nhận của khách phương xa” phù hợp hơn với tính chất cuốn sách, nội dung các bài viết và nguồn gốc các tác giả. 2. Lời nói đầu: so với bản thảo cũ, bản thảo này phù hợp hơn với tính chất một bài tổng quan. 3. Phân kỳ: So với bản thảo cũ, việc phân chia thành ba phần như hiện nay hợp lý hơn, lại có thể “che dấu” được khoảng trống 8 năm (1946 - 1954) Hà Nội bị tạm chiếm. 4. Nội dung các phần: So với bản thảo cũ, bản thảo này cho thấy các nhà biên soạn đã có thêm nhiều cố gắng, khiến cuốn sách phong phú hơn và cân đối hơn (cả về tác giả lẫn tác phẩm). Một số chi tiết không phù hợp đã được lược bỏ (ví dụ trong phụ lục ảnh). Tóm lại, bản thảo cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu nêu ra tại cuộc họp ngày 15 tháng 8 năm 2008 của Hội đồng nghiệm thu. II. Một số đề nghị: 1. Trong bản thảo này, các phần chỉ được phân biệt bằng “Phần I” hoặc “Phần II”. Nên chăng nói rõ thêm nội dung, ví dụ: “Phần II - Giai đoạn 1945 - 1975”? 2. Cũng như trong bản thảo trước, trong bản thảo này cách viết các tên riêng (tên người, tên đất..., trong các bài viết cũng như trong phụ lục) không nhất quán (có hay không phiên âm, cách phiên âm...). Đề nghị cố gắng thống nhất đến mức tối đa. 3. Bản thảo vẫn còn để sót quá nhiều lỗi đánh máy. Đề nghị dành thêm công sức cho việc sửa chính tả bản thảo. Kính đề nghị Ban Quản lý Dự án - Nhà xuất bản Hà Nội tham khảo
Dịch giả Quang Chiến viết ngày 20/08/2011
1. Đọc gần 600 trang bản thảo do Văn phòng Dự án gửi tới là một công việc thích thú và mệt nhọc. Trước hết tôi cho rằng cuốn sách này chưa hòan chình, còn nhiều việc phải làm để nó thực sự hoàn chỉnh khi đến tay bạn đọc. Về điều này, tôi xin nói ở phần sau. 2. Trước hết, về mặt nội dung, có thể khẳng định đây là một công trình rất bổ ích, lý thú, giúp cho người đọc hôm nay và mai sau hiểu biết nhiều hơn về Hà Nội và Việt Nam dưới góc nhìn của các bạn nước ngoài. Qua tác phẩm ta thấy Hà Nội thật đáng yêu, đáng ngợi ca và gìn giữ. Hà Nội có rất nhiều điều hay, tuy nhiên, với cách viết đầy thiện chí, đôi khi hài hước, hóm hình, người đọc cũng có thể nhận ra những gì Hà Nội còn bất cập, cần sửa mình, để Hà Nội đẹp hơn, sạch hơn, quy củ hơn… xứng đáng là một thủ đô văn minh, hiện đại, nhưng vẫn giữ được truyền thống ngàn năm văn hiến và bản sắc dân tộc. Có một số bài viết khá hay, thậm chí có thể giúp bạn đọc trẻ tuổi chưa qua chiến tranh hiểu biết hơn về cuộc chiến đấu anh hùng của Hà Nội khi làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không hoặc lối sống của Hà Nội thời bao cấp, thời Hà Nội là “một thành phố xe đạp”… Nhìn chung, nhà văn Thúy Toàn đã đóng góp cho Hà Nội một bộ sưu tập khá phong phú, công phu với rất nhiều tư liệu và bài viết đáng trân trọng của bạn bè từ nhiều nước trên thế giới. Tóm lại, đây là một công trình tốt, xứng đáng được xuất bản mừng Hà Nội một ngàn năm tuổi. 3. Sau đây tôi xin góp một vài ý kiến về tập sách này: 3.1. Về phần Lời mở đầu, theo ý kiến cá nhân, soạn giả nên rút gọn hơn, không nên trích dẫn lời nói đầu của một vài cuốn sách đã xuất bản về Hà Nội, chẳng hạn phần trích Lời nói đầu trong cuốn “Một lần tới Thủ đô” của Lữ Huy Nguyên hoặc phần trích dẫn gần một trang từ cuốn “Ngàn năm thương nhớ” của Gia Dũng. Nhà văn có thể giới thiệu vắn tắt một số tác phẩm đã viết và xuất bản về Hà Nội để khẳng định “Hà Nội với những tấm lòng gần xa” là sự kế tục truỷen thống đó, thế là đủ. Thay vào phần trích dẫn nói trên, tôi thiển nghĩ có thể trích dẫn ngay trong công trình một số câu thơ hay, một vài đoạn văn ngắn của tác giả nước ngoài viết về Hà Nội… có lẽ bạn đọc sẽ thích hơn. 3.2. Về phần I với tiêu đề Xa Xưa Đây là phần ít tư liệu. Bài Trường thi của Andre Masson, theo tôi quá dài, mang nhiều tính chất sử liệu dưới cách nhìn của người Pháp. Tôi đề nghị nên rút ngắn lại, tập trung vào chủ đề Trường thi, còn phần nói về sự chiếm đóng nơi này bởi quân Pháp, các thư từ giao dịch, các hồ sơ đô đốc được trích dẫn… tôi nghĩ không cần thiết cho một cuốn sách với tên gọi là “Hà Nội với những tấm lòng gần xa”. Sợ rằng sẽ trùng với các công trình khác chuyên về lịch sử Hà Nội. 3.3. Phần III Nói về Hà Nội sau 1945, có hai bức thư của Phó lãnh sự Mỹ gửi từ Hà Nội. Theo tôi có thể loại bỏ bức thư thứ hai ngày 24 tháng giêng năm 1947, nội dung không có gì nhỉều. 3.4. Phần IV Trong phần này có hai bài thơ dịch của cùng một tác giả Sudan: Mohamed EI Mekky Ibrahim: - Bầu trời Hà Nội, trang 292, do Khương Hữu Dụng dịch. - Những loạt đại bác chào Hà Nội, trang 305, do Xuân Diệu dịch. Cả hai bài đều của cùng tác giả, nội dung như nhau, mặc dù sang Việt ngữ có hai tiêu đề khác nhau. Theo tôi nên chọn một bài, có lẽ nên lấy bài của cụ khương Hữu Dụng, vì anh Xuân Diệu đã có một số bài được chọn vào tác phẩm. 3.5. Phần V: Trang 354 đến 369, bài của Lie Puearu, “Chào Hà Nội, chào Thành phố Hồ Chí Minh”. Khi đọc thấy tác giả viết về Hà Nội quá ít, còn phần lớn bài viết về Thành phố Hồ Chí minh, tôi nghĩ nên lược bớt, lấy phần nói về Hà Nội thôi. 3.6. Phần phụ lục ảnh: - Bộ sưu tập 36 ảnh tư liệu Hà Nội 1873 - 1888, theo tôi chỉ nên chọn những ảnh rõ nét, bỏ ảnh F. Garnier, H. Riviere, phòng khách của Bonnal… Vì qua sao chụp, thấy các ảnh đều mờ, khó xem, nên tôi đề nghị tác giả nên chọn kỹ, chủ yếu lấy những bức ảnh giới thiệu quang cảnh, cuộc sống của Hà Nội thời kỳ này. - Với các bộ ảnh sưu tập ảnh khác về Hà Nội, tôi đề nghị tác giả nên chọn kỹ, không nên đưa tất cả vào cuốn sách, đặc biệt chú ý đến khâu in ấn, làm sao người đọc có thể xem được ảnh khi cầm cuốn sách trên tay. 4. Về khâu biên tập và việc cần hoàn chỉnh bản thảo: Đọc theo khoảng 600 trang sách, tôi thấy có khá nhiều lỗi về câu cú, từ vựng, lỗi chính tả, khi thì thiếu, khi thì thừa câu. Có lẽ do trong bản gốc đưa dán vào vi tính đã có lỗi hoặc lỗi do người đánh vi tính. Điều này đòi hỏi tác giả phải để nhiều thời gian, đọc rất kỹ từng bài viết, chữa những câu đánh máy in sai, thiếu, thừa và chú ý đến lỗi chính tả, các dấu câu. Một công trình công phu như tập sách này không được phép để có quá nhiều sạn hoặc những câu ngô ngê, vô nghĩa do khâu vi tính và in ấn hoặc do biên tập qua loa, thiếu sự cẩn trọng cần thiết. Sau đây là một số ví dụ: - Tr.5: 12 ngày Mỹ rải thảm B52 xuống Hà Nội - có lẽ dùng câu máy bay B52 Mỹ ném bom rải thảm xuống Hà Nội rõ ý hơn. - Tr.7: Những con người dân Hà Nội của họ từng chứng kiến (câu!). - Tr.19: Người nghệ sĩ Bắc kỳ phải che dấu tài năng trong khi thợ ở các nước khác phải dùng để sáng tạo ra cho họ (?). - Tr.53: Anh bạn Pháp của tôi hình như đã đi đây đó suốt đời, thậm chí đã nhiễm ít nhiều thói tục của người Anh, vậy mà có là một tay đường phố Pháp (?). - Tr.76: Tôi sau đó không uống nữa (văn Tây). - Tr.99: Trên đường phố những chiếc xe đạp “gip” phóng như điên dại, những đoàn xe tải ầm ầm, các đội tuần tra lính Pháp vũ trang đi qua (chắc thiếu). - Tr.108: Pháo binh của sư đoàn I308 quang vinh tiến vào Thủ đô (thừa). - Tr. 112: Trước khi đó ngày 7/11, ngày kỷ niệm lần thứ 37 Cách mạng tháng 10 sắp đến gần: sai vi tính, “trong khi” thì đúng hơn. - Tr.162: Hà Nội, Thủ đô của một đất nước xã hội nhưng lại gần gũi với chúng ta (chắc là xa xôi?). - Tr.168: Nhiều bức ảnh và hiện vật đã tố cáo những đau khổ. Nhiều bức ảnh và hiện vật đã tố cáo những hành động xâm lược của Lầu Năm Góc… (chữ “đau khổ” là của đất nước Việt nam đã chịu nhiều đau khổ được ghép với câu dưới!). - Tr. 181: Tuy nhiên, việc có khẩu súng trong tay… (thừa một câu, giống hệt nhau!). - Tr.188: Vấn đề là ở chỗ, sau khi bị thương người, những viên bi nằm lại trong các mô… (bị thương hay sát thương?). - Tr.192: Vinh quang thay quân đội và nhân dân Hà Nội, những người đã bắn ra 9 máy bay giặc hôm nay (chắc là “bắn rơi”, không chữa để “bắn ra” thì rất buồn cười!). - Tr.212: Từ sáng đến tối tôi cùng đi với ngài Đại sứ quán… (đại sứ quán không biết đi!). - Tr.221: Nhà trẻ, bảo tàng, trường học/ Nối theo nhau lần lượt đi qua đường (đề nghị xem lại câu thơ này). - Tr.247: Nối tiếp luôn là tr.250, chắc là thiếu 2 trang! - Tr.263: Họ nện cho địch một đòn thất bại chưa từng thấy… (sao không “giáng” mà lại “nện”?). Còn nhiều nữa, tôi xin tạm dừng ở đây.
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá