Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Sách văn học - nghệ thuật |  Bạn đang ở:Trang chủ » Sách văn học - nghệ thuật
  • Di sản Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám
  • Làm rõ các giá trị văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong nền văn học trung đại Việt Nam: giá trị thẩm mỹ, giá trị ngôn ngữ, giá trị văn hoá, giá trị tư tưởng, tính dân tộc của văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
  • Tác giả :   PGS. Phan Văn Các và PGS.TS. Trần Ngọc Vương (Đồng chủ biên)
  • Bình chọn:
    (Tổng số: 5 - Trung bình: 4.90)
  •   Bình luận   |  Ý kiến của bạn |  Xem thêm sách cùng chủ đề
  •   Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách

- Công trình giới thiệu những tác phẩm văn chương hiện tồn tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội; giới thiệu - di tích lịch sử văn hoá lâu đời, biểu tượng văn hoá của Thủ đô, của cả nước tới bạn đọc trong và ngoài nước nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đồng thời có ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với bạn đọc trẻ.

            - Cuốn sách hướng tới làm rõ các giá trị văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong nền văn học trung đại Việt Nam: giá trị thẩm mỹ, giá trị ngôn ngữ, giá trị văn hoá, giá trị tư tưởng, tính dân tộc của văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

            - Cuốn sách sưu tầm dịch chú đại tự, hoành phi, câu đối tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tuyển dịch văn bia, tuyển dịch văn sách, tuyển dịch thơ văn của các hoàng đế, các văn quan viết về Văn Miếu và giáo hoá, tuyển dịch thơ văn của các vị Tế tửu và Tư nghiệp.

Chi tiết sách
  • Tác giả:  PGS. Phan Văn Các và PGS.TS. Trần Ngọc Vương (Đồng chủ biên)
  • Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội 
  • Năm xuất bản:  2010
  • Tổng số trang:  1164 trang
  • Kích thước:  
  • Mã số:  VHNT - Van chuong
  Bình luận (12)  
PGS.TS. Chương Thâu viết ngày 22/08/2011
1. Nhóm biên soạn đã tiếp thu ý kiến của cuộc họp 16-10-2008 và sửa lại tên đề tài là: “VĂN CHƯƠNG VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM HÀ NỘI” Và hy vọng Nhóm biên soạn sẽ thực hiện đúng như “Mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ” do Nhóm biên soạn đề ra. 2. Có điều là “bản đề cương chi tiết” này chưa thực là “chi tiết” vì chưa đưa ra được một số dẫn liệu cụ thể ở các mục đích, như việc: “Sưu tầm dịch thuật và giới thiệu những tác phẩm có tính chất văn chương hiện tồn tại di tích lịch sử Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội”… (trang 2). - Nhóm biên soạn có thể cho viết một vài tác phẩm cụ thể để tiện theo dõi và thẩm định… thì tốt hơn, và như thế mới gọi là “chi tiết”… - Do vậy, người thẩm định, đánh giá chất lượng khoa học của công trình này sẽ phải chờ đến khi có bản thảo nghiệm thu mới đánh giá mức độ thành công của công trình được. Tuy vậy tôi vẫn tin rằng các soạn giả (như Ban Dự án đã chọn) để đảm nhận đề tài này sẽ hoàn thành đề tài này tốt, tôi rất tin ở 2 vị đồng chủ biên Phan Văn Các và Trần Ngọc Vương là những người “rất có thẩm quyền” về lĩnh vực khoa học này. 3. Tôi cũng muốn nhắc lại với 2 vị chủ biên là: Như ở mục 9 (trang 3) nói về “tình hình nghiên cứu cần thiết phải xây dựng đề tài - một đề tài ở tình trạng mới” này, cần làm rõ ý nghĩa lịch sử và tính thực tiễn, thời sự, nhân kỉ niệm ngàn năm Thăng Long của việc nghiên cứu, giới thiệu nội dung kỹ hơn ở phần “khảo luận”. Xin kính chúc Ban Dự án và nhóm chủ trì đề tài này thành công và xuất bản kịp như tiến độ đã đề ra.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh viết ngày 22/08/2011
NHẬN XÉT CHUNG: 1. Qua bổ sung, chỉnh sửa Bản đề cương chi tiết thể hiện được nhiều ưu điểm: - Các nội dung lớn như: Thông tin chung về Đề tài, nội dung khoa học của Đề tài. - Các mục nhỏ trong mục lớn phong phú và đầy đủ, phản ánh cơ bản quy mô của tập sách với hệ mục và nội dung của các mục. 2. Về nội dung khoa học: Mục đích, ý nghĩa, đối tượng phục vụ khá rõ ràng. 2.1. Phần sưu tầm và dịch thuật. Phần này có quy mô: - Các tác phẩm có tính chất văn chương hiện tồn tại ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. - Những tác phẩm văn học về Văn Miếu Quốc tử Giám của những tác giả đã từng làm việc, hoặc liên quan đến Văn Miếu Quốc Tử Giám. - Và trong chừng mực giới thiệu những tác phẩm văn chương của Văn Miếu Quốc Tử Giám Huế và một số Văn Miếu của một vài địa phương tiêu biểu. Tổng cộng phần sưu tầm và dịch thuật: 700-800 tr 2.2. Phần viết khảo luận: 70 tr. Phần này đề cương chi tiết cũng cho biết có một số nội dung: - Nêu rõ giá trị văn chương, giá trị thẩm mỹ, giá trị ngôn ngữ, giá trị văn học, giá trị tư tưởng, tính dân tộc của văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám trong nền văn học Việt Nam. Đây là phần viết quan trọng nhất thể hiện cái mới và đặc sắc của Đề tài. - Trong một mức độ nhất định còn giới thiệu di tích lịch sử văn hoá lâu đời, biểu tượng văn hoá của Thủ đô, của cả nước… Phần sưu tầm dịch thuật: hoành phi câu đối tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, tuyển chọn văn bia, tuyển dịch văn sách, tuyển dịch thơ văn các tác giả viết về Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Phần phụ lục với 7 nội dung như Đề cương nêu ra là khá phong phú Tôi chỉ xin ghi chú thêm về một chút băn khoăn - Có thể số lượng trang : 700-800 tr cho phần dịch thuật với 7 nội dung thì sẽ dẫn đến dàn trải, do đó hoặc là thu gọn nội dung hoặc là tăng số lượng trang để khắc phục. - Cái tên Văn Chương Văn Miếu Quốc Tử Giám đọc lên nó vẫn chưa thấy thật sự là thuyết phục cho một tên sách. Băn khoăn này của tôi không ảnh hưởng gì đến giá trị của đề cương và việc triển khai đề tài, chắc có thể trong quá trình tiến hành các chủ biên và Ban dự án sẽ có cao kiến nào đó?. KẾT LUẬN Có thể nói nhìn tổng thể các nội dung, cơ cấu, sắp xếp của đề cương là đầy đủ, chi tiêt, có nội dung và cơ cấu khoa học…đủ điều kiện để Hội đồng cố vấn, Ban dự án, Nhà xuất bản Hà Nội thông qua và ký hợp đồng với các Chủ biên để Đề tài sớm được triển khai.
TS. Đặng Kim Ngọc viết ngày 22/08/2011
1. Đồng ý với tên gọi của sách là: “Văn chương Văn miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội”. Xin lưu ý các tác giả một ý nhỏ: Đó là có cần thêm chữ Hà Nội vào cuối cụm từ Văn miếu Quốc Tử Giám hay không”? Bởi vì khái niệm Văn miếu - Quốc Tử Giám thường để chỉ Văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội. Ở các địa phương khác không có. Ở Huế cũng không sử dụng chung khái niệm Văn miếu - Quốc Tử Giám. Hơn nữa sách chúng ta đang làm là sách thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” chắc sẽ không thể nhầm với các địa phương khác. Do đó, nên chăng tên sách có thể gọi: “Văn chương Văn miếu - Quốc Tử Giám” nghe nó gọn và hay hơn. 2. Bản đề cương chi tiết lần này so với bản đề cương chi tiểt lần trước mà tôi có dịp đọc và góp ý không khác nhau bao nhiêu. Chỉ sửa có mỗi tên gọi của sách. Xin đề nghị các tác giả đọc lại những ý kiến nhận xét của tôi lần trước cho đề cương này. Chỉ xin nhấn mạnh thêm: Khi biên soạn các tác giả cần viết thêm phần mở đầu (còn gọi là giới thuyết) để nói rõ mục tiêu, giới hạn của sách, giải thích các khái niệm, thuật ngữ và nội hàm của chúng có ở trong sách mà lần trước Hội đồng đã góp ý. 3. Gọi là đề cương chi tiết những thực ra đây chỉ là bản đề cương định hướng (hay gọi là đề cương tư tưởng, đề cương chính trị). Trong bản thuyết minh tổng thể dài 6 trang A4 chỉ có 1 trang dành cho cấu trúc đề cương, đối với một bộ sách có độ dày 800 trang như thế là hơi đơn giản. Do đó, góp ý những vấn đề chi tiết, cụ thể là hơi khó. Tôi nghĩ rằng khi có bản thảo, việc đóng góp ý kiến sẽ được nhiều hơn.
GS.TS. Nguyễn Đình Chú  viết ngày 22/08/2011
1. So với bản đề cương trước, bản “Thuyết minh tổng thể” nay là một bước tiến rõ rệt, và cơ bản là tốt rồi. Nhiều ý kiến của Hội đồng nghiệm thu đề cương lần trước đã được tiếp thu chu đáo. 2. Tôi chỉ có một vài điểm xin được hỏi lại cho rõ thêm và nếu thấy vấn đề tôi nêu ra là có lý thì xin các soạn giả xem xét để xử lí, điều chỉnh thêm. 2.1. Ở trang 2, ở mục II, điều 8 “Mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ” đoạn nói thêm: “Trong một mức độ nhất định còn giới thiệu di tích lịch sử văn hoá lâu đời, biểu tượng văn hoá của thủ đô, của cả nước…” có lẽ là thiếu một chữ “này”. 2.2. Ở trang 3: Sao lại đưa bản dập chuông, khánh vào đây, chỉ bản dập toàn bộ hoành phi câu đối thôi chứ. 2.3. Ở trang 6: II. Phần sưu tầm. Cần thêm: “Tuyển dịch” vì có chuyện đó. Riêng về khoản 2.3: thì cần xem lại: Có phải là văn sách thi Đình là làm ở Văn miếu - Quốc Tử Giám không? Theo tôi là không. Nếu đúng thế thì để ra ngoài tiểu mục 2.3 này. Còn làm ở Văn miếu Quốc Tử Giám thì cũng chỉ trích lấy những gì có liên quan tới Văn miếu Quốc Tử Giám mà thôi. Còn coi nó là thư tịch thuộc Văn miếu Quốc Tử Giám thì những nội dung Hội thảo khoa học tại Văn miếu Quốc Tử Giám sau này là sao? Tóm lại: nếu có tiểu mục 2.3 thì chỉ ghi: Tuyển dịch văn sách (phần có liên quan tới Văn miếu Quốc Tử Giám). Ghi thêm: Nếu bỏ tiểu mục 2.3 thì cũng bỏ tiểu mục 6 ở Phụ lục. 2.4. Kể ra, nếu là một “đề cương chi tiết” mà có phần đề cương chi tiết hơn nữa của nội dung khảo luận 70 trang thì hay hơn, có lợi hơn. Chỗ này chỗ khác, người ta vẫn làm thế. Kết luận chung: Về cơ bản, đề cương làm thế là tốt rồi. Có thể bắt tay vào việc được. Một số ý nêu lên là để các soạn giả suy nghĩ thêm. Chúc thành công.
GS.TS. Nguyễn Đình Chú viết ngày 21/08/2011
1. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long mà làm sống dậy những giá trị văn chương tại Văn Miếu Quốc Tử Giám là một điều rất cần thiết và rất có ý nghĩa. Công việc này lại do PGS. Phan Văn Các - nguyên Viện trưởng Viện Hán - Nôm cùng PGS.TS. Trần Ngọc Vương cùng làm chủ biên là đáng tin cậy rồi, nhất là với PGS. Phan Văn Các. Đề cương chi tiết như thế là tốt. 2. Tôi chỉ muốn lưu ý quý vị hai điều sau: 2.1. Về nhan đề tên sách: tôi có chút băn khoăn vì sợ bị hiểu lầm và có thể bị thất vọng với người đọc sách. - Về ngôn ngữ: cách viết như thế có thể hiểu những giá trị văn chương của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong khi đây nói chính xác là văn chương tại “Văn Miếu - Quốc Tử Giám”. “Của” và “Tại” khác nhau. - Nói thẳng là “những giá trị văn chương” mà thực tế chưa có nhiều giá trị văn chương thì sao, trước người đọc vốn đã có những đòi hỏi cao về văn chương. Phải thấy sự thật: văn chương ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là văn chương nghi lễ tụng ca, với những thể loại vốn chưa phải là thể loại đắt giá nhất trong thế giới văn chương. Với những băn khoăn như thế, nên chăng tên sách là “Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Văn chương”. Tôi nghĩ với nhan đề này sẽ tránh được những băn khoăn như đã nói và vẫn đảm bảo giữ được những gì thuộc giá trị văn chương ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 2.2. Trong nội dung sách: Ở phần sưu tầm, dịch chú (600tr). Tôi muốn có thêm những sáng tạo của các đại gia về Văn Miếu. Ví dụ: Ngô Đức Kế trên Hữu Thanh tạp chí có một bài viết về Văn Miếu tồn tại ở thời Pháp thuộc là rất hay. Tôi chưa có dịp chú ý nhưng chắc là trong thơ ca Việt Nam cũng có thể có những bài viết về Văn Miếu, nếu trong tập này, các soạn giả sưu tầm được loại thơ ca đó (ngoài những gì các vị đã chú ý và ghi ở đề cương) thì cuốn sách sẽ hấp dẫn hơn. Giá trị văn chương về Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ phong phú thêm. Ngoài ra, cũng cần tìm xem thư tịch nước ngoài đặc biệt là Pháp có nói gì về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nếu có cũng nên đưa vào. 2.3. Trong tài liệu tham khảo, tôi thấy có sách Văn bia Văn miếu Bắc Ninh. Nếu thế thì có cần tham khảo loại sách văn bia của các tỉnh khác như Nghệ An, Hà Tĩnh v.v. nữa không. Ở đây, đã ghi sách tham khảo là “Di sản Hán - Nôm thư mục đề yếu” do Trần Nghĩa và Francois chủ biên. Vậy có nên tham khảo bộ “Thư mục Hán Nôm” do cụ Ca Văn Thỉnh chủ trì ở Thư viện Khoa học nữa không? Theo tôi cũng nên vì chính đó - nếu tôi không lầm - là tiền thân trực tiếp của công trình của Trần Nghĩa và Francois.
PGS.TS. Chương Thâu viết ngày 21/08/2011
1. Nên chăng đổi lại tên đề tài là “Văn Miếu - QTG - Giá trị văn hoá”, vì văn hoá (bao gồm văn chương và các thể loại văn hoá vật thể được sưu tập từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám). 2. Các chủ biên và cộng sự của chủ biên đều rất đáng tin cậy và xứng đáng chủ trì công trình biên soạn Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Giá trị văn hoá này. Các soạn giả này là những người có điều kiện và có “thẩm quyền” về tư liệu, văn bản Hán Nôm nhất hiện nay, hy vọng sẽ có được một công trình biên soạn tốt nhất vì đề tài này và rất đáng được chọn đưa vào “công trình Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến”. 3. 4 nội dung chính ở mục II (nội dung chính, tr.1) là quá phong phú và đa dạng - nhưng lại có một bộ phận (văn bia tiến sĩ) trùng với đề tài Bia tiến sĩ Quốc Tử Giám của Ngô Đức Thọ, thì ở bản thảo này xử lý ra sao? 4. III. Kết cấu 1/ Ở phần khái luận 50 – 70tr cần phải có một mục nói về lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám (quá trình hình thành, phát triển và đến đầu thời Nguyễn Gia Long, Văn Miếu Quốc Sử quán dời về Phú Xuân) và được tiếp nối hay bị biến dạng đi như thế nào? (tức là phần “hậu Văn Miếu Quốc Tử Giám”) và ý nghĩa lịch sử cũng như thực tiễn của nó? 2/ về ý nghĩa Văn Miếu Quốc Tử Giám ngày nay đang được kế thừa và phát huy như thế nào? Gần đây Nhà nước ta có dự kiến xây dựng một Văn Miếu của thời đại Xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hoà Bình (Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã thông báo “hồi cuối tháng 8/2008” thông tin này). Các tác giả nên tìm hiểu để đưa vào “khảo luận” để được hoàn thiện hơn. - Ở phần sưu tầm dịch chú (600tr): việc tuyển dịch văn bản (sách văn và văn bia) được thực hiện theo những “tiêu chí (khoa học)” nào? Vì tổng số văn bản hai phần văn sách, văn bia là quá phong phú. Hy vọng các nhà biên soạn và biên tập được những áng văn chương tiêu biểu nhất qua nghìn năm văn hiến được thể hiện ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. - Số trang (600tr) dành cho phần này có vẻ không đủ, nên chăng mở rộng thêm số trang để chức được hết 5 tiểu mục (2.1, 2.2. 2.3, 2.4, 2.5) như ý định của các soạn giả? - Đề nghị chọn in nguyên văn chữ Hán một số bài văn sách và văn bia tiêu biểu để tiện cho các nhà nghiên cứu đối chiếu tham khảo. Cuối cùng: - Dự kiến 600tr là không đủ để chứa hết các phần nội dung đã trình bày ở các phần trên đây. Trên đây là mấy ý kiến bàn góp về mặt “kỹ thuật” như sắp xếp nội dung, cân đối tỷ lệ giữa các mục các phần chính của công trình. Ngoài ra cũng thấy rằng thời gian thực hiện có phần eo hẹp, mà chúng ta lại cần hoàn thiện bản thảo sớm để kịp xuất bản. Đó là điều mong muốn của giới nghiên cứu KHXH và Nhân văn của nước nhà và của các học giả thế giới nữa.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh viết ngày 21/08/2011
1. Nhận xét chung Trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, một tập sách chuyên khảo về những giá trị văn chương của các di văn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (văn bia, câu đối, đại tự) và các tác phẩm văn học khác như: Tác phẩm của những Tế tửu, Tư Nghiệp Quốc Tử Giám, tác phẩm của những Hoàng Đế và quan lại viết về Văn Miếu - Quốc Tử Giám và về giáo hoá và văn sách. Mỗi tác phẩm lại được đưa đầy đủ về nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa, chú giải, phân tích cái hay, cái đẹp của tác phẩm (đó là nói về câu đối, đại tự) và chắc là văn thơ hay ít ra là thơ thì cũng phải làm đủ các nội dung đó? (ngoài câu đối các phần thơ văn khác Đề cương không ghi). Như vậy, cuốn sách chuyên khảo này có phần sưu tầm, dịch chú lớn cộng với phần khảo luận (50 - 70tr), phụ lục (30 - 50tr), tới trên dưới 700tr rồi. Chắc chắn cuốn chuyên khảo này sẽ đóng góp với việc nghiên cứu, giới thiệu một di tích văn hoá lịch sử nổi tiếng của Hà Nội, của đất nước, với hướng đi tương đối nổi trội là chuyên khảo về giá trị văn chương. Nó bổ khuyết cho một xu hướng từ trước tới nay mới đi vào nghiên cứu, khảo tả lịch sử và di tích (tất nhiên ở các công trình này đã có sưu tầm và giới thiệu thơ văn liên quan) như các công trình nghiên cứu trước đây và như vậy công trình sẽ có cống hiến đáng kể chính là ở mặt này. 2. Kết cấu công trình Sách các tác giả đưa ra gồm 3 phần: 2.1. Phần khảo luận (50 - 70tr) Nếu như khẳng định những giá trị văn chương thì đây là một phần quan trọng bậc nhất. Nó chỉ đường cho người đọc đi vào đọc và thưởng thức phần dịch thuật văn chương sau. Cũng là khẳng định một phần sự thể hiện cống hiến mới của các tác giả. Tuy có ba dòng đề cương và 50 - 70tr viết, tôi chưa thể mường tượng những nội dung với nhiều vấn đề có tính hạng nặng của văn học như: giá trị thẩm mỹ, giá trị ngôn ngữ, giá trị văn hoá, giá trị về tư tưởng về tính dân tộc của văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là những vấn đề rất chung, mà chưa phải là đề cương chi tiết của một phần viết của chuyên luận cho nên đề cương cần nêu rõ ràng và chi tiết hơn. Phần này tôi cũng thấy khó có thể chứa đựng được trong số trang còn khiêm tốn là 50 - 70tr? Có lẽ nên lấy mốc từ 70tr trở lên. 2.2. Phần sưu tầm, dịch chú (600tr) 2.2.1. Dịch chú toàn bộ hoành phi câu đối tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (hàng chục hoành phi, hàng trăm câu đối). Phần này có lẽ người viết đề cương nhầm, câu đối và hoành phi tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám không nhiều đến thế, nếu ngoài Văn Miếu thì số lượng có thể nhiều hơn vì nhiều tác giả có viết về Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong tác phẩm của mình. Phần này cũng đã được nhiều thế hệ dịch và công bố, nhưng vẫn còn có thể bổ sung thêm làm cho bản dịch đã có chính xác hơn. Tuyển dịch văn bia, cũng có thể chọn một số văn bia hay và tiêu biểu, nhưng cũng đã được giới thiệu nhiều, có thể sử dụng của thế hệ trước (chỗ này có thể trao đổi một số ý kiến về việc sử dụng các thế thệ bản dịch văn bia). Tuyển dịch văn sách, chưa biết các tác giả của đề tài đưa vào là bao nhiêu? Nhưng phải chọn lọc, phải tham khảo thành tựu dịch văn sách đã có vì dịch một bài văn sách không hề dễ dàng. Tránh dịch sau mà lại không có độ chính xác bằng văn bản trước, hoặc trích nguyên bản dịch của các dịch giả khác mà không ghi chú về tác giả dịch, chỉ một lỗi nhỏ đã làm giảm giá trị của cuốn sách, động chạm đến dư luận tiếu đàm mất cái thiêng của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Mà lỗi này thì đã có ở chỗ này chỗ kia. Trong phần sưu tầm và dịch chú này tôi thấy một khối lượng công việc khá nhiều, khá hay và sẽ có đóng góp mới: đó là hai phần 2.4 và 2.5. 2.2.2. Tuyển dịch thơ văn các Hoàng đế quan lại (nên thêm các Nho sĩ nữa?) viết về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Phần này cũng rất giá trị. 2.2.3. Tuyển dịch thơ văn của các vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Mảng thi văn này, một phía ca ngợi Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một phía tìm hiểu về các vị quan đứng đầu nhà Thái học. Họ không chỉ là quan của nhà Quốc học mà thường là những bậc văn tài, những người có quyết định với học thuật, học phong của giáo dục Đại học Việt Nam thời trung đại. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một di tích lịch sử văn hoá lớn của Hà Nội, của Quốc gia. Đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu của Hà Nội và của Trung ương từ lâu nay. Các công trình mà chúng tôi trực tiếp được tham gia cũng có thể kể ra một số: Hai đề tài cấp thành phố do PGS. Đặng Đức Siêu, GS. Trần Đình Hiệu, GS. Phan Đại Doãn chủ trì và chủ biên. Các bộ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng xuất bản rồi tái bản một công trình khá dầy dặn về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hai cuốn sách này có ghi rõ tài liệu tham khảo từ hai đề tài cấp thành phố nói trên: Tập sách “Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam” (GS. Phan Đại Doãn chủ biên), Nxb. Chính trị Quốc gia, 1998, sau đó đã tái bản, cũng là một phần thành tựu của hai đề tài khoa học nói trên. Chúng tôi ngoài một số bài viết về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dịch câu đối Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn có những công trình có liên quan đến nội dung đề tài này như: đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia về Giáo dục Nho học Việt Nam, luận văn tiến sĩ về “Văn chương khoa cử” và hướng dẫn một luận văn thạc sĩ về Văn sách đình đối thời Nguyễn của Đinh Thanh Hiếu. Trong ba công trình này chúng tôi đã giới thiệu ở phần Phụ lục 42 bài văn sách. Như vậy trong phần phụ lục giới thiệu sách tham khảo của đề cương cần đưa những công trình trên vào, vì đây là những công trình gắn liền với tên tuổi của những nhà nghiên cứu có thành tựu và vị trí trong giới, và nó cũng có nội dung khá gần gũi với Quốc Tử Giám và văn chương ở Quốc Tử Giám. 2.3. Phần Phụ lục (30 - 50tr) Về ảnh chụp hoành phi câu đối, văn bia tiêu biểu… phần này càng nhiều thì sẽ làm cuốn sách thêm đẹp. Nhưng có phần 3.7 thì chưa biết tra cứu về vấn đề gì? Chỉ mong tác giả chú ý cho rằng trong Tủ sách chung “Thăng Long ngàn năm văn hiến” đã có tập sách chuyên khảo khác về Văn bia đã qua Hội đồng duyệt xuất bản và Văn sách đình đối đã được đề xuất và hình như Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã được Dự án đưa vào kế hoạch. Vì vậy, ta nên làm sao không tạo ra sự trùng lặp trong Tủ sách. KẾT LUẬN Đi sâu vào giới thiệu giá trị văn chương Quốc Tử Giám là một đề tài có ý nghĩa, có khả năng đóng góp với Tủ sách. Nhưng có lẽ lực lượng tham gia với đồng chủ trì còn quá mỏng và chưa thông báo được các thành tựu nghiên cứu Quốc Tử Giám và văn chương Quốc Tử Giám? Tôi nói điều này là chân thành và muốn đồng chủ trì xem xét để thực thi tốt công trình của mình. Tôi cũng muốn bày tỏ băn khoăn khi đọc phần tài liệu tham khảo của đề cương. Nó chưa được chọn lọc, chưa đầy đủ - Một công việc hết sức quan trọng cho một đề tài, nhất là nó lại được đưa ra thực hiện quá gấp và quá ngắn (như ở mục 4 kế hoạch thực hiện đã đề ra, tháng 10/2008 đưa vào duyệt đề cương, tháng 01/2010 hoàn thành), nó đã mang lại băn khoăn cho tôi: Liệu đề tài có hoàn thành như kế hoạch thực hiện đã nêu trong đề cương không? Nếu không thì điều chỉnh thời gian. Tôi ủng hộ đề tài của các tác giả và đề nghị sau lần góp ý này bản đề cương cần phải được bổ sung thêm.
PGS. Trần Nghĩa viết ngày 21/08/2011
Tôi đã đọc bản đề cương chi tiết sách chuyên khảo “Văn Miếu - Quốc Tử Giám - những giá tri văn chương” do PGS. Phan Văn Các và PGS. Trần Ngọc Vương chủ biên. Sau đây là mấy nhận xét của tôi: * Về ưu điểm: - Đã có một số công trình nghiên cứu, giới thiệu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám (xem phần sách tham khảo ở cuối bản đề cương), nhưng riêng về mặt văn chương - giá trị văn chương của Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì chưa có một nghiên cứu nào thật sự đi sâu. Một chuyên khảo về giá trị văn chương của Văn Miếu - Quốc Tử Giám do vậy là rất cần có trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. - Lực lượng thực hiện đề tài này, theo tôi, là mạnh, đạm bảo sự thành công của công trình. * Về mặt hạn chế của bản đề cương: - Người đọc bản đề cương chi tiết về chuyên khảo “Văn Miếu - Quốc Tử Giám” chưa thấy có sự tách bạch trong quan niệm Nhóm tác giả về sự khác nhau giữa giá trị Văn Miếu - Quốc Tử Giám chung (giá trị văn hiến, giá trị văn hoá, giáo dục v.v) với giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên phương diện văn chương (belles - lettres, litterature) nói riêng (đây là trọng điểm của chuyên khảo). - Một số điểm của đề cương còn mang tính chất “áng chừng” chưa có số liệu cụ thể, nhất là phần sưu tầm, dịch chú. - Dự trù kinh phí do vậy cũng còn rất chung chung.
GS.TS. Nguyễn Đình Chú  viết ngày 25/08/2010
I. Cảm giác chung, đây là một bản thảo về một công trình ý nghĩa lớn và đã được nhóm tác giả tiến hành nghiêm túc, công phu, cả ở hai nội dung chính. a) Tổng luận b) Văn tuyển II. Tuy thế, với tôi vẫn có điều băn khoăn lớn, cứ xin nói thẳng ra đây để cùng tập thể hội đồng và các soạn giả trao đổi xem sao. 1. Trước hết là vấn đề: Tên công trình này là gì? Rõ ràng là còn có sự bất nhất, trong phạm vi bản thảo nói chung và cả ở bài “Tổng luận” nói riêng thêm nữa là cả với người biên tập của Nhà xuất bản. a) Chung: Với bài “Tổng luận” do PGS.TS Trần Ngọc Vương viết thì có nhan đề là: “Văn Miếu Quốc Tử Giám những giá trị văn chương” (Tổng luận) nhưng ở phần mục lục lại ghi “Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội” b) Riêng với “Tổng luận” thì nhan đề là thế nhưng ở tiểu mục 3 lại ghi : “Thử phác họa một diện mạo Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội. Chỗ Hà Nội - chỗ Thăng Long - Hà Nội. 2. Còn ai đó (chắc là người Nhà xuất bản) lại ghi ở đầu bài Tổng luận mấy chữ “Tổng luận bản thảo Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám”. Đúng là lộn xộn, bất nhất. Mà đây, không chỉ là phần hành văn bình thường. Đây rõ ràng trực tiếp liên quan đến tính mục tiêu, tính định hướng một điểm cốt lõi nhất của công trình. Và rõ ràng bài “Tổng luận” của PGS.TS Trần Ngọc Vương đã viết theo mục tiêu, theo tính định hướng là “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, những giá trị văn chương” chứ không phải là “Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám”. Cho nên bài tổng luận đưa đến cho người đọc một sự kính nể về tính uyên bác về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Trung Hoa và phần nào cả Việt Nam, nhưng lại chẳng thấy gì đáng kể về “Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội”. Và như thế thì quả là có sự không ăn khớp với nội dung văn tuyển. Cần thấy rằng nếu công trình có định hướng mục tiêu là giới thiệu “Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội” thì nội dung tổng luận về cơ bản phải khác. Khác ở chỗ chỉ giới thiệu qua về Văn Miếu Quốc Tử Giám bởi trọng tâm phải là Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tất nhiên, cũng có thể giữ lại phần giới thiệu Văn Miếu Quốc Tử Giám Trung Hoa và Việt Nam rất uyên bác đó, vì đó cũng là điều làm sang trọng thêm cho tổng luận nhưng lại cần phải có thêm kiến thức về Văn chương của Văn Miếu Quốc Tử Giám Trung Quốc, Việt Nam. Và gì thì gì, vẫn phải nói nhiều nhiều nữa về Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, chứ không thể qua loa như hiện có. Xin nói thêm chính trong lần nghiệm thu đề cương công trình, nhiều người cũng đã có ý kiến cần nêu tên công trình là “Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám” và trong lời kết luận của PGS.Trần Nghĩa cũng nói là cần lấy tên sách là “Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám” 2. Bản góp ý này đang thuộc phần vĩ mô, cơ bản. Vì đó là điều cốt lõi nhất. Nếu không thống nhất thì chưa biết bộ sách ra sẽ là như thế nào. Phải thống nhất lại điều cơ bản đó đã trước khi đi vào phần cụ thể.
PGS.TS. Chương Thâu  viết ngày 25/08/2010
1. Là một tập “bản thảo” khá đồ sộ, so với dự kiến (Đề cương chi tiết) thì số lượng trang vượt quá trên 300 trang. Trong đó các phần II2, II3, II4 và II5 chiếm số trang nhiều nhất (Tuyển dịch văn bia, văn sách, thơ văn của các hoàng đế và quan lại viết về Văn miếu Quốc Tử Giám, văn thơ tuyển dịch của các vị tế tửu và Tư nghiệp Quốc tử giám...) thật khó mà đọc kỹ và nhớ hết mọi nội dung phong phú và đa dạng ở tất cả các văn bản. Nhưng về phần III (phụ lục) dự định dành cho 30 - 50 trang thì lại chưa có ở trong tập “bản thảo” đưa nghiệm thu hôm nay. Và phần I (khảo luân) dự định 50 - 70 trang thì lại chỉ viết được 33 trang. Dù vậy, đọc tập bản thào này, dễ dàng nhận thấy công sức lao động khoa học của nhóm soạn giả là rất to lớn, rất cố gắng, nhất là thực hiện trong một thời gian hạn hẹp (chỉ có từ tháng 10. 2008 đến 12.2009) 2. Do thời gian của bản thân người được mời đọc thẩm định cũng còn quá ít ngày giờ (tôi mới nhận được bản thảo khoảng vài ba tuần lễ nay, việc nhận xét rất có thể chưa được đầy đủ, chuẩn xác đối với tập bản thảo này, nên dưới đây, tôi chỉ có vài ý kiến (trực cảm, dễ thấy), để bàn góp với nhóm soạn giả tham khảo. Về phần tổng quan 33 trang viết khá tốt trình độ khái quát cao, ngôn từ diễn đạt có phần hơi uyên bác hợp vói độc giả cao cấp (các nhà nghiên cứu) hơn là đối tượng phổ thông. Ngay vào đầu trang 1 với 2 đoạn văn in chữ nghiêng nhằm trình bày định nghĩa vài thuật ngữ, vài vấn đề thông thường thứ mà tác giả diễn đạt có vẻ “long trọng” quá. Cả 3 tiểu mục của phần tổng luận đều lập luận chặt chẽ, đặc biệt ở tiểu mục 1 (Từ Khổng miếu, Văn Miếu Trung Quốc đến Văn Miếu Việt Nam) tác giả đã chỉ ra sự dị đồng giữa 2 nước Trung Quốc và Việt Nam là đúng đắn và rất cần thiết, nhất là nói rõ về sự hình thành, phát triển của chúng. Ở tiểu mục 2 nói về hệ thống tổ chức vị trí và vai trò Quốc Tử Giám Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Trải dài trên 700 năm, cũng có thêm những ý kiến mới phân tích rõ hơn.. cũng đáng được coi là những đóng góp khoa học của tác giả. Kể cả những “thống kê danh sách các vị Tế tửu và Tư nghiệp Quốc Tử Giám” như ở trang 14 cũng là một “bổ sung tư liệu lịch sử” rất tốt cho giới nghiên cứu và đông đảo độc giả tìm hiểu Quốc Tử Giám Việt Nam. Ở tiểu mục 3. (Thử phác họa 1 diện mạo văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám). Các soạn giả chia làm 3 bộ phận văn chương. Trừ bộ phận văn chương “đương nhiên nhất là đúng đắn khỏi phải lựa chọn nữa (Vì đang tồn tại đang hiện hữu ngay trên Văn Miếu Quốc Tử Giám tọa lạc) còn lại 2 bộ phận văn chương sau (văn chương của các học quan khi làm việc tại Quốc Tử Giám và các quan chức không tòng sự ở Quốc Tử Giám nữa) thì thật khó, đúng như các soạn giả đã viết ở trang 17 “Văn thi tập của họ lại là thành tựu của cả một đời, nếu không thể coi bất cứ sáng tác nào của họ đều thuộc về “Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám”. Việc định ra một tiêu chí văn chương và niên đại sáng tác khối lượng văn chương của các tác giả đó thật vô cùng khó khăn và như chúng ta chia sẻ thấy khi các soạn giả chọn văn thơ và tác giả văn chương được đưa về tập bản thảo đồ sộ này ở Mục III và IV (với số lượng 8 bài văn sách của 8 vị trạng nguyên Bảng nhãn từ trang 28 - 340) ở mục III với số văn thơ của 45 vị khoa bảng khác ở mục IV, thì về nội dung, tiêu chí chọn tuyển có điểm gì khác biệt? - Trong phần Tổng luận với 33 trang viết rất khái quát như vậy, tôi có cảm tưởng là hơi ít. Nghĩ rằng trong khi khái quát cần thêm một số câu, đoạn “văn bản gốc những phần quan trọng” để chỉ đường cho người đọc văn bản được tuyển chọn ở các mục III và IV ở phía sau. + Về phần tuyển tác phẩm văn chương. Mục I: Hoành phi câu đối tại Văn Miếu Quốc Tử Giám: Đã được sắp xếp về văn bản các phần dịch chú như vậy là rất tốt rồi (kể từ tr. 8 đến tr. 27) nếu có bổ sung thêm 1 số văn bản nào khác nữa càng hay. Nhưng kể từ tr. 28: Một số bài văn sách đình đối tiêu biểu. Theo tôi, Mở đầu nên có 1 tiểu dẫn nói về quy cách, tiêu chí tuyển chọn. Về trình bày văn bản (kỹ thuật biên tập) thì nên theo thứ tự: nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa, chú thích khảo di (gồm 4 công đoạn). Về các bài nguyên văn chữ Hán nên xếp thứ tự trang theo cách đọc từ trái sang phải như ở bài đầu tiên, cần lộn ngược trang 57 là trang đầu và trang 46 là trang cuối. Việc sắp xếp này chắc sẽ là phần việc của biên tập viên kỹ thuật về nội dung văn bản. Cũng ở phần II, gồm các mục II, III, IV của bản thảo, cái khó nhất là phân biệt văn chương của 3 bộ phận (ở Văn Miếu, của Văn Miếu và về Văn Miếu) là khó nhất, như trên đã nói, văn chương của đại gia nào về Nho học được tuyển chọn chẳng là xuất thân từ Văn Miếu Quốc Tử Giám, ở các trường thi Hội thi Đình do Quốc Tử Giám (cấp quản lý cao nhất về giáo dục, đào tạo, không là trực tiếp thì cũng là gián tiếp có quan hệ vơi Quốc Tử Giám). - Việc định tiêu chuẩn và mốc thời gian cho các thể loại. Văn chương được tuyển chọn ở các mục II, III, và IV này phải được đặt ra để mà quy chiếu đối với tác giả và tác phẩm văn chương. - Số bài được chọn theo tỷ lệ nhiều ít cho mỗi bộ phận tác giả cũng phải được cân nhắc để đạt sự hợp lý nhất. - Các bài được chọn trong tập sách này là mới chọn mới được dịch chú và do người nào thực hiện (việc dịch chú) cũ, phải được ghi rõ. Nếu ghi thêm được vài chi tiết liên quan, đến tên, bút danh của người dịch cũng tốt (ví dụ nguồn dịch là Vân Trình tức là Bùi Văn Nguyên...). Điều cần chú ý khi biên soạn và biên tập là phải ghi rõ tên người dịch, người phiên âm và có chú thích, khảo di với các văn bản đã có ở các cuốn sách khác. Vì rằng cũng là tác phẩm ấy nhưng đã có nhiều bản dịch khác nhau, ở đây người biên soạn theo bản thảo nào hoặc dịch mới thì cũng cần ghi rõ khi biên soạn. - Hơn nữa việc chọn trích in ở đây các tác phẩm của 1 số tác giả quen thuộc đã có ở các tập sách khác như các công trình của Ngô Đức Thọ (về bia Văn Miếu) của Nguyễn Văn Thịnh (về Hoành phi câu đối)... thì có coi là trùng lặp không cần thiết, không chọn in lại (hơi nhiều văn bản đã có nhiều ở các cuốn sách kia) không? Vì số trang sẽ phình ra, in ấn thêm phần tốn kém! - Tôi cho rằng con số 45 tác giả được chọn ở mục IV (kể từ số 1 Chu Văn An đến số 45 Nhữ Công Chẩn... là hơi nhiều, có nhiều nhân vật mới được chọn ít được biết đến (và không tiêu biểu). - Lại cũng có những văn phẩm của các vị nào đó, chỉ có 1 bài Tựa, Bạt nhỏ hoặc 1 vài đôi câu trướng liễn nào lẻ tẻ... thì có lẽ cũng không nên chọn để đưa vào tập sách này. Dưới đây (gồm 3 trang ghi chép vội) xin được chỉ ra một số điểm ở trong bản thảo cần chỉnh sửa bổ sung cụ thể như sau: - Ở tr. 1 (Đề cương chi tiết) có nói “Đề tài sẽ tiến hành nghiên cứu nội dung tư tưởng, loại hình tác giả, thể tải, thể loại văn học cho đến đặc trưng thẩm mỹ và đặc điểm ngôn từ”. Nội dung quan trọng này, chưa được thể hiện ở trong bản thảo này? Đề nghị nhóm biên soạn làm rõ trong các trong viết giới thiệu tác giả, tác phẩm!! - Tr. 44: Không có tên người dịch? + Nguyên văn chữ Hán cần để lên đầu rồi mới đến phiên âm, dịch nghĩa, chú thích. - Tr.45 Nên đảo phần nguyên văn từ tr. 120 - 95 - Tr. 148: Nên đảo lại tr. 165 - 148 - Tr. 186: Nên đảo lại 199 - 186 - Tr. 222: Nên đảo lại 235 - 222 - Tr.283: Nên đảo lại 294 - 283 - Tr. 474: văn chương của Phan phu Tiên chỉ chọn 2 bài thơ có thoả đáng không? - Tr. 510 - 517: Bài bia ký 1442 này theo bản dịch của ai đây? - Tr. 561: Lê Tung (?-?): Bìa “Việt Hán thông giám tổng luận” là do Ngô Đức Thọ dịch trong “Đại Việt sử ký toàn thư” năm 1993? - Tr. 636 về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) cần có tiểu dẫn nói rõ là có chọn cả thơ Nôm. - Tr. 640: Bài Tự thuật sót tên người dịch - Tr. 641: Về tác giả Phùng Khắc Khoan: ở bài thơ duy nhất được chọn Đáp Triều Tiên quốc sư tên là Lý Toái Quang chứ không phải Toại. - Tr. 643: Ở bài Thái cực thuyết ở trang phiên ân 643 không khớp với nguyên văn ở tr. 647 (vì sót 3 dòng) và cũng không đề tên người dịch ở nơi tr. 645! - Tr. 651: Nguyễn Trực: + Ở các tr. 651, 654 không đề tên người dịch?! + Ở các tr. 656, 658, 660, 662 bài Đề chùa Phi Lai cũng không có bài dịch thơ!? + Các bài: Yên Kinh tức sự, Bạc chu Bành Thành Không có nguyên văn và dịch thơ!? - Tr. 674: Về Ngô Trí Hòa, bài thơ họa "Bình thành hoài cổ" không có dịch thơ và chú thích?! - Tr. 675, 678: Không có bài dịch thơ của cả 2 bài?! - Tr. 680: Không có dịch thơ - Tr. 684, 685 về Nguyễn Quý Đức: 2 bài về Quốc Tử Giám song khổng tước và bài Quốc Tử Giám tiền dung thụ đều chưa có dịch thơ. - Tr. 701: Nguyễn Trù: không có dịch thơ!? - Tr. 702 - 703: Giang Sĩ Đoan (1694 - 1784): chỉ chọn được 4 đôi cân đối?! - Tr. 705: Hà Tông Huân (1697 - 1766): Bài nguyên văn "Phong niên đa thử tụng" không khớp với các trang phiên âm từ tr. 708 - 710 ??!! - Tr. 722: Bài Lại an quan dân lạc nghiệp sách: không có nguyên văn ?! - Tr. 725: Bài Đạo thông tám: không có tên người dịch?! - Tr. 729: Bài Văn bia đền Tiên triết Chu Văn Trinh công ở Thanh Trì không có tên người dịch?! - Tr. 737: Trịnh Căn: thơ vịnh Văn Miếu 4 bài đều không có tên người dịch?! - Tr. 747, 787 - 794: có 4 bài đều không có tên người dịch - Tr. 795, 796: không có tên người dịch - Tr. 797: Nhữ Đình Toàn: Bài tựa mừng nguyễn quý hầu (tr. 792) là đề mục của bài Tựa? do Nguyễn Tông Mai kính soạn. Tên người dịch là ai? (Tr. 805). - Tr. 816, 817, 820 - 829: Các bài này, có bài thiếu tựa đề, cũng không có tên người dịch (Tr. 820). - Tr. 842: Trịnh Tuệ: Bài thơ duy nhất được chọn này không có nguyên văn (nguyên văn lại để ở tr. 846) dịch thơ và tên người dịch nghĩa?! - Tr. 844 Nguyễn Nghiễm: Bài "Khổng tử mộng chu công phú" Tr. 848 - 859 không rõ ai là người phiên âm? Bài "Đăng Hương Tích tự" phiên âm ở tr. 860, nhưng nguyên văn lại ở tr. 847 (?) không rõ ai là người dịch thơ (862). - Tr. 863: Bài "Du Hồ công động" (không ghi tên người phiên âm. dịch nghĩa, dịch thơ). Bài dịch ở tr. 863 nhưng nguyên văn chữ Hán lại ở tận phía trên, tr. 847?! Các bài Nguyễn Nghiễm 2D và 2b ở tr.864, 865 đều không ghi tên người dịch ?! - Tr. 866: Trần Văn Trứ (1716 - ?) Các bài thơ từ tr. 8686, 876, 880, 881, 884 và nhiều bài thơ khác tiếp theo cho đến tr. 914 đều thiếu tên người dịch và sắp xếp trình tự nguyên văn các bài được quét (scaner) đều chưa đúng quy cách. Đề nghị nhóm biên soạn và biên tập chú ý chỉnh sửa lại để có bản thảo hoàn hảo mới có đưa in, xuất bản. - Tr. 915: Bài Văn dụ tế Luyện Trung công của quan Khâm sai do ai dịch? - Tr. 920: Phan Huy Cận (1733 - 1800) Các bài Quan phu tử phú (tr. 920 - 924) và "Tam cương ngũ thường phú" (tr. 925 - 928) ai dịch? - Tr. 929 - 957: về Lê Quý Đôn (1726 - 1784) các bài trích tuyển ở đây đều cần phải rà soát lại văn bản (nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch chú, khảo dị...). + Bài Đề Gia Cát cần phong đài nguyên văn không có chữ Lượng + Bài thơ Khách quán thư hoài (tr. 963) thiếu hẳn phần dịch nghĩa (dịch còn dở dang) và dịch thơ tr. 965 - Bài thơ có ghi 2D Vũ Huy Dĩnh là gì? - Tr. 979: Vũ Huy Trác có ký hiệu Vũ Huy Trác 2E là gì? (Tr. 979). - Tr. 981: về Nguyễn Khản (1734 - 1786): Các bài trích in từ tr. 982 - 987 cho đến bài "Ngự chế quan châm" ở tr. 1012 - 1021 đều không đề tên người dịch?! Các tr. 1023, 1030, 1041 - 1046, 1047 -1050, 1058 - 1066: đều thiếu một số yếu tố về "văn bản" trong thơ văn được tuyển chọn và khi biên soạn lại cần được bổ sung chỉnh sửa. Ở cuối mục IV, sau số mục 46 Ngô Đức Kế, các soạn giả chỉ chọn được mỗi một bài của 1 nhà học giả (kiêm chí sĩ) là Cảm tưởng trong lúc vào xem Văn Miếu Hà Nội thì thật là chưa đủ tiêu biểu cho bộ phận tác giả viết về Văn Miếu. Chúng tôi xin bổ sung thêm mấy danh mục sau đây để nhóm biên soạn có thể tham khảo: 1/ Các bài của học giả Nguyễn Văn Tố trên báo Tri Tân viết về Bia Văn Miếu - Những ông Nghè triều Lê (trên nhiều số báo Tri Tân). 2/ Bài của Nhà báo Phạm Mạnh Phan: Ông nghè Nguyễn Văn Huyên với Văn Miếu (Tri Tân số 160) và từ bài này có thể tìm lại bài viết của Nguyễn Văn Huyên về Văn Miếu. 3/ Bài của Đoàn Tinh Canh: Thơ vịnh Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội đăng trên Tạp chí Nam Phong số XVII. 4/ Bài của nhà học giả Trần Văn Giáp: Nguyễn Huệ với bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 46 năm 1963. v.v... Nếu các soạn giả gia công thêm những bài viết của 1 số tác giả khác (kể cả người Pháp ở trang các công trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam của họ) thì chắc chắn sẽ bổ sung làm phong phú thêm cho công trình Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám này. Mong các soạn giả biên soạn và biên tập lại hoàn chỉnh hơn để sớm được xuất bản như kế hoạch đã được dự định.. * Trên đây là một số ý kiến về bản thảo cuốn sách này. Phần nhận xét về nội dung tư tưởng, nghệ thuật... các giá trị khác về văn chương về tác giả vì chưa đọc kỹ nên chưa có "nhận xét" cụ thể. Xin Ban chủ nhiệm dự án và nhóm biên soạn miễn thứ cho.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh  viết ngày 25/08/2010
1. Bài tổng luận được viết với một cách hành văn có tính hàn lâm, đây là một cách viết rất riêng của tác giả. 2. Các đề mục nêu ra trong phần tổng luận đều được tác giả trình bày những nội dung phù hợp, chẳng hạn mục 1 từ Khổng Miếu, Văn Miếu ở Trung Quốc đến Văn Miếu ở Việt Nam, tuy ngắn gọn nhưng đã cho chúng ta những phác họa rất căn bản về Khổng Miếu, Văn Miếu ở Việt Nam và Trung Quốc. Phần viết cũng tạo nên được cách nhìn có tính so sánh giữa Trung Quốc và Việt Nam, cho người đọc thấy được nét tương đồng và dị biệt. - Quốc Tử Giám - cái tên tiêu biểu mà nhà nước phong kiến đã chọn đặt cho trường giáo dục Nho học cấp cao của mình, vừa là cái tên phổ biến, vừa là một cái tên gởi gắm niềm tin và khát vọng với nền Đại học Việt Nam vì ngay ở Trung Quốc, quê hương của nền giáo dục Nho giáo, Quốc Tử Giám vẫn là trung tâm nhất (ngay Hàn Quốc nhà Quốc học chỉ được đặt tên là Thành Quân Quán). - Mục 2 cũng được viết ngắn gọn, sâu sắc và khá đầy đủ về Quốc Tử Giám trong lịch sử phát triển của Quốc học Trung Quốc, với những nét có tính phác thảo về tổ chức quan chức, chương trình học.Tiếp đó đã trình bầy về Quốc Tử Giám Việt Nam từ ngày khởi dựng cho tới sự phát triển qua các thời cũng trình bầy các nội dung về thầy dạy, quá trình phát triển, mối quan hệ giữa Văn Miếu và Quốc Tử Giám - nơi tôn thờ Thánh Nho và đào tạo Nho sĩ. - Mục 3: Thử phác họa văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long Hà Nội. Đây là phần viết dài nhất của Tổng luận và chắc chắn cũng là phần quan trọng nhất tạo nên một cái trụ để đề tài đứng vững với tiêu đề đã nêu. Trước hết tác giả coi bộ phận văn chương trong khuôn khổ của nhà trường xưa, nay đã thành di tích là di sản Hán Nôm gồm hoành phi câu đối, trạm treo, 82 văn bia. Bộ phận thứ 2 là bộ phận viết của các học quan của Văn Miếu Quốc Tử Giám. Về phần này tác giả cũng có quan điểm rất đúng là không thể coi toàn bộ sáng tác của các vị học quan ở Quốc Tử Giám là Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám mà phải có chon lọc, cụ thể là: họ viết vào thời kỳ tòng sự tại Quốc Tử Giám và chọn những tác gia ở chức vị tiêu biểu Tế Tửu và Tư nghiệp. Bộ phận thứ 3 là Văn chương viết về Văn Miếu Quốc Tử Giám . Các tác giả đưa ra phạm vi lựa chọn như trên, cách làm này phù hợp với cách làm địa chí: mỗi một địa phương nào đó công tác địa chí thường nghiên cứu ở phạm vi: + Người sinh ra ở địa phương đó. + Người sống và làm việc ở địa phương đó. + Các tác phẩm viết về địa phương đó của bất cứ tác giả nào, sống bất kỳ ở đâu. Tiếp theo bài viết nêu lên các đặc trưng về văn chương như Nội dung của đạo lý Nho giáo và phụng sự chế độ cho triều đại thống trị… Đó là một hướng chọn đúng (nhưng cũng phải luôn biết điều chỉnh bởi vì những nội dung trên không chỉ gắn với các tác gia trong Quốc Tử Giám mà cả với các tác gia ngoài Quốc Tử Giám). Trong phần viết này tác giả cũng có một số nhận định xác đáng và hay, thí dụ sự lấy chuẩn mực của thời vua Lê Thánh Tông, việc đóng góp với lịch sử tư tưởng của nhà Mạc, nhận định về các vị Tế tửu trong những bước thăng trầm và sáng tác của họ. Rõ ràng những ưu điểm đã nêu ở trên cũng chính là những ưu điểm của nội dung bài viết, vấn đề còn lại là những ý tưởng, những định đề được thể hiện trong bài viết tổng luận này có chỉ đạo được việc tập hợp, chọn lọc, dịch thuật… hay không? Một mặt tác giả bài viết cũng nên chú ý một số điểm: - Bài viết hình như còn thiếu lịch sử vấn đề nghiên cứu. 3. Một vài góp ý với bản thảo Một bài viết vừa phải như thế này khó thể đòi hỏi tác giả có thể đi sâu vào một vấn đề nào đó dù vấn đề đó là cần thiết đi nữa, thí dụ: phác thảo nhìn nhận về vị trí và cảnh trí của khu di tích, nơi đã khơi dậy những cảm xúc cho những bài thơ bài văn. Bàn đến Chu Văn An là vị Tế tửu đầu tiên, điểm quan trọng nào đã đưa ông lên vị trí đó? Cái tên “Văn Miếu” đã có tác giả nước ngoài nêu lên sự nghi ngờ về việc xuất hiện của nó vào thời Lý. Việc bàn định và đòi tách nơi thờ Khổng tử và Chu Công là có ý nghĩa về sự phát triển tư tưởng …. Đọc toàn bộ bài viết tôi thấy bài viết này lại chủ yếu dành cho những người biết nhiều về Văn Miếu QTG, còn độc giả đông đảo có thể là quá cô đọng, là quá hàn lâm mà theo tôi có thể cần thêm một ít trang nữa để Văn Miếu Quốc Tử Giám hiện lên một cách gần gũi và sinh động. Nhận xét về phần tuyển chọn văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám . Các tác giả đã tuyển chọn theo trình tự sau: • Hoành phi câu đối tại Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội, từ tr.8 đến tr.26 số lượng câu đối này nhiều hơn những câu đối hiện tồn trên di tich Quốc Tử Giám, nếu xác định rõ được nguồn gốc văn bản thì đây cũng là cống hiến bổ xung cho câu đối tại Quốc Tử Giám. • Một số bài văn sách tiêu biểu của văn chương khoa cử, từ tr. 28 đến tr.339. Mỗi bài đều có phần phiên âm dịch nghĩa chú thích và nguyên văn chữ Hán viết tay, chắc là photo ở các tập văn sách có lưu trữ ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trong số 8 bài này thì có 7 bài trùng với các bài trong luận văn Tiến sĩ của tôi, với tiêu đề là: “Bước đầu tìm hiểu văn chương khoa cử thời Lê sơ”. nhưng trong toàn bộ bản thảo này chưa có chỗ nào nhắc đến công trình luận văn và bộ phụ lục kèm theo??? • Thơ văn của một số tác giả từng làm quan chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và viết về Văn Miếu Quốc Tử Giám, từ tr.341 đến 1065. Chu Văn An 12 bài, Lý Tử Tấn 21 bài, Nguyễn Phi Khanh 22 bài, Phan Phu Tiên 4 bài, Nguyễn Bá Ký 2 bài, Thân Nhân Trung 11 bài, Nguyễn Thiên Tích 8 bài rồi đến một số các vị khác trong đó có những vị tên tuổi rất quen thuộc như Nguyễn Như Đổ, Vũ Quỳnh, Nguyễn Thiên Túng, Nguyễn Trực, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Nghiễm, Lê Quý Đôn, Ngô Đức Kế- là vị thứ 46 được kể đến. Mỗi tác gia đều có phần tiểu chuyện, mỗi văn bản thơ hoặc văn đều có phần nguyên văn chữ Hán hoặc vi tinh hoặc photocopy. Ưu điểm của phần này: - Đã tập hợp được các tác gia từng phụ trách Văn Miếu và viết về Văn Miếu Quốc Tử Giám. Một số tác phẩm trích từ các sách khác đã ghi rõ người dịch, những phần này được một số dịch giả có tên tuổi dịch và đã in thành sách. Một số văn bản khác nữa do chủ biên dịch. Một số góp ý: Phần câu đối Văn Miếu Quốc Tử Giám cần rà soát lại kỹ càng hơn. Thí dụ: câu 3 tr.10: Xa thư cộng đạo kim thiên hạ Khoa giáp liên đề cổ học cung Dịch là: Thiên hạ nay ngày xe cùng cỡ bánh, viết cùng văn tự cùng theo đạo Nho. Cung tường xưa liên tiếp đề danh người trong khoa giáp Câu này giữa số chữ của câu đối là 7, câu trên dịch ra thành 16 chữ, câu dưới thành 11 chữ. Có lẽ cần thiết phải ghi rõ mức độ dịch trong mỗi câu là dịch nghĩa, dịch xuôi hay dịch đối. Còn nghĩa là xe cùng cỡ bánh, viết cùng văn tự là lấy từ câu xa đồng quỹ thư đồng văn, ở đây quỹ không thể dịch là cỡ bánh mà là cỡ trục. câu 13 tr.13 Tứ thủy văn lang lưu nhị thủy Đông sơn đạo mạch dẫn nùng sơn Dịch là Sóng văn sông tứ tràn sông Nhị Mạch đạo núi Đông dẫn núi Nùng Đọc qua tưởng không có gì là sai sót nhưng chỉ một chữ lưu ở vế trên dịch là tràn không những không sát với nghĩa của chữ mà còn sai về quan niệm và ý tưởng của người xưa. Kêt luận: Tôi nghĩ rằng bản thảo có thể nghiệm thu được để các tác giả tiếp tục sửa chữa, thúc đẩy tiến độ của tập sách để kịp ra mắt trong dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long.
TS. Đặng Kim Ngọc  viết ngày 25/08/2010
Tôi nhận được bản thảo cuốn sách “Văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám” của PGS.TS Phan Văn Các và PGS.TS Trần Ngọc Vương do Nhà xuất bản Hà Nội gửi đến với đề nghị đọc và cho ý kiến nhận xét. Tôi đã đọc kỹ tập bản thảo, sau đây xin có mấy kiến như sau: 1. Bản thảo sách “Văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám” với ngót 1100 trang đánh máy khổ A4 của 2 tác giả Phan Văn Các và Trần Ngọc Vương là một công trình biên soạn khá công phu và đầy đặn. Đây là loại sách khảo cứu, sưu tầm, tuyển chọn về văn chương và đánh giá giá trị văn chương cho một đối tượng cụ thể (Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Đây là công việc vừa khó lại vừa dễ. Xưa nay sách viết về giá trị Văn Miếu - Quốc Tử Giám khá nhiều nhưng chủ yếu nói về giá trị văn hoá - lịch sử. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là di tích văn hoá lịch sử. Do vậy việc hai tác giả Phan Văn Các và Trần Ngọc Vương tìm về giá trị văn chương của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một công việc khá khó khăn và cũng rất dũng cảm. Tháng 10-2008 bản đề cương sách: “Văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám” hoàn thành. Tôi được đọc và có cho ý kiến nhận xét, tôi đã đánh giá cao bản đề cương và bầy tỏ sự tin tưởng của mình vào 2 tác giả PGS.TS Phan Văn Các và PGS.TS Trần Ngọc Vương, những chuyên gia giỏi về Hán Nôm và văn học Cổ - Trung Đại. Hôm nay, đọc tập bản thảo hơn 1000 trang khổ lớn vừa mới hoàn thành, tôi thấy hai anh đã hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu mà nội dung đề cương sách đã đưa ra. 2. Bản thảo sách “Văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám” là một tập bảo thảo được biên soạn công phu, có chất lượng, đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của bản đề cương và những góp ý của Hội đồng thẩm định khi duyệt đề cương. Tôi cũng cho rằng, tập bản thảo này cũng đạt được những yêu cầu và mục tiêu khi làm sách của chủ đầu tư. Tôi hoan nghênh và ủng hộ tập bảo thảo này. Tuy nhiên, với mong muốn cuốn sách được hoàn thiện hơn, có chất lượng cao hơn, tôi xin góp một số suy nghĩ, nhận xét của mình, hy vọng các tác giả sẽ dành thời gian tham khảo. 3. Trong đề cương sách đã được phê duyệt ghi rõ kết cấu sách gồm 3 phần: Khảo luận; sưu tầm, dịch chú và phần phụ lục. Nhưng trong bản thảo thiếu hẳn phần phụ lục. Mặc dù phần phụ lục chỉ mang tính minh hoạ cho sách nhưng nếu thiếu, sách sẽ kém hẳn sự sinh động. Xin các tác giả lưu tâm. 4. Bản thảo sách “Văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám” có độ dầy 1100 trang đánh máy khổ A4 được chia làm 2 phần: + Phần tổng luận + Phần tuyển tác phẩm văn chương Trong đó phần tổng luận có 31 trang, còn lại là phần tuyển tác phẩm văn chương. Về kết cấu sách như vậy là lệch, không cân xứng, hợp lý giữa các phần của 1 cuốn sách. Các tác giả nên nghiên cứu lại. Trong đề cương các tác giả dự kiến phần tổng luận là 50 trang, khi đó giáo sư Nguyễn Văn Thịnh có ý kiến là 50 trang vẫn còn ít, phải trên 70 trang mới cân xứng. 5. Ngay trong phần Tổng luận cũng vậy. Với 4 mục nhỏ của Tổng luận thì theo chúng tôi mục 3 là quan trọng nhất. Đây là phần phác hoạ diện mạo văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám và tất nhiên qua đó sẽ đánh giá giá trị văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám (mục tiêu chính của việc làm sách). Tuy nhiên, phần này chỉ có 14 trang, trong đó một số trang nói về giới thuyết, khái niệm văn chương, mà đáng ra, nội dung này nên đưa vào phần mở đầu, trước khi vào phần tổng luận. Chính vì dung lượng dành cho phần này không nhiều, cho nên việc phác hoạ diện mạo văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám không tránh khỏi thiếu sót, không đầy đủ. Tôi lấy ví dụ: Ở phần tuyển tác phẩm văn chương. Các tác giả chọn 8 bài văn sách dịch ra tiếng Việt, in ở mục III phần thứ II, từ trang 28 đến trang 340, tổng cộng 312 trang nhưng trong phần tổng luận không thấy các tác giả nhắc đến nội dung 8 bài văn sách. 6. Điều băn khoăn duy nhất, và cũng là lớn nhất của chúng tôi ở đây là ba bộ phận cấu thành (hoặc hình thành) nên khái niệm văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thực ra là chỉ băn khoăn về bộ phận thứ hai. Tôi hoàn toàn đồng ý và thống nhất với các tác giả về bộ phận thứ nhất và bộ phận thứ ba góp phần hình thành khái niệm văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Còn bộ phận thứ hai, tức là các tác phẩm và sáng tác của các tác giả đã từng công tác ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám! Đây cũng chính là lúng túng của các tác giả. Nếu ở bộ phận thứ ba, các tác giả gặp khó khăn về sự khan hiếm và ít ỏi những sáng tác về Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì ở bộ phận thứ hai, hai anh chắc cũng khó khăn về việc tuyển chọn những sáng tác của các tác giả đã từng công tác tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vì nó quá nhiều và quá phong phú. Theo tôi hiểu, đã là văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì những tác phẩm hay sáng tác đó ít nhiều phải gắn với Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Còn những sáng tác nào, tác phẩm nào từ nội dung, ngôn ngữ đến tư tưởng đều không nói đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì không nên xếp vào văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám dù tác giả của nó đã từng sống và làm việc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Huống hồ, trong lịch sử nước ta có nhiều trường hợp 1 vị quan được bổ nhiệm làm tế tửu hoặc tư nghiệp Quốc Tử Giám chỉ là kiêm nhiệm, trên thực tế vị quan đó rất ít quan hệ tiếp xúc với Quốc Tử Giám. Thậm chí, có trường hợp sách ghi chép là tế tửu Quốc Tử Giám, nhưng không có một tư liệu nào chép cụ thể về công việc của vị quan đó ở Quốc Tử Giám (có làm tế tửu hay không?). Tôi xin lấy một ví dụ trường hợp cụ thể: Các tác giả tuyển chọn thơ văn Chu Văn An. Chu Văn An là một nhà nho nổi tiếng cuối thời Trần, đã từng là Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Ông hiện được thờ tại nhà Thái học ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tuyển thơ văn của ông là rất đúng. Nhưng tất cả những bài thơ của Chu Văn An được tuyển trong tập bản thảo này đều là những bài thơ ca ngợi cảnh đẹp vùng Côn Sơn, và nói về tâm trạng của Chu Văn An khi về ở ẩn tại núi Côn Sơn. Không có một bài nào nói về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhìn chung, phần lớn những tác phẩm, sáng tác được tuyển chọn trong tập bản thảo này đều không phải là những sáng tác về Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà là ở các vùng khác, địa phương khác. Thậm chí có những sáng tác khi tác giả đang đi sứ ở Trung Quốc, nói về chuyện của Trung Quốc. Trong khi ở Văn Miếu có 82 bài văn bia, các tác giả chỉ tuyển chọn có một bài. Theo tôi, các tác giả nên giảm bớt phần tuyển chọn những sáng tác, những tác phẩm không nói về Văn Miếu - Quốc Tử Giám không liên quan đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám và tăng số lượng các bài văn bia Tiến sĩ, các bài văn sách (nếu có thêm). Như thế, nội hàm của khái niệm văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ chuẩn xác hơn. 7. Cuối cùng là phần kỹ thuật thể hiện. Những tuyển chọn trong bản thảo này đều là sáng tác bằng chữ Hán sẽ có phần dịch nghĩa, phiên âm. Các tác giả nên thống nhất cách thể hiện. Một sáng tác có phần chữ Hán, phiên âm, và dịch nghĩa. Ở đây có bài chỉ ghi phần dịch nghĩa không ghi phần phiên âm, như các trang 121, 266, 236, 266… Ta nên thống nhất để độc giả dễ theo dõi hơn. Trên đây là một số nhận xét, góp ý xin các tác giả nghiên cứu, tham khảo. Đây là một đề tài hay, độc đáo. Tôi tin rằng với sự góp ý của Hội đồng và sau khi các tác giả sửa chữa, điều chỉnh. Bản thảo sẽ có chất lượng tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu xuất bản và sớm đến tay bạn đọc.
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá