|
PGS.TS. Bùi Quang Thanh (lần 2) viết ngày 03/07/2012
1. So với bản thảo đề cương lần đầu, bản đề cương chi tiết của tập sách “Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội” lần này đã bổ sung/chỉnh sửa và hoàn thiện được nhiều mặt, sau khi tiếp thu/tham khảo ý kiến của Hội đồng đánh giá đề cương vừa qua.
- Tên tập sách đã gọi đúng bản chất nội dung cần đáp ứng qua các chương của tập sách. Bởi lẽ, nó không chỉ giới thuyết được phạm vi không gian văn hóa (di sản văn hóa được sinh ra/hiện tồn ở Thăng Long - Hà Nội), mà còn gợi mở dung lượng đối tượng cần khám phá (thế giới biểu tượng nghệ thuật gắn với nguồn di sản đó) sẽ thể hiện qua từng chương của tập sách.
- Tập sách đã đặt ra điểm tạo đà/ cơ sở xuất phát cho những khám phá thế giới biểu tượng nghệ thuật bằng những Tiên đề tiếp cận giá trị biểu tượng. Đây là cơ sở lý luận mang tính khoa học, cần thiết, giúp người đọc qua đó định hướng được quá trình đón nhận tri thức và thẩm định tri thức ở từng chương sách thể hiện sau đó.
- Đã có sự gắn kết chặt chẽ giữa hai phần của tập sách (điều mà ở bản đề cương ban đầu chưa có được), tạo ra mối quan hệ có tính logic, hệ thống và gắn kết các biểu hiện cụ thể của các loại biểu tượng theo trục tư tưởng, quan điểm thẩm mỹ và sự vận động trong nhận thức của những người sáng tạo ra thế giới biểu tượng nghệ thuật đã nêu.
2. Tôi tin đây sẽ là một trong những tập sách có nội dung hấp dẫn, bổ ích đối với lượng bạn đọc rộng rãi, góp phần bổ khuyết không ít những hiểu biết/nhận thức vốn chưa đúng/chưa chuẩn lâu nay trong cộng đồng, giúp cho người đọc có nhận thức sâu sắc hơn bản chất của các biểu tượng nghệ thuật không chỉ của di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội, từ đó thấy được giá trị cùng sức sống của thế giới biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình của di sản văn hóa truyền thống đối với đời sống văn hóa xã hội đương đại.
3. Xin có ý kiến nhỏ: Đề nghị các tác giả và nhà xuất bản quan tâm đến việc minh giải thêm cho các tiểu mục, các chương của chính văn bằng các hình họa, ảnh (có chọn lọc sao cho phù hợp với ý nghĩa từng loại/hệ thống biểu tượng) để người đọc nhận biết cụ thể hơn, sâu sắc hơn phần lý giải ngôn từ về từng biểu tượng.
4. Đánh giá chung: Đây là bản đề cương khoa học chi tiết mang tính khoa học cao, thể hiện một dung lượng nội dung phong phú, đa dạng, hệ thống và thiết thực đối với nhu cầu tìm hiểu của người đọc, không chỉ trong nước mà còn đối với bạn đọc nước ngoài - có nhu cầu tìm hiểu văn hóa truyền thống Việt Nam. Chúng tôi đặt niềm tin vào năng lực trí tuệ của 2 tác giả thuộc diện hàng đầu ngành/lĩnh vực nghệ thuật/mỹ thuật học, những người chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nội dung tập sách từ bản đề cương chi tiết này.
5. Trân trọng kính đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội xem xét để triển khai hợp đồng biên soạn với các tác giả.
|
|
PGS.TS. Trịnh Thị Minh Đức (lần 2) viết ngày 27/06/2012
1. Hai tác giả đã tiếp thu ý kiến góp ý của Hội đồng về đề cương cấu trúc cuốn sách và đã chỉnh sửa theo tinh thần góp ý của hội đồng. Đề cương đã đảm bảo tính khoa học, logic và căn cứ vào cơ sở thực tiễn của di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử.
Về cơ bản, chúng tôi nhất trí với cấu trúc bố cục hiện nay và cũng xin đưa ra một vài góp ý nhỏ để chỉnh sửa tên gọi cho một số mục và tiểu mục trong các phần.
2. Phần ý kiến góp ý
+ “Địa lý cảnh quan một Hà Nội cổ” nên bỏ từ “một” nên là “địa lý cảnh quan Hà Nội cổ”.
+ Mục 3 của II, nên đổi là: “Cư dân Hà Nội với các biểu tượng trong văn hóa thời đại đồ đá mới” để thống nhất với mục 1; 2.
+ Mục 2 trong III, nên đặt là “Các biểu tượng văn hóa nghệ thuật trên trống đồng”.
+ Mục 2.8 trong III, nên tác ra làm 2 mục nhỏ:
- Biểu tượng các loài vật khác.
- Biểu tượng thực vật.
Vì tính chất của hai nội dung này khác nhau.
+ Mục IV, có nên cân nhắc dùng cụm từ “Nghệ sỹ” hay “Nghệ nhân”. Trước khi viết các mục 1; 2; 3 nên có một mục trước đó để viết về những tiêu chí cơ bản đủ xác định một phong cách thời đại và những mục tiếp theo sẽ là việc chứng minh cho phong cách qua các hình tượng nghệ thuật.
+ Trong phần III, mục viết về “Giá trị biểu tượng trong kiến trúc chung và Hà Nội” nên bổ sung thêm cụm từ “… và kiến trúc ở Hà Nội”.
+ Mục 1 trong chương I, đặt là: “Biểu tượng về không gian”.
Mục 2: “Biểu tượng về hướng”.
Mục 3: “Biểu tượng về cây”.
Mục 4: “Biểu tượng kiến trúc”.
Tiểu mục 4.5.1. đặt là “Giá trị biểu tượng của chùa Một Cột”
Tiểu mục 4.5.2. đặt là “Giá trị biểu tượng của chùa Kim Liên”.
+ Mục 4.6. Giá trị biểu tượng của Tháp cổ.
+ Mục 1.3; 1.4; 1.7. trong phần viết về giá trị biểu tượng nhân dạng. Các mục này nên thống nhất với mục 1.1; 1.2 chỉ đặt là: Hoa Nghiêm tam thánh; Di Lặc tam tôn; Thập điện diêm vương hoặc có thể dùng thống nhất là: Bộ tượng Tam thế Phật; Bộ tượng Di đà tam tôn.
+ Xem lại mục 1. trong II “Giá trị biểu tượng của tượng nhân dạng” mục 2 “Giá trị biểu tượng chính trên tượng nhân dạng”. Cần nên đặt tên 2 mục này cho phù hợp với giá trị biểu tượng khai thác.
+ Mục III, nên đặt là: “Giá trị biểu tượng trong chạm khắc trang trí ở Hà Nội”.
+ Mục 1 trong III, nên đặt là: “Giá trị biểu tượng gắn với tín ngưỡng, tôn giáo”.
Trên đây là những ý kiến của cá nhân chúng tôi về chỉnh sửa tên gọi của các mục trong cấu trúc đề cương là chủ yếu. Phần nội dung thể hiện trong các phần, các mục và tiểu mục trong cuốn sách. Chúng tôi rất tin tưởng ở 2 tác giả và cũng là 2 chuyên gia có trình độ, uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu biểu tượng sẽ thực hiện có chất lượng cho cuốn sách này.
|
|
PGS. Đặng Quý Khoa (lần 2) viết ngày 27/06/2012
1. Tôi nhất trí với tên mới là “Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội”. Nếu chỉ trong nghệ thuật tạo hình sẽ hẹp. Và việc phân tích cũng sẽ phải thiên nhiều sang ngôn ngữ tạo hình như đường nét, hình khối, màu sắc, chất cảm, nhịp điệu... Sẽ khó cho sự tập trung vào ý nghĩa khái quát của biểu tượng - cụm từ ở Thăng Long - Hà Nội đã nói lên được quá trình tập trung và hình thành biểu tượng từ ngày dời đô đến nay.
2. Về số lượng các biểu tượng đã được thống kê khá đầy đủ, tuy nhiên tôi xin góp ý thêm một số biểu tượng mà người nước ngoài quan tâm, nhân sách ra trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Về Rồng đề nghị hai tác giả làm rõ ý nghĩa: tổ long trong các đình là thuộc về biểu trưng dân tộc. Lạc Long Âu Cơ nó có ý nghĩa khác với Rồng biểu thị vương quyền. Nhiều người trong nước và cả nước ngoài chưa rõ lắm. Rồng các triều đại phản ánh đặc tính của vương triều đó. Nên thêm ý nghĩa cá hóa Long - cá vượt vũ môn. Ở đình chu quyến các đầu bẩy có Rồng - (Rồng kết bằng mây thi cử), rồng trúc (quân tử trong giới nho học), rồng lá (nông nghiệp). Cá sấu hóa Long (ở đình Tây Đằng) (vua xuất thân từ võ nghiệp - binh nghiệp).
Tranh phường Hàng Trống có cá chép trông trăng, đây là một tranh có ẩn ý - bóng trăng trong tranh ở dưới nước phía trái, trăng trên trời ở phía phải (ẩn ý dưới thời Pháp đô hộ và nhà Nguyễn, các nhà nho ở ẩn. Vì thực tế và cái phản ánh vào tâm hồn họ trái nhau), nên họ không muốn ra làm quan.
Phần biểu tượng dịch học: Nên phân tích quẻ địa phong thăng cũng có nghĩa tương tự thành rồng bay lên.
Biểu tượng trời tròn đất vuông - định hướng và vô hướng trong Văn Miếu là ý nghĩa của nho học lấy định hướng lãnh đạo vô hướng. Cửa nhà của kiến trúc Việt Nam đều là nửa trên tròn - dưới vuông. Các bia tiến sĩ Văn Miếu cũng vậy. Tại sao lại đặt trên lưng rùa. Khách quốc tế vào xem Văn Miếu hay tìm hiểu ý nghĩa này, mà hướng dẫn viên du lịch không đủ trình độ phân tích ý nghĩa trời tròn đất vuông trong bánh chưng bánh giày (và tiến sĩ là một trong tứ linh rùa).
3. Tôi xin góp ý khi phân tích ý nghĩa biểu trưng của tác giả nên kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, trình diễn và diễn xướng qua các biểu trưng.
4. Tôi rất nhất trí và tâm đắc với việc các tác giả kết hợp việc phân tích ý nghĩa biểu tượng gắn với nghệ thuật.
Như: xu hướng cách điệu hóa - đơn giản hóa
Thủ pháp thể hiện theo chiều nghiêng.
Thủ pháp tái hiện được cả bên trong sự vật.
Thủ pháp bỏ qua tỉ lệ tự nhiên và quy luật viễn cận.
Thủ pháp kết hợp giữa trang trí và tạo hình.
Phong cách sáng tạo của nghệ sĩ Hà Nội.
5. Mong hai tác giả kết hợp với việc phân tích biểu tượng có sự quy tụ về Thăng Long và từ Thăng Long tỏa đi các địa bàn khác của đất nước.
Chúc hai tác giả thành công cao trong dự án.
|
|
Bằng Việt viết ngày 31/08/2011
1. NHẬN XÉT CHUNG:
Đây là một đề tài lý thú, bổ ích, nằm trong trọng tâm đáng tìm hiểu và cần khám phá trong những giá trị văn hóa truyền thống của đời sống tinh thần và tâm linh người Thăng Long - Hà Nội xưa, mà lại chưa hề có ai đề cập tới, trong toàn bộ mảng sách đã được khai thác về văn hóa hoặc văn học nghệ thuật của Tủ sách 1000 năm Thăng Long.
Vì vậy, tôi ủng hộ là nên đưa vào Tủ sách và cần được hoàn chỉnh Đề cương chi tiết cũng như toàn bộ nội dung, để có thể thực hiện được sớm.
2. MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO BẢN ĐỀ CƯƠNG:
a) Trước tên là tên đề tài: Tôi thấy tên đề tài đặt là:“Biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa” không ôm trùm được hết ý đồ của 2 tác giả đã trình bày trong đề cương, thậm chí, nó còn có phần hơi lệch chủ ý của các tác giả định khai triển cho công trình này. Ngoài vấn đề về nghệ thuật tạo hình, mà cũng không phải công trình này cần xoáy sâu vào giá trị của nghệ thuật tạo hình như một tập sách nghiên cứu về mỹ thuật của Hà Nội xưa; thì các tác giả còn đề cập khá chi tiết đến các biểu tượng trong kiến trúc, trong lịch pháp, thậm chí trong cả cây cỏ thiên nhiên (thông, tùng, trúc, cúc, bồ đề, cây đại, cây sung, cây gạo, cây mít...), rồi các linh vật (chim, rồng, lân, rùa, hổ, voi...), thậm chí các đồ thờ cúng như phướn, bát bửu, đồ chấp kích, đồ lỗ bộ, chuông, khánh, mõ, trống thờ, v.v... với ý thức muốn tiếp cận đến giá trị tiềm ẩn trong các biểu tượng đó, thậm chí muốn đọc được và tìm cách khai mở, khám phá ra “phần hồn” của nó, nhiều hơn là ở “phần xác” của phía vật thể mà nó chứa đựng.
Vì vậy, tôi mạnh dạn đề nghị các tác giả có thể đổi tên công trình nghiên cứu này là:“Thế giới tâm linh người Hà Nội xưa - thông qua các biểu tượng”, có lẽ là phù hợp hơn chăng và cũng tổng quát hơn chăng? Vì trên thực chất, công trình này cũng có ý thức đi sâu vào tâm linh người Hà Nội xưa, và thậm chí, còn có ý thức muốn tìm cách giải mã nó nữa. Do vậy, ngoài phần các tác giả liệt kê và miêu tả các biểu tượng, thì một phần quan trọng nữa là còn phải thử lý giải, kiến giải, tìm hiểu nó đến ngọn ngành, và đặt nó vào vị trí nào trong hệ thống tư duy của người Việt, đồng thời tìm cách giải mã các biểu tượng đó.
Tất nhiên, đặt đề sách kiểu này là cách đặt đề mở, do đó, cũng phải chỉnh lý lại chút ít các đề mục, cả tên trong các chương mục của bố cục và cũng có thể thêm bớt một số vấn đề, để làm nổi rõ hơn trọng tâm mà cuốn sách muốn đạt tới. Tuy nhiên, tôi tin rằng, những sửa đổi này là không có gì lớn với các tác giả và hoàn toàn có thể chỉnh lại dễ dàng và nhanh chóng để các chương mục và bố cục nhất quán với tiêu đề chung của cuốn sách.
b) Trong Phần I, điểm I, II, III (xem Mục lục), các tác giả hay dùng cụm từ: Biểu tượng văn hóa nghệ thuật.... Tôi nghĩ, thuật ngữ này không thật chuẩn và đã bị dùng lạm trong văn nói nhiều hơn là trong thuật ngữ khoa học. Ý nghĩa của nó không thật chặt chẽ và chính xác, và hai khái niệm văn hóa và nghệ thuật vốn cũng không đồng bộ với nhau để ghép vào thành một từ ghép chung. Có thể có biểu tượng văn hóa, hoặc biểu tượng nghệ thuật, hoặc biểu tượng tâm linh, hay biểu tượng tinh thần, biểu tượngtín ngưỡng... nhưng khi ghép vào thành một từ tổng hợp thì bị cọc cạch, không khoa học. Trong các tiếng nước ngoài, người ta cũng không ghép các từ này, ví dụ như văn hóa, nghệ thuật... vào thành một tính từ phức hợp, hoặc một bổ ngữ kép cho danh từ. Vì vậy, tôi đề nghị nên thay các từ ghép này để thuật ngữ viết trong một công trình khoa học phải thực sự chuẩn mực và trong sáng.
c) Cũng điểm III, phần I (trong Mục lục), các tác giả dùng thuật ngữ: Cư dân thời đại kim khí..., có lẽ nên dùng đúng tên thời đại đã được phân định trong lịch sử văn minh loài người, là thời đại đồ đồng và thời đại đồ sắt, (tiếp sau thời đại đồ đá cũ và đồ đá mới), như thế dễ hiểu và chính xác hơn. Ngày hôm nay, người ta hay dùng từ thời đại cơ khí để chỉ thế kỷ XIX, khi bắt đầu phát minh ra động cơ hơi nước và tàu hỏa, xe hơi, các máy móc cơ khí khác, cũng như dùng tắt từ thời đại nguyên tử khi loài người phát minh ra năng lượng nguyên tử. Vậy, nếu gọi là thời đại kim khí, có thể dễ lẫn với từ văn minh cơ khí, thời đại cơ khí hóa v.v... của lịch sử cận đại, hơn là thời đại đồ đồng và đồ sắt xa xưa trong lịch sử.
d) Phần III (trong Mục lục), dùng từ “dưới thời Quân chủ dân tộc” không sai, nhưng không có nhà sử học nào gọi thế cả! Nên sửa bằng một từ phổ cập khác, đã được sử dụng trong các sách sử, ví dụ: “... trong các triều đại độc lập, tự chủ ở nước ta” chẳng hạn.
|
|
PGS.TS. Đặng Văn Bài viết ngày 31/08/2011
1. Về đề tài
Kiến giải các giá trị biểu tượng nghệ thuật hay văn hóa là một việc làm không hề giản đơn và không phải ai cũng đủ năng lực và sự dũng cảm đi sâu vào lĩnh vực này. Bởi vì, biến cái tượng trưng, khái quát hóa cao mang tính trừu tượng thành những khái niệm cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ cho mọi công chúng với trình độ nhận thức khác nhau, đòi hỏi những người đảm trách việc đó phải có trình độ nghiên cứu và phông văn hóa vừa sâu, lại vừa rộng. PGS.TS. Trần Lâm Biền và PGS.TS. Trịnh Sinh là hai nhà nghiên cứu có danh tiếng ở Việt Nam, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đó.
Mặt khác, các hoạt động kỷ niệm ngàn năm Thăng Long rất phong phú, đa dạng, nhưng theo cảm nhận của tôi, thì không phải tất cả các hoạt động đó đều mang lại lợi ích lâu dài và có khả năng để lại dấu ấn vật chất cho thế hệ tiếp nối, sau khi kết thúc lễ kỷ niệm hoành tráng vào cuối năm 2010. Ngược lại, cuốn sách mà PGS.TS. Trần Lâm Biền và PGS.TS. Trịnh Sinh đã dày công nghiên cứu và chuẩn bị, cũng là sự tiếp nối và đi sâu hơn đề tài do chính hai người hợp tác nghiên cứu, và cũng đã được nghiệm thu chắc chắn sẽ đáp ứng được mong mỏi của bạn đọc trong cả nước, vì:
- Họ có điều kiện tiếp cận và hiểu rõ hơn chiều sâu văn hóa của Hà Nội;
- Các biểu tượng nghệ thuật được hệ thống hóa trong cuốn sách sẽ là loại tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu yêu mến di sản văn hóa Việt Nam, cho những người làm việc trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa;
- Với tư cách là một xuất bản phẩm văn hóa, cuốn sách sẽ tồn tại lâu dài với xã hội, chứ không phải là sản phẩm mang tính chất chào mừng và kỷ niệm.
2. Một số ý kiến trao đổi
2.1. Về tên cuốn sách: “Biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa” có thể hợp với đề tài nghiên cứu khoa học, còn tên bìa cuốn sách có yêu cầu riêng, vừa thể hiện nội dung, vừa cuốn hút. bắt mắt người mua, đồng thời cũng nói lên, đây là sản phẩm kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Với tinh thần đó, tôi thấy nên đổi tên là “Biểu tượng nghệ thuật trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội”. Với tiêu đề như thế, sẽ hạn chế phạm vi nghiên cứu (không cần mở rộng ra Hà Tây), đồng thời gắn với kỷ niệm lớn của đất nước.
2.2. Để bảo đảm tính nhất quán và thống nhất của cuốn sách, chúng ta cố gắng hạn chế ở những nội dung trực tiếp, giới thiệu trực tiếp với biểu tượng nghệ thuật mà thôi. Cuốn sách có hai phần riêng biệt, do hai người cùng biên soạn, cần có sự gắn kết và liên thông để xóa bỏ ấn tượng hai phần đó là hoàn toàn tách biệt như:
- Chương 1 của phần một “Địa lý cảnh quan một Hà Nội cổ”, chương 2, phần một “Cư dân thời đại đồ đá ở Hà Nội với các biểu tượng văn hóa nghệ thuật”, sẽ rất ít hoặc có thể nói không thật gắn với nội dung cuốn sách là biểu tượng nghệ thuật. Tôi kiến nghị xem xét lại.
- Nội dung thứ nhất trong chương 3 phần một “Để giải mã các biểu tượng của người Hà Nội xưa”, không thật chính xác vì ta chủ định giới thiệu biểu tượng nghệ thuật, chứ không phải biểu tượng của người Hà Nội.
- Nội dung chương 1 phần hai “Những tiên đề tiếp cận giá trị biểu tượng”, hai nội dung trên nên kết hợp lại để giới thiệu ở phần mở đầu, nói tới phương pháp tiếp cận của nhóm tác giả thì sẽ tạo ra được sự gắn kết giữa hai phần và tạo được sự thống nhất chung.
2.3. Các biểu tượng nghệ thuật của một loại di vật cần được xử lý có hệ thống, dứt mạch, không nên tách ra, làm người đọc khó theo dõi. Ví dụ, cùng một nội dung gắn với trống Cổ Loa mà lại giới thiệu ở nhiều đoạn khác nhau:
“2.1.4. trống Cổ Loa phải chăng là một mô hình vũ trụ?
2.4. Biểu tượng ngôi nhà sàn trên trống Cổ Loa (đã qua rất nhiều đoạn 2.1, 2.2, rồi mới tới 2.3).
2.4. Biểu tượng thuyền trên trống Cổ Loa.
2.4.1. Biểu tượng hội làng trên trống Cổ Loa”.
2.4. Tính thống nhất của cuốn sách đòi hỏi tên các chương, mục phải chính xác và thống nhất trong cách đặt tiêu đề.
- Chương 2 phần một “cư dân thời đại đồ đá Hà Nội với các biểu tượng văn hóa nghệ thuật” (có thể hiểu cư dân Hà Nội là nội dung chính).
- Chương 4 phần một “phong cách nghệ thuật của người nghệ sỹ Hà Nội thể hiện trên các biểu tượng”, có thể hiểu là thời tiền, sơ sử đã có “nghệ sỹ” hoặc cư dân, mà nội dung chúng ta quan tâm là phong cách nghệ thuật thể hiện qua các biểu tượng là chính.
- Phần hai “Giá trị biểu tượng Hà Nội dưới thời quân chủ” cũng có sự lẫn lộn giữa biểu tượng nghệ thuật và biểu tượng Hà Nội. Có thể hiểu “biểu tượng Hà Nội” như là Chùa Một Cột hoặc như UBND thành phố đã lựa chọn Khuê Văn Khác trong Văn Miếu, Quốc Tử Giám là biểu tượng, Điều đó hoàn toàn khác với “biểu tượng nghệ thuật”.
2.5. Tôi kiến nghị, nên cân nhắc lựa chọn và phân loại để giới thiệu những biểu tượng nghệ thuật thật tiêu biểu, đặc sắc của Hà Nội. Với các danh mục liệt kê các biểu tượng đưa ra trong đề cương là rất dàn trải, rất nhiều loại biểu tượng khá phổ biến, bất cứ địa phương nào cũng có. Tôi nghĩ, nếu cô đọng, khái quát và tiêu biểu thì cuốn sách sẽ hấp dẫn và có giá trị hơn cả về mặt tinh thần và tính hàng hóa thương mại cao.
Tóm lại, tôi rất tâm đắc với việc xuất bản cuốn sách có nội dung hấp dẫn nói trên, với tính chất là sản phẩm văn hóa chào mừng lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long.
|
|
PGS.TS. Trịnh Thị Minh Đức viết ngày 31/08/2011
1. Về đề tài:
Đề tài “Biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa” là đề tài mới, hiện chưa có một công trình chuyên khảo nào viết về lĩnh vực nghiên cứu này. Đề tài càng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn hơn khi công trình sách được lựa chọn trong Dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” nằm trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trên thực tế nghiên cứu biểu tượng đã có các tác giả quan tâm nghiên cứu nhưng đây lại là lĩnh vực khó, cần có trình độ và kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc lịch sử, con người, văn hoá, xã hội mới giải mã được các biểu tượng chính xác và có tính thuyết phục cao.
2. Đề tài/ cuốn sách có bố cục hai phần
Phần 1: Nghiên cứu các biểu tượng văn hoá nghệ thuật của cư dân Hà Nội thời tiền sơ sử.
Phần 2: Giá trị biểu tượng Hà Nội dưới thời quân chủ dân tộc.
Về cơ bản là bố cục hợp lý, khoa học, logic đặt đối tượng nghiên cứu trong diễn trình lịch sử là phù hợp.
3. Nội dung cơ bản dự kiến sẽ thể hiện trong đề tài cuốn sách cụ thể như sau:
3.1. Địa lý cảnh quan một Hà Nội cổ (giới thiệu phần này có chú ý đến yếu tố con người: con người khai phá vùng đất này, thời điểm lịch sử, con người là chủ thể sáng tạo văn hoá).
3.2. Các biểu tượng văn hoá nghệ thuật thời đại đồ đá đã được cư dân sáng tạo trong các nền văn hoá (văn hoá Sơn Vi, văn hoá Hoà Bình và các nền văn hoá thuộc Hậu Kỳ thời đại đồ đá mới).
3.3. Các biểu tượng văn hoá nghệ thuật thời đại Kim Khí đã được cư dân Hà Nội xưa thể hiện như thế nào: Trong đó tập trung vào các biểu tượng: vũ trụ, thiên văn, quyền lực; biểu tượng con người; biểu tượng về văn hoá nhà ở/ nhà sàn; biểu tượng thuyền; biểu tượng rồng; biểu tượng chim lạc; biểu tượng thực vật; biểu tượng các loài vật khác; hoa văn hình học, sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng... Các biểu tượng này tập trung khai thác chủ yếu từ hoa văn trên trống đồng. Vấn đề ở đây là tác giả không chỉ dừng lại ở việc nhận diện các hoa văn, biểu tượng mà còn giải mã được các hoa văn, biểu tượng đó một cách thuần thục, có cơ sở khoa học.
3.4. Từ nghiên cứu chung các hoa văn trên trống đồng - tìm ra một phong cách thể hiện qua các biểu tượng: về bố cục, quy luật của các môtip, những đề tài được ưa chuộng của thời đại; tìm ra đặc điểm nghệ thuật, các xu hướng phát triển của nghệ thuật biểu đạt (đối xứng, cách điệu, đơn giản, hình khối, tỷ lệ tạo hình khối và các tạo hình khác).
3.5. Giá trị biểu tượng trong kiến trúc: Tiếp cận từ nét chung đến nét riêng của Hà Nội. Về kiến trúc nghiên cứu không gian, hướng, cây cối (các loại cây - có 9 loại cây), các biểu tượng qua các công trình (tam quan, nghi môn, bình phong, điện thờ...) trong đó có nêu ra 2 trường hợp kiến trúc ở Hà Nội là chùa Một Cột và chùa Kim Liên.
3.6. Giá trị biểu tượng trong điêu khắc tượng tròn và đồ thờ (tượng nhân dạng tập trung giới thiệu các loại tượng tròn, nhưng phần chính và khó ở đây chính là các biểu tượng và giải mã các pho tượng thể hiện: toạ thiền, kết ấn).
Các đồ thờ trong kiến trúc cũng được giới thiệu một phần giá trị biểu tượng qua đồ thờ.
3.7. Tập trung giới thiệu các giá trị biểu tượng trong chạm khắc trang trí trong kiến trúc trên địa bàn Hà Nội. Trong đó có: các giá trị biểu tượng gắn với tín ngưỡng; hình tượng gắn với lực lượng phát sáng; các linh vật mang giá trị biểu tượng; hoa văn cây cỏ trong tạo hình - biểu tượng.
Trên đây là 7 nội dung cơ bản sẽ được thể hiện trong nội dung của đề tài/cuốn sách. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung mà các tác giả đã nêu ra trong đề cương chi tiết của cuốn sách.
4. Phần góp ý với các tác giả
- Các nội dung cần thống nhất với tên của đề tài và các phần. Phần I: “Biểu tượng văn hoá nghệ thuật của cư dân Hà Nội thời tiền và sơ sử” thì các mục II; III cũng nên viết theo cách đặt tên như vậy.
- Mục II sẽ là: “Biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình/Biểu tượng văn hoá nghệ thuật trong các nền văn hoá thời đại Đồ Đá”. Nếu như đồ đá cũ trường hợp văn hoá Sơn Vi; đồ đa mới văn hoá Hoà Bình, vậy hậu kỳ thời đại đá mới mà các tiêu bản trong nền văn hoá nào?
- Mục III nên đổi là: “Các biểu tượng văn hoá nghệ thuật trong các nền văn hoá thời đại Kim Khí”.
- Mục IV: “Từ các biểu tượng xác định phong cách nghệ thuật của các cư dân Hà Nội xưa” hoặc có thể mở như “Nhận định về phong cách qua các biểu tượng”. Các tiểu mục của mục IV nên viết gọn hơn, cụ thể hơn như: bố cục, đề tìa, nghệ thuật biểu đạt...
- Tiểu mục 2.8. nên tách ra: Biểu tượng các loài vật khác và một mục riêng là biểu tượng thực vật.
- Tiểu mục 2.10. chỉ cần ghi là “hoa văn hình học”, trong khi viết sẽ lý giải hoa văn này được thể hiện trên gốm, trên đá, trên đồng thau.
- Mục II: Giá trị biểu tượng trong kiến trúc chung và kiến trúc ở Hà Nội trong đó tiểu mục 4 nên đặt là “biểu tượng kiến trúc” cùng với nó là các biểu tượng cây...
- Mục IV nên đặt là: “Giá trị biểu tượng chạm khắc trang trí trong kiến trúc ở Hà Nội”.
- Tiểu mục 3.10. “Các biểu tượng về thú vật khác” trong đó có cá, các vật chìm nổi khác...
Nhìn chung cần phải chỉnh sửa tên của các tiểu mục mang tính khái quát hơn là chi tiết.
Kết luận: Đây là một đề cương cuốn sách được soạn thảo công phu, có ý tưởng khoa học rất rõ ràng. Những nội dung cơ bản của cuốn sách sẽ là nguồn tư liệu quý có giá trị phục vụ tốt cho giảng dạy và học tập trong các nhà trường nghệ thuật/mỹ thuật. Qua cuốn sách này người đọc nhận diện được các giá trị của biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở hà Nội xưa, từ đó có ý thức trong việc bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Các tác giả PGS.TS. Trần Lâm Biền và PGS.TS. Trịnh Sinh là những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực này. Chúng tôi nghĩ cuốn sách sẽ được xuất bản với chất lượng khoa học cao.
Đề nghị NXB cho phép xuất bản cuốn sách này, đặc biệt nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|
|
TS. Phạm Quốc Quân viết ngày 31/08/2011
1. PGS.TS. Trần Lâm Biền và cộng sự của ông, PGS.TS. Trịnh Sinh, là hai chuyên gia về nghệ thuật cổ, với nhiều đóng góp, qua nhiều công trình nghiên cứu và bài viết, mà gần 40 năm, tôi theo dõi, đã thấy, những đóng góp của các ông là đáng kể cho học thuật nói chung và nghệ thuật nói riêng. Và, trong đề cương này, những vấn đề được nêu lên sẽ được thể hiện trong cuốn sách là hoàn toàn có cơ sở để tin vào khả năng giải quyết của đồng chủ nhiệm đề tài, nếu như được nhà xuất bản chấp nhận và hội đồng thông qua đề cương này.
2. Đề cương chạy suốt từ thời đại đồ đá của Hà Nội tới thời quân chủ dân tộc (dùng theo ý của các tác giả), vừa là một lợi thế, để tha hồ vẫy vùng, nhưng lại là một yếm thế, khi vào thời đại đồ đá của Hà Nội, đặc biệt là thời đại đá cũ, giá trị biểu tượng văn hoá nghệ thuật không thể hiện rõ nét và đương nhiên, sẽ không tránh khỏi chông chênh, hẫng hụt.
3. Các tác giả cũng khéo đặt tên cuốn sách với một từ “ở”, để nhấn mạnh tới tính đặc thù của công trình này, được đặt hàng từ NXB Hà Nội, trong tủ sách 1000 năm Thăng Long, cho dù, với tôi, chữ ấy, thấy hơi nặng, nhưng không mấy hề hấn, nếu chuyển tải được dụng ý của các tác giả và nội dung cuốn sách. Tuy nhiên, khi đọc vào từng chi tiết, tôi thấy cái được gọi là “ở Hà Nội”, quá nhạt nhoà và dường như không phải là của riêng Hà Nội. Nó là của cả nước, chí ít là của toàn miền Bắc Việt Nam hiện nay, theo đó, tôi mong muốn các tác giả nên cấu trúc lại đề cương, theo hai cách, theo thiển nghĩ của tôi.
- Nhấn mạnh những đặc trưng về biểu tượng nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa thông qua những di tích và di vật của Hà Nội.
- Hà Nội là nơi hội tụ và toả sáng, theo đó những biểu tượng nghệ thuật tạo hình ở đây, đã trở thành biểu tượng tạo hình của dân tộc, của Đại Việt.
4. Dù cả hai cách, cũng cần dũng cảm lược bớt những gì không đáp ứng nội dung chính của cuốn sách, đó là biểu tượng nghệ thuật tạo hình. Vậy nên, các mục 1, 2, 3 trong ý II của phần I, nếu như trong đề cương, thì chỉ là những dẫn dụ về những di tích, di vật đã từng được phát hiện ở thời đá cũ, thời Hoà Bình và đá mới, không mấy liên quan tới biểu tượng nghệ thuật tạo hình.
5. Dù trong đề cương không lột tả hết ý tứ của các tác giả, tôi vẫn thấy, ngay trong những di vật của Hà Nội, cũng cần khai thác sự khác biệt mang tính chi tiết của loại hình và hoa văn. Ví như thuyền, nhà sàn trống Cổ Loa khác với thuyền, nhà sàn của các trống khác như thế nào thì mới thấy sự hội tụ và lan toả, sự thống nhất trong đa dạng. Đây là một đòi hỏi cần sự tìm tòi kỹ lưỡng mới đưa ra được cái chung, riêng. Nếu không người đọc sẽ chẳng thấy cái gì của riêng Hà Nội.
6. Đọc các phần sau, từ chương IV của phần I cho tới phần II tôi cũng chưa thấy tác giả đưa ra những di vật, di tích riêng của Hà Nội là biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình, mà chủ yếu là các ý tưởng mà những ý tưởng ấy có thể dùng cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam, rộng hơn của cả phương Đông, được chi phối từ nền nông nghiệp lúa nước, từ tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống và tập quán v.v và v.v. Theo tôi, để đậm chất Hà Nội, thì khi nói về giá trị biểu tượng trong kiến trúc, cần lấy một không gian điển hình của một di tích của Hà Nội để phân tích, về hướng, về cây cối, tam quan, nghi môn... Tất cả, nếu được triển khai theo hướng này mới thấy Hà Nội là hội tụ và toả sáng.
7. Chương I, phần II, các tiêu đề cần phải được thống nhất khái quát, chứ không thể, chỉ có tiêu đề 2 mới được khái quát như trong đề cương. Nếu đã không khái quát thì không cả cho sự nhất quán.
8. Toàn bộ tiếp cận trong nội dung cuốn sách chủ yếu theo chủ đề và vấn đề, nhưng, trong một số mục, các tác giả lại chia theo thời gian, triều đại, ví như con rồng, hoa văn cây cỏ, trong khi những loại con và hoa văn khác lại không, do đó, nên chăng, khi thể hiện đề cương cần lược bỏ, nhưng khi viết, các tác giả sẽ tuỳ từng chủ đề mà điều chế dung lượng cho phù hợp. Làm như vậy đề cương sẽ nhất quán hơn.
9. Tất cả những ý trên đây, tựu trung lại, tôi chỉ muốn nhấn mạnh sao cho cuốn sách tập trung vào Hà Nội và nếu như các tác giả triển khai các phần theo hướng này, coi như cơ bản thành công, chỉ còn lại khâu thể hiện trên phần viết và tôi tin những giáo sư có kinh nghiệm, văn lực dồi dào như Trần Lâm Biền và Trịnh Sinh thì tiến độ thực hiện sẽ đảm bảo theo đơn đặt hàng của Nhà xuất bản.
Tôi xin chúc mừng và mong có một ấn phẩm tốt để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|
|
PGS.TS. Trịnh Vương Hồng viết ngày 31/08/2011
1. Để hiểu cặn kẽ, sâu sắc về Việt Nam, về Hà Nội và người Hà Nội cần hiểu những gì ẩn chứa bên trong những biểu tượng hiện vật. Những biểu tượng ấy, do quan niệm (thực chất là triết lý) và cách thể hiện của người thời đó, không phải dễ hiểu với con người thời đại ngày nay, thậm chí với một số người có học vấn cao, nhưng khác chuyên ngành, lĩnh vực khoa học. Có thể nói biểu tượng, các hình trên hiện vật hoặc bản thân hiện vật... thể hiện triết lý quan niệm của người đương thời về thế giới (tự nhiên, xã hội và tư duy); quan niệm sống, quan niệm về thế giới được gửi trong biểu tượng. Với cách nhìn như trên, chúng tôi cho rằng đây là đề tài cần thiết, bổ ích và cũng có thể nói là, hứa hẹn có nhiều lý thú, mới lạ.
2. Như đã biết, tư duy của con người xưa còn đơn giản. Và, từ những vật thể đơn sơ, hoặc bằng những hình đơn giản, người ta mượn ngôn ngữ của văn hoá - nghệ thuật để gửi vào đó những giá trị biểu tượng. Rồi mỗi thời đại, quan niệm và ngôn ngữ của văn hoá - nghệ thuật lại thay đổi, những biểu tượng lại đổi thay. Do vậy, thật cần đến các chuyên gia “giải phẫu”, “giải mã” các biểu tượng, hiện vật... Nhờ khảo cứu của các nhà chuyên môn mà cái “thần”, “cái hồn”, cũng là thông điệp của người xưa gửi gắm trong biểu tượng, hiện vật, tới được với người hiện đại.
3. Như thế, hiển nhiên là đề tài này góp phần chứng minh một cách hùng hồn, cụ thể và sâu sắc về một văn hiến Hà Nội, bộ phận quan trọng của văn hiến Việt Nam.
4. Đề tài được bố cục hợp lý do dựa chắc vào phân kỳ lịch sử. Các hình, hiện vật, biểu tượng sẽ giúp bản thảo thêm sinh động và thuyết phục.
5. Chúng tôi xin nêu vài khuyến nghị:
- Ở đôi chỗ, mới là giải thích về biểu tượng, chưa thực sự là “giải mã” biểu tượng. Bởi việc “giải mã” phải gồm việc “đọc” được ý người xưa, nghĩa là triết lý về thế giới, triết lý sống của họ chưa được nêu thật rõ.
- Cũng cần chú ý một số chỗ về kỹ thuật:
Việc diễn đạt ở một số tiểu mục, ví như mục IV - Phong cách nghệ thuật... tr.3, như là sự diễn tả. Vả lại, ở đây là một số chỗ khác, cụm từ “trong đó có đồ đồng Hà Nội”, nên xử lý như thế nào, đỡ lặp lại;
Bà M.Colani, bỏ chữ “bà”;
Nên diễn đạt sao cho hiệu quả trong phổ biến. văn chương nhiều chỗ đậm nét hàn lâm...
6. Tóm lại, đây là bản thảo được xây dựng khoa học, nghiêm túc, tính thực tiễn cao. Đề nghị tạo điều kiện để tác giả hoàn thành đảm bảo chất lượng và tiến độ, kịp ra mắt bạn đọc dịp Đại lễ sắp tới.
|
|
PGS. Đặng Quý Khoa viết ngày 31/08/2011
Việc giải mã các ý nghĩa và giá trị nghệ thuật của các biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Việt Nam nhất là phía Bắc trong đó có Thủ đô Hà Nội xưa là một lĩnh vực mà PGS.TS. Trần Lâm Biền đã nghiên cứu từ nhiều năm và hiểu rất sâu.
Đề tài với tiêu đề trên được tác giả Trần Lâm Biền làm chủ biên, tôi tin chắc là sẽ đầy đủ và cung cấp cho độc giả tìm hiểu về các biểu tượng gắn với thủ đô là rất hữu ích trong dịp kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long. Nhà xuất bản có ý thu thập thêm ý kiến cũng là một việc làm thận trọng.
Tuy nhiên sau khi đọc đề cương sách “Biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa”, tôi thấy hai tác giả Trần Lâm Biền và Trịnh Sinh đã trình bày với một bố cục từ tổng thể đến chi tiết. Từ những tiền đề đến phân tích ý nghĩa giá trị những biểu tượng là rất chặt chẽ.
Tôi đã đọc và suy nghĩ kỹ thấy rằng với đề cương như đã trình bày, và với kiến thức đã được nghiên cứu sâu và rất tâm huyết từ bao năm đã tích luỹ, tôi tin chắc hai tác giả Trần Lâm Biền và Trịnh Sinh sẽ thực hiện thành công quyển sách trên.
Tôi chỉ xin góp thêm một ý kiến, nếu đươc chấp nhận sẽ làm tăng thêm giá trị cho tác phẩm.
Đó là sự liên kết các biểu tượng trên. trong kiến trúc cung đình Thăng Long, các đình, chùa, đền, miếu, đã sử dụng các biểu tượng trong sách sẽ viết với những hình thức nghệ thuật để liên kết. Trong thực tế từ xa xưa đến nay, trong các lễ hội, tế lễ kỷ niệm, người ta đã phối hợp các biểu tượng trong một số hình thức nghệ thuật liên kết như sau:
Nghệ thuật trang trí kiến trúc, cả nội thất đến ngoại thất - môi trường v.v. với các thể loại kiến trúc mang ý nghĩa khác nhau - kiến trúc cung đình phong kiến - như Hoàng thành, các cung điện.
- Đình là kiến trúc công cộng ở các địa phương mang ý tưởng của đạo Nho và phong kiến.
- Chùa là kiến trúc của đạo Phật sau này tiến đến hình thức Tam giáo đồng nguyên.
- Đền là nơi thờ mẫu, với tứ phủ cộng đồng
Bốn hình thức kiến trúc trên đã có sự trang trí mang giá trị liên kết các biểu tượng nghệ thuật tạo hình với một ý nghĩa riêng, tạo ra sự thống nhất về tổ chức không gian và trang trí.
Nghệ thuật sắp đặt trong các kiến trúc trên cũng tạo ra sự liên kết các biểu tượng như trong chùa sự sắp đặt các tượng - các đồ thờ - khác với đình đền. Cùng với sự sắp đặt là tổ chức không gian - ánh sáng đèn nến - hương hoa.v.v. cũng tạo ra một tổng thể mang giá trị nâng cao ý nghĩa các biểu tượng trong một sự liên kết có giá trị thống nhất và nghệ thuật sắp đặt.
- Trong các dịp tế lễ, hội hè, đình đám, kỷ niệm: nghệ thuật trình diễn như rước sách - cũng có những quy cách tổ chức trước sau, đi đứng - thứ tự và quá trình trong một thời gian mang giá trị theo nghệ thuật trình diễn mà liên kết sau đó giải tán.
Nghệ thuật biểu hiện, diễn xướng cũng được tổ chức ở đình chùa, đền và kể cả cung đình. Cũng là một sự liên kết các biểu tượng vào trong một nghi thức diễn xướng có nghệ thuật và có quy cách, đã được bao thế hệ nghiên cứu và thực hành. Các nghệ thuật trang trí sắp đặt, trình diễn và biểu hiện diễn xướng vừa có giá trị liên kết các biểu tượng trong một quy trình có nghệ thuật vừa tạo ra những tác dụng sâu hơn cho những biểu tượng nghệ thuật vào thị giác và vào tâm linh của quần chúng - theo những ý tưởng khác nhau.
Theo tôi nếu hai tác giả vừa phân tích vừa kết hợp trình bày những nghệ thuật liên kết trên đối với các biểu tượng nghệ thuật tạo hình sẽ giúp cho người đọc hiểu sâu hơn về giá trị sinh động của biểu tượng.
|
|
PGS.TS. Trịnh Thị Minh Đức viết ngày 31/08/2011
1. Về đề tài: Đề tài “Thế giới biểu tượng trong di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội” là đề tài mới, hiện chưa có công trình chuyên khảo nào viết về lĩnh vực nghiên cứu này. Đề tài càng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn hơn khi công trình sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” nằm trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trên thực tế nghiên cứu biểu tượng đã có các tác giả quan tâm nghiên cứu, nhưng đây lại là lĩnh vực khó, cần có trình độ và kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc lịch sử, con người, văn hoá, xã hội mới giải mã được các biểu tượng chính xác và có tính thuyết phục cao.
2. Những kết quả biểu hiện qua nội dung
+ Để xác định cơ sở khoá học và thực tiễn của công trình này, các tác giả đã nêu ra 4 tiêu đề (tiêu đề 1: Về con người - được coi là nguồn gốc chủ thể sáng tạo các giá trị văn hoá; tiêu đề 2: Quan niệm về thần linh và ứng xử với thần linh của người Việt. Những giá trị biểu tượng phải được nhìn nhận từ yếu tố tâm linh; tiêu đề 3: Cần nhìn nhận từ hệ quả của việc tổ chức xã hội của người Việt đã góp phần nào tác động tới biểu tượng (dân chủ làng xã, người dân sống nặng về lệ làng hơn luật của triều đình); tiêu đề 4: Vấn đề lịch sử đất Việt và có những tác động của văn hoá bên ngoài/văn hoá Hán). Từ đó cũng cần chú ý đến bản sắc văn hoá dân tộc. 4 tiêu đề nêu ra có tính cơ sở cho quá trình khai thác nhận diện, phân biệt lựa chọn và giải mã các biểu tượng. Tuy nhiên chúng ta cũng chia sẻ với các tác giả những khó khăn trong khi khai thác thế giới biểu tượng của người xưa để lại là không đơn giản một chút nào.
Trong phần một của cuốn sách có những nội dung cơ bản sau:
+ Những tư liệu địa chất, địa mạo, tư liệu khảo cổ học đã là những tư liệu khoa học rất đáng tin cậy để minh chứng cho sự tồn tại từ rất sớm của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.
+ Biểu tượng trong văn hoá Sơn Vi thời đại đá cũ, biểu tượng trong văn hoá Hoà Bình thời đại sơ kỳ đá mới, trong đó có nêu ra một số di chỉ trong văn hoá Hoà Bình (Sũng Sàm, Hay Luộn hay Sập Bon, hay Thanh Sơn - tr.32). Tuy nhiên để góp phần khẳng định rằng đã có các biểu tượng trong văn hoá học Hoà Bình ở Hà Nội, tác giả đã so sánh với các địa điểm khác trong văn hoá Hoà Bình - Những hình tượng nghệ thuật khở nguyên trong nền văn hoá này. Những biểu tượng trong thời hậu kỳ đá mới - Từ một phát hiện rất quan trọng ở Kiều Thị, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội, biểu tượng được thể hiện qua cách chon cất người quá cố.
+ Phần viết về các biểu tượng văn hoá nghệ thuật trong thời đại đồng thau, sắt sớm. Trong đó, tập trung vào các biểu tượng: Vũ trụ, thiên văn, quyền lực, biểu tượng con người, biểu tượng về văn hoá nhà ở/nhà sàn, biểu tượng thuyền, biểu tượng rồng, biểu tượng chim lạc, biểu tượng thực vật, biểu tượng các loài vật khác, hoa văn hình học, sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng… Các biểu tượng này tập chung khai thác chủ yếu từ hoa văn trên trống đồng. Vấn đề ở đây là tác giả không chỉ dừng lại ở việc nhận diện các hoa văn, biểu tượng mà còn giải mã được các hoa văn, biểu tượng đó một cách thuần thục, có cơ sở khoa học.
+ Từ nghiên cứu chug các hoa văn trên trống đồng - tìm ra một phong cách thể hiện qua các biểu tượng: Về bố cục, quy luật của ác mô típ, những đề tài được ưa chuộng của thời đại; tìm ra đặc điểm nghệ thuật, các xu hướng phát triển của nghệ thuật biểu đạt (đối xứng, cách điệu, đơn giản, hình khối, tỷ lệ tạo hình khối và các tạo hình khác, nghệ thuật trang trí hoa văn và nghệ thuật tạo tượng).
Tôi đánh giá trong phần viết này của tác giả Trịnh Sinh đã thể hiện những nét riêng, những nội dung phù hợp với mục tiêu đặt ra của công trình, thể hiện tính mới so với những tư liệu đã viết về trống đồng từ trước đến nay.
Tuy nhiên phần viết này tác giả nên chú ý chỉnh sửa một số ý sau đây:
+ Cần viết gọn hơn nhưng khái quát được ý tưởng định thể hiện như các mục 3.1. (Hoa văn trên đồ đồng Đông Sơn trong đó có đồ đồng ở Hà Nội… tuân thủ quy cách. Bố cục theo đường viền của đồ vật được miêu tả - chỉ cần nêu ra hoa văn được bố cục theo đường viền của đồ vật được miêu tả). Còn phần giải thích chi tiết nên để trong miêu tả.
+ Cũng như vậy với mục 3.2; 3.3; 3.1.1, cụ thể mục 3.1.1. không dùng cụm từ trước tiên cũng đủ diễn đạt.
+ Về câu: tr.30 “có mộ lại được gom xương lại thành một đống như có sự cải táng, phải chăng người xưa khá quyến luyến người chết ?”. Tr.44 vì khá lầy lội và cũng khá ngập lụt thường xuyên. Có thể bỏ từ khá vì khó xác định và rườm rà - Lầy lội và ngập lụt thường xuyên là đủ.
Những thành công trong phần thứ 2 của cuốn cách viết về biểu tượng văn hoá nghệ thuật của cư dân Hà Nội dưới thời quân chủ dân tộc.
+ Giá trị biểu tượng trong kiến trúc các biểu tượng về không gian, hướng (việc chọn hướng xây dựng có ý nghĩa như thế nào?). Cây cối trồng trong khuôn viên các công trình kiến trúc (có 09 loại cây); các giá trị biểu tượng qua các công trình (tam quan), nghi môn, bình phong, điện thờ. Công trình đã nêu ra 02 trường hợp kiến trúc ở Hà Nội (chùa một cột và biểu tượng của chùa). Tuy nhiên trong các ngôi chùa còn có công trình kiến trúc tháp giá trị biểu tượng của tháp (giải thích tên gọi, ý nghĩa, các loại tháp: bốn loại có ý nghĩa rất sâu sắc).
+ Giá trị biểu tượng trong trong điêu khắc tượng tròn và đồ thờ, ý nghĩa, giá trị của tượng nhân dạng (11 loại tượng tương đối phổ biến trong các ngôi chùa Việt).
Giải mã các giá trị biểu tượng của tượng nhân dạng (toạ thiền, kết ấn có 12 thế ấn đã được giới thiệu đó là một vấn đề khó nhưng rất cần cho cách hiểu sâu sắc về pho tượng trong phật điện).
+ Các đồ thờ trong kiến trúc đã được giới thiệu (14 loại đồ thờ tr.180 - 213), các giá trị biểu tượng qua đồ thờ. Di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đều có các đồ thờ, để thể hiểu tốt hơn, đúng hơn về các đồ thờ ấy.
+ Một nội dung quan trọng trong phần II - Giá trị và ý nghĩa của các phù điêu trang trí trên kiến trúc (là chính), trong đó có: Các giá trị biểu tượng gắn với tín ngưỡng (vòng tròn sắc không, chin đài hoa sen, biểu tượng gắn với dịch học - Nho giáo).
Các hình tượng gắn với lực lượng phát sáng các linh vật (09 con vật: Rồng, phượng, lân, rùa, hổ phù, voi, hổ, trâu, hươu)… Hoa văn cây cỏ trong nghệ thuật tạo hình (tiếp cận theo phong cảnh các của thế kỷ, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX).
* Góp ý cho phần II của cuốn sách
- Cần chỉnh sửa một số mục và tiểu mục cho rõ ý.
- Mục 54. các giải pháp biểu tượng khác trong kiến trúc nên đổi là các giá trị biểu tượng qua các công trình kiến trúc biểu tượng.
- Tiểu mục 4.5.2. bỏ từ “về”, chỉ cần chùa Kim Liên (giá trị biểu tượng).
- Mục 2 (tr.165) “giá trị biểu tượng chính trên tượng nhân dạng (có thể bỏ từ chính)”.
- Mục III (tr.214) giá trị và ý nghĩa của các phù điêu trang trí trên di sản vật thể/kiến trúc… bỏ cụm từ di sản văn hoá vì trong di sản văn hoá có di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể.
- Chú ý còn có lỗi máy vi tính cần chỉnh sửa.
Kết luận: Đây là một cuốn sách được viết công phu có ý tưởng khoa học rõ ràng. Những nội dung cơ bản của cuốn sách sẽ là nguồn tư liệu quý, có giá trị, phục vụ tốt cho giảng dạy và học tập trong các trường nghệ thuật/mỹ thuật. Qua cuốn sách này người đọc nhận diện được các giá trị của biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình của người Hà Nội xưa, từ đó góp phần nâng cao ý thức trong việc bảo tồn các giá trị của di sản văn hoá thủ đô ngàn năm văn hiến.
Đề nghị nhà xuất bản Hà Nội cho phép xuất bản cuốn sách này, đặc biệt nhân dịp đón đón chào đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|
|
PGS. Họa sỹ Đặng Quý Khoa viết ngày 31/08/2011
Sau khi đã đọc toàn bộ, tôi xin có một số ý kiến và nhận xét như sau:
Hai tác giả đã có nhiều công phu nghiên cứu, đã tập trung được nhiều kiến thức về lịch sử, khảo cổ về triết học phương Đông, tôn giáo. Hai tác giả còn nghiên cứu tại chỗ các di sản. Với những công phu đó, nên hai tác giả đã có nhiều lý giải xác đáng, đã phân tích các biểu tượng ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ đơn giản, bình dị đến cao siêu thâm thúy.
Tôi tin rằng: Sách in ra sẽ đáp ứng được nhiều mong muốn của độc giả về các loại biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội nhân dịp kỷ niệm một ngàn năm - một đại lễ long trọng của nước ta.
Tuy nhiên do yêu cầu của nhà xuất bản, vả lại đã là biểu tượng tất yếu nó có nhiều lý giải, nhiều giả thiết khác nhau. Vì vậy có một số biểu tượng và định nghĩa, tôi biết khác đi với hai tác giả. Tôi cũng xin được trình bày. Tôi không có ý kiến phản bác điều mà hai tác giả đã viết chỉ đưa thêm những hiểu biết của cá nhân tôi, nếu hai tác giả và nhà xuất bản thấy cần thiết có một khía cạnh khác cần bổ sung thì lựa chọn đưa thêm vào. Nó cũng chỉ ít ỏi. Nếu thấy không cần thiết thì xin cứ tùy tiện bỏ đi. Tôi không có ý định làm gì gây ra khó dễ, mong được thông cảm.
Ở phần 1: Trang 20 có một dòng: “Người Việt chú ý tới tính trừu tượng hình nhi hạ (bình dân)”. Theo tôi hiểu người xưa lấy cái nhìn thị giác làm ranh giới giữa hai khu vực: trừu tượng và hiện hữu. Tức là lấy cái hình mắt nhìn thấy làm đích để chia thành hai khu vực.
Hình nhi thượng chi vị đạo: Trên hình là khu vực trừu tượng của tư duy mà Lão Tử tạm gọi là Đạo.
Hình nhi Hạ chi vị khí vật: dưới hình là khu vực các vật có khối tích và trọng lượng, tức là khu vực hiện hữu.
Trong sáng tạo người ta cũng đi theo thứ tự ý - tượng - hình. Tức là từ tư duy khái quát, hay biểu trưng rồi đến cái cụ thể.
Thí dụ trong Dịch học đưa ra: Thượng động Hạ tĩnh là ý trừu tượng, khái quát là vòng tròn trên hình vuông, còn sau khái quát của tượng thì có vô vàn cái cụ thể như người đi trên đường, phần trên của cây bị gió thổi nghiêng ngả gốc vẫn tĩnh, chày và cối...
Trong câu này tôi đọc mà không hiểu tính trừu tượng của Hình nhi Hạ. Tôi chỉ trình bày cái không hiểu ý của tác giả mà thôi.
Ở trang 54 mục 2.1.2 Biểu tượng lịch pháp trên trống đồng. Ở trang 58 mục 2.1.4. Trống Cổ Loa phải chăng là một biểu tượng vũ trụ. Ở hai mục này người đọc cảm thấy có gì tâm đắc, nhất là cá nhân tôi - một họa sĩ. Tôi ngắm nghía trống đồng, cảm thấy trống đồng có chứa hai ý tưởng đó, và khi nhìn các họa tiết như chim lạc, chim bồ nông, hươu nai, trâu bò, thuyền có biểu diễn hát múa âm nhạc, giữa thuyền còn có cả kiến trúc. Trống và các nhân vật còn có cả thời trạng. Trong đầu tôi có một sự thấu hiểu như sau: Trong toàn thể trống đồng do người xưa biểu tượng cho quyền lực và sự thống nhất giữa tộc trưởng và toàn thể cộng đồng. Nên nó vừa là hình ảnh ca ngợi thần mặt trời, vừa là lịch pháp, các vòng đồng tâm là thời gian. Giữa các vòng đồng tâm là không gian và trên đó mô tả cả một xã hội nguyên thủy Việt Nam.
Là một đất nước sinh sống dựa vào lúa nước, bắt cá, đi săn và thuần dưỡng các con vật thành gia súc. Các lễ hội về tâm linh là rất quan trọng trong cộng đồng. Từ cách mô tả tổng thể một mô hình xã hội tôi thâm nhập được vào các thuyết mà tác giả Trịnh Sinh đã phân tích rất sâu. Nhưng nếu tôi không hình dung ra một tổng thể khái quát về toàn thể xã hội nguyên thủy thì tôi càng bị lạc vào các chi tiết cuối cùng, chẳng hiểu trống đồng là gì nữa. Nếu có thể được để người đọc dễ hiểu nên có mô tả một tổng thể gắn các thuyết lại với nhau.
Phần 5.2 ở trang 137: khi nói về biểu tượng chùa Một Cột, tác giả phân tích rất rộng về cả linh - ga - bông sen ngàn cánh ở luân sa Bách Hội, và nhiều sự phân tích về ngôi đền màu đỏ. Theo tôi nên phân tích bông sen gắn với giấc mơ của vua nhà Lý. Đây là một sự bắt gặp qua thiền định của nhà vua với Đại Thừa. Sau khi giảng dạy cho học trò mấy chục năm lý thuyết của Phật giáo về diệt khổ đoạn cuối, Thích Ca Mâu Ni - một buổi Ngài đến không giảng chỉ cầm môt bông hoa sen giơ cao. Mọi người không hiểu, đều ngơ ngác. Chỉ có Ana - Ca Diếp nhìn người mỉm cười. Thích Ca gọi lên và nói: “ta truyền cho ngươi làm giáo chủ một dòng tu là “Vô ngôn thông” nghĩa là không nói không giảng mà cứ nhìn và tự hiểu”. Ngài nói rằng những người ở phía Nam, tính dễ dàng chấp nhận giảng giải về lý thuyết đó là Nam Tông. Riêng những người phương Bắc như Trung Hoa - Tây Tạng, Việt Nam, Nhật Bản, họ có nhiều tính chủ động. Vì vây, khi truyền đạo sang phương Bắc cần bày biện tượng phật, vào trong chùa với một hệ thống tượng và trong một không gian tâm linh để họ tự ngắm và suy ngẫm là hợp với căn cơ họ. Đó là Đại Thừa Bắc Tông. Sau này nhiều vị phật đệ tử của Ana - Ca Diếp truyền sang các nước phương Bắc theo cách này. Vua nhà Lý nằm mơ thấy bông sen và muốn xây một mô hình kiến trúc hình hoa sen là do trực cảm tâm linh đón nhận phương pháp này của Đại Thừa, một cỗ xe lớn chở được nhiều người hơn Tiểu Thừa. Theo tôi đây là một lý giải về chùa Một Cột phổ thông hơn, dễ hiểu hơn.
Ở trang 129, mục 4.1 nói về tam quan, tác giả đã mô tả: Tam quan vừa là cổng vào vừa là ba quan điểm của đạo Phật: bao gồm không quan, trung quan và giả quan.
Ngoài đạo Phật, đạo Nho cũng có cổng và gọi là tam quan. Như ở Văn Miếu ngay bờ hè sát đường cái hiện nay có 4 trụ là: Tứ trụ Kính thiên (bốn cột chống trời đó là định hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc) nó cũng chia thành 3 quãng trống là tam quan. Đến cổng bước vào Văn Miếu cũng là tam quan nhưng mang quan điểm của nhà nho là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Và mô hình hóa bằng trời tròn đất vuông ở hình cổng và hình bia tiến sĩ. Sau này nhà Nguyễn xây Khuê Văn Các cũng lấy mô hình : hình vuông là định hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, gắn với vô hướng của vũ trụ (trạng thái mất trọng lượng ngoài vũ trụ) bằng 8 điểm, giếng Thiên Quang Tỉnh cũng gắn với ý nghĩa định hướng.
Về tên Thăng Long - với ý nghĩa Lý Công Uẩn nhìn thấy mây rồng bay lên cao mà đặt tên còn có thuyết các nhà nho và Phật. Lý Công Uẩn, nhà sư Vạn Hạnh vốn rất giỏi Kinh Dịch, nên đã bói quẻ khi nhìn thấy tượng trên. Quẻ địa phong thăng , từ đất theo gió bốc lên cao như mô tả hình tượng nhìn thấy. Tượng ở Hào 3 và 4 chính là Lý Công Uẩn. Nhân được thái là vì có mệnh thiên tử nên là Rồng bay lên, Thăng Long.
Tôi thấy 2 tác giả đã có nhiều lý giải, sẽ làm khán giả có thêm kiến thức về các biểu tượng Việt Nam và phương Đông. Tôi chỉ đưa thêm vài hiểu biết để góp thêm. Mong có sự thông cảm khỏi mang tiếng múa rìu qua mắt thợ.
|
|
TS. Phạm Quốc Quân viết ngày 31/08/2011
1. So với đề cương đã được góp ý trước đây, tên gọi và mục lục cuốn sách qua bản thảo lần này đã được điều chỉnh cơ bản theo hướng tích cực với một bố cục chặt chẽ hơn, các mục và tiểu mục sáng sủa hơn. Cách viết và lối hành văn trong mỗi chương, mục cũng bám sát vào chủ đề, đó là giải mã các biểu tượng di sản văn hóa. Những biểu tượng và giải mã các biểu tượng ấy, dù còn nhiều ý kiến - như là một lẽ thường tính trong khoa học, nhưng cũng là một loại ý kiến đáng được quan tâm và mang tính phổ biến. Nhưng, ngay cả những ý kiến có thể là sai trái, thì theo tôi, đó là quyền được phép sai lầm của các nhà khoa học. Có như thế, khoa học mới phát triển, đi lên.
2. Mặc dù có những ưu điểm cơ bản nêu trên, tôi vẫn thấy một số điều cần góp ý, mong các tác giả và nhà xuất bản Hà Nội lưu ý thêm.
- Các tiểu mục vẫn hơi vụn và chưa đắt giá trong câu chữ, khiến cho một số đề mục giống như văn nói, không phải văn viết: Một số đề tài về thú vật cũng đáng quan tâm trên đồ thờ là cá và các vật chìm nổi khác, để giải mã các biểu tượng văn hóa nghệ thuật trong thời đại đồng thau và sắt sớm… Một số thuật ngữ trong các tiểu đề mục, theo tôi chưa lột tả được nội dung, ví như: Thủ pháp tái hiện được cả bên trong sự vật (đây chính là phương pháp X quang, được V.Golobew nói tới và cố học giả Từ Chi nhắc lại trong nhiều công trình nghiên cứu hội họa của mình). Hay có những tiểu mục mà làm người đọc dễ dàng hiểu nhầm: Thủ pháp bỏ qua tỉ lệ tự nhiên và bỏ qua quy luật “viễn cận” (bỏ qua hay chưa tới, bởi chỉ có hội họa Phương Tây mới có tỉ lệ và Trung Quốc, Nhật Bản mới có “viễn cận” nhưng cũng rất muộn). Những tiểu đề mục như thế này cần phải rà soát kỹ hơn.
Trong nội dung, dù tôi đọc chưa được kỹ, nhưng cũng có nhiều đoạn tỏ ra khiên cưỡng, ví như nói người Sơn Vi lo toan miếng ăn và sinh tồn cấp thiết hơn là sự sáng tạo văn hóa nghệ thuật v.v và v.v
- Có một phần được gọi là biểu tượng văn hóa nghệ thuật của cư dân Hà Nội thời tiền sử và sơ sử, đã được các tác giả nói tới với sự liên hệ quá xa về biểu tượng, lại không thuộc về Hà Nội, tôi nghĩ, nên thể hiện thế nào cho điệp hợp hơn với một chương, mà ngay từ khi góp ý đề cương, tôi muốn chương này nằm ngay ở Mảnh đất địa linh từ vạn năm xưa.
- Cách viết trong mỗi phần chưa tạo nên một phong cách chung, khiến cho người đọc cảm thấy có sự gá lấp của hai phần, đó là phần tiền-sơ sử và phần quân chủ dân tộc (thuật ngữ của các tác giả). Sự gá lấp ấy còn được nhận ra qua bố cục của các tiểu mục, khi thì các tác giả trình bầy theo vấn đề, khi thì lồng ghép diễn trình với vấn đề.
3. Còn quá nhiều các thao tác kỹ thuật, cần được lưu tâm, đó là chữ viết hoa, dấu chấm, dấu phẩy, những thuật ngữ cần được chú thích, những lỗi chính tả, kỹ thuật… Đề nghị nhóm tác giả và nhà xuất bản sửa chữa.
4. Phần tài liệu tham khảo không thấy có, rất cần được bổ sung.
5. Phụ lục, bản vẽ, bản ảnh nhiều và đôi khi không phục vụ nhiều cho chính văn.
6. Nói tóm lại, đây là cuốn sách hay, nhiều vấn đề tưởng như đơn giản, ai cũng biết, nhưng để hiểu được tường tận, cần có cuốn sách như thế này để cung cấp cho độc giả mang tính quần chúng rộng rãi. Tuy nhiên, nếu lấy đối tượng quần chúng là trung tâm, thì cách viết làm sao phải nhẹ nhàng hơn, giải thích phải kỹ càng hơn, khi mà dung lượng có thể chế ngự được từ các vấn đề của các tác giả đặt ra. Tôi nghĩ rằng, sau khi được sửa chữa, tu chỉnh, bổ sung, cuốn sách có thể đưa in để kịp với đại lễ và chỉ có vậy mới là đầu sách của tủ sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|
|
PGS.TS. Đặng Văn Bài viết ngày 31/08/2011
Hai tác giả đã tiếp thu và sửa chữa bản thảo theo ý kiến góp ý của các thành viên của Hội đồng nghiệm thu.
Với tên gọi “Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội” và nội dung bản thảo lần cuối là phù hợp với yêu cầu của Tủ sách “Thăng Long văn hiến”.
Thứ nhất, cơ cấu cuốn sách gồm 3 phần:
- Phần I - Những tiên đề tiếp cận giá trị biểu tượng;
- Phần II - Biểu tượng văn hóa nghệ thuật của cư dân Hà Nội thời tiền sử và sơ sử;
- Phần III - Giá trị biểu tượng Hà Nội dưới thời quân chủ dân tộc.
Cơ cấu 3 phần như trên là hợp lý và đã có sự gắn kết và nội dung trình bày được liền mạch hơn.
Thứ hai, các tác giả đã tập trung mô tả và giải mã nội hàm đa nghĩa của các biểu tượng đặc trưng chủ yếu qua các di tích và di vật được phát hiện hoặc hiện tồn tại trên địa bàn Thăng Long - Hà Nội xưa và một phần nào từ các vùng đất mới được hội nhập vào Hà Nội vài năm trở lại đây, Đông thời cũng đã loại bỏ bớt những biểu tượng không thuộc Hà Nội.
Thứ ba, các tác giả đã trình bày các loại biểu tượng văn hóa Thăng Long - Hà Nội một cách có hệ thống, giúp cho độc giả có thể tra cứu, tham khảo, so sánh, tham chiếu trong các công trình khảo cứu sau này.
Thứ tư, mặc dù phần nội dung và hình ảnh, bản vẽ minh họa lại không có sự liên kết chặt chẽ khiến người đọc khó theo dõi. Tôi đề nghị nội dung mô tả các biểu tượng cụ thể nếu có ảnh hoặc bản vẽ minh họa thì phải đánh số thứ tự cho tiện theo dõi.
Đề nghị Hội đồng cho nghiệm thu cuốn sách của PGS. TS. Trần Lâm Biền và PGS. TS. Trịnh Sinh.
|
|
PGS.TS. Bùi Quang Thanh viết ngày 30/08/2011
1. Biểu tượng văn hóa qua kiến trúc và nghệ thuật tạo hình của các di tích hoặc thông qua các thành tố văn hóa phi vật thể tham gia cấu thành nên quy trình diễn xướng thực hành trong những lễ hội dân gian là đối tượng vừa đa dạng sinh động, vừa bí ẩn phức tạp, hiện diện thường trực trong môi trường sinh hoạt văn hóa nhân văn của cộng đồng người Việt nói riêng và cộng đồng nhân loại nói chung, luôn được sáng tạo, gìn giữ và không ngừng được tiếp nối, bồi đắp trên tiến trình lịch sử. Và do vậy, các biểu tượng văn hóa từ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo ra theo nhu cầu của thực tế cuộc sống, vừa mang tính chung tầm nhân loại, vừa mang bản sắc văn hóa của một cộng đồng người nhất định, vừa là đối tượng thân quen, vừa ẩn chứa những ý nghĩa cùng giá trị văn hóa trừu tượng, bí hiểm, nhiều khi không dễ lý giải. Chính vì thế, ngay cả khi đã trở thành đối tượng nghiên cứu tìm hiểu của các ngành khoa học khác nhau, biểu tượng văn hóa nói chung và biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình nói riêng vẫn là nơi chứa đựng nhiều thách đố đối với mọi ý đồ kiến giải. Nói như vậy để đi đến nhận thức được rằng, việc đi sâu tìm hiểu các biểu tượng văn hóa vốn được lưu tàng trong không gian sinh hoạt văn hóa lễ hội cụ thể, gắn với những di tích vật chất cụ thể, những hình thức diễn xướng cụ thể, và trong chừng mực có thể, đi đến góp phần giải mã hiện tượng/ thành tố văn hóa này, thực ra là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, phức tạp, nhiều khi không tránh khỏi sự suy diễn mang tính chủ quan hay những áp đặt khiên cưỡng của người nghiên cứu. Thực tế cho thấy, ở hầu khắp mọi vùng quê hiện đã, đang và sẽ còn tồn tại các di tích văn hóa, các kỳ sinh hoạt lễ hội, nơi chứa đựng hàng loạt biểu tượng nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn, gắn với tôn giáo tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa nói chung của người dân bản địa. Với người dân của mỗi cộng đồng nhất định, các biểu tượng văn hóa từ các không gian thờ tự và sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng này thường gần gũi, thân quen, được từng thành viên mặc nhiên thừa nhận, thưởng thức và gắn tâm trí mình với thế giới trừu tượng và bí hiểm linh thiêng đó, nhiều khi đến mức sùng kính. Tuy nhiên, khi đối diện với các biểu tượng văn hóa này, không phải cá nhân nào trong cộng đồng cũng nhận thức được bản chất và hiểu được ý nghĩa cùng giá trị của các biểu tượng văn hóa vốn hiện tồn trong môi trường sống của mình. Vì thế mà sinh ra những cách hiểu, cách ứng xử khác nhau, tiếp nhận giá trị văn hóa truyền thống khác nhau, trong số đó có không ít trường hợp - vô tình hoặc cố ý - suy diễn một cách chủ quan, hay hiểu sai, xuyên tạc, lợi dụng để phục vụ cho mục đích - lợi ích cá nhân. Trong quá trình bảo tồn, tu bổ, phục dựng, nâng cấp nhiều di tích, lễ hội hiện nay, đã và đang có hiện tượng hiện đại hóa, làm lệch lạc giá trị thực của di sản truyền thống, trong đó có các biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng, làm biến dạng giá trị lịch sử - nghệ thuật vốn có của từng di tích, lễ hội…
Xuất phát từ thực trạng đó, chúng tôi nhận thấy, đề tài "Biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa” đã đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết của khoa học và thực tiễn đã và đang đặt ra không chỉ ở Hà Nội mà còn mang tầm phạm vi quốc gia hiện nay. Hơn nữa, đề tài này lại được thực hiện bởi các chuyên gia khoa học chuyên ngành và đầu ngành, do vậy sẽ mang lại niềm tin về hiệu quả khoa học và ý nghĩa thực tiễn của những kiến giải sâu sắc, đủ độ tin cậy với bạn đọc nói chung.
2. Đề tài đặt ra các phương pháp nghiên cứu như vậy là hợp lý đối với quá trình tiếp cận một đối tượng nghiên cứu vừa phong phú, đa dạng, vừa ẩn chứa những lớp lang văn hóa phức tạp, nhiều khi rất khó giải mã.
3. Bố cục của đề tài phù hợp với những yêu cầu nội dung nghiên cứu đặt ra.
4. Một số ý kiến để các tác giả tham khảo:
- Theo tôi, tên của đề tài “Biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa” chưa phản ánh đúng thực trạng nội dung được nghiên cứu. Chẳng hạn, ngoài các biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình, các tác giả còn đi sâu tìm hiểu các biểu tượng nghệ thuật từ hệ thống kiến trúc, từ các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng được chắt lọc ra qua văn hóa phi vật thể hoặc vật dụng phục vụ đời sống con người…
Theo tôi, có thể lấy tên đề tài là: "Hành trình vào thế giới biểu tượng của di sản văn hóa Hà Nội”.
- Xem lại tên một số đề mục cho ngắn gọn, phù hợp và tránh trùng lặp. Chẳng hạn, trong mục IV phần I, bỏ cụm từ “của người nghệ sĩ Hà Nội”; trong mục II phần II, bỏ cụm từ "và Hà Nội”;…
- Cần có sự gắn kết giữa Phần I với Phần II sao cho logic và quan hệ chặt chẽ, tránh gây ra ấn tượng đây là sự hợp nhất của 2 công trình khoa học.
- Mở rộng thêm việc tìm hiểu biểu tượng nghệ thuật từ trong di sản của vùng đất Hà Nội mở rộng (Hà Tây cũ). Trên cơ sở đó, làm lộ diện dấu ấn / bản sắc văn hóa của 2 vùng văn hóa là văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài trên một địa bàn mang danh chung là Hà Nội hiện nay.
- Cân nhắc thêm việc đặt ra phần phụ lục ảnh riêng ở cuối đề tài hay nên in mang tính minh họa cho nội dung trọng yếu trong phần chính văn (khi tổ chức bản thảo xuất bản).
Đánh giá chung: Đây là đề tài hay, hấp dẫn và chuyển tải được dung lượng kiến thức khoa học đa dạng, phong phú, cần thiết đối với không chỉ cư dân Hà Nội tìm về văn hóa truyền thống của mình, mà còn có giá trị tích cực đối với người Việt Nam nói chung và người nước ngoài muốn tìm hiểu văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trong điều kiện ngày càng mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế hiện tại và lâu dài. Công trình này xứng đáng được xúc tiến để đóng góp vào Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến một tác phẩm có giá trị cả về khoa học lẫn thực tiễn.
|
|
TS. Phạm Quốc Quân viết ngày 30/08/2011
1. PGS.TS. Trần Lâm Biền và cộng sự của ông, PGS.TS. Trịnh Sinh, là hai chuyên gia về nghệ thuật cổ, với nhiều đóng góp, qua nhiều công trình nghiên cứu và bài viết, mà gần 40 năm, tôi theo dõi, đã thấy, những đóng góp của các ông là đáng kể cho học thuật nói chung và nghệ thuật nói riêng. Và, trong đề cương này, những vấn đề được nêu lên sẽ được thể hiện trong cuốn sách là hoàn toàn có cơ sở để tin vào khả năng giải quyết của đồng chủ nhiệm đề tài, nếu như được nhà xuất bản chấp nhận và hội đồng thông qua đề cương này.
2. Đề cương chạy suốt từ thời đại đồ đá của Hà Nội tới thời quân chủ dân tộc (dùng theo ý của các tác giả), vừa là một lợi thế, để tha hồ vẫy vùng, nhưng lại là một yếm thế, khi vào thời đại đồ đá của Hà Nội, đặc biệt là thời đại đá cũ, giá trị biểu tượng văn hoá nghệ thuật không thể hiện rõ nét và đương nhiên, sẽ không tránh khỏi chông chênh, hẫng hụt.
3. Các tác giả cũng khéo đặt tên cuốn sách với một từ “ở”, để nhấn mạnh tới tính đặc thù của công trình này, được đặt hàng từ NXB Hà Nội, trong tủ sách 1000 năm Thăng Long, cho dù, với tôi, chữ ấy, thấy hơi nặng, nhưng không mấy hề hấn, nếu chuyển tải được dụng ý của các tác giả và nội dung cuốn sách. Tuy nhiên, khi đọc vào từng chi tiết, tôi thấy cái được gọi là “ở Hà Nội”, quá nhạt nhoà và dường như không phải là của riêng Hà Nội. Nó là của cả nước, chí ít là của toàn miền Bắc Việt Nam hiện nay, theo đó, tôi mong muốn các tác giả nên cấu trúc lại đề cương, theo hai cách, theo thiển nghĩ của tôi.
- Nhấn mạnh những đặc trưng về biểu tượng nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa thông qua những di tích và di vật của Hà Nội.
- Hà Nội là nơi hội tụ và toả sáng, theo đó những biểu tượng nghệ thuật tạo hình ở đây, đã trở thành biểu tượng tạo hình của dân tộc, của Đại Việt.
4. Dù cả hai cách, cũng cần dũng cảm lược bớt những gì không đáp ứng nội dung chính của cuốn sách, đó là biểu tượng nghệ thuật tạo hình. Vậy nên, các mục 1, 2, 3 trong ý II của phần I, nếu như trong đề cương, thì chỉ là những dẫn dụ về những di tích, di vật đã từng được phát hiện ở thời đá cũ, thời Hoà Bình và đá mới, không mấy liên quan tới biểu tượng nghệ thuật tạo hình.
5. Dù trong đề cương không lột tả hết ý tứ của các tác giả, tôi vẫn thấy, ngay trong những di vật của Hà Nội, cũng cần khai thác sự khác biệt mang tính chi tiết của loại hình và hoa văn. Ví như thuyền, nhà sàn trống Cổ Loa khác với thuyền, nhà sàn của các trống khác như thế nào thì mới thấy sự hội tụ và lan toả, sự thống nhất trong đa dạng. Đây là một đòi hỏi cần sự tìm tòi kỹ lưỡng mới đưa ra được cái chung, riêng. Nếu không người đọc sẽ chẳng thấy cái gì của riêng Hà Nội.
6. Đọc các phần sau, từ chương IV của phần I cho tới phần II tôi cũng chưa thấy tác giả đưa ra những di vật, di tích riêng của Hà Nội là biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình, mà chủ yếu là các ý tưởng mà những ý tưởng ấy có thể dùng cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam, rộng hơn của cả phương Đông, được chi phối từ nền nông nghiệp lúa nước, từ tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống và tập quán v.v và v.v. Theo tôi, để đậm chất Hà Nội, thì khi nói về giá trị biểu tượng trong kiến trúc, cần lấy một không gian điển hình của một di tích của Hà Nội để phân tích, về hướng, về cây cối, tam quan, nghi môn... Tất cả, nếu được triển khai theo hướng này mới thấy Hà Nội là hội tụ và toả sáng.
7. Chương I, phần II, các tiêu đề cần phải được thống nhất khái quát, chứ không thể, chỉ có tiêu đề 2 mới được khái quát như trong đề cương. Nếu đã không khái quát thì không cả cho sự nhất quán.
8. Toàn bộ tiếp cận trong nội dung cuốn sách chủ yếu theo chủ đề và vấn đề, nhưng, trong một số mục, các tác giả lại chia theo thời gian, triều đại, ví như con rồng, hoa văn cây cỏ, trong khi những loại con và hoa văn khác lại không, do đó, nên chăng, khi thể hiện đề cương cần lược bỏ, nhưng khi viết, các tác giả sẽ tuỳ từng chủ đề mà điều chế dung lượng cho phù hợp. Làm như vậy đề cương sẽ nhất quán hơn.
9. Tất cả những ý trên đây, tựu trung lại, tôi chỉ muốn nhấn mạnh sao cho cuốn sách tập trung vào Hà Nội và nếu như các tác giả triển khai các phần theo hướng này, coi như cơ bản thành công, chỉ còn lại khâu thể hiện trên phần viết và tôi tin những giáo sư có kinh nghiệm, văn lực dồi dào như Trần Lâm Biền và Trịnh Sinh thì tiến độ thực hiện sẽ đảm bảo theo đơn đặt hàng của Nhà xuất bản.
Tôi xin chúc mừng và mong có một ấn phẩm tốt để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|
|
PGS.TS. Đặng Văn Bài viết ngày 30/08/2011
1. Về đề tài
Kiến giải các giá trị biểu tượng nghệ thuật hay văn hóa là một việc làm không hề giản đơn và không phải ai cũng đủ năng lực và sự dũng cảm đi sâu vào lĩnh vực này. Bởi vì, biến cái tượng trưng, khái quát hóa cao mang tính trừu tượng thành những khái niệm cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ cho mọi công chúng với trình độ nhận thức khác nhau, đòi hỏi những người đảm trách việc đó phải có trình độ nghiên cứu và phông văn hóa vừa sâu, lại vừa rộng. PGS.TS. Trần Lâm Biền và PGS.TS. Trịnh Sinh là hai nhà nghiên cứu có danh tiếng ở Việt Nam, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đó.
Mặt khác, các hoạt động kỷ niệm ngàn năm Thăng Long rất phong phú, đa dạng, nhưng theo cảm nhận của tôi, thì không phải tất cả các hoạt động đó đều mang lại lợi ích lâu dài và có khả năng để lại dấu ấn vật chất cho thế hệ tiếp nối, sau khi kết thúc lễ kỷ niệm hoành tráng vào cuối năm 2010. Ngược lại, cuốn sách mà PGS.TS. Trần Lâm Biền và PGS.TS. Trịnh Sinh đã dày công nghiên cứu và chuẩn bị, cũng là sự tiếp nối và đi sâu hơn đề tài do chính hai người hợp tác nghiên cứu, và cũng đã được nghiệm thu chắc chắn sẽ đáp ứng được mong mỏi của bạn đọc trong cả nước, vì:
- Họ có điều kiện tiếp cận và hiểu rõ hơn chiều sâu văn hóa của Hà Nội;
- Các biểu tượng nghệ thuật được hệ thống hóa trong cuốn sách sẽ là loại tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu yêu mến di sản văn hóa Việt Nam, cho những người làm việc trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa;
- Với tư cách là một xuất bản phẩm văn hóa, cuốn sách sẽ tồn tại lâu dài với xã hội, chứ không phải là sản phẩm mang tính chất chào mừng và kỷ niệm.
2. Một số ý kiến trao đổi
2.1. Về tên cuốn sách: “Biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa” có thể hợp với đề tài nghiên cứu khoa học, còn tên bìa cuốn sách có yêu cầu riêng, vừa thể hiện nội dung, vừa cuốn hút. bắt mắt người mua, đồng thời cũng nói lên, đây là sản phẩm kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Với tinh thần đó, tôi thấy nên đổi tên là “Biểu tượng nghệ thuật trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội”. Với tiêu đề như thế, sẽ hạn chế phạm vi nghiên cứu (không cần mở rộng ra Hà Tây), đồng thời gắn với kỷ niệm lớn của đất nước.
2.2. Để bảo đảm tính nhất quán và thống nhất của cuốn sách, chúng ta cố gắng hạn chế ở những nội dung trực tiếp, giới thiệu trực tiếp với biểu tượng nghệ thuật mà thôi. Cuốn sách có hai phần riêng biệt, do hai người cùng biên soạn, cần có sự gắn kết và liên thông để xóa bỏ ấn tượng hai phần đó là hoàn toàn tách biệt như:
- Chương 1 của phần một “Địa lý cảnh quan một Hà Nội cổ”, chương 2, phần một “Cư dân thời đại đồ đá ở Hà Nội với các biểu tượng văn hóa nghệ thuật”, sẽ rất ít hoặc có thể nói không thật gắn với nội dung cuốn sách là biểu tượng nghệ thuật. Tôi kiến nghị xem xét lại.
- Nội dung thứ nhất trong chương 3 phần một “Để giải mã các biểu tượng của người Hà Nội xưa”, không thật chính xác vì ta chủ định giới thiệu biểu tượng nghệ thuật, chứ không phải biểu tượng của người Hà Nội.
- Nội dung chương 1 phần hai “Những tiên đề tiếp cận giá trị biểu tượng”, hai nội dung trên nên kết hợp lại để giới thiệu ở phần mở đầu, nói tới phương pháp tiếp cận của nhóm tác giả thì sẽ tạo ra được sự gắn kết giữa hai phần và tạo được sự thống nhất chung.
2.3. Các biểu tượng nghệ thuật của một loại di vật cần được xử lý có hệ thống, dứt mạch, không nên tách ra, làm người đọc khó theo dõi. Ví dụ, cùng một nội dung gắn với trống Cổ Loa mà lại giới thiệu ở nhiều đoạn khác nhau:
“2.1.4. trống Cổ Loa phải chăng là một mô hình vũ trụ?
2.4. Biểu tượng ngôi nhà sàn trên trống Cổ Loa (đã qua rất nhiều đoạn 2.1, 2.2, rồi mới tới 2.3).
2.4. Biểu tượng thuyền trên trống Cổ Loa.
2.4.1. Biểu tượng hội làng trên trống Cổ Loa”.
2.4. Tính thống nhất của cuốn sách đòi hỏi tên các chương, mục phải chính xác và thống nhất trong cách đặt tiêu đề.
- Chương 2 phần một “cư dân thời đại đồ đá Hà Nội với các biểu tượng văn hóa nghệ thuật” (có thể hiểu cư dân Hà Nội là nội dung chính).
- Chương 4 phần một “phong cách nghệ thuật của người nghệ sỹ Hà Nội thể hiện trên các biểu tượng”, có thể hiểu là thời tiền, sơ sử đã có “nghệ sỹ” hoặc cư dân, mà nội dung chúng ta quan tâm là phong cách nghệ thuật thể hiện qua các biểu tượng là chính.
- Phần hai “Giá trị biểu tượng Hà Nội dưới thời quân chủ” cũng có sự lẫn lộn giữa biểu tượng nghệ thuật và biểu tượng Hà Nội. Có thể hiểu “biểu tượng Hà Nội” như là Chùa Một Cột hoặc như UBND thành phố đã lựa chọn Khuê Văn Khác trong Văn Miếu, Quốc Tử Giám là biểu tượng, Điều đó hoàn toàn khác với “biểu tượng nghệ thuật”.
2.5. Tôi kiến nghị, nên cân nhắc lựa chọn và phân loại để giới thiệu những biểu tượng nghệ thuật thật tiêu biểu, đặc sắc của Hà Nội. Với các danh mục liệt kê các biểu tượng đưa ra trong đề cương là rất dàn trải, rất nhiều loại biểu tượng khá phổ biến, bất cứ địa phương nào cũng có. Tôi nghĩ, nếu cô đọng, khái quát và tiêu biểu thì cuốn sách sẽ hấp dẫn và có giá trị hơn cả về mặt tinh thần và tính hàng hóa thương mại cao.
Tóm lại, tôi rất tâm đắc với việc xuất bản cuốn sách có nội dung hấp dẫn nói trên, với tính chất là sản phẩm văn hóa chào mừng lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long.
|
|
PGS.TS. Trịnh Thị Minh Đức viết ngày 30/08/2011
1. Về đề tài:
Đề tài “Biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa” là đề tài mới, hiện chưa có một công trình chuyên khảo nào viết về lĩnh vực nghiên cứu này. Đề tài càng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn hơn khi công trình sách được lựa chọn trong Dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” nằm trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trên thực tế nghiên cứu biểu tượng đã có các tác giả quan tâm nghiên cứu nhưng đây lại là lĩnh vực khó, cần có trình độ và kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc lịch sử, con người, văn hoá, xã hội mới giải mã được các biểu tượng chính xác và có tính thuyết phục cao.
2. Đề tài/ cuốn sách có bố cục hai phần
Phần 1: Nghiên cứu các biểu tượng văn hoá nghệ thuật của cư dân Hà Nội thời tiền sơ sử.
Phần 2: Giá trị biểu tượng Hà Nội dưới thời quân chủ dân tộc.
Về cơ bản là bố cục hợp lý, khoa học, logic đặt đối tượng nghiên cứu trong diễn trình lịch sử là phù hợp.
3. Nội dung cơ bản dự kiến sẽ thể hiện trong đề tài cuốn sách cụ thể như sau:
3.1. Địa lý cảnh quan một Hà Nội cổ (giới thiệu phần này có chú ý đến yếu tố con người: con người khai phá vùng đất này, thời điểm lịch sử, con người là chủ thể sáng tạo văn hoá).
3.2. Các biểu tượng văn hoá nghệ thuật thời đại đồ đá đã được cư dân sáng tạo trong các nền văn hoá (văn hoá Sơn Vi, văn hoá Hoà Bình và các nền văn hoá thuộc Hậu Kỳ thời đại đồ đá mới).
3.3. Các biểu tượng văn hoá nghệ thuật thời đại Kim Khí đã được cư dân Hà Nội xưa thể hiện như thế nào: Trong đó tập trung vào các biểu tượng: vũ trụ, thiên văn, quyền lực; biểu tượng con người; biểu tượng về văn hoá nhà ở/ nhà sàn; biểu tượng thuyền; biểu tượng rồng; biểu tượng chim lạc; biểu tượng thực vật; biểu tượng các loài vật khác; hoa văn hình học, sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng... Các biểu tượng này tập trung khai thác chủ yếu từ hoa văn trên trống đồng. Vấn đề ở đây là tác giả không chỉ dừng lại ở việc nhận diện các hoa văn, biểu tượng mà còn giải mã được các hoa văn, biểu tượng đó một cách thuần thục, có cơ sở khoa học.
3.4. Từ nghiên cứu chung các hoa văn trên trống đồng - tìm ra một phong cách thể hiện qua các biểu tượng: về bố cục, quy luật của các môtip, những đề tài được ưa chuộng của thời đại; tìm ra đặc điểm nghệ thuật, các xu hướng phát triển của nghệ thuật biểu đạt (đối xứng, cách điệu, đơn giản, hình khối, tỷ lệ tạo hình khối và các tạo hình khác).
3.5. Giá trị biểu tượng trong kiến trúc: Tiếp cận từ nét chung đến nét riêng của Hà Nội. Về kiến trúc nghiên cứu không gian, hướng, cây cối (các loại cây - có 9 loại cây), các biểu tượng qua các công trình (tam quan, nghi môn, bình phong, điện thờ...) trong đó có nêu ra 2 trường hợp kiến trúc ở Hà Nội là chùa Một Cột và chùa Kim Liên.
3.6. Giá trị biểu tượng trong điêu khắc tượng tròn và đồ thờ (tượng nhân dạng tập trung giới thiệu các loại tượng tròn, nhưng phần chính và khó ở đây chính là các biểu tượng và giải mã các pho tượng thể hiện: toạ thiền, kết ấn).
Các đồ thờ trong kiến trúc cũng được giới thiệu một phần giá trị biểu tượng qua đồ thờ.
3.7. Tập trung giới thiệu các giá trị biểu tượng trong chạm khắc trang trí trong kiến trúc trên địa bàn Hà Nội. Trong đó có: các giá trị biểu tượng gắn với tín ngưỡng; hình tượng gắn với lực lượng phát sáng; các linh vật mang giá trị biểu tượng; hoa văn cây cỏ trong tạo hình - biểu tượng.
Trên đây là 7 nội dung cơ bản sẽ được thể hiện trong nội dung của đề tài/cuốn sách. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung mà các tác giả đã nêu ra trong đề cương chi tiết của cuốn sách.
4. Phần góp ý với các tác giả
- Các nội dung cần thống nhất với tên của đề tài và các phần. Phần I: “Biểu tượng văn hoá nghệ thuật của cư dân Hà Nội thời tiền và sơ sử” thì các mục II; III cũng nên viết theo cách đặt tên như vậy.
- Mục II sẽ là: “Biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình/Biểu tượng văn hoá nghệ thuật trong các nền văn hoá thời đại Đồ Đá”. Nếu như đồ đá cũ trường hợp văn hoá Sơn Vi; đồ đa mới văn hoá Hoà Bình, vậy hậu kỳ thời đại đá mới mà các tiêu bản trong nền văn hoá nào?
- Mục III nên đổi là: “Các biểu tượng văn hoá nghệ thuật trong các nền văn hoá thời đại Kim Khí”.
- Mục IV: “Từ các biểu tượng xác định phong cách nghệ thuật của các cư dân Hà Nội xưa” hoặc có thể mở như “Nhận định về phong cách qua các biểu tượng”. Các tiểu mục của mục IV nên viết gọn hơn, cụ thể hơn như: bố cục, đề tìa, nghệ thuật biểu đạt...
- Tiểu mục 2.8. nên tách ra: Biểu tượng các loài vật khác và một mục riêng là biểu tượng thực vật.
- Tiểu mục 2.10. chỉ cần ghi là “hoa văn hình học”, trong khi viết sẽ lý giải hoa văn này được thể hiện trên gốm, trên đá, trên đồng thau.
- Mục II: Giá trị biểu tượng trong kiến trúc chung và kiến trúc ở Hà Nội trong đó tiểu mục 4 nên đặt là “biểu tượng kiến trúc” cùng với nó là các biểu tượng cây...
- Mục IV nên đặt là: “Giá trị biểu tượng chạm khắc trang trí trong kiến trúc ở Hà Nội”.
- Tiểu mục 3.10. “Các biểu tượng về thú vật khác” trong đó có cá, các vật chìm nổi khác...
Nhìn chung cần phải chỉnh sửa tên của các tiểu mục mang tính khái quát hơn là chi tiết.
Kết luận: Đây là một đề cương cuốn sách được soạn thảo công phu, có ý tưởng khoa học rất rõ ràng. Những nội dung cơ bản của cuốn sách sẽ là nguồn tư liệu quý có giá trị phục vụ tốt cho giảng dạy và học tập trong các nhà trường nghệ thuật/mỹ thuật. Qua cuốn sách này người đọc nhận diện được các giá trị của biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở hà Nội xưa, từ đó có ý thức trong việc bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Các tác giả PGS.TS. Trần Lâm Biền và PGS.TS. Trịnh Sinh là những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực này. Chúng tôi nghĩ cuốn sách sẽ được xuất bản với chất lượng khoa học cao.
Đề nghị NXB cho phép xuất bản cuốn sách này, đặc biệt nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|