|
PGS. Trần Nghĩa viết ngày 30/08/2011
Tôi đã đọc tập bản thảo Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu dày 1269 + 1698 trang (?) do PGS Trần Lê Sáng chủ biên. Sau đây là một số nhận xét của tôi.
A. Tập bản thảo có các ưu điểm nổi bật sau đây:
1. Đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của hội đồng nghiệm thu Đề cương chi tiết họp ngày 7-4-2008, như: chỉnh sửa lại tên công trình; gộp hai phần “Văn” và “Thơ” vào cùng một cuốn sách, số bài văn và thơ tuyển chọn đều hướng về các tiêu chí của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”...
2. Phần viết về cuộc đời Nguyễn Văn Siêu có dựa vào nguồn tư liệu mới phát hiện như bi kí, gia phả, kết hợp với khảo sát thực địa, xúc tiếp với người trong họ tộc Nguyễn Văn Siêu.
3. Có tiếp thu một số thành quả dịch thuật thành công của thế hệ đi trước, như bản dịch Phương Đình dư địa chí của Ngô Mạnh Nghinh, tái bản năm 2001...
4. Về thơ Nguyễn Văn Siêu, nói chung là rất khó dịch. Do vậy trước đây, người ta chỉ dịch và giới thiệu không quá 50 bài trên tổng số khoảng 900 bài (871 ~ 978 bài) của ông. Nay Nhóm biên dịch đã chọn dịch và giới thiệu khoảng 500 bài, đây là một cố gắng phi thường, một đóng góp rất đáng kể.
5. Nhìn chung, nhóm biên dịch đã chú ý đến chất lượng bản thảo với tinh thần “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” trong đó có những bài dịch thơ rất hay, đặc biệt là bản dịch của Trần Lê Sáng, Vân Dung... Ngoài ra tuy khối lượng công việc khá nhiều, Nhóm dịch giả vẫn đảm bảo hoàn thành tập bản thảo dày dặn đúng kì hạn đã đăng kí.
B. Một số điểm có thể cân nhắc thêm:
1. Bài Lời giới thiệu nội dung tuy sâu, nhưng cũng có một số chỗ viết hơi dàn trải và nặng nề. Có lẽ từ 55 trang như hiện thấy, rút thành khoảng 30 trang như Đề cương dự kiến là vừa. Có thể lược bớt các trích dẫn của người khác, kể cả phần văn thơ Nguyễn Văn Siêu được Lời giới thiệu trích dẫn, vì chúng đã có mặt đầy đủ trong phần tuyển dịch của sách.
Trong Lời giới thiệu, tên người, tên tác phẩm... có in kèm chữ Hán là rất tốt, nhưng cần soát lỗi chính tả cho kĩ. Chẳng hạn chữ Lũ trong Kim Lũ, chữ Trai trong Nhận Trai (tr 5), Đoan Trai (tr 21), Lập Trai (tr 29), chữ nại (tr 9); chữ Trinh trong “Miên trinh” (tr 10); chữ Y trong Y quan (tr 20).
Theo tôi, Lời giới thiệu có thể tập trung trình bày các nội dung sau:
- Cuộc đời Nguyễn Văn Siêu
- Văn thơ Nguyễn Văn Siêu (Giới thiệu văn bản. Nội dung. Nghệ thuật)
- Cách biên soạn tuyển tập (Cách tuyển. Cách trình bày bản dịch...)
- Sự phân công trong Nhóm biên dịch.
- Lời cảm ơn của Chủ biên (nếu có)
2. Phần tuyển dịch:
a. Nguyên văn chữ Hán: tại sao chỉ có ở phần thơ mà lại không có ở phần văn?
b. Phiên âm và dịch:
- Phương Đình vạn lí tập: Bài tựa, chữ “dâm” trong câu “Mạc quái thiện dâm vi chúng đố” tại sao lại phiên âm là “giao” và dịch là “thơ”? Như ta biết, Vạn lí tập hiện có 3 dị bản. Ngoài bản in có bài tựa của Trương Đăng Quế viết năm 1851 mà Nhóm biên dịch sử dụng, còn có 2 bản viết tay là Sứ trình vạn lí tập và Bích viên tảo giám . Với trường hợp chữ “dâm” này bản Sứ trình vận lí tập chép là “dao” (bộ thuỷ trong chữ “dâm” được thay bằng bộ tài gảy), có nghĩa là “lay” hay “lắt” trong từ dao động). Theo tôi, “dâm” ở đây phải “dao” mới đúng. “Thiện dao” (chứ không phải “thiện dâm” có nghĩa là “khéo biện luận”, “giỏi phản bác” (dao thuần cổ thiệt = khua môi múa mép). Câu “Mạc quái thiện dao vi chúng đố” có nghĩa là “Không lại gì việc phản bác giỏi khiến người ta ghen ghét” (Khổng Tử nói: ngự nhân dĩ khẩu cấp, lũ tăng ư nhân). Câu thơ này của Trương Đăng Quế như để nhắc lại những tai hại đã xảy ra trong vụ việc Nguyễn Văn Siêu biện luận về vấn đề giữ đê hay bỏ đê ở miền Bắc (Nguyễn Văn Siêu chủ trương giữ đê) kết quả ông bị triều đình giáng 3 cấp!.
Nêu trường hợp này để thấy cần làm tốt việc chỉnh lí văn bản trước đã, sau đó mới thể yên tâm mà dịch.
- Phương Đình Anh ngôn thi tập. Nhĩ Hà nhị thủ: chữ “khám” phải đọc là “hám” (bài 1), chữ “ứng” phải đọc là “ưng” (các tr 240 và 241).
- Phương Đình lưu lãm tập. “Văn bộ sách thỉnh miễn quy tác thử”: chữ “giác” trong câu “Lưu giác đa danh sơn” phải đọc là “lãm” mới đúng (tr 835).
Chuyện phiên âm và dịch chưa đúng như thế này vẫn còn không ít, trên đây chỉ là một vài dẫn chứng để các dịch giả chú ý.
c. Vấn đề chú thích: chưa thấy có sự nhất quán. Lúc thì phần chú thích đưa vào ngay dưới bài thơ, lúc thì đưa xuống cuối trang sách. Lại có những chú thích còn bỏ trống nữa (như ở các tr 936, 960...). “Nguyên chú” của sách và “chú thích” của người dịch nên gom vào một chỗ hay tách chúng riêng ra?
3. Cân nhắc xem sách còn có thể có các phần sau đây không: Lời nói đầu, Phàm lệ, Danh mục các bài văn, bài thơ không chọn vào tuyển tập?.
4. Cuối cùng, đề nghị Nhóm biên dịch, nhất là Chủ biên đầu tư thêm thời gian và công sức để thống nhất thêm về quy cách và nâng cao hơn nữa chất lượng bản thảo rồi hãy đưa in.
Chúc các dịch giả thành công!
|
|
PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh viết ngày 30/08/2011
Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu là một bộ sách dày dặn, có thể cho biết được về sự nghiệp trước tác của Nguyễn Văn Siêu một cách tương đối toàn diện. So với các công trình trước thì bộ sách này có một bước phát triển hơn. Sách lại có phần nguyên văn chữ Hán, do đó giúp ích cho giới nghiên cứu rất nhiều, nhất là cho việc viết văn học sử.
Về chất lượng dịch, cũng có nhiều phần đạt đến độ tin cậy, có phần dịch hay, giúp người đọc yên tâm sử dụng và thưởng thức.
Tuy nhiên công trình do nhiều người dịch, và có lẽ chưa có sự đọc duyệt kỹ của chủ biên cũng như sự đọc góp ý cho nhau trong nhóm nên còn khá nhiều điều tôi thấy văn khoăn khi đọc toàn bộ Tuyển tập.
Để nâng cao chất lượng công trình hơn nữa, tôi xin nêu một số ý kiến cụ thể dưới đây, hy vọng có thể giúp cho nhóm công trình tham khảo, sửa chữa, nâng cấp các phần.
I. BÀI GIỚI THIỆU
Bài này nên tách riêng phần tiểu sử và văn bản tác phẩm. Ví dụ phần giới thiệu các văn bản tác phẩm từ tr.21 đến 22, 23, 24 và một số trang khác nên đưa về trước các tập có tác phẩm tuyển dịch.
Những bài phát hiện thêm như bài Chí, bài biểu xin tòng chinh không nên dịch toàn bài ở phần giới thiệu.
Phần khái quát về tư tưởng và sự nghiệp tác giả tính khái quát chưa tốt, nếu có thể nâng lên và hệ thống hóa thì tốt.
II. PHẦN TUYỂN DỊCH
Phần nầy tôi thấy nhóm biên dịch đã theo đúng các tập của chính Nguyễn Văn Siêu, như vậy tôi đề nghị trước mỗi tập nên cho biết tên và tình trạng văn bản. Ví dụ:
PHẦN VĂN:
Phương Đình văn loại có các văn bản nào, các tập Giáp Ất Bính Đinh bài nào ở tập nào; Phương Đình tùy bút lục,… đều nên làm thế.
Trong phần Văn loại tôi thấy các dịch giả chọn được nhiều bài hay, như bài sớ về việc trù bị phòng sông, các bài xin in sách, các bài thù tạc nhưng có liên quan đến những vấn đề thời sự; tập Tùy bút lục chọn được những bài Phương Đình bàn về giảng Kinh Thi, Kinh Thư… thể hiện quan điểm học thuật riêng của Nguyễn Văn Siêu rất hay, hơn nữa có thể hiểu thêm quan điểm học thuật, tư tưởng của tác giả.
Tuy vậy trong phần này nên rà soát lại, có một số bài nội dung sơ lược, không có gì hay thì loại bớt; ngoài ra những bài trích lại của sách Trung Quốc cũng không nên lấy, ví dụ Thư dụ hàng của Nam Kinh, Thư trả lời thư dụ hàng của Nam Kinh, Bài dụ của vua Cao Tông nhà Thanh.
Về dịch trong phần văn còn nhiều bài dịch, có nhiều câu đọc rất khó nắm bắt nội dung, xin nêu vài câu:
Trong bài viết về Bùi Huy Bích có câu:
Bà có sáu con trai, đó là Hoằng Tín đại phu, được ấm phong thời Lê cũ; nam là Định Tiền công, bảy tuổi mất; nam là Dưỡng Hậu công mười tuổi mất; nam là Luyện Tồn; nam là Điền Tiên công, mười tuổi mất.
(Hai mươi bảy tuổi mất, vô tự; lấy con chú là Khắc Mân làm thừa tự. Vợ ở vậy thủ tiết. Thời Thiệu Trị được ban ngân tệ và biển Trinh tiết khả phong). Đây là nói về ai?
Một đoạn khác:
Khi tôi làm quan có phần chơi thân với quan Nội các Tham tri tặng Lại bộ thượng thư Hà quân; Quyền yên Hà Tổng đốc tặng Hiệp biện Đại học sĩ Doãn Uẩn quân, nhân có hỏi…
Nên chú thích thêm các sự kiện liên quan như các bài mừng quan Tổng đốc Nguyễn Sư Phần, bài Tự răn của Tổng đốc Khoái Châu…, và rất nhiều bài có số chú thích mà không có chú thích ở phần Tùy bút.
Tóm lại phần văn cần được các thành viên trong nhóm gia công thêm.
PHẦN THƠ
1. Về tập thơ Vạn Lý: Tập thơ này đã đạt được tiêu chuẩn tín, dịch thơ bảo đảm được niêm luật, đối, vần, cũng có những bài hay, nghiệm thu được. Tuy vậy nếu có thời gian thì có thể nâng tiêu chuẩn mỹ lên được nữa.
Có một số câu, một số chỗ tôi cho là dịch chưa đúng, đã ghi cụ thể trong bài, ví dụ:
Bài Quá Ân mạt cố đô:
Tống cẩu vô trưng văn tận biến,
Thương năng tồn tụng lễ ưng tri
Dịch là:
Nhà Tống nếu không trưng dẫn văn biến hết
Nhà Thương bởi còn được Tụng, vì vậy lễ cần biết
Tôi cho đây là ý của câu Khổng Tử: nếu nhà Tống mà văn hiến “túc trưng” thì biết được văn nước Lỗ…
Hoặc bài Châu bạc Thái Bình phủ thành hạ:
Câu Thanh Liên sơn dẫn giang như đới, dịch là: “Núi Thanh Liên dẫn sông đến phủ cái đai” thì không thể hiểu được. Hoặc câu: Thành quách nhân dân cộng nhất hồ, dịch là: “Thành tựa hồ lô dân ở đầy” thì sai mất tứ thơ, bởi tác giả muốn ví nơi ấy cuộc sống yên bình như quả trong quả bầu tiên, nghĩa là một cõi tiên thu nhỏ…
Những hạt sạn như thế cũng còn kha khá.
2. Về tập Lưu lãm 1, tập này dịch thơ khá nhất, thanh thoát, có hồn và bảo đảm được tứ thơ. Tất nhiên rà soát lại vẫn có thể tìm ra những lỗi, nhưng tôi nghĩ tác giả có thể tự kiểm tra, điều chỉnh được.
Các tập Anh ngôn, Lưu lãm 2, tôi không kịp đọc hết, nhưng qua một số bài thấy cần rà soát lại kỹ hơn. Có mấy điểm nên lưu ý:
- Phải chú ý đến tứ thơ, mà không nên chỉ dừng lại ở nghĩa chữ, xin dẫn một bài:
Vị tri Nhan lạc thả cư thôn,
Lậu hạng thần vô xa mã huyên.
Đồng tử tán quy không ẩn kỷ,
Cùng giao nhậm chí hiếu khai môn.
Bán liêm nhật vĩnh thư thường triển,
Tam kính xuân thâm hoa tự phồn.
Tiểu thụ viên trung thừa đại thụ,
Mãn tiền la tập tự nhi tôn.
Bài dịch:
Chưa biết vui vẻ vả lại ở thôn dã,
Ngõ hẹp thường không nghe tiếng ngựa xe.
Trẻ con tản ra về ngồi bệt xuống đất,
Thích mở cửa đón bạn bè tâm giao.
Nửa rèm buông xuống ngày vắng thường xem sách,
Ba lối xuân dài hoa tự nở bung ra.
Cây nhỏ trong vườn kế tiếp những cây lớn,
Trước sân la liệt tựa cháu con mình.
Dịch thơ:
Nhộn nhịp nào đâu ở chốn này,
Ngựa xe ngõ hẹp đến chi đây.
Trẻ về nhà thoáng bàn không có,
Bạn đến lòng yêu cửa ngó mây.
Nửa rèm ngày vắng thư thường đọc,
Ba lối xuân dài hoa nở đầy.
Cây nhỏ trong vườn kề cổ thụ,
Trước sân con cháu cảnh mai ngày.
Câu 1, 2 phải khai thác cái ý an bần lạc đạo của Nhan Hồi, câu 3 hiểu sai nghĩa chữ “không”, “không” nghĩa như là hững hờ, như vô tâm, chứ không phải là không có; nghĩa câu phải là: Trẻ con đi về hết, hững hờ tựa ghế, làm gì có chuyện “ngồi bệt xuống đất”!
Dịch thơ của phần này bị ép vận, ép ý, mất tứ thơ nhiều, có lẽ nên tập trung trau chuốt phần dịch nghĩa; dịch thơ luật khó, nếu để lại nhiều chỗ gợn sẽ phản tác dụng; thà dịch xuôi hay còn hơn. Dịch nghĩa nên rà soát lại bài nào thật hay hoặc đạt hãy để lại.
Lưu lãm 2 cũng mắc nhược điểm như vậy, có cách hiểu và diễn đạt hiện đại, làm mất đặc điểm thẩm mỹ của thơ cổ, tuy dịch thơ có một số bài khá hơn Anh ngôn.
Mạn hứng 2 dịch tốt, vần luật, niêm nhìn chung bảo đảm, nhiều bài như Yết liệt tiên đề Tức Mặc,… Mạn hứng 1 có thể cần rà sóat thêm, nhất là cách hiểu nghĩa, như bài Tại gia tuế mộ hứng tác.
Ý KIẾN CHUNG
Công trình có thể nghiệm thu nhưng đề nghị mấy điểm:
- Sửa lại bài giới thiệu đầu.
- Rà soát nâng cao chất lượng dịch một số bài trong phần văn xuôi.
- Rà soát thêm tất cả các phần thơ.
- Nâng cao chất lượng bài dịch thơ, nếu thấy khó quá nên bỏ.
- Các thành viên trong nhóm nên sửa chữa giúp các bản dịch yếu.
- Bổ sung chú thích thiếu và chú thích gắn với nội dung tác phẩm.
- Sửa chữa các lỗi kỹ thuật, còn rất nhiều.
Nếu cần nên mời một vài người hiệu đính. Hy vọng sau khi sửa sang lại công trình sẽ đạt chất lượng tốt.
|
|
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn viết ngày 30/08/2011
1. Qua hơn ba mươi năm chuyên tâm với công việc nghiên cứu Hán Nôm, PGS. Trần Lê Sáng đã công bố nhiều tiểu luận và chuyên đề khảo sát, nghiên cứu, dịch thuật chuyên sâu về văn học trung đại Việt Nam. Trên cơ sở hiểu biết chắc chắn hệ thống văn bản Hán Nôm và khả năng xử lý tư liệu bằng các phương thức đọc, phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, chú thích điển tích, từ ngữ văn bản chữ Hán, tác giả ngày càng xác định rõ năng lực và trình độ của một chuyên gia Hán Nôm. Công trình soạn – dịch – giới thiệu (gọi chung là biên soạn bản thảo) do PGS. Trần Lê Sáng chủ biên chính là sự tổng kết một chặng đường nghiên cứu, dịch thuật công phu, nghiêm túc và in đậm dấu ấn thời sự của tác giả về tác gia Nguyễn Văn Siêu (trong đó ông đã trực tiếp dịch 2 công trình: Phương Đình tùy bút lục, NXB Văn học, H., 1996 và Phương Đình văn loại, NXB Văn học, H., 2001). Trên thực tế, nếu không có sự chuẩn bị lâu dài, công phu như thế thì Chủ biên và Nhóm biên soạn không thể hoàn thành được công trình dịch thuật bề thế này.
2. Công trình tập hợp, tuyển chọn, dịch thuật gồm cả hai phần Văn và phần Thơ, bao quát hệ thống các tác phẩm chủ yếu, căn bản nhất của Nguyễn Văn Siêu. Ở đây, chỉ cần nhìn vào phần Mục lục cũng đã thấy sự bộn bề của tư liệu văn bản (và ngay cả sự bộn bề của chính Mục lục), qua đó thấy được sự chuyên tâm, chuyên cần và sự khổ công của Chủ biên và Nhóm biên soạn để có thể hoàn thành công trình có ý nghĩa này.
3. Khi thẩm định công trình Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu cần đặt từng văn bản này trong hệ thống các vấn đề tác gia - tác phẩm - dịch thuật – chú giải đã được Chủ biên theo dõi và thực hiện chí ít trong suốt hơn mười năm qua, chỉ tính từ khi xuất bản cuốn sách Phương Đình tùy bút lục (1996). Tuy nhiên, ở vị trí người phản biện, chúng tôi chủ ý không bàn nhiều về ý nghĩa, nội dung cũng như những thành công của bản thảo (thời hạn hoàn thành so với bản đăng ký, số lượng văn bản, cấu trúc, kết quả dịch thuật…) mà ưu tiên tập trung góp thêm một số ý kiến hoặc mang tính chất là những nhận xét khái quát, hoặc chỉ ra một vài điểm cụ thể, thậm chí thuộc về chi tiết, tiểu tiết. Tất cả nhằm nhấn mạnh tinh thần “phản biện” để Nhóm soạn giả tiếp tục gia công, nâng cấp, hoàn chỉnh bản thảo và hướng đến xuất bản.
- Nhìn trên tổng thể có thể thấy bản thảo vẫn ở dạng phồn tạp, chưa được sửa chữa, thống nhất theo một qui cách nhất định. Có thể thấy rõ điều này ở chỗ công trình thể hiện là tổng thành số mục bài của từng phần do từng người cụ thể đảm nhận mà chưa có sự gia công của chủ biên, kể từ Mục lục đến sự gắn kết giữa các phần, các mục. Nói cách khác, bản thảo còn nặng về bản nháp, các mục bài chưa có số trang, không dễ theo dõi.
- Về nhan đề công trình, từ biên bản nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài Tuyển tập văn – thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (7/4/2008) đến Đề cương chi tiết đề tài sau nghiệm thu “Hợp tuyển văn thơ Nguyễn Văn Siêu” do Chủ biên thực hiện (16/4/2008) cho đến nhan đề chính thức thể hiện trong bản thảo Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đã đi tới sự chọn lựa ngày một sáng rõ, chuẩn xác hơn. Theo tôi, đề nghị nên đặt nhan đề sách là Tuyển tập văn thơ Nguyễn Văn Siêu (không phải hợp tuyển và cũng không cần kèm hiệu Phương Đình – như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du cũng đều không cần thêm tên hiệu…).
- Chú ý cách viết nhan đề các tác phẩm của Nguyễn Văn Siêu: Phương Đình Vạn lý tập hay Phương Đình vạn lý tập, hay Vạn lý tập? Phương Đình Anh ngôn tập hay Phương Đình Anh ngôn thi tập, hay Phương Đình anh ngôn thi tập? Phương Đình Mạn hứng tập hay Phương Đình mạn hứng tập, hay Mạn hứng tập?...
- Mục bài Lời giới thiệu dài gấp đôi so với dự kiến ban đầu trong Đề cương. Bài viết thực sự công phu, tâm huyết, bao quát được những nội dung cơ bản về cuộc đời tác giả, số lượng tác phẩm, nội dung thơ văn, quan điểm soạn dịch của Nhóm biên soạn… Tuy nhiên, ngay từ hai dòng mở đầu cần ghi rõ tên tự, tên hiệu (tự Tốn Ban, hiệu Phương Đình) và tính chính xác của địa danh quê hương; cần thống nhất cách trích dẫn, cách ghi chú thích tài liệu (…); chú ý sửa chữa lỗi vi tính và thống nhất qui cách trích dẫn thơ văn và kiểm tra tính chính xác ngay trong từng câu thơ, nhan đề bài thơ…
+ Chú ý trang 9, bản chữ Hán thiếu (hay phần phiên âm thừa) chữ ý?
+ Trang 29-30, bản chữ Hán bài Chí phiên chữ chư thành chi, viết đúng chữ Hán là chữ chi…
+ Trang 31, phần chữ Hán thiếu chữ luật…
+ Trang 33, phần chữ Hán thiếu chữ diên…
+ Trang 36, phần chữ Hán trước chữ bồng thừa một chữ
+ Trang 36-37, bản chữ Hán thiếu (hay phần phiên âm thừa) chữ lữ? (quân lữ chi sự)…
+ Trang 36-37, bản chữ Hán viết Tiên Vương tại tư hồ
trong khi bản phiên âm là Tiên Vương giáo tai tư hồ?
+ Trang 36-37, bản chữ Hán viết chữ toại, trong khi bản phiên âm vi tính thành tại?
+ Trang 36-37, bản chữ Hán thiếu (hay phần phiên âm thừa) chữ thỉ?
+ Trang 37, bản chữ Hán thiếu (hay phần phiên âm thừa) chữ lữ?
+ Trang 37, phần phiên âm thiếu chữ công?...
+ Trang 37, phần phiên âm thiếu chữ cẩn?...
4. Trong các phần trích tuyển các tập văn, thơ cần có lời dẫn khái quát, ngắn gọn về cách tuyển chọn, sắp xếp các mục bài.
- Chú ý soát xét lại từng câu từng chữ. Cần thống nhất qui cách và sự biên tập cẩn thận, cầu toàn, cụ thể, chi tiết, nhất là với loại công trình phiên dịch tác phẩm chữ Hán.
5. Kết luận
Công trình nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu thực sự đồ sộ, có tính khoa học, hệ thống, chuyên sâu, mới mẻ và được thực hiện công phu, nghiêm túc, đạt chất lượng cao. Tuy nhiên, việc gia công, soát xét, chỉnh lý và thống nhất qui cách hình thức tới từng trang, từng dòng là hết sức cần thiết.
|
|
PGS.TS. Chương Thâu viết ngày 30/08/2011
Đây là một “tuyển tập” đồ sộ ngót 2000tr, mà thời gian để người đọc đọc kĩ lại quá eo hẹp (chỉ chưa đầy 2 tuần lễ) nên chưa thể có được “những nhận xét đánh giá” xác đáng, tôi chỉ có thể có vài cảm nhận sơ bộ sau:
1. Lời Giới thiệu (dài 55 tr) là quá dài, nhưng lại chỉ nói được rất tỉ mỉ tiểu sử (niên biểu) và giới thiệu sơ lược các tác phẩm lớn nhỏ (rất đa dạng và phức tạp, phong phú) của Nguyễn Văn Siêu.
Thực ra, Lời giới thiệu như Hội đồng nghiệm thu đã yêu cầu thì đây phải là một bài Tổng quan về Nguyễn Văn Siêu, gắn liền tiểu sử biên niên với tư tưởng học thuật của ông. Nó là “xương sống của hộ sách, nhằm cung cấp những vấn đề nghiên cứu, đánh giá Nguyễn Văn Siêu cho bạn đọc quan tâm”. Nhưng với 55tr Lời giới thiệu, theo thiển ý của tôi, chưa đáp ứng được yêu cầu đó và nên bổ sung chỉnh sửa lại. Đặc biệt nên có sự dõi theo tiến trình “hành trạng và tư tưởng” (qua văn thơ và qua thực tiễn hoạt động của ông khi thiếu thời, khi làm quan và khi về dạy học đào tạo nhân tài cho đất nước ...). “Tiền vi quan, thoái vi sư” hay “đạt vi sư” và ông được mệnh danh là “Thần Siêu” (bên cạnh “Thánh Quát”). Cống hiến của ông là rất lớn (ở nhiều phương diện). Nhưng khi đọc Lời giới thiệu của PGS Trần Lê Sáng, thì ta lại thấy dàn trải quá, thậm chí đôi lúc quá chi tiết, tỉa tót từng câu thơ, từng sự việc vụn vặt... mà thiếu một sự tổng hợp, hệ thống hoá và khái quát về “con người - cuộc đời - sự nghiệp” của Nguyễn Văn Siêu.
Với tầm độ chiếm lĩnh tư liệu về Nguyễn Văn Siêu một cách đầy đủ, sâu sắc, bao quát như PGS Trần mà rất tiếc lại chưa làm nổi bật được vị trí vai trò Nguyễn Văn Siêu như mọi người mong muốn thì quả là uổng phí. Tôi có cảm nghĩ như vậy, rất mong bạn đồng nghiệp Trần Lê Sáng thông cảm cho!
2/ Về văn bản của Tuyển tập:
- Về văn, có hàng mấy trăm số mục bài văn được chọn, có quá nhiều chế, chiếu, biểu, thư trát... ở trong mỗi Văn loại, Tuỳ bút, Dư địa chí... là hết sức phong phú được chuyển ngữ phiên dịch khá công phu rất đáng nể phục và có thể nghĩ rằng khó có ai vượt nổi công trình tuyển tập này. Nhưng lại cũng từ ưu điểm (phong phú, đa dạng về văn bản văn loại) này mà soạn giả không gia công chắt lọc, hệ thống lại và chọn ra những văn phẩm tiêu biểu nhất, thì lại là một điều đáng tiếc, làm cho người đọc chỉ thấy cây mà không thấy được rừng! Do vậy, tôi đề nghị: mạnh dạn lược bỏ những bài quá nhỏ lẻ vụn vặt, ý tưởng trùng lặp với nhiều văn bản cùng loại (nhất là ở các tập Phương Đình văn loại và Tuỳ bút lục). Như thế, Tuyển tập sẽ “thoáng” hơn, “sáng” hơn.
- Về thơ, việc tuyển chọn dịch chú cũng có phần rậm quá, nhiều quá... soạn giả thiên về việc chọn tuyển từ các “tập thơ” mà không đưa ra một tiêu chí có tính chủ đề tư tưởng hoặc thể loại, mà cứ trích theo mục lục ở từng tập tho thì rất dễ bị trùng lặp ở tư tưởng của rất nhiều bài thơ xuất hiện ở một số tập thơ khắc nhau của Nguyễn Văn Siêu. Các soạn giả tuyển thơ nên gia công hơn, lưu ý nhiều hơn ở “nghệ thuật” ở tư tưởng của tác giả, đặng làm nổi bật vị trí trác tuyệt của “Thần Siêu”. Đó là điều mong mỏi của bạn đọc hiện nay.
Mấy ý kiến sơ bộ, chưa chín chắn trên đây, xin gửi đến nhóm soạn giả và ban biên tập Nhà xuất bản tham khảo.
|
|
PGS. Trần Nghĩa viết ngày 21/08/2011
Tôi nghĩ như vậy là về cơ bản, nhóm công trình đã tiếp thu các kết luận của Hội đồng nghiệm thu trong cuộc họp ngày 7 tháng 4 năm 2008 tại Nhà xuất bản Hà Nội. Cụ thể là:
1. Tên đề tài: chỉnh sửa là “Hợp tuyển Văn - Thơ Nguyễn Văn Siêu”
Có thể cân nhắc thêm: “Hợp tuyển” hay vẫn cứ dùng 2 chữ “Tuyển tập” như lúc đầu? Tức là “Tuyển tập văn thơ Nguyễn Văn Siêu”?
2. Nội dung sách sẽ gồm:
A. Lời giới thiệu
B. Phần tuyển dịch:
+ Văn
+ Thơ
3. Về đối tượng tuyển chọn:
- Ưu tiên cho những bài văn, bài thơ có liên quan tới Thăng Long - Hà Nội.
- Số bài tuyển còn lại là những tác phẩm có giá trị, nói lên cái “riêng”, cái “đặc sắc” của Nguyễn Văn Siêu.
- Đây là chỗ khác nhau giữa một công trình độc lập về Nguyễn Văn Siêu, và một công trình Nguyễn Văn Siêu “hướng về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.
4. Có tiếp thu những bản dịch thành công của những người đi trước
Riêng việc chia tập hay chia quyển, kể cả số lượng tác phẩm sẽ tuyển chọn… theo tôi là tuỳ thuộc vào độ dày của sách và khả năng kinh phí được cấp, đây là chuyện “đồng thuận” giữa Nhóm tác giả và Nhà xuất bản, với tinh thần “liệu cơm gắp mắm”, tôi không có ý kiến gì.
|
|
PGS.TS. Chương Thâu viết ngày 21/08/2011
Hội đồng bàn góp ý kiến cho bản đề cương của Đề tài này đã 2 lần họp và nhất là buổi họp ngày 7/4/2008, ý kiến các thành viên tham sự đã khá nhất trí. Ban Quản lý Dự án và Nhóm biên soạn đã trao đổi khá kỹ về nội dung đề cương, cũng không có ý kiến ngược chiều.
Nay xem lại đề cương chỉnh sửa, thấy rằng nhóm biên soạn và “chủ biên” đã có sự sắp xếp lại tương đối hợp lý và lấy tựa đề là “Hợp tuyển văn thơ Nguyễn Văn Siêu”. Duy có điều là: chủ biên vẫn viết Lời giới thiệu riêng cho 2 phần “Văn” và “Thơ” riêng rẽ. Như thế là có ý khác với ý kiến của Hội đồng và của Ban Dự án.
Như chủ biên đã viết “nội dung chính vẫn thế”… (tr.4), vậy thì cứ nên để cho nhóm biên soạn thể hiện cụ thể nội dung lên trên các phần của bộ sách 2 tập này (mà theo đề cương là khá phong phú và biên soạn cũng khá bài bản). Rồi đến lượt sẽ có một Hội đồng nghiệm thu đánh giá chất lượng bản thảo khi hoàn thành (trước khi đưa in thử)… rồi đến bước hoàn thiện (đạt được chất lượng tốt) như thế nào đã.
Tôi nghĩ cứ nên “ký hợp đồng kinh tế” theo đúng từng công đoạn như quy định của Luật Xuất bản. Và điều này thì Nhà xuất bản và Ban Dự án đã nắm chắc thủ tục rồi. Mong rằng công trình sẽ thực hiện đúng hợp đồng (có cả phần chế tài) và đúng tiến độ thực hiện.
|
|
GS. Đặng Đức Siêu viết ngày 21/08/2011
Tôi đã đọc kỹ bản đề cương chỉnh sửa của PGS. Trần Lê Sáng. So với hai bản đề cương lần trước, đã có những điểm chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, như: gộp 02 đề tài thành 01 đề tài, mang tên “Hợp tuyển Văn - Thơ Nguyễn Văn Siêu”; một vài thông tin cụ thể hơn về một vài thành phần trong Hợp tuyển (Thí dụ: sẽ trích tuyển phần nào ở “Phương Đình Dư địa chí”, ở “Phương Đình tuỳ bút lục” v.v…).
Với mong muốn sớm có được một Hợp tuyển xứng đáng với một danh nhân lớn của Hà Nội là Nguyễn Văn Siêu, tôi có một vài ý kiến nhỏ xin đóng góp với PGS chủ biên như sau:
1. Di sản văn chương học thuật của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu quả thực là rất đồ sộ. Để giới thiệu một cách trọn vẹn nhất, có lẽ cần phải chờ một bộ Tổng tập thơ văn Phương Đình Nguyễn Văn Siêu mà tôi tin là sớm muộn sẽ có ngày ra mắt giới nghiên cứu và bạn đọc rộng rãi. Còn giờ đây, với một Hợp tuyển, tôi nghĩ rằng việc tuyển chọn các văn, thi phẩm của ông cần phải được tiến hành một cách chặt chẽ hơn. Do đó, trong khâu tổ chức bản thảo, theo tôi khâu đọc để lựa chọn sẽ chiếm một phần không nhỏ (và tương ứng với nó là số kinh phí cần thiết) và nhiệm vụ của PGS. chủ biên ở phần này quả thực là rất nặng nề.
Mặc dù PGS chủ biên đã cho xuất bản hai tập sách về Phương Đình vào năm 1966 và 2001, nhưng theo tôi kỳ này làm Hợp tuyển cho Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, sự lựa chọn vẫn có thể có những điểm khác, mới hơn, phù hợp hơn với ý nghĩa của Tủ sách và của niên độ 2010.
2. Về sự phân chia Hợp tuyển thành hai tập với trên 1000 trang mỗi tập, tôi không thể có ý kiến, vì điều này tuỳ thuộc vào Ban Chủ nhiệm dự án, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng (như đã phát biểu trong lần họp trước): nên tuyển thơ của Nguyễn Văn Siêu với một phân lượng vừa phải thôi và nên để dành số trang phân bổ thêm cho các loại văn của tác giả này (nói gọn thì cả tập trên 1000 trang, chưa kể phần phụ lục, dành cho thơ Nguyễn Văn Siêu, theo tôi là chưa hợp lý).
3. Nguyễn Văn Siêu không chỉ là một thi nhân, văn nhân mà còn là một nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực. Ví dụ như, phần tư tưởng học thuật của ông ngoài những ngôn luận liên quan đến Tứ thư, Ngũ kinh còn nhiều vấn đề liên quan đến nhân sinh quan, đạo đức quan của Lão Trang, đến sử học, đến tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, xã hội học v.v… nằm trong “Phương Đình tuỳ bút lục” và nhiều văn bài khác rải rác ở các tập cần được đọc, nghiên cứu kỹ để tuyển lựa (tất nhiên là ở mức một Hợp tuyển). Về “Phương Đình dư địa chí”, theo tôi những phần viết về Thuận Hoá, về châu thổ sông Hồng…, về một số tỉnh miền Bắc cũng rất đáng tuyển chọn (nếu chỉ dùng có 5 trang sách dự án thì ít quá!). Một số điều trần của ông (dưới hình thức tấu, sớ, biểu v.v…) liên quan đến các chủ trương trị quốc an dân của ông cũng nên tuyển chọn để người đọc thấy rõ tư tưởng chính trị của ông.
4. Chính vì đây chỉ là một Hợp tuyển nhưng lại là lần đầu giới thiệu di sản văn chương học thuật của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu với một quy mô cũng khá bề thế (trên 2000 trang khổ 16 x 24cm) nên theo tôi bài giới thiệu cần một độ sâu rộng nhất định. Với dự kiến 30 trang, e rằng chưa đủ để nói những điều cần nói, không phải chỉ liên quan đến tiểu sử, tiểu truyện của Nguyễn Văn Siêu, mà quan trọng hơn là những giá trị văn hoá tư tưởng mà ông đã gửi gắm cho các thế hệ mai sau qua các thành tựu văn chương học thuật.
|
|
TS. Đặng Thị Hảo viết ngày 21/08/2011
1. Đề tài:
Đây là một đề tài rất cần thiết không chỉ cho việc giới thiệu một tác gia tầm cỡ của văn học Thăng Long là Phương Đình Nguyễn Văn Siêu nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà còn có ý nghĩa đánh dấu một chặng mốc quan trọng trong công tác sưu tầm nghiên cứu, giới thiệu và thưởng lãm di sản quý báu nhà thơ.
2. Kết cấu bộ sách:
Gồm 3 phần chính là chấp nhận được.
3. Thời gian thực hiện:
Theo tôi thời gian thực hiện quá eo hẹp, tuy nhiên cũng tin tưởng ở kinh nghiệm làm sách và tổ chức công việc của PGS. Trần Lê Sáng, hy vọng bộ sách hoàn thành đúng tiến độ.
4. Góp ý nhỏ:
- Theo tôi nên đặt tên sách là “Hợp tuyển thơ văn Nguyễn Văn Siêu” (đảo chữ thơ lên trước đọc thuận hơn).
- Tôi vẫn phải lưu ý lại là tác giả nên chú ý hơn văn phong diễn đạt vì câu chữ của bản đề cương này đôi chỗ còn “nôm na” và lặp chữ, lặp cụm từ khá nhiều.
5. Kết luận:
- Tôi nhất trí tán thành chủ trương dịch và xuất bản sách “Hợp tuyển văn xuôi Nguyễn Văn Siêu”
- Bản đề cương đã chỉnh sửa đã nêu được tầm quan trọng, sự cần thiết của việc dịch và xuất bản công trình này. Đồng thời cũng đã đưa ra được dự kiến kết cấu cuốn sách và kế hoạch thực hiện khá rõ ràng, hợp lý.
|
|
PGS. Trần Nghĩa viết ngày 19/08/2011
Tôi đã đọc hai bản đề cương chi tiết: “Tuyển tập thơ Phương Đình” và “Văn xuôi Nguyễn Văn Siêu” do PGS. Trần Lê Sáng chủ biên. Sau đây là mấy nhận xét của tôi:
1. Về ý nghĩa công trình: Tốt!
- Nguyễn Văn Siêu: người Hà Nội
- Ông làm quan ở Huế, nhưng cuối đời về dạy học ở Hà Nội.
2. Về lực lượng thực hiện: Mạnh, đáng tin cậy, đảm bảo sự thành công của công trình.
3. Một số điểm có thể cân nhắc thêm:
a. Có lẽ nên nhập hai bản đề cương hiện có lại làm một, tương thích với tên công trình đã lựa chọn: “Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu” (nên chăng dùng tiêu đề gọn hơn: “Tuyển tập thơ văn Nguyễn Văn Siêu”?)
b. Về đối tượng thơ văn tuyển chọn, tuy tên công trình còn có vẻ chung chung, nhưng chủ đích của Nhà xuất bản Hà Nội là xây dựng Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, vậy nên những thơ văn tuyển chọn phải hướng vào số thơ văn gắn với “Thăng Long - Hà Nội” trước hết. Có thể thống kê số lượng tác phẩm được chọn theo hướng ấy gồm bao nhiêu bài thơ, bài văn, từ đó mà ước lượng độ dày của sách định làm, và nếu cần mở rộng dung lượng sách thì rộng đến đâu… để có thể chủ động trong việc biên soạn (thời gian, kinh phí…)
c. Nếu có thể được, nhóm biên soạn cung cấp thêm những thông tin về “lịch sử vấn đề”, có nghĩa là từ trước đến nay, đã có những công trình xuất bản nào liên quan đến cuốn sách mà ta sắp làm. Theo chỗ tôi được biết thì trước đây đã có các bản dịch liên quan đến tác phẩm Nguyễn Văn Siêu như:
- Đại Việt địa dư toàn biên, Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu, Bản dịch Viện Sử học, Nxb văn hoá, 1997.
- Phương Đình Dư địa chí, Nguyễn Văn Siêu, Ngô Mạnh Nghinh dịch, 1960.
- Phương Đình Tuỳ bút lục, Nguyễn Văn Siêu, Trần Lê Sáng dịch, Nxb Văn học, 1996.
- Hợp tuyển Thơ văn Việt Nam, phần Nguyễn Văn Siêu, 1963.
- Tổng tập văn học Việt Nam, phần Nguyễn Văn Siêu, 2000.
d. Có thể sử dụng những bản dịch tốt đã có, để thể hiện tính công bằng, minh bạch trong hoạt động khoa học, học thuật.
|
|
PGS.TS. Chương Thâu viết ngày 19/08/2011
1. Việc Văn phòng Dự án Nhà xuất bản Hà Nội chọn và giao đề tài này cho nhóm soạn giả là đúng, vì chính PGS. Trần Lê Sáng đã có một số công trình dịch chú, giới thiệu về Nguyễn Văn Siêu được xuất bản trước đây được công luận đánh giá tốt về nội dung, chất lượng. Tin rằng, các soạn giả tập sách “tuyển tập” này sẽ cũng được mọi người hoan nghênh.
2. Đề cương chi tiết của 2 phần văn thơ là khá rành rọt, mục đích, ý nghĩa của tập sách và nội dung hàm chứa trong mỗi phần, như vậy cũng là hợp lý, có sức thuyết phục.
Duy ở bản đề cương “văn xuôi”, xin có mấy ý kiến:
Trong mục Nội dung sách (trang 4) ghi là: “Trong sách này tập trung sưu tầm, dịch từ Hán ra Việt các tác phẩm văn xuôi của ông”, gồm 3 tập:
1. Phương Đình văn loại
2. Phương Đình tuỳ bút lục
3. Phương Đình dư địa chí
Về tập 3 “văn xuôi” này tức là Đại Việt Địa dư Toàn biên, thì Viện Sử học đã dịch và xuất bản từ năm 1997, theo tôi là một bản dịch hoàn chỉnh (Nhà xuất bản Văn hoá - Hà Nội 1997) gồm 576 trang, thì nay cũng chẳng phải sưu tầm và dịch lại nữa, mà chỉ trích tuyển một số trang hoặc một số chú, mục, để đỡ thời gian và tốn kém kinh phí.
Còn 2 tập (1 và 2 “văn xuôi”) trên, thì PGS. Trần Lê Sáng cũng từng có 1 số xuất bản phẩm từ 2 tập này rồi, nay có thể chỉ nên dịch bổ sung hoặc chỉnh sửa lại để đưa vào “tuyển tập” xuất bản lần này, khỏi phải “sưu tầm và dịch lại”.
Trong phần “nội dung” của “văn xuôi” Nguyễn Văn Siêu, theo tôi có thể chọn nhiều hơn số trang đã ước định là 1000 trang để phản ánh được vai trò tiêu biểu của “Thần Siêu”: “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán” như người đời vẫn xưng tụng. Tôi nghĩ rằng phần Văn xuôi cũng phải trên 1000 trang 16 x 24 cm.
3. Và như vậy là phần Dự trù kinh phí (ở trang 7) có thể giảm thiểu được một số tiền đáng kể chi cho “sưu tầm và tiền dịch”…
Về kinh phí dự trù cho phần Thơ (ở trang 11) cũng hơi đội giá, vì chẳng hạn như tiền photocopy nguyên bản chữ Hán tại Thư viện Viện Nghiên Hán Nôm hiện nay cũng chỉ 2000 đồng/trang chứ không phải 5000 đồng/trang như ở bản dự trù.
4. Ở phần “Văn xuôi”: chỉ có phần “Ý nghĩa của sách” (Trang 1- 4) mà không có phần “Giới thiệu, phân tích, đánh giá” kỹ gồm 30 - 40 trang như soạn giả nói: “… tập trung giới thiệu nội dung, nghệ thuật Thơ của Phương Đình” (trang 2, đề cương về Thơ), như vậy có cái gì như không “công bằng, cân xứng, hài hoà” trong cách “tổ chức của một tập sách tuyển văn và thơ của một tác giả”.
Tôi đề nghị:
- Tập sách nên viết 1 phần “Mở đầu” nhằm giới thuyết chung cho mục đích, yêu cầu, giới thiệu Văn và Thơ Nguyễn Văn Siêu, cũng là ý nghĩa tích cực, đóng góp của ông trong sự nghiệp trước tác văn thơ, mà tuyển tập này là “phần được chọn lọc” và hàm chứa trong khoảng trên dưới 2000 trang cỡ 16 x 24 cm.
Tôi cũng đề nghị thêm với chủ biên: khi viết Phần mở đầu (chung cho cả Văn Thơ) như là một tiểu luận nghiên cứu khoa học về tác giả và tác phẩm thật đầy đủ mà khái quát (khoảng 50 trang). Trong đó, ngoài những lĩnh vực văn, thơ, ký, sử, địa… tác giả tiểu luận này nên đi sâu tìm hiểu, giới thiệu về lĩnh vực tư tưởng chính trị, tư tưởng triết học [Ở Nguyễn Văn Siêu còn có cả tư tưởng, quan niệm về Tôn giáo, như ông đã có tác phẩm Chư gia Thiên chúa giáo bị khảo, rất đáng được tìm hiểu, nghiên cứu để trích tuyển] của vị Thần Siêu này, biến chuyển qua các giai đoạn lịch sử của thế kỷ XIX đầy biến động. Từ một nhà Nho, trải cuộc đời khoa hoạn như thế nào, cũng có nghĩa là xét đủ các mặt “lập đức, lập công và lập ngôn”, từ cái tư tưởng “trí quân tranh dân”, “tiến vi quan”, đạt… “thoái vi sư” của Nguyễn Văn Siêu… Bởi vì tôi nghĩ, với Hà Nội, đất Kinh kỳ, trong nền Văn hoá Thăng Long và ở trung tâm Hà Nội này, Nguyễn Văn Siêu có một vị trí rất đáng tôn vinh. Ông không những là một danh sỹ, một lương quan, một giáo đạo sư khả kính và cũng xứng đáng được nhận danh vị “một nhà văn hoá” của thế kỷ XIX.
Những ý kiến trên đây có thể chưa thật chín chắn, nhận xét cho bản đề cương của PGS. Trần Lê Sáng, rất mong Ban Quản lý Dự án Nhà xuất bản tham khảo và sau này tại Hội đồng thẩm định, nghiệm thu tôi xin phát biểu thêm.
|
|
PGS.TS. Ngô Đức Thọ viết ngày 19/08/2011
Tôi có nhận được hai bản đề cương chi tiết:
- Một tập gọi là đề tài: “Văn xuôi Nguyễn Văn Siêu”
- Một tập gọi là “Tuyển tập thơ Phương Đình”
Hai đề tài sóng đôi Thơ và Văn của một tác giả, nhưng một bản thì ghi theo họ tên thật Nguyễn Văn Siêu, một bản thì ghi theo tên hiệu Phương Đình. Một bản thì gọi là “Văn xuôi”, một bản thì gọi là “Thơ”. Thiết nghĩ, đây là công trình Kỷ niệm Thăng Long ngàn năm Văn hiến nên từ tên đề tài đến tác phẩm phải thể hiện được tính chất đặc thù, tầm quan trọng của nó.
PGS. Trần Lê Sáng đã từng xuất bản một cuốn sách về Nguyễn Văn Siêu, nhưng đọc qua hai bản Đề cương này tôi thấy còn sơ sài, qúa ít ỏi thông tin.
- Đề tài 1: “Văn xuôi Nguyễn Văn Siêu”. Bản này gồm 4 mục: Ý nghĩa của sách, Nội dung của sách, Đối tượng, Thời gian, kinh phí.
Chưa nói 2 mục sau, hãy nói trước hai mục: Ý nghĩa và Nội dung của sách. Mục I, Ý nghĩa của sách chiếm 3 trang rưỡi, tức 1/2 bản đề cương. Tuy dài như vậy, nhưng tác giả không cung cấp cho người đọc nội dung cần quan tâm là: sẽ làm ra một cuốn sách to nhỏ dày mỏng nội dung ra sao mà đã cho nghe ngay ý nghĩa của cuốn sách đó. Cả phần ý nghĩa này cũng không phù hợp với tiêu đề của nó, thực chất là nói về ý nghĩa của con người Nguyễn Văn Siêu chứ không phải là ý nghĩa của cuốn sách. Giá trị (ý nghĩa) của nhân vật và ý nghĩa của cuốn sách là hai chuyện khác nhau, không thể lấy cái nọ nói thay cái kia được.
Đi vào cụ thể ý nghĩa của sách, thì cũng thật lạ quá. Rõ ràng bên trên viết là đề cương chi tiết, thế nhưng đọc vào thì thấy là một bài văn hoàn chỉnh, kể chuyện rất cụ thể, chứ không phải đề cương chi tiết nữa. Hơn thế nữa, câu “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán…” báo chí trong Nam ngoài Bắc nói nhiều rồi, coi đó chỉ là giai thoại nói chơi cho vui, chứ không coi là chính sử. Lộng ngôn như vậy chẳng phải cách đề cao ta, mà thơ Đường luật thì làm sao mà Siêu, Quát làm “lợt Thịnh Đường” đi được. Dường như, tác giả chưa chú trọng vào tính khoa học của cuốn sách. Tác giả cũng chưa đánh giá đúng mức sự đóng góp của Nguyễn Văn Siêu vào đời sống văn học nước nhà. Đơn cử một ví dụ, đoạn viết về Dư địa chí có viết: “văn chữ Hán mà viết về chuyên ngành, viết được như sách này phải vỗ bàn khen hay thôi”. Theo tôi, công trình địa lý học thì phải lấy sự đóng góp cho môn khoa học, sự chính xác của nội dung; cách viết trong sáng, chính xác, dễ hiểu làm chuẩn, làm quý, chứ đâu phải thơ văn tả tình, tả cảnh mà uyển chuyển khen hay.
Trong bài cũng có chỗ viết: “Việc thi cử của ông lúc đầu hơi trục trặc”, nhưng người đọc chưa thấy cụ thể “trục trặc” ở đâu. Một đời người của danh nhân như Nguyễn Văn Siêu có biết bao là việc lớn nhỏ, chút “trục trặc” không nêu rõ được ấy mà viết vào bản đề cương, như vậy hơi “đi sâu” vào bình tán những chuyện ngoài lề, chưa quan tâm nhiều đến ý nghĩa đề tài, đến nội dung đề cương cũng như người đọc duyệt. Tiếp đó lại có đoạn viết: “Cách đây ít lâu trên gác còn bàn thờ, nay thì đã sang tên người khác và không còn di tích nữa. Nếu Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội có tiền chuộc làm di tích danh nhân…”. Đọc đoạn văn như thế, thấy thất vọng vì chẳng ăn nhập gì với nội dung của đề cương một công trình bác học cả nước kỳ vọng nhân kỷ niệm ngàn năm Thăng Long Văn hiến.
Mục II: Nội dung sách, phần này của bản “Đề cương chi tiết” lại càng cần chỉnh sửa, bổ sung. Đọc xong khoảng 2 trang mục này, ý chính thì có nói: “Trong sách này tập trung sưu tầm, dịch từ Hán ra Việt các tác phẩm văn xuôi của ông.” Tiếp dưới kê ba bộ sách: Phương Đình văn loại, Phương Đình tuỳ bút lục, Phương Đình dư địa chí… Mỗi tác phẩm đều thấy nói mười mấy vạn chữ Hán. Nhưng cần biết nhất là tổng số Nguyễn Văn Siêu có bao nhiêu bài thì không thấy kê rõ. Việc này theo tôi nhóm biên soạn đề cương nên làm và bổ sung vào đề cương. Riêng bộ Phương Đình Dư địa chí 556 trang chữ Hán mà tác giả đề tài nói: “khi dịch chúng tôi chỉ chọn những phần thuộc về Thăng Long”. Vậy phần thuộc về Thăng Long ấy bao nhiêu trang không thấy nói rõ. Tôi chưa thống kê, nhưng theo tôi biết, phần này chỉ chiếm vài chục phần trăm của tổng số Phương Đình Dư địa chí. Không biết tác giả dự định dịch bao nhiêu phần trăm trong số “hàng chục vạn chữ Hán” của văn xuôi Phương Đình Nguyễn Văn Siêu và bao nhiêu bài thơ của ông? Đề nghị đề cương cần bổ sung cụ thể, có như vậy mới có căn cứ đánh giá, góp ý cho bản đề cương để nghiệm thu.
Nói tóm lại, đối với bản Đề cương chi tiết này, tôi nhận thấy tác giả cần chỉnh sửa lại cho hợp, đặc biệt lưu ý về ý tưởng và nhận thức đề tài của người viết đề cương, những thông tin về số lượng bản dịch…
- Đề cương “Tuyển tập Thơ Phương Đình”, cũng có những vấn đề tương tự. Tác giả trích dẫn dài cả một hai trang thơ, nêu các tên sách, rồi nói: “Sẽ cố gắng biên dịch được tối đa số thơ này của ông để giới thiệu với…” Tối đa là bao nhiêu đây? Cụ thể chỉ thấy nói Phần đầu Lời giới thiệu 30 - 40 trang. Vậy cả ngót ngàn trang của Phần sau ước thực hiện được khoảng bao nhiêu bài thơ của Nguyễn Văn Siêu. Phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ bao nhiêu trang? Thiết nghĩ, tác giả đã quan tâm đến đề tài này từ nhiều năm, lại đã từng xuất bản sách về đề tài, chắc chắn phải có những thống kê, tổng hợp (dù tương đối). Phần dịch thơ cũng cần quan tâm bởi đây là một trong những nội dung chủ yếu của cuốn sách, thể hiện giá trị của cuốn sách. Liệu những người trong nhóm mà tác giả hợp tác đó có dịch được thơ chữ Hán không, trước nay đã dịch các tập thơ thế nào? Tôi thấy còn không ít băn khoăn về đề tài này.
Những ý kiến nhận xét trên đây, là thiện chí của tôi để giúp tác giả cũng như Nhà xuất bản Hà Nội có được một cuốn sách xứng đáng trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
|
|
GS. Đặng Đức Siêu viết ngày 19/08/2011
Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu là một danh nhân của đất Thăng Long - Hà Nội. Chỉ nhìn vào quần thể di tích lịch sử - văn hoá do ông tôn tạo quanh Hồ Gươm cũng đủ để đi đến nhận định rằng di sản văn thơ của ông cần có một vị trí xứng đáng trong tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Rất may mắn, văn thơ của Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu nói chung đều được khắc in nên việc tuyển chọn để công bố cũng có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ hai bản đề cương chi tiết do PGS. Trần Lê Sáng khởi thảo, tôi có một số ý kiến như sau:
1. Nhìn tương quan với di sản văn thơ của các danh nhân khác đất Thăng Long được đưa vào tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, thơ văn của Nguyễn Văn Siêu được giới thiệu trong hai tập gồm 2000 trang khổ 15 x 22, như vậy liệu có cân đối hay không? Theo chỗ tôi biết, trong các bộ hợp tuyển hoặc tuyển tập thơ văn từng giai đoạn lịch sử … thơ văn của Nguyễn Văn Siêu không được tuyển chọn nhiều (so với các tác gia khác). Lý do vì sao cần phải nghiên cứu kỹ mới có thể đoán định được. Có lẽ, ông được nhiều người biết đến như một học giả, một ông thày hơn là một văn nhân thi sĩ chăng?
2. Thơ văn Nguyễn Văn Siêu vốn rất phong phú, đa dạng về đề tài, loại thể. Theo tôi, nên cân nhắc lựa chọn những nội dung gắn bó với Thăng Long - Hà Nội vốn là quê hương ông, với kinh đô Huế - nơi ông bước chân vào chốn quan trường rồi sau ít năm phảỉ thoái lui, với hiện thực đầy biến động đương thời, với cảm quan của ông về lịch sử, non sông, đất nước, về thế thái nhân tình, về đời sống không mấy an vui của dân chúng trước thiên tai, địch hoạ… (mảng thơ này vốn có một số bài thơ rất hay nhưng không thấy điểm qua trong đề cương, song chắc các soạn giả sẽ không quên đưa vào tuyển tập), còn các mảng thơ khác như thơ đi sứ, thơ thù tạc… chỉ nên chọn một số ít.
3. Về văn, ngoài các bài thuộc thể ký, bi, minh… có lẽ nên chọn một số văn bài trong các tác phẩm mang tính chất nghiên cứu, học thuật (như trong Dư địa chí, Ngũ kinh thuyết ước, Tứ thư trích giảng và một số bài giảng khác…) để thấy rõ ngoài tài văn thơ, Phương Đình còn là một ông thầy, một học giả uy tín, có ảnh hưởng khá sâu rộng tới giai tầng kẻ sĩ chốn Hà Thành. Một vài bài văn nghị luận, hành chính có lẽ cũng nên tuyển chọn, giới thiệu để thấy rõ hoạt động chính trị của ông.
Trên đây là một số ý kiến bước đầu khi được đọc hai bản đề cương. Rất mong sớm được thấy tuyển tập văn thơ của Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu nhân dịp chào đón Thăng Long 1000 năm tuổi.
|
|
TS. Đặng Thị Hảo viết ngày 19/08/2011
1. Đề tài:
Theo tôi đây là một đề tài rất cần thiết vì lâu nay chúng ta mới chỉ được đọc thơ Phương Đình ở một số bài lẻ tẻ trong một số bài giới thiệu, nghiên cứu, hoặc trong các tổng tập, tuyển tập... Những ai chưa có điều kiện đọc trực tiếp văn bản cũng không còn có cách nào tiếp cận thơ văn của ông. Chính vì thế, một gương mặt thơ Phương Đình trọn vẹn vẫn là niềm mong mỏi của độc giả. PGS Trần Lê Sáng quyết định tiến hành công trình Tuyển tập thơ Phương Đình là việc làm rất nên được ủng hộ. Nếu ra mắt trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì rất có ý nghĩa.
2. Nội dung sách:
Kết cấu hai phần: phần 1: chuyên luận nghiên cứu, giới thiệu thơ Phương Đình khoảng 30 - 40 trang là một phần cần thiết. Bài viết sẽ giúp độc giả bước đầu tiếp cận thơ ông từ những gợi dẫn của người viết về con người sự nghiệp thơ văn của Phương Đình cùng những giá trị tiềm ẩn trong những câu chữ, những vần thơ chữ Hán uẩn súc từng được rất nhiều danh nho đương thời ca tụng.
Phần 2: Dịch 4 tập Phương Đình vạn lý tập, Phương Đình anh ngôn tập, Phương Đình lưu lãm tập, Phương Đình mạn hứng tập, là một sự lựa chọn chính xác. Bởi, nếu giới thiệu được hầu hết số bài thơ trong 4 tập này đã có thể cho ta một chân dung thơ Phương Đình khá hoàn chỉnh.
3. Một vài lưu ý nhỏ:
- Nhóm soạn giả nên cố gắng ưu tiên sự tuyển chọn cho ba tập Phương Đình anh ngôn tập, Phương Đình lưu lãm tập và Phương Đình mạn hứng tập vì trong ba tập thơ này thì hai tập trước là các tập chủ yếu là thơ “du ký”, chắc chắn sẽ đem đến sự hứng thú cho người đọc ở sức hút của những bài thơ phong cảnh đẹp của những vùng miền tác giả đã đi qua. Tập sau là tập thơ chủ yếu viết về phong cảnh Hà Nội, các mối quan hệ bè bạn sâu sắc của nhà thơ cũng phần nào cho ta hình dung về những nho sĩ Hà Thành thế kỷ XIX.
4.Kết luận:
Tôi tán thành đề tài, kết cấu cũng như dung lượng của tập sách này. Hy vọng sách ra mắt sẽ phục vụ rộng rãi bạn đọc, đặc biệt độc giả Hà Nội, cũng như là tài liệu quan trọng đối với việc giảng dạy học tập của giáo viên sinh viên - như kỳ vọng của Nhóm soạn giả.
|
|
Nhà thơ Bằng Việt viết ngày 19/08/2011
Đây là một bộ sách dịch công phu, đồ sộ, mỗi tập đều dầy trên 1000 trang, tập hợp hầu hết các tác phẩm và trước tác của nhà văn hoá lớn Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) mà người đương thời gọi là “Thần Siêu” để đối với “Thánh Quát” (là Cao Bá Quát, một bậc văn tài xuất chúng nữa của thể kỷ XIX của nước ta).
Văn thơ Nguyễn Văn Siêu đã được in khắc từ năm 1900 tương đối đầy đủ (bằng chữ Hán) và sau này, được xuất bản từng bộ phận ở Hà Nội và Sài Gòn. Tuy nhiên, chưa lần nào chúng ta có được một bộ sách dịch đầy đủ và đồ sộ như bộ sách Tuyển tác phẩm (Văn và Thơ) của Phương Đình như lần này, dưới sự chủ biên của PGS. Trần Lê Sáng.
Nếu ngoại trừ một số bài giảng Tứ Thư, Ngũ Kinh được gom lại trong 3 tập: “Chư Kinh khảo ước”; “Chư sử khảo thích”; “Tứ Thư bị giảng” thì còn lại hầu hết các tác phẩm của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu do học trò gom lại và sắp xếp xuất bản đều được sắp xếp lại và tuyển chọn trong bộ sách của PGS. Trần Lê Sáng.
Về tính hệ thống, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung bộ tuyển Văn gồm 3 tác phẩm: Phương Đình văn loại, Phương Đình tuỳ bút lục và Phương Đình Dư địa chí. Chúng tôi cũng hoàn toàn nhất trí với việc Tuyển Thơ chọn đủ 4 tập: Vạn lý tập, Anh ngôn tập, Lưu lãm tập và Mạn hứng tập. Các tập này là kết quả của việc sắp xếp lại các tác phẩm của Phương Đình, đã được các học trò của ông cho in ra trong hai tuyển tập: “Phương Đình thi loại” và “Phương Đình thi văn tập”.
Về tính khoa học: Chúng tôi hoàn toàn có thể tin tưởng vào nhóm giáo sư, phó giáo sư và các vị có trình độ Hán học chính quy, tham gia biên soạn bộ sách này. Các tác phẩm của Nguyễn Văn Siêu mới xuất hiện cuối thế kỷ XIX, nên không có nhiều dị bản. Vì vậy, độ chính xác của các bản in gốc là khá cao.
Về tính nghệ thuật: Phần dịch văn xuôi thì chắc sẽ không có vấn đề gì lớn, nhưng riêng phần dịch thơ, chúng tôi rất lưu ý các dịch giả về chất lượng thơ của bản dịch. Dù đây là các dịch giả có học hàm học vị cao về Hán học, nhưng Nguyễn Văn Siêu vốn được coi là “Thần thơ”, nên chất lượng dịch thơ phải xếp ở hàng đầu. Có thể nên có một hai nhà thơ đọc lại bản dịch và góp ý cho chất lượng dịch thơ như vậy sẽ đảm bảo giá trị cao của công trình này hơn nữa.
|