Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Sách văn học - nghệ thuật |  Bạn đang ở:Trang chủ » Sách văn học - nghệ thuật
  • Tuyển truyện ngắn Thăng Long - Hà Nội
  • Là tác phẩm đại diện cho tinh hoa truyện ngắn về Thăng Long - Hà Nội. Thể hiện tinh thần, tư tưởng, tâm hồn, phong thái, cốt cách, lối suy nghĩ cũng như sự nghiệp chiến công của người Thăng Long - Hà Nội. Nhóm biên soạn đã căn cứ vào tiến trình lịch sử của sự vận động và phát triển của thể loại truyện ngắn để cung cấp cho người đọc một cái nhìn mang tính lịch đại, nêu được những thành tựu nổi trội của từng giai đoạn, thời kỳ.
  • Tác giả :   Nhà văn Lê Minh Khuê
  • Bình chọn:
    (Tổng số: 0 - Trung bình: 0.00)
  •   Bình luận   |  Ý kiến của bạn |  Xem thêm sách cùng chủ đề
  •   Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách

Là công trình tuyển chọn một tập truyện ngắn gồm các tác giả và tác phẩm xuất sắc nhất, có giá trị lâu dài đã được khẳng định qua thời gian.
      Là tác phẩm đại diện cho tinh hoa truyện ngắn về Thăng Long - Hà Nội. Thể hiện tinh thần, tư tưởng, tâm hồn, phong thái, cốt cách, lối suy nghĩ cũng như sự nghiệp chiến công của người Thăng Long - Hà Nội. Nhóm biên soạn đã căn cứ vào tiến trình lịch sử của sự vận động và phát triển của thể loại truyện ngắn để cung cấp cho người đọc một cái nhìn mang tính lịch đại, nêu được những thành tựu nổi trội của từng giai đoạn, thời kỳ.
      Thăng Long - Hà Nội vừa có tính chất một vùng đất, một vùng văn hoá, văn học có tính địa phương, vừa lại không chỉ là thế, nên một mặt, cần chỉ ra được những nét đặc trưng, lại cũng cần nhấn mạnh đầy đủ đến tính chất tiêu biểu, đại diện của nó cho các vùng khác, cho cả nước trong nhiều thời kỳ lịch sử văn học. Từ góc nhìn văn học sử, đã lưu ý đến những đặc điểm có tính lịch sử của đội ngũ tác giả, chất lượng và đặc điểm của tác phẩm.
      Công trình có ý nghĩa phục vụ bạn đọc rộng rãi, yêu mến văn học Hà Nội đồng thời vừa có giá trị về tư liệu cho các nhà nghiên cứu…

Chi tiết sách
  • Tác giả:   Nhà văn Lê Minh Khuê
  • Nhà xuất bản: Nhà Xuất bản Hà Nội 
  • Năm xuất bản:  2010
  • Tổng số trang:  
  • Kích thước:  16x24cm
  • Mã số:  
  Bình luận (7)  
PGS.TS. Phạm Quang Long viết ngày 21/08/2011
- Về tiêu chí tuyển chọn: Tác giả người Hà Nội, truyện viết về Hà Nội cơ bản là ổn. Cách đặt tiêu chí như vậy giúp tuyển chọn rộng hơn, không bị bó buộc trong phạm vi hẹp khi thực hiện công việc. - Việc tuyển chọn số lượng tác giả, tác phẩm như bản thảo đã thể hiện là hết sức kỳ công, thể hiện sự nghiêm túc, đầu tư công sức của nhóm biên soạn. Tuy nhiên, như Lời giới thiệu đã nói, cuốn Tuyển tập này là “sự hội tụ của những truyện ngắn xuất sắc” nên cần rà lại một lần nữa cho tinh hơn, đầu tư thêm một chút công sức nữa. Xin góp ý ở một số điểm cụ thể: 1. Ở phần trung đại: Phần này dung lượng còn hơi thấp so với phần cận, hiện đại. Nếu nhóm tuyển chọn có thể bổ sung thì tốt. Tuy vậy, phần này vốn không nhiều, nên tuyển chọn như vậy là ổn. 2. Phần hiện đại: - Về tiêu chí: Tác giả là người Hà Nội, tác giả viết về Hà Nội: cơ bản là ổn. - Trong Lời giới thiệu (Tổng quan) có viết “sự hội tụ của những truyện ngắn xuất sắc”, như vậy việc tuyển chọn cần tinh hơn. Một số tác giả chọn hơi nhiều, trong khi còn trống vắng một số tác giả có truyện ngắn về Hà Nội đáng chọn: + Thạch Lam: chọn hơi nhiều. Các truyện “Sơi tóc”, “Dưới bóng hoàng lan” là những truyện hay. Tuy nhiên, Thạch Lam còn các truyện rất hay: “Hai đứa trẻ”, “Gió lạnh đầu mùa”, “Cô hàng xóm”. + Nguyễn Công Hoan: đã chọn nhiều, nhưng đó đều là những truyện hay. Ngoài ra có thể chọn thêm “Báo hiếu trả nghĩa cha”, “Một bữa no” là những truyện rất đặc sắc. + Vũ Trọng Phụng: Chọn 5 truyện là hơi nhiều vì truyện ngắn Vũ Trọng Phụng không hay bằng tiểu thuyết của ông. + Nguyễn Tuân: Những truyện ngắn đã chọn rất tiêu biểu, có thể chọn thêm truyện “Thả thơ” rất hay. + Nam Cao: có hai truyện rất hay tuy ngắn: “Mua nhà”, “Nước mắt”. Những truyện “Đời thừa”, “Một đám cưới” cũng là những truyện hay tuy chất Hà Nội không thật đậm nét. + Nguyễn Khải: chọn hơi nhiều. Trong số các truyện tuyển, đặc sắc nhất là các truyện: “Đất kinh kỳ”, “Một người Hà Nội”, “Nắng chiều”. Nên xem xét lọc bớt. + Ma Văn Kháng: 7 truyện, cũng nên giảm bớt số truyện tuyển. Tuy nhiên, còn một truyện rất hay là “Những người đàn bà”. + Đỗ Chu: Trong tập “Hương cỏ mật” có những truyện ngắn hay so với “Hoạ mi đang hót”. + Trần Hoàng Bách: Nên chọn thêm trong tập truyện ngắn Trần Hoàng Bách. + Nguyễn Huy Thiệp: Nên chọn thêm “Không có vua” + Nguyễn Hào Hải: có 2 truyện chỉ nên chọn 1. - Cần chú ý: Các nhà văn Hà Nội, viết về Hà Nội nên tìm thêm, chưa phải là đã hết trong tuyển tập truyện ngắn này: + Đồ Phồn chưa thấy có. + Lớp nhà văn từ kháng chiến trở về như Trần Tuy, Phùng Cung… + Lê Lựu, Đặng Anh Đào chưa thấy có. - Các nhà văn ở Văn nghệ Quân đội có nhiều truyện hay ở các thời kỳ.
PGS.TS. Phan Trọng Thưởng viết ngày 21/08/2011
- Cũng giống như khi viết Lời giới thiệu cho “Tuyển tập ký - tản văn”, ở bài viết này, tác giả cũng đã bước đầu đưa ra được một số tiêu chí nhận diện thể loại (truyện ngắn) để từ đó đi vào từng tác giả, tác phẩm cụ thể, phân tích đặc trưng nghệ thuật, đánh giá nội dung và ý nghĩa nhiều mặt của truyện ngắn trong lịch sử phát triển của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Thực ra, khi đụng chạm tới tiêu chí thể loại, còn nhiều vấn đề cần phải bàn sâu hơn, kỹ hơn, thấu đáo hơn mới có thể nhận thức được ở một mức độ tương đối bản chất mỹ học của thể loại. Nhưng ở đây, do khuôn khổ của một Lời giới thiệu nên yêu cầu đó chỉ dừng lại ở những tiêu chí chính, đủ đề nhận biết thể loại. - Trên cơ sở những truyện ngắn được tuyển chọn qua từng thời kỳ, Lời giới thiệu đã giúp cho người đọc một sự hình dung trước về diện mạo truyện ngắn Thăng Long - Hà Nội trong tương quan với diện mạo của lịch sử văn học, với toàn bộ thành tựu của thể loại truyện ngắn nói chung. Đó là cái nhìn hệ thống, biện chứng và thầu đáo, làm cơ sở cho việc nhận thức và giải thích ý nghĩa của thể loại. - Bài giới thiệu nêu được thành tựu của truyện ngắn qua từng thời kỳ lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đánh giá giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của thể loại này ở mức độ khái quát nhất. Các nhận định, đánh giá đều phải chăng, không quá khắt khe hoặc quá dễ dãi. - Các tư liệu lịch sử và tư liệu văn học dẫn ra trong bài viết đảm bảo tính chính xác khoa học. Văn phong Lời giới thiệu mực thước, phù hợp. - Có một số từ dùng khó hiểu, đề nghị tác giả xem lại. Ví dụ: ở trang 1: Vương làm hiếu liêm là chức vụ hay là lễ nghi? Tôi đánh giá Lời giới thiệu đã đạt yêu cầu.
PGS.TS. Trần Ngọc Vương viết ngày 21/08/2011
Tôi đã đọc văn bản Lời giới thiệu cho Tuyển tập truyện ngắn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp viết (bản thảo lần thứ hai). So với bản thảo lần đầu, bản thảo lần này có một số ưu điểm tương đối rõ ràng: - Văn bản đã khắc phục được những chỗ nhập nhoè giữa Lời giới thiệu cho Tuyển tập truyện ngắn với Lời giới thiệu cho Tuyển tập ký và tản văn. Ít nhất thì cả nội dung và lời văn đã định hướng rõ hơn cho độc giả những mối quan tâm đến Truyện ngắn Hà Nội. - Tuy bản thảo Lời giới thiệu lần này ngắn hơn, nhưng lại bổ sung được một số ý tưởng mang tính giới thuyết cần thiết (về lý luận), giúp cho Lời giới thiệu có màu sắc học thuật hơn. Bản thảo đã loại bỏ đi khá nhiều đoạn văn mang tính chất “làm văn” hoặc chung chung, sáo ngữ. - Lược sử truyện ngắn Hà Nội trình bày như thế cũng tạm ổn. - Dù sao, Tuyển tập này cũng là một tuyển tập truyện ngắn của một địa phương, một địa phương đặc biệt của nước Việt. Tác giả Lời giới thiệu nên có thêm đôi dòng thuyết minh và nhấn mạnh đến tính chất đặc biệt đó một cách vừa khái quát hơn nữa nhưng cũng phải mang tính thuyết phục cao hơn nữa. “Chất Thăng Long - Hà Nội” thể hiện trong tuyển tập này cho phép Lời giới thiệu gia tăng hàm lượng của “tính chất đặc thù” ấy. - Nhìn trên tổng thể, Lời giới thiệu như thế là tạm ổn. Những đề nghị bổ sung, vi chỉnh vừa nói chỉ thể hiện mong muốn làm sao cho tuyển tập ấn tượng thêm, lời giới thiệu sang trọng thêm. Đề nghị Hội đồng và Chủ đầu tư thông qua.
PGS.TS. Phan Trọng Thưởng viết ngày 19/08/2011
- Sau các góp ý về Đề cương và nội dung bản thảo, tôi nhận thấy các tác giả đã có những bổ sung, điều chỉnh đầy đủ và hợp lý hơn. Với mục lục này, nhưng tác phẩm truyện ngắn tiêu biểu gắn với lịch sử Thăng Long - Hà Nội đã được các tác giả tuyển chọn khá kỹ. Với tư cách cá nhân, tôi tán thành nội dung Tuyển tập này. - Về Lời giới thiệu do PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp viết. Tôi thấy đã khá hoàn chỉnh. Nội dung lời giới thiệu cho thấy một cách khá đầy đủ diện mạo, thành tựu của Truyện ngắn Thăng Long - Hà Nội trong suốt hành trình 1000 năm lịch sử. Bài giới thiệu cũng cho thấy Thăng Long - Hà Nội như một nguồn cảm hứng đặc biệt kích thích tài năng sáng tạo và những ý tưởng nghệ thuật độc đáo. Văn phong trong lời giới thiệu mực thước, trang nhã, phù hợp với nội dung. - Tôi tán thành nghiệm thu bản thảo này.
PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp viết ngày 19/08/2011
Tôi đã đọc những tài liệu về bản thảo “Tuyển tập truyện ngắn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, Nhà văn Lê Minh Khuê chủ biên, sau đây là một vài nhận xét của tôi. Về cơ bản, bản thảo đã tuân thủ theo những tiêu chí tuyển chọn mà đề cương đã đặt ra. Các tác phẩm tuyển chọn tiêu biểu, mang đặc trưng Hà Nội. Tác giả cũng đã chỉ rõ được nguồn gốc của các tác phẩm tuyển chọn, là cơ sở cho người đọc tra cứu, tìm hiểu. Về cấu trúc, sắp xếp các tác phẩm theo trình tự thời gian như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, tác giả cần lưu ý chỉnh sửa bài Tổng quan, có một số điểm, ý trùng lặp với bài Tổng quan trong tác phẩm “Tuyển ký - tản văn Thăng Long - Hà Nội”. Cuối cùng tôi hoàn toàn nhất trí với bản thảo này.
Nhà văn Tô Hoài viết ngày 19/08/2011
Lời giới thiệu của anh Nguyễn Đăng Điệp: Nội dung đầy đủ, có phần sáng tạo và phát hiện. Duy có nên viết gọn hơn. Phần kết luận nên nói về triển vọng văn học hiện nay, bởi vì đây là lời nói của ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Trong văn học cả nước, thời kỳ đầu tiên đều có cả tiểu thuyết như tiểu thuyết của các cụ Nguyễn Tử Siêu, Nguyễn Trọng Thuật, cụ Đặng Trần Nhât, Nguyễn Lân, Hoàng Ngọc Phách, ở trong Nam có Nguyễn Chánh Sát, Nam Đình, Hồ Biểu Chánh. Nên điểm qua cho hoàn chỉnh và cân bằng cả nước. Nên nói đến truyện ngắn những cây bút viết có khuynh hướng yêu nước và tiến bộ. Tôi điểm trong mục lục “viết ở Hà Nội” có đến 20 người. Và có những người còn có thể bỏ sót như Sao Mai, Hoàng Công Khanh, Nguyễn Hiệu Luật… Nên điểm qua một phong trào viết ở Hà Nội thời kỳ ấy. Đề nghị sau cùng của tôi về in ấn là: những sáng tác đã in từ đầu thế kỷ tới bây giờ, chữ nghĩa trong tác phẩm có biến đổi nhiều, nhất là những ngôn ngữ dân gian. Xin anh cho người xem lại và người chữa morat thật cẩn thận mới được. Có quyển Từ điển rất công phu của cụ Nguyễn Lân (đã in) các bạn chữ morat có thể dùng từng trang để tra cứu từng chữ. Điều này rất cần thiết.
PGS.TS. Trần Ngọc Vương viết ngày 19/08/2011
1- Về lời giới thiệu: Nhìn tổng thể, lời giới thiệu đã căn cứ vào tiến trình lịch sử của sự vận động và phát triển của thể loại truyện ngắn để cung cấp cho người đọc một cái nhìn mang tính lịch đại, nêu được những thành tựu nổi trội của từng giai đoạn và thời kỳ. Tuy vậy, theo ý tôi, lời giới thiệu cũng còn một số hạn chế, một số điểm có thể bổ sung và hiệu chỉnh. - Một số chỗ diễn đạt chưa chuẩn xác. Ngay từ câu đầu tiên, lời văn làm người đọc dễ hiểu lầm rằng “Phố Hiến có trước Thăng Long”. - Các chi tiết về Tô Lịch với tư cách là nhân vật lịch sử “được cử làm Hiếu liêm, làm quan huyện lệnh…” không có cách gì kiểm chứng. Hiếu liêm không phải là một danh hiệu do đề cử mà phải qua ít nhất một kỳ thi (nên thường sách vở xưa viết “đỗ Hiếu liêm” chứ không phải là “cử làm Hiếu liêm”). Khi đã được liệt vào hàng linh thần, rồi tối linh thần, thì làm sao còn có công “dương trợ”? - Tên sách được thừa nhận phổ biến là “Thiền uyển tập anh” chứ không phải là “Thiền uyển tập anh ngữ lục”; - Niên hiệu Hồng Đức là vào thời gian 1470 - 1498. Mười năm đầu của triều vua Lê Thánh Tông mang niên hiệu Quang Thuận. - Không thể viết rằng dưới ngòi bút của một ông vua, mà có những người, những việc nào đó “đều được nhìn nhận bằng con mắt dân chủ”. - Cũng khó mà viết giản dị rằng: “Nguyễn Dữ qua tiếng nói nhân văn đòi hỏi quyền được sống, tình yêu lừa đôi,… đã đặt ra câu hỏi về bản chất và ý nghĩa của cuộc sống trần thế”. - Hoàn toàn không đúng rằng: “Bắt đầu từ thế kỷ XVIII trở đi, Thăng Long vàng son chỉ còn lại trong nỗi cảm hoài… Gắn liền với nó là sự phai nhạt của lối sống hào hoa, thanh lịch”. Trên thực tế, Thăng Long chỉ thực sự mất vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của cả nước trong vòng 100 năm (1788 - 1888). Sau khi người Pháp đặt phủ Toàn quyền (Đông Dương), thì thậm chí Hà Nội là trung tâm Đông Dương. - Những tác giả hay tác phẩm không được chọn vào tuyển tập này thì cĩng không nên bình điểm trong Lời giới thiệu. - Một đề nghị tổng quát cho Lời giới thiệu: Do chỗ Thăng Long - Hà Nội vừa có tính chất một vùng đất, một vùng văn hoá, văn học có tính địa phương, vừa lại không chỉ là thế, nên một mặt, cần chỉ ra được những nét đặc trưng, lại cũng cần nhấn mạnh đầy đủ đến tính chất tiêu biểu, đại diện của nó cho các vùng khác, cho cả nước trong nhiều thời kỳ lịch sử văn học. Từ góc nhìn văn học sử, cần lưu ý đến những đặc điểm có tính lịch sử của đội ngũ tác giả, chất lượng và đặc điểm của tác phẩm. Lời giới thiệu phải thuyết phục được độc giả rằng văn chương của Thăng Long - Hà Nội là “hình ảnh cô đặc của văn chương Việt qua các thời kỳ của văn học viết”. Không nên đi vào bình luận, nhận định đến tận tác giả, tác phẩm quá cụ thể, bởi làm vậy dễ dàng dẫn đến nguy cơ vừa dông dài nhưng lại vừa bất cập, thiếu tính tổng kết. 2- Về phần tuyển chọn tác giả, tác phẩm: - Tôi không đề nghị lấy hay bỏ những tác giả, tác phẩm nào cụ thể, mà chỉ lưu ý các soạn giả một số yêu cầu có lẽ là khách quan sau đây: - Phần thứ 1, với một số lượng trang tuyển chọn cho toàn tuyển tập lên tới 2800 trang, mà phần tuyển cho hơn 9 thế kỷ trước chỉ chưa tới 300 trang, với chỉ 14 tác giả, e rằng đó là sự mất cân đối nghiêm trọng. Tôi đề nghị các soạn giả bổ sung cho phần thứ nhất này. Nguồn bổ sung: sử truyện. Thực ra là tôi rất ngạc nhiên khi người ta coi những tác phẩm sưu tầm từ folklore và từ các thần phả, thần tích là tác phẩm văn học, là truyện ngắn, trong khi lại không coi hàng loạt các truyện sử, đặc biệt các liệt truyện, là truyện ngắn. Nếu các soạn giả đồng ý với tôi, thì dung lượng phần thứ nhất không khó bổ sung thêm hàng trăm trang nữa. - Phần thứ 2, với 22 tác giả, 450 trang tác phẩm cũng còn khiêm tốn. Tôi có tham gia chấm một số luận án tiến sĩ và đánh giá một số công trình nghiên cứu về văn xuôi trước năm 1930, biết rằng số lượng tác phẩm được coi là truyện ngắn trong 30 năm đầu thế kỷ đã lên tới con số trên 400 tác phẩm. Tôi chưa định lượng, nhưng cứ cho rằng 1/4 trong số đó được viết hoặc công bố ở Hà Nội, thì lẽ nào ta không chọn nổi lấy mươi tác giả thuộc giai đoạn này? Sở dĩ tôi đặc biệt quan tâm đến giai đoạn đó, bởi đó chính là giai đoạn quá độ, văn chương Việt chuyển đổi hệ hình, từ quỹ đạo mang tính khu vực sang quỹ đạo mang tính quốc tế, Âu hoá, có tính chất phương Tây. Văn chương của Hà Nội lại phản ánh rõ nhất quá trình chuyển đổi ấy. - Phần thứ 3, với những 124 tác giả, trên dưới 2000 trang văn tuyển, rõ là quá nhiều. Việc chọn tác giả, tác phẩm chắc chắn có chỗ không thật tiêu biểu. Tôi cứ có cảm giác về tính chất “văn chương mặt trận” trong phần tuyển truyện ngắn đương đại này. Dĩ nhiên có thể thông cảm và chia sẻ với “cái khó” của các soạn giả, nhất là trong quan hệ với các văn hữu. Những cũng chính ở điểm này mới cần tới bản lĩnh và công minh của người làm tuyển chứ? Những ý kiến tôi nêu với tư cách một thành viên của Hội đồng nghiệm thu chỉ nhằm tới một mục tiêu duy nhất: góp phần làm cho chất lượng của công trình tốt hơn. Hy vọng là các soạn giả sẽ chọn được vài ba điều bổ ích.
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá