Ở giai đoạn I của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Phạm Xuân Hằng và PGS.TS. Phan Phương Thảo chủ trì đã tổ chức biên soạn cuốn sách “Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội”. Cuốn sách với gần 3000 sự kiện của Thăng Long - Hà Nội, bắt đầu từ khi con người xuất hiện trên vùng đất cổ xưa này kéo dài cho đến trước ngày 1 tháng 8 năm 2008 là thời điểm quyết định mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội của Quốc hội có hiệu lực. Việc bổ sung thêm phần biên niên Hà Nội mở rộng là rất cần thiết. Chính vì vậy PGS.TS. Phan Phương Thảo và nhóm biên soạn tiếp tục bắt tay vào biên soạn cuốn Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội (Phần bổ sung).
Cấu trúc cuốn sách ngoài lời nói đầu, chữ viết tắt, sách dẫn, tài liệu tham khảo, phần nội dung với 2.244 sự kiện được chia làm hai phần:
Phần I: Vùng đất Hà Nội mở rộng (đến trước 1-8-2008)
I. Thời kỳ bình minh lịch sử
II. Thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc
III. Kỷ nguyên độc lập, thời ký Pháp thuộc
IV. Từ Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến đại thắng mùa xuân năm 1975
Từ sau thống nhất đất nước đến thời kỳ Đổi mới, thời kỳ Đổi mới (Đến trước 1- 8 - 2008).
Phần này tác giả đi sâu vào các sự kiện lịch sử của vùng đất mới sáp nhập vào Hà Nội (tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) từ khởi nguồn đến tháng 8/2008. Phần này trong cuốn Biên niên bao gồm các sự kiện cho đến trước ngày 1 tháng 8 năm 2008, với các mốc lịch sử chính: thời kỳ bình minh lịch sử, thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, thời kỳ độc lập tự chủ (Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn), thời kỳ Pháp thuộc, thời hiện đại từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến trước 1.8 2008. Nội dung phần I làm rõ sự đa dạng lịch sử, văn hóa, tộc người của vùng đất mới sáp nhập vào Hà Nội.
Phần II: Hà Nội từ 1 - 8 - 2008 đến hết năm 2014.
I. Hà Nội từ 1 - 8 - 2008 đến hết năm 2009
II. Hà Nội năm 2010
III. Hà Nội năm 2011
IV. Hà Nội năm 2013
V. Hà Nội năm 2014
Phần này với vai trò là Thủ đô, Hà Nội là nơi diễn ra và chứng kiến những sự kiện lớn lao không chỉ của riêng mảnh đất này mà còn chứng kiến rất nhiều dấu ấn quan trọng của đất nước. Vì vậy, các sự kiện biên niên được trình bày một cách toàn diện về “vai trò đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, đầu mối giao dịch quốc tế” làm nổi bật những nét đặc sắc của lịch sử, văn hoá Thăng Long - Hà Nội, tiêu biểu cho bản sắc văn hoá dân tộc.
Trong phần II Biên niên Lịch sử Hà Nội từ 1/8/2008 đến 2014 địa bàn Hà Nội được mở rộng với việc giai đoạn lịch sử quá ngắn chỉ có 6 năm nhưng lại rất phong phú trên tất cả các phương diện trên địa Thủ đô cũng là một công việc đầy khó khăn và vất vả bên cạnh những thuận lợi của nó. Nhóm tác giả cũng đã cố gắng xử lý để thu thập, cập nhập một khối tư liệu đồ sộ để chắt lọc chọn ra được sự kiện nổi bật để trình bày các sự kiện theo đúng tiến trình lịch sử.
Cuốn sách được biên soạn rất công phu, các sự kiện được lựa chọn đều đảm bảo tuân thủ những tiêu chí hết sức chặt chẽ, đó phải là những sự kiện tiêu biểu, nổi bật mang tính chất “sự kiện mốc” trong giai đoạn của Hà Nội mở rộng, được sưu tầm dựa trên các nguồn tài liệu hết sức phong phú đáng tin cậy, có đối chiếu so sánh giữa các nguồn tài liệu có xuất xứ hết sức cụ thể. Dù trung thành với các nguồn sử liệu, song trong quá trình biên soạn trên cơ sở đối chiếu giữa các nguồn sử liệu, nhóm biên soạn đã có chỉnh sửa lại nội dung sự kiện và chú thích những chỗ khác nhau, những điểm chưa chính xác.
Cuốn sách “Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội (Phần bổ sung)” nằm trong Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II” ra đời không chỉ giúp ích cho việc học tập, nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong đó có thủ đô Hà Nội mà còn là nguồn sử liệu quý giá cho những người quan tâm và mong muốn tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội văn hiến. Đồng thời cũng góp phần cung cấp cho các nhà quản lý những vấn đề liên quan đến việc xây dựng và quản lý đô thị của thời kỳ hiện tại.
Cuốn sách ra đời mặc dù rất cố gắng trong quá trình biên soạn, nhưng do thời gian ngắn phải thu thập và xử lý rất nhiều nguồn tư liệu nên nhóm biên soạn cuốn sách không tránh khỏi còn thiếu sót. Cuốn sách ra đời cung cấp cho bạn đọc những sự kiện đã diễn ra.
Đặng Tình
|