|
PGS. Bùi Đình Thanh viết ngày 30/08/2011
1. Công trình biên soạn này nằm trong kế hoạch kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của Nhà xuất bản Hà Nội, có ý nghĩa quan trọng cả về lịch sử và thực tiễn. Theo tôi, việc biên soạn công trình này có hai cái khó: Một là, công trình biên soạn phải làm nổi bật vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Thủ đô thời kỳ hiện đại. Nếu tính từ Cách mạng tháng Tám thành công đến năm 2006 là thời điểm kết thúc nội dung công trình biên soạn thì chúng ta có 61 năm, nhưng thực tế Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ sống và làm việc ở Hà Nội chỉ có 24 năm. Hai là, trong thời gian 61 năm đó, lịch sử dân tộc đã chứng kiến những sự kiện rất quan trọng: hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cùng với hai cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam; thực hiện hai sự nghiệp lớn là đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Nội dung tác phẩm phải thể hiện được vị trí, vai trò của Thủ đô Hà Nội và sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh (kẻ cả về tư tưởng và chỉ đạo thực tiễn) trong bối cảnh lịch sử với nhiều tình huống khó khăn, phức tạp như vậy.
Trước những khó khăn nói trên, tôi đồng ý với nhận xét của tập thể tác giả trong Lời nói đầu: Về căn bản “tập thể tác giả đã có nhiều cố gắng trong sưu tầm tư liệu và biên soạn. Trên cơ sở nguồn tư liệu hiện có, bằng phân tích của các tác giả, quyển sách đã tái hiện các chiều cạnh quan hệ giữa Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội bao gồm cả quan hệ với tư cách nguyên thủ quốc gia cũng như với tư cách một công dân Thủ đô, cả tác động gián tiếp qua tư tưởng lý luận lẫn tác động trực tiếp bằng chỉ đạo cụ thể, cả chiều quan hệ Hồ Chí Minh với Hà Nội và Hà Nội với Hồ Chí Minh”.
2. Để góp phần nâng cao chất lượng công trình biên soạn, tôi xin gợi ra một số ý kiến sau đây:
2.1. Về mặt cấu trúc, tác phẩm được chia thành 5 chương.
Chương I: Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và Hà Nội được chọn là Thủ đô của nước Việt Nam độc lập.
Chương II: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng chế độ mới, củng cố chính quyền cách mạng ở Thủ đô, kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)
Chương III: Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên địa bàn Hà Nội (1954 - 1969)
Chương IV: Chủ tịch Hồ Chí Minh với các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội
Chương V: Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình làm theo tư tưởng và di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Theo tôi, cấu trúc các chương như trên có phần thiếu lôgic. Ở chương III viết về chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Chúng ta biết rằng đế quốc Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam nói chung, đối với Hà Nội nói riêng hai lần: lần thứ nhất từ tháng 8 - 1964 đến tháng 11 - 1968; lần thứ hai từ tháng 4 - 1972 đến 30-12-1972. Chương III chỉ viết về chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, chiến tranh phá hoại lần thứ hai lại để sang chương V. Và giữa hai chương III và V lại xen vào chương IV viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với các tầng lớp nhân dân Hà Nội. Như vậy, hiện thực lịch sử bị cắt khúc, tính lôgic lịch sử không rõ rệt. Vì thế, tôi đề nghị: chương III nên viết đến cuối 1972 và để cho tính liên tục của lịch sử được thể hiện, nên đưa chương V lên thành chương IV. Chương IV viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với các tầng lớp nhân dân Thủ đô được đưa xuống dưới, xem như chương cuối của công trình biên soạn. Như thế hợp lý và lôgic hơn.
2.2. Nhược điểm đáng lưu ý nhất của công trình biên soạn là nhiều sự kiện lịch sử được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, ví như:
- Tình hình đất nước bị chia cắt sau Hiệp định Genève
- Tình hình tiếp quản Hà Nội và tình hình chính trị ở Hà Nội sau khi ta tiếp quản Thủ đô
- Những ngày đầu tiên Hồ Chủ tịch về Hà Nội
- Chống giặc đói, giặc dốt
- Phong trào kết nghĩa Bắc Nam, Hà Nội - Huế - Sài Gòn
- Ngày Bác mất
- Viết về các liên khu phố 1, 2, 3 trong khu XI
Những đoạn nhắc lại qua các chương tôi đã ghi rõ trong bản thảo.
2.3. Cụ thể thêm ở từng chương
Chương II:
- Tr.118: nên nói cụ thể kế hoạch cưỡng ép di cư là do Mỹ đặt ra với tên gọi là Exodees do Tổng giám mục Mỹ Spellman cầm đầu. Spellman là cha nuôi Ngô Đình Diệm.
- Tr.119: về phái đoàn SMM, viết tắt của Sài Gòn - Mili - Tary Mission, Phái bộ quân sự Sài Gòn nên trích dẫn. Tài liệu mật Lầu Năm Góc nói rất cụ thể, chi tiết kế hoạch phá hoại Hà Nội và miền Bắc của tổ chức đó.
Chương IV:
Để cho công trình biên soạn được sinh động nên trích dẫn cảm nghĩ của những nhà trí thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia chính quyền: Nguyễn Mạnh Tường, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Xiển… Công tác vận động trí thức ở Hà Nội qua nhận xét của đồng chí Nguyễn Bắc.
Nên thêm Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ: Hằng Phương, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Thị Kim, Châu Loan, Trần Thị Tuyết… Đưa phần viết về cán bộ miền Nam tập kết, các cháu học sinh miền Nam, các phái đoàn miền Nam ra thăm miền Bắc vào phần này. Bản thảo chưa được xem lại kỹ. Còn nhiều thiếu sót: tên người, phiên âm, văn phòng… Tôi đã mạn phép chữa hoặc đánh dấu để các tác giả xem lại.
|
|
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật viết ngày 30/08/2011
1. Ưu điểm công trình:
- Bố cục: Hợp lý và tương đối cân xứng.
- Nội dung: Trình bày tương đối đầy đủ, hệ thống về Chủ tịch Hồ Chí Minh với thủ đô Hà Nội trên các mặt: Tư tưởng và con người; Vị thế nguyên thủ Quốc gia và vai trò một công dân: Tác động của thể chế và tác động của phi thể chế; Ảnh hưởng khi còn sống và cả khi Người đã mất.
- Tài liệu tham khảo đa dạng, phong phú.
- Phương pháp nghiên cứu và trình bày hợp lý.
* Như vậy, nhìn chung công trình đảm bảo được yêu cầu của Nhà xuất bản và của Hội đồng đặt ra.
2. Một số góp ý để chỉnh sửa trước khi đưa xuất bản
- Chương I:
+ Tên chương chưa phù hợp với nội dung.
+ Nội dung chương 1 hơi lệch về trình bày Lịch sử Đảng bộ TP Hà Nội từ khi Pháp xâm lược đến năm 1945.
+ Cần tập trung vào nội dung chủ đề Hồ Chí Minh với Hà Nội.
- Chương 2:
Nội dung vẫn nặng về trình bày Lịch sử thành phố Hà Nội. Cần chỉnh sửa cho nổi bật chủ đề hơn.
- Chương 3:
+ Một số nội dung trùng với chương 2 như: việc tiếp quản Thủ đô (mục 1, từ tr.137 đến tr.142. Do vậy cần lược bỏ).
+ Nội dung các Đại hội Đảng và Đại hội Đảng bộ Hà Nội trình bày còn dài, nên lược bớt.
- Chương 4: Chương này viết còn nhiều hạn chế, cần biên soạn lại.
+ Văn phong không thống nhất, chỗ trình bày theo văn phong sử học, chỗ trình bày theo dạng miêu tả mang tính văn học. Nhiều chỗ trình bày quá tự do (tr.249 - tr.254…). Câu văn nhiều chỗ không chính xác, mắc nhiều lỗi.
+ Một số mục tên không phù hợp với nội dung (mục 5).
+ Có một số đoạn trùng với các chương trước (tr.295 - 297 nói về Bác Hồ năm 1954).
+ Một số chỗ tư liệu chưa chính xác: tr.249: Bác Hồ vốn là con nhà quan; tr.289: Chính phủ lâm thời 1947 - 1954, đúng là Chính phủ kháng chiến; lẫn lộn giữa Tôn giáo và giáo dân; người Hoa với Hoa kiều v.v…
+ Cần thống nhất dùng Hồ Chí Minh hay Bác Hồ.
+ Các câu nói của Hồ Chí Minh nhiều chỗ không có trích dẫn; v.v…
* Tóm lại: Chương này cần viết lại cho thống nhất cả về bố cục, nội dung, văn phong, tư liệu, nhất là cách trình bày.
- Chương 5: Cần thiết phải có, song nên rút gọn lại, tránh trùng với lịch sử Hà Nội.
3. Kết luận: Để trình bày, làm rõ được Hồ Chí Minh với thủ đô Hà Nội không phải là dễ bởi vì nếu không khéo nội dung sẽ lẫn với lịch sử Hà Nội, lịch sử Đảng bộ Hà Nội. Ghi nhận sự cố gắng và thành công của các tác giả. Theo tôi, công trình có nội dung tốt, đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Tuy vậy cần chỉnh sửa lại một số vấn đề, nhất là chương 4 như đã góp ý để công trình hoàn thiện hơn trước khi đưa xuất bản.
|
|
PGS.TS. Phạm Xanh viết ngày 30/08/2011
Bản thảo Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội do PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc chủ biên, được hoàn thành theo đề cương đã nghiệm thu lần thứ hai và đã được chỉnh sửa ngày 10/10/2007, ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, gồm 5 chương với những cách thể hiện khác nhau, có độ dày gần 400 trang trên khổ giấy quy chuẩn. Sau khi đọc bản thảo, với tư cách người phản biện công trình, tôi xin được nêu một số nhận xét có tính chất chủ quan như sau.
1. Những nhận xét tổng quát
- Đề tài không chỉ có ý nghĩa khoa học, mà còn có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa thực tiễn to lớn. Nó chứa đựng trong đó trách nhiệm lớn lao, tình cảm đầm ấm, sâu sắc của người đứng đầu đất nước đối với đảng bộ, chính quyền và nhân dân của một địa bàn hành chính quan trọng nhất của đất nước Việt Nam và ngược lại. Đó là mối quan hệ hai chiều, liên quan máu thịt với nhau. Nhưng, tên bản thảo mới chỉ thể hiện được một chiều, chủ yếu là chiều Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội. Vì thế, nên chăng lựa chọn một tên có tính chất trung tính đặt cho công trình, chẳng hạn như Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Nếu giữ nguyên tên cũ, chắc chắn không thể tránh khỏi búa rìu dư luận.
- Công trình này chỉ cần 4 chương là thích hợp, không cần chương 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh với các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội, bởi lẽ, chương này chỉ là chi tiết hoá, cụ thể hoá những sự kiện lịch sử đã từng diễn ra và đã được thể hiện trong các chương trước đó. Từ trang 282 đến hết chương 4, trên một mức độ nào đó các sự kiện ở chương này đều đã được phản ánh ở các chương trước đó. Đó là sự trùng lặp không cần thiết. Vả lại, đưa chương 4 vào công trình là phải đưa vào một cách thể hiện khác với ba chương đầu, nghĩa là không nhất quán về cách thể hiện, là điều cấm kỵ trong một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Trên tinh thần đó, cấu trúc công trình như sau:
Chương 1: Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và Hà Nội được chọn là Thủ đô của nước Việt Nam độc lập.
Chương 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng chế độ mới, củng cố chính quyền cách mạng ở Thủ đô, kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chương 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên địa bàn Hà Nội.
Và Chương 4 như chương vĩ thanh: Nhân dân Hà Nội thực hiện Di chúc và tư tưởng của Hồ Chí Minh.
Nhưng nếu đây là công trình mà ý định ban đầu muốn thể hiện quan hệ hai chiều thì không bỏ chương 4 trong bản thảo mà tên chương 4 nên đổi thành Hà Nội với Hồ Chí Minh. Trong chương này tác giả sẽ tái hiện những sự kiện lịch sử phản ánh tình cảm ngưỡng mộ, kính yêu vô hạn của nhân dân Thủ đô đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt trong những dịp sinh nhật Người.
- Đây là một dạng đề tài rất khó thể hiện thành công. Viết thế nào để thể hiện sự cân bằng giữa hai đối tượng - Hồ Chí Minh và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội, là điều mà người viết phải trăn trở, phải tính đến. Nếu ngòi bút quá thiên về Hồ Chí Minh thì công trình sẽ lập tức thành một đoạn tiểu sử của Hồ Chí Minh và ngược lại, nếu nghiêng về Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội thì bỗng nhiên thành lịch sử thành phố Hà Nội hoặc lịch sử Đảng bộ Hà Nội. Đọc ba chương đầu tôi có cảm giác là các tác giả đã quá nghiêng về viết lịch sử Đảng cộng sản Thành phố Hà Nội. Tôi sẽ chỉ ra những thiên lệch đó trong từng chương ở phần nhận xét cụ thể trong từng chương sau đây.
- Từ tháng 8/1945 đến cho đến khi Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng, cứ vào dịp sinh nhật Người, nhân dân Thủ đô Hà Nội cùng với nhân dân cả nước, kể cả những vùng bị địch tạm chiếm và những nơi khốc liệt nhất như những nhà tù của đế quốc thực dân, đều diễn ra các phong trào thi đua lập công, lập thành tích dâng lên Người, hầu như chưa được phản ánh trong công trình này, mà lẽ ra đó chính những điểm nhấn hay nhất thể hiện sâu đậm tình cảm của nhân dân đối với vị lãnh tụ kính yêu của mình.
- Bản thảo là sự lắp ghép các chương, các đề mục của nhiều người viết lại với nhau, vì thế trong bản thảo biểu hiện khá rõ nhiều phương pháp, nhiều cách thể hiện. Vai trò chủ biên chưa được thể hiện nhiều trong tập bản thảo này.
2. Những nhận xét trong từng chương
Chương 1: Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và Hà Nội được chọn là thủ đô của nước Việt Nam độc lập từ trang 1 đến trang 42 với 2 đề mục: Ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng và hoạt động của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với phong trào cách mạng Hà Nội và Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Hồ Chí Minh, Đảng và Quốc hội chọn Hà Nội là thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhìn chung, viết chương này quá nghiêng về lịch sử Thành bộ Hà Nội và khai thác quá nhiều những sự kiện trong tiểu sử Hồ Chí Minh mà có thể nét vào sách Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam ở mọi cấp độ, từ trung ương đến địa phương, đều có thể được chấp nhận, nếu bệnh cẩu thả và tính dễ giải ngự trị. Chẳng hạn, từ trang 7 đến trang 9 (3 trang) dành nói về nội dung cuốn Đường kách mệnh. Quá dài, không cần thiết. Trong khi đó không biết khai thác những chi tiết rất đắt liên quan đến tác phẩm này của Nguyễn Ái Quốc như ai là người đầu tiên đưa cuốn sách này về Hà Nội và Hội viên Thanh Niên Hà Nội đã tổ chức nối bản Đường Kách mệnh và báo Thanh Niên của Nguyễn Ái Quốc như thế nào. Và các tác giả cũng không thấy được tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Ái Quốc trong việc lựa chọn Hà Nội (Bắc Kỳ) cùng với Vinh (Trung Kỳ) và Sài Gòn (Nam Kỳ) xây dựng ba trung tâm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở trong nước khi cử 6 chiến sĩ tiên phong, chia thành 3 cặp (ở Hà Nội là hai chú cháu Nguyễn Công Thu và Nguyễn Danh Thọ) về ba địa bàn trọng yếu đó hoạt động. Có các chi bộ Thanh niên Hà Nội mới có các chi bộ Thanh niên các địa phương khác ra đời như Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh... Tính chất lan toả của Thủ đô Hà Nội được thể hiện đậm nét ở đây.
Ở chương 1, ngoài vấn đề đã nêu ở trên còn có một số sai phạm về kiến thức lịch sử cũng như sử dụng phương pháp liên tưởng không đúng. Tại trang 1, đoạn cuối từ “Tuy nhiên...” cho đến hết trang có mấy sai sót sau: thời này không nên dùng khái niệm vùng là miền Bắc mà nên dùng là Bắc Kỳ. Không thể đánh giá cuộc viễn chinh Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873 - 1874) của thực dân Pháp là thất bại. Pháp thắng, vì chúng buộc triều đình Huế ký Hiệp ước Giáp Tuất công nhận sự thống trị của chúng trên toàn bộ miền Lục tỉnh giàu có, chúng mới trả Hà Nội cho nhà Nguyễn. Câu “Đáp lại lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc...” sang khổ đầu trang 2 không chỉ tối nghĩa trong diễn đạt, mà còn sai về nội dung sự kiện. Cuộc Viễn chinh Bắc Kỳ lần thứ hai (1882 - 1883) dẫn tới việc ký Hiệp ước Hác Măng 1883 chứ không phải Hiệp ước Patơnot 1884. Phải viết chính xác là: “Hà Nội trở thành Thủ phủ của Liên bang Đông Dương gồm 6 xứ là Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cămpuchia, Lào và Quảng Châu Loan”.
Tại trang 17, đoạn từ “ Hội nghị hợp nhất.... đến ngày 7-2-1930”, viết như vậy là không chính xác, vì khi nói tới khung thời gian diễn ra Hội nghị hợp nhất trên một tháng thì không chỉ họp trong nhà một công nhân ở Cửu Long, mà họp ở nhiều địa điểm khác nhau ở Hồng Kông.
Khi viết lịch sử, người ta có thể sử dụng thủ pháp liên tưởng trong văn học để khắc hoạ một sự kiện. Dùng thơ Chế Lan Viên giúp người đọc liên tưởng tới sự kiện Người về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam là hay nhưng quá dài, chỉ nên sử dụng 4 câu sau cùng. Tiếp đó, tác giả đưa bài thơ Pắc Bó hùng vĩ của Hồ Chí Minh vào đây là gượng ép, không thích hợp. Lúc ấy, người Hà Nội không ai biết Người về Pắc Bó, và lại càng không ai biết bài thơ trên của Người.
Từ trang 28 đến hết chương 1, tác giả viết quá chung chung về Hồ Chí Minh với những sự kiện liên quan đến thời cơ và tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội mà có thể nét vào những cuốn lịch sử cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 ở bất kỳ một địa phương nào cũng có thể được, trong khi đó những nhân vật Hà Nội đi đự Đại hội Đảng toàn quốc và Quốc dân Đại hội Tân Trào, lần đầu tiên được thấy Người lại không được đưa vào công trình, chắc nhóm tác giả không có tư liệu về vấn đề này.
Chương 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng chế độ mới, củng cố chính quyền cách mạng ở Thủ đô, kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) từ trang 43 đến trang 134 cũng là chương viết không thành công, nặng về lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp ở Hà Nội và một đoạn (1945 - 1946) trong tiểu sử Hồ Chí Minh hơn là nội dung như tên chương đã đặt ra trong sách. Phải dũng cảm lược bỏ những gì chung chung mà có thể đưa vào sách nào cũng được. Cùng với những khuyết tật trên, đây đó trong chương còn có những sự kiện lịch sử phản ánh không khách quan, không đúng. Chẳng hạn, ở trang 48 và trang 49, viết về sự kiện Hà Ứng Khâm, Tổng tư lệnh quân đội Trung Hoa Dân Quốc và Mác Clơrơ, chứ không phải là Mắc Lơrơ như viết trong bản thảo, chỉ huy lục quân Mỹ ở Trung Hoa đến Hà Nội là thay mặt Đồng Minh tiếp nhận sự giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra được tổ chức tại Hà Nội, chứ không phải với mưu đồ “diệt cộng, cầm Hồ” như bản thảo viết. Viết như vậy là không khách quan. Tiếp đó là câu viết nghiêng Nhân dân Thủ đô Hà Nội.... đồng bào miền Nam, nên viết lại cho đúng là Nhân dân Thủ đô Hà Nội chi viện cho đồng bào miền Nam kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chương 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên địa bàn Hà Nội (1954-1969) từ trang 135 đến trang 231. Lẽ ra đây là chương dễ viết hay hơn cả, bởi lẽ, trong khoảng thời ngắn hơn 10 năm ấy, Hồ Chí Minh sống gần gũi và gắn bó với nhân dân Hà Nội nhiều hơn bất cứ địa phương nào trên cả nước. Đây cũng là thời kỳ duy nhất trong lịch sử thủ đô có sự đan xen giữa hoà bình và chiến tranh, giữa sống và chết, giữa bi và hùng, nghĩa là một bối cảnh lịch sử đầy xúc động, đầy những nghịch lý. Vậy mà khi đọc chương này người đọc vẫn cảm nhận một cách rõ nét nó là một phần lịch sử Hà Nội, một phần lịch sử Đảng bộ Hà Nội, chứ không phải một phần lý trí và tình cảm của Hồ Chí Minh dành cho Thủ đô Hà Nội. Điều đó ta có thể bắt gặp trên những trang viết trong chương như từ trang 167 đến trang 170 dành nói về Đại hội Đảng lần thứ ba hoặc các tên đề mục như 2.2 Thủ đô chi viện chiến trường miền Nam; 2.3. Chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ Thủ đô, sơ tán, bảo vệ nhân dân...
Chương 5: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội làm theo Di chúc và tư tưởng Hồ Chí Minh từ trang 313 đến trang 380. Đây là chương viết thành công hơn cả khi bản thảo đã bám sát bốn ý rất quan trọng trong Di chúc và trong tư tưởng của Người là đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước và xây đựng thành phố đàng hoàng hơn, to đẹp hơn sau khi kết thúc chiến tranh và đi đầu trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động hội nhập quốc tế trong tiến trình toàn cầu hoá.
3. Kết luận chung
Như trên đã nói, đây là một dạng đề tài rất khó viết. Tập thể tác giả dưới sự chỉ đạo của PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, đã có nhiều nỗ lực tìm tòi cách thể hiện và trong chừng mực nào đó, đã thành công trong một số trường đoạn. Nhưng để công trình có thể ra mắt được bạn đọc, nhất là bạn đọc yêu mến Hà Nội, tập thể tác giả còn phải gia công nhiều hơn nữa cho bản thảo, đặc biệt phải dũng cảm lược bỏ những gì không liên quan nhiều đến đề tài, thì công trình mới hoàn thiện. Người nhận xét hy vọng nhiều vào vai trò của người chủ biên, PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc. Chúc tập thể tác giả thành công.
|
|
PGS.TS. Trịnh Vương Hồng viết ngày 18/08/2011
Đề tài “Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội” là một đề tài mang tính chính trị cao. Tôi tán thành chủ trương của Nhà xuất bản Hà Nội đưa đề tài vào cơ cấu của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Tôi đã đọc kỹ bản đề cương do PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc xây dựng, còn có một số điểm cần trao đổi với tác giả như sau:
Đề cương được xây dựng chi tiết, cụ thể, những vấn đề cần giải quyết được nêu ra rất đầy đủ nhưng tác giả cần chốt được những điểm nhấn về vai trò của Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội.
Về bố cục của đề tài như đề cương xây dựng sẽ rất dễ trùng lặp. Ví dụ: chương 2: Bác Hồ với quá trình xây dựng và bảo vệ Thủ đô đến phần III chương 1 từ 1969 đến nay cũng là xây dựng và bảo vệ. Về tình cảm của nhân dân Thủ đô đối với Bác đề nghị sắp xếp theo trình tự thông thường: công, nông, binh, trí thức… Mỗi đối tượng Bác nói cái gì cần nêu được cái tiêu biểu, chính xác không chung chung. Bố cục, trình tự trong miêu tả cần liền mạch không nên để rối. Trong đề cương đang từ nội dung xây dựng chuyển sang bảo vệ rồi lại quay về xây dựng. Tác giả cần cân nhắc, xây dựng lại bố cục cho logic, thống nhất hơn. Như vậy, hệ thống tư liệu sẽ được xử lý có hệ thống hơn, không bị thiếu cũng không để sót.
Về nội dung của Phần II: giai đoạn từ năm 1945 - 1954, thời kỳ 1945 - 1946, năm đầu sau cách mạng tháng Tám không đề cập đến nội dung kháng chiến. Thực tế, trong giai đoạn này Bác Hồ rất tích cực chỉ đạo kháng chiến và đến tháng 12/1946, Bác ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Điều này, không chỉ thể hiện tầm nhìn của vị lãnh tụ mà còn liên quan thiết thực đến nội dung cuốn sách. Thủ đô Hà Nội khi đó là địa phương quan trọng trong việc chuẩn bị: đưa máy móc, con người lên các an toàn khu… Về tình cảm của nhân dân Thủ đô đối với Bác, không nên chỉ viết riêng ngày 10/10 (ngày giải phóng Thủ đô) mà nên mở rộng ra Hà Nội với Hồ Chí Minh từ ngày giải phóng. Như thế sẽ đảm bảo được nội dung bao quát hơn, đầy đủ hơn.
Một số vấn đề về câu chữ tác giả cần xem xét lại.
+ Đề nghị thay chữ “tham gia” bằng “chỉ đạo” trong bản đề cương để xứng tầm với Bác Hồ.
+ Thay chữ: “Nghĩ về…” bằng một từ sang trọng phù hợp với Bác hơn.
+ “Kìm chân địch tại Hà Nội” thay cho “trong lòng Hà Nội”, Hồ Chí Minh với việc chỉ đạo, Hồ Chí Minh tiếp quản Hà Nội nên viết cách khác sang trọng hơn (đúng mức, tinh tế).
|