|
PGS.TS. Trần Thị Vinh viết ngày 31/08/2011
Tập bản thảo sách“Vương triều Lý (1010-1225)” do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc làm chủ biên đã hoàn thành với dung lượng 705 trang, là tập bản thảo rất cần thiết cho độc giả khi tìm hiểu về Vương triều Lý cũng như Thời đại nhà Lý, một vương triều mở đầu cho sự phát triển thịnh trị dài lâu của quốc gia Đại Việt. Mặc dù nhiều năm qua đã có không ít xuất bản phẩm viết về Vương triều Lý, nhưng cách thể hiện của tập sách này khác hơn nên có thể có tính phục vụ hơn.
Tập bản được cấu trúc gọn và hợp lý hơn đề cương soạn thảo vào tháng 4 năm 2010. Gồm 2 phần. Phần một viết về Các triều vua nhà Lý và Sự nghiệp của vương triều Lý (có 4 chương), trong đó có thêm thư mục về Các công trình, các bài báo khoa học viết về Vương triều Lý. Phần hai : Tuyển chọn một số công trình viết về Vương triều Lý. Cấu trúc của cuốn sách như vậy về đại thể là hợp lý.
Nội dung của toàn bộ cuốn sách nhìn chung được nhóm biên soạn soạn thảo kỹ lưỡng theo kết quả nghiên cứu mới nhất của giới khoa học về Vương triều Lý trong những năm gần đây.
Lời giới thiệu được GS. chủ biên thể hiện theo đúng tinh thần nội dung của cuốn sách với những lời lẽ vừa tâm huyết vừa tinh tế.
Ngoài 2 chương giữa miêu tả chi tiết về chân dung tám vị vua ở hai thời kỳ: thịnh đạt và suy vi của nhà Lý, thì hai chương đầu và cuối cũng được tập thể các nhà khoa học bỏ khá nhiều công sức khảo cứu và biên soạn. Ví dụ chương I : Lý Thái Tổ – Khai sáng vương triều, định đô Thăng Long. Mục: Nguồn gốc dòng họ và quê hương Lý Công Uẩn đã được nhóm tác giả khảo cứu và biên soạn khá kỹ dựa trên kết quả nghiên cứu mới nhất gần đây. Các bộ sử gốc, các nguồn dã sử được đưa ra chứng minh rất khoa học, kể cả những sách của các tác giả Trung Quốc viết về nguồn gốc Lý Công Uẩn cũng được phân tích khá tỉ mỉ. Đặc biệt nhóm tác giả đã đưa ra được ý kiến của mình nghiêng về khả năng cha Lý Công Uẩn là người Mân từ phúc Kiến (Trung Quốc), mặc dù trong quá trình dẫn dắt vấn đề những ý kiến phản bác của các nhà khoa học Việt nam về vấn đề này cũng được nêu ra. Hoặc ý kiến về quê nội và quê ngoại của Lý Công Uẩn đến đây cũng đã được làm sáng tỏ thêm. Tôi đánh giá cao phần biên soạn này của chương I.
Tuy nhiên, trong phần này, về ngày sinh của Lý Công Uẩn, được nêu trong 3 nguồn tài liệu là Việt Sử lược, Toàn thư và một sách của Trung Quốc thì có chênh nhau về ngày sinh( 5 ngày- tài liệu Việt Nam), ngày, tháng và năm sinh ( 14-1-984 -tài liệu Trung Quốc). Vậy trong cuốn sách này nên lấy mốc nào và từ sách nào.
Mục 2.2. Tổ chức vương triều dưới thời Lý Thái Tổ có chỗ trùng với Mục: 1. Thiết lập thể chế trung ương tập quyền, củng cố thống nhất quốc gia của chương IV. Về Tổ chức vương triều thời Lý Thái Tổ thì Tổ chức triều đình Trung ương trình bày sơ sài, chưa đủ, trong khi đó Tổ chức chính quyền ở các địa phương thì trình bày quá kỹ đến mức vượt qua cả thời Lý Thái Tổ đến hết vương triều Lý. Phần viết này nên cân nhắc với Mục: 1. của chương IV để trình bày cho nhuần nhuyễn hơn vừa không bị trùng nhau lại vừa thể hiện đúng những việc làm trong thời vua Lý Thái Tổ. Cả những ý khác trong mục này nữa cũng phải cân nhắc với mục 1 chương IV.
Chương IV, Mục 1. Được biên soạn uyển chuyển dựa trên kết quả nghiên cứu của người biên soạn cũng như của người khác. Tuy nhiên, phần chính quyền cấp địa phương cần trrình bày kỹ hơn giống của mục 2.2. chương III thì ở đây lại viết sơ lược quá. Hai mục này cần có sự kết hợp về cách trình bày.
Một số chỗ viết nên lưu ý một vài chi tiết cho chuẩn mực. Ví dụ : Không ai nói vua Lý Công Uẩn( 2 chỗ, tr. 50) mà là vua Lý Thái Tổ.
Các mục khác trong chương IV cần rà soát lại về lỗi kỹ thuật.
Phần Tuyển chọn một số công trình viết về Vương triều Lý. Gồm 30 công trình của các nhà khoa học. Do tiêu chí tuyển chọn là không chọn những bài viết có nội dung trùng với nội dung chính của cuốn sách nên chỉ tuyển chọn như vậy là được, chứ thực ra cũng vẫn còn có những bài viết khác có ý kiến mới cần tuyển chọn. Nhưng đó là quyền của ban tuyển chọn.
Phần thư mục Các công trình, các bài báo khoa học viết về Vương triều Lý nên chuyển xuống cuối sánh thì hay hơn chứ không nên để giữa như vậy. Phần thư mục này rất cần cho nhiều người.
Sách nên chia làm 2 phần : Biên soạn và Tuyển chọn như thể hiện trong nội dung bản thảo. Tên cụ thể từng phần, nhóm biên soạn nên bàn và đặt cho phù hợp.
Kết luận: Nhìn chung tập bản thảo “Vương triều Lý (1010-1225)” do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc làm chủ biên là tập bản thảo rất có giá trị về nội dung khoa học, đ¬ược nhóm biên soạn thực hiện khá tốt. Tập bản thảo được công bố chắc chắn sẽ mang tính phục vụ cao trong dịp Đại lễ nghìn năm Thăng long- Hà Nội. Sau khi chỉnh sửa một số chỗ cần thiết, bản thảo nên sớm được xuất bản để sử dụng rộng rãi.
|
|
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi viết ngày 31/08/2011
1. Sáu tháng trước, vào ngày 16-01-2010, bản đề cương chi tiết “Vương triều Lý (1009 - 1226)” đã được Hội đồng thông qua. Hôm nay, tập bản thảo với 705 trang được hoàn thiện. Tập bản thảo này mà nội dung của nó đã tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của Hội đồng trong lần nghiệm thu đề cương.
2. Về bố cục sách đã có chỉnh sửa theo góp ý của lần họp trước, theo đó, bố cục gọn, rõ ràng, tránh được trùng lặp nhỏ. 4 chương hợp thành bản thảo sách “Vương triều Lý (1009 - 1226)” như sau:
Chương Một: Lý Thái Tổ (1009 - 1028): Khai sáng vương triều, định đô Thăng Long.
Chương Hai: Từ Lý Thái Tông đến Lý Anh Tông (1028 - 1175): Thời kỳ hưng thịnh của vương triều.
Chương Ba: Các triều vua trong 50 năm cuối của vương triều (1176 - 1225).
Chương Bốn: Sự nghiệp vương triều Lý. Trong chương này còn có “Tuyển chọn một số công trình viết về vương triều Lý” với 30 bài viết gồm đủ các vấn đề về triều Lý.
Nội dung của 4 chương với 346 trang do tập thể các tác giả viết như nêu trên, theo tôi là kỹ, đầy đủ cộng thêm phần tuyển chọn 30 bài rất hay với 326 trang là cân đối.
Với những gì thể hiện trong tập bản thảo này cho thấy những nỗ lực và thái độ làm việc nghiêm túc của tập thể các tác giả.
3. Bản thảo trình bày cẩn thận, rõ ràng.
4. Tuy nhiên cần sửa: trang 2 - mục lục - bài của Insun Yu: “Luật pháp triều Lý… và sự ảnh hưởng của nó tới hình luật triều Lê, chứ không phải “thời hình luật nhà Lê”.
- Trang 570: Tống Trung Tín chứ không phải Tung Tín.
- Trang 673, nên thay các ô vuông bằng chữ Hán.
- Trang 677, chuyển đầu đề bài “Thương cảng Vân Đồn…” sang trang sau.
5. Kết luận, theo tôi, sau nhiều nỗ lực đáng khâm phục của nhóm biên soạn dưới sự chỉ đạo của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, tập bản thảo sách “Vương triều Lý (1009-1226)” đã hoàn thiện và nên in khẩn trương.
|
|
PGS.TS. Lê Đình Sỹ viết ngày 31/08/2011
1. Vương triều Lý (1009-1226) là vương triều phong kiến tiến bộ, có nhiều đóng góp trong lịch sử Việt nam. Đó là giai đoạn phát triển thịnh trị của lịch sử dân tộc, mở đầu giai đoạn phục hưng đất nước toàn diện và mạnh mẽ, mở ra thời kỳ văn minh Đại Việt với nền văn hóa Thăng Long rực rỡ. Chính vì lẽ đó, chúng tôi cho rằng, tập sách "Vương triều Lý (1009-2006)" với mục tiêu như trình bày trong đề cương và thuyết minh đề tài là rất cần thiết. Đây sẽ là ấn phẩm khoa học thiết thực góp phần hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
2. Về cơ bản tôi đồng ý với đề cương tập sách. Nội dung đề cập trong tập sách sẽ phản ánh khá toàn diện những cống hiến to lớn của vua Lý Thái Tổ, của vương triều Lý và quân dân Đại Việt trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao..., đặc biệt là việc định đô Thăng Long, mở ra một thời kỳ phát triển mới về kinh đô - thủ đô của nước Đại Việt, tạo nên truyền thống Thăng Long - Hà Nội một nghìn năm qua. Với đề cương này, tôi tin rằng nhóm biên soạn vừa kế thừa được những thành quả tốt đẹp của Hội thảo khoa học "Một nghìn năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long", vừa có những đóng góp mới khi đề cập các vấn đề trong các chương ở phần I. Tập sách sẽ là sự hệ thống toàn diện, phản ánh được đầy đủ những thành quả nghiên cứu mới nhất về vương triều Lý của các học giả trong và ngoài nước.
3. Theo tôi nên gộp chương 3 và chương 4 làm một, lấy tiêu đề chung là: "Tám triều vua thời Lý" (hoặc Tám đời vua triều Lý), không nên phân biệt thịnh đạt với suy vi, mà sự thịnh đạt hay suy vi đó sẽ được phản ánh trong việc trình bày lịch sử của mỗi đời vua Lý.
4. Tôi hy vọng tập sách được tiến hành khẩn trương để kịp xuất bản phục vụ bạn đọc trước Đại lễ kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
|
|
PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế viết ngày 31/08/2011
1. Nhất trí với Mục đích, ý nghĩa của việc công việc tổ chức cuốn sách này như chính tác giả viết:
“ Vương triều Lý (1009 - 1226) là một trong những ấn phẩm khoa học thiết thực hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tập sách giúp cho các nhà nghiên cứu cùng đông đảo bản đọc hiểu rõ hơn, khách quan và toàn diện hơn những cống hiến to lớn của vua Lý Thái Tổ, của vương triều Lý và quân dân Đại Việt trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hoá. Đặt nền tảng cho nền văn minh Việt Nam với trung tâm là kinh đô Thăng Long tiếp tục phát triển và toả sáng.
Và để thể hiện rõ mục đích về ý nghĩa đó, tập sách hướng vào các nội dung:
1. Lý Thái Tổ sáng lập vương triều
2. Các triều vua thời kỳ phát triển thịnh đạt, suy vi
3. Những đóng góp nổi bật của vương triều Lý trong tiến trình lịch sử Việt Nam
4. Tuyển chọn bài nghiên cứu về Vương triều Lý
Về chủ nhiệm do GS.TS Nguyễn Quang Ngọc- Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội là tin cậy về năng lực, uy tín đặc biệt là trách nhiệm trước công việc, với khoa học, với Thủ đô..
Các đối tác :
GS. Phan Huy Lê Hội KH Lịch sử Việt Nam
2 - PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ - Đại học Quốc gia Hà Nội
3 - ThS Nguyễn Ngọc Phúc - Đại học Quốc gia Hà Nội
4 - ThS Phạm Đức Anh - Đại học Quốc gia Hà Nội
5 - ThS Vũ Đường Luân - Đại học Quốc gia Hà Nội
6 - ThS Tống Văn Lợi - Đại học Quốc gia Hà Nội
7- ThS Đỗ Hương Thảo - Đại học Quốc gia Hà Nội
8 - ThS Đinh Thuỳ Hiên - Đại học Quốc gia Hà Nội
9- ThS Nguyễn Thị Hải - Đại học Thái Nguyên
Là đúng người đúng việc.
Tài liệu tham khảo vừa đủ, cần thiết, cập nhật, không khoe mẽ - điều mà không phải cuốn sách nào hiện nay cũng thực hiện.
2. Về đề cương cuốn sách
Chương 1: Lý Thái Tổ sáng lập vương triều
1. Nguồn gốc dòng họ và quê hương nhà Lý.
1.1 Nguồn gốc dòng họ
1.2 Quê hương nội ngoại
1.3 Những năm tháng thuở thiếu thời
1.4 Điều kiện và những tác động hình thành nhân cách Lý Thái Tổ
2. Thành lập vương triều và định đô Thăng Long
2.1 Qua trình vận động thành lập vương triều Lý
2.2 Tổ chức vương triều dưới thời Lý Thái Tổ
2.3 Chiếu dời dô. Lộ trình dời đô của Lý Thái Tổ
2.4 Kinh đô Thăng Long thời Lý
3. Sự nghiệp của Lý Thái Tổ
3.1 Chính trị, ngoại giao
3.2 Kinh tế, xã hội
3.3 Văn hoá
3.4 Đánh giá chung sự nghiệp của Lý Thái Tổ
Việc dành hoàn toàn chương đầu tiên. và 1/3 dung lượng cấu trúc cuốn sách về đức Lý Công Uẩn khống phải chỉ trong dịp kỷ niệm 1000 năm đâu mà là cần thiết, đúng đắn, hợp lý, khách quan cả về khoa học lẫn nhân tâm của mọi người.
Chương 2: Các triều vua thời kỳ phát triển thịnh đạt
1. Lý Thái Tông (1028 - 1054)
2. Lý Thánh Tông (1054 - 1072)
3. Lý Nhân Tông (1072 - 1127)
4. Lý Thần Tông (1128 - 1138)
5. Lý Anh Tông (1138 - 1175)
Chương 3: Các triều vua thời kỳ suy vi
1. Lý Cao Tông (1176 - 1210)
2. Lý Huệ Tông (1211 - 1224)
3. Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1226)
Chương 4: Sự nghiệp vương triều Lý
4.1 Xây dựng chính thể tập trung, củng cố quốc gia thống nhất
4.2 Tổ chức kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc
4.3 Ngoại giao, nâng cao vị thế đất nước trong khu vực
4.4 Xây dựng và phát triển kinh tế
4.5 Khai mở nền văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt.
Kết luận
Tôi chỉ góp ý về cách bố cục vì e khi triền khai cụ thể mới bộc lộ cái khó viết và trùng lặp.
Thứ nhất: Với Chương 1: các mục là hoàn toàn đúng, cần thiết.
Nhưng chương 1 đặt mục 2.4 Kinh đô Thăng Long thời Lý vào mục 2 Thành lập vương triều và định đô Thăng Long thì e rằng vừa vượt qua khuôn khổ của mục này vì kinh đô thời Lý là sản phẩm của trên 200 năm vương triều Lý, từ Lý Công Uẩn, qua các thời vua thịnh trị và giai đoạn suy vi chứ. Mặt khác mục 3 có tên là Sự nghiệp của Lý Thái Tổ về bản chất là bao gồm cả mục 2 thậm chí mục 2 là nội dung nổi bật nhất tạo thành tầm vóc Lý Công Uẩn, đặt tên mục 3 tạo thành cảm giác là tách ra việc lên ngôi, thành lập vương triều, định đô .
Thứ hai: Theo ý của cá nhân tôi, toàn bộ nội dung chương 4 với các nội dung Xây dựng chính thể tập trung, củng cố quốc gia thống nhất, Tổ chức kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc, Ngoại giao, nâng cao vị thế đất nước trong khu vực, Xây dựng và phát triển kinh tế; Khai mở nền văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt nên triển khai thành 3 chương thay thế cho 2 chương thuần tuý theo biên niên sử. Còn về biên niên các thời thịnh đạt dành cho phụ lục hay kiểu gì đó thì dễ theo dõi hơn, còn các nội dung chương 4 sẽ phải lắp lại 2 chương kia.
Kết luận
Nhất trí hoàn toàn tổ chức tinh thần nội dung bản thảo, còn từ nội dung như trên bố trí chương thế nào cho hợp lý thì quyền của chủ nhiệm.
|
|
PGS.TS. Trần Thị Vinh viết ngày 31/08/2011
Vương triều Lý là một trọng tâm quan trọng trong chương trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, vì vậy Nhà xuất bản Hà Nội đã đưa tập bản thảo “Vương triều Lý (1009-1226)” do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc làm chủ nhiệm vào hệ thống đề tài thuộc dự án Tủ sách “Thăng Long nghìn năm văn hiến” là rất cần thiết, mặc dù nhiều vấn đề nghiên cứu về Vương triều Lý mấy năm gần đây đã được công bố khá nhiều.
Bố cục của cuốn sách Vương triều Lý dự định xuất bản được chủ nhiệm đề tài vạch ra trong đề cương gồm 2 phần :
Phần I : (chưa có tiêu đề), nội dung gồm 4 chương:
- Lý Thái Tổ sáng lập vương triều Lý
- Các triều vua thời kỳ phát triển thịnh đạt
- Các triều vua thời kỳ suy vi
- Sự nghiệp vương triều Lý
Phần II : Tuyển chọn một số công trình nghiên cứu về Vương triều Lý
Kết cấu bố cục như vậy là ổn vì cuốn sách sẽ vừa hàm chứa được những nội dung cơ bản mới nghiên cứu về vương triều Lý lại vừa tập hợp công bố thêm được một số công trình nghiên cứu khác đã công bố về vương triều Lý, tiện lợi cho người sử dụng.
Phần I, ngoài chương 1 và chương 4 nói về việc Lý Thái Tổ sáng lập Vương triều Lý và Sự nghiệp của vương triều Lý còn có 2 chương nói riêng về Các vị vua Lý thời kỳ phát triển thịnh đạt và Các vị vua Lý thời kỳ suy vi, như vậy sẽ làm cho cuốn sách phong phú hơn. Nhưng, chương 2 và 3 chưa thấy đề cương nói rõ là sẽ đề cập tới vấn đề gì, nếu chỉ trình bày về tiểu sử của các vị vua thì nên đặt xuống dưới chương Sự nghiệp vương triều Lý thì hợp lý hơn. Và mục 2.4.(chương 1) Kinh đô Thăng Long thời Lý, đặt ở chương Lý Thái Tổ sáng lập vương triều thì cũng chưa hợp lẽ lắm. Mục này chỉ nên trình bày riêng về Kinh đô Thăng Long dưới thời vua Lý Thái Tổ thôi, vì sau khi Lý Thái Tổ kiến lập kinh thành Thăng Long thì vua Lý Thái Tông sau đó vẫn còn tiếp tục mở rộng và xây dựng rất nhiều những công trình khác trong kinh thành với qui mô lớn hơn và dưới các triều vua khác, như thời vua Lý Nhân Tông kinh thành vẫn còn tiếp tục được sửa chữa.
Phần II : Tuyển chọn một số công trình nghiên cứu về vương triều Lý. Phần này chưa được cụ thể hoá trong đề cương nên chưa rõ ý định của đề tài sẽ tuyển chọn loại công trình nghiên cứu nào, trong Sách, Kỷ yếu hội thảo hay các bài viết trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử.
Nhận xét chung : Việc NXB Hà Nội đưa bản thảo cuốn Vương triều Lý vào chương trình Tủ sách “Thăng Long nghìn năm văn hiến” là rất cần thiết và Đề cương cuốn sách được GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc xây dựng về cơ bản là tốt và đầy đủ, tuy nhiên vẫn cần phải cụ thể hoá các hạng mục công việc để việc triển khai sẽ tốt hơn và sẽ nâng cao tính phục vụ của công trình.
|
|
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi viết ngày 31/08/2011
1. Việc nghiên cứu và tuyển chọn các kết quả nghiên cứu tiêu biểu về Vương triều Lý không chỉ có ý nghĩa là cho ra mắt một chuyên khảo với những kết quả nghiên cứu mới mà còn nhằm mục đích chung tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy, thực hiện được tập sách này là hết sức thiết thực và có ý nghĩa cho giới sử học và Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội.
2. Tôi nhất trí về các nội dung của tập sách, theo đó nội dung sách có hai phần chính.
Phần I có 4 chương như đề cương nêu ra.
Phần II: Tuyển chọn các công trình nghiên cứu về vương triều Lý.
Với hai phần như trên cho một cuốn sách, theo tôi là khá đồ sộ. Tôi e rằng số trang bản thảo sách phải lên tới 700, 800 trang chứ không phải 550 trang như dự kiến.
3. Cấu trúc của phần I gồm 4 chương, trong đó, chương 1 tập trung về triều vua sáng lập vương triều - Lý Thái Tổ với 3 tiết là quá chi tiết. Trong đó nếu tiết thứ 3 - Sự nghiệp của vua Lý Thái Tổ gồm: Chính trị, ngoại giao; Kinh tế, xã hội; Văn hóa là đầy đủ nhưng nếu không khéo thì sẽ trùng sự nghiệp của một ông vua với sự nghiệp của vương triều thời gian đó như nội dung của chương IV.
Phần thứ II: Tuyển chọn một số công trình nghiên cứu về Vương triều Lý mặc dù chưa thể hiện chi tiết trong đề cương nhưng tôi có thể hình dung là cũng khá nhiều. Chỉ riêng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử cũng đã có thể làm được một cuốn. Nên theo tôi cần cụ thể hơn nội dung tuyển chọn.
4. Kết luận, tôi hoàn toàn tán thành bản đề cương sách “Vương triều Lý (1009-1226)” do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc làm chủ biên. Chỉ với 6 tháng để hoàn thành cuốn sách quan trọng này, tôi nghĩ là GS. chủ biên và tập thể biên soạn chắc chắn sẽ rất vất vả, nhưng tôi hiểu rằng, công việc này đã từng bước được thực hiện trong năm qua. Trên Tạp chí NCLS cũng vừa đăng một số bài về quê hương và thân thế của vua Lý Thái Tổ. Tôi hy vọng sách sớm được xuất bản để phục vụ bạn đọc tìm hiểu về Vương triều Lý.
|