|
PGS.TS. Vũ Văn Quân viết ngày 22/08/2011
Trong cơ cấu mảng sách lịch sử Thăng Long - Hà Nội, việc trình bày về thời kỳ tiền Thăng Long có môt vị trí, một ý nghĩa riêng và không kém phần quan trọng. Điều này sẽ đem đến một cái nhìn hệ thống về toàn bộ quá trình lịch sử của thành phố đồng thời là cơ sở để luận giải nhiều vấn đề của lịch sử Thăng Long - Hà Nội về sau này.
Cấu trúc cuốn sách về cơ bản bám sát vấn đề theo lịch đại (dù nhìn dưới bất kỳ góc độ nào thì đây trước sau vẫn phải coi là cuốn sách về lịch sử Thăng Long - Hà Nội). Đồng thời, tác giả đã vượt qua được sự ràng buộc bởi không gian hành chính hiện đại mà trình bày vấn đề trong một không gian rộng lớn hơn. Điều này đúng ở cả hai phương diện: một ranh giới hành chính mới xác lập không phải là một ranh giới lịch sử và văn hoá - nhất là khi ta ngược dòng thời gian tới hàng ngàn năm và, càng đúng với thời tiền Thăng Long - mà phần nhiều là thời tiền sử và sơ sử như cuốn sách này.
Tác giả là người am tường về tiền sử, sơ sử học Việt Nam - Đông Nam Á và thế giới. Với thế mạnh này, khi đi vào trường hợp cụ thể là Thăng Long - Hà Nội, cuốn sách vừa phản ánh được sắc thái riêng của mảnh đất - vùng đất Thăng Long - Hà Nội vừa nhìn nó trong cái nhìn so sánh với toàn bộ châu thổ Bắc Bộ và rộng ra hơn nữa với bên ngoài.
Tôi ấn tượng về cách đặt tên chương và các mục, tiểu mục trong từng chương. Nó không kiểu bài bản - vuông vức thông thường mà rất sinh động, gợi sự tò mò, hứng thú cho người đọc. Trong trình bày, sự kết hợp giữa lời và chứng (số liệu, hình ảnh) tạo nên độ tin cậy cao, đồng thời người đọc cũng cảm nhận được một phong cách văn chương riêng - một yếu tố làm nên sự hấp dẫn của cuốn sách.
Một số góp ý:
- Cần sự thống nhất trong trình bày các đề mục (đặt hoặc không đặt thứ tự các đề mục lớn cho từng chương thì tuỳ tác giả nhưng phải thống nhất cho tất cả các chương)
- Sự mở rộng không gian trình bày vấn đề là cần thiết nhưng cũng cần được giới hạn tránh đi quá xa thành vấn đề của cả vùng rộng lớn
- Tôi rất tán đồng với quan niệm về “bản chất đất kinh kỳ” của Thăng Long - Hà Nội (nó tự nhiên đến mức sự lựa chọn nó gần như phải là đương nhiên). Nhưng tôi không thích dùng từ “bản chất”. Xin tác giả nếu đồng tình thì có thể nghĩ một từ khác.
Nhìn chung, đây là một bản thảo tốt. Sau nghiệm thu, tác giả chỉnh sửa để đưa vào kế hoạch xuất bản.
|
|
GS.TS. Ngô Đức Thịnh viết ngày 22/08/2011
1. Trước nhất tôi xin bày tỏ sự đồng tình và hoan nghênh việc chuẩn bị xuất bản cuốn sách “Hà Nội thời tiền Thăng Long” trong tủ sách “Hà Nội một ngàn năm văn hiến”. Tư liệu và những hiểu biết về Hà Nội thời kỳ tiền Thăng Long khá phong phú, tuy nhiên nó lại tản mát, thiếu hệ thống, do vậy cần phải có công trình xâu chuỗi, hệ thống và đặc biệt là phải soi chiếu vào đó một cách nhìn mang tính liên ngành, đa ngành, khiến cho các hiện vật và sự kiện đó ‘bật lên” tiếng nói của mình về một thời kỳ tiền sử, sơ sử. Hơn thế nữa, chừng nào chúng ta chưa làm rõ Hà Nội thời kỳ tiền Thăng Long thì chúng ta cũng khó nhận thức một cách sâu sắc Hà Nội thời văn minh Thăng Long.
Được nhà xuất bản đề nghị nhận xét bản thảo công trình này, nhưng vì tôi không có chuyên môn sâu về khảo cổ học và sử học, do vậy tôi không có khả năng đi vào thẩm định các sự kiện hay hiện vật lịch sử mà chỉ xin đánh giá công trình này trên các phương diện lý luận và phương pháp lụân và chừng nào về khía cạnh văn hoá của các sự kiện tiền sử và lịch sử.
2. Một số ưu điểm của công trình
- Tên của sách “Hà Nội thời tiền Thăng Long” là rất phù hợp, nó vừa ngắn gọn, hay (bao gồm cả hai cái tên Hà Nội và Thăng Long), lại vừa dễ hiểu, dù với người dân thường hay người trí thức, nó vừa rộng để bao quát toàn bộ nội dung và đối tượng nghiên cứu, lại vừa hẹp để người đọc có thể xác định rõ cái khung không gian và thời gian của nó.
- Tác giả Nguyễn Việt là một nhà khoả cổ học đích thực, nội dung cuốn sách, như mọi người đều rõ sử dụng chủ yếu tư liệu là các hiện vật khảo cổ, do vậy, cái mà tôi dự đoán là sẽ được đọc một công trình lịch sử đầy rẫy những hiện vật khảo cổ khô khan và câm lặng, như lâu nay chúng ta vẫn thường thấy. Điều đáng ngạc nhiên và cũng là thành công của bản thảo cuốn sách này là chúng ta được đọc một công trình nói về các thời kỳ tiền sử, sơ sử và lịch sử của Hà Nội tiền Thăng Long với đầy ắp các sự kiện văn hoá sinh động. Nói đúng ra, nó là một cuốn sách nói về lịch sử văn hoá, văn minh của Hà Nội thời tiền Thăng Long. Tác giả công trình không chỉ đắm mình trên cái nền các hiện vật khảo cổ học cực kỳ phong phú và đa dạng, mà bước đầu đã gắng “cất mình” lên cái tầm của sự tổng kết tiền sử và sơ sử và bằng sự tiếp cận liên ngành và đa ngành, bắt các sự kiện khảo cổ học vốn câm lặng cất lên tiếng nói của lịch sử văn hoá, văn minh của mình.
- Tôi hoàn toàn tán thành cái cách tác giả cấu trúc lên bố cục các chương phần của cuốn sách. Tác giả không nệ vào cách phân kỳ khảo cổ học (thời Đồ đá, đồ đồng...),thậm chí phân kỳ theo cái mốc sự kiện lịch sử, mà ở đó chúng ta dễ dàng đọc được cái quan điểm tiến hoá luận đơn tuyến đã lỗi thời, mà đã đưa ra cái khung của sự biến đổi văn hoá, văn minh trên cái nền biến đổi của môi trường tự nhiên (biển tiến, biển lùi, chinh phục đồng bằng lầy trũng...) và hoạt động sinh tồn của con người (săn bắt, hái lượm, trồng trọt sớm, văn minh lúa nước…) và cách tổ chức xã hội (tổ chức xóm làng đến đô thị hoá và hình thành đô thị…). Ở đây tác giả đã đoạn tuyệt với cái nhìn lịch sử và văn hoá theo tiến hoá đơn tuyến mà đã tiếp cận được với quan điểm tiến hoá luận đa tuyến phù hợp với hiện thực lịch sử hơn.
- Về khía cạnh thời gian, lịch sử thì như vậy, còn về không gian của khái niệm Thăng Long thì tác giả cũng đã có cách xử lý khá thoả đáng. Tác giả đứng trước sự lựa chọn giữa Thăng Long với tư cách là một đô thị (Cổ Loa, Luy Lâu, Long Biên, Tống Bình, Đại La…) hay Hà Nội thời tiền Thăng Long là một “vùng”, mà ở đây, tiếp thu các quan điểm về vùng văn hóa lịch sử, tác giả xác định Thăng Long với tư cách là một “vùng địa lý văn hóa lịch sử”.
Thực ra, đúng hơn chúng ta thấy không có gì mâu thuẫn khi chọn Hà Nội thời tiền Thăng Long là một đô thị hay một vùng, bởi vì với tư cách là một vùng văn hóa lịch sử thì bao giờ nó cũng có trung tâm, mà trong trường hợp này, chính là các đô thị cổ, nó giữ vai trò và chức năng là trung tâm, tạo nên sự thu hút và lan tỏa của cả một vùng văn hóa lịch sử. Theo tác giả thì cái vùng địa lý văn hóa lịch sử Hà Nội thời tiền Thăng Long là một vùng mở, mà độ mở rộng hẹp của nó lại phụ thuộc vào yếu tố, cái chất đô thị, “kinh kỳ”. Về phương diện này, cái mới trong nghiên cứu của tác giả là đã làm rõ cái nền tảng “vùng” và cái chất “đô thị” của quyết định định đô và rời đô của Lý Công Uẩn sau này.
- Một thành công nữa của bản thảo công trình là khi nhìn nhận Hà Nội thời kỳ tiền Thăng Long, dù là với tư cách “Vùng văn hóa lịch sử” hay chỉ là đô thị cổ thì đều phải đặt chúng trong tổng thể địa – chính trị, địa – văn hóa, địa – tộc người đương thời để là rõ chủ nhân vùng văn hóa, những tác động giao lưu, ảnh hưởng qua lại, nhất là với Nam Việt, các đế chế Tần, Hán, Tùy, Đường…Đặc biệt là tác giả đã bắt đầu phân xuất được tính đa dạng của các cộng đồng người “Yeu” trong khối “Bai Yeu” là chủ nhân của lịch sử và văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Tác giả cũng đã mạnh bạo chỉ ra những giao lưu ảnh hưởng trên nhiều phương diện và khá sâu sắc giữa văn hóa Việt tộc và văn hóa Hán, mà một thời chúng ta cho rằng khi chỉ ra sẽ làm suy giản lòng tự tôn dân tộc, tuy nhiên theo quan niệm mới hiện nay thì không hẳn là như vậy. Một dân tộc biết và có sức mạnh để tiếp thu và hội nhập thì đó mới là dân tộc “mạnh”, có sức sống và trường tồn.
3. Một số khía cạnh cần thảo luận
- Tôi chưa thật rõ mục đích và nhất là đối tượng bạn đọc của bộ sách “Tủ sách hà Nội nghìn năm văn hiến” là những ai ? Là quảng đại quần chúng hay chỉ dành cho các nhà nghiên cứu, cho lớp trí thức. Nếu hạn hẹp trong giới trí thức và nhất là nhà nghiên cứu thì không có gì để nói. Tuy nhiên nếu đây là sách cho rộng rãi bạn đọc, thì tôi có cảm giác nó hơi “nặng”, hơi “kỹ”, hơi “chuyên môn” quá. Tác giả có sự tích lũy khá công phu, mang tính chuyên môn cao, nên muốn thể hiện hết những gì mà mình đã thu thập và tích lũy. Điều này rất tốt, rất đáng làm. Tuy nhiên, với rộng rãi bạn đọc thì nó hơi quá tải. cần sử lý sao cho đạt được cả hai yêu cầu. Có thể có giải pháp bớt phần tư liệu về bối cảnh mang tính chung cả nước, mà tập trung hơn vào “vùng Hà Nội”, hay việc sử dụng hệ thống phụ lục cuối sách.
- Tác giả cần xử lý tốt hơn nữa, lô gic và biện chứng hơn nữa giữa yếu tố “đô thị” và yếu tố “vùng” của Hà Nội thời kỳ tiền Thăng Long dưới quan điểm của “lý thuyết trung tâm và ngoại vi” trong nghiên cứu những quy luật của lịch sử văn hóa. Điều này vừa giúp ích cho việc nhìn nhận các vấn đề của quá khứ và cả tương lai, vừa giải quyết ranh giới mang tính hành chính và ranh giới văn hóa.
Tóm lại, tôi đông ý với việc xuất bản cuôn sách này trong bọ sách “Hà Nội 1000 năm văn hiến”.
|
|
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật viết ngày 22/08/2011
1. Ưu điểm công trình:
- Đây là công trình nghiên cứu về những vấn đề phức tạp và đồng nghĩa với nó là rất khó, đòi hỏi các tác giả phải có kiến thức tổng hợp, có quá trình nghiên cứu lâu dài. Đọc qua bản thảo, nhận xét đầu tiên là các tác giả đã bỏ ra rất nhiều công sức, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng với những kiến thức và phương pháp nghiên cứu tổng hợp, đa ngành. Do đó, bản thảo có những ưu điểm nổi trội sau:
- Bố cục: Nhìn chung hợp lý và tương đối cân xứng.
- Nội dung: Trình bày tương đối đầy đủ, hệ thống về vùng đất Hà Nội cổ từ khởi thủy đến ngày mang tên Thăng Long, kinh đô của nước Việt trên các lĩnh vực địa chất, cảnh quan, con người, kinh tế, xã hội, các thành quách và các quốc gia của người Việt trên vùng đất này.
- Tài liệu tham khảo đa dạng, phong phú.
- Phương pháp nghiên cứu và trình bày hợp lý với việc áp dụng phương pháp liên ngành. Văn phong khoa học.
Như vậy, nhìn chung công trình đảm bảo được yêu cầu của Nhà xuất bản Hà Nội và của Hội đồng đặt ra.
2. Một số góp ý để chỉnh sửa trước khi đưa xuất bản
- Đây là công trình mang tính khoa học cao, sử dụng phương pháp liên ngành, trong đó có cả lĩnh vực về địa lý, địa chất. Nếu được có thể lược bớt những nội dung quá sâu về các lĩnh vực trên để tính phổ cập của công trình được rộng rãi hơn.
- Trong khi trình bày, nên bỏ chủ thể “tôi” hoặc “chúng tôi” (tác giả).
3. Kết luận
Đây là công trình khá đồ sộ, được nghiên cứu và trình bày công phu, nghiêm túc và có chất lượng khoa học tốt. Nội dung và hình thức công trình đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Các tác giả cần chỉnh sửa thêm theo góp ý của Hội đồng để công trình hoàn thiện trước khi đưa xuất bản.
|
|
PGS.TS. Vũ Văn Quân viết ngày 18/08/2011
Trong cơ cấu của đề tài Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, mảng sách lịch sử Thăng Long - Hà Nội rất quan trọng và cần thiết. Đề tài “Hà Nội thời cổ đại (Tiền sử - sơ sử và sử sớm)” do TS. Nguyễn Việt chủ biên sẽ đem đến cho bạn đọc những tri thức cơ bản, phổ thông khi phân tích lịch sử Hà Nội qua bản Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, khẳng định được bản lĩnh, phẩm chất kinh kỳ của người Hà Nội. Tác giả đã đơn giản hoá những vấn đề khó để mọi người dễ tiếp cận, bản thảo sẽ mang tính phổ cập nhiều hơn.
Đề cương mà tác giả xây dựng chi tiết cụ thể, dữ liệu rất phong phú thể hiện sự nghiêm túc trong nghiên cứu, mối quan tâm của tác giả đối với đề tài. Tôi cho rằng, việc Nhà xuất bản lựa chọn TS. Nguyễn Việt chủ biên đề tài này là đúng người, đúng việc.
Đề cương được TS. Nguyễn Việt xây dựng có tính khả thi cao. Để việc biên soạn hoàn thiện hơn, đề nghị chủ biên xem xét một số ý kiến góp ý sau:
Về tên sách nên thay đổi, lựa chọn một tên gọi có biên độ lịch sử chính xác hơn. “Hà Nội thời cổ đại” chung chung quá, không sát với mục tiêu, ý tưởng của cuốn sách.
Về bố cục: nên chăng trong các chương mục có thêm các phần nhỏ nhằm cụ thể hoá dữ liệu lịch sử. Các thuật ngữ sử dụng trong cuốn sách nên thông dụng, dễ hiểu hơn, bớt tính chuyên ngành, người đọc sẽ dễ tiếp thu hơn.
Kết luận: Tôi ủng hộ việc thông qua đề cương đề tài.
|
|
PGS. Bùi Đình Thanh viết ngày 18/08/2011
Cho đến hiện nay, lịch sử Việt Nam thời cổ đại vẫn còn nhiều khoảng trống và tối. Hy vọng trằng với sự phát triển của các môn khảo cổ học, địa chất học, địa lý học, nhân chủng học, dân tộc học, ngôn ngữ học, văn hóa dân gian, những khoảng trống và tối đó dần dần được lấp và làm sáng tỏ.
Do đó đề tài nghiên cứu này đáng được ủng hộ. Qua bản đề cương chi tiết cho thấy các tác giả có trình độ chuyên môn khá sâu và có những kiến giải khoa học giúp cho sự hiểu biết lịch sử cổ đại Việt Nam này được đầy đủ hơn.
Tuy nhiên, tôi băn khoăn về cái tên của đề tài: Hà Nội thời cổ đại (tiền sử - sơ sử và sử sớm). Hầu như tất cả các nhà sử học trên thế giới đều thống nhất về nội dung khái niệm tiền sử (préhistoire) và sơ sử (protohistoire). Tất nhiên là không có một công thức duy nhất về niên đại cho tất cả các dân tộc về hai khái niệm đó. Nhưng ở đây có khái niệm về sử sớm do các tác giả đưa ra. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe về khái niệm này. Rất tiếc là các tác giả không xác định sử sớm Việt Nam bắt đầu từ bao giờ và kết thúc khi nào?
Đọc kỹ đề cương và suy đoán (có thể không đúng) thì hình như các tác giả đặt thời kỳ sử sớm bắt đầu từ nước Vạn Xuân của Lý Bí thế kỷ VI sau CN đến đầu thế kỷ XI khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Nếu đúng như thế thì không thể xem 5 thế kỷ đó là sử sớm được.
Nếu đúng khái niệm của các tác giả công trình là như thế thì có sự mất cân đối lớn giữa tiền sử và sơ sử với sử sớm. Phần sử sớm (như tôi đoán định) chỉ có 90 trang (một nửa chương VII và cả chương VIII) trên tổng số 677 trang của công trình mà nội dung của thời kỳ lịch sử này cũng rất phong phú, quan trọng cần phải viết đậm nét.
Cần xác định đối tượng người đọc là cán bộ có trình độ văn hóa cao, chuyên môn sâu hay chủ yếu là cho những người có trình độ từ tung học phổ thông trở lên. Hiện nay, văn hóa đọc đang sa sút, việc dạy sử, học sử, hiểu biết lịch sử dân tộc chưa thực hiện được tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân ta phải biết sử ta”. Một công trình nghiên cứu rất sâu về chuyên môn, dày tới gần 800 trang tất nhiên không thể in với số lượng lớn, giá bán phải cao thì chắc chắn số người đọc sẽ rất hạn chế. Đó là những vấn đề mà các tác giả và Nhà xuất bản cần suy nghĩ tìm ra những giải pháp thích hợp nhất.
|