|
PGS.TS. Trịnh Vương Hồng viết ngày 25/08/2011
1. Bằng việc nghiên cứu, khảo sát tỉ mỉ, kỹ lưỡng và với cái nhìn bao quát, các tác giả đã tái hiện lịch sử quá trình quản lý, phát triển Thăng Long - Hà Nội suốt 1000 năm trong vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia.
Dựa vào phân kỳ lịch sử, tác giả đã chia ra từng chặng để trình bày khiến bản thảo như một chuyện kể có lớp lang, theo đúng sự phát triển của thực tế lịch sử, người đọc dễ cảm nhận và bị lôi cuốn.
Sau khi điểm qua những cột mốc định đô kèm sự lý giải lý thú - Hà Nội từ Cổ Loa thời An Dương Vương đến Cổ Loa thời Ngô Quyền rồi sự kiện dời - định đô của Lý Công Uẩn, bản thảo trình bày những nội dung cốt lõi về quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội suốt thời kỳ trung đại của lịch sử Việt Nam, trong vai trò trung tâm chính trị - hành chính. Ở đây tác giả làm nổi bật việc quản lý, phát triển, với những nét tiêu biểu do chính người Việt thực hiện.
Toàn bộ quá trình quản lý và phát triển thành phố Hà Nội thời thuộc Pháp (1873 - 1945) được trình bày gọn trong một thời đoạn. Đây là thời đoạn có sự phức tạp vì gồm cả nội dung chiến tranh (Pháp đánh chiếm Hà Nội), và nội dung quản lý, mà Hà Nội là thủ phủ của Bắc Kỳ và Liên bang Đông Dương. Tuy nhiên với cách trình bày sáng sủa, từng lĩnh vực (quy hoạch, tổ chức quản lý, tổ chức bộ máy hành chính...) vẫn được thể hiện một cách rành rõ.
Hà Nội từ Cách mạng tháng Tám đến giải phóng Thủ đô (1945 - 1954), được phân làm hai đoạn. Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị - hành chính của nước VNDCCH trước kháng chiến toàn quốc. Đây là thời đoạn tỏ rõ sức sáng tạo của cách mạng trong xây dựng - cơ sở hạ tầng (qua quy hoạch và xây dựng bộ máy chính trị - hành chính, một chính quyền lưỡng thể, sẵn sàng chuyển vào kháng chiến cứu nước, bảo vệ tổ quốc. Kế đó là Hà Nội trong tương tác quyền lực chính trị - hành chính giữa lực lượng kháng chiến và quân xâm lược mỗi bên đều có mục tiêu và phương thức riêng.
Hẳn rằng nội dung khó nhất nhưng giá trị thực tiễn cao nhất và được giải quyết tốt hơn cả là việc quản lý và phát triển Thủ đô từ 1954 đến 1975 và đến nay. Khó vì thời đoạn này vừa có chiến tranh, vừa có hòa bình, vừa tự lực xây dựng, vừa chịu ảnh hưởng các mô hình từ các bạn quốc tế, vừa có lối quản lý và phát triển truyền thống, vừa có đổi mới và hội nhập khu vực, quốc tế. Khó còn vì đây là giai đoạn đương đại, không tránh được những khác biệt và “đụng chạm”. Những “điều hay”, “lẽ phải” được trình bày trong nội dung này chắc chắn không chỉ bổ ích với người đọc trên bình diện học thuật mà sẽ giúp các nhà “quản lý” nhiều cấp (không chỉ ở Thủ đô), thu nhận được những điều cần thiết, không chỉ nâng cao năng lực tham mưu mà cả về “công nghệ”, “kỹ năng” quản lý xã hội đô thị.
Điều cần được nhấn mạnh nữa là, trong và sau các thời đoạn được miêu tả kỹ về quá trình quản lý và phát triển..., tác giả đều đưa ra những nhận xét, đánh giá, bình luận, xác đáng và tinh tế, cùng với việc nêu những điểm mạnh là nêu những hạn chế, không né tránh.
Những bài học về quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, cũng là những dòng tâm huyết dưới hình thức “kế sách” hiến cho việc xây dựng Thủ đô. Những “kế sách” ở đây, dường như được “chiết xuất” từ các dữ liệu như các nhân tố đặc thù của các điều kiện tự nhiên - xã hội - dân cư, từ vị thế của Hà Nội (với cả nước và với thế giới), từ kinh nghiệm thực tiễn của Hà Nội và các đô thị nước bạn và hằng số văn hóa - văn minh Việt Nam truyền thống...
Bản thảo được diễn đạt sáng tỏ, khúc triết, nhiều đoạn hấp dẫn. Thư mục được xây dựng hệ thống, với nhiều tài liệu quý, tôn lên sức thuyết phục của công trình.
2. Mặc dù bản thảo công trình này đã đạt được chất lượng cao, chúng tôi vẫn gợi thêm đôi diều để tập thể tác giả nghĩ thêm trong quá trình hiệu chỉnh trước khi in, cả về kỹ thuật.
- Cho dù đã mạnh dạn và trung thực (và khéo nữa, khi dùng lời của Phó Chủ tịch Đinh Hạnh) để nêu lên một số hạn chế trong quản lý và phát triển Hà Nội, nhưng người đọc muốn tác giả mạnh dạn hơn nữa, nêu đầy đủ hơn nữa “tính chiến đấu” cao hơn nữa khi đề cập đến khía cạnh này. Rõ ràng, người dân cảm thấy Hà Nội cố giữ một trạng thái “bình an”, “ổn định”, sợ đột phá và không có đột phá, thiếu sáng tạo, không tận dụng được nhiều lợi thế trong phát triển Thủ đô. Hãy nhìn vào TP. Hồ Chí Minh với “tính cách Nam bộ”, đã là nơi khởi phát của nhiều sáng kiến về xã hội và do đó tác động mạnh về chính trị, rất được khen ngợi.
Ngay nhiều vấn đề “của mình” mà Hà Nội đều để người khác phát hiện (và thậm chí đấu tranh) cho lẽ phải, như việc thay nước hồ Tây, hồ Gươm, thái độ với khu Hoàng thành Thăng Long, trước đó là kiến trúc nhà “mu rùa” và nhiều kiến trúc khác v.v...
Cũng nên có gợi ý về vấn đề quốc phòng trong phát triển đất nước và Thủ đô. Các đường giao thông đều theo trục dọc Bắc - Nam, nếu không có phương án đề phòng, thì khi hữu sự, kẻ địch sẽ nhanh chóng vào sâu đất nước.
- Trong Lời thưa với bạn đọc, chưa thể hiện rõ đây là một chuyên khảo (hoặc công trình, cuốn sách) được hình thành từ kết quả của một đề tài khoa học cấp Nhà nước... (tr.7, khổ 1, d1 tr.11, k1, d1 tr.13, k1, d1).
- Tr. 90, k3, tr.x, “Toàn quyền Đông Dương là người ... song không trực tiếp chỉ đạo chiến dịch”... Nếu đây không phải cụm từ trong nguyên bản sắc lệnh (của Tổng thống Pháp), thì nên thay bằng “không trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy hoạt động tác chiến” (hoặc hoạt động quân sự?). Vì có nhiều hoạt động quân sự không có nhân tố chiến dịch.
- Đoạn giữa k2, tr.134, cần kiểm tra, “Mỗi khu có khu ủy, ủy ban bảo vệ, khu trưởng trực tiếp phụ trách quân đội”. Phải chăng là trực tiếp phụ trách quân sự (xem 55 QĐNDVN, Qđnd, H, 1999, tr.41).
- Tr 136, k2, d1, nên diễn đạt lại.
- Tr.140, k1, tr.x “hình thái biểu hiện về phía lực lượng kháng chiến là tổ chức hoạt động bí mật”. Không hẳn và hoàn toàn như thế. Có thời gian, có bộ phận cơ quan kháng chiến sơ tán sang địa phương bạn, dù là “bí mật” nhưng không phải bí mật như bộ phận trong nội đô.
- Tr.140, k1, d1, ở đây nên chỉ nói đến tản cư. “Tản cư là kháng chiến” (dù sau này ở miền Nam “một tấc không đi”...), di cư là cá biệt. Di cư ồ ạt chỉ diễn ra ở cuối cuộc kháng chiến.
- Tr.147, “tính hành chính và tính quân sự”, kiểm tra lại, phải chăng đây là “quân sự - quốc phòng” (?)
- Tr.203, kiểm tra tiểu mục 3
- Tr.207, kiểm tra số liệu, k2, d1
- Tr.229, kiểm tra k2, d1.. phó chủ tịch, hay các phó...
- Tr.263, tiêu đề mục I “Quản lý và phát triển Hà Nội phải lưu ý đến các nhân tố đặc thù, nên là “phải coi trọng” hoặc “đặc biệt chú ý”...
- Tr.280, k1, d1, tìm từ khác thay cho “nhập nhèm” (trách nhiệm giữa TW và địa phương). Và các lỗi kỹ thuật khác.
3. Tóm lại, đây là bản thảo có chất lượng cao, kết quả của quá trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, trách nhiệm cao của tác giả và cộng sự. Chúng tôi đặc biệt hoan nghênh ở giá trị thực tiễn cập nhật mà công trình đem lại, bên cạnh đó là giá trị học thuật đối với những người được đào tạo để quản lý đô thị nói riêng, đất nước nói chung.
Đề nghị tập thể tác giả thu thập ý kiến đóng góp, sửa chữa thêm. Đề nghị Ban Dự án tạo điều kiện để công trình sớm ra mắt bạn đọc.
|
|
PGS.TS Trình Mưu viết ngày 25/08/2011
1. Về chủ đề nghiên cứu:
Nằm trong tổng thể chương trình hướng tới kỷ niệm Thủ đô của cả nước 1000 năm tuổi, công trình “Quản lý và phát triẻn Thăng Long - Hà Nội với vai trò Trung tâm hành chính quốc gia: Lịch sử và bài học” là cần thiết và rất có ý nghĩa, bởi nhiều lẽ.
Thứ nhất, nó góp phần làm rõ một vấn đề rất lớn đang đặt ra đối với Thủ đô hiện nay đó là quản lý và phát triển để Thủ đô xứng tầm là Trung tâm chính trị, hành chính quốc gia.
Thứ hai, qua lịch sử 1000 năm xây dựng và phát triển dưới các triều đại, thời kỳ khác nhau, giúp cho giới nghiên cứu và bạn đọc nhận diện được các chặng đường xây dựng, bảo vệ, phát triển đến hiện nay.
Thứ ba, công trình bước đầu tổng kết trong lịch sử xây dựng và phát triển của Hà Nội 5 bài học kinh nghiệm rất đáng quan tâm và có ý nghĩa thiết thực cho việc xây dựng cơ chế quản lý và phát triển trong tương lai. Sự góp mặt của công trình này là rất tốt và có ý nghĩa lớn lao, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Thủ đô của nhân dân trong đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.
2. Về kết cấu
Với chiều dài 1000 năm của Thủ đô hiện nay, kết cấu bám sát lịch sử để khảo cứu qua 5 chương lịch sử và 1 chương dưới góc nhìn của đánh giá tổng quan, qua nhận xét để từ đó rút ra các bài học cho hiện tại là hợp lý. Kết cấu này cho phép công trình khảo cứu làm rõ lịch sử Thủ đô từ định đô đến hiện nay dưới góc nhìn quản lý và phát triển (kể cả khi Thăng Long - Hà Nội không phải là trung tâm kinh tế, chính trị) một cách liên tục trong lịch sử và có những đánh giá cần cho sự quản lý, phát triển sắp tới.
3. Những vấn đề lớn được khẳng định trong nội dung
- Qua 5 chương bám sát lịch sử Thủ đô từ khi Lý Công Uẩn chọn Thăng Long định đô của đất nước đến nay, công trình đã bám sát từ hai góc nhìn tổ chức quản lý cương vực Thăng Long - Hà Nội và sự phát triển trong xây dựng Thăng Long - Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Nhìn chung, các chương lịch sử qua các sự kiện bám sát diễn tiến lịch sử là chính xác, trình bày trung thực, khách quan. Cách thể hiện về mặt hình thức chương là phù hợp: Nêu rõ quá trình phát triển, quy hoạch cụ thể của mỗi thời kỳ và có nhận xét những ưu điểm, tồn tại là hợp lý.
- Tôi đặc biệt đánh giá cao thành công trong nội dung của chương 6 (từ trang 263 đến 319). Tuy dung lượng chỉ chiếm gần 60 trang, song tập thể tác giả đã rút ra 5 bài học qua thực tiễn quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội 1000 năm. Qua 1000 năm phát triển dưới sự quản lý của các triều đại có lúc là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước, có lúc là của khu vực). 5 bài học rút ra theo tôi là hết sức chính xác. Đây là những thông tin cần cho giới nghiên cứu quy hoạch, quản lý và xây dựng Thủ đô trong điều kiện mở rộng Thủ đô đang được bàn thảo rộng rãi, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân hiện nay. Đó là hết sức xem xét quản lý và phát triển Thủ đô với những nhân tố đặc thù, với mối quan hệ Thủ đô với Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô, và dự kiến quản lý, phát triển trong những tình huống bình thường. Đây là những bài học đã được lịch sử kiểm chứng, vẫn còn nguyên giá trị trong hiện tại.
- Cách thể hiện là chính luận, chính sử, về cơ bản các luận lý nêu ra là chính xác, khoa học, bảo đảm đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong những nhận định đánh giá về Thủ đô.
4. Một vài đề xuất nhỏ
Bản thảo khá dày dặn và được nghiên cứu, biên soạn bởi một đội ngũ các nhà sử học thạo nghề, có bề dày nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng, vì vậy tôi hoàn toàn tán thành xuất bản công khai tập sách này.
Trước khi in, tôi kiến nghị cần thực hiện kỹ thêm khâu biên tập (chữ nghĩa, lỗi chính tả). Thí dụ: trang 208: “một nan đề của HTX” hoặc “biến đổi cơ tầng xã hội” hay “sự tương thích” (tr.130). Đây đó trong bản thảo lỗi vi tính còn có. Cần diễn đạt đại chúng hơn.
Cần cân nhắc cách diễn đạt trang 211 “Thủ đô tập trung một số lượng lớn sứ quán, ngoại giao đoàn, thông tấn, báo chí của các nước mà “ẩn” trong đó là các hoạt động gián điệp, tình báo, đối ngoài” Diễn đạt này không sai về bản chất nhưng in và phát hành là không có lợi. Cần cân nhắc thêm các đoạn viết về Hà Nội trong cuộc chiến với Trung Quốc, vấn đề người Hoa.
Nhiều tiêu đề của các tiết, các mục trong chương với Mục lục không nhất quán ở một vài chỗ cần biên tập kỹ (Thí dụ: mục 2.3 chương 5 - tr.203 không đúng Mục lục, thừa chữ, sai chữ, tiêu đề chương 3 thiếu chữ sau tr.125). Cần thống nhất trong sách chỉ nên có chương, tiết và các mục. Không nên có các hiển thị A - B trong công trình. Có thể do nhiều tác giả tham gia, đề nghị có một chủ biên xem lại từ đầu cho thống nhất.
4. Kết luận
Đây là một công trình nghiên cứu chuyên sâu, có nội dung khoa học và chính trị rất tốt, cần được xuất bản công khai, đáp ứng yêu cầu của nhân dân và bạn bè quốc tế tìm hiểu Thủ đô 1000 năm tuổi. Công trình thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi hoan nghênh và đánh giá cao bản thảo. Vì thời gian không nhiều, tôi chỉ xin nêu đôi điều về kỹ thuật, kính đề nghị Ban dự án và Nhà xuất bản nghiên cứu, chỉnh sửa, cho xuất bản.
|
|
PGS.TS. Phạm Ngọc Anh viết ngày 25/08/2011
1. Tính thời sự và ý nghĩa của bản thảo
- Cuốn sách đề cập đến một chủ đề có tính thời sự hiện nay, đó là vấn đề quản lý và phát triển nhằm tạo nên môi trường chính trị ổn định cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, vùng, miền. Quản lý và phát triển các trung tâm quyền lực, hành chính càng có ý nghĩa to lớn, bởi lẽ các trung tâm này có hiệu ứng “đô mi nô” và có sức lan toả, chi phối các vùng, miền trong phạm vi cả nước.
- Thăng Long - Hà Nội trong quá trình sinh thành và phát triển lâu dài đã tích tụ cho mình những kinh nghiệm quý giá trong quản lý và phát triển, tạo lập được vị thế, diện mạo, tiềm lực vốn có như ngày hôm nay, những kinh nghiệm, bài học này rất cần được nhìn nhận, đánh giá thoả đáng theo chiều sâu trên bình diện khoa học. Bản thảo của cuốn sách đi đúng theo mạch chảy này của đòi hỏi cuộc sống.
- Bản thảo cuốn sách góp phần phác hoạ, làm sáng tỏ và khẳng định một phương diện đặc thù của văn hóa Thăng Long - Hà Nội - Văn hóa quản lý, cho phép hình dung tính đa dạng mà thống nhất của văn hoá một vùng đất ngàn năm văn hiến, thể hiện theo nhiều lát cắt, nhiều lĩnh vực hoạt động, sinh hoạt.
2. Những ưu điểm chính của bản thảo
- Các tác giả đã xác định rõ, thống nhất cơ sở phương pháp luận, hệ phương pháp nghiên cứu, triển khai phù hợp với một đề tài chuyên khảo, chuyên sâu, diễn ra trong thời gian rất dài, ngót 1000 năm lịch sử với biết bao biến cố, thăng trầm, thịnh, suy của một vùng đất ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh phát triển của dân tộc Việt Nam.
- Nhóm nghiên cứu đã thu thập được một khối lượng nguồn tư liệu khổng lồ, xử lý và chắt lọc tinh tuý để đưa vào cuốn sách tạo độ tin cậy cao cho người đọc, đảm bảo tính chuẩn xác, chân xác lịch sử.
- Tập thể tác giả đã khảo sát tình hình, thực trạng quản lý Thăng Long - Hà Nội từ năm 1010 đến 2008 theo phân hệ: Tổ chức bộ máy quản lý và hoạt động quản lý trên từng lĩnh vực. Trong mỗi phân hệ, chỉ lựa chọn những sự kiện, nhân vật, lĩnh vực tiêu biểu; phương thức tiếp cận này vừa đảm bảo cho công trình không dàn trải, kết hợp tốt cả lịch sử và lôgíc, tạo được cảm hứng và sức hấp dẫn cho người đọc.
- Từ lịch sử hoạt động quản lý lâu dài của Thăng Long - Hà Nội, bản thảo đã rút ra các bài học có giá trị cho ngày hôm nay theo hệ vấn đề: Cơ sở khoa học và các nhân tố tác động; mối quan hệ giữa quản lý Thủ đô với tổng thể quản lý quốc gia; xác lập các thiết chế quản lý đặc thù của Thăng Long - Hà Nội; giải quyết hài hoà nhiều mối quan hệ ràng buộc, đan xen trong thực tiễn quản lý; thực hiện quản lý Hà Nội trong những tình huống bất thường. Những bài học này có giá trị tổng kết và được luận giải khá tốt, gợi ra nhiều điểm nhìn tham chiếu cho công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức.
- Về hình thức, bản thảo có kết cấu tổng thể và kết cấu từng chương hợp lý: 5 chương khảo sát tiến trình lịch sử và 1 chương bài học; do tầm quan trọng của từng vấn đề mà mức độ, dung lượng của các chương có khác nhau, điều này có thể chấp nhận được. Trong từng chương, nội dung được triển khai theo lôgíc: Phác qua bối cảnh lịch sử; thực trạng tổ chức, hoạt động quản lý; nhận xét các kết quả tổ chức, hoạt động quản lý đạt được, cho phép người đọc dễ theo dõi, nắm bắt vấn đề.
Văn phong trong sáng, diễn đạt rõ ràng, khoa học, ít sai sót trong kỹ thuật chế bản.
3. Hạn chế và một số khía cạnh cần trao đổi
- Bản thảo là sản phẩm của một đề tài khoa học, nên chăng trong phần Mở đầu cần làm rõ ít nhất là các khái niệm nền móng, tạo sự thống nhất trong quan niệm và trình bày. Đó là các khái niệm: Quản lý, phát triển, trung tâm chính trị, trung tâm hành chính.
- Như tên gọi, công trình phải nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội theo 2 lát cắt: Quản lý và phát triển. Hai khía cạnh này có điểm tương đồng, tạo tiền đề và bổ sung cho nhau nhưng không thể đồng nhất. Trong công trình này, tôi thấy phần quản lý được trình bày tốt, còn phần phát triển thì rất mờ nhạt, không rõ. Vì thế, tên cuốn sách có thể bỏ cụm từ phát triển đi mà vẫn không ảnh hưởng gì: “Quản lý Thăng Long - Hà Nội...”.
- Qua khảo sát tổ chức và hoạt động quản lý Thăng Long - Hà Nội, cần chỉ ra những giá trị bền vững, được kế thừa trong toàn bộ quá trình phát triển, tạo cho quản lý ở đây có bản sắc riêng, đạt đến chiều sâu văn hoá mà ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, chúng ta phải tiếp tục kế thừa và nâng cao để không làm cho nguồn mạch này đứt gãy, gián đoạn. Nếu làm được như vậy, công trình sẽ có giá trị tổng kết, lý luận cao hơn. Trong bản thảo, phương diện này còn ít được chú ý đến.
- Về các lĩnh vực quản lý, chương V, mục B: Quản lý, phát triển Hà Nội từ năm 1986 đến nay, nên có phần quản lý an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, vì đây là những vấn đề bức xúc, ảnh hưởng rất lớn đến văn minh đô thị hiện nay, thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều người dân.
- Trong từng thời kỳ, nên nêu bật nhu cầu khách quan của quản lý, phát triển để rồi trong nhận xét có thể so sánh thực tiễn quản lý đạt được với nhu cầu đó mà đánh giá chuẩn xác thành tựu, hạn chế.
- Các mốc thời gian phân chia cần có sự chuẩn xác và thống nhất. Ví dụ: Trang 160 ghi quản lý Hà Nội từ 1954 đến 1975, nhưng trang 163 lại ghi quản lý Hà Nội bắt đầu từ 1955; trang 193 ghi quản lý, phát triển Hà Nội thời kỳ từ năm 1975 đến năm 1986, nhưng trang 197 lại dừng đến năm 1985...
Bản thảo còn có một ít sai sót về chế bản, ví dụ, chú thích ở trang 300 “Hơn một năm Bắc thuộc..”...
4. Đánh giá chung
Mặc dầu còn có một số vấn đề có thể trao đổi thêm trong nội dung và phương thức tiếp cận, bản thảo là một công trình khoa học công phu, nghiêm túc, có chất lượng cao. Sau khi chỉnh sửa, có thể xuất bản thành tài liệu tham khảo cho đông đảo bạn đọc, xứng đáng được xếp vào tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
|
|
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà viết ngày 25/08/2011
1. Tiến tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trung tâm chính trị - hành chính của đất nước trong gần 1000 năm, việc nghiên cứu toàn diện Thủ đô - trên nền lịch sử 10 thế kỷ, để phục vụ phát triển Thủ đô đã mở rộng, với hàng loạt vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa đặt ra, là điều hết sức cần thiết, có giá trị lý luận và thực tiễn cao.
2. Bố cục của đề tài với 6 chương, có mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, là hợp lý, chặt chẽ, tập trung vào giải quyết nội dung chính của đề tài là quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia.
3. Đề tài có nội dung tương đối khó, thú vị, nặng về lý luận nhưng lại đòi hỏi tập thể tác giả phải có sự am hiểu về lịch sử, tổ chức quản lý hành chính và các khoa học liên quan đến quản lý, quy hoạch, phát triển đô thị. Đề tài có chất lượng cao, lập luận logic trên cơ sở cứ liệu lịch sử vững chắc. Tài liệu tham khảo và số liệu đáng tin cậy.
4. Một số đóng góp nhỏ
a.- Chương 6 viết những bài học về quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia còn hơi rườm rà, nhắc quá nhiều đến vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia. Nên chăng có thể gộp lại hoặc lược bớt, tập trung vào nội dung chủ yếu để người đọc dễ theo dõi.
b- Rà soát lại các cứ liệu lịch sử, 1 số nhận định (ví dụ 8 năm hay 9 năm kháng chiến ở Hà Nội nếu tính từ 19 - 12 - 1946 đến 21 - 7 - 1954? Vấn đề liên quan đến cơ chế lãnh đạo đa đảng, một đảng...)
c- Rà soát lại lỗi đánh máy và các lỗi ở Tài liệu tham khảo (thứ tự sắp xếp tài liệu, chữ viết tắt v.v....)
5. Có thể đưa xuất bản sớm sau khi chỉnh sửa.
Tôi đã sửa kỹ vào bản thảo.
|