|
TS. Nguyễn Thị Phương Chi viết ngày 23/08/2011
Tập bản thảo được tập hợp có độ dày 421 trang, khổ A4, gồm ba phần chính như trong bản đề cương đã được thông qua lần họp trước.
Phần I. Đất thiêng Thăng Long - Hà Nội, chọn xuất bản 5 bài trong tổng số 15 bài của bản đề cương.
Phần II. Thăng Long- Hà Nội dấn mình cùng đất nước, chọn 10 bài, trong tổng số 31 bài của bản đề cương (trong đó có hai bài mới tuyển).
Phần III. Tinh hoa văn hóa Thăng Long - Hà Nội, chọn 18 bài trong tổng số 45 bài của đề cương (trong đó có hai bài mới tuyển).
Tập bản thảo có tổng số 33 bài, trong đó có 4 bài mới bổ sung so với 105 bài trong bản đề cương.
Nếu như từ nội dung bản đề cương chi tiết chỉnh sửa so với nội dung tập bản thảo này thì có thể thấy, các nhà biên soạn đã tuyển chọn cô đọng hơn và có phần mới hơn.
Tập hợp bản thảo hiện có của GS. Trần Quốc Vượng là thể hiện quá trình tuyển chọn kỹ lưỡng của nhóm biên soạn. Mặc dù số bài có ít đi, số mục nhỏ được lược bớt nhưng bố cục trong bản thảo là hợp lý và trang trọng. Tập hợp các bài trong bản thảo thể hiện được tâm, sức và độ uyên bác của GS. Trần Quốc Vượng nghiên cứu về Hà Nội. Cho dù đây mới chỉ là một phần trong số hàng trăm công trình của GS.
Một số lưu ý
- “Nhĩ Hà... “(tr.36) và “Nhị Hà...” (tr.184) mặc dù là sao y bản chính nhưng đặt trong một cuốn sách thì nên chăng chỉnh sửa thống nhất.
- Phần III, trong “Mục lục” là “Tinh hoa văn hoá Thăng Long Hà Nội”. Trong bản thảo là “Tinh hoa Thăng Long Hà Nội”, cần chỉnh sửa thống nhất.
- Một vài lỗi vi tính nhỏ trong “Vài lời giới thiệu”, tôi đã đánh dấu trong bản thảo.
Tóm lại, tôi hoàn toàn nhất trí với bản thảo sách “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật” và mong rằng sách sớm được xuất bản để bạn đọc Hà Nội và những ai yêu văn hóa Thăng Long- Hà Nội tham khảo kiến thức về thủ đô ngàn năm văn hiến.
|
|
PGS.TS. Lê Đình Sỹ viết ngày 23/08/2011
1. Những ai muốn đọc, muốn tìm hiểu về Hà Nội sẽ rất phấn khởi khi cuốn sách “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật” gồm những bài tuyển chọn của cố GS. Trần Quốc Vượng về Hà Nội được xuất bản. Bởi vì, GS. Trần Quốc Vượng là một trong số ít những nhà Hà Nội học đầu tiên và là một nhà khoa học cả cuộc đời gắn bó mật thiết với Thăng Long - Hà Nội.
2. Trong số hàng trăm bài viết và sách của GS. Trần Quốc Vượng viết về Thăng Long - Hà Nội, nhóm biên tập của khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH & NV - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tuyển chọn dược 35 bài như trong bản thảo là một thành công lớn. Đây đúng là sự lựa chọn hết sức khó khăn, vì GS. Trần Quốc Vượng đã viết nhiều bài, đã công bố nhiều nơi, xuất/tái bản nhiều lần, ở nhiều thời điểm khác nhau; trong đó có những bài viết có nội dung ít nhiều trùng lặp. Tôi hoàn toàn nhất trí với tiêu chí tuyển chọn là: chỉ tuyển chọn những bài viết riêng của GS., không chọn bài viết chung; tránh trùng lặp về nội dung; các bài tuyển chọn đảm bảo trung thực khách quan, chuẩn xác về nội dung và thời dđểm ra đời của văn bản.
3. Tôi đồng ý với bố cục cuốn sách chia thành 3 phần:
Phần I: Đất thiêng Thăng Long - Hà Nội
Phần II: Thăng Long - Hà Nội dấn mình cùng đất nước
Phần III: Tinh hoa Thăng Long - Hà Nội
35 bài tuyển chọn được sắp xếp trong ba phần trên dúng là những bài tiêu biểu nhất của GS. Trần Quốc Vượng viết về Thăng Long - Hà Nội trên mọi phương diện, tiêu biểu cả về nội dung cũng như cách tiếp cận mới, rất độc đáo của GS. khi nghiên cứu về Hà Nội.
4. Tôi rất tâm đắc với Lời giới thiệu của GS. Phan Huy Lê và Lời cuối sách của PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế thay mặt nhóm tuyển chọn viết. Những “Lời” này rất ngắn gọn, súc tích, cũng rất sâu sắc và hay; đã đánh giá đúng những cống hiến to lớn và phù hợp với tính cách của GS. Trần Quốc Vượng.
5. Đây không phải là lần đầu tiên có một tuyển chọn các bài viết của GS. Trần Quốc Vượng, nhưng lần tuyển chọn này đã cẩn thận hơn, không có trùng lặp về nội dung, phong phú về hình thức. Bản thảo đã thể hiện những đóng góp khoa học lớn lao, rất đáng khâm phục và trân trọng của GS. Trần Quốc Vượng trong việc tiếp cận, nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội trong dọc dài lịch sử hàng nghìn năm qua. Đọc bản thảo này, ai cũng phải công nhận GS. luôn có những phát hiện, đề xuất độc đáo, sắc sảo và là một người hiểu biết sâu sắc, luôn mạnh dạn đưa ra nhiều khái niệm/ khái quát mới mẻ về địa văn hóa, lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Những đề xuất khái quát của GS. hàm chứa những nội dung khoa học lớn, đã được các thế hệ học trò đi sâu nghiên cứu.
6. Phần chú thích nguồn ở cuối mỗi bài viết nói chung chính xác. Tuy nhiên, theo tôi, nên nói rõ hơn lần đầu xuất bản ở đâu, sau đó bổ sung sửa chữa in ở sách nào, để biết được trật tự thời gian các bài viết, để người đọc thấy được quá trình nghiên cứu, cống hiến khoa học của GS. Trần Quốc Vượng về Thăng Long - Hà Nội. Ví dụ, bài “Hà Nội - vị trí và chiều sâu lịch sử” ở phần I (trang 32), nên chú thích là từ sách “Thăng Long - Hà Nội”, NXB Chính trị Quốc gia, năm 1999; tiếp đó là sách “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật”, NXB Hà Nội, năm 2000.
7. Tôi vẫn băn khoăn về tên sách: “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật”. Bởi vì tiêu đề này vẫn trùng lặp với tên cuốn sách mà NXB Hà Nội đã xuất bản năm 2000. Theo tôi dùng một tên khác thì hay hơn.
Tóm lại, tôi đánh giá cao thành công của lần tuyển chọn này, kể cả Lời giới thiệu và Lời cuối sách. Đây là một bản thảo tốt, đề nghị nhanh chóng xuất bản để phục công tác nghiên cứu trong giai đoạn chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|
|
TS. Trương Thị Yến viết ngày 23/08/2011
1. Giáo sư Trần Quốc Vượng là một nhà khoa học đầu ngành. Phong cách nghiên cứu nổi bật của ông là nghiên cứu địa-lịch sử, địa-văn hóa, hay nói cụ thể hơn, trong nghiên cứu Giáo sư luôn luôn sử dụng phương pháp tiếp cận liên ngành, đa ngành. Với phong cách suy ngẫm và nhận thức lịch sử từ nhiều góc độ chuyên môn khác nhau, liên kết lại trong một cái nhìn tổng hợp, ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị mang những bản sắc rất riêng về mỗi vùng miền ông đã đi qua. Thăng Long – Hà Nội không phải là nơi ông sinh ra nhưng đã gắn bó với cuộc đời nghiên cứu của ông như một duyên phận, chính bởi vậy mà hôm nay ta có trên tay một bản thảo như một món quà ông để lại nhân dịp Thăng Long 1000 năm tuổi.
2. Trên mảnh đất ngàn năm văn vật là một tuyển tập các bài viết của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng về Thăng Long – Hà Nội, do Khoa Lịch sử Trường Đại học KHXH & NV sưu tầm, tuyển chọn, gồm 35 bài viết, chia làm 3 phần chính:
Phần I: Đất thiêng Thăng Long – Hà Nội, gồm 5 bài, chủ yếu về các vấn đề địa lý – lịch sử.
Phần II: Thăng Long – Hà Nội dấn mình cùng đất nước, gồm 12 bài, chủ yếu các bài về các vấn đề khảo cổ học - lịch sử, lịch sử.
Phần III: Tinh hoa Thăng Long – Hà Nội, gồm 18 bài, chủ yếu các bài viết về các vấn đề lịch sử văn hóa, đặc trưng văn hóa, so sánh xưa và nay, nhân vật điển hình, lấy Kẻ Chợ làm điểm trục để nhìn ra các vùng văn hóa xung quanh…
35 bài viết là 35 công trình khoa học thuộc đủ các thể loại khác nhau, từ những bài viết mang tính hàn lâm bác học cho đến những bài viết mang tính miêu tả, so sánh, trao đổi, suy ngẫm… với các phương pháp nghiên cứu từ sinh động, cụ thể đến đa ngành, liên ngành, xuyên ngành… Mỗi bài viết của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng lại thể hiện một sự trải nghiệm, một sự tìm tòi, khám phá mang tính chất gợi mở, một trí tuệ thông minh, sắc sảo, nhạy bén… về Thăng Long – Hà Nội.
Qua cách sắp xếp rất khoa học từng phần, từng bài của người sưu tầm, tuyển chọn, chúng ta lần lượt thấy hiện lên trong cuốn sách cả chiều dày lịch sử và văn hóa Thăng Long – Hà Nội từ cố đô Cổ Loa thời Âu Lạc, trị sở Tống Bình, thành Đại La thời Tiền Thăng Long, cho đến cột mốc định đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ rồi Thăng Long – Đông Đô – Đông Kinh – Kẻ Chợ qua các thời Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng cho đến Hà Nội thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, cho đến Hà Nội thời đang đổi mới, đang đan xen giữa truyền thống và hiện đại…
Từ cuộc sống cộng đồng với các phố nghề, làng nghề, hệ thống chợ bến cho đến những gương mặt danh nhân tiêu biểu; từ các nếp sống, các lễ hội và kho tàng văn hóa dân gian cho đến nghệ thuật ẩm thực… của người Thăng Long – Hà Nội xưa và nay.
3. Với những tiêu chí cụ thể, 35 bài viết trong cuốn sách chứng tỏ những người sưu tầm: Khoa Lịch sử Trường Đại học KHXH & NV, do PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế chủ trì đã tuyển chọn được những bài viết tiêu biểu, tâm huyết của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, những bài “đinh”, bài “quan trọng”, mang tính chất “gợi mở” trên nhiều lĩnh vực địa lý, lịch sử, văn hóa học, nhân học, dân tộc học, xã hội học… về Thăng Long – Hà Nội.
4. Cuốn sách Trên mảnh đất ngàn năm văn vật rất có ý nghĩa không chỉ tôn vinh những đóng góp của Giáo sư Trần Quốc Vượng – người có công đầu trong việc đưa ra khái niệm Hà Nội học và xây dựng ngành Hà Nội học – trong đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội này, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với những người quan tâm, muốn tìm hiểu về tổng thể Thăng Long – Hà Nội từ cổ xưa cho đến hiện đại. Đặc biệt, cuốn sách còn là những giả định, những gợi mở quan trọng trong việc tiếp tục nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội cho nhiều thế hệ, nhiều nhà khoa học sau này tiếp tục phát triển.
Với ý nghĩa trên, cuốn sách Trên mảnh đất ngàn năm văn vật cần được nhanh chóng xuất bản.
|
|
TS. Nguyễn Thị Phương Chi viết ngày 21/08/2011
1. Có thể nhận thấy rõ rằng, bản đề cương chi tiết sách “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật” của GS. Trần Quốc Vượng lần này đã được nhóm biên soạn chỉnh sửa kỹ và hoàn thiện xuất sắc những ý kiến đóng góp của Hội đồng trong lần nghiệm thu vào tháng 3 - 2008.
2. Tiêu chí được xác định rõ là: Chỉ tuyển chọn bài viết riêng của GS. Trần Quốc Vượng, không chọn các bài viết chung; Các bài viết khi được tuyển chọn xuất bản sẽ được đảm bảo tính chân xác về nội dung và thời điểm ra đời của văn bản…
3. Theo tôi, nội dung sách được tuyển chọn chú trọng vào 3 nội dung chính sau:
I. Đất thiêng Thăng Long - Hà Nội gồm 15 bài.
II. Thăng Long - Hà Nội dấn mình cùng đất nước gồm 31 bài
III. Tinh hoa Thăng Long - Hà Nội. Các bài của phần này được chia theo các chủ đề nhỏ như: Vấn đề chung (22 bài); Văn hóa ẩm thực (10 bài); Tôn giáo - Tín ngưỡng - Lễ hội (3 bài); Tiếp xúc và giao lưu văn hóa (5 bài); Văn học nghệ thuật (2 bài); Con người - Nhân vật (3 bài). Nội dung những chủ đề lớn, nhỏ như trên là phong phú, đầy đủ cho nội dung cuốn sách cần tuyển chọn. Mặc dù, trong một số tiêu đề, số lượng bài không nhiều như Tôn giáo - Tín ngưỡng - Lễ hội: 3 bài, nhưng theo tôi hiểu không thể nào khác được. Và, nhóm biên soạn do PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế làm chủ biên đã thể hiện những cố gắng cao trong quá trình soạn thảo, chỉnh sửa đề cương cùng hệ thống thư mục sách.
4. Tuy nhiên, có một điểm tôi chưa thấy nhóm biên soạn đặt ra trong tiêu chí, đó là, trong các chủ đề, các bài viết cần trình bày theo thứ tự thời gian ra đời của văn bản.
5. Tóm lại, tôi hoàn toàn nhất trí với bản đề cương sách “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật” với nội dung nêu trên và mong rằng sách sớm được xuất bản để bạn đọc Hà Nội và những ai quan tâm đến văn hóa Thăng Long - Hà Nội có thêm kiến thức đa diện về mảnh đất ngàn năm văn hiến.
|
|
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính viết ngày 21/08/2011
1. So với lần góp lần trước, bản đề cương chi tiết lần này đã sửa tốt hơn. Các tác giả đã xác định nguyên tắc không tuyển bài trùng, không tuyển bài viết chung. Trong số các bài viết, các bài được chọn đưa vào sách sẽ do hội đồng các nhà khoa học. Nếu nói một hội đồng các nhà khoa học tuyển chọn theo hai nguyên tắc trên thì cách làm như vậy là khoa học và chu đáo. Tuy nhiên, chủ biên Nguyễn Hải Kế chưa nói rõ hội đồng đó do ai thành lập. Nếu nói do Nhà xuất bản Hà Nội thành lập thì nhóm biên soạn lại đá quả bóng về phía Nhà xuất bản và như vậy thì vai trò của chủ biên cũng sẽ mờ nhạt. Lẽ ra, sau khi trình thư mục các bài viết của Giáo sư Trần Quốc Vượng, bản đề cương chi tiết đã ghi rõ những bài được chọn là những bài nào, xếp ở dưới mục nào? Như thế, chúng tôi mới có ý kiến cụ thể và chi tiết được.
2. Ở trang 2 có tiểu mục Những vấn đề chung nhưng đến trang 3 không có tiểu mục đồng đẳng với nó. Đây là lỗi về lôgic.
Ở trang 3 nên sửa II. Thăng Long - Hà Nội dấn mình cùng đất nước thành II - Thăng Long - Hà Nội bước đi cùng đất nước (hai tiếng dấn mình không thể hiện được sự thanh lịch của người Hà Nội. Cũng có lúc, cũng có giai đoạn phải căng mình, dấn mình, thậm chí phải đổ máu, nhưng cái đích chung vẫn phải là thanh bình, thanh lịch, xanh, sạch, đẹp. Hai tiếng dấn mình gợi cho tôi những hình ảnh về hồng vệ binh trong cách mạng văn hoá ở Trung Quốc).
3. Trong nội dung của tập sách, có mục Danh nhân Hà Nội. Xin lưu ý: đến ngày 1 tháng 8 năm 2008, việc hợp nhất Hà Tây hiện nay vào Hà Nội đã có hiệu lực. Sách của Nhà xuất bản Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vậy cần bổ sung vào đây những bài mà cố Giáo sư Trần Quốc Vượng viết về lịch sử, địa lý liên quan đến Hà Tây hiện nay, đặc biệt bổ sung những bài ông viết về Nguyễn Trãi, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Văn Huyên:
- “Nguyễn Trãi trong bối cảnh văn hoá Việt Nam”;
- “Mẫu Liễu Hạnh (1557 - 1577) - Trạng Bùng (1528 - 1613) và Đạo giáo dân gian Việt Nam trong bối cảnh lịch sử xã hội Đại Việt thế kỷ XVI - XVII”;
- “Nguyễn Văn Huyên và không gian văn hoá Việt vùng châu thổ Bắc Bộ”.
Những bài này có thể dễ dàng tìm thấy trong cuốn sách Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc và Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, 2000.
|
|
PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung viết ngày 21/08/2011
1. Mục đích, ý nghĩa: Việc tuyển chọn và xuất bản những bài viết, bài nghiên cứu tiêu biểu nhất của GS. Trần Quốc Vượng về nhiều khía cạnh của văn hoá vật thể và phi vật thể Thăng Long - Hà Nội trong bối cảnh hiện nay đáp ứng một cách thiết thực nhất những nhu cầu của công chúng nói chung và những người nghiên cứu nói riêng. Đây cũng là biểu hiện tình cảm trân trọng và sâu sắc của các thế hệ học trò đối với người Thầy yêu kính.
2. Cấu trúc:
Lời giới thiệu (GS. Phan Huy Lê)
- Phần tuyển chọn:
1. Đất thiêng Thăng Long Hà Nội: tập hợp những bài viết về địa lý, điều kiện tự nhiên của vùng đất Thăng Long Hà Nội.
2. Thăng Long - Hà Nội dấn mình cùng đất nước: tập hợp những bài viết về lịch sử của Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ.
3. Tinh hoa Thăng Long Hà Nội: tập hợp những bài viết về văn hóa, văn học nghệ thuật.
- Lời bạt: “Trần Quốc Vượng và nghiên cứu Hà Nội” (PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế và bộ môn Văn hóa học).
Cấu trúc sách thành các phần như thế là hợp lý và đáp ứng được những đòi hỏi và yêu cầu của một tuyển tập sách chuyên đề, phản ánh được những nội dung chính của các nghiên cứu và cách tiếp cận nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội của GS. Trần Quốc Vượng.
Phần chính là tuyển chọn các bài viết phân theo vấn đề và nhóm vấn đề.
Theo tôi, những bài viết tuyển chọn trong danh sách đầy đủ về số lượng và đều là những bài nghiên cứu tiêu biểu, đáp ứng yêu cầu nội dung của cuốn sách. Nhóm tác giả chuẩn bị đề cương đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của hội đồng và đã chỉnh sửa theo những yêu cầu đề ra.
Tôi mong rằng cuốn sách sớm được ra mắt bạn đọc.
|
|
PGS.TS. Lê Đình Sỹ viết ngày 21/08/2011
1. Như lần nghiệm thu đề cương trước đây (ngày 18 - 3 - 2008), tôi hoàn toàn nhất trí với mục đích, ý nghĩa của việc xuất bản cuốn sách “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật” của GS. Trần Quốc Vượng. Cuốn sách ra mắt bạn đọc sẽ phục vụ rất tốt cho mọi người muốn nghiên cứu, tìm hiểu Thăng Long - Hà Nội, góp phần thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
2. Tôi nhận thấy, đề cương chi tiết lần này đã được sửa chữa một cách khá hoàn chỉnh trên tất cả các phương diện, cả cơ cấu và nội dung. Chủ biên và các thành viên tuyển chọn đã tiếp thu và chỉnh sửa rất tốt theo những đóng góp của Hội đồng lần trước.
3. Tôi nhất trí với tiêu chí mới về cách tuyển chọn các bài mà đề cương đã nêu lên.
4. Tôi đồng ý với cấu trúc sách gồm: Lời giới thiệu của GS. Phan Huy Lê, nội dung sách có 3 phần với cả hệ thống các bài viết đã được tuyển chọn và Lời bạt của PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế.
5. Sau đây tôi xin nêu mấy ý kiến góp thêm:
- Cuốn sách chia thành 3 phần như đề cương đã nêu là hợp lý. Tuy nhiên có thể xem xét đặt tên lại phần 2 và phần 3; theo tôi có thể đặt là:
+ Thăng Long - Hà Nội trong dòng chảy lịch sử đất nước (thay cho tên: Thăng Long - Hà Nội dấn mình cùng đất nước).
+ Văn hóa, văn học, nghệ thuật và con người Thăng Long - Hà Nội (thay cho tiêu đề: Tinh hoa Thăng Long - Hà Nội).
Trong hệ thống các bài tuyển chọn trong phần 3 “Tinh hoa Thăng Long - Hà Nội”, ở tiểu mục “Những vấn đề chung” có 3 cuốn sách của GS. Trần Quốc Vượng được nêu lên là:
+ Trên mảnh đất ngàn năm văn vật (số 4), Nhà xuất bản Hà Nội H.2000
+ Thăng Long - Hà Nội, tìm tòi và suy ngẫm (số 6), H.2006
+ Hà Nội như tôi hiểu (số 20), Nhà xuất bản Tôn giáo, H.2005
Tuy nhiên tôi lại thấy có rất nhiều bài viết khác lại trích từ ba cuốn sách này của GS, như vậy đã có sự trùng lặp. Tôi đề nghị kiểm tra lại.
|
|
Nguyễn Bích Ngọc viết ngày 19/08/2011
Tôi rất thích cách làm việc của NXB Hà Nội. Tủ sách về Hà Nội mà NXB đã làm thực sự rất hay và có nhiều ý nghĩa. Tôi hi vọng NXB Hà Nội tiếp tục phát huy được thành quả của mình. Thanks!
|
|
TS. Nguyễn Thị Phương Chi viết ngày 19/08/2011
1. Việc tuyển chọn 105 bài viết tiêu biểu của GS. Trần Quốc Vượng về các lĩnh vực địa lý, chính trị, quân sự, văn hoá, văn học nghệ thuật của Thăng Long - Hà Nội trong cuốn sách mang tên: “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật” do NXB Hà Nội sắp xuất bản là hết sức có ý nghĩa trong dịp tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nội dung cuốn sách không chỉ phản ánh những đóng góp quý báu của cố GS. Trần Quốc Vượng với những nghiên cứu về Hà Nội nói riêng và khoa học lịch sử nói chung mà quan trọng là cuốn sách sẽ là tài liệu đầy đủ các lĩnh vực về Hà Nội để các nhà giáo, nhà nghiên cứu và bạn đọc giảng dạy, học tập, tham khảo. Thực hiện in cuốn “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật” do Khoa Lịch sử trường Đại học KHXH & NV Đại học Quốc gia đề xuất, xây dựng bản thảo; NXB Hà Nội ấn hành là những đóng góp rất đáng trân trọng của hai cơ quan nêu trên.
2. Cấu trúc sách gồm 3 phần chính như trong Đề cương là đầy đủ và trang trọng, nhất là có Lời giới thiệu của GS. NGND Phan Huy Lê, một “đại thụ” của giới sử học nước nhà và là bạn thân thiết của cố GS. Trần Quốc Vượng.
3. Phần Tuyển chọn các bài viết tiêu biểu phân loại theo các vấn đề và nhóm vấn đề như:
Phần 1: Những vấn đề chung
Phần 2: Địa lý tự nhiên Thăng Long - Hà Nội
Phần 3: Diễn trình lịch sử - văn hoá Thăng Long - Hà Nội
Phần 4: Văn hoá dân gian Thăng Long - Hà Nội
Phần 5: Văn học - nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội
Phần 6: Danh nhân Thăng Long - Hà Nội
là đầy đủ và toàn diện. Một Thăng Long - Hà Nội sẽ hiện diện và sống cùng năm tháng trong “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật”.
4. Tóm lại, tôi hết sức tán thành bản đề cương sách “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật” với cấu trúc và nội dung nêu trên.
|
|
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính viết ngày 19/08/2011
1. Trong tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, loại sách tuyển chọn các bài nghiên cứu của những tác giả quen thuộc, có thành tựu là một loại sách cần thiết. GS. Trần Quốc Vượng là một người viết nhiều, có nhiều ý kiến khám phá, hoặc độc đáo về Thăng Long - Hà Nội. Nay ông đã mất, việc biên soạn cuốn sách mà nội dung chủ yếu của nó là tập hợp, tuyển chọn những bài viết của ông về Thăng Long - Hà Nội là một việc rất cần thiết và bổ ích.
2. Chúng tôi tán thành bố cục của cuốn sách như bản đề cương đã trình bày. Chúng tôi cũng đã đọc kỹ “Thư mục Trần Quốc Vượng về Thăng Long - Hà Nội”. Cho đến nay tôi chưa phát hiện được thiếu sót và sai sót nào. Tôi đánh giá cao công phu của các soạn giả là có những bài các soạn giả đã chỉ ra được nhiều địa chỉ xuất xứ (thí dụ tài liệu 51, 53,...). Chỉ có điều xin được góp ý như sau: Tài liệu số 46 là cả một cuốn sách (Trên mảnh đất ngàn năm văn vật), còn các tài liệu khác như tài liệu 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 là những bài như chính những người biên soạn thư mục đã nói rõ là trích từ tài liệu 46. Vậy có lẽ nên bỏ tài liệu 46, không cần thiết đưa vào đây.
Bản đề cương gồm 9 trang đánh máy. Trong bản đề cương chưa nêu kỹ tiêu chí tuyển chọn các bài viết (xin xem trang 1). Ở đây các soạn giả chỉ nói là “tuyển chọn các bài viết tiêu biểu phân theo các vấn đề và nhóm vấn đề”. “Tiêu biểu” ở đây là những bài có giá trị hơn cả hay là những bài công bố theo các chặng thời gian, hay cả hai?
Chúng tôi nghĩ rằng GS. Trần Quốc Vượng viết về Thăng Long - Hà Nội ít nhất là từ năm 1960 cho đến năm 2005. Vậy những bài được tuyển chọn là những bài được công bố ở những thời điểm có khi cách nhau khá xa. Trong hơn 45 năm, nhận thức của GS. Trần Quốc Vượng có thay đổi, nhận thức chung của cả ngành cũng có bước tiến. Vì vậy, khi đưa bài của GS. Trần Quốc Vượng vào tuyển tập này, nên ghi chú rõ lần công bố đầu tiên. Nên in trung thành, chính xác với văn bản gốc để bài viết giữ được tính lịch sử. Đối với những nhận định đã lạc hậu, hoặc mâu thuẫn với một nhận định nào đó trong những bài khác (nếu có trường hợp này), PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế nên ghi chú và bình luận đúng sai ở dưới. Những ghi chú như vậy sẽ giúp cho bạn đọc rộng rãi tiếp nhận cuốn sách tốt hơn. Chúng tôi nghĩ rằng, có thể PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế cũng đã tính đến điều này. Nhưng vì ông không nêu ở đề cương nên chúng tôi góp ý kiến như vậy.
Kết luận: Chúng tôi tán thành bản đề cương này, rất đồng tình với việc xuất bản một tập sách tuyển chọn những bài của cố GS. Trần Quốc Vượng đã viết về Thăng Long - Hà Nội.
|
|
PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung viết ngày 19/08/2011
1. Mục đích, ý nghĩa: Việc tuyển chọn và xuất bản những bài viết, bài nghiên cứu tiêu biểu nhất của GS. Trần Quốc Vượng về nhiều khía cạnh của văn hoá vật thể và phi vật thể Thăng Long - Hà Nội trong bối cảnh hiện nay đáp ứng một cách thiết thực nhất những nhu cầu của công chúng nói chung và những người nghiên cứu nói riêng. Đây cũng là biểu hiện tình cảm trân trọng và sâu sắc của các thể hệ học trò đối với người Thầy yêu kính.
2. Cấu trúc: Cấu trúc sách được chia thành 3 phần như vậy là hợp lý. Hai phần đầu là lời giới thiệu của GS. Phan Huy Lê và bài nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Hải Kế và ThS. Đỗ Hương Thảo. Phần chính là tuyển chọn các bài viết phân theo vấn đề và nhóm vấn đề.
Theo tôi, những bài viết tuyển chọn trong danh sách đầy đủ về số lượng và đều là những bài nghiên cứu tiêu biểu, đáp ứng yêu cầu nội dung của cuốn sách. Có thể thêm vào danh mục một số bài viết Thăng Long - Hà Nội trong bối cảnh rộng hơn ở Việt Nam và khu vực. Ví dụ, bài Việt Nam thế kỷ X Văn hoá - Văn minh in trong “Thế kỷ X những vấn đề lịch sử” do Viện Sử học tập hợp in năm 1984 NXB KHXH. Vấn đề nữa là quyền tác giả cũng nên được chú ý.
Bài nghiên cứu “Trần Quốc Vượng và Hà Nội” của PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế và ThS. Đỗ Hương Thảo có lẽ sẽ cần thiết để người đọc có thể hiểu rõ hơn về sự nghiệp, cách nghiên cứu cũng như những quan điểm tiếp cận văn hoá của GS. Trần Quốc Vượng. Tôi cho rằng, bài này cũng cần được một số nhà chuyên môn xem xét, góp ý trước khi xuất bản.
|