|
GS. Đinh Xuân Lâm viết ngày 25/08/2011
1. Đây là một bản thảo hoàn chỉnh, và nếu tôi không lầm thì đã được nghiệm thu chính thức sau khi đã được bổ sung, hoàn thiện theo sự góp ý của một hội đồng các chuyên gia. Do đó tôi nhận thấy chất lượng bản thảo tốt, đáp ứng về nhiều mặt cả lý luận và thực tiễn lịch sử, những yêu cầu cần có đối với một đề tài nghiên cứu khoa học.
Tôi đánh giá đây là một bản thảo có chất lượng nghiên cứu và giải quyết khắc sâu nhiều vấn đề có giá trị tổng kết.
2. Bộ phận biên tập, lại có một đội ngũ các cộng tác viên khá đông và có chuyên môn, đã giải quyết đề tài tốt. Nói một cách cụ thể là đã bám sát vấn đề, đi sâu phân tích các kiến thức lịch sử có hệ thống, một cách chắc tay và với một phương pháp nghiên cứu đúng đắn. Nhờ vậy đã đi tới một số điểm kết luận đúng đắn, đi theo đúng quy trình nghiên cứu theo đúng tính chất và yêu cầu của một đề tài như đề tài này, từ một sự nhận định tổng kết khái quát đi tới những bài học lịch sử cụ thể có tính thực tế cao.
3. Tuy nhiên, về nội dung cũng như về hình thức, vẫn cần có một điều chỉnh, sửa chữa, nâng cao. Cách sắp xếp và đặt tên các phần và các chương mục của bản thảo, cần viết sao cho ngắn gọn, không trùng ý. Cũng như vẫn có một số sơ sót trong hành văn, dùng chữ chưa thật sát hợp, hay việc đánh các dấu phẩy (,), phải gạch dưới chân các tên sách được trích dẫn, thống nhất trong cách phiên âm tiếng Pháp cần có dịch ra tiếng Việt, đặt trong vòng đơn), cũng như đối với những tên sách và câu trích dẫn của các sách Trung Quốc đều phải có dịch để người đọc dễ theo dõi. Mục “Tài liệu tham khảo” có trường hợp lầm về tên tác giả (như số 117, khong phải là Nguyễn Quang Thắng; ông này tên là Nguyễn Quyết Thắng, nhưng có thói quen viết tắt chữ Quyết, nên thành Nguyễn Q. Thắng).
Trong quá trình đọc bản thảo tôi đã có ý kiến và thực hiện một số điều chỉnh, sửa chữa cần thiết đối với một số trường hợp, đề nghị Ban biên soạn tham khảo và tiếp thu nếu xét thấy đúng.
4. Một lần nữa, tôi đánh giá bản thảo này được biên soạn công phu, có chất lượng tốt, có tác dụng cao trong việc giáo dục người đọc - nhất là đối với các thanh thiếu niên sinh viên, học sinh, giúp họ nắm được trách nhiệm của mình trong việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Thăng Long - Hà Nội, và ý thức được tầm quan trọng của việc làm đó trong sự nghiệp bảo vệ Độc lập dân tộc chống ngoại xâm.
Loại sách này rất cần thiết cho công tác giáo dục tư tưởng cho toàn dân, đặc biệt là cho thanh niên. Việc xuất bản đề tài này vào dịp kỷ niệm Đại lễ Thăng Long - Hà Nội là vô cùng thích hợp và có lợi.
|
|
PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ viết ngày 25/08/2011
Bản thảo dài 393 trang A4. Ngoài Lời mở đầu. nội dung chính của Đề tài gồm 3 phần, 9 chương.
Phần thứ nhất: Cơ sở lý luận và phương pháp luận (2 chương).
Phần thứ hai: Lịch sử và bài học kinh nghiệm (5 chương). Đây là nội dung chính của Đề tài.
Phần thứ ba: Bối cảnh thời đại và phát huy bài học kinh nghiệm gồm 2 chương.
- Về cơ bản, các tác giả đã trình bày nội dung Đề tài theo một lozic nhất quán và xuyên suốt, đi từ cơ sở lý luận đến thực tiễn; qua thực tiễn đúc rút ra những bài học kinh nghiệm về việc bảo vệ và giải phóng Thăng Long - Hà Nội từ thời cổ trung đại đến ngày nay.
- Nội dung bản thảo khá toàn diện, các sự kiện lịch sử chính qua các thời kỳ được phân tích kỹ và có những đánh giá khách quan.
- Các nhân vật lịch sử có những cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội được đề cập đến trong bản thảo thật sự tiêu biểu.
- Nguồn tài liệu phong phú, đa dạng và có độ tin cậy cao.
- Tôi đánh giá cao chất lượng khoa học của công trình. Công trình có thể xuất bản phục vụ bạn đọc nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Một số góp ý:
1. Lời nói đầu 7 trang, quá dài, theo tôi chỉ cần 2 trang A4.
2. Tr. 11 có thể thay cụm từ: Huyết mạch bằng từ đầu não.
3. Nên xem xét lại cụm từ Quan hệ thân tộc ? tr.15.
4. Điều chỉnh lại Khái niệm Vùng Đông Dương, tr 21 ?
5. Viết đủ cụm từ: Ôn cố tri tân - Ôn cố nhi tri tân tr. 32:
6. Khởi nghĩa Trần Ngỗi (1407 - 1409), tr. 74
7. Trong bản thảo các tác giả dùng quá nhiều câu thành ngữ chư Hán, nhưng nhiều câu không giải thích. Đề nghị các tác giả chua thêm chữ Hán vào bản thảo để người đọc nhận thức được đầy đủ hơn:
- Dĩ dân vi bản (đúng ra là quốc dĩ dân vi bản - nước lấy dân làm gốc).
- Vị dân (tr. 106).
- Bắc môn tỏa thược (tr. 107)
- Tiên phát chế nhân (tr. 109)
- Dĩ đoản chế trường (tr. 115).
- Chúng chí thành thành (tr. 169)
- Xâm dị trì nan (tr. 291)
- Quý hồ tinh bất quý hồ đa (tr. 292)
- Dĩ tĩnh chế động, dĩ nhược chế cường (tr. 299)
- Phạt Tống lộ bố văn v.v...
- Mưu phạt tâm công, không chiến cũng thắng: câu nửa Hán, nửa Việt, nên điều chỉnh (tr.284).
8. Thay cụm từ Cương Dương - Thăng Long bằng Chương Dương - Hàm Tử (tr. 118)
9. Nhiều sự kiện lịch sử cần viết đủ năm tháng:
- Tạm ước 14-9 ( 14-9-1946); tr. 124.
- Hội nghị TƯ Đảng lần thứ 8 (5-1941); tr. 125; 145.
- Trung tuần tháng 8 (1945), tr. 126.
- Đêm 13- 8 (1945), tr. 137.
- Trận Đồng Xuân (17-2-1947); tr. 152.
- Hội nghị QS toàn quốc, nên nói rõ ngày tháng năm. (tr. 148)
- Nghị quyết TW 15 (1959). tr. 176.
10. Trường Chinh nên viết là đồng chí Trường Chinh (139).
Để đảm bảo tính khoa học của công trình, đề nghị các tác giả trích dẫn tài liệu đầy đủ. Toàn bộ nội dung bản thảo không có trích dẫn. Đây là hạn chế lớn nhất của công trình.
|
|
PGS.TS Phạm Xanh viết ngày 25/08/2011
Trước hết đây là công trình nằm trong Chương trình khoa học cấp nhà nước kx.09 “ Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên-kinh tế-xã hội và giá trị lịch sử -văn hóa 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô” nên phải thấy rõ sự khác nhau giữa một công trình nghiên cứu khoa học thuần túy (Do một nhóm nhỏ các nhà khoa học nghiên cứu và được thông qua trước một Hội đồng khoa học và sau đó cho vào ngăn kéo) và công trình khoa học được xã hội hóa, tức là được xuất bản cho độc giả trong và ngoài nước đọc và suy ngẫm. Sự khác nhau đó do tính chất của mỗi loại công trình quy định. Không thể đồng nhất hai loại công trình đó, mà chỉ có thể chuyển hóa lẫn nhau. Vì thế khi xã hội hóa một công trình nghiên cứu khoa học thuần túy, các tác giả có thể cần phải cấu trúc lại công trình của mình và trên nền tảng đó nhuận sắc công trình cho phù hợp với chân ký khoa học và thị hiếu của độc giả hiện thời. Trên tinh thần đó, khi đọc công trình này, tôi cảm nhận các tác giả chưa phân biệt được tính chất của hai loại công trình nghiên cứu đó. Điều đó được biểu hiện rất rõ trong Phần thứ nhất của công trình với tựa đề: Cơ sở lý luận và phương pháp luận. Đối với một công trình nghiên cứu khoa học thuần túy, phần này là quan trọng và cần thiết. Nhưng khi đem xuất bản, tức xã hội hóa công trình này thì không nhất thiết bê nguyên xi nó vào sách, mà cần phải biên soạn lại cho gọn hơn như một phần Dẫn nhập của công trình mà thôi. Tôi đọc phần này thấy quá nặng nề, rối rắm và trong chừng mực nào đó, các tác giả như muốn khoe chữ bằng cách chẽ nhỏ những khái niệm, những phạm trù (địa-quân sự, sử-quân sự, kinh tế-quân sự, chính trị-quân sự, văn hóa xã hội-quân sự), và tệ hơn nữa là tạo ra những khái niệm mới mà trên thực tế không bao giờ có như Thủ đô tư sản, thủ đô xã hội chủ nghĩa. Theo tôi, ở phần này các tác giả nên tập trung làm rõ ba khái niệm công cụ: Thế nào là bài học kinh nghiệm, thế nào là bảo vệ Thủ đô và thế nào là giải phóng Thủ đô.
Trong phần thứ hai với tựa đề “Lịch sử và bài học kinh nghiệm”, các tác giả đã giành 5 chương (từ chương 3 đến chương 7) để giải quyết những nội dung cốt lõi của vấn đề theo phân kỳ lịch sử Việt Nam nói chung - thời kỳ phong kiến, thời kỳ thực dân - đế quốc và thời kỳ thống nhất đất nước đi lên chủ nhĩa xã hội. Cũng có thể đây là một kiểu phân chương, nhưng kiểu phân chương này không đáp ứng đòi hỏi của đề bài đã ra là những bài học kinh nghiệm lịch sử về bảo vệ và giải phóng Thăng Long - Hà Nội. Cách phân chương này làm cho các tác giả trở nên lúng túng khi đem gộp phần chống thực dân Pháp đầu thế kỷ XX vào phạm trù thời đại phong kiến và trong mỗi chương đã có những bài học kinh nghiệm về bảo vệ và giải phóng, nhưng có lẽ vì thấy chưa đủ các tác giả cho thêm chương 7: Tổng quan bài học kinh nghiệm lịch sử - hệ giá trị lịch sử-văn hóa quân sự của sự nghiệp bảo vệ và giải phóng Thăng Long - Hà Nội. Và như vậy, trong chừng mực nào đó, đã lặp lại. Theo tôi, phải tiến hành phân chương theo hai trụ cột chính - bài học kinh nghiệm về bảo vệ và bài học kinh nghiệm về giải phóng. Như vậy lịch sử các cuộc chiến đấu của nhân dân chúng ta trong lịch sử là những cứ liệu lịch sử chứng minh cho hai vấn đề cốt lỏi đó, chứ không phải miêu tả lịch sử rồi từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm. Hai cách tiếp cận đó hoàn toàn khác nhau. Từ đó đi tới chương cuối (không cần đến phần) là Thời đại ngày nay và sự vận đụng bài học kinh nghiệm quá khứ…
Tóm lại, tôi không hoàn toàn tán đồng kiểu cấu trúc của nhóm tác giả bởi cấu trúc đó không bám sát đề bài.
Về nội dung:
Tại trang 42 và 43, các tác giả đã trình bày tương đối rõ khái niệm “bảo vệ” và khái niệm “giải phóng” cũng như sự chuyển hóa của hai khái niệm đó. Đó là cách hiểu đúng nhưng cần đưa những ví dụ cụ thể trong lịch sử để minh họa cho những vấn đề có tính lý thuyết đó. Trong hai khái niệm đó, sự khác nhau cốt lõi là có và không còn chính quyền. Còn chính quyền thì tim mọi phương thức, phương tiện để bảo vệ; không còn chính quyền, tức mất độc lập thì sử dụng mọi chiêu thức đi từ giải phóng từng phần của đất nước tiến lên giải phóng cả nước lấy thủ đô làm điểm quyết chiến chiến lược. Và sự chuyển hóa giữa các chiêu thức bảo vệ và giải phóng.
Từ trang 103 đến trang 122, nhóm tác giả giành trình bày 5 bài học kinh nghiệm của sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội trong thời đại phong kiến. Trước hết trong 5 bài học đó có những bài học chung cho mọi thời đại, thứ hai, không phân biệt (lẫn lộn) bài học kinh nghiên về bảo vệ và bài học kinh nghiệm về giải phóng vì hai hình thái chiến tranh có những tính chất riêng, quy định bài học kinh nghiêm riêng, thứ ba, không thể gộp lịch sử chống thực dân Pháp đầu thế kỷ hai XX vào phạm trù thời đại phong kiến được.
Ở chương 4, không nên đưa cách mạng tháng Tám năm 1945 vào đây vì nó thuộc một phạm trù khác không liên quan tới đề tài và thậm chí cả cuộc kháng chiến chông thực dân Pháp 1945 - 1954 vì cái quyết định cho chúng ta về lại Thủ đô là ở Chiến trường Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevo. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Nội chỉ đóng vai trò chiến đấu cầm chân giặc cho cuộc tút lui chiến lược thành công của Chính phủ Việt Nam lên căn cứ địa Việt Bắc, chứ không như các tác giả viết ở trang 174 là “ta chủ động mở đầu chiến tranh chống Pháp xâm lược tại Hà Nội cũng chủ động kết thúc chiến tranh tại Hà Nội” Đó là sự nhận định không đúng và chừng nào đó không hiểu bản chất của sự kết thúc một cuộc chiến tranh. Ta tiếp quản thủ đô là mặc định, theo những Điều khoản trong Hiệp Định Giơnevơ quy định, chứ không phải như các tác giả đã viết theo ý chủ quan của mình.
Có lẽ chương khá hơn là chương 5 khi viết về việc bảo vệ Thủ đô thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Nhưng khi rút ra những bài học kinh nghiệm lại rất chung chung mà không đi vào điều cốt lõi nhất của cuộc chiến này là bảo vệ Hà Nội trước cuộc chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ. Chắc chắn bài học kinh nghiệm lịch sử của cuộc chiến này khác xa một trời một vực với những kẻ thù bên cạnh chúng ta.
Ở trang 305, các tác giả lý sự về phạm trù cặp ba: Chiến tranh nhân dân, Chiến tranh nhân dân thành phố, Chiến tranh nhân dân Thủ đô là cái phổ biến, cái đặc thù và cái đơn nhất. Thực ra, do tính chất chính nghĩa của cuộc chiến mà huy động được toàn dân tham gia ở mọi lúc, mọi nơi. Thời Trần chống Nguyên Mông cũng thế và thời Hồ Chí Minh kháng chiến chống Pháp và Mỹ cũng vậy. Sự khác nhau là do mỗi thời, người ta dùng những khái niệm, những thuật ngữ khác nhau mà thôi, chủ yếu là phân biệt ở nghệ thuật quân sự ở từng nơi (rừng núi, đồng bằng và thành phố). Sự khác nhau giữa thành phố nói chung và thành phố thủ đô chỉ là sự khác nhau ở vị trí địa - chính trị.
Trong cấu trúc của nhóm tác giả, phần thứ ba Bối cảnh thời đại và phát huy bài học kinh nghiệm gồm hai chương là phần được nghiên cứu và trình bày khá hơn cả. Tôi hoàn toàn tán thành cách tiếp cận vấn đề của tác giả là từ một bối cảnh lịch sử đã thay đổi như thời đại ngày nay mà toàn cầu hóa là xu thế không thể cưỡng lại sẽ làm thay đổi không chỉ diện mạo của thế giới mà trước hết là làm thay đổi nếp nghĩ , cách làm của từng con người và từng dân tộc tham gia vào quá trình toàn cầu hóa đó. Chúng ta không đứng ngoài nếu muốn dân tộc minh có thể sánh kịp với các nước văn minh trên thế giới và qua đó làm thay đổi vị thế của đất nước ta. Trong cách tiếp cân vấn đề như vậy, các tác giả đã đặt việc bảo vệ Hà Nội trên một bình diện đồng đại được rút tĩa từ kinh nghiệm các nước trên thế giới hiện nay, đặc biệt từ kinh nghiện bảo vệ cuả một số nước đương đại chống chiến tranh công nghệ cao của chủ nghĩa đế quốc, từ chiến tranh vùng Vịnh, cuộc chiến ở Nam Tư, ở Apganistang, trong cuộc chiến Irac năm 2003, tiếp đó các tác giả đã đưa ra dự báo những nhân tốc tác động và tình huống phải ứng phó và cuối cùng là trình bày những giải pháp có tính định hướng nhằm phát huy những bài học kinh nghiệm lịch sử để bảo vệ thủ đô Hà Nội trong thời kỳ mới.
Có một vài chi tiết lịch sử không đúng các tác giả cần lưu ý như ở trang 103 có viết: “ Khởi nghĩa Thái Nguyên nổi tiếng với Đốc Ngữ, Đội Nhân, Đội Cấn. Chỉ đúng ở Đội Cấn còn Đội Nhân liên quan tới Vụ Hà thành đầu độc năm 1908 và Đốc Ngữ nổi tiếng trong phong trào kháng chiến ở vùng Tây Bắc.
Để công trình được xuất bản, nhóm tác giả phải tiến hành kết cấu lại bố cục, bổ sung và làm nổi bật những bài học kinh nghiệm về bảo vệ và về giải phóng thủ đô trong lịch sử dân tộc ta. Hy vọng sẽ được đọc công trình này dưới dạng một cuốn sách hay trong một ngày gần đây để thiết thực góp phần kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|
|
PGS.TS Võ Kim Cương viết ngày 25/08/2011
1. Thăng Long- Hà Nội với bề dày lịch sử từ ngàn xưa, luôn đóng một vai trò quan trọng và to lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Với những dấu ấn lịch sử, với truyền thống hào hùng và bất khuất của cư dân nơi đây, với vị trí "đắc địa" của vùng đất và cả đặc trưng văn hóa vùng miền..., Thăng Long - Hà Nội luôn gắn chặt với sự phát triển của dân tộc Việt Nam; và tiến trình lịch sử dân tộc Việt cũng luôn được thể hiện rõ nét chính trên mảnh đất này và trong mỗi con người ở đây. Cũng có thể nói Thăng Long -Hà Nội, trong suốt chiều dài lịch sử luôn là điểm hội tụ của tinh thần dân tộc Việt Nam.
Từ xuất phát điểm như vậy, chúng tôi thấy rằng việc lựa chọn nghiên cứu vấn đề Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội để đi sâu nghiên cứu là hoàn toàn mang tính khoa học và có giá trị thực tiễn cao. Tìm hiểu những bài học kinh nghiệm trên góc độ này không những góp phần trực tiếp vào công cuộc bảo vệ vững chắc Thủ đô của đất nước trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh nào mà còn góp phần vào việc giáo dục thế hệ trẻ những truyền thống anh hùng của cha ông để củng cố lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy những kinh nghiệm quý báu đó trong công cuộc xây dựng và phát triển hiện nay.
2. Với chủ đích rõ ràng, công trình được phân chia thành 3 phần chính, giải quyết các vấn đề mà mục tiêu nghiên cứu đặt ra. Về cơ bản, một cấu trúc như vậy là hợp lý và có lôgic.
Phần thứ nhất, công trình đã đi vào giải quyết vấn đề lý luận và phương pháp luận trong việc tiếp cận đề tài này. Cách làm đó cho phép dòng mạch của công trình không bị sai lệch với mục tiêu nghiên cứu, hơn nữa qua đó cũng khẳng định rõ lập trường quan điểm của các tác giả tham gia đề tài.
Dựa trên quan điểm của chủ nghĩ Mác-Lênin, đề tài đã khẳng định rõ được tầm quan trọng của sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội cũng như đưa ra được những nguyên tắc tiếp cận vấn đề, những khái niệm cơ bản trong việc nghiên cứu đề tài này. Chúng tôi cho rằng, với một dung lượng vừa phải, với cách trình bày sáng sủa, mạch lạc, các tác giả đã hoàn thành tốt mục tiêu đặt ra. Điều này góp phần rất lớn trong khi triển khai nội dung chính của đề tài.
Mục tiêu chính của đề tài là lịch sử và bài học kinh nghiệm được trình bày trong Phần thứ II, và cũng là phần có số lượng trang viết nhiều nhất. Nội dung này được chia thành 5 chương, gắn vào sự phân kỳ lịch sử mà các tác giả đã có chủ ý đặc biệt. Chúng tôi cũng nhất trí với việc đưa toàn bộ tiến trình lịch sử từ trước Cách mạng tháng Tám vào chung một chương với cách gọi là thời đại phong kiến, sau đó là thời kỳ Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp; thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; thời kỳ từ sau 1975 đến nay; và cuối cùng là chương tổng quan về những nội dung nghiên cứu đã đặt ra.
Ngoại trừ chương tổng quan, thì các chương khác, như chính tiêu đề phần này đã đặt là "Lịch sử và bài học kinh nghiệm", đều được dàn dựng theo một cấu trúc: Lịch sử (Chiến công và sự kiện lịch sử); các nhân vật lịch sử và cuối cùng là các bài học kinh nghiệm của từng thời kỳ cụ thể.
Những vấn đề về lịch sử, nhất là các sự kiện tiêu biểu trong các chương đều được trình bày sáng rõ, có những điểm nhấn nhất định, và theo chúng tôi, cách lý giải vấn đề đều lôgic và có chất lượng. Những phần trình bày các nhân vật lịch sử tiêu biểu đều đề cập được những đóng góp chính của các nhân vật tiêu biểu trong sự nghiệp bảo vệ và giải phóng Thăng Long-Hà Nội trong mỗi thời kỳ và việc trình bày là tương đối cô đọng, súc tích; bởi vì nếu không giới hạn được nội dung thì e rằng công trình sẽ sa vào việc mô tả lan man, không tập trung vào được chủ đích chính của đề tài. Chính vì vậy mà các tác giả đã làm rõ được những mặt đóng góp đặc trưng nhất của các nhân vật lịch sử chủ chốt. Về vấn đề các bài học của từng thời kỳ cũng đã được phân tích một cách khách quan, có giới hạn và đứng trên quan điểm mácxít. Điều này góp phần làm cho người đọc nhận thức rõ hơn những giá trị lịch sử trong sự nghiệp bảo vệ và giải phóng Thăng Long - Hà Nội qua từng thời kỳ lịch sử đối với thời đại ngày nay.
Tuy nhiên, việc phân ra chương cuối của phần này (Chương VII) để đề cập đến một cách tổng quát nhất về những bài học lịch sử (với 6 vấn đề chính) trên một góc độ nào đó là rất cần thiết. Như vậy mới có thể có cách đánh giá toàn diện và xác thực về những bài học kinh nghiệm lịch sử đã được cha ông ta đúc kết nên. Song trên một góc độ khác, mặc dầu không trùng lắp về nội dung với các bài học được rút ra qua các thời kỳ ở các chương trước, nhưng tạo cảm giác về nội dung của những vấn đề như vậy đã được trình bày. Tất nhiên giữa một bên tổng quan và bên kia là từng thời kỳ cụ thể thì khó có thể tách bạch, vì cái chung được rút ra từ những cái riêng biệt. Vì vậy nếu có thể chỉnh lại tít nhiều về cách hành văn của hai mảng này đề người đọc không bị nhàm chán thì chất lượng công trình sẽ được nâng lên đáng kể.
Phần thứ III đặt mục tiêu làm rõ thêm về thời đại hiện nay và các giải pháp để phát huy những giá trị lịch sử trong điều kiện mới là thực sự cần thiết và bổ ích. Đề tài đã đi sâu giới thiệu được những nội dung chính của thời đại ngày nay, nhất là chú trọng tìm hiểu về những kinh nghiệm bảo vệ và giải phóng thủ đo của một số nước, cả những bài học thắng lợi cũng như những nguyên nhân dẫn đến thất bại. Cách trình bày trong đề tài là khá thuyết phục, ngắn gọn, rõ ràng và với một dung lượng hợp lý. Cũng từ đó các tác giả bằng phương pháp tiếp cận khách quan đã đưa ra được dự báo về các nhân tố có thể tác động đến công cuộc bảo vệ và xây dựng Thủ đô hiện nay, đặt ra những giả thiết mang tính khách quan về tình huống cần phải giải quyết trong sự nghiệp này.
Chương cuối cũng được đúc kết từ nhu cầu của thời đại mới đã đặt ra những vấn đề mà theo các tác giả đề tài nhấn mạnh là cần tìm ra những giải pháp hữu hiệu để có thể phát huy một cách tốt nhất những giá trị lịch sử vào sự nghiệp bảo vệ thủ đô.
Kết luận:
Với một dung lượng dày dặn (trên 400 tr.) và việc tập hợp được một đội ngũ đông đảo các nhà nghiên cứu, đề tài đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là một công trình được thực hiện nghiêm túc, có chất lượng tốt, góp phần thiết thực vào dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng vượt lên trên ý nghĩa đó là góp phần trực tiếp vào công cuộc bảo vệ vững chắc Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong thời đại mới. Chúng tôi đánh giá cao kết quả nghiên cứu của các tác giả tham gia thực hiện đề tài này. Tuy nhiên, khi xuất bản, cũng nên cẩn trọng hơn trong một số vấn đề tiểu tiết: thật chính xác về sự kiện cụ thể, cần cân nhắc thêm về các nhân vật lịch sử hiện đại, các tên gọi phải được thống nhất một cách viết (như Thánh Gióng và Thánh Dóng)... Đấy chỉ thuần túy là lỗi kỹ thuật, song đối với một công trình như đề tài này thì sự cẩn trọng càng cao càng thể hiện tính nghiêm túc của nó.
|