|
PGS.TS. Trịnh Vương Hồng viết ngày 25/08/2011
1. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam ở thế kỷ XX. Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tiến trình cách mạng và vào sự thành công của cách mạng cả nước. Bởi thế, đề tài này có vị trí rất xứng đáng trong hệ công trình khoa học về Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến.
2. Trong khi khôi phục lịch sử cuộc đấu tranh giành chính quyền của nhân daâ ta ở Hà Nội, các tác giả đã khảo tả một cách kỹ lưỡng những điều kiện về tự nhiên, xã hội - dân cư, vị trí Hà Nội dưới thời thực dân, phát xít, hệ thống lãnh đạo đối với và ở Hà Nội. Chính đặc điểm dân cư, vị trí địa - chiến lược - nơi đóng của cơ quan đầu não thực dân phát xít ở miền Bắc và cả Đông Dương; nơi được Trung ương và Xứ uỷ tập trung chỉ đạo... đã làm nên những điểm riêng của Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội.
Vừa làm rõ vai trò và sự sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân Hà Nội, quan hệ hỗ trợ, hiệp đồng Hà Nội và địa phương bạn cận kề và cả nước, bản thảo cũng làm rõ sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ uỷ và Thành uỷ Hà Nội.
Những vấn đề về chuẩn bị khởi nghĩa và nghệ thuật khởi nghĩa - đón thời cơ, chỉ đạo đấu tranh chính trị - vũ trang... cũng được nêu rõ.
3. Xin nêu vài gợi mở giúp tác giả tham khảo, chỉnh, sửa:
- Có thể làm đậm nét hơn về chỉ đạo nghệ thuật khởi nghĩa ở Hà Nội và cùng xem khởi nghĩa ở Hà Nội và nhịp đập khởi nghĩa các địa phương khác như thế nào?
Nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa của Đảng đã chỉ rõ lúc nào đấu tranh chính trị giữ địa vị chủ yếu, lúc nào đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đều quan trọng như nhau và cuối cùng là đưa đấu tranh vũ trang tiến lên chiếm địa vị chủ yếu. (Đây là bài học mà Đảng ta đã rút ra và vận dụng trong chỉ đạo chiến tranh cách mạng ở miền Nam 1954-1975). Phải chăng, đến Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau”... (12.3.1945), đấu tranh vũ trang được đặt ngang đấu tranh chính trị; từ sau Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, họp ở Hiệp Hoà tháng 4-1945, tuy đấu tranh chính trị vẫn hết sức quan trọng nhưng Đảng đã chuyển sang tập trung sự lãnh đạo vào chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, vì “tình thế đã đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp trong lúc nào” (Xem Nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ).
- Cũng có thể làm đậm nét hơn Nghị quyết TW 8 (5-1942), với câu trích về “thay đổi chiến lược” (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, tr.118).
- Cũng nên viết sâu thêm về khó khăn của lực lượng khởi nghĩa, tuy ít đổ máu, nhưng đã có những cuộc chiến đấu ở Tam Đảo, Thái Nguyên, thị xã Hà Đông, Vĩnh Yên và chiến khu Đông Triều; những cuộc đàm phán kéo dài ở trại Bảo an binh Hà Nội, những cuộc thương lượng không thành công và Nhật vẫn chiếm giữ Phủ Toàn quyền, Ngân hàng Đông Dương và Đài Phát thanh, (những điểm sau cũng là những hạn chế của khởi nghĩa).
- Rà soát thêm những vấn đề kỹ thuật:
Có những nội dung khó theo dõi (từ tr.71 trở đi...).
Có sự kiện đưa trùng (tr.81 và 84, 132 và 137).
Về diễn đạt, các khổ 1, 2, 3 d1, tr.64.
Nên đưa danh sách Toàn quyền Đông Dương ra khỏi chính văn, cho xuống phụ lục, tr.9.
Nếu được, kết luận nên khái quát thành các ý, luận điểm.
Nên nghĩ thêm về câu trích của Tônnetxơn (tr.193), bởi đã rõ các hình thức cách mạng Nga, Trung Quốc, Cu Ba và Việt Nam...
4. Tóm lại, đây là bản thảo đạt chất lượng tốt. Đề nghị tập thể tác giả suy nghĩ thêm về các ý kiến đóng góp của Hội đồng Khoa học để chỉnh sửa thêm, nâng cao chất lượng hơn nữa. Đề nghị Ban Dự án tạo điều kiện cho tác giả trong quá trình hoàn thiện bản thảo.
|
|
PGS.TS. Lê Đình Sỹ viết ngày 25/08/2011
1. Mặc dù đã có nhiều công trình, đề tài viết về Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội, nhưng vì đây là một sự kiện lịch sử trọng đại, nên trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội rất cần có một cuốn sách mới về sự kiện này. Vì thế đề tài có tính cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
2. Bản thân công trình có những ưu điểm nổi bật như sau:
- Bố cục các chương mục hợp lý, tức là phần nội dung chính gồm ba chương nói về ba giai đoạn phát triển của phong trào cách mạng ở Hà Nội tiến tới thắng lợi vĩ đại của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô.
- Công trình đã kế thừa được những thành quả nghiên cứu trước đây về Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội.
- Về nội dung các chương như trong bản thảo là đã đầy đủ, ngắn gọn: Đã nêu rõ được tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Hà Nội trước khi diễn ra tổng khởi nghĩa, đã miêu tả làm sáng tỏ các bước phát triển của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, đã tái hiện quá trình chuẩn bị khởi nghĩa cũng như diễn biến của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Hà Nội; thể hiện được vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cũng như vai trò của các tổ chức quần chúng yêu nước ở Thủ đô.
- Bản thảo đã nêu được quan điểm của tác giả đối với một số sự kiện trước đây còn tồn tại những ý kiến khác biệt nhau.
- Cách thể hiện, văn phong trong bản thảo rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu. Nguồn tư liệu phong phú, phương pháp nghiên cứu hợp lý.
- Phần phụ lục có giá trị nghiên cứu, tham khảo tốt.
3. Một số hạn chế, những điểm cần sửa chữa nâng cao:
Tên chương 2 và chương 3 nên thêm cụm từ “ở Hà Nội” không nên viết chung chung.
Bản thảo tôi đọc thiếu trang 111.
Cần chuẩn xác một số chi tiết và sự kiện: ví dụ:
+ Ở trang 75 nói rằng: Xứ ủy và Thành ủy chú trọng hướng đấu tranh của quần chúng vào mục tiêu cụ thể...: nhằm tăng cường lực lượng quốc phòng. Lúc này không nên nói là lực lượng quốc phòng, vì ta chưa giành được độc lập.
+ Trong 160 viết vườn hoa Pôn Be ở đường Đinh Tiên Hoàng nay là vườn hoa Gandhi là không cập nhật. Vườn hoa này đã đổi tên từ lâu rồi.
+ Nên thống nhất nói ngoại thành Hà Nội có 36 xã hay 36 làng (có nơi viết là 36 làng, có nơi viết là 36 xã), vì làng và xã là hai đơn vị hành chính khác nhau.
+ Trang 174 nói Thái Nguyên khởi nghĩa và giành thắng lợi ngày 19/8 là không chính xác. Theo tôi hiểu Thái Nguyên, Ninh Bình và Bắc Ninh giành chính quyền vào ngày 20/8.
- Chúng ta biết Hà Nội chiến đấu không đơn độc: vì thế cần làm rõ hơn vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hà Nội (bởi lệnh tổng khởi nghĩa bắt đầu từ Tân Trào...). Cần phân tích quan hệ giữa khởi nghĩa ở Hà Nội với các địa phương khác. Hà Nội thời đó cũng là trung tâm đầu não của kẻ thù, đã khởi nghĩa giành thắng lợi ngày 19/8, cùng ngày có Yên Bái, Thái Bình, Thanh Hóa và Khánh Hòa. Nhưng trước đó, ngày 18/8 có 4 tỉnh đã giành được chính quyền là Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Nam...vì thế cần so sánh khởi nghĩa ở Hà Nội với các địa phương, để làm nổi bật đặc điểm riêng ở Hà Nội.
- Cần làm rõ hơn vai trò, ảnh hưởng và ý nghĩa của tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Hà Nội đối với phong trào tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Đặc biệt làm nổi bật ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám ở Hà Nộ trong thắng lợi chung, vì Hà Nội có vị trí đặc biệt riêng; cũng cần nêu ý nghĩa thực tiễn của tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Hà Nội đối với công cuộc xây dựng Thủ đô hiện nay. Điều trên tác giả có đề cập phần nào ở kết luận nhưng chưa đủ. Giá như có một chương hay một mục riêng về đặc điểm, vai trò, ý nghĩa, bài học của Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội thì giá trị khoa học của công trình sẽ cao hơn và đóng góp mới của công trình sẽ nhiểu hơn, rõ nét hơn.
- Một vấn đề nữa là việc đánh giá vai trò, những cống hiến của các cá nhân - nhân vật lịch sử trong sự kiện Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội cũng cần làm nổi bật hơn. Lịch sử đã lùi xa 65 năm rồi, ta đã có điều kiện để nhìn nhận, đánh giá chính xác khách quan các nhân vật lịch sử giai đoạn này.
Tóm lại, bản thảo Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội là bản thảo tốt, cần sửa chữa, bổ sung, hoàn chỉnh để kịp xuất bản trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|
|
PGS.TS. Phạm Xanh viết ngày 25/08/2011
Sau khi đọc kỹ bản thảo Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Nội cùng với Phu lục gồm 200 + 103 trang, tôi có mấy suy nghĩ sau đây:
Cấu trúc bản thảo gồm 3 chương là hợp lý, đảm bảo chuyển tải những nội dung cần thiết của đề tài. Có thể điều chỉnh tên chương và tên các tiểu mục trong các chương cho thêm phần chặt chẽ, ngắn gọn. Tên chương 3 nên chỉnh lại là Từ cao trào kháng Nhật cứu nước đến khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội (12/3 đến 2/9/1945), không cần thêm cụm từ “Xây dựng chính quyền nhân dân”, bởi vì mọi cuộc cách mạng đều tập trung vào vấn đề cốt lõi là lật đổ chính quyền cũ và xây dựng chính quyền mới. Ở chương 1, trong tiểu mục 1.2 Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trước năm 1939 chỉ cần tập trung vào: 1.2.1 Các phong trào theo khuynh hướng dân chủ tư sản và 1.2.2 Các phong trào theo khuynh hướng vô sản được phân thành hai đoạn: 1930 - 1936 và 1936 - 1939. Nếu viết như bản thảo thì người đọc có thể hiểu Phong trào vận động dân tộc dân chủ 1936 -1939 không nằm trong khuynh hướng vô sản.
Về nội dung.
Tôi tập trung chỉ ra những gì chưa được, theo tôi, để các tác giả xem xét để công trình có thể xuất bản được năm 2010 nhân sự kiện Nghìn năm Thăng Long.
Ở chương 1, tiểu mục 1.2: Vị thế của Hà Nội, các tác giả xem xét lại một số vấn đề sau đây: Tháng 10/1887, thành lập Liên bang Đông Dương, người đứng đầu Liên bang là Toàn quyền Đông Dương và nơi làm việc của Toàn quyền và các cơ quan giúp việc gọi là Phủ Toàn quyền (bây giờ là Phủ Chủ tịch) tại Hà Nội, vì Hà Nội được chọn là Thủ phủ của Liên bang. Không những thế, Hà Nội còn là nơi làm việc của các cơ quan thuộc xứ Bắc Kỳ, gọi là Phủ Thống sứ chứ không phải là Phủ Khâm sứ như các tác giả viết ở trang 11 và cũng là đặt tòa Đốc lý Hà Nội mà các tác giả đã bỏ quên, không hề nhắc tới một dòng nào. Trong khi đó lại đưa vào chính văn danh sách Toàn quyền Pháp - Nhật cai trị Đông Dương đến năm 1945, nếu cần chỉ lập danh sách gồm Toàn quyền, Thống đốc và Đốc lý ở Hà Nội trong những năm 1939-1945.
Gọi nhà tù Hỏa Lò là địa ngục trần gian là hơi quá. Cụm từ đó chỉ dùng cho Nhà tù Côn Đảo, còn nhà tù Hỏa Lò chỉ đóng một vai trò khiêm tốn trong hệ thống nhà tù của thực dân Pháp. Nó là nơi tạm giam những người bị bắt (cả chính trị phạm lẫn thường phạm) trước khi đưa ra xét xử tại các phiên tòa, những người bị giam lại ở nhà tù này chỉ bị án dưới 5 năm, trên 5 năm đày lên nhà tù Sơn La, từ 10 năm trở lên mới bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Nhà tù Hỏa Lò đóng vai trò là một trạm trung chuyển trong hệ thống nhà tù của thực dân Pháp.
Ở trang 13, tác giả viết: “bên cạnh nhà tù Hỏa Lò là Tòa Đại hình…”. Viết Tòa đại hình ở đây là không đúng, nên viết là Tòa án. Khi có những vụ việc chính trị quan trọng như việc xét xử nhà cách mạng Phan Bội Châu hoặc những người tham gia khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng chẳng hạn thì Tòa án mới lập những Toà đại hình để xét xử. Ở trang 14, viết Trung tâm văn hóa - tôn giáo, chỉ cần văn hóa là đủ, bởi vì tôn giáo nằm trong văn hóa. Các tác giả xem lại nhận định: “lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, Phật giáo Hà Nội lại có những biểu hiện dấn thân vào đấu tranh chính trị”. Nhận định như vậy phải có sử liệu để chứng minh.
Ở trang 15, các tác giả viết: “Theo gót chân của người Pháp, một số yếu tố tôn giáo mới cũng được du nhập…”. Sao gọi là yếu tố mà thực sự là các tôn giáo mới như Kitô giáo, Tin lành, lần lượt du nhập vào Hà Nội cùng cạnh tranh và tồn tại với các tôn giáo và tín ngưỡng khác đã có mặt ở Hà Nội từ nhiều thế kỷ trước.
Phần viết về giao thông (trang 23-24) rất lộn xộn. Có lẽ các tác giả khi viết về vấn đền này nên tách thành hai: Trung tâm giao thông và giao thông nội đô. Trong phần viết về Hà Nội - trung tâm giao thông của cả nước và Liên bang đều lấy Hà Nội là điểm xuất phát của 4 loại hình giao thông - Đường bộ với hai bến xe Hàng Nứa và Kim Liên, đường thủy với bến Long Biên, Phà Đen, đường sắt với Ga Hàng Cỏ, hàng không với sân bay Bạch Mai, Gia Lâm đón đưa hành khách đi mọi miền trên toàn Liên bang, khu vực và thế giới. Tiếp đó là trình bày về giao thông nội đô, điển hình là “tàu điện leng keng” lấy hồ Hoàn Kiếm là ga trung tâm tỏa đi mọi hướng Hà Nội.
Ở trang 33, giai cấp tư sản dân tộc ở Hà Nội nên hiểu như thế nào cho đúng, theo nghĩa toàn thể (Việt Nam) hay theo nghĩa bộ phận (dân tộc/ mại bản), bởi lẽ trong tư sản Hà Nội có hai bộ phận, số đông là tư sản dân tộc, số ít là tư sản mại bản.
Ở trang 36, khi viết về lực lượng tiểu tư sản, các tác giả cho rằng tầng lớp học sinh và sinh viên là quan trọng nhất. Đánh giá như thế là không đúng, mà phải khẳng định là trong ba bộ phận hợp thành giai cấp tiểu tư sản thì bộ phận quan trọng nhất là trí thức, bao gồm cả học sinh và sinh viên như đội quân hậu bị của trí thức.
Ở Tiểu mục 2.1 (trang 38-39), khi viết về phong trào cách mạng theo khuynh hướng (không gọi là xu hướng) dân chủ tư sản, nhóm tác giả đã bỏ quên hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng, một chính đảng điển hình theo khuynh hướng này, bắt đầu từ Nam Đồng thư xã, một tổ chức tiền thân của VNQDĐ và hoạt động của Việt Nam Nghĩa đoàn, sau đó là Phục Việt > Hưng Nam xung quanh phong trào Ân xá Phan Bội Châu và Truy điệu Phan Chu Trinh.
Ở trang 47, khi viết tên báo nên để nguyên tên gốc,sau đó mới mở ngoặc tên báo dịch sang tiếng Việt. Chẳng hạn như báo Le Travaille (Lao Động) chứ không phải là Tranh đấu như các tác giả viết. Báo Tin Tức không phải của Mặt trận Dân chủ, mà là cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Bắc Kỳ (trang 51).
Ở trang 63, Nhật cho quân tiến đánh Lạng Sơn… là không đúng. Theo các hiệp ước Pháp ký với Nhật, quân Nhật vào Bắc Kỳ chiếm đóng một số nơi như các sân bay Kép, Cát Bi, Gia Lâm, Đáp Cầu (Bắc Ninh), và Hà Nội… Quân Nhật từ Trung Quốc qua ngã Lạng Sơn tiến vào Bắc Kỳ, không có đánh và Lạng Sơn. Tại Hà Nội quân Nhật đóng ở khu Đồn Thủy và một số nơi khác như khu vực Đấu Xảo (bây giờ là khu vực Cung 1-5, phố Trần Hưng Đạo) và Trường Bưởi cho kỵ binh Nhật…
Ở trang 76, lúc này chưa xuất hiện địa danh Nam Bộ, mà thường gọi là Nam Kỳ, cho nên thông thường người ta viết Khởi nghĩa Nam Kỳ, chứ không có khởi nghĩa Nam Bộ.
Báo Cờ Giải phóng là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương liên quan tới Tổng Bí thư Trường Chinh, chứ không liên quan nhiều tới Hoàng Văn Thụ, lúc đó là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (trang 83).
Khi Hoa Kỳ ném bom Hà Nội (1943), trang 101… Chính xác hơn nên viết: Máy bay Đồng Minh do các phi đội Phi Hổ của tướng Mỹ là Sênôn ném bom xuống vùng Hà Nội, trong đó có khu vực Ga tàu hỏa Gia Lâm…
Đoạn “Ngày 25-8-1945…Hà Nội không thay đổi” (trang 107) lặp lại ở phần địa giới hành chính.
Ở mục 3.1 ( trang 147) các tác giả xem lại để viết đúng về những đại biểu Hà Nội đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội Tân Trào. Không thể có chuyện Dương Đức Hiền, Đảng Dân Chủ Việt Nam, Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận…, đại biểu của Hội Văn Hóa Cứu quốc Hà Nội, các đại biểu Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc… lại đi dự Hội nghị Đảng toàn quốc!
Theo sự thỏa thuận của Anh - Mỹ (trang 153) không đúng. Chính xác là theo thỏa thuận của Đồng Minh ở hội nghị Pôxddam.
Ở trang 183, các tác giả viết: “Ngày 2-9, Ủy ban Dân tộc Giải phóng chính thức đổi thành Chính phủ Lâm thời…” là không đúng. Lịch sử đã khẳng định ngày 28-8-1945, Ủy ban Dân tộc Giải phóng chuyển thành Chính phủ chính thức.
Cũng có thể còn nhiều nữa.
Về văn phong. Công trình lịch sử phải được viết bằng văn phong chính luận đằm thắm, sắc sảo, nhưng trong công trình này nhiều chổ sử dụng những tính từ không cân nhắc kỹ, những khái niệm không chuẩn. Chẳng hạn như ở trang 188 -189, tư tưởng của Lênin chứ không phải là quy luật. Hoặc ở trang 183, khi miêu tả nhân dân Hà Nội và các vùng lân cận đổ về Vườn hoa (chưa gọi là quảng trường) dự Lễ Tuyên ngôn Độc lập “như thác lũ” và tiếp đó là một đoạn văn hết sức lủng củng xen kẽ miêu tả và trích dẫn trong Tuyên ngôn độc lập.
Ở phần tài liệu tham khảo có sự lặp một đầu sách đánh số 30, 46 và 67.
Nhìn chung công trình về cách mạng tháng Tám ở Hà Nội lần này không hơn gì về cả nội dung và hình thức, so với các công trình trước đó như Cuộc vận động Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội của Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Hà Nội xuất bản năm 1975 và Lịch sử Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Viện Lịch sử Đảng xuất bản năm 1995. Lẽ ra, sau 15 năm, về nội dung, công trình này phải hơn các công trình trước đó ở hai vấn đề: Hoạt động của Chính phủ Trần Trọng Kim ở Hà Nội và giới hạn dưới của Cách mạng tháng Tám không phải là ngày 2-9-1945, mà là tháng 11-1946 khi Quốc hội thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cả hai vấn đề mới đó đều chưa đạt tới trong công trình này.
Trên đây là những gì mà tôi cần nói về công trình này, theo tinh thần cho công trình khoa học xuất bản trong Tủ sách Thăng Long nghìn năm có chất lượng đáp ứng lòng mong muốn của công chúng và không lãng phí tiền của của Nhà nước.
|
|
PGS.TS. Võ Kim Cương viết ngày 25/08/2011
Sau khi được đọc tập bản thảo với độ dày 200 trang A.4 của phần nội dung và hơn 100 trang phần phụ lục bao gồm văn kiện gốc, bản đồ và ảnh tư liệu, tôi thấy rằng bản thảo “CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 Ở HÀ NỘI” là một công trình khoa học nghiên cứu về chủ đề này được thực hiện một cách sâu rộng, có một cái nhìn tổng thể, toàn diện và mang tính hệ thống từ nhiều khía cạnh. Việc tổ chức biên soạn và đã hoàn thành nhiệm vụ như kết quả được thể hiện trong bản thảo công trình vào thời điểm hiện nay lại còn mang ý nghĩa thiết thực là phục vụ kịp thời Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Đồng thời, việc tiến tới xuất bản công trình này còn đáp ứng nhu cầu hiểu biết của xã hội nói chung và những ai yêu thích Hà Nội nói riêng.
Trên cơ sở tham khảo, kế thừa và phát triển những kết quả của nhiều học giả đi trước để giải quyết vấn đề theo mục tiêu nghiên cứu đặt ra, nhóm tác giả bản thảo đã xây dựng được một bố cục đối tương thích với cách tiếp cận theo trình tự lịch sử và có sự giới hạn cụ thể, rõ ràng về nội dung vấn đề nghiên cứu, về phạm vi không gian và thời gian.
Với 3 chương của phần nội dung, bản thảo đã cho người đọc nắm bắt được một cách cơ bản nhất về 3 vấn đề: Hà Nội trước 1939, Hà Nội từ 1939 đến đầu 1945, và tiến trình cách mạng từ sau khi Nhật đảo chính Pháp đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945.
Qua bản thảo, chúng tôi thấy rằng, ở chương I, các tác giả đã trình bày một cách cô đọng và khái quát về địa gới, vị thế và bộ mặt xã hội trong thời kỳ trước 1939. Cách trình bày đã biết tập trung vào những vấn đề chủ yếu, khai thác được những đặc trưng cơ bản cho nên bản thảo đã làm rõ mục tiêu chính là giải thích được phong trào cách mạng ở Hà Nội được hình thành trên một nền tảng cụ thể như thế nào.
Một vấn đề khác trong chương I cũng được giới thiệu đến là nội dung phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trước năm 1939. Ngoài việc có đề cập một cách khái lược về xu hướng dân chủ tư sản vào giai đoạn đầu thế kỷ XX, thì các tác giả đã biết tập trung để phân tích những điểm chủ yếu trong phong trào vô sản và trong cuộc vận động dân tộc dân chủ 1936 - 1939.
Chương II tập trung giới thiệu được bức tranh tổng quan về phong trào đấu tranh cách mạng ở Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn từ 1939 đến đầu 1945 - thời điểm Nhật thực hiện cuộc đảo chính hất cẳng Pháp nhằm độc chiếm Đông Dương. Từ việc trình bày bối cảnh lịch sử mới vào thời điểm này, các tác giả đã giới thiệu khá chi tiết và bao quát được tổng thể nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra, bao gồm quá trình xây dựng và phục hồi lực lượng, đẩy mạnh việc chuẩn bị lực lượng bằng việc xây dựng mạng lưới cơ sở cách mạng tại ngoại thành và các vùng ven Hà Nội, cũng như sự đa dạng của phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội.
Các vấn đề chính của cao trào kháng Nhật và Tổng khởi nghĩa được trình bày trong chương III với cách tiếp cận hợp lý: từ bối cảnh, đến đường lối, chủ trương của Đảng, Xứ uỷ, Thành uỷ và sau đó là trình bày cụ thể vào phong trào cách mạng ở nội thành cũng như ngoại thành; quá trình Khởi nghĩa cũng được giới thiệu qua quá trình chuẩn bị, chủ động giành chính quyền và những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp củng cố chính quyền cách mạng trên địa bàn thành phố.
Nhìn chung, chúng tôi thấy rằng bản thảo đã thể hiện được một cách trung thực và sinh động về phong trào cách mạng ở Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian từ đầu 1939 cho đến thời điểm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Bản thảo đã làm rõ được những nội dung chính mà đề tài đặt ra là trên cơ sở quán triệt một cách triệt để, sáng tạo những chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng trong cao trào cách mạng 1939-1945 nói chung và đường lối kháng Nhật cứu nước trong thời điểm cụ thể, Xứ uỷ Bắc kỳ và trực tiếp là Thành uỷ Hà Nội đã sáng suốt và kịp thời chỉ đạo các lực lượng cách mạng ở Hà Nội trong việc lôi cuốn, vận động đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân tiến hành đấu tranh, chuẩn bị lực lượng và khi thời cơ đến đã phát động toàn thể quần chúng nhất loạt vùng lên lật đổ chế độ áp bức Nhật - Pháp, giải tán chính quyền bù nhìn tay sai, lập ra chính quyền cách mạng tại Hà Nội.
Theo chúng tôi, những điểm chính mà Hội đồng chuyên môn góp ý vào Bản đề cương chi tiết đã được chỉnh sửa một cách cơ bản. Tuy nhiên, nếu như đề cương còn chương IV nhằm trình bày về đặc điểm và ý nghĩa, thì các tác giả đã rút gọn và dồn nội dung này vào kết luận; như vậy cũng có thể tạm chấp nhận được.
Ngoài ra cũng còn một vài điểm nhỏ cần được chỉnh sửa trước khi xuất bản.
Đó là:
- Trong chương I, tiết 2.1.Xu hướng dân chủ tư sản có lẽ nên bổ sung thêm vì nội dung này sẽ góp phần lý giải sự thành công của việc lôi cuốn, vận động quần chúng, nhất là tầng lớ tiểu tư sản vào cao trào cách mạng sau này. Ở đây chỉ có 2 trang thì quá ít.
- Cần chính xác: tr.19 - hiện nay không dùng khái niệm trường cấp II, cấp III nữa nên giải thích là Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thì hợp hơn; tr.83 viết Vùng Bưởi là cửa ngõ phía Đông Nam của Hà Nội; ở các tr. 106 và 110 có 2 tiết cùng một số thứ tự 2.2.; tr.107 viết Nhật chiếm một vùng... với khoảng 5.000 triệu dân tức là 5 tỷ dân thì là không chính xác;
- Nhiều số liệu, sự kiện sử dụng trùng lắp: tr.7 và tr. 107 (số lượng đơn vị hành chính); tr.130 và 137 (hoạt động củaThanh niên xung phong Hoàng Diệu); tr.131 và tr.134 (công nhân nhà thương Đồn Thuỷ); tr.132 và tr. 137 (đội ám sát); tr.166 và tr.168 (Đội xung phong đột nhập nhà in);
- Một vài câu chữ cần cân nhắc thêm: tr.1 (câu đầu tiên của Lời nói đầu hình như chưa chuẩn xác); tr.180 (đón về của gia đình tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô...).
Kết luận:
Tổng thể, tôi cho rằng bản thảo đã thể hiện được sự cố gắng cao của các tác giả và thể hiện tính nghiêm túc, cầu thị. Đây là một công trình có chất lượng. Tôi hoàn toàn đồng ý để bản thảo có thể xuất bản một cách nhanh nhất sau khi chỉnh sửa những điểm nhỏ nêu trên.
|
|
PGS.TS. Trịnh Vương Hồng viết ngày 24/08/2011
Đây là bản đề cương được bổ sung, sửa chữa theo kết luận của Hội đồng khoa học nghiệm thu đề cương họp ngày 5 tháng 9 năm 2009. Chủ nhiệm đề tài và cộng sự đã tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến đã góp. Bản đề cương lần 2 này có những thay đổi họp lý hơn về cơ cấu, tiêu đề chương, mục gọn, rõ hơn, nhiều sự kiện, nội dung, vấn đề được nêu lên và làm sáng tỏ hơn.
Sau đây là vài gợi mở giúp tập thể tác giả tham khảo, chỉnh sửa thêm trước khi viết:
1- Chương I: Tình hình chính trị…
(Mục 1): Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Hà Nội trước năm 1945.
- Chú ý ở tên chương là…trước Cách mạng tháng Tám. Ở mục là trước năm 1945
- Mục 1 chỉ có tiêu đề, không có nội dung cụ thể. Đề nghị, ngoài nội dung tác giả đã phác họa ở đề cương lần 1, nên làm rõ hơn:
+ Sao cho nội dung mục này, về tình hình chung quốc tế và trong nước gắn với Hà Nội, là cái “phông” để đi sâu vào tình hình dẫn đến khởi nghĩa ở Hà Nội.
+ Một cách tinh tế, miêu tả tình hình (đất nước và Hà Nội) cũng là điều kiện để nổ ra khởi nghĩa tương đồng quan điểm của Lênin.
+ Khởi nghĩa, tổng khởi nghĩa (Hà Nội và cả nước) đáp ứng yêu cầu lịch sử
+ Chuẩn bị của Đảng suốt 15 năm, (lướt qua) đoạn 1930 - 1939, tập trung hơn từ 1939, và nhất là từ tháng 3 - 1945.
+ Chuẩn bị đủ thế và lực để đón thời cơ; nắm chắc chỉ đạo của Trung ương và sáng tạo trong nắm thời cơ của địa bàn Hà Nội, đồng thời xử lý các vấn đề cụ thể ở Hà Nội sáng tạo…
+ Cũng cần nói rõ thái độ của phát xít Nhật; trạng thái Nhật - Việt - Minh- các loại tay sai đế quốc trong bối cảnh trước và trong những ngày khởi nghĩa để có cơ sở đánh giá hiện trạng (tính chất) bạo lực trong Cách mạng tháng Tám; Bạo lực cách mạng, hình thức bạo lực chính trị - bạo lực chính trị của quần chúng. Xâu chuỗi các nội dung về âm mưu và phản ứng của Nhật (cần nhớ mãi 21 - 8 nội bộ Nhật mới có chỉ thị án binh bất động), cần liên hệ các trận đánh Nhật ở Thái Nguyên và Tam Đảo trước đó…
(Mục 2) – Phong trào đấu tranh .., cần trình bày sao cho logic và mạch lạc.
2- Chương II: Quá trình vận động..
2.1 Hà Nội trong những năm 1939 - 1945
+ Cần nhận định rõ nội dung (các ý), nếu các tác giả viết độc lập, dễ trùng nội dung mục 1 của chương I.
+ Mục này hơi rối, cần sắp xếp lại cho rành mạch. Vả lại các lĩnh vực chính trị, xã hội dễ trùng với mục 1 của chương I.
2.2 Chủ trương của ĐCSĐD, Xứ ủy Bắc kỳ và Thành ủy Hà Nội.
+ Trên thực tế, mục này chỉ có 2.2.1 - chủ trương của ĐCSĐD và 2.2.2 -chủ trương của Thành ủy Hà Nội. Không thấy chủ trương của Xứ ủy Bắc kỳ.
+ 2.2.2 Chủ trương của Thành ủy Hà Nội, ngoài chủ trương về xây dựng các tổ chức yêu nước và xây dựng ATK, cần đưa việc đưa quần chúng ra đấu tranh (tập dượt), việc dự kiến về âm mưu và thái độ của phát xít Nhật cùng kế sách đối phó (các phương án ở thời đoạn đó) lên thành ý lớn, tương đương 2 ý đã nêu ở trên. Việc xây dựng cơ sở, tổ chức chính trị, bao hàm lực lượng vũ trang cũng cần được làm nổi bật.
2.3. Cuộc vận động giải phóng dân tộc những năm 1939 - 1945 ở Hà Nội,
+ Không thấy viết nội dung.
3- Chương III khởi nghĩa giành chính quyền…
3.1 Cần nêu chủ trương với Nhật. Nhưng xem để ở mục trước (chương II) hợp lý hay ở chương III hợp lý hơn.
- Đánh giá đầy đủ hơn về chủ trương và thực tế biến cuộc miét tinh 17- 8 của Tổng hội công chức chính quyền Trần Trọng Kim thành cuộc mít tinh và tuần hành của chính quyền cách mạng…
- Làm rõ và đánh giá đúng mức sức mạnh của lực lượng quần chúng, khí thế cách mạng… Viết cụ thể thời điểm cách mạng bùng phát thì Xu - ba - chi - si chưa ký lệnh ngừng bắn (lệnh ngừng bắn chỉ có giá trị từ 8 giờ ngày 21 tháng 8… Tính kiên quyết và sáng tạo trong giải quyết quan hệ với Nhật, trong sự kiện giải tỏa quân Nhật ở trại Bảo anh bình…
3.2 Xếp lại trật tự các ý trong mục (diễn biến) này.
4- Chương IV:… đặc điểm và ý nghĩa
- Đề nghị xếp lại trật tự các ý, rõ ra đâu là đặc điểm, đâu là ý nghĩa. Vai trò khởi nghĩa Hà Nội đặt trong ý nghĩa?
- Đề nghị nhấn mạnh những sáng tạo của Hà Nội
- Cần nêu và nhấn mạnh việc tạo ra thời cơ cách mạng và nhạy bén với thời cơ, nắm bắt kịp thời trong chỉ đạo của Trung ương và trong thực hiện của Hà Nội.
- Cũng nên luận về tính chất, hình thức bạo lực trong khởi nghĩa ở Hà Nội, xem như đặc điểm.
5- Kết luận
(Chưa có nội dung)
6- Ghi thêm: Vì một số mục chưa có nội dung (mục 1 – chương I, 2.3 - chương II và kết luận), thêm vào đó cách trình bày đề cương không theo cấp độ (chương – mục – tiểu mục – ý) (luận điểm) mà là sự diễn tả nên khó “đọc” được ý tác giả. Mặt khác, cũng cần chú ý đến tính nhất quán của đề cương, có chương gồm mục – ý; chương khác lại không nhu vậy. Đề nghị hoàn chỉnh thêm trước khi triển khai viết bản thảo./.
|
|
TS. Trần Ngọc Long viết ngày 24/08/2011
1. Về cơ bản, đề cương lần này đã thể hiện được sự lĩnh hội, tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu lần I tương đối đầy đủ. Một số nội dung thiếu đã được tác giả bổ sung; một số điểm chưa chuẩn xác đã được chỉnh sửa; tên các mục và tiểu mục đã được sửa gọn, súc tích và sáng rõ hơn.
2. Một số góp ý mang tính gợi mở cho nhóm tác giả trong quá trình hoàn chỉnh đề cương lần cuối:
- Ba đoạn văn (từ dòng 1 đến hết dòng 11 từ trên xuống) trong phần Mở đầu, diễn giải chưa thanh thoát, trùng lắp ý do vậy nên chăng bỏ 3 đoạn văn này. Phần Mở đầu nên bắt đầu từ dòng 12 trở đi “Cách mạng tháng 8-1945 ở Hà Nội là một sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng…”.
- Mục 2 của Chương I mở đầu bằng câu “Hà Nội với tư cách là thủ phủ của Liên bang Đông Dương không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế mà cũng là trung tâm cách mạng”. Cách lập luận như trên có lẽ chưa thật chuẩn xác bởi với tư cách là Thủ phủ của Liên bang Đông Dương thì nơi đây phải là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế - điều đó hoàn toàn đúng, nhưng với tư cách là Thủ phủ Liên bang Đông Dương thì chưa chắc đã là trung tâm cách mạng.
- Tên của Chương II nên chăng thay từ cho bằng từ tiến tới: “Quá trình vận động tiến tới Cách mạng tháng 8 ở Hà Nội (1939-1945)”.
- Mục 2 của Chương II có tựa đề “Chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội” nhưng trong phần nội dung thể hiện mới chỉ thấy chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương và Thành ủy Hà Nội, mà chưa thấy chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ.
- Cũng trong Mục 2 này, vấn đề xây dựng an toàn khu (ATK) chỉ mới nêu lý do chọn và thời điểm xây dựng ATK Đông Anh mà chưa nêu được nội dung xây dựng ATK một cách toàn diện (xây dựng về chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự) cũng như chưa thấy đề cập đến mối quan hệ giữa 3 vùng ATK (ATK Trung ương, ATK Xứ ủy, ATK của Thành ủy Hà Nội).
- Nên đưa đoạn thứ 3 (từ trên xuống) trang 14: “Thắng lợi ở Hà Nội kéo theo một sự rung động và làm tan vỡ hệ thống chính quyền thân Nhật ở toàn vùng cũng như trong cả nước” xuống cuối Chương IV cùng với phần Ý nghĩa.
|
|
PGS.TS. Phạm Xanh viết ngày 24/08/2011
So với đề cương lần thứ nhất, đề cương lần này được chuẩn bị một cách nghiêm túc hơn, chỉnh chu hơn, nhưng xem ra vẫn không có những điểm mới so với những công trình viết về cách mạng tháng Tám năm 1945 trước đây. Để công trình khoa học về cuộc cách mạng tháng Tám ở Hà Nội có dấu ấn rõ ràng trong Tủ sách Thăng Long - Hà Nội nghìn năm, xin nhóm tác giả chú ý một số vấn đề sau đây:
1. Ở chương 1, mục 2: Phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám, nên tập trung và đi sâu vào việc chuẩn bị lực lượng cách mạng trong cuộc vận động dân chủ những năm 1936 - 1939 ở Hà Nội, tức là thời kỳ cách mạng trực tiếp cho phong trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945 sau đó, không nên dàn trải mà làm loãng vấn đề.
2. Cần xem xét lại tên chương 2, có thể là: Hà Nội trong cao trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945.
3. Ở chương 3: Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, trước khi trình bày chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, cần phải có một mục hay một tiết nói về tình hình Hà Nội sau cuộc đảo chính của phát xít Nhật, đặc biệt đi sâu vào việc thành lập và hoạt động của chính quyền thân Nhật dưới thời Chính phủ Trần Trọng Kim. Đây là nét mới ở Hà Nội so với các địa phương khác trên toàn quốc ở thời điểm lịch sử đó.
4. Có lẽ khi ta viết về cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 không nên dừng lại ở Lễ Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình, mà phải kéo dài cho đến khi ta có được Chính phủ chính thức sau cuộc Tổng tuyển cử tháng Giêng năm 1946, và Hà Nội có Chính quyền mới do ông Trần Duy Hưng làm Chủ tịch Ủy Ban hành chính thành phố, bởi lẽ, mọi cuộc cách mạng cuối cùng là ở chính quyền. Bằng chính quyền mới đó, chúng ta mới bắt tay xây dựng chế độ mới.
|
|
PGS.TS. Võ Kim Cương viết ngày 24/08/2011
Ngoài tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu cũng như tính cấp thiết của đề tài, tính khả thi trong việc biên soạn… như đã nêu trong bản nhận xét đề cương lần trước nên xin phép không nhắc lại, tôi thấy sau khi chỉnh sửa, bản đề cương lần này đã nghiêm túc triển khai theo các ý kiến mà Hội đồng đã nêu. Cụ thể:
- Về mặt phạm vi thời gian đã được chủ nhiệm đề tài mở rộng, bắt đầu từ năm 1939. Đây là giai đoạn trước cách mạng, rất cần thiết để làm nền cho việc nghiên cứu nội dung cơ bản của Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội.
- Trên cơ sở nới rộng giới hạn về mặt thời gian, nhóm biên soạn đã chủ trương đi sâu vào các vấn đề cơ bản của tình hình chính trị - kinh tế - xã hội của Hà Nội trong thời kỳ này. Đặc biệt là đi sâu hơn, theo như góp ý của Hội đồng về phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám và nhấn mạnh được rằng đó là sự tập dượt và chuẩn bị quan trọng cho Tổng khởi nghĩa trên địa bàn thành phố.
- Một vấn đề khác cũng được chú trọng đầu tư thêm là hướng vào phân tích chính sách Pháp - Nhật (cùng với bộ máy cai trị mà bọn chúng dựng lên, sự kiện Nhật đảo chính Pháp) với những hệ quả mà chính sách đó mang lại đối với đời sống của đại đa số nhân dân, làm bần cùng hóa họ đến tột độ, nạn đói hoành hành, sự phân hóa sâu sắc trong các giai tầng xã hội và sự xuất hiện của các phe phái chính trị tôn giáo đủ loại. Điều đó làm cho bức tranh về phong trào tiền khởi nghĩa được thể hiện rõ nét và mang đặc trưng riêng của Hà Nội, khác với các địa phương khác trong toàn quốc.
- Vấn đề mối liên hệ giữa sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng (Trung ương, Xứ ủy, Thành ủy) đã được chú ý theo hướng góp ý của Hội đồng; đề cương đã nhắm tới việc làm rõ thêm sự chuyển hướng chiến lược của Đảng qua các Hội nghị trung ương tháng 11 - 1939, tháng 11 - 1940 và tháng 5 - 1941 để từ đó nắm bắt sự nhạy bén tinh thần của trung ương và áp dụng vào thực tiễn đấu tranh ở Hà Nội của xứ ủy và thành ủy.
- Trong đề cương lần này, nhóm biên soạn đã tăng cường nhấn mạnh hơn đến công tác chuẩn bị toàn diện cho tổng khởi nghĩa của Thành ủy, bao gồm từ công tác xây dựng và phát triển các tổ chức yêu nước, mở rộng các lực lượng chính trị và nhất là công tác xây dựng An toàn khu. Vấn đề ảnh hưởng của việc giành chính quyền ở Hà Nội đối với các địa phương khác cũng đã được quan tâm chú ý.
- Cũng theo sự góp ý của Hội đồng, bản đề cương lần này đã đề cập đến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại vườn hoa Ba Đình ngày 02 tháng 9 năm 1945.
Tôi cho rằng bản đề cương lần này thể hiện tính cầu thị của nhóm biên soạn và đã chỉnh sửa nghiêm túc những ý kiến đóng góp của Hội đồng do vậy sản phẩm sẽ đạt được chất lượng tốt và việc thực hiện biên soạn là mang tính khả thi. Từ xuất phát điểm như vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện đề tài này để có thể phục vụ kịp thời và hiệu quả.
|
|
GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ viết ngày 24/08/2011
Sau khi Hội đồng đánh giá đề cương đề tài họp và cho các ý kiến nhận xét vào cuối tháng 8-2009, Chủ nhiệm đề tài và nhóm cộng sự đã cho chỉnh sửa một số điểm trong bản đề cương cũ.
Các chỉnh sửa này có mấy điểm nổi bật :
- Trình bày chi tiết hơn các sự kiện liên quan đến kinh tế - xã hội Hà Nội trong thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới 1 và 2.
- Phân kì lịch sử cách mạng tháng Tám được xác định lại theo tiêu chí chung.
Tên chương được chỉnh sửa gọn, rõ và hợp lý hơn.
- Một số sự kiện quan trọng có liên quan đến Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội đã được bổ sung.
Tuy vậy, theo chúng tôi, đề cương vẫn còn một vài chỗ cần được gia công:
Thứ nhất: Tên một số chương, mục cần viết lại cho chuẩn xác.
Tôi đề nghị :
Chương 1 nên ghi là: Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và những hoạt động yêu nước của nhân dân Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám 1945.
(thống nhất khái niệm này, không để chữ "năm")
Trong mục nhỏ thứ nhất của chương cần giới thiệu rõ phạm vi hành chính Hà Nội trước năm 1939.
Tên chương 2 nên ghi là Cuộc vận động đấu tranh chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội (1939 -1945)
- Ở mục 2.3 cần đưa các nội dung cụ thể vào đề cương.
Tên chương 3, chỉnh lại cho chuẩn, nên ghi là: Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Nội.
Ở mục 3.2 của chương Diễn biến khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, cần phân thành 2 tiểu mục.
+ Khởi nghĩa ở nội đô
+ Khởi nghĩa ở các quận huyện ngoại thành
Cũng trong chương này, cần đề cập đến các sự kiện như Hồ Chủ tịch về Hà Nội viết Tuyên ngôn độc lập, không khí khởi nghĩa sôi sục và vai trò của các tầng lớp dân chúng Hà Nội trong cuộc vùng dậy giành chính quyền.
Chương 4 (không có góp ý gì).
Phần Kết luận nên có dự kiến nội dung cụ thể, chi tiết.
• Về vấn đề kĩ thuật: Vì đây mói chỉ là đề cương chi tiết, nên không cần hành văn đầy đủ, chỉ cần gạch đầu dòng, nêu dự định về nội dung.
• Nên dự kiến kết quả đề tài, dự kiến bố cục sách, nên có phần nội dung chính, phần phụ lục, tranh ảnh, bảng biểu thống kê, dự kiến số trang…vv.
|
|
PGS.TS. Trịnh Vương Hồng viết ngày 23/08/2011
1. Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội là đề tài cần thiết và xác đáng trong bộ sách lịch sử Thăng Long ngàn năm văn hiến. Bởi đây là một trong bốn sự kiện nổi bật của lịch sử Việt Nam hiện đại (đề tài trình này nội dung thuộc Hà Nội nói riêng). Bởi, vị trí, vị thế và vai trò của Hà Nội với cả nước; do là điểm nối giữa lịch sử cận đại và hiện đại…
2. Đề cương đã phác họa một cách tổng quan tình hình quốc tế, trong nước và Hà Nội, nêu bật khởi nghĩa đáp ứng yêu cầu lịch sử.
Đề cương nêu rõ chủ trương của Đảng, của Đảng bộ, Hà Nội và công việc chuẩn bị khởi nghĩa ở Hà Nội;
Cao trào kháng Nhật, cứu nước và tình huống cận kề khởi nghĩa;
Về diễn biến cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (chủ trương của TW, của Hà Nội và diễn trình cụ thể);
Sau cùng là kết luận.
3. Mấy gợi mở giúp tác giả nghiên cứu trong quá trình chỉnh sửa và bổ dung (một vài ý lớn):
- Mở đầu trùng (bản thảo sách của GS. Đinh Xuân Lâm: Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc) và chệch (so với tiêu đề ). Ví như khi nêu “Công trình làm sáng tỏ lịch sử xây dựng và bảo vệ Thủ đô Hà Nội..”(?), ý nghĩa đề tài được xác định còn đơn giản.
- Tr.4: xem lại tinh thần cốt lõi của Nghị quyết TW 8 (1941). Đó là “chuyển hướng chỉ đạo” hay thực sự là “thay đổi chiến lược”.
- Tr.3, 4: Hà Nội có chủ trương “chuyển địa bàn hoạt động từ đô thị về nông thôn không”? Hay đó là chuyển “đất đứng chân” theo chỉ thị của TW Đảng (chuyển cơ quan lãnh đạo).
- Tr.4, 5: Xung quanh chủ trương của Thành ủy Hà Nội, đã đủ chưa. (Xem hội nghị Võng La).
- Tr.7: Chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng: Vận động quân Nhật (như kiểu đấu tranh chính trị), nhưng nếu quân Nhật gây xung đột vũ trang thì ta kiên quyết đánh.
Trình bày chủ trương như viết diễn biến.
- Tr.8: việc diễn biến (cho dù là đề cương) còn giản đơn, không đủ dữ liệu để kết luận.
- Tr.8: Kết luận được viết như tóm tắt, chưa thật sự “kết”.
(Đã nêu nguyên nhân, một số hoạt động chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, vận dụng thời cơ thuận lợi, ảnh hưởng của khởi nghĩa ở Hà Nội).
Chúng tôi nghĩ nên làm nổi bật một số ý sau:
Việc Hà Nội quán triệt các chủ trương của Đảng (từ Nghị quyết TW 8 (5-1941) đến các chỉ thị kế ngày khởi nghĩa.
Tinh thần chủ động (về tư tưởng, các lĩnh vực chuẩn bị, xây dựng ATK…).
Tinh thần sáng tạo (biến cuộc mít tinh 17-8 của đảng phái khác, thành của Việt Minh, chưa nhận được chỉ thị của TW, nhưng căn cứ chủ trương chung và thực trạng Hà Nội đã tổ chức khởi nghĩa).
Về nghệ thuật khởi nghĩa và yếu tố bạo lực trong khởi nghĩa, mặc dù là cuộc khởi nghĩa không đổ máu, qua đó gián tiếp đấu tranh với một số quan điểm không đúng (Đa - vít Ma, Tôn - nét - xơn…).
4. Cần bổ sung danh mục tài liệu tham khảo (Đa - vít Ma, Tôn - nét - xơn, Trường Chinh…)
- Tính khả thi của tiến độ thực hiện?
Tháng 8 và tháng 9 gồm hai công đoạn xây dựng đề cương và thu thập tư liệu; tháng 10: xây dựng bản thảo (?); tháng 11 (xây dựng và hoàn thiện) (?).
Tóm lại bản đề cương đã phác họa nên cái khung cơ bản của đề tài, khẳng định được các bước cần thiết. Tuy nhiên đề nghị tác giả tiếp thu ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, bổ sung chỉnh sửa và tính toán lại tiến độ triển khai.
|
|
TS. Trần Ngọc Long viết ngày 23/08/2011
1- Về tính cấp thiết, ý nghĩa của đề tài:
Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội là một sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và lịch sử Hà Nội nói riêng. Thắng lợi của Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội có ý nghĩa quyết định đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trên phạm vi cả nước. Xét trong chiều dài lịch sử, đó là một mốc son chói lọi trên chặng đường 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Mặc dù từ trước tới nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu đề cập tới đề tài này, song vẫn chưa có một công trình nào mang tính tổng quan, nghiên cứu một cách toàn diện cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội. Chính vì vậy, mà việc nhóm tác giả nghiên cứu đề tài “Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội” không chỉ có ý nghĩa góp phần tô dày thêm tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” mà còn có giá trị khoa học sâu sắc. Có thể nói, nếu thực hiện thành công, đây sẽ là tài liệu giáo dục lịch sử, truyền thống và là một công trình khoa học có giá trị tổng kết về mặt lý luận và thực tiễn sâu sắc. Cuốn sách sẽ cung cấp cho đông đảo độc giả phổ thông một cái nhìn tổng quan, đầy đủ và những đánh giá sâu sắc cũng như cập nhật về cuộc cách mạng lịch sử ở Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung.
2. Về phương pháp nghiên cứu của đề tài
Thấu triệt các nguyên tắc tính Đảng, tính khoa học; quan điểm đổi mới của Đảng trong quá trình thể hiện, các tác giả vừa biết kế thừa những thành tựu tổng kết lý luận và thực tiễn của Đảng, những kết quả nghiên cứu của những người đi trước, đồng thời lại vừa biết khai thác một cách hợp lý và hiệu quả nguồn tư liệu trong và ngoài nước. Đó là một ưu điểm của công trình.
Về phương pháp nghiên cứu: Các tác giả đã biết kết hợp giữa phương pháp lịch sử với phương pháp lôgíc. Đặc biệt là các tác giả đã khéo léo sử dụng các phương pháp khác như khảo sát, thống kê, so sánh như vậy chắc chắn sẽ có nhũng nhận xét, đánh giá khách quan và trung thực về các nhân vật, sự kiện lịch sử…
3. Về giá trị khoa học của đề tài:
“Cách mạng tháng 8 ở 1945 ở Hà Nội” là công trình được nghiên cứu một cách có hệ thống, khoa học. Nội dung đề cương chi tiết đã hàm chứa, nêu rõ được các vấn đề mà đề tài đặt ra. Đó là:
+ Làm rõ các bước phát triển của phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thành ủy Hà Nội trong tiến trình vận động giải phóng dân tộc.
+ Nêu bật vai trò của Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội đối với Cách mạng tháng 8 trong cả nước.
+ Khái quát một số đặc thù của Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội.
+ Đánh giá một số nhân vật và sự kiện lịch sử liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội.
+ Các nội dung trong báo cáo tổng quan của Ban Chủ nhiệm đề tại là khách quan, có sức thuyết phục, mang tính khái quát cao.
4. Về giá trị sử dụng, ứng dụng của đề tài.
“Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội” là một công trình khoa học tái hiện lại toàn bộ tiến trình vận động của Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội. Đây vừa là một công trình tổng kết lý luận và thực tiễn, vừa là công trình lịch sử và truyền thống. Vì vậy, cần phải khẳng định rằng giá trị sử dụng và tính ứng dụng của đề tài là rất cao.
Kết quả nghiên cứu của đề tài này sẽ góp phần vào việc giáo dục lịch sử truyền thống cho nhân dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung; đồng thời gợi mở việc phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm của tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên trong việc tìm tòi những biện pháp thích hợp để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng hiện nay.
5. Về tổ chức thực hiện đề tài:
Để hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra, Ban Chủ nhiệm đã huy động một số nhà khoa học có uy tín, trong đó có các chuyên gia về Lịch sử Đảng, về Lưu trữ học về Lịch sử quân sự … Điều này cho thấy Ban Chủ nhiệm cũng như tập thể tác giả nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của đề tài cũng như tinh thần trách nhiệm của từng thành viên khi mời tham gia đề tài này.
6. Một số ý kiến đóng góp.
- Tên Chương 1 nên thêm vào hai từ chính trị: Tình hình chính trị, kinh tế xã hội và những hoạt động đấu tranh ở Hà Nội trước cách mạng tháng 8 năm 1945.
- Nên chăng gộp Chương 2 và Chương 3 làm một.
- Chương 4 nên có một mục phân tích đặc điểm của Cách mạng tháng 8 - 1945 ở Hà Nội.
7. Tóm lại:
Đề cương chi tiết Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội đã chuyển tải được những nội dung chủ yếu mà đề tài đặt ra. Sau khi chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến đóng góp của Hội đồng có thể triển khai thực hiện để kịp tiến độ..
|
|
PGS.TS. Phạm Xanh viết ngày 23/08/2011
Sau khi đọc tất cả các văn bản mà Văn phòng Dự án, Nhà xuất bản Hà Nội gửi cho, tôi xin được phát biểu một vài điều về chủ biên cùng nhóm tác giả và đề cương chi tiết của đề tài.
Trước hết, cuốn sách này sẽ được xuất bản nảm 2010, có nghĩa là sau biến cố lịch sử quan trọng của đất nước và Hà Nội 65 năm và đã được cày xới nhiều lần (đã thâm canh), vì vậy cuốn sách không chỉ kế thừa những thành tựu nghiên cứu về cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội của những người đi trước, mà còn phải có những cái mới mà do nhiều nguyên nhân chưa đề cập tới trong các công trình trước đó (hoàn cảnh lịch sử, tài liệu v.v..). Vì thế, ngoài chủ biên, cần phải chỉ ra những người trong nhóm biên soạn là những ai để có thể bảo đảm một cách chắc chắn hoàn thành có chất lượng công trình nghiên cứu về một biến cố vĩ đại của Hà Nội và của đất nước. Đây là một nguyên tắc mà Ban dự án cần quán triệt.
Về cấu trúc. Ngoài phần Mở đầu và kết luận, công trình được chia thành 4 chương. Việc phân chương như vậy là tương đối hợp lý, nhưng tên chương nên xem xét thêm ví quá dài, chưa phản ánh nét đặc thù, cái riêng của Hà Nội là thủ phủ toàn Liên bang Đông Dương - hội tụ và lan tỏa. Chẳng hạn, tại sao trong chương hai lại đưa chủ trương của Đảng vào tên chương như là một vế quan trọng trong chương ?
Về nội dung.
Trong chương 1, ở mục 1.4. Những hoạt động đấu tranh ở Hà Nội. Có lẽ tên mục chưa ổn, nhưng chính yếu là chưa thấy tác giả định lựa chọn những sự kiện gì để đưa vào mục này, mà chỉ nói chung chung.
Ở chương 2, trong mục 2.2, chưa thấy những nét sáng tạo trong sự vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng phù hợp với nét đặc thù của Hà Nội không chỉ bởi cư dân (tập trung đông đội ngũ trí thứ), mà cả bởi bộ máy của tổ chức Đảng ta (thành ủy Hà Nội đặt dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và sự quan tâm sâu sắc của BCHTW Đảng). Hầu như không nói gì về cấp lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy Hà Nội là Xứ ủy Bắc Kỳ và sự ra đời và hoạt động của Hội Văn hóa Cứu quốc sau Đề cương văn hóa Việt Nam của Tổng bí thư Trường Chinh năm 1943. Chủ trương xây dựng An toàn khu ở Hà Nội khác với những nơi khác trên đất Việt Nam là sự kết hợp chặt chẽ ba vòng an toàn khu - An toàn khu của Thành ủy, của Xứ ủy và của Trung ương để trở thành một hệ thống hoàn chỉnh.
Trong chương 3, nhóm tác giả không đưa tình hình Hà Nội vào đây. Là một thiếu sót lớn, bở lẽ sau cuộc đảo chính Nhật, nơi có hoạt động của Chính phủ Trần Trọng Kim ở địa phương rõ ràng nhất, điển hình nhất là ở Hà Nội với Đốc lý người Việt đầu tiên ở Hà Nội là bác sĩ Trần Văn Lai và những hoạt động có tinh thần dân tộc như lấy tên các danh nhân Việt Nam thay cho tên phố mang tên những người Pháp thời thuộc địa… Nếu không nói tới những điều này, mà lặp đi lặp lại Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim thì còn đâu là cái mới của công trình viết ở thế kỷ XXI nữa ?
Ở chương 4, không nói gì đến sự kiện Lễ Tuyên bố độc lập tại Vườn hoa Ba Đình là không thể được, bởi sự kiện đó mang tính biểu trưng của cả dân tộc - xóa bỏ chính quyền cũ và tuyên bố với toàn thể đồng bào trong nước và thế giới nước Việt Nam độc lập thành lập một nhà nước kiểu mới là Cộng hòa dân chủ Việt Nam.
Sơ bộ xin thưa vài điều như vậy. Có thể sẽ nói thêm trong buổi nghiệm thu đề cương. Xin chúc Nhà xuất bản Hà Nội thực hiện được nhiều công trình về 1000 năm Thăng Long.
|
|
PGS.TS. Võ Kim Cương viết ngày 23/08/2011
1. Đây là một vấn đề, như đề cập trong Đề cương, từ trước đến nay đã được nghiên cứu một cách sâu rộng trên nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên để có một cái nhìn tổng thể và mang tính hệ thống từ nhiều khía cạnh thì hầu như chưa có ai thể hiện. Hơn nữa để thiết thực phục vụ Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì việc tổ chức biên soạn một công trình như vậy lại càng mang ý nghĩa thiết thực; thông qua đó nhằm phục vụ nhu cầu hiểu biết của xã hội nói chung và những ai yêu thích Hà Nội nói riêng, cả trong và ngoài nước.
Từ xuất phát điểm như vậy, chúng tôi cho rằng việc thực hiện đề tài vừa giải quyết được những vấn đề khoa học đang đặt ra vừa có ý nghĩa thực tiễn cao.
2. Trên cơ sở đã có một quá trình nghiên cứu lâu năm về lịch sử đất nước thời kỳ hiện đại với nhiều kinh nghiệm chuyên môn đã dược tích luỹ, trên nền tảng tham khảo, kế thừa và phát triển những kết quả của nhiều học giả đi trước với một danh mục tài liệu tham khảo như đã dẫn ở cuối bản đề cương, chủ nhiệm đề tài đã dựng lên được một bố cục tương đối tương thích với cách tiếp cận vấn đề từ tổng thể đến cụ thể, từ bối cảnh chung đến các yếu tố cụ thể theo tiến trình phát triển của lịch sử mà đề tài đề cập tới.
Nhóm tác giả thực hiện đề tài đã giới hạn một cách rõ ràng trên các mặt: vấn đề nghiên cứu cũng như phạm vi không gian và thời gian mà nội dung đề tài phải giải quyết. Phương pháp nghiên cứu tương thích.
Với 4 chương cơ bản, đề tài hướng đến giải quyết 4 vấn đề, từ bối cảnh lịch sử (bao gồm tình hình kinh tế xã hội và phong trào đấu tranh trước cách mạng ở Hà nội) trong chương I, đến đường lối chủ trương của Đảng, của Thành uỷ trong việc xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền và cao trào tiền khởi nghĩa ở Hà Nội, và cuối cùng là tiến trình khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945.
Như vậy, theo dòng chảy của lịch sử, đề tài đã xuyên suốt được những vấn đề chính yếu của lịch sử Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội, dựng nên bối cảnh chung để đi vào phân tích các vấn đề cụ thể là đường lối của Đảng và sự chỉ đạo sáng tạo, kịp thời của Thành uỷ trong việc lôi cuốn, vận động đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân tiến hành đấu tranh, chuẩn bị lực lượng và khi thời cơ đến đã nhất loạt vùng lên lật đổ chế độ áp bức Nhật - Pháp, giải tán chính quyền bù nhìn tay sai, lập ra chính quyền cách mạng tại Hà Nội.
3. Tuy nhiên, sau khi tham khảo đề cương, chúng tôi cảm thấy cần trao đổi thêm một vài điểm với mong muốn nâng cao hơn chất lượng công trình.
Đó là:
- Nên chăng trong chương I chỉ đề cập đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội thôi, còn nội dung mục 1.4. Phong trào đấu tranh ở Hà Nội cho vào chương III thì vấn đề sẽ liền mạch (lúc đó sẽ là cuộc đấu tranh của nhân dân ở Hà nội trước khi phát động tổng khởi nghĩa chứ không chỉ bó gọn trong “cao trào kháng Nhật” nữa. Và việc thể hiện như thế có thể sẽ không bị trùng lắp như cách bố trí trong đề cương.
- Mặc dầu là một vấn đề không chủ yếu nhưng tôi thấy trong giai đoạn cách mạng này sự liên hệ giữa Xứ uỷ Bắc Kỳ và Thành uỷ là tương đối chặt chẽ. Tất nhiên, sự chỉ đạo về đường lối chiến lược là từ Trung ương Đảng, song nếu có thể cũng nên làm rõ vấn đề này, bởi vì thông thường Trung ương trực tiếp xuống Xứ uỷ và sau đó mới đến Thành uỷ; và trong nhiều trường hợp thì Xứ uỷ Bắc kỳ đã rất sáng tạo khi chỉ đạo công tác thực tiễn tại địa bàn Hà Nội.
- Công trình sẽ có giá trị hơn nhiều nếu như cuối sách có một phần phụ lục dày dặn, chứa đựng những tư liệu, văn kiện cơ bản, cũng như các hình ảnh minh hoạ liên quan đến cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Hà Nội.
4. Những điều trao đổi trên đây chỉ mang tính chất thuần tuý gợi mở thêm, tuỳ thuộc vào quan điểm của chủ nhiệm đề tài cũng như những tác giả thực hiện công trình này.
Tôi cho rằng bản đề cương được dàn dựng có chủ đích và có lôgíc, mang tính khả thi cao. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện đề tài này để có thể phục vụ kịp thời và hiệu quả.
|