|
PGS. Phan Văn Các viết ngày 25/08/2011
Theo yêu cầu của Ban quản lý dự án Nhà xuất bản Hà Nội tại thư mời số 139/TM - DA ngày 05 - 4 - 2010, tôi đã đọc bản thảo “Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544 - 2043)” của PGS.TS Lê Thành Lân (dưới đây gọi tắt là bản thảo) và xin có một số nhận xét sau đây:
1. Bản thảo 751 trang A4 gồm 4 chương
Chương 1: Các vấn đề chung về lịch và lịch Việt Nam
Chương 2: Lịch Việt Nam từ 1544 đến 2043
Chương 3: Niên biểu lịch sử Việt Nam
Chương 4: Các lịch vĩnh cửu
Và Phụ lục “Những phát hiện mới về Niên đại học Việt Nam” (dịch ra tiếng Anh và tiếng Trung Quốc) chưa bao gồm khoảng 230 trang bản chụp ba cuốn lịch cổ (Khâm định vạn niên thư, Bách trúng kinh và một phần Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh).
Với một nội dung như vậy, đây là một bộ sách công cụ rất bổ ích và cần thiết cho nhiều người, trước hết là cho giới nghiên cứu khoa học xã hội (sử học, khảo cổ học, văn hoá, văn học cổ, Hán Nôm học, Gia phả học v.v…)
Bản thảo đã trình bày quá trình phát hiện lịch cổ Việt Nam, khảo cứu văn bản học 3 cuốn lịch cổ, thuyết minh về các loại lịch được dùng trong bản thảo và hướng dẫn cách tra cứu; tính toán và trình bày các bảng lịch cho 500 năm; soạn thảo một Niên biểu lịch sử Việt Nam, và xây dựng các lịch vĩnh cửu (Can chi, Nhị thập bát tú, Tuần lễ) thành công cụ tra cứu tiện dùng.
Bản thảo là kết quả bao tâm huyết và công phu trí tuệ của một chuyên gia lịch pháp hiếm hoi của chúng ta hiện thời. Tôi đánh giá cao bản thảo và hi vọng sách sớm ra mắt độc giả.
2. Tuy nhiên, Bản thảo là một công trình nghiên cứu lịch pháp, tự thân nó có những đặc điểm đòi hỏi sự gia công lớn cả về phía tác giả lẫn phía Nhà xuất bản. Sách chứa đầy các bảng biểu, nhiều trang toàn là những dãy số nên chế bản dễ có nhầm lẫn sai sót. Lại nữa, có cả những chương những phần dịch ra tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Hán in chữ vuông lại có nhiều chữ đồng âm, cận âm, đồng hình, cận hình rất cần được rà soát kỹ trong quá trình đọc bông, chữa morát v.v… mong tác giả và NXB hết sức lưu ý để sách in ra thật sự là một sách công cụ đáng tin cậy.
Tôi chưa có đủ thời gian đọc kỹ nhưng cũng đã phát hiện một số lỗi chế bản, như:
Trang 6, dòng 5, Gregorius đánh thành Gergorius;
Trang 13, dòng 6 , “lịch Âm dương và lịch Tiết khí” đánh thành “là lịch Tiết khí”;
Các trang từ 736 đến 743, nhiều lỗi chữ Hán, tôi đã đọc kỹ và sửa bông giúp… cần chỉnh lý lại (kể cả số trang ở mục lục).
Nhìn chung, Bản thảo đã khá hoàn chỉnh, nội dung tốt, trình bày sáng rõ, đề nghị nghiệm thu, xuất bản sau khi rà soát kỹ để chỉnh sửa các lỗi vặt.
|
|
ThS. Trần Tiến Bình viết ngày 25/08/2011
Bản thảo dày khoảng 730 trang, chưa kể khoảng 220 trang nguyên bản lịch cổ sẽ in ở cuối sách.
Chương I, “Các vấn đề chung về lịch và lịch VN” dầy gần 100 trang, chủ yếu nêu các kết quả khảo cứu về lịch cổ Việt Nam, được trính bày một cách súc tích. Đọc chương này ta thấy được khái quát “Quá trình tìm lại lịch cổ VN” của học giả Hoàng Xuân Hãn và của chính tác giả là rất trường kỳ và công phu! Việc “Khảo cứu văn bản 3 cuốn lịch cổ” được tiến hành một cách bài bản, chắc chắn, đã đưa ra những căn cứ rất xác đáng về năm khắc, năm in hay năm chép, cũng như các “tác giả” (Tư thiên giám, Khâm thiên giám, Viễn Đông Bác cổ) của 3 cuốn lịch cổ. Với 2 ảnh nhỏ (ở trang 54) chụp 2 góc 2 trang lịch cổ Khâm định vạn niên thư tác giả đã chỉ ra cuốn lịch này chỉ có thể được khắc in vào 1 trong 2 năm Kỷ Dậu - 1859 hoặc Canh Tuất - 1850 chứ không phải là năm Mậu Thân - 1848 như ai đó đã viết thêm ở ngoài bìa là một thí dụ về việc khảo cứu tinh tế và dễ thuyết phục này. Nhân thể tôi muốn gợi ý: 2 ảnh nên để cách nhau một chút.
Việc vận dụng toán học vào hiệu đính lịch cổ là một việc làm rất khoa học và chắc chắn; tác giả đã trình bày một cách nhẹ nhàng và có “cân nhắc”: chỉ viết một cách bài bản đối với cuốn Khâm định vạn niên thư - cuốn lịch quý nhất - còn đối với 2 cuốn kia tác giả chỉ nếu kết quả cuối cùng nhưng cũng đủ cho ta tin tưởng và độc giả có thể nắm bắt được vấn đề mà không bị rối trí.
Theo yêu cầu của Hội đồng xét duyệt đề cương lần trước, tác giả đã đưa thêm mục “Các loại lịch được in trong sách này”; tuy chỉ có 30 trang, súc tích, nhưng đủ để những độc giả chưa quen lắm với việc dùng lịch có thể nắm bắt được vấn đề.
Với 5 trang, từ trang 98, tác giả đã lược tả “Một vài điều rút ra từ việc nghiên cứu lịch và lịch VN”, trong đó có việc gần như “Ngày N của Tổng công kích Mậu Thân - 1968”, “Thời điểm Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng” đến như việc xa xưa như xác định “Thời điểm sáng tác Truyện Kiều” vốn rất cổ điển nhưng lý thú; vừa nêu được thêm những thành quả của mình vừa đưa ra kinh nghiệm ứng dụng Lịch học trong nghiên cứu khoa học xã hội.
Chương II, chép 500 năm lịch Việt Nam từ năm Giáp Thìn - 1544 đến năm Quý Hợi - 2043 với khoảng 520 trang là nội dung chính của cuốn sách.
Ở đây gồm có 360 năm lịch cổ Viêt Nam mà tác giả đã khảo cứu được qua 3 cuốn lịch cổ, cộng với lịch của Thế kỷ XX và XXI đã có trong các cuốn lịch được Tổ lịch Nha khí tượng xưa cùng các tác giả khác soạn tiếp gần đây. Vẫn giữ cách trình bày cơ bản gần giống như trong cuốn Đối chiếu lịch Dương với lịch Âm-Dương của Việt Nam và Trung Quốc 2030 năm (0001-2030), in năm 2007 của chính tác giả; nhưng giản lược đi, chỉ giữ lại phần lịch chính triều của Việt Nam. Đúng như GS Reingold, người Mỹ - một chuyên gia hàng đầu về lịch pháp thế giới viết trong Lời tựa cuốn lịch trên: “Chuyên gia Lê Thành Lân đủ năng lực chế hóa ra một tập chuẩn những bảng như những bảng trong sách. Những bảng này hiếm thấy... được bố trí chu đáo, dễ dùng trong việc chuyển đổi ngày tháng qua lại với lịch phương Tây (Julian hoặc Gregorian), vậy sẽ rất hữu dụng cho cả giới học giả lẫn người bình thường khi cần tìm ngày tháng năm tương đương”. Chỉ tiếc là cuốn lịch rất quý đó được in với số lượng quá ít chỉ để biếu tặng. Mong một ngày nào đó tác giả sẽ cho tái bản, phát hành rộng rãi đến đông đảo độc giả. Bản thảo này chắt lọc tinh hoa từ đó, chỉ in lịch chính thống của Việt Nam nhân dịp kỷ niêm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là rất hợp lý. Với những ghi chú ngắn gọn và việc tô nền đen nhạt những ngày lịch khác nhau khiến chúng ta vẫn dễ dàng tra cứu được lịch Trung Quốc và lịch Nam Hà. Cũng nên ghi nhận, tác giả là nhà Tin học vốn học Kỹ thuật, nên chẳng những thiết kế bảng biểu đẹp gọn, mà các số liệu lại rất chính xác nhờ việc soạn thảo được thức hiện bằng một chương trình máy tính.
Một Niên biểu lịch sử kéo dài từ thời họ Khúc tự chủ vào năm 905 cho đến hết thời Nguyễn vào năm 1945 được soạn phỏng theo hình thức của cuốn Niên biểu lịch sử Trung Quốc của Phương Thi Danh mà PGS. Tạ Ngọc Liễn đã gợi ý khi nghiệm thu cuốn Niên biểu lịch sử Việt Nam là một sự cải tiến nhạy bén hợp với sách này. Nhờ những phát hiện rất có giá trị, nhất là về Niên biểu nhà Mạc với thời dụng chính xác của 8 niên hiệu thời Mạc mà trước đây bị hiểu sai; phần niên biểu này cũng là một công cụ tra cứu có hệ thống, rất hữu ích và chính xác cho các sự kiện của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung.
Chương IV là “Các lịch vĩnh cửu”, vốn là kết quả của việc vận dụng Toán học vào nghiên cứu Lịch học của tác giả. Các lịch này giúp ta tìm được lịch Can Chi, Tuần lễ, Nhị thập bát tú rất gọn và dễ dùng. Chúng bổ trợ và giúp đối chiếu với kết quả của việc tìm các lịch này từ nhừng con số “gốc” nhờ một phép cộng ở cuối bảng trong chương II. Đó cũng là một công cụ hữu ích, tiện lợi mà tác giả cống hiến cho bạn đọc.
Đây là lần đầu tiên những kết quả nghiên cứu này được công bố rộng rãi đến công chúng.
Nhà xuất bản và tác giả dự định cho in chụp toàn bộ 2 cuốn lịch cổ Bách trúng kinh và Khâm định vạn niên thư, cùng với 15 trang của cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh vào cuốn sách này là một đề xuất mới và là một việc rất có ý nghĩa, nhất là văn bản cuốn KĐVNT.
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc xuất bản cuốn sách này trong khuôn khổ Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến và hoan nghênh sự nỗ lực và khẩn trương của tác giả. Mong rằng tác giả và Nhà xuất bản nhanh chóng rà soát lại các lỗi chính tả và cho xuất bản sớm, kịp dịp lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|
|
Ông Ngô Phương Bá viết ngày 25/08/2011
A. Nhận xét chung về kết cấu, các chương:
Trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến có nhiều sách viết về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước trên địa bàn Thủ đô. Tôi đã đọc vài chục cuốn với nhiều chủ đề, kể cả bộ Tổng tập nhưng chưa thấy cuốn sách nào đề cập sâu đến chủ đề lịch có tầm vóc như bản thảo này. Thật ra hàng năm trên thị trường sách báo có nhiều sách liên quan đến lịch nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu văn hoá tâm linh, phần nhiều in không phép. Nhà xuất bản Hà Nội đưa vào kế hoạch xuất bản cuốn sách này trong năm 2010 theo tôi là việc làm kịp thời, bổ sung cho Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến hiện còn thiếu đề tài quan trọng là khảo cứu về lịch.
Đây là đề tài liên quan đến cuộc sống của mọi người, nhất là các nhà khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hoá tâm linh, y khoa, dược khoa v.v.... Nói gọn lại, lịch liên quan đến đời sống con người trong cả 3 thời: quá khứ, hiện tại và tương lai.
Khái niệm lịch xuất hiện rất sớm, cách nay hàng vạn năm, khi loài người bắt đầu quan sát và quan tâm đến mặt đất, bầu trời, ngày đêm, các mùa... Lịch pháp là một trong những khoa học ra đời sớm trên thế giới và Việt Nam. Các nhà nước cổ đại đều có quan và tiếp theo là cơ quan theo dõi lịch pháp, thiên văn... Ở nước ta cơ quan liên quan đến khí tượng, thiên văn, lịch pháp cũng được thành lập sau cách mạng, có nhiều người làm công tác này nhưng để tâm nghiên cứu sâu thì chỉ có vài người. Thế hệ trước có GS. Hoàng Xuân Hãn (sinh 1909). Thế hệ sau muộn hơn có PGS.TS. Lê Thành Lân (sinh 1943). Một số người khác đóng góp nhiều trong lĩnh vực khí tượng, thuỷ văn hoặc biên soạn phổ biến lịch, hoặc xa hơn một ít là các nhà sử học ứng dụng lịch để làm biên niên sử.
Toàn bộ bản thảo của PGS.TS. Lê Thành Lân gồm 6 chương. Đối chiếu nội dung từng chương với số trang nói chung hợp lý, tỷ lệ số trang của các chương nói chung cân đối.
Chương I: Các vấn đề chung: 97 trang (trong bản thảo đánh số trang không đúng, tôi phải đếm lại), các tiểu mục trình bày trong chương này đều là những vấn đề khái quát giúp người đọc nắm được những khái niệm về lịch, lịch pháp, lịch cổ, lịch sử lịch... Vì là vấn đề khoa học nên không phải ai cũng đọc và hiểu ngay được tất cả các mục.
Chương II gồm 527 trang là phần chính của tác phẩm này, biểu hiện bằng những con số, rất ít từ ngữ. Đây là công cụ tra cứu của người đọc bao gồm rất nhiều loại “nhà”: nhà sử học, nhà khí tượng thuỷ văn, nhà nông học, nhà văn hoá dân gian, nhà văn hoá tâm linh, nhà gia phả học, nhà báo, biên tập viên.v.v... Riêng tôi hàng tháng đọc nhiều bài báo gửi đến toàn soạn cùng với rất nhiều sai sót về thời gian của các sự kiện lịch sử, năm sinh năm mất của các nhân vật lịch sử, nên rất cần tra cứu sách này trong quá trình biên tập.
Phần này tác giả làm trên máy vi tính rất cẩn thận. Tôi thử dùng con số ngày tháng năm sinh và năm mất của 20 nhân vật lịch sử và người quen biết để tra thử theo số liệu của chương này. Nói chung chưa phát hiện ra sai sót.
Chương III: Niên biểu lịch sử Việt Nam: 64 trang (625-689). Phần này rất có ích cho bạn đọc thuộc nhiều lĩnh vực: văn, sử, báo chí, nhất là những người làm biên tập sách, báo viết về lịch sử.
Mục 8 chương này: Các niên hiệu xếp theo vần chữ cái (cả Việt Nam và Trung Quốc) rất cần cho nhiều người tra cứu để xác minh các tư liệu sưu tầm được.
Chương IV: Lịch Vĩnh cửu gồm 3 mục: nhập đề - Lịch Can chi vĩnh cửu và - Lịch “sao” và tuần lễ vĩnh cửu. Các mục này rất cần đối với những người khảo cứu văn bản.
Chương V: Phụ lục: Những phát hiện mới về Niên đại học Việt Nam gồm hai bài có nhan đề như vừa nêu, viết bằng 2 thứ ngữ là Anh ngữ và Hán ngữ hiện đại. Hai bản dịch ra tiếng nước ngoài này chủ yếu phục vụ bạn đọc ngoại quốc (sách này chủ yếu phục vụ bạn đọc trong nước) nếu in bài này trong phần Phụ lục thì nên dùng Việt ngữ như trong kỷ yếu năm 2001.
Chương VI: Bản chụp cuốn lịch cổ
Theo tôi chương này viết rất quan trọng, vì đây là loại sách khảo cứu, tra cứu chuyên sâu nên cần giới thiệu tư liệu gốc, tốt nhất là chụp nguyên văn nguyên hình, tuy có thêm 225 trang, sách dày hơn nhưng rất cần thiết.
B. Phần góp ý kiến cụ thể:
I. Đóng góp của tác giả về phát hiện tư liệu
Hiện nay sách trên thị trường rất nhiều, nhưng phần nhiều là biên soạn, có khi cả chục cuốn cùng khai thác một số nguồn tư liệu đã có. Những sách nào dựa vào nguồn tư liệu mới phát hiện, mới dịch thường được đánh giá rất cao. Sách của PGS.TS. Lê Thành Lân thuộc loại đó. Trong bản thảo này, ông Lân giới thiệu, khảo cứu 3 cuốn lịch cổ là Bách trúng kinh, Khâm định vạn niên thư và Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh. Ba cuốn này bổ sung cho vốn tư liệu còn thiếu của nước ta về lịch. Độc giả đánh giá cao những phát hiện của PGS.TS. Lê Thành Lân. Không có sự khổ công của ông thì có khi những cuốn lịch này còn trải qua một thời gian nữa mới ra mắt công chúng. Ngay từ năm 2000 GS. Phan Huy Lê đã đánh giá rất cao đóng góp của ông Lân: “GS. Hoàng Xuân Hãn là người phát hiện, định hướng và đặt nền móng, PGS. Lê Thành Lân là người kế thừa phát triển và xây đắp ngôi nhà!”.
Là một biên tập viên đã từng đọc khoảng 5 bài khảo cứu của PGS. Lân giữa tạp chí của ngành sử, từ lâu tôi đã cảm phục sự cẩn thận, chính xác của ông trong từng câu, từng đoạn văn.
II. Đóng góp của tác giả trong việc đính chính những sai sót trong sử sách:
1. Ngày nghĩa quân vào Thuận Hoá
2. Ngày và nơi mất của Ngô Thì Nhậm
3. Ngày mất Lý Nam Đế
4. Ngày và giờ mất của Quang Trung
5. Ngày lễ đăng quang của Lý Thái Tổ
6. Thời điểm sáng tác “Truyện Kiều”
7. Ngày tổng tấn công Mậu Thân
8. Thời điểm Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện
III. Một số từ ngữ cần lưu ý:
Trang 4: Ông Lân viết “Lịch dương lấy một năm 365 ngày hoặc 366 ngày chỉ xấp xỉ tốt năm thời tiết nhưng khi chia ra làm 12 tháng thì các ngày đầu tháng không đảm bảo rơi vào một ngày cố định trong tuần trăng, chẳng hạn vào các ngày sóc - ngày không trăng”.
Tiếng Việt nói xấp xỉ tốt thì rất khó nghe. Xấp xỉ có nghĩa là gần bằng nhau hoặc gần tương đương. Xấp xỉ thường là văn nói hoặc trong văn học, không nên dùng trong trong một tác phẩm khoa học có những con số rất chính xác.
Trang 6: “Lịch nguyên chọn theo định lệ của đạo Cơ Đốc mà lại không trúng ý họ”. “Ý họ” là như thế nào không thấy tác giả nói rõ.
Trang 16: “Người Hy Lạp dùng lịch Âm - Dương từ thế kỷ X TCN, đến thế kỷ XI TCN, họ dùng chu kỳ 3/8, đến năm 434 TCN họ dùng”.
Trước công nguyên không thể nói “từ thế kỷ X đến thế kỷ XI” vì thế kỷ XI xuất hiện trước. Ta gọi 100 năm TCN là thế kỷ I TCN, 200 năm là thế kỷ II TCN.v.v...
IV. Về sự kiện Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện (tr.93):
Tác giả đúng khi phát hiện ra sai sót của các nhân chứng khi nhìn đồng hồ 12 giờ 20 phút, đáng lẽ trừ đi 1 giờ thì lại nhầm, cộng thêm 1 giờ thành 13 giờ 20 phút. Ông Lân kết luận: “Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh Sài Gòn lúc 11 giờ 20 phút (theo giờ Việt Nam, tức Hà Nội) tức 12 giờ 20 phút giờ Sài Gòn lúc đó. “Căn” theo giờ đó vào mốc thời gian gần kề cùng các sự kiện có liên quan ta dễ dàng suy ra kết luận, Đại uý Phạm Xuân Thệ là người cùng nhóm sĩ quan tuỳ tùng đã bắt Tổng thống Dương Văn Minh, dẫn về đài phát thanh và khởi thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống”. Đoạn này giống như bài viết của tác giả đặng trên Tạp chí Lịch sử Quân sự số (?) tháng 4/2007, trang 20-24, nhan đề: Việc xác định mốc thời gian một số sự kiện lịch sử dưới góc độ lịch pháp.
Tôi xin góp ý: Trong sách này chủ yếu bàn về cái đúng cái sai của các mốc thời gian, cho nên về mặt này thì tác giả viết đúng. Còn kết luận: Phạm Xuân Thệ “Khởi thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống” là không đúng, chỉ phù hợp với quan niệm của một số sĩ quan trong quân đội và một số hồi ký của họ. Còn theo những nhân chứng khách quan (có cả băng ghi âm lời Dương Văn Minh đọc) thì người khởi thảo văn bản này là Trung tá Bùi Văn Tùng, sĩ quan cao cấp nhất vào thời điểm đó. Nếu tác giả vẫn ủng hộ ý kiến cũ thì có thể bảo lưu nhưng không nên khẳng định trong một tác phẩm có giá trị khoa học và chính xác như tác phẩm này. Về sự kiện này các bộ sử chính thức đều viết: người khởi thảo văn kiện đầu hàng cho Dương Văn Minh là Trung tá Bùi Văn Tùng.
|
|
PGS. Phan Văn Các viết ngày 24/08/2011
1. Đề tài tốt, có ý nghĩa học thuật và thực tiễn lớn. Sách sẽ là công cụ cần thiết và bổ ích cho nhiều ngành nghiên cứu nhất là sử học và các người nghiên cứu về quá khứ như văn hoá, văn học cổ trung đại, Hán Nôm, Gia phả học v.v…
Đề tài cũng là một bộ phận quan trọng của văn hoá Thăng Long Hà Nội, nên rất cần có mặt trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
2. Chủ nhiệm đề tài, PGS Lê Thành Lân là người có bề dày nghiên cứu lịch và lịch Việt Nam, hơn nữa đã có thành tựu cụ thể như các cuốn Lịch hai thế kỉ (1802 - 2010) và các Lịch vĩnh cửu Nxb Thuận Hoá, 1995; Lịch và niên biểu lịch sử hai mươi thế kỉ (0001 - 2010) Nxb Thống kê, Hà Nội, 2000; Vietnamese old – time calendars. Perpetual calendars of stems and branches. Chrono acupunture(Acupuncture on the optimal time - interval) Seacom Edition, Berlin, 2003; Đối chiếu lịch Dương với lịch Âm Dương của Việt Nam và Trung Quốc 2030 năm (0001 - 2030) – Solar Calendar Comparison with Vietnamese and Chinese Lunisolar calendar 2030 years (0001 - 2030) Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, đã trở thành một nhà lịch học “có hạng”, có tín nhiệm trong nước và có ảnh hưởng ở nước ngoài, tin rằng sẽ thực thi tốt đề tài.
3. Tuy nhiên, cuốn Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544 - 2043) có đề cập đến ngót nửa thế kỉ 21 thuộc về tương lai, mà lịch ngoài tính khoa học còn có tính pháp định, có tính chất quy ước quốc gia – xã hội (xưa do nhà vua ban hành, sau CM tháng Tám, ngày 8/8/1967, Thủ tướng Phạm Văn Đồng kí quyết định 121/CP quy định dùng múi giờ 7 và lịch Dương trong công việc Nhà nước và giao cho Nha khí tượng soạn lịch Âm Việt Nam theo múi giờ 7 để định ngày Tết Nguyên đán và các ngày kỉ niệm lịch sử cổ truyền của dân tộc) vì thế tác giả cần chứng minh sự ăn khớp nhất quán của những nghiên cứu của mình với kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định lịch.
4. Vì lịch là văn bản của những con số dày đặc, liên quan nhiều mặt với nhau, in ấn và đọc soát dễ có sai sót, nhầm lẫn, Nxb cần có người theo dõi biên tập và đọc duyệt kĩ để khỏi có sai lầm đáng tiếc trong một loại sách công cụ tỉ mỉ và phức tạp như vậy.
5. Tôi tán thành đưa đề tài vào cơ cấu của tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
|
|
PGS.TS Nguyễn Minh Tường viết ngày 24/08/2011
Trong tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" do Nhà xuất bản Hà Nội làm chủ đầu tư Dự án điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ngoài những bộ sách về khoa học xã hội như: Triết học, Sử học, Văn học, Địa lý học, Văn hóa dân gian, Hán Nôm học..., chúng ta còn thiếu một đề tài rất quan trọng, đó là Lịch pháp học. Đối với xã hội phương Đông, lịch ra đời rất sớm. Lịch được dùng trong việc ghi chép và nghiên cứu quá khứ, trong tổ chức sản xuất nông nghiệp (đặc biệt trong việc tính toán thời vụ gieo trồng và gặt hái cây lương thực). Lịch còn rất cần thiết trong việc quản lý xã hội, trong sinh hoạt văn hóa, giao tiếp xã hội của hiện tại và cả trong dự báo tương lai. Có thể nói, Lịch pháp học là một trong những khoa học cổ nhất của loài người và không ngừng được cải tiến, nâng cao để đáp ứng những yêu cầu nhận thức ngày một cao của loài người.
Từ đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, trong chương trình nghiên cứu về thời Hùng Vương dựng nước, các nhà khoa học của chúng ta đã chỉ ra rằng: Vào thời đại này, tổ tiên người Việt đã có những tri thức nhất định về Lịch pháp, về Thiên văn học...được ghi lại trên trống đồng Hoa Hạ, trống đồng Ngọc Lũ. Như vậy, có thể nói, nhân dân Việt Nam đã biết tính lịch, trước hết là lịch dùng trong nông nghiệp từ rất sớm, cách ngày nay trên dưới 4000 năm. Những bộ sử cũ của ta từng cho biết vào thời Lý (1010-1225), Trần (1225-1400), trong triều đình Đại Việt đã xuất hiện những cơ quan quản lý và làm lịch, theo dõi thiên văn, khí tượng. Sử sách cũng ghi lại tên tuổi một số nhà làm lịch nổi tiếng như Đặng Lộ, Trần Nguyên Đán... đời Trần.
Ở nước ta trong giới nghiên cứu khoa học, những chuyên gia am hiểu về Lịch pháp học nói chung và Lịch Việt Nam nói riêng như GS. Hoàng Xuân Hãn, PGS.TS. Lê Thành Lân là không nhiều. Cách đây hơn chục năm, Lãnh đạo Viện Sử học có giao cho tôi trách nhiệm: Viết Hồ sơ khoa học của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, để đề nghị Nhà nước ta xét và trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông. Trong Hồ sơ khoa học ấy, tôi đã lựa chọn 3 tác phẩm tiêu biểu của GS. Hoàng Xuân Hãn là: Lý Thường Kiệt, La Sơn phu tử và Lịch và Lịch Việt Nam. Với ba tác phẩm ấy, Nhà nước ta đã trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho GS. Hoàng Xuân Hãn. Tôi vẫn nhớ mãi cảm xúc sau khi đọc xong tác phẩm Lịch và Lịch Việt Nam của ông, đó là sự khâm phục sự làm việc nghiêm túc, khoa học của một nhà khoa học lớn. Tôi từng nghĩ trong lĩnh vực Lịch pháp học ấy, sau này, khó có người nào tiếp bước được GS. Hoàng Xuân Hãn.
Cách đây hơn 10 năm, năm 1995, được đọc tác phẩm Lịch hai thế kỷ (1802-2010) và các lịch vĩnh cửu của PGS.TS. Lê Thành Lân, tôi rất mừng vì nghĩ rằng trong giới nghiên cứu khoa học ở trong nước ta, đã có người tiếp tục con đường đầy khó khăn mà GS. Hoàng Xuân Hãn khai phá là đi sâu khảo cứu về Lịch Việt Nam và Lịch pháp học. Từ đó cho đến nay, PGS.TS. Lê Thành Lân còn xuất bản 2 công trình về Lịch pháp học công phu khác nữa, đó là: Lịch và niên biểu lịch sử hai mươi thế kỷ (0001-2010) và Đối chiếu Lịch Dương với Lịch Âm - Dương của Việt Nam và Trung Quốc 2030 năm (0001-2030). Tôi đã đọc hai công trình trên và nhận thấy PGS.TS. Lê Thành Lân là người vừa nắm khá chắc về Lịch pháp học vừa nắm khá vững về Sử học, Lịch sử Việt Nam.
Gần đây, Nhà xuất bản Hà Nội chuyển cho tôi bản Đề cương chi tiết tác phẩm Năm trăm năm Lịch Việt Nam (1544-2043) (với Phụ đề: Để nghiên cứu niên đại của các triều đại, các sự kiện lịch sử của Hà Nội, theo các loại lịch Âm - Dương, Can chi, Dương lịch) của PGS.TS. Lê Thành Lân nhờ làm phản biện. Tôi đã đọc kỹ Đề cương khoa học công trình trên, và xin có một vài nhận xét dưới đây:
1. Tuy nói là Đề cương, nhưng tác giả đã dành tới 20 trang (từ trang 9 đến trang 29) để trình bày về Lịch sử vấn đề và một vài vấn đề liên quan tới công trình Năm trăm năm Lịch Việt Nam (1944-2043) như:
- Vấn đề Lịch cổ Việt Nam
- Vấn đề Lịch Việt Nam hiện đại
- Vấn đề Niên biểu lịch sử
- Vấn đề Các lịch vĩnh cửu
Sau đó, tác giả trình bày khá kỹ về Quy cách biên soạn và phần Mục lục (tức Dàn ý của cuốn sách), gồm 4 phần và 17 tiết). Có thể nói Đề cương sách Năm trăm Lịch Việt Nam (1944-2043) được viết một cách khoa học và chặt chẽ.
2. Sách Năm trăm năm Lịch Việt Nam (1944-2043), lấy năm 1544 làm mốc khởi đầu là do PGS.TS. Lê Thành Lân căn cứ vào cuốn Khâm định vạn niên thư do Khâm Thiên giám triều Nguyễn biên soạn và khắc in vào năm Tự Đức thứ 3 (1850). Vì bộ Khâm định vạn niên thư chỉ có lịch Lê Trung hưng từ năm 1544 trở đi cho đến năm 1903, vừa tròn 360 năm (6 lần "Lục thập hoa giáp" = 6x60). Tôi cho rằng đó là cách làm đúng đắn, vì, lịch Việt Nam từ 1543 trở về trước đến năm 905, họ Khúc mở đầu thời kỳ tự chủ, chúng ta chưa tìm thấy. Tác giả dừng lại ở năm 2043, để cho cuốn lịch chẵn 500 năm, theo tôi cũng là hợp lý, vì trong một công trình dùng để tra cứu không nên quá dài và quá dầy.
3. Sách Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544-2043), ngoài Phần I: Các vấn đề chung về lịch và lịch Việt Nam và Phần II: Lịch Việt Nam từ 1544 đến 2043, PGS.TS. Lê Thành Lân còn biên soạn thêm Phần III: Niên biểu lịch sử Việt Nam từ năm 904 đến 1945. Nội dung Phần III này giúp ích rất nhiều cho những người quan tâm tới lịch sử thời quân chủ ở Việt Nam.
4. Sách Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544-2043) còn có Phần IV: Các lịch vĩnh cửu: Lịch Can chi vĩnh cửu, Lịch Nhị thập bát tú và Tuần lễ vĩnh cửu. Phần này rất cần đối với những người làm công tác nghiên cứu như: sử học, khảo cổ học, văn hóa dân gian, văn học, dân tộc học, phong tục học, v.v...
Tôi cho rằng Đề cương bản thảo sách Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544-2043) do PGS.TS. Lê Thành Lân chủ biên là một Đề cương được viết nghiêm túc, khoa học, khả năng thực thi cao. Tôi nghĩ rằng trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, rất cần những bộ sách như sách Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544-2043) này của PGS.TS. Lê Thành Lân. Vì vậy, tôi đề nghị Ban Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội nên có kế hoạch đầu tư kinh phí, thời gian thích đáng, hợp lý để Nhóm biên soạn đứng đầu là PGS.TS. Lê Thành Lân có điều kiện bắt tay ngay vào công việc, đặng kịp với thời hạn trước ngày 10-10-2010, chúng ta kỷ niệm chẵn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội./
|
|
PGS.TS Tạ Ngọc Liễn viết ngày 24/08/2011
Giá trị khoa học mới mẻ và quan trọng của đề tài đã được trình bày rõ ràng trong bản đề cương Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544 – 2043) là từ 3 cuốn lịch cổ Việt Nam Bách trúng kinh (bản in), Khâm định Vạn niên thư (bản in) và Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh (bản chép tay), nhà lịch pháp và niên đại học Lê Thành Lân đã khội phục được một lịch Việt Nam, khác với lịch Trung Quốc.
Công việc khảo cứu văn bản 3 cuốn lịch cổ nói trên đã được PGS.TS Lê Thành Lân làm rất công phu, và đó là cơ sở vững vàng cho kết luận ở Việt Nam vào thế kỷ XVII – XVIII từng lưu hành một lịch Việt Nam không giống lịch Trung Quốc đời Thanh.
Theo tôi, đây là một đóng góp thật sự có ý nghĩa khoa học mới mẻ đối với bộ môn lịch Pháp Việt Nam.
Hồ sơ Đề cương đề tài gồm 2 bản. Đề cương tổng quát và bản đề cương chi tiết đã được viết rất công phu, có sức thuyết phục và có tính khả thi cao của đề tài.
Tôi đánh giá cao phần nghiên cứu Năm trăm năm lịch VIệt Nam ( 1544 – 2043) được PGS.TS Lê Thành Lân trình bày trong Đề cương chi tiết tác phẩm (tr.9 – 26): tác giả có một kiến thức sâu rộng và vững vàng về lịch pháp và niên đại học cũng như có một niềm say mê lớn đối với bộ môn lịch học Việt Nam.
Tất nhiên, mục đích cuối cùng đặt ra trên nền tảng nghiên cứu đó là chúng ta sẽ có một cuốn lịch tra cứu năm, tháng, ngày theo lịch chính triều của Việt Nam (có phụ chú lịch của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong và lịch Trung Quốc), chủ yếu từ 1544 đến 1813, tức là phần lịch cổ Việt Nam, công cụ cần thiết đối với giới sử học nói riêng (xin nhấn mạnh là dễ tra cứu).
Trong mục Một vài hệ quả quan trọng (tr 21. Đề cương chi tiết) tác giả đã vận dụng và lý giải 3 trường hợp có vướng mắc về thời gian là ngày, giờ Vua Quang Trung mất, ngày nghĩa quân Tây Sơn vào Thuận Hóa và thời gian Ngô Thị Nhậm mất.
Thí dụ, Phan Huy Ích là người chứng kiến ngày Quang Trung mất là hai mươi chín, tháng bảy, năm Nhâm Tý (1792) và ông đã ghi ở lời Nguyên dẫn, trong bài Mùa thu phụng quốc tang cảm thuật. “Ngày cuối cùng của tháng bảy (thất nguyệt hối) nhà Vua cưỡi rồng lên chầu trời”
PGS.TS. Lê Thành Lân kết hợp các tài liệu đã tính kỹ tới giờ mất của Quang Trung, khoảng từ 23 đến 24 giờ ngày 15 - 9 - 1792, tức là giờ cuối cùng của ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý...
Nhân đây, tôi muốn PGS.TS Lê Thành Lân thử nghiện cứu và tính toán xem một trường hợp khác là Tôn Sỹ Nghị vượt sông Thị Cầu khi tiến đánh nước ta cuối năm Mậu Thân (1788) vào ngày nào? Vì trong Thanh thực lục, Tôn Sỹ Nghị cho quân vượt sông Thị Cầu vào đêm 16 tháng 11 Lê Quýnh trong Bắc hành lược biên, thì ghi “ngày 20 qua sông Thị Cầu, tiến đến bờ bắc sông Phú Lương” Ngụy Nguyên trong Thánh vũ ký, viết đêm 15 tháng 11 năm Mậu Thân...).
Kết luận: Tôi đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ đề cương đề tài Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544 – 2043) của PGS.TS Lê Thành Lân, đề nghị Hội đồng cho nghiệm thu đề cương.
|
|
PGS.TS. Trịnh Vương Hồng viết ngày 24/08/2011
1- Lịch là lĩnh vực vừa phổ biến, vừa đặc thù. Hằng ngày, ai cũng cần lịch, dùng đến lịch, nhất là những người làm nông, làm ngư, đi biển; học sinh, công chức, nhà nghiên cứu, nhà quân sự v.v... nhưng không kể các chuyên gia, với nhiều người vẫn là lĩnh vực xa lạ.
Càng xa lạ khi lĩnh vực này ít, rất ít được giới thiệu, phổ biến (một cách phổ thông, dễ hiểu); thế nào là dương lịch, âm lịch, loài người xây dựng lịch theo hoạt động của mặt trăng, mặt trời, rồi can chi... từ xa xưa. Từng cách tính ấy có ưu điểm và hạn chế gì, cách tính nào khoa học hơn?... Hẳn rằng, ngay cả với nhiều nhà khoa học, cũng không dễ giải thích cho sáng tỏ.
Với tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh PGS.TS. Lê Thành Lân đã để nhiều thời gian và công sức nghiên cứu về Lịch, gắn với Lịch sử nước nhà, Lịch sử Thăng Long - Hà Nội và có dự kiến cho in công trình Năm trăm năm Lịch Việt Nam (1544 - 2043). Công trình có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cập nhật.
2- Theo Hồ sơ đề cương đề tài, với ý thức khám phá, tìm tòi, luôn đặt ra các nghi vấn khoa học, tác giả đã đi đến những đích nhất định do có công trong việc phát hiện ra những tư liệu mới. Đây là đóng góp rất giá trị, bởi khi chứng minh được Việt Nam có lịch riêng của mình (dù trong những thời đoạn nhất định) sẽ thêm phần phong phú cho văn hóa Việt Nam, văn hiến Việt Nam.
Cũng trên đường đi tìm chân lý, tác giả đã phải tìm hiểu nguồn gốc và lý luận của/ về lịch, những trí thức trên được đưa tới bạn đọc bằng con đường ngắn nhất, khi được trình bày trong ấn phẩm này, là điều thật đáng quý.
3- Công trình của tác giả sẽ rất thiết thực với các nhà nghiên cứu (văn hóa và lịch sử), cùng các sinh viên khoa học xã hội, nhân văn trong nghiên cứu, tra cứu. Bởi, lịch đại và đồng đại là hai phương pháp rất cần trong nghiên cứu, nhưng chúng chỉ được sử dụng hữu hiệu khi sự kiện được khẳng định chính xác về mặt thời gian (lịch). Mỗi sự kiện lịch sử đều được thể hiện trên 3 yếu tố: Thời gian, Không gian và Nội dung. Như thế, không thể thiếu yếu tố thời gian, một thời gian chính xác khi diễn ra sự kiện.
Như thế, công trình Năm trăm năm Lịch Việt Nam (1544-2043), hẳn sẽ rất bổ ích, rất cần trong hệ thống công trình được công bố, giới thiệu về Thăng Long - Hà Nội. Công trình sẽ giúp rất nhiều trong việc giải thích, đối chiếu, so sánh, tạo sự liên thông và chỉ rõ điều khác biệt giữa các sự kiện Lịch sử Thăng Long - Hà Nội và mối liên quan của Lịch sử Thăng Long - Hà Nội với lịch sử dân tộc, thậm chí lịch sử các nước lân bang và thế giới.
4- Trong nghiên cứu, tác giả đã kế thừa được thành quả của những người đi trước, tránh được chỗ sai, phát triển và phát hiện điểm đúng, mới, khiến cho, với tư liệu hiện có, đây là công trình tốt nhất ở thể tài này, vào thời điểm hiện tại. Mặt khác, tác giả lại có ưu thế trong việc sử dụng công nghệ hiện đại khi "thi công", giúp cho không chỉ việc thao tác nhanh chóng mà công trình còn đạt độ chính xác cao.
Điều muốn khuyến nghị tác giả là, ở mở đầu, tác giả nên giới thiệu tổng quan những thông tin về Lịch, về lịch sử Lịch - những tri thức phổ thông nhất. Mặt khác, vì là nội dung không dễ hiểu, nên cách viết nên kết hợp tốt tính hàn lâm và tính phổ thông, phổ biến.
5- Tôi nhất trí với các nội dung khác của Dự án đề cương, đề nghị Giám đốc Nxb Hà Nội - Ban Dự án sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội chấp thuận và tạo điều kiện cho GS. Lê Thành Lân và cộng sự hoàn thành tốt công trình để kịp xuất bản theo kế hoạch.
|
|
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật viết ngày 24/08/2011
Trả lời Công văn số 192/CV-DA ngày 17 tháng 12 năm 2009 của Ban Quản lý Dự án về việc xin ý kiến bổ sung đề tài Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544 - 2043) do PGS.TS. Lê Thành Lân chủ biên, chúng tôi có ý kiến như sau:
1. Về đề tài: Đây là đề tài hay, cần thiết và còn thiếu vắng trong các công trình về Hà Nội. Đề tài được xuất bản sẽ thu hút được sự quan tâm của bạn đọc.
2. Tác giả Lê Thành Lân đã có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này và đã có một số công trình xuất bản về lịch cũng như các vấn đề về lịch sử Việt Nam thời trung đại. Tác giả có khả năng tốt khi nhận thực hiện đề tài này.
3. Bản thuyết minh đề tài rõ ràng, có tính khả thi.
4. Tuy vậy bản Đề cương chi tiết tác phẩm không rõ tác giả giải trình lý do biên soạn hay là đề cương chi tiết, đọc không hiểu tác giả sẽ trình bày công trình như thế nào.
Kết luận:
- Đồng ý để tác giả Lê Thành Lân thực hiện đề tài này.
- Tác giả viết lại đề cương chi tiết (Đúng như đề cương công trình) trước khi biên soạn.
|
|
PGS.TS. Vũ Văn Quân viết ngày 24/08/2011
Trên cơ sở xem xét đề cương sách của PGS.TS Lê Thành Lân, qua những công trình nghiên cứu về lịch pháp của tác giả và phân tích của Nhà xuất bản Hà Nội trong công văn gửi các thành viên Ban tư vấn chuyên môn mảng sách Lịch sử của Dự án Nghiên cứu, biên soạn và xuất bản tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến tôi xin có một số ý kiến sau:
1. Thứ nhất, tôi hoàn toàn nhất trí với việc đưa vào kế hoạch xuất bản công trình Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544 - 2043). Điều này là cần thiết, trên nhiều phương diện, với nhiều đối tượng sử dụng, cho cả nước và cho riêng Thăng Long - Hà Nội. Trên thực tế, đây là một nghiên cứu đã cơ bản được chuẩn bị của nhóm tác giả do PGS.TS Lê Thành Lân tổ chức, vì thế, mặc dù thời gian còn lại rất ít, nhưng chắc chắn nó sẽ được hoàn thành đúng tiến độ của Dự án.
2. Thứ hai, tôi hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng của cuốn sách. Tôi không phải là người nghiên cứu về lịch pháp, nhưng với chuyên môn về lịch sử Việt Nam cổ đại và trung đại, tôi thường xuyên phải sử dụng các sách tra cứu về lịch và niên biểu, thường xuyên phải cập nhật các kết quả nghiên cứu về vấn đề này và vì vậy, tôi biết rất rõ về các công trình nghiên cứu về lịch pháp của PGS.TS Lê Thành Lân: một nhà khoa học nghiêm túc, say mê, am tường đối tượng. Tên tuổi đó, các kết quả nghiên cứu đó và bản đề cương được chuẩn bị cho phép chúng ta khẳng định chất lượng của cuốn sách này.
3. Tất cả các nội dung mà tác giả dự kiến trình bày trong cuốn sách là một chỉnh thể và cần thiết, sẽ vừa đem đến cho người đọc những kết quả nghiên cứu của ông và các cộng sự về lịch Việt Nam, về những phát hiện khoa học hoặc đính chính nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, vừa là một công cụ hữu ích với nhiều đối tượng bạn đọc
4. Tôi nghĩ tên sách ngắn gọn như trên là được, không cần phải đóng mở ngoặc (Để nghiên cứu niên đại của các triều đại, các sự kiện lịch sử của Hà Nội theo các loại lịch Âm Dương, Can Chi, Dương lịch Việt Nam này tìm được nhờ 3 cuốn lịch cổ lưu giữ ở Hà Nội). Quá rườm rà và cũng đừng câu nệ cứ phải có chữ Thăng Long - Hà Nội thì mới là Thăng Long - Hà Nội, nhất là với loại sách đặc thù này.
Trân trọng đề nghị nhà xuất bản Hà Nội xem xét đưa đề tài/công trình trên vào kế hoạch nâng cấp, hoàn thiện và xuất bản.
|