|
PGS.TS. Vũ Văn Quân viết ngày 24/08/2011
Trong cơ cấu “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, mảng sách Lịch sử, thì sách “Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội” có một vị trí, một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đúng như sự “tự nhận thức” của các chủ biên, là cùng với “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội”, sẽ là những tập đại thành về lịch sử và văn hoá Thăng Long Hà Nội.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công trình này, các chủ biên và nhóm tác giả đã rất nỗ lực làm việc. Kết quả là chúng ta đang có trong tay một công trình “Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội”:
- Đây là công trình hết sức đồ sộ với ngót hai nghìn trang bản thảo (nếu có thêm sách dẫn thì sẽ còn dày dặn hơn nữa) phản ánh toàn diện tất cả các mặt của đời sống Thăng Long – Hà Nội trong khoảng trên dưới 2000 năm trở lại đây, trong đó tập trung từ sau ngày Lý Công Uẩn định đô;
- Nguồn tư liệu khai thác và sử dụng cho việc xây dựng bộ biên niên này phong phú, khá đầy đủ, được ghi chú rõ ràng;
- Các vấn đề thuộc nguyên tắc biên soạn được quy định thống nhất và quán triệt trong suốt quá trình biên soạn.
Tóm lại, chúng ta đang triển vọng có trong tay một bộ “Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội” đúng tầm với vị trí, vai trò của mảnh đất này, vừa đồ sộ về quy mô, vừa chính xác về sự kiện, và người đọc, thậm chí cả người nghiên cứu, có thể yên tâm khi sử dụng nó, trích dẫn nó như một nguồn tư liệu.
Tuy nhiên, để đạt đến các mục tiêu, sự kỳ vọng trên, theo tôi các chủ biên, các tác giả cần lưu ý một số điểm sau đây:
- Dù là một bộ biên niên lịch sử đã trình bày sự kiện theo trình tự thời gian nhưng vẫn rất cần thiết phải phân chia thành các thời kỳ lịch sử lớn, các giai đoạn lịch sử cụ thể (trong phần “Mở đầu” có nói đến việc chia thành 4 phần nhưng không thấy thể hiện trong bản thảo). Theo kinh nghiệm của tôi (khi tham gia làm sách “1000 câu hỏi đáp về Thăng Long – Hà Nội” và chủ biên sách “Thăng Long – Hà Nội 1000 sự kiện lịch sử”, chúng tôi chia thành các phần – thời kỳ, trong phần – thời kỳ có nhiều giai đoạn nhỏ, đại khái là như sự phân chia trong các sách về lịch sử Thăng Long - Hà Nội). Vấn đề này có được đề cập trong đề cương trước đây, đề nghị chủ biên và nhóm biên soạn lưu ý xem xét.
- Mặc dù số lượng các sự kiện được thể hiện trong bản thảo này là lớn, là phong phú, nhưng bên cạnh đó vẫn còn thiếu với các khoảng trống lớn và các sự kiện lớn. Cụ thể (ở đây cũng xin thưa thực là người đọc chưa đọc kỹ hết), ở thời trước định đô, mà từ năm 207 đến năm 544 không có sự kiện nào (mà chắc chắn là có, chẳng hạn như sự kiện thành lập huyện Tống Bình trong khoảng thời gian này); hay như ở thời hiện đại, các sự kiện như việc Bộ Chính trị ra các Nghị quyết 08 năm 1983 và Nghị quyết 15 năm 2000 về công tác Thủ đô, rồi ngày 25 tháng 12 năm 2000 Thường vụ Quốc hội ra Pháp lệnh Thủ đô đều không thấy có trong biên niên này. Trong khi đó, lại có không ít những sự kiện đưa vào cũng được, không cũng được (kiểu các điềm lạ, điềm lành – chưa chắc đã có thật, có cái chắc chắn là bịa), hay cần cân nhắc (như sự sinh tử của mấy ông quan ta theo Tây thời cận đại). Vì thế, tôi đề nghị các chủ biên và tác giả rà soát cân nhắc kỹ lại, để hạn chế các khoảng trống, không bỏ sót các sự kiện lớn cũng như loại bỏ “những ghi chép” của sử cũ mà ta biết chắc không phải là “sự kiện lịch sử” có thật.
- Ngoài ra vẫn có những sự kiện chưa chính xác hoặc mâu thuẫn mà nếu không sửa chữa sẽ ảnh hưởng lớn đến cả công trình (ở dạng sách này không nên có một tỷ lệ sai sót nào). Chẳng hạn - Sự kiện số 3: năm 257 thành lập nước Âu Lạc và dựng thành Cổ Loa là sai, lại mâu thuẫn với sự kiện số 4: cuối thế kỷ III – đầu thế kỷ II TCN An Dương Vương đắp Loa thành; lại sự kiện số 5: cuộc kháng chiến chống Triệu và thành Cổ Loa thất thủ vào năm 111 TCN – tiếp tục sai. Rồi đến đầu thế kỷ X, sự kiện 25: Khúc Hạo xưng nền tự chủ năm 907 là không đúng… Tôi đề nghị các chủ biên và tác giả rà soát lại thật kỹ càng - với những sự kiện không thật nổi bật, ít người biết đến chẳng may có sơ suất thì không sao, nhưng với những sự kiện lớn như trên thì cần hết sức tránh.
- Việc đặt tên các sự kiện cần cân chỉnh lại sao cho thật ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu; việc viết các sự kiện cần lưu ý giữa tư liệu và lời văn; nhiều nguồn tư liệu về cùng một sự kiện những có sự khác nhau cần phải chú thích, không nên có những mở ngoặc phân loại sự kiện sau tên mỗi sự kiện; đoạn cuối phần mở đầu không nên cám ơn Hội đồng nghiệm thu…
Tóm lại, tôi đánh giá cao chất lượng bản thảo cũng như ghi nhận sự cố gắng của tập thể biên soạn trong việc hoàn thành công trình đồ sộ này. Đề nghị chủ biên cùng nhóm biên soạn tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện để công trình bổ ích này sớm ra mắt bạn đọc.
|
|
PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn viết ngày 24/08/2011
Sau khi đọc xong tập bản thảo này, tôi thấy đây là công trình đầu tiên viết về lịch sử Thăng Long – Hà Nội theo thể thức biên niên tổng hợp, tức là theo năm, tháng, ngày, ghi chép lại các sự kiện lịch sử và qua đó giúp cho người đọc nhận biết được mối quan hệ ngang, dọc giữa thời gian và sự kiện diễn ra tại Thăng Long – Hà Nội từ khởi nguồn của lịch sử đến năm 2008 (trước khi thành lập Hà Nội mới, mở rộng).
Theo lời Mở đầu, trong Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội, có hơn 5000 sự kiện được trình bày theo dọc thời gian hơn 2000 năm.
Nhìn vào nguồn tư liệu đồ sộ đã được nhóm biên soạn sử dụng, khai thác, chọn lọc ghi chép thành các sự kiện, sắp xếp theo trình tự năm, tháng, dày tới 1895trang (chưa có phần Tra cứu theo phân loại từng vấn đề), người đọc không thể không đánh giá rất cao công sức lao động học thuật cũng như nhiệt tình của nhóm biên soạn trong quá trình thực hiện công trình khoa học này.
Về cấu tạo nội dung, bộ Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội chia thành 4 phần như vậy, theo tôi là hợp lí.
Về tính chính xác của các sự kiện lịch sử được trình bày trong công trình Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội, theo tôi là tốt, nói chung bảo đảm được độ tin cậy khoa học trên cơ sở các nguồn tư liệu được trích dẫn đã công bố từ trước tới nay, ngoại trừ trường hợp với chi tiết sau:
Tr.661: Năm 1990
Tháng 1, ngày 20
1562. Quyết định lập trường Viễn Đông bác cổ tại Hà Nội
Xin lưu ý: Học viện Viễn Đông bác cổ được chính thức ký công nhận thành lập ngày 26-2-1901. Lúc đầu Học viện này đặt tại Sài Gòn. Năm 1903 mới chuyển ra Hà Nội. Vì vậy, không thể viết năm 1990 “quyết định lập Trường Viễn Đông bác cổ tại Hà Nội” (xem: Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ của Ngô Thế Long. Tạp chí Xưa và Nay, số 333 tháng 6-2009, tr.16).
Nói chung, bộ Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội là một công trình tư liệu rất có ích và cần thiết, giúp cho mọi tầng lớp độc giả có thể tra cứu để biết được các sự kiện lịch sử thuộc nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục… diễn ra ở Thăng Long – Hà Nội trong hơn 2000 năm qua. Công trình Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội được xuất bản chắc chănd sẽ là một đóng góp khoa học có ý nghĩa thiết thực vào dịp kỉ niệm tròn 1000 năm tuổi Thăng Long – Hà Nội 1010-2010.
Trước khi xuất bản, tôi nghĩ Ban biên soạn cần chỉnh sửa bản thảo cho hoàn hảo hơn. Dưới đây là vài ba ý kiến gợi ý của tôi để Ban biên soạn công trình Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội tham khảo:
1. Như lời Mỏ đầu, nhóm tác giả đã xác định rõ nội dung của Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội là “bao gồm các sự kiện lịch sử Hà Nội”.
Đọc ngót 2000 trang bản thảo với khoảng hơn 5000 “sự kiện” được trình bày trong sách Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội, tôi thấy ở đây hình như nhóm biên soạn chưa xác định rõ như thế nào là một “sự kiện” để từ đó đưa ra tiêu chí lựa chọn phân biệt giữa “sự kiện” và “sự”, tức là việc.
Trong hơn 5000 “sự kiện” được giới thiệu có rất nhiều việc làm này, việc làm kia nhưng đó không phải là “sự kiện”. Thí dụ: Tr.51, viết:
“Năm 1032 (Nhân Thân)
Tháng 11 (âm lịch) (ngày 6 tháng 12 năm 1032 đến ngày 3 tháng 1 năm 1033)
81. Tổ chức yến tiệc ở điện Thiên An (văn hoá)
Vua Lý Phật Mã tổ chức yến tiệc ở điện Thiên An trong Long Thành. Nhà vua cho phép các quan trong triều đình được cùng tham dự”.
Hoặc sự kiện 678. Vua Lê Thánh Tông ra chơi Hồ Tây
Trong Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội ghi lại nhiều lần “Rồng vàng xuất hiện”…
Chúng ta đều biết “rồng vàng xuất hiện là chuyện không có thật. Không nên coi những điềm lành, điềm giữ ghi trong sử cũ là sự kiện lịch sử.
Sự kiện là chỉ những sự việc lớn (đại sự) trọng yếu, phát sinh trong lịch sử hoặc trong xã hội.
Tất nhiên, quy mô, tầm cỡ của các sự kiện có khác nhau: Có sự kiện vĩ đại, có sự kiện lớn, có sự kiện quan trọng, có sự kiện có ý nghĩa đặc biệt…
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện (vĩ đại);
- Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện (lớn)
- Cải cách ruộng đất là một sự kiện. Nhưng trong thời gian cải cách, thí dụ, ở làng Thanh Nhàn đã sử tử một ái, thì đó không phải là một sự kiện lịch sử của Thăng Long – Hà Nội.
Với suy nghĩ như vậy, tôi đề nghị nhóm biên soạn công trình Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội nên thống nhất lại quan niệm về “sự kiện”, với các tiêu chí tương đối cụ thể, để trên cơ sở đó có thể lược bỏ bớt (khá nhiều) những việc làm thông thường, không phải là sự kiện lịch sử, xã hội.
Nhân đây, tôi cũng nói luôn về vấn đề viết một sự kiện lịch sử như thế nào để người đọc thấy đó đúng là sự kiện.
Tôi nêu thí dụ, ở trang 1-3, sự kiện 2. Hà Nội trong giai đoạn đồ đồng và sắt sớm; trang 3-4, sự kiện 3. Phong Khê (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) trở thành kinh đô của nước Âu Lạc (Địa lí, Lịch sử, Hành chính); trang 4-6, sự kiện 4. An Dương Vương đắp Loa Thành; trang 63, sự kiện 110. Dựng chùa Diên Hựu; trang 79, sự kiện 148. Triều đình tổ chức lễ mừng chiến thắng Chiêm Thành tại Thái Miếu (Hà Nội)…
Đọc những trang viết này, tôi thấy đây vẫn là những trang sử viết thông thường, chưa khái quát thành sự kiện.
2. Nên xác định lại một số danh xưng khi phân biệt loại vấn đề quân sự, kinh tế, tôn giáo, nghệ thuật, kiến trúc…
-Trong Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội gần như tất cả các công trình kiến trúc (cung, điện, chùa, tháp, nhà chứa kinh Phật… đều xếp vào phần “di tích”.
Thí dụ: trang 31: Năm 1011, sự kiện 38. Khánh thành cung Thuý Hoa (di tích); trang 71: Năm 1057, sự kiện 123. Xây chùa Sùng Khánh Báo Thiên (tôn giáo, di tích)…
Chúng ta đều biết di tích là dấu vết (cũ) để lại. Thí dụ: Tháp Hoà Phong ở bên Hồ Gươm, ngày nay ta gọi đó là di tích. Nhưng tượng đài Lý Thái Tổ mới dựng ở vườn hoa Nhà Kèn phố Lê Thạch thì phải gọi là công trình nghệ thuật điêu khắc chưa không gọi là “di tích” được.
Cung Thuý Hoa xây năm 1011 hoặc chùa Sùng Khánh xây năm 1057 thì phải xếp vào loại công trình kiến trúc. Các công trình này còn tới ngày nay thì ta gọi là di tích. Nhưng đặt vào niên đại đương thời thế kỉ XI thì phải gọi là công trình kiến trúc.
(Tôi nói thêm, nếu coi việc xây dựng cung Thuý Hoa trong kinh thành Thăng Long là một sự kiện thì phải nói rõ cung Thuý Hoa xây cho ai ở? Vua, hoàng hậu hay cung phi ở? Khi nói tới công trình kiến trúc cần phân biệt nhà ở và công trình kiến trúc khác nhau).
- Trang 33, sự kiện 43. Tiếp tục kiến thiết kinh thành Thăng Long (xây cung, xây chùa…) nên xếp vào mục Lịch sử hay mục Xây dựng kiến trúc?
- Trang 61, sự kiện 105. Xây dựng cung điện cho các cung nữ Chiêm Thành (ngoại giao).
Việc xây cung cho các nữ tù binh Chiêm Thành ở không nên xếp vào mục ngoại giao?
- Có một số sự kiện ngoại giao nhưng thiếu phân loại vào ngoại giao. Thí dụ trang 193, sự kiện 416. Sứ giả Chiêm Thành đến Thăng Long; trang 204, sự kiện 434; trang 205, sự kiện 436; trang 206, sự kiện 438; trang 216, sự kiện 459; trang 228, sự kiện 493.
Ngoài hai điểm chính tôi lưu ý ở trên nên chỉnh sửa, còn một vài điểm nhỏ cũng muốn nhóm biên soạn xem lại và cân nhắc thêm khi đưa vào Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội.
a. Trang 3: Năm 275tr.Cn, sự kiện 3. Phong Khê (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) trở thành kinh đô của nước Âu Lạc…
“Sau cuộc kháng chiến chống Tần thắng lợi, Thục Phán thống nhất lãnh thổ của người Âu Việt và người Lạc Việt (tức là nước Văn Lang), xưng hiệu là An Dương Vương…”.
Ở đây có vấn đề đặt ra là cuộc kháng chiến chống Tần của người Âu Việt có xẩy ra trên đất Việt Nam cổ xưa không? Vì có một số học giả nước ngoài (Nhật Bản, Trung Quốc) cho rằng cuộc kháng chiến chống Tần của người Tây Âu-Lạc Việt diễn ra ở khu vực Quảng Tây, Trung Quốc.
b. Trang 91-92, sự kiện 169. Hình thành thế trận phòng ngự bảo vệ thành Thăng Long trên phòng tuyến Như Nguyệt.
“Cuộc chiến đấu trên sông Như Nguyệt diễn ra quyết liệt… Để cổ vũ binh sĩ, Lý Thường Kiệt cho người giả làm thần nhân nấp trong đền Trương Hát ở bờ nam sông Như Nguyệt đọc bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”
- Trong những năm qua, giới nghiên cứu Hán Nôm và nghiên cứu văn học cổ đã chứng minh bài thơ “Nam quốc sơn hà…” không phải của Lý Thường Kiệt và nó ra đời trước thời điểm 1077.
- Nếu vẫn viết sự kiện này theo truyền thuyết cũ (đã bị bác) e rằng thông tin trong Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội, sẽ thiếu giá trị cập nhật thành quả nghiên cứu mới?
c. Nội dung sách chia thành 4 phần:
Phần 1: Hà Nội trước định đô
Phần 2: Hà Nội trong kỉ nguyên độc lập
Phần 3: Hà Nội thời Pháp thuộc (1888-1945)
Phần 4: Hà Nội thời Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến 7-2008
Nhưng trong bản thảo công trình Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội không thấy ghi 4 phần này, nghĩa là người đọc không biết phần 1 từ trang nào đến trang nào, Phần 2 từ trang nào đến trang nào…?
Kết luận
Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội do PGS.TS Phạm Xuân Hằng và TS. Phan Phương Thảo làm chủ biên, là một đề tài khoa học mới mẻ, rất cần thiết, cung cấp cho độc giả một khối lượnh tri thức đồ sộ về mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao, quốc phòng, văn hoá, giáo dục, tư tưởng… của Thăng Long – Hà Nội trong suốt tiến trình hơn 2000 năm lịch sử qua.
Phương pháp biên soạn khoa học. Nguồn tư liệu sử dụng phong phú, chính xác.
Thời gian năm, tháng trong công trình biên niên vừa giữ nguyên âm lịch, vừa chuyển đổi sang dương lịch, rất tiện cho người đọc tra cứu.
Sau khi bản thảo được sửa chữa theo hướng tinh, gọn hơn tôi nghĩ rằng việc xuất bản một công trình biên niên tổng hợp về Thăng Long – Hà Nội như thế này sẽ là một đóng góp quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với dịp kỉ niệm 1000 năm tuổi của Thủ đô Hà Nội.
|
|
PGS.TS. Trần Thị Vinh viết ngày 19/08/2011
Để tiến tới kỷ niệm Thăng Long một nghìn năm tuổi, UBND thành phố Hà Nội đã đề ra một chương trình biên soạn “ Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” rất qui mô và bề thế, bao gồm rất nhiều dự án, trong đó có dự án về biên soạn “Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội”. Đây là một công việc có nhiều ý nghĩa vì nó là việc làm thiết thực nhất, góp phần vào việc nghiên cứu và tổng kết về Lịch sử Thăng Long Hà Nội một cách khoa học.
Bản thuyết minh tổng thể đề tài biên soạn “Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội” do PGS.TS. Phạm Xuân Hằng và TS. Phan Phương Thảo làm chủ nhiệm là một bản đề cương hoạch định kế hoạch nghiên cứu và biên soạn rất khoa học, mang tính khả thi cao. Theo tôi được biết thì nhóm chủ nhiệm và cũng đồng thời là nhóm chủ biên này đã từng ít nhiều tham gia chủ nhiệm cũng như nghiên cứu về loại hình công việc này về Thăng Long Hà Nội trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhóm tác giả mới chỉ dừng lại nghiên cứu trên một vài khía cạnh phục vụ cho những đề tài cụ thể của mình chứ chưa có đầy đủ điều kiện về thời gian cũng như đầu tư thích đáng về vật chất để đi sâu hơn, rộng hơn về toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội của Thăng Long Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử. Nay Nhà xuất bản Hà Nội đưa công việc này vào chương trình biên soạn “ Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” là hết sức cần thiết.
Về Nội dung Bản thuyết minh, được nhóm chủ nhiệm đề tài thể hiện rất đầy đủ từ Mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ, Tình hình nghiên cứu và sự cần thiết phải xây dựng đề tài cho đến Cách tiếp cận và Phương pháp nghiên cứu.
Về Nội dung của đề cương chi tiết đối với việc biên soạn cuốn sách cũng được nhóm chủ biên thể hiện rõ ràng.
Sách sẽ gồm 2 Tập :
Tập I : Thăng Long-Hà Nội từ khởi nguồn đến năm 1945
Tập II : Hà Nội từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay
Phân chia làm hai tập và khung thời gian như vậy là hợp lý với tiến trình lịch sử của Thăng Long- Hà Nội.
Trong mỗi Tập lại chia ra thành từng phần theo từng giai đoạn lịch sử cũng hợp lý.
Tập I, bao gồm 3 phần : Vùng đất Hà Nội trước khi định đô ( trước 1010), Thăng Long Hà Nội từ khi định đô đến 1873 và Hà Nội thời Cận đại ( 1873-1945).
Tập II, cũng gồm 3 phần : Hà Nội thời kỳ 1945-1954, Hà Nội thời kỳ 1954-1975 và Hà Nội thời kỳ từ 1975 đến nay.
Phân chia thành các giai đoạn lịch sử như vậy là phù hợp.
Tuy nhiên, ở mục III, Phần thứ ba của tập II ( Hà Nội thời kỳ 1996-2005), nên chăng phải có vài lời phi lộ trước khi vào nội dung, vì đề mục Phần thứ ba là : Hà Nội thời kỳ từ 1975 đến nay. Nếu nói đến nay, mà bản thảo lại chỉ dừng ở năm 2005, trong khi đó đến năm 2009 bản thảo mới hoàn thành và năm 2010 mới xuất bản, thì sẽ không khớp.
Ngoài phần nội dung chính, trong mỗi tập dự kiến đều có cả Bản đồ và Ảnh để minh hoạ, như vậy là rất cần thiết và làm cho tập sách tuy chỉ là biên niên những sự kiện về Lịch sử Thăng Long Hà Nội nhưng lại sẽ rất hấp dẫn người đọc và giúp người đọc có thể hiểu rõ hơn về Thăng Long Hà Nội, nhất là đối với những người chưa có dịp sống ở Hà Nội.
Đặc biệt ở cuối mỗi tập sách dự kiến đều có mục sách dẫn tra cứu, như vậy cũng rất cần thiết, giúp cho những người nghiên cứu về Thăng Long Hà Nội có thể tra cứu một cách dễ dàng.
Phương pháp biên soạn của bộ sách cũng thể hiện rõ ràng là về sự kiện thì đảm bảo phải lấy từ nguồn tài liệu gốc trong chính sử, không có thêm lời bình của người biên soạn mà chỉ khi nào gặp những sự kiện đặc biệt thì người biên soạn mới có lời chua ở dưới trang, để giúp người đọc hiểu rõ hơn về sự kiện đó. Đặc biệt là sau mỗi sự kiện đều có ghi rõ nguồn tài liệu xuất xứ, như vậy vừa đảm bảo tính khoa học chân thực vừa giúp người đọc dễ dàng tra cứu lại khi cần thiết.
Nhưng để thực hiện được tốt những yêu cầu đặt ra, đòi hỏi những người biên soạn phải được đầu tư đầy đủ về thời gian và thích đáng về vật chất.
Nếu hai tập sách này được tiến hành biên soạn và xuất bản kịp thời cùng với bộ Lịch sử Thăng Long- Hà Nội do Giáo sư Phan Huy Lê chủ biên, sẽ là hai bộ sách có tính chất tập đại thành về Lịch sử Thăng Long-Hà Nội – một trong hai công trình lớn và có ích, phục vụ rất tốt không những chỉ rộng rãi cho công chúng muốn hiểu biết về Thăng Long- Hà Nội mà còn phục vụ rất tốt cho cả những người nghiên cứu về Thăng Long -Hà Nội cũng như những nhà quản lý về Thủ đô Hà Nội nói chung.
Nhận xét chung : Bản thuyết minh tổng thể về đề cương của đề tài biên soạn “ Biên niên Lịch sử Thăng Long-Hà Nội” do nhóm chủ nhiệm PGS.TS. Phạm Xuân Hằng và TS. Phan Phương Thảo khởi thảo là bản đề cương mang tính khoa học và rất cần thiết. Đề cương đề tài này được phê duyệt sẽ mang tính khả thi cao vì nhóm chủ biên là những người đã từng tham gia nghiên cứu và tiến hành loại công việc này có những sản phẩm đã được sử dụng. Tôi đề nghị Nhà xuất Bản Hà Nội sớm phê duyệt để công trình sớm được tiến hành kịp thời kỷ niệm Thăng Long một nghìn năm.
|
|
PGS.TS. Vũ Văn Quân viết ngày 19/08/2011
1. Trước hết, tôi xin hoàn toàn tán đồng về các tác giả đăng ký chủ trì đề tài này: PGS.TS Phạm Xuân Hằng và TS Phan Phương Thảo. Cả hai người đều là cán bộ giảng dạy của bộ môn Lý luận sử học, chuyên sâu về sử liệu học, và như thế, làm sách biên niên lịch sử thì đúng là tay phải rồi. Với ý nghĩa như vậy, cộng với sự nghiêm túc như thường thấy ở hai tác giả này, tôi tin chắc công trình “Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội” sẽ được triển khai thành công, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn bộ tủ sách.
2. Bản thuyết minh được thiết kế công phu với đầy đủ các mục theo yêu cầu:
- Đã nêu rõ được các mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ, rất cụ thể và thiết thực;
- Đã nêu rõ được, đánh giá được tình hình nghiên cứu vấn đề, với cả những thành tựu có thể kế thừa và những hạn chế cần phải khắc phục;
- Đã thuyết minh đã nêu rõ được cách tiếp cận, xác định hợp lý giới hạn không gian và nội dung cần đề cập;
- Phương pháp nghiên cứu phù hợp với đối tượng nghiên cứu - trong trường hợp này;
- Các đối tác và nội dung hợp tác là thực chất;
- Và đặc biệt, Mục 13: Đề cương chi tiết được thiết kế hết sức công phu, vừa thể hiện thái độ nghiêm túc, vừa thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của nhóm tác giả về lịch sử và văn hóa Thủ đô Hà Nội.
Việc phải chia công trình này thành hai tập là hợp lý. Thăng Long - Hà Nội với toàn bộ lịch sử và văn hóa của mình đáng phải có một bộ sách biên niên đồ sộ như thế (tôi đã từng có ý tưởng về bộ sách này, từ khi Đề án này chưa chính thức đi vào hoạt động, và từng nói đùa, rằng làm tốt, đây có thể coi là “Hà Nội sử ký toàn thư” đấy).
Việc chia thành hai giai đoạn làm giới hạn thời gian cho hai tập cũng là hợp lý. Trong kết cấu cuốn sách, bản thuyết minh cũng đã làm rõ được từng giai đoạn lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, vừa bám theo sự phân kỳ của lịch sử dân tộc, vừa phản ánh đặc điểm riêng của lịch sử Thăng Long - Hà Nội
3. Một số góp ý
- Tôi hơi băn khoăn, ở trang ba khi tác giả phê phán một số sách cùng loại mắc hạn chế là thiếu phần trích dẫn nguồn tài liệu, rất khó khăn cho các nhà nghiên cứu muốn trích dẫn, tra cứu lại tài liệu gốc. Cuốn sách này chắc hẳn sẽ khắc phục hạn chế đó. Làm được như thế thì rất tốt. Nhưng xin lưu ý các tác giả rằng, liệu các tác giả có làm triệt để được vấn đề này không? Thời cận hiện đại thì tương đối thuận lợi, chứ thời cổ trung đại thì không dễ (vì một sự kiện có thể có ở rất nhiều nguồn sử liệu, có khi hàng chục - cuốn sách có vì thế mà trở nên rườm rà). Vả lại, làm sách này phải hài hòa giữa sự tôn trọng nguồn sử liệu với phần gia công của các tác giả, chứ không phải sử liệu có thế nào thì trích lại như thế (nhỡ sử liệu cần phải phê phán thì sao). Do đó, tham vọng cuốn sách thuộc loại thông tin cấp 1 thì hơi khó.
- Về tiến độ, nếu để đến tháng 9 năm 2009 mới hoàn thành bản thảo thì hơi chậm. Vì thế đề nghị các tác giả đẩy sớm tiến độ hoàn thành bản thảo vào cuối năm 2008 hoặc giữa năm 2009.
Tóm lại, đây là một bản thuyết minh rất công phu, rất nghiêm túc, rất có chất lượng. Một số chỉnh sửa nhỏ sau khi được hoàn thành là có thể đưa ra triển khai ngay. Kinh đề nghị chủ Dự án phê duyệt và đưa vào kế hoạch thực hiện càng sớm càng tốt.
|