Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Sách địa lý |  Bạn đang ở:Trang chủ » Sách địa lý
Giới thiệu về sách

Cuốn sách "Hà Nội - Địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan" khái quát về các đặc điểm tự nhiên và xã hội của Hà Nội (đặc điểm địa hình, khí hậu, thủy văn, đất đai, động thực vật, biến đổi hành chính và đặc điểm kinh tế xã hội, v.v. của Hà Nội); Các thành tạo địa chất có tuổi khác nhau, lịch sử hình thành và phát triển của chúng. Đó chính là các thành tạo địa chất có tuổi khác nhau từ nguyên đại Trung sinh (Mezozoi) cho đến Kỷ Nhân sinh (Đệ tứ). Các hoạt động kiến tạo và tân kiến tạo, kiến tạo hiện đại; Đặc điểm địa mạo Hà Nội (các thành tạo địa hình có nguồn gốc và tuổi khác nhau cũng như quá trình hình thành và phát triển cũng như ý nghĩa thực tiễn của chúng); Các loại hình tài nguyên khoáng sản liên quan với địa chất và địa hình;  Các tai biến thiên nhiên và những nguy cơ tiềm ẩn của chúng

Trên cơ sở các phân tích, đánh giá về các vấn đề đó công trình có ý nghĩa định hướng quy hoạch sử dụng hợp lý lãnh thổ Hà Nội trên cơ sở các đặc điểm địa chất, địa mạo khoáng sản Hà Nội. Cuốn sách cũng góp phần phục vụ đắc lực cho việc quy hoạch phát triển bền vững của thành phố trong những năm trước mắt và lâu dài.


Nhà xuất bản Hà Nội

Chi tiết sách
  • Tác giả:  PGS.TS Vũ Văn Phái (Chủ biên)
  • Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội 
  • Năm xuất bản:  2010
  • Tổng số trang:  280 trang
  • Kích thước:  16 x 24
  • Mã số:  DL - Ha Noi: Dia chat, dia mao
  Bình luận (13)  
GS.TS. Đào Đình Bắc viết ngày 30/08/2011
Sau khi đọc bản thuyết minh đề tài và đề cương cuốn sách “Địa chất, địa mạo và khoáng sản Hà Nội” của tác giả Vũ Văn Phái, người đọc xin có những nhận xét đánh giá như sau: 1. Về tác giả và nhóm công tác: - Phó giáo sư Vũ Văn Phái là một nhà nghiên cứu có kinh nghiệm về điều kiện địa mạo và cổ địa lý khu vực Hà Nội, người đã thực hiện nhiều cuộc điều tra vùng ven biển Thái Bình - Nam Định và cũng đã đóng góp vào việc soạn thảo phần điều kiện tự nhiên khu vực thủ đô trong “Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long” xuất bản mới đây. Vì vậy đề án được đề xuất và giao cho nhóm nghiên cứu của PGS.TS Vũ Văn Phái thực hiện là có cơ sở tin cậy. - Trong nhóm nghiên cứu này có những nhà địa chất Đệ Tứ tham gia đều là những người có kinh nghiệm lâu năm và đã từng trực tiếp thực hiện những nghiên cứu liên quan đến đề tài này đối với lãnh thổ Hà Nội, hơn nữa đều có liên quan đến những cơ quan lưu trữ tài liệu gốc là Cục Địa chất Việt Nam, nên có điều kiện sử dụng triệt để nguồn tài liệu “quốc gia” này, do đó cũng cho phép tin tưởng về tính khả thi của dự án đang được hội đồng xem xét. - Cơ quan chủ trì đề tài là trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chắc chắn sẽ tạo điều kiện để nhóm tác giả thực hiện tốt đề tài, bởi vì đây là dịp để nhà trường thể hiện sự đóng góp và tình cảm đối với Thủ đô và đồng thời cũng là nơi đứng chân của mình. - Kinh phí được đề nghị và thời gian thực hiện có thể coi là hợp lý. 2. Về nội dung khoa học của đề tài: - Lý do xây dựng đề tài: Để phục vụ cho đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, việc nghiên cứu và biên soạn loạt sách giới thiệu và tra cứu về mảnh đất thiêng liêng này là một công việc có ý nghĩa thiết thực cao. Mặt khác, địa phận thủ đô Hà Nội đã được mở rộng hơn trước nhiều lần, nên cần có loạt sách khác bao quát toàn bộ lãnh thổ mới này, vừa như những cuốn sách giới thiệu nói chung, lại vừa làm tài liệu tham chiếu tối cần thiết cho công tác quy hoạch đô thị mà lâu nay các nhà quy hoạch thủ đô cũ thường không quan tâm đầy đủ. Hà Nội đang trên đường phát triển mạnh mẽ để xứng đáng là thủ đô văn hiến và hiện đại, trước mắt phải trở thành “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ đã từng dạy. Nhưng sự phát triển ấy cần phải đảm bảo bền vững. Để đảm bảo được yêu cầu đó, không có cách nào hơn là phải hài hòa với thiên nhiên, quy hoạch đô thị Hà Nội phải khai thác được tính đa dạng của không gian rộng lớn của Hà Nội mới với diện tích trên 3300km2, nhưng phải xây dựng thích nghi với thiên nhiên. Để làm được điều đó, các nhà quy hoạch và các cấp lãnh đạo thành phố phải nắm vững được đặc điểm tự nhiên và nhân văn của địa bàn, tránh làm những gì có thể dẫn tới suy thoái, ô nhiễm và tai biến. Tất cả những điều đó đã được tác giả của đề án viện dẫn rõ ràng để chứng minh cho sự cần thiết phải tiến hành nghiên cứu này. Vì vậy người đọc cho rằng đề tài này có tính cấp thiết cao. Nếu không làm ngay việc này thì những dự án quy hoạch trong tương lai gần sẽ thiếu chỗ dựa tin cậy. Thực ra, những tài liệu về địa chất, địa mạo và tài nguyên khoáng sản vùng nghiên cứu đều đã hiện hữu, nhưng chưa sẵn sàng để có thể tham khao rộng rãi và dễ dàng. Cuốn sách dự kiến của đề án sẽ bổ khuyết cho điều này. Tuy nhiên, người đọc cũng cho rằng tác giả nên nhắc tới những sách đã có về thiên nhiên Hà Nội, như tập Atlas Thủ đô Hà Nội (Ban Điều tra cơ bản Hà Nội, 1984), chương đầu của nhiều cuốn sách như “Thăng Long - Hà Nội” (Lưu Minh Trị, Hoàng Tùng, 1999), Thiên nhiên Việt Nam (Lê Bá Thảo, 1977)… 3. Về tên sách: Tác giả được giao nhiệm vụ tìm hiểu bước đầu về các nguồn lực tự nhiên của Hà Nội, nên đã chọn tên cuốn sách được biên soạn là “Địa chất, địa mạo và tài nguyên khoáng sản Hà Nội”. Chúng tôi hiểu rằng đây sẽ là một trong loạt những cuốn sách về Hà Nội, nhưng tên gọi trên có phần gượng ép về nội dung, vì vậy nên chỉnh lại là: “Hà Nội - đặc điểm địa chất, địa mạo và khoáng sản”. Tên gọi này vừa đáp ứng nội dung thể hiện một vài mặt của môi trường tự nhiên một vùng nào đó, lại nghe xuôi hơn. Mặt khác, như đề án trình bày tiếp theo ở phần sau, tác giả rất nhấn mạnh khía cạnh địa hình như một dạng tại nguyên, mà đìa hình thì không phải là khoáng sản, vậy nên chăng đặt tên là: “Hà Nội - đặc điểm địa chất, địa mạo và một số dạng tài nguyên thiên nhiên”. Người đọc cũng rất chia sẻ với tác giả là phải coi địa hình như một nguồn tài nguyên đặc biệt, có giá trị quy định trước và gợi ý cho việc quy hoạch, điều mà ngay từ thời Lý Công Uẩn đã rất coi trọng (“…được cái thế Rồng cuộn, Hổ ngồi, vị trí ở giữa bốn phương đông, tây, nam, bắc… Ở đó, địa thế rộng mà bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt…” - Chiếu dời đô), nhưng các nhà quy hoạch của chúng ta lại chưa nắm vững!... 4. Về mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ: Mục đích được nêu ra rất trúng, đó là chỉ rõ bản chất của vùng đất Hà Nội làm cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch phát triển của Hà Nội hiện tại và mai sau. Muốn sử dụng hợp lý và an toàn một vùng đất hay một thành tạo địa chất, địa hình nào, cần phải biết thấu đáo bản chất của chúng, nghĩa là chúng từ đâu ra, vì sao mà có, đã và sẽ phát triển như thế nào. Điều này cần được quán triệt sâu sắc và phải tuyên truyền sâu rộng cho các giới có thẩm quyền ra quyết định sử dụng địa hình trên từng không gian cụ thể. Chính mục đích đó sẽ quy định nội dung các chương mục có liên quan của cuốn sách: không phải viết cho một không gian chung chung, mà là cho Hà Nội, đón trước việc quy hoạch đang rất mang tính thời sự hiện nay: có nên thực thi dự án Thành phố sông Hồng? hay sẽ xây dựng gì tại các huyện vũng trũng, túi nước Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên??? Thành phố có sông Hồng làm trục đối xứng bây giờ nên đặt ở vị trí nào??? Về ý nghĩa ta có thể suy ra từ mục đích trên. Đối tượng phục vụ được các tác giả nhìn nhận khá trúng, chúng tôi cũng xin chia sẻ, nhưng cần nhấn mạnh 2 đối tượng đầu là các nhà quy hoạch và hoạch định chính sách sử dụng không gian Hà Nội và nghiên cứu, đào tạo. Để làm được việc này, cuốn sách cần có những mặt cắt mô tả chuẩn và chi tiết theo những lộ trình đặc trưng cho địa chất và địa hình thủ đô. Đây là việc làm mà nhiều thành phố thủ đô lớn trên thế giới từng làm (ví dụ thủ đô và vùng Paris, Washington). Nếu Nhà xuất bản theo đuổi ý tưởng này thì phải thêm nguồn tài chính… 5. Về tình hình nghiên cứu: Như chúng tôi đã nói ở cuối mục 2, vùng thủ đô mới đã được nghiên cứu từ lâu, có sẵn nhiều tài liệu, vì vậy, đề nghị các tác gỉa đánh giá và trích dẫn cho công bằng, tránh tình trạng bỏ sót, hoặc chỉ trích dẫn những người quen biết. Chẳng hạn trong tài liệu số 4, việc đưa ra những sơ đồ đường bờ cổ đồng bằng Hà Nội theo Tanabe (Nhật Bản) đã làm lu mờ một cách không cần thiết những nghiên cứu về cổ địa lý kỷ Đệ Tứ của các nhà nghiên cứu Việt Nam. Thủ đô ta, ta đã nghiên cứu, đã có cả một chương trình điều tra cơ bản khu vực Thủ đô Hà Nội, đã xuất bản cả một tập Atlas Hà Nội có giá trị mà nhiều tác giả là những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam… 6. Về phương pháp nghiên cứu: Các tác giả chủ yếu sẽ phân tích, tổng hợp những tài liệu đã có rồi bổ sung thêm bằng một số lộ trình kiểm tra thực địa và giải đoán ảnh viễn thám. Theo chúng tôi cần nhấn mạnh thêm phương pháp nghiên cứu so sánh để có thể đưa ra những kiến nghị sử dụng lãnh thổ trong quy hoạch đô thị Hà Nội có sức thuyết phục và hấp dẫn hơn. 7. Về các đối tượng hợp tác thực hiện đề tài: Theo cách trình bày của tác giả và theo mục đích của sách, chúng tôi hiểu rằng đây là một công trình không thuần túy là địa chất, địa mạo học, mà hướng về ứng dụng cho quy hoạch đô thị, nên chăng hợp tác cả với những chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch đô thị. 8. Về đề cương chi tiết: Các chương mục trong đề cương chi tiết chưa được sắp xếp thực sự logic, cụ thể là: - Trong tên sách, địa chất và địa mạo được xếp ngang nhau, nhưng đến phần chia chương, thì địa mạo lại trở thành một mục của địa chất. Nếu theo tên sách thì phải có một chương riêng về địa mạo. - Mục III.3 mang tên Địa mạo và địa động lực hiện đại Hà Nội lại không có mục nhỏ về động lực hiện đại Hà Nội. Trong mục này lại có thêm mục Mối liên hệ giữa địa chất Đệ tứ và…khảo cổ, mà lẽ ra phải được viết trong phần địa chất, bao gồm địa chất Đệ tứ… hoặc phải viết là Mối liên hệ giữa các thành tạo địa mạo và… khảo cổ. - Trong phần thứ 2 Tài nguyên khoáng sản và sử dụng hợp lý lãnh thổ vì sao lại xuất hiện 2 chương V (Đặc điểm địa chất thủy văn) và VI (Đặc điểm địa chất công trình) mà lẽ ra phải thuộc chương về đặc điểm địa chất của phần I. - Chương VII. Tai biến thiên nhiên nên ghép với nội dung địa động lực hiện đại Hà Nội ở phần I hoặc ghép vào chương VIII về Định hướng sử dụng hợp lý lãnh thổ khu vực thủ đô Hà Nội. - Trong mục I.1, chương I, theo truyền thống viết về Điều kiện tự nhiên khu vực nghiên cứu, trước Đặc điểm địa hình nên có những nét Sơ lược về cấu trúc địa chất (mặc dù sau này sẽ được viết chi tiết ở chương Địa chất). Trong phần tài liệu phụ lục, chúng tôi nghĩ nên có những mô tả lộ trình đã được nhắc tới ở mục 4. Trong các tiêu đề “…của Hà Nội” nên thêm từ “khu vực…” hoặc “lãnh thổ Hà Nội” 9. Khối lượng có thể là 200 trang hoặc hơn một chút vì nội dung rất phong phú. Tiến độ thực hiện 1 năm là khả thi. 10. Kết luận: Đây là một đề án hay, có tính cấp thiết và khả thi về mọi mặt. Bản đề cương được viết có chất lượng. Đề nghị Hội đồng chấp nhận và các tác gải nên chỉnh sửa theo những nhận xét đã được nêu (những nhận xét chúng tôi đã nêu đều xuất phát từ ý thức trách nhiệm với thủ đô và với ý nghĩ rằng đây là cuốn sách sẽ phải trường tồn về sau).
TS. Vũ Quang Lân viết ngày 30/08/2011
Sau khi đọc bản thuyết minh đề tài "Hà Nội: địa chất, địa mạo và các tài Sau khi đọc thuyết minh đề tài "Địa chất, địa mạo và khoáng sản Hà Nội", người đọc có một số ý kiến nhận xét như sau: 1. Về lý do chọn đề tài Các điều kiện địa chất, địa mạo và tài nguyên khoáng sản là những nguồn lực tự nhiên quan trọng phục vụ cho các ngành sản xuất trong đời sống xã hội. Sự hiểu biết sâu sắc về các nguồn lực tự nhiên này là một trong những yêu cầu quan trọng cho việc định hướng quy hoạch tổng thể và phát triển bền vững lãnh thổ. Nhiệm vụ tổng hợp các tài liệu về địa chất, địa mạo và tài nguyên khoáng sản Hà Nội nhằm cung cấp những thông tin quan trọng về lịch sử hình thành và phát triển các điều kiện tự nhiên của Hà Nội phục vụ cho công tác quy hoạch và phát triển Thủ đô một cách hợp lý nhằm thiết thực kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội là những lý do thuyết phục để tập thể tác giả lựa chọn đề tài "Địa chất, địa mạo và khoáng sản Hà Nội". 2. Về mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ Tuy ngắn gọn song đề cương đã trình bày đầy đủ mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ của cuốn sách. Người đọc đồng ý với tập thể tác giả về các nội dung này. 3. Về các công trình nghiên cứu có liên quan đến nội dung đề tài Trong số 8 công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài mà tập thể tác giả đề cập chủ yếu là những công trình liên quan đến các nội dung về đặc điểm địa chất, địa mạo và tài nguyên khoáng sản rắn; còn các công trình nghiên cứu, điều tra liên quan với tài nguyên nước, địa chất công trình, địa chất đô thị và địa chất môi trường hầu như chưa được đề cập đến. Mặt khác, năm 2003, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã xuất bản Chuyên khảo "Địa chất và tài nguyên khoáng sản thành phố Hà nội" do Vũ Nhật Thắng chủ biên. Đây là công trình mang tính tổng hợp cao về đặc điểm địa chất, tài nguyên khoáng sản, địa mạo, tân kiến tạo, tai biến địa chất và địa chất môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội (diện tích Hà Nội chưa mở rộng như hiện nay). Vì những lý do nêu trên, người đọc đề nghị bổ sung một số công trình điều tra, nghiên cứu về địa chất, địa chất thuỷ văn, địa chất đô thị vào danh sách các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài. Trong đó, cần lưu ý các công trình sau: 3.1. Vũ Nhật Thắng (Chủ biên), Châu Văn Quỳnh, Đặng Văn Đội, La Văn Xuân, Ngô Quang Toàn, Nguyễn Công Lượng, Nguyễn Văn Can, Nguyễn Văn Đản, Phạm Văn Mẫn, Phan Hồng Dân, 2003. Địa chất và tài nguyên khoáng sản Thành phố Hà Nội. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xuất bản. 3.2. Nguyễn Đức Đại (Chủ biên), 1995. Báo cáo Địa chất đô thị thành phố Hà Nội tỷ lệ 1:50.000. Lưu trữ Địa chất, Hà Nội. 3.3. Tống Ngọc Thanh (Chủ biên), 1999. Báo cáo Đánh giá nguồn nước dưới đất thành phố Hà Nội. Lưu trữ Địa chất, Hà Nội. 3.4. Trần Minh (Chủ biên), 1993. Báo cáo Lập bản đồ ĐCTV-ĐCCT thành phố Hà Nội tỷ lệ 1 : 50.000. Lưu trữ Địa chất, Hà Nội. 3.5. Trần Minh (Chủ biên), 1992. Báo cáo Thăm dò tỉ mỉ nước thành phố Hà Nội. Lưu trữ Địa chất, Hà Nội. 3.6. Trần Minh (Chủ biên), 1993. Báo cáo Thăm dò tỉ mỉ nước thành phố Hà Nội mở rộng. Lưu trữ Địa chất, Hà Nội. 4. Về cách tiếp cận và hệ phương pháp nghiên cứu Người đọc đồng ý với cách tiếp cận hệ thống và hệ phương pháp nghiên cứu mà tác giả đề xuất. Trong đó, cần nhấn mạnh đây là công trình có tính kế thừa kết quả nghiên cứu, điều tra của các công trình có trước nên phương pháp phân tích, tổng hợp trên cơ sở tài liệu đã có đóng vai trò chủ yếu trong quá trình thực hiện đề tài. 5. Về người và tổ chức hợp tác thực hiện đề tài Các nhà khoa học mà tác giả hợp tác trong quá trình thực hiện đề tài là những nhà nghiên cứu có chuyên môn cao, có uy tín và có nhiều năm nghiên cứu, điều tra địa chất, địa mạo và tài nguyên khoáng sản vùng Hà Nội nói riêng, đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Sự hợp tác của các nhà khoa học này chắc chắn sẽ góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng cuốn sách. 6. Về những nội dung chính của cuốn sách Sáu vấn đề chính được nêu trong đề cương theo người đọc là phù hợp với nội dung cuốn sách về địa chất, địa mạo và tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, nếu đối sánh với cấu trúc chương mục của cuốn sách thì nội dung chương VI (Đặc điểm địa chất công trình) chưa được đề cập trong mục 13.1; do đó nên bổ sung nội dung về địa chất công trình vào mục 13.1. 7. Về cấu trúc cuốn sách "Địa chất, địa mạo và tài nguyên khoáng sản Hà Nội". 7.1. Người đọc cơ bản đồng ý với dự kiến chương mục của cuốn sách. 7.2. Đề nghị tác giả xem xét, chỉnh sửa một số nội dung sau: - Mục II.1. đổi thành II.1. Lịch sử điều tra địa chất - địa mạo và tài nguyên khoáng sản thành phố Hà Nội. II.1.1. Cấu trúc địa chất, địa mạo; II.1.2. Tài nguyên khoáng sản - Trong mục III.2. bổ sung thêm mục III.2.3. Lịch sử phát triển địa chất vùng Hà Nội. - Trong mục V.2, nội dung về ô nhiễm nước ngầm sẽ được đề cập trong mục VII.4 (nhiễm bẩn nguồn nước) nên mục V.2. Chất lượng nước ngầm, mức độ ô nhiễm nước ngầm nên đổi thành V.2. Đặc điểm động thái và chất lượng nước ngầm. 8. Về dự kiến kết quả Dự kiến cuốn sách dày 250 trang, trong đó có 200 trang chữ và 50 trang hình ảnh, biểu đồ, biểu bảng là phù hợp với khuôn khổ một cuốn sách chuyên đề về địa chất, địa mạo và tài nguyên khoáng sản của Thành phố Hà Nội. 9. Về tiến độ thực hiện Tập thể tác giả đã dự kiến khá chi tiết tiến độ thực hiện đề tài. Theo ý kiến người đọc, tiến độ đó hoàn toàn thực hiện được bởi tập thể tác giả là những chuyên gia, những nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy. 10. Đánh giá chung Đề cương đề tài đã trình bày đầy đủ những thông tin cần thiết cũng như lý do lựa chọn, mục đích, ý nghĩa, đối tượng phục vụ của đề tài. Đồng thời, đề cương đã dự kiến khá chi tiết các nội dung nghiên cứu chính và cấu trúc chương mục của cuốn sách. Đề nghị Văn phòng Dự án, Nhà xuất bản Hà Nội thông qua đề cương đề tài để tập thể tác giả sớm tiến hành thực hiện đề tài theo những nội dung đã nêu trong đề cương. Cuốn sách "Địa chất, địa mạo và khoáng sản Hà Nội" là một trong những cuốn sách có ý nghĩa thực tiễn và khoa học trong Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" mừng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
PGS.TS. Chu Văn Ngợi viết ngày 30/08/2011
Thủ đô Hà Nội có lịch sử 1000 năm văn hiến, đã ghi nhận những mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Dưới góc độ lịch sử, văn hoá đã có nhiều công trình viết về Hà Nội. Nhưng viết về điều kiện tự nhiên, lịch sử tự nhiên của Hà Nội một cách hệ thống vẫn còn rất hạn chế. Việc tập thể tác giả xây dựng đề cương thực hiện thực hiện đề tài “Địa chất, địa mạo và khoáng sản Hà Nội” có một ý nghĩa thiết thực nhân kỷ niệm 1000 Thăng Long, đồng thời cũng là đóng góp làm phong phú nội dung Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, phục vụ nhiều đối tượng thuộc các lĩnh vực khác nhau. Người nhận xét nhất trí với cách đặt vấn đề của tác giả về việc lựa chọn đề tài. Mục đích, ý nghĩa và đối tượng được trình bày rất cụ thể và rõ ràng. Đề cương được chuẩn bị nghiêm túc. Nội dung đề cương phù hợp với tên đề tài. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu phù hợp và có cơ sở. Đề đề cương được hoàn thiện và làm cơ sở triển khai đề tài, người nhận xét có một ý kiến như sau: • Mục 9.2 (trang 7): trong mục này thiếu các công trình về Địa chất thuỷ văn và các công trình về Địa chất công trình. Nên bổ sung những công trình thuộc hai lĩnh vực này. • Mục 10 (trang 9): Cách tiếp cận, ngoài cách tiếp cận hệ thống, nên bổ sung cách tiếp cận liên ngành vì đề tài này liên quan đến nhiều lĩnh vực. • Mục 12 (trang 9): Hợp tác. Nếu chỉ hợp tác với 3 nhà khoa học trên e rằng tác giả khó khăn trong việc triển khai đề tài. Bởi vậy cần bổ sung hợp tác với các nhà khoa học về địa chấn, về địa chất công trình và địa chất thuỷ văn. • Mục 13 (trang 10): Đề cương chi tiết. Trong nội dung mục 13.1. cần bổ sung nôi dung Địa chất công trình, Địa chất thuỷ văn. • Chương II. Nội dung trình bày trong mục II. 1. và II.2. là không phù hợp. Lịch sử điều tra phải trình bày theo các giai đoạn, đánh giá các công trình địa chất, địa mạo, khoáng sản…vv liên quan đến Hà Nội. • Chương III. Cần chỉnh sửa tiêu đề như sau: III. 1. Hà Nội trong bình đồ kiến tạo khu vực III.1.1. Vị trí kiến tạo III. 1. 2. Đặc điểm các cấu trúc kiến tạo, tân kiến tạo và kiến tạo hiện đại III. 1. 3. Các đứt gẵy kiến tạo và cơ chế hoạt động III. 2. Cấu tạo địa chất Hà Nội III. 2. 1. Các thành tạo trước Kainozoi III. 2. 2. Các thành tạo Đệ tứ III. 3. Địa mạo và địa hình Hà Nội III. 3. 1. Đặc điểm địa mạo Hà Nội III. 3. 2. Lịch sử hình thành địa hình Hà Nội III. 3. 3. Mối liên quan giữa Địa chất Đệ tứ và các di chỉ cổ khác ở Hà Nội Về kỹ thuật trình bày: Nên thống nhất cách trình bày mục, tiêu mục (nên dùng các số Ả rập) Ví dụ: 12. Hợp tác 12.1. Tên đối tác Chương 2 2.1. 2.2. Về thuật ngữ: Nên dùng thống nhất Hà Nội, không nên chỗ thì viết là thành phố Hà Nội, chỗ viết Hà Nội. Kết luận: 1. Việc thực hiện đề tài này là rất cần thiết không chỉ có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long mà còn là một tài liệu quan trọng có hệ thống về lịch sử tự nhiên Hà Nội góp phần tích cực và qui hoạch phát triển thủ đô. 2. Nội dung của đề tài rất phong phú, đề cập đến nhiều vấn đề. Tính khả thi của đề tài cao. 3. Đề cương cần chỉnh sửa bổ sung và hoàn thiện làm cơ sở để triển khai thực hiện đề tài. Đề nghị các cấp phê duyệt cho đề tài được triển khai.
TS. Doãn Đình Lâm viết ngày 30/08/2011
Thành phố Hà Nội đang chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Đây là một sự kiện chính trị xã hội trọng đại. Toàn Đảng, toàn dân thành phố Hà Nội đang ra sức phấn đấu để hoàn thành những hạng mục công trình có ý nghĩa to lớn, chào mừng 1000 năm Thăng Long. Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến là một trong những công trình đó. Một trong những nội dung của Tủ sách đó là Địa chất, địa mạo và khoáng sản Hà Nội. Người đọc hoàn toàn nhất trí với cách đặt vấn đề về tính bức thiết của tập thể tác giả về đề tài “Địa chất, địa mạo và khoáng sản Hà Nội”. Trong phần mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ, người đọc nhất trí với các nội dung mà tác giả đã nêu. Tuy nhiên người đọc thấy băn khoăn về mục đích của cuốn sách là “làm cơ sở khoa học cho việc phát triển Hà Nội trong giai đoạn hiện nay cũng như mai sau”. Người đọc hiểu đây là tập sách nhằm giới thiệu những đặc điểm địa chất, địa mạo, khoáng sản cũng như lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Hà Nội, cho đại đa số quần chúng khi tìm hiểu về Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Mục tiêu cuốn sách không phải là “làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch phát triển Hà Nội trong giai đoạn hiện nay cũng như mai sau” mà chỉ là tài liệu mang tính chất tham khảo trong việc quy hoạch phát triển Hà Nội. Người đọc hoàn toàn đồng ý với ý nghĩa và đối tượng phục vụ của cuốn sách là “cung cấp những thông tin về lịch sử hình thành và tiến hóa các điều kiện tự nhiên của vùng đất ngàn năm văn hiến Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, là nguồn tài liệu cho các nhà giáo dục và đào tạo biên soạn sách giáo khoa về lịch sử vùng đất Hà Nội cũng như địa lý chung của Hà Nội để giảng dạy trong các bậc từ cơ sở đến đại học”. - Trong phần 9.2, các công trình liên quan, một số công trình quan trọng chưa được liệt kê như: Địa chất và khoáng sản nhóm tờ thành phố Hà Nội tỷ lệ 1: 50.000 do Ngô Quang Toàn chủ biên năm 1994, Địa chất và tài nguyên khoáng sản thành phố Hà Nội do Vũ Nhật Thắng chủ biên năm 2003 cùng một số các báo cáo đo vẽ địa chất thủy văn, địa chất công trình do Liên đoàn ĐCTV - ĐCCT miền Bắc thực hiện. Người đọc đồng tình với cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của tác giả. Về đề cương chi tiết và kết cấu cuốn sách, người đọc có những nhận xét như sau: - Người đọc cho rằng để phục vụ mục tiêu đề ra, nội dung của cuốn sách cần tập trung vào ba nội dung chủ yếu: địa chất, địa mạo và khoáng sản Thành phố Hà Nội. Do vậy phần khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế nhân văn của thủ đô Hà Nội cũng như phần tai biến thiên nhiên và định hướng quy hoạch sử dụng hợp lý lãnh thổ theo người đọc không nhất thiết phải đưa vào. Có chăng chỉ cần giới thiệu một cách sơ lược về đặc điểm tự nhiên của Hà Nội. Người đọc đề nghị gộp chương 1 và chương 2 thành một chương là Khái quát điều kiện địa lý tự nhiên và lịch sử nghiên cứu địa chất, địa mạo Thành phố Hà Nội. Trong chương 3: Cấu trúc địa chất Hà Nội, người đọc đề nghị đổi thành chương Đặc điểm địa chất - địa mạo thành phố Hà Nội và thay đổi thứ tự, đầu tiên là đặc điểm địa chất, sau là địa mạo và cuối cùng là vị trí Hà Nội trong bình đồ kiến tạo khu vực. Phần đặc điểm địa chất nên làm rõ địa tầng, cấu trúc địa chất, đặc điểm và diện phân bố các thành tạo Đệ tứ muộn trên phạm vi toàn thành phố Hà Nội cùng với lịch sử hình thành, tiến hóa trầm tích Đệ tứ hoặc chí ít là Đệ tứ muộn hay Holocen thành phố Hà Nội. Phần III.3 nên bỏ phần địa động lực hiện đại vì phần này đã thể hiện trong III.1 Người đọc đồng tình với nội dung của các chương 4, 5 và 6. Tuy nhiên vì khoáng sản Hà Nội là một trong ba phần chủ đạo của cuốn sách nên cần nêu rõ chi tiết hơn về tiềm năng từng loại hình khoáng sản của thành phố Hà Nội. Người đọc băn khoăn về chương 7 và chương 8 vì nội dung các chương này không phục vụ cho mục tiêu của cuốn sách đề ra. Phần dự kiến kết quả cần nêu rõ các loại bản đồ, sơ đồ, tỷ lệ cần nêu rõ rút gọn từ 1: 50.000 hay 1: 200.000 và in ở A4 hay A3. Một số đề nghị chung: Người đọc hiểu rằng đây là một ấn phẩm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” nhằm giới thiệu với quảng đại quần chúng về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến vậy nên để là sách chứ không nên để là đề tài. Vì thực ra với kinh phí hạn hẹp (145 triệu đồng) đây là thu thập, tổng hợp có bổ sung tài liệu đã có để viết chứ không phải là thực hiện đề tài mới. Do vậy không nên đặt ra mục tiêu quá to lớn. Nội dung cuốn sách cần tập trung mô tả, nhấn mạnh về các đặc điểm địa chất - địa mạo nổi bật của Thủ đô Hà Nội cũng như lịch sử hình thành mảnh đất ngàn năm văn hiến này để người đọc có một thông tin khái quát nhất về đặc điểm địa chất - địa mạo cũng như tiềm năng khoáng sản và lịch sử hình thành mảnh đất Thăng Long xưa và Hà Nội nay. Đánh giá chung: Đề cương có nội dung phong phú, đáp ứng được mục tiêu đề ra. Một số nội dung cần chỉnh sửa cho phù hợp với mục tiêu. Đề nghị thông qua để triển khai.
GS.TSKH. Đặng Văn Bát viết ngày 24/08/2011
Sau khi đọc xong bản thảo, người đọc có những nhận xét như sau: Chương 1. Khái quát về điều kiện tự nhiên, xã hội Hà Nội Trong chương này các tác giả đã đề cập đến vị trí địa lý, khái quát về các điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội với dung lượng từ trang 9 đến trang 24. Các nội dung trên là hợp lý, số liệu được cập nhật dến năm 2008 là phù hợp, nhưng một số số liệu cần phải chỉ rõ nguồn cung cấp. Dung lượng 16 trang là vừa phải. Cần đánh số lại các mục trong chương này (3 mục chứ không phải là 2 mục). Bỏ cụm từ “dân cư” trong mục 1.2 - Điều kiện kinh tế - xã hội. Chương 2. Địa chất Hà Nội Nội dung chương này bao gồm vị trí cấu trúc địa chất của Hà Nội, địa tầng, macma xâm nhập, kiến tạo và động đất, đặc điiểm địa chất thủy văn, địa chất công trình và khái quát về lịch sử phát triển địa chất với dung lượng từ trang 25 đến trang 72 (48 trang). Các nội dung đó là phù hợp khi mô tả đặc điểm địa chất vùng Hà Nôi. Người đọc cho rằng đây là chương quan trọng của cuốn sách, cần được viết chi tiết hơn, với khối lượng lớn hơn. Cụ thể: - Vị trí cấu trúc địa chất của Hà nội cần được viết đầy đủ hơn, cập nhật những tài liệu mới. - Một số phân vị địa tầng như hệ tầng như các hệ tầng Si Phay, Na Vang, Yên Duyệt, Tân Lạc, Đồng Giao v,v…cần được mô tả chi tiết hơn với những hình vẽ mặt cắt minh họa. Nên có cột địa tầng kèm theo. - Phần Động đất nên viết chi tiết hơn. Nên có sơ đồ kiến tạo kèm theo. - Mục Địa chất công trình viết còn đơn giản, mang tính liệt kê, không nên gạch đầu dòng. Nói chung, chương này tập thể tác giả nên bổ sung nhiều. Chương 3. Đặc điểm địa mạo và khái quát về cảnh quan hình thái Hà Nội Chương này từ trang 73 đến trang 129 (57 trang) trình bày về các nhân tố tạo địa hình chính, các thành tạo địa mạo trên lãnh thổ Hà Nội, khái quát về lịch sử tiến hóa địa hình vùng thủ đô Hà Nội và các cảnh quan. Nhìn chung chương này để lại ấn tượng cho người đọc. Tuy vậy nên bổ sung thêm vai trò của các quá trình ngoại sinh như quá trình phong hóa thành tạo nên các bề mặt laterits, quá trình karst, vai trò của biển; nên chia ra địa hình karst, địa hình núi (núi Ba Vì); nên mô tả một số cảnh quan điển hình để nhấn mạnh. Chương 4. Một số loại tài nguyên liên quan đến địa chất và địa mạo Chương này có khối lượng 31 trang (từ trang 130 đến trang 160) đề cập đến quan niệm về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản và tài nguyên địa mạo. Nên bổ sung thêm tài nguyên vị thế. Cần nhấn mạnh một số điểm du lịch cụ thể trong giá trị thẩm mỹ của địa hình. Chương 5. Một số ý kiến về sử dụng hợp lý tài nguyên và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai Chương này trình bày khái quát về một số tai biến thiên nhiên ở Hà Nội; định hướng sử dụng tài nguyên thiên nhiên của Hà Nội với dung lượng 32 trang (từ trang 160 đến trang 191). Ở đây các tác giả cần đi sâu hơn về hiện tượng lún, nứt đất và đặc biệt là các hoạt động xói lở, bồi tụ của sông Hồng. Trên đây là những nhận xét tổng quát nhất về bản thảo. Những nhận xét chi tiết, người đọc sẽ trao đổi trực tiếp với tác giả. Về mặt kỹ thuật, bản thảo còn rất nhiều sai sót về lỗi in ấn. Kính đề nghị tập thể tác giả tiếp tục sửa chữa và hoàn thành bản dự thảo.
TS. Doãn Đình Lâm - Viện Địa chất viết ngày 24/08/2011
Sau khi đọc bản thảo, người đọc có một số nhận xét sau: - Tên bản thảo không đúng với kết luận của Hội đồng thẩm định đề cương. Theo kết luận của Hội đồng thẩm định đề cương thì tên bản thảo là: Hà Nội, Địa chất, địa mạo và tài nguyên liên quan. - Bản thảo được trình bày trong 197 trang, khổ A4, phân bố thành 5 chương, ngoài phần mở đầu và kết luận. Cách bố cục chương mục là phù hợp với nội dung và ý kiến của Hội đồng thẩm định đề cương. - Trong chương 1, với khối lượng 16 trang, tác giả đã nêu được một số nét cơ bản về đặc điểm, điều kiện tự nhiên, địa lý, kinh tế xã hội của Hà Nội. Một số lỗi về từ ngữ, câu chữ cần chỉnh sửa. - Chương 2, Địa chất Hà Nội, được trình bày trong 48 trang. Đây là một trong ba nội dung chủ yếu của cuốn sách. Tác giả đã mô tả khái quát các thành tạo địa chất có mặt trong phạm vi Hà Nội, từ Proterozoi đến Đệ tứ. Điểm phải lưu ý là trong phần mô tả địa tầng cần tuân thủ theo đúng nguyên tắc quy định. Cần bổ sung trầm tích sông, tướng bãi bồi trong đê tại trang 44 thay cho trầm tích sông thuần túy. Ngoài ra các phân vị địa tầng cần nêu rõ do ai xác lập, vào thời gian nào theo đúng quy định của địa chất. Các tên cổ sinh cũng phải viết theo quy định là viết nghiêng, có chữ sp., sau tên loài. Trong phần mô tả hệ tầng Hà Nội còn thiếu một loại nguồn gốc (chỉ mô tả một nguồn gốc trong khi hệ tầng gồm 2 nguồn gốc), trang 40 có đoạn viết không ăn nhập gì. Phần mô tả kiến tạo còn thiếu bản đồ hay sơ đồ kiến tạo Hà Nội để minh họa, cần bổ sung thêm. Phần địa chất thủy văn và địa chất công trình các tác giả đã mô tả khá chi tiết các đặc điểm địa chất thủy văn và địa chất công trình của Hà Nội. Chương 3 - Đặc điểm địa mạo và khái quát về cảnh quan hình thái Hà Nội, trình bày trong 68 trang. Các tác giả đã nêu rõ được những đặc trưng về địa hình, địa mạo cũng như các cảnh quan hình thái của Hà Nội. Đây là một thành công của bản thảo. Trong phần này, một số từ ngữ, câu chữ cần được chỉnh sửa. Chương 4 - Một số loại tài nguyên liên quan đến địa chất và địa mạo, được trình bày trong 30 trang. Tuy nhiên tên của chương này nên đổi là: Tài nguyên liên quan đến địa chất và địa mạo. Trong chương này phần nêu cấp trữ lượng của khoáng sản rắn cần cập nhật quy định của Cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam để chính xác hóa các cấp A, B, C và P. Trang 133 nói về tiềm năng than nâu dưới lòng đất Hà Nội, theo người đọc cần xem lại. Vì than nâu trong các thành tạo Neogen có mặt trong vùng trũng Hà Nội nhưng là tại phần trung tâm vùng trũng, chứ không phải tại vùng ven rìa. Chương 5 - Một số ý kiến về sử dụng hợp lí tài nguyên và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai được trình bày trong 32 trang. Tác giả đã khái quát được hầu hết các dạng tai biến thiên nhiên trong phạm vi Hà Nội và phân tích các nguyên nhân, yếu tố của tai biến. Từ đó, tác giả đã phân tích, đề xuất một số giải pháp sử dụng hợp lí tài nguyên theo hướng đa dạng và giảm nhẹ thiệt hại. Một số tồn tại: - Các bản đồ, sơ đồ không thể xem được, vì quá nhỏ và in trắng đen, quá mờ nhạt. Các hình và ảnh cũng rất mờ, không thể theo dõi được. Đề nghị in các bản đồ, sơ đồ bằng màu, khổ A3 để người đọc có thể theo dõi được. Trên các bản đồ, sơ đồ cần nêu rõ tác giả và nguồn trích dẫn tài liệu. - Cần bổ sung sơ đồ kiến tạo. - Các bảng số liệu chưa nêu rõ nguồn xuất xứ, cần nêu rõ nguồn trích dẫn. - Rất nhiều lỗi chính tả, câu chữ cần chỉnh sửa (người đọc đã sửa trong bản thảo). - Phần kết luận chưa nêu rõ cấu trúc Holocen của Hà Nội. Đánh giá chung. Người đọc đánh giá cao công sức của tập thể tác giả. Nội dung của Bản thảo đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu đặt ra, có thể cho xuất bản sau khi đã sửa chữa theo các ý kiến của Hội đồng./.
GS.TSKH. Đặng Văn Bát viết ngày 22/08/2011
Tôi đã nhận được bản Đề cương chỉnh sửa của PGS Vũ Văn Phái về cuốn: Hà Nội: Địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan. Sau khi xem xét tôi thấy rằng bản Đề cương nhìn chung đã thể hiện được những nội dung cần thiết của cuốn sách trên. Tuy vậy, tôi có 2 góp ý như sau: 1. Nói đến các tài nguyên liên quan đến địa chất địa mạo thì không thể không nói đến tài nguyên thổ nhưỡng. Nhưng trong đề cương chưa thấy đề cập đến nội dung này. Vì vậy, theo quan điểm của tôi nên bổ sung nội dung này. Nếu vấn đề thổ nhưỡng được đề cập trong một cuốn sách khác thì cần nêu rõ giới hạn vấn đề ở phần mở đầu. 2. Chương 2: Địa mạo, mục 2.2.Các nhân tố thành tạo địa hình nên sửa lại cho hợp lý hơn. Cụ thể: - Các nhân tố nội sinh: hoạt động kiến tạo, động đất, cấu trúc địa chất ... - Các nhân tố ngoại sinh: khí hậu, thủy văn... kể cả tác động nhân sinh Trên đây là một số ý kiến cúa tôi, đề nghị tác giả nghiên cứu xem xét. Tôi đánh giá cao bản đề cương này. Kính đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội cho phép tác giả triển khai thực hiện đề tài. Trong quá trình thực hiện, đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức hội thảo, chúng tôi sẽ sẵn sàng đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng cuốn sách.
GS.TS. Đào Đình Bắc viết ngày 22/08/2011
Sau khi đọc bản thuyết minh đề tài và đề cương cuốn sách “Địa chất, địa mạo và khoáng sản Hà Nội” của PGS. Vũ Văn Phái, người đọc xin có những nhận xét và kiến nghị như sau: Bản thuyết minh mới đã được chỉnh sửa theo những góp ý của Hội đồng thẩm định. Tên sách “Hà Nội - địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan” là có thể chấp nhận được. Chương 1: Địa chất Hà Nội, 50 trang, đã có nội dung chi tiết và bố cục hợp lý; Chương 2: “Địa mạo” cũng cần thêm định ngữ “Hà Nội” như đối với Địa chất Hà Nội và cần dự kiến số trang viết trong chương này (có lẽ khoảng độ 25 trang, không kể sơ đồ, biểu bảng). Mục 2.3 (Đặc điểm địa mạo), theo chúng tôi, nên bao gồm cả mục 2.4 và 2.5, cụ thể là: 2.3. Đặc điểm địa mạo 2.3.1. Các kiểu nguồn gốc địa hình - Địa hình nguồn gốc châu thổ (hỗn hợp sông - biển) - Địa hình do sông suối tạo thành - Địa hình bóc mòn - xâm thực - Địa hình bóc mòn hóa học (địa hình đá vôi, karst) 2.3.2. Lịch sử phát triển địa hình trong giai đoạn Tân Sinh 2.3.3. Sự phát triển địa hình trong giai đoạn hiện nay 2.4. Phân vùng địa mạo Hà Nội Chương 3: - Mục 3.1.2. nên gọi là Khoáng sản phi kim loại cho tương đồng với mục 3.1.1. Khoáng sản kim loại rồi trong đó chia ra 2 mục: - Vật liệu xây dựng và - Khoáng chất công nghiệp. - Mục 3.3. cũng phải chia chi tiết như các mục 3.1 và 3.2., cụ thể: + Cho xây dựng các điểm dân cư và các công trình + Cho sản xuất và đời sống (các không gian trũng, thấp, ngập nước) + Cho dụ lịch và danh thắng Chương 3 và chương 4 cũng cần nêu số lượng trang dự kiến. Cuối cùng, nên thêm mục Phụ lục. Về thời gian thực hiện, nay đã là cuối tháng 2 năm 2009, nên chỉ có 2 tháng (đến tháng 5/09) để thực hiện bản thảo là hơi gấp. Kết luận: Bản đề cương đã được chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định, nay chỉ còn một số chi tiết đề nghị PGS.TS. Vũ Văn Phái cân nhắc thêm như chúng tôi đã gợi ý ở trên.
TS. Doãn Đình Lâm viết ngày 22/08/2011
Sau khi đọc bản thuyết minh (đã sửa chữa theo góp ý của Hội đồng) đề cương cuốn sách: “Hà Nội: Địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan” của tác giả PGS.TS. Vũ Văn Phái, người đọc có những nhận xét sau: Người đọc hoàn toàn nhất trí với cách đặt vấn đề về tính bức thiết của đề tài “Hà Nội: Địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan”. Trong phần mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ, người đọc nhất trí với các nội dung mà tác giả đã nêu trong đề cương. Người đọc đồng tình với cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của tác giả. Về đề cương chi tiết và kết cấu cuốn sách, người đọc có những nhận xét về các phần sau: - Phần mở đầu dự kiến 10 trang là quá dài. Người đọc đề nghị cấu trúc lại phần mở đầu. Phần này chỉ cần dành khoảng 3-4 trang là đủ. Trong phần mở đầu cũng cần nêu sơ lược lịch sử nghiên cứu địa chất - địa mạo thành phố Hà Nội. Còn lại, cần tách nội dung về các đặc điểm tự nhiên và xã hội của Hà Nội thành một chương riêng. Đó sẽ là chương 1: “Khái quát đặc điểm địa lý tự nhiên và xã hội Hà Nội”. - Trong chương 1: Người đọc đề nghị bỏ cụm từ “Hà Nội” mà chỉ để “Địa chất” cho thống nhất với các chương khác, ngoài ra người đọc đề nghị đổi tên mục 1.2. “Các loại đất đá trong lòng Hà Nội” thành “Các thành tạo địa chất”. Phần mô tả các thành tạo địa chất nên dùng khái niệm “Giới” và “Hệ” thay cho “Các đá thời…”. Phần mở ngoặc về thời gian (khoảng 500 triệu năm…) là không cần thiết, vì nên đưa vào trong phần viết mô tả về các thành tạo địa chất. Người đọc đề nghị bỏ “Nhân sinh” trong mục 1.1.3.1, mà chỉ dùng “Hệ Đệ tứ”. Người đọc băn khoăn về nội dung của các mục trong chương này, vì không thấy tác giả nêu dự kiến số trang cho từng mục và đề cương cho từng mục cũng khá sơ sài, không nêu chi tiết. Về phần kiến tạo, địa chất thủy văn và địa chất công trình, người đọc đề nghị tác giả bổ sung mục: phân vùng kiến tạo, phân vùng địa chất thủy văn, phân vùng địa chất công trình, vì đó là một trong những nội dung hết sức quan trọng, phục vụ cho các nhà quản lý, quy hoạch và hoạch định chính sách khi quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của Thủ đô Hà Nội trong tương lai. Mục 1.5.2. người đọc đề nghị thay cụm từ “chưa gắn kết” bằng “bở rời”. Trong chương 2: Địa mạo, người đọc nhận thấy một nội dung quan trọng của chương này là đặc điểm địa hình thì đã không được đề cập đến. Người đọc đề nghị tác giả bổ sung nội dung này. - Trong chương 3, người đọc đề nghị bỏ từ “loại” và cụm từ “đến địa chất, địa mạo”. Tên của chương này chỉ cần đề: “Một số tài nguyên liên quan”. Một số nhận xét và đề nghị chung: Với kinh phí hạn hẹp (145 triệu đồng) đây là công trình thu thập, tổng hợp có bổ sung tài liệu đã có để viết chứ không phải là thực hiện đề tài mới. Do vậy không nên đặt ra mục tiêu quá to lớn. Nội dung cuốn sách cần tập trung mô tả, nhấn mạnh về các đặc điểm địa chất - địa mạo nổi bật của Thủ đô Hà Nội cũng như lịch sử hình thành mảnh đất ngàn năm văn hiến này để người đọc có một thông tin khái quát nhất về đặc điểm địa chất - địa mạo cũng như tiềm năng khoáng sản và lịch sử hình thành mảnh đất Thăng Long xưa và Hà Nội nay. - Cách bố trí chương mục như trong bản đề cương (đã sửa chữa) là hợp lý. Tuy nhiên nội dung các chương còn quá giản lược, chưa nêu chi tiết các mục, nên người đọc không thể hiểu sâu hơn ý đồ cũng như từng nội dung cụ thể của tác giả. Việc phân bổ dự kiến số trang cho các chương mục cũng chưa được làm rõ. Người đọc đề nghị tác giả dành một lượng trang thích hợp cho ba phần chủ đạo: địa chất, địa mạo và tài nguyên khoáng sản liên quan. Các phần khác chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ. - Phần tài liệu tham khảo, để nâng cao giá trị khoa học của cuốn sách, đề nghị tác giả nêu rõ những tài liệu tham khảo và trích dẫn rõ ràng. Đánh giá chung: Đề cương có nội dung phong phú, đáp ứng được mục tiêu đề ra. Đề nghị thông qua để triển khai./.
TS. Vũ Quang Lân viết ngày 22/08/2011
Sau khi đọc bản thuyết minh đề tài "Hà Nội: địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan" đã chỉnh sửa sau nghiệm thu, người đọc có một số ý kiến nhận xét như sau: 1. Về nội dung chỉnh sửa của tác giả Tiếp thu góp ý của Hội đồng, tác giả đã chỉnh sửa nội dung bản thuyết minh đề tài, cụ thể là: - Đặt tên đề tài và tên sách phù hợp với mục đích, ý nghĩa, đối tượng phục vụ và nội dung thể hiện của cuốn sách. - Bổ sung những công trình, tác phẩm chính có nội dung liên quan với đề tài. Đây là nguồn tài liệu quan trọng để tác giả sử dụng trong quá trình thực hiện đề tài. - Cấu trúc chương, mục của cuốn sách thể hiện được 3 nội dung chính là: Địa chất, Địa mạo và Tài nguyên liên quan trên diện tích Hà Nội. 2. Về các mục: lý do chọn đề tài, mục đích, ý nghĩa, đối tượng phục vụ, cách tiếp cận, hệ phương pháp nghiên cứu, người và tổ chức hợp tác thực hiện đề tài, những nội dung chính của cuốn sách, dự kiến kết quả và tiến độ thực hiện, người đọc đồng ý với các tác giả (đã thể hiện trong bản nhận xét trước nghiệm thu). 3. Về nội dung cuốn sách: “Hà Nội: địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan” 3.1. Người đọc đồng ý với dự kiến cấu trúc chương, mục của cuốn sách. 3.2. Đề nghị tác giả xem xét lại một số nội dung sau: * Chương 1: Địa chất Hà Nội - Để thống nhất với tiêu đề các chương khác (không có từ “Hà Nội”), tên chương này nên để là: Chương 1: Địa chất. - Mục 1.2. Các loại đất đá trong lòng đất Hà Nội Đây là mục mô tả về địa tầng và magma trên phạm vi Hà Nội, việc mô tả các thành tạo địa chất nên theo quy định chung của ngành địa chất (phân ra các hệ tầng đối với đá phân tầng và phức hệ đối với các đá magma xâm nhập không phân tầng). Trong mục này cần đặc biệt lưu ý đến các thành tạo trầm tích Đệ tứ vì diện phân bố phổ biến của chúng trên địa bàn Hà Nội; đồng thời, các hoạt động sinh sống của con người chủ yếu diễn ra trên các thành tạo này (cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai). - Mục 1.6. Khái quát về lịch sử phát triển địa chất nên đưa vào mục 1.3. Kiến tạo và động đất, thành tiểu mục 1.3.3. Khái quát về lịch sử phát triển địa chất. * Chương 2: Địa mạo - Xem lại tiêu đề mục 2.1. - Chuyển mục 2.6. Phân vùng địa mạo Hà Nội lên trước mục 2.3. Đặc điểm địa mạo. - Mục 2.5. Động lực phát triển địa hình trong giai đoạn hiện nay nên đổi thành 2.5. Động lực và xu hướng phát triển địa hình trong giai đoạn hiện nay. * Chương 3: Một số loại tài nguyên liên quan đến địa chất và địa mạo - Để phù hợp với tên sách, tiêu đề chương này nên đổi là: Các tài nguyên liên quan đến địa chất và địa mạo. - Mục 3.1. Tài nguyên khoáng sản rắn nên bổ sung tiểu mục 3.1.1. Khoáng sản nhiên liệu; chuyển tiểu mục 3.1.3 (về khoáng chất công nghiệp) lên trước tiểu mục 3.1.2. (về vật liệu xây dựng). * Chương 4: Một số ý kiến về sử dụng hợp lý tài nguyên và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Trong nội dung của chương này không có mục nào đề cập tới việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Theo ý kiến người đọc, tiêu đề chương này nên đổi là Chương 4: Các loại thiên tai và định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên. Với tiêu đề này, các mục trong chương 4 do tác giả dự kiến phản ánh được nội dung của chương. * Về các bản đồ: để thuận (tiện cho quá trình xuất bản, cần hạn chế số lượng bản đồ in ở khổ A3. 4. Đánh giá chung Đề cương đề tài đã trình bày đầy đủ những thông tin cần thiết cũng như lý do lựa chọn, mục đích, ý nghĩa, đối tượng phục vụ của đề tài. Đồng thời, đề cương đã dự kiến khá chi tiết các nội dung nghiên cứu chính và cấu trúc chương mục của cuốn sách. Đề nghị các tác giả xem xét những góp ý của người đọc và của các uỷ viên Hội đồng để chỉnh sửa về nội dung dự kiến của cuốn sách trước khi trình Nhà xuất bản Hà Nội phê chuẩn đề cương. Đề nghị Văn phòng Dự án, Nhà xuất bản Hà Nội thông qua đề cương đề tài để tập thể tác giả sớm tiến hành thực hiện đề tài theo những nội dung đã nêu trong đề cương. Người đọc tin rằng cuốn sách "Hà Nội: Địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan" sẽ là một trong những cuốn sách có nội dung phong phú, có ý nghĩa thực tiễn và khoa học trong Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" mừng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
PGS.TS. Chu Văn Ngợi viết ngày 22/08/2011
Sau khi nghiên cứu bản đề cương đã được chỉnh sửa, người nhận xét có ý kiến như sau: 1. Tên đề tài đã thay đổi và hàm chứa nội dung rộng hơn tên cũ. 2. Cấu trúc nội dung trình bày về cơ bản khác với trước nghiệm thu ngày 14/01/2009. 3. Đã có một số chỉnh sửa và bổ sung (lĩnh vực đề tài trước nghiệm thu xếp vào địa lý, nay xếp vào tài liệu tổng hợp là hợp lý; danh sách liệt kê công trình trước nghiệm thu có 8 tài liệu, sau nghiệm thu liệt kê đầy đủ hơn). Để cuốn sách làm nổi bật 3 nội dung chính: Địa chất, địa mạo và các dạng tài nguyên của Hà Nội, ngoài những ý kiến đã nêu ở trên, người nhận xét xin trao đổi một số khía cạnh: I. Về nội dung: 1. Chương 1: Địa chất Hà Nội Mục 1.2. cần sửa như sau: 1.2. Các thành tạo địa chất 1.2.1. Các thành tạo địa chất Proterozoi - Paleozoi (Cổ sinh - Nguyên sinh) 1.2.2. Các thành tạo địa chất Mesozoi (Trung sinh) 1.2.3. Các thành tạo địa chất Kainozoi (Tân sinh) 1.2.3.1. Các thành tạo địa chất Neogen 1.2.3.2. Các thành tạo địa chất Đệ tứ (Nhân sinh) Ở các tiểu mục không cần thiết ghi giá trị thời gian. Lý do cần sửa: vì các thuật ngữ sử dụng trong chương 1 không phù hợp với Địa chất học. 2. Chương 2: - Không nên trình bày nội dung khí hậu, thủy văn ở chương này. Vì trình bày như vậy không phù hợp với chương 2. Nội dung này nên giới thiệu ở phần Mở đầu. - Nội dung thổ nhưỡng - sinh vật nên đưa xuống chương 3 và lập mục 3.3. - Tài nguyên đất và sinh vật, sửa mục 3.3. thành 3.4. 3. Chương 3: Tiêu đề chương 3 nên viết gọn lại: Một số tài nguyên thiên nhiên. 4. Chương 4: - Nội dung chương 4 nên tập trung vào các tai biến thiên nhiên và các giải pháp giảm thiểu. - Nội dung mục 4.2. nên đưa vào chương 3, lập mục 3.5. là nội dung cuối của chương 3. - Chương này không nên trình bày chi tiết nội dung về các định hướng sử dụng và phát triển. Bởi vậy tiêu đề chương 4 nên đổi lại là: Tai biến thiên nhiên và các giải pháp giảm thiểu. II. Về kỹ thuật và các lỗi chính tả Đề cương sửa có nhiều lỗi chính tả, thiếu chính xác, câu viết thiếu từ. Đề nghị tác giả chỉnh sửa những lỗi đã nêu trong đề cương. Một số nhận xét, trao đổi nêu trên đề nghị tác giả nghiên cứu để nội dung cuốn sách phản ánh được những yêu cầu đặt ra. Kính đề nghị Ban quản lý Dự án tạo điều kiện để tác giả hoàn thành công trình và ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
GS.TS. Đào Đình Bắc - Đại học Khoa học tự nhiên -  viết ngày 14/01/2010
Nội dung các chương đều phong phú, được đúc kết từ những nguồn tài liệu sẵn có đáng tin cậy, lại được bổ sung thêm bởi những quan sát của chính các tác giả trong nhiều năm nghiên cứu khu vực Thủ đô, cũng như từ những chuyến lộ trình kiểm tra và bổ sung trong quá trình biên soạn cuốn sách này. Nội dung này có thể góp phần quan trọng cho việc sử dụng hợp lý và bền vững lãnh thổ Thủ đô, nếu các cấp hữu quan biết khai thác nó một cách triệt để và khoa học. Các chương 2 và 3 cùng những bản đồ địa chất, địa mạo được xây dựng với mức độ chi tiết cao, có những ý tưởng mới, giúp cho người đọc có thể nhận thức được dễ dàng các đặc trưng về điều kiện tự nhiên và cách phân hóa của chúng, từ đó có thể vận dụng cho những mục đích tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng đa dạng của mình. Chương 4 viết về tài nguyên có điểm đáng chú ý là đã trình bày quan niệm mới về tài nguyên địa hình, giúp người đọc hiểu được tầm quan trọng của việc sự dụng đúng đắn các khu vực lãnh thổ khác nhau của Hà Nội tùy thuộc vào đặc điểm địa hình, lịch sử tiến hóa và các quá trình địa mạo hiện tại theo nguyên tắc hòa hợp với thiên nhiên. Về tiềm năng tài nguyên của lãnh thổ, chương này đã nêu tương đối đầy đủ các dạng tài nguyên rắn và lỏng cùng những biểu hiện của chúng, có kèm theo những phân tích để giúp người đọc có được nhận định về những điểm mạnh và sự hạn chế của vùng nghiên cứu. Chương 5 đã khái quát rất tốt về các vấn đề tai biến của lãnh thổ Thủ đô Hà Nội và từ đó đưa ra một số kiến nghị ở mức độ bước đầu sử dụng hợp lý tài nguyên và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Giá như những gợi ý này được phân tích sâu hơn nữa thì sẽ rất có ích cho các nhà quy hoạch trong bước ban đầu khai phá những địa bàn mới được mở rộng của Thủ đô. Đây là một khía cạnh cần làm, bởi vì việc xuất bản cuốn sách này là một cơ hội lớn cho những ý tưởng ấy, nhất là trong bố trí những khu đô thị mới và trong việc xây dựng sơ đồ quy hoạch tổng thể của Thủ đô trong thế kỷ XXI.
TS.Vũ Quang Lâm – Đoàn Địa chất – Liên đoàn bản đồ viết ngày 14/01/2010
Bản thảo cuốn sách đã bám sát biên bản nghiệm thu đề cương và góp ý trực tiếp của Hội đồng. Tập thể tác giả đã dành nhiều công sức thu thập, xử lý và tổng hợp nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Cuốn sách có nội dung phong phú, cách thể hiện sinh động về đặc điểm địa chất, địa mạo và tài nguyên liên quan. Trong đó, việc nhìn nhận đặc điểm địa hình, địa mạo cũng là tài nguyên tương tự tài nguyên khoáng sản rắn và tài nguyên nước là cách nhìn mới mẻ mà các văn liệu công bố trước đây trong lĩnh vực địa chất về Hà Nội chưa đề cập đến. Đây là một cuốn sách có nội dung phong phú, cách trình bày khá hấp dẫn về địa chất, địa mạo và tài nguyên của Hà Nội. Đây là những nội dung rất khó viết (thường được cho là khô khan) đã được các tác giả thể hiện khá sinh động và dễ hiểu, cuốn sách hướng tới đông đảo người đọc không hoạt động trong lĩnh vực địa lý - địa chất.
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá