|
PGS.TS. Bùi Xuân Đính viết ngày 30/08/2011
So với bản Đề cương trước, bản Đề cương lần này đã được nhóm tác giả gia công bổ sung, chỉnh sửa theo ý kiến của các thành viên Hội đồng nghiệm thu ngày 11 tháng 02 năm 2009. Nhìn chung, Đề cương đã làm rõ được những điểm cốt yếu nhất về định danh, định hướng, định tính và định lượng cho các vấn đề cần được nghiên cứu. Bố cục rõ ràng và gọn. Đề cương này là cơ sở để nhóm tác giả thực hiện Đề tài. Tuy nhiên, các tác giả cần xác định dung lượng (tương đối) cho mỗi chương để bảo đảm sách được cân đối và thực hiện đúng tiến độ.
Xin có thêm một số ý kiến với nhóm tác giả :
I. VỀ CÁC KHÁI NIỆM NÊU TRONG CHƯƠNG MỘT
1. Khái niệm “Làng nghề truyền thống” : đề nghị nhóm tác giả xem lại. Trước hết, về thời gian, làng nghề truyền thống thường được các nhà nghiên cứu là những làng làm một nghề, hoặc nhiều nghề, có khi chỉ là một công đoạn của nghề; song đây là những nghề có trước Cách mạng Tháng Tám 1945, chứ không phải chỉ từ trên 50 năm tính từ thời điểm được công nhận. Làng nghề truyền thống thường được dựa vào các tiêu chí : phần đông cư dân sống (làm nghề và có thu nhập chủ yếu) bằng nghề, có hoặc không có tổ sư nghề, lễ giỗ tổ nghề, có tổ chức phường hội. Các nghề này đến nay có thể được duy trì hoặc không tùy từng địa phương.
2. Về khái niệm “Làng nghề hiện nay” : cần được hiểu là những làng làm nghề truyền thống (chẳng hạn, làm bún, miến) và mới du nhập (khâu bóng da, chẻ tăm tre…), song số lượng hộ làm nghề tối thiểu 30 %, kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm - như nhóm tác giả nêu (trang 3, dòng 11 trên xuống) e không ổn. Ví dụ, theo “Quy định tạm thời về tiêu chuẩn làng nghề CN- TTCN tỉnh Hà Tây” (ban hành năm 2001, trước khi nhập về Hà Nội, Quy định này vẫn có hiệu lực) thì ngoài việc phải chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định hợp pháp của địa phương, để được công nhận là “Làng nghề”, phải có 4 tiêu chuẩn sau :
- Số hộ hoặc số lao động làm nghề CN - TTCN ở làng đạt từ 50 % trở lên so với tổng số hộ hoặc lao động của từng làng,
- Giá trị sản xuất và thu nhập từ CN- TTCN tại chỗ chiếm tỷ trọng trên 50% so với tổng giá trị sản xuất và thu nhập của từng làng trong năm; đảm bảo vệ sinh môi trường theo các quy định hiện hành;
- Có hình thức tổ chức phù hợp, chịu sự quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng làng văn hóa của địa phương;
- Các tiêu chuẩn trên của làng được ổn định và đạt từ 3 năm trở lên, hàng năm có tổ chức theo dõi và cứ 3 năm UBND tỉnh xét công nhận một lần.
Cũng xin nhóm tác giả lưu ý : tại tỉnh Hà Tây cũ, có rất nhiều làng có đầy đủ các tiêu chuẩn của một làng nghề, kinh tế khá phát đạt, nhưng hiện nay vẫn chưa phải là làng nghề, vì qua khảo sát của chúng tôi, các địa phương này không muốn, do vậy không làm thủ tục xin xét công nhận làng nghề, vì, họ không chạy đua theo phong trào, theo thành tích, cả cán bộ và các hộ dân làm nghề đều “ngại” và lo khi được công nhận làng nghề sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi (phải nộp các khoản nghĩa vụ nhiều hơn, bị cắt giảm các khoản hỗ trợ của Nhà nước…). Vậy các tác giả có xem xét các làng này không?
II. VỀ CHƯƠNG HAI
Xin được trao đổi thêm với nhóm tác giả về những yếu kém của các làng nghề của Hà Nội cũng như của chung cả nước hiện nay, qua khảo sát của chúng tôi tại một số làng nghề ở tỉnh Hà Tây cũ :
- Thiếu quy hoạch tổng thể, định hướng phát triển lâu dài cho nghề và nghề nói chung cũng như của từng địa phương, từng nghề và làng nghề.; thiếu sự quản lý Nhà nước với các làng nghề, để làng nghề phát triển tự phát.
- Đầu ra cho sản phẩm : đây là khó khăn lớn nhất cho trất nhiều nghề và làng nghề.
- Đầu vào cho sản xuất (nguồn nguyên liệu) cho nhiều nghề.
- Thiếu những sản phẩm có tính mũi nhọn, tính đột phá, tính chiến lược có khả năng “vực” các làng nghề đi lên, hầu hết các nghề chỉ làm gia công, cho giá trị thấp, bản sắc văn hóa Việt Nam trong sản phẩm của các nghề thủ công không rõ nét….
- Cơ sở hạ tầng cho sản xuất thấp kém (đường giao thông, điện, hệ thống xử lý phế thải ....).
- Cạnh tranh không lành mạnh, không đúng pháp luật, do những tính xấu trong người thợ thủ công - vốn xuất thân từ người tiểu nông tư hữu, đó là đố kỵ, tùy tiện, chỉ tính đến lợi ích trước mắt, không biết giữ chữ “Tín” trong sản xuất - kinh doanh để thu lợi lâu dài…, khiến cho các làng nghề “tự hại” lẫn nhau, không bảo vệ được quyền lợi cho nhau.
III. VỀ TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
Xin được bổ sung với nhóm tác giả một số tài liệu có lliên quan trực tiếp đến vấn đề được nghiên cứu.
1. Sở Công nghiệp Hà Tây (2001) - Làng nghề Hà Tây.
2. Pièrre Gourou (2003) - Ng¬ười nông dân châu thổ Bắc Kỳ, bản dịch, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trường Viễn Đông Bác cổ, Nxb. Trẻ thành phố Hồ Chí Minh.
3. Mai Thế Hởn và các tác giả (2003), Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Hoàng Trọng Phu (1932) - Các nghề thủ công ở tỉnh Hà Đông, bản dịch, đánh máy, lưu tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Hà Tây, ký hiệu ĐC 1523/ 10 VN.
5 . Sở VHTT Hà Sơn Bình (1977) - Nghề đẹp quê hương.
6. Sở VHTT Hà Tây (2004) - Đặc sản và ẩm thực dân gian Hà Tây.
7. Sở VHTT Hà Tây (1993) - Hà Tây làng nghề làng văn, tập I.
8. Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo (2000) - Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các vị tổ nghề, Nxb. VHTT, Hà Nội.
9. Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo (2000) - Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội, Bộ VHTT, Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội.
10. Trần Minh Yến (2004) - Làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. KHXH, Hà Nội.
Xin có thêm một vài ý kiến với nhóm tác giả và xin chúc nhóm tác giả thành công Đề tài.
|
|
GS TSKH Tô Ngọc Thanh viết ngày 22/08/2011
1. Việc tiếp thu hay không tiếp thu những ý kiến của Hội đồng khoa học là quyền của Nhà xuất bản và các tác giả. Do đó, bản góp ý này chỉ dựa trên tính thiết thực và mạch lôgích của đề cương để góp ý.
2. Đề cương nói rõ đây là đề cương của một cuốn sách biên soạn nhằm đối tượng đại chúng chứ không phải là một công trình nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cuốn sách không bảo đảm tính chính xác và trung thực của khoa học.
3. Do đó, nội dung sách trong đề cương sẽ đề cập đến những vấn đề được tiếp cận từ góc nhìn kinh tế - xã hội là chủ yếu nhằm đánh giá thực trạng và dự báo tương lai bằng những kiến nghị về nhiều mặt.
Như vậy, đề cương có bố cục hợp lý, nội dung sát với mục tiêu và chủ đề nên mang tính khả thi. Đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội nghiệm thu và tiến hành viết. Tuy nhiên, xin nhắc rằng trong danh mục tham khảo, vẫn thiếu một vài công trình đáng tham khảo như “Cơ cấu làng truyền thống ở Đồng bằng Bắc bộ” của PGS. Nguyễn Từ Chi, bộ sách nhiều tập của Sở Văn hoá Hà Tây “Làng nghề - Làng văn” và xin được phép nói thêm rằng có đề cương tốt thì mới chỉ có ¼ thành công thôi.
|
|
PGS.TS. Đỗ Thị Hảo viết ngày 22/08/2011
Sau khi đọc đề cương chi tiết cuốn sách “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trên đường phát triển”, tôi thấy nhóm biên soạn đã tiếp thu được những ý kiến đóng góp của Hội đồng, và thể hiện khá rõ trong đề cương chỉnh sửa này.
1. Các tác giả đã xác định đây không phải là một công trình nghiên cứu khoa học mà là một cuốn sách phục vụ đông đảo bạn đọc.
2. Mục đích của cuốn sách chủ yếu tập trung vào thực trạng (những thành tựu cùng những tồn tại yếu kém…) và những định hướng giải pháp chủ yếu nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trong thời gian tới. Như vậy cuốn sách sẽ không bị rơi vào tình trạng lan man dài dòng, nhắc lại điều mà những người viết trước đã nghiên cứu quá kỹ.
3. Cuốn sách được chia làm 3 chương (mà nội dung chủ yếu là chương 2, 3) không kể phần Phụ lục như vậy là hợp lý và cũng đúng với sự góp ý của Hội đồng.
Với những nhận xét như đã nêu, tôi đề nghị nhóm biên soạn bám sát theo đề cương để có sản phẩm đạt được mục tiêu đã đặt ra và đạt được yêu cầu của Nhà xuất bản.
Kính đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội ký Hợp đồng với nhóm biên soạn đẻ cuốn sách được triển khai kịp tiến độ.
|
|
Ông Đặng Văn Tu viết ngày 22/08/2011
Bản đề cương này khá hoàn chỉnh, được xây dựng trên cơ sở nhóm biên soạn đã thể hiện tinh thần cầu thị, tiếp thu nghiêm túc, tương đối đầy đủ ý kiến của Hội đồng nghiệm thu tại cuộc họp này 14/02/2009.
Kết cấu đề cương gồm 3 chương là hợp lý. Mỗi chương có những phần nhỏ, được thể hiện dung dị, thay cho các phần, các chương, mục có cảm giác “lỉnh kỉnh” của lần dự thảo trước do yêu cầu đề cương của một đề tài nghiên cứu khoa học.
Đề cương lần này đã dành dung lượng lớn, hợp lý làm rõ thực trạng và đề xuất, phân tích phương hướng, giải pháp phát triển làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội của thời kỳ mới, là nội dung quan trọng nhất của cuốn sách, làm cho cuốn sách có “sức nặng”, mang ý nghĩa kinh tế - xã hội sâu hơn.
Nội dung của mỗi chương lôgic, phù hợp, tránh được những vấn đề có thể gây tranh cãi, đồng thời cũng phù hợp với thời gian, điều kiện thực hiện của nhóm biên soạn.
Với trách nhiệm của thành viên Hội đồng nghiệm thu, tôi tham gia một số ý sau:
1. Chương một:
- Ở mục 1b: Phân loại làng nghề, cần đưa ra khái niệm “làng có nghề”. Đó là những làng làm nông nghiệp là chính, có một nghề phụ làm trong dịp nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho các gia đình. Ở Hà Tây (cũ) các làng này rất nhiều (có đến gần 1500 làng). Chính từ những “làng có nghề” này mà phát triển thành “làng nghề” như đề cương đã nói tới.
- Ngoài các tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống như dự thảo đã nêu, cũng nên đưa ra cách phân loại của các địa phương khác (Hà Nội, Hà Tây cũ) để bạn đọc tham khảo. Bởi vì một cách phân loại nào cũng không thể hoàn hảo được.
- Mục 2: Tóm tắt lịch sử phát triển phố nghề, làng nghề Thăng Long - Hà Nội nêu nội dung ở các mục a, b, chưa rõ ràng. Cần tập trung nêu khái quát nội dung thể hiện. Điều này tùy thuộc vào nhóm biên soạn. Theo tôi, ở phần b có thể nêu một số nội dung:
+ Thời kỳ Pháp thuộc: Nhiều làng nghề, phố nghề được khôi phục, phát triển do chủ trương chấn hưng công nghệ những năm 36 - 39 thế kỷ trước.
+ Nhiều sản phẩm mới của làng nghề ra đời do yêu cầu của hai cuộc kháng chiến, do đó cũng thúc đẩy làng nghề phát triển. Ví dụ: Làng nghề tiện Nhị Khê (Thường Tín) trước chủ yếu tiện đồ thờ, đồ trang sức, sau do yêu cầu của chiến trường làng tiện cả báng súng, vỏ lựu đạn. Làng rèn Đa Sỹ trước chủ yếu rèn dao, kéo, lưỡi cuốc, lưỡi cày, đến thời chiến họ rèn, đúc rất nhiều vỏ lựu đạn gang... phục vụ chiến trường.
- Mục 3c: Mối liên quan giữa làng nghề và phố nghề không nên để phần nhận xét tổng quát mà viết thành mục riêng và đưa lên mục 2 (Tóm tắt lịch sử phát triển phố nghề, làng nghề Thăng Long - Hà Nội).
2. Chương 3:
- Mục 4: Những giải pháp chủ yếu: Ở phần này “các giải pháp” nên viết thành “các nhóm giải pháp”. Mục d) Ứng dụng khoa học công nghệ nên chuyển thành Nhóm giải pháp cho sự phát triển bền vững.
- Ngoài nội dung đã nêu trong đề cương, bổ sung thêm: chống hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại, giữ thương hiệu sản phẩm làng nghề, đồng thời đề cập đến nghĩa vụ, trách nhiệm đóng thuế của các làng nghề, phố nghề đối với Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế.
3. Ở cuộc họp lần trước Hội đồng có nêu: Cần khái quát về một số công trình đi trước thuộc lĩnh vực này nhưng chưa thấy được thể hiện trong đề cương chỉnh sửa.
Tài liệu tham khảo nên bổ sung một số công trình trước đây tỉnh Hà Tây đã làm: “Hà Tây làng nghề, làng văn” (2 tập), “Nghề đẹp quê hương”, “Làng nghề Hà Tây”, “Địa chí Hà Tây”...
Tôi đồng ý Nhà xuất bản Hà Nội nghiệm thu đề cương, ký hợp đồng để nhóm biên soạn triển khai thực hiện./.
|
|
GS TSKH Tô Ngọc Thanh viết ngày 22/08/2011
1. Về đề tài: Trong bối cảnh kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, đề tài góp phần cho một tầm nhìn phổ quát “xuyên thiên niên kỷ” về diện mạo của đô thị từ số phận của một lĩnh vực cụ thể là phố nghề, làng nghề. Vì nghề thủ công vốn là một thành tố hữu cơ không thể thiếu, một tiêu chí có tính hằng số của các đô thị thời trung cổ.
Tuy nhiên, giá như các tác giả đổi chỗ cho hai cụm từ “phố nghề-làng nghề” thành “Làng nghề, phố nghề Thăng Long-Hà Nội…”thì đúng với lịch sử hình thành hơn vì phố nghề có sau làng nghề rất lâu. Vả chăng, nếu dõi theo lịch sử hình thành một số không nhỏ các phố nghề Hà Nội, ta thấy nó là một bộ phận của làng nghề chuyển ra đô thị. Ta cũng còn biết nhiều phố nghề còn mang theo cả những biểu tượng, những thiết chế và sinh hoạt văn hóa của làng nghề, chẳng hạn như các ngôi đình ở các phường hay phố nghề.
Nhân đây xin mạn phép nói luôn rằng tôi chưa thấy đề cương dự án thể hiện quan điểm của các tác giả về mối quan hệ đa chiều, đa tầng giữa làng nghề và phố nghề. Chẳng hạn như giữa không chuyên và chuyên, giữa sản xuất nông nhàn với sản xuất hàng hóa, giữa cung và cầu, giữa tiêu thụ “cầu may” với tiêu thụ theo đơn đặt hàng hay theo địa chỉ xác định, giữa công năng vật thực dụng với mẫu mã hàng hóa cho thương mại vv…Và, tuy phố nghề có nguồn gốc làng nghề nhưng một khi nó trở thành một thực thể có chức năng xã hội và tiêu chí giá trị khác làng nghề thì chính nó lại quay lại góp phần làm làng nghề phát triển và nâng cao hơn. Thiết nghĩ, có lẽ đây là một trong những quy luật cơ bản trong sự vận động thời gian của mối quan hệ giữa làng nghề và phố nghề.
2. Mối quan hệ nói trên lại vận động trong diễn trình 1000 năm của sự hình thành và phát triển của một trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa của cả nước là thủ đô Hà Nội.Thế tất phải nghiên cứu, nhìn nhận mối quan hệ ấy trên bình diện không gian mà xưa nay ta thường biểu diễn bằng khái niệm “Hà Nội và tứ trấn”.Không gian “tứ trấn” chính là ngọn nguồn và là dòng sữa nuôi nấng và phát triển của các phố nghề Hà Nội về mọi phương diện nguyên liệu, nhân tài, sức lao động, tổ chức và thiết chế văn hóa và tâm linh vv..
Do đó, tôi không tán thành khi các tác giả coi Hà Tây (xứ Đoài truớc đây) là một bộ phận cấu thành của làng nghề phố nghề Hà Nội vì nay nó đã “lên đời” là người Thủ đô !?.Mới có mấy tháng trời mà tứ trấn của hàng ngàn năm bỗng mất đi một trấn, tạo một khoảng trống giả tạo cho lịch sử. Địa giới hành chính, mà nhất là địa giới mới có mấy tháng tuổi, đâu có ý nghĩa gì với chiều dầy hàng ngàn năm văn hóa đất Việt ?! Xóa bỏ vai trò hàng ngàn năm của xứ Đoài với tư cách là một trong tứ trấn là cách nhìn phi lịch sử. Như thế thì làm sao có thể phản ánh đúng được lịch sử làng nghề và phố nghề Thăng Long (chứ không phải là Hà Nội nay đâu nhé) ?!
Cho nên, xin nói thẳng, việc công trình này “gộp” Hà Tây vào nội hàm Thăng Long-Hà Nội chẳng những không phải là một “đóng góp khoa học mới”, mà ngược lại, đó là việc làm sai lạc lịch sử của thực tế.Và như thế, liệu những kết luận của dự án có đủ độ tin cậy để thuyết phục người đọc không?
Tôi khẩn thiết đề nghị quý vị tác giả, trong công trình này, hãy trả lại vai trò Xứ Đoài hàng ngàn năm cho vùng đất trăm nghề của Hà Tây ví đó mới là mối quan hệ thực tế của làng nghề và phố nghề, chí ít cũng trong phần lịch sử phát triển của sự vật.
Còn Hà Tây với tư cách là phần lãnh thổ Hà Nội sẽ chỉ có thể có vai trò và ý nghĩa khi các tác giả nhìn nhận triển vọng của làng nghề phố nghề Thăng Long-Hà Nội từ nay (2008) trở về sau thôi.
Nhân đây, cũng xin được nhắc quý vị tìm đọc bộ sách nhiều tập của Sở Văn hoá Hà-Sơn-Bình và Hà Tây sau này, có tiêu đề “Làng nghề-Làng văn” và cuốn sách “Làng nghề, phố nghề” của cố giáo sư Trần Quốc Vượng và PGS TS Đỗ Thị Hảo
3. Dự án có dự định sẽ viết về các nghệ nhân, nhưng như thế nào là nghệ nhân thì nay ở ta cũng chưa thật nhất trí. Tôi đề nghị dự án căn cứ vào thực tế, đưa ra một hệ tiêu chí cho danh hiệu khiêm tốn này (Theo tôi, những tiêu chí Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương và Bộ Công thương đưa ra chưa đầy đủ)
4. Trong phần phân loại và đưa ra dự báo về triển vọng của từng loại làng nghề phố nghề mong các tác giả căn cứ vào sự biến đổi nhanh chóng về nhiều mặt của xã hội và kinh tế ngày nay để phân loại. Dự án cần có dự báo về cả những làng nghề phố nghề sẽ vĩnh viễn lui vào quá khứ. Các dự báo nên thao tác và đưa ra kiến nghị về từng loại nghề thủ công và từ đó về làng nghề phố nghề gắn với nó
Tóm lại, dự án này đáp ứng yêu cầu tổng kết trong văn cảnh của kỷ niệm 1000 năm lịch sử Thăng Long-Hà Nội. Mục đích của dự án “Góp phần tổng kết một lĩnh vực hoạt động kinh tế-văn hóa-xã hội quan trọng của nhân dân Hà Nội” và “rút ra những kinh nghiệm, bài học và đề xuất phương hướng bảo tồn, phát triển làng nghề phố nghề trong tình hình mới của Hà Nội đổi mới, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế” là khả thi. Tôi tin rằng sau khi điều chỉnh đôi chút về góc tiếp cận và một phần nội dung, công trình sẽ có ích nhiều mặt và góp phần vào cái nhìn tổng quan về 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
|
|
PGS.TS. Bùi Xuân Đính viết ngày 22/08/2011
Phố nghề (ở nội đô Hà Nội), làng nghề (ở ngoại thành, cả vùng của tỉnh Hà Tây cũ) hàm chứa nhiều vấn đề khoa học và thực tiễn rất lớn về kinh tế- xã hội và văn hóa. Từ trước đến nay đã có nhiều sách viết về đề tài này, song thường chỉ hạn chế ở việc thu thập tư liệu, miêu tả hoạt động của các làng, phố nghề, trên cơ sở đó đưa ra một số nhận định nào đó.
Cuốn sách của nhóm tác giả do ông Vũ Quốc Tuấn làm chủ biên có ý định “Góp phần tổng kết một lĩnh vực hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội rất quan trọng (phố nghề, làng nghề) của nhân dân Hà Nội (theo địa giới hành chính mới được mở rộng) trong quá trình lịch sử- như Đề cương chi tiết của sách khẳng định, nếu thực hiện được sẽ có những đóng góp lớn, không chỉ với vấn đề được nghiên cứu mà còn có giá trị thực tiễn to lớn trong việc đề ra các giải pháp giúp các phố nghề, làng nghề phát triển đúng hướng, bền vững trong điều kiện cả nước thực hiệncông nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Đề cương cuốn sách gồm hai phần :
Phần một . Phố nghề, làng nghề Thăng Long - Hà Nội : lịch sử hình thành, phát triển và hội nhập, gồm 2 chương :
Chương 1. Phố nghề, làng nghề Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử gồm 5 mục, trình bày tình hình phát triển thủ công nghịêp và làng nghề trong lịch sử đất nước, lịch sử phát triển của phố nghề, làng nghề của Hà Nội từ thế kỷ X, đến trước khi thực hiện công cuộc Đổi mới, theo cách phân kỳ của nhóm tác giả.
Chương 2. Phố nghề, làng nghề Thăng Long- Hà Nội trong quá trình đổi mới chủ yếu nêu bật những thành tựu của các phố nghề, làng nghề từ năm 1986 đến nay.
Chương 3. Phố nghề, làng nghề phát triển và hội nhập : nêu lên những cơ hội và thách thức của phố nghề và làng nghề trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, từ đó đưa ra một số phương hướng phát triển cho các phố nghề, làng nghề trong thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới.
Phần hai . Phố nghề, làng nghề : nghệ nhân gồm 2 chương giới thiệu những phố nghề, làng nghề và những nghệ nhân tiêu biểu theo sự lựa chon của nhóm tác giả.
Xin có một số nhận xét và góp ý với nhóm tác giả về nội dung của từng phần, chương.:
1. VỀ PHẦN MỘT
1. Điều chỉnh chương mục
- Cần đưa Mục 1 của Chương 2 (Phần một) lên đầu Chương 1 sẽ lô gíc hơn, vì trước khi bàn vấn đề gì, cần làm rõ các khái niệm đưa ra. Cũng vậy, Mục 2 của Chương 2 cần chuyển sang Chương 1.
- Những nội dung ghi trong Mục 3 của Chương 2 cũng cần bỏ, mà nên ghép với Mục 2; do vậy, phải có thêm một mục khác đánh giá vai trò, tác động của phố nghề, làng nghề, đặt ở sau Mục 4.
2. Về nội dung của Chương 1
- Phố nghề và làng nghề tuy có đặc điểm chung là làm các nghề thủ công, song lại có đặc điểm riêng rất rõ nét. Đó là, phố nghề chủ yếu gắn với cuộc sống đô thị, với các tầng lớp thị dân, được tổ chức tại phố phường, hơn nữa, đây là phố phường Thăng Long- trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước thời phong kiến. Trong khi đó, các làng nghề chủ yếu gắn với cuộc sống ở nông thôn, với nông dân, Hai bộ phận kinh tế này khác nhau về phương thức tổ chức sản xuất, đối tượng phục vụ, có các bước phát triển khác nhau, do vậy ảnh hưởng trở lại đến sản xuất. Vì thế, nhóm tác giả gộp hai bộ phận kinh tế này để xét lịch sử phát triển qua các thời kỳ theo tôi có điều gì chưa ổn. Cần phải tách ra để nghiên cứu nhằm làm rõ hơn sự khác biệt của chúng.
- Cách phân các giai đoạn lịch sử của nhóm tác giả chưa thỏa đáng. Theo tôi, vẫn nên tuân thủ cách phân kỳ lịch sử dựa theo thay đổi thể chế xã hội, chẳng hạn, thời phong kiến phải chia đến năm 1884 là năm thực dân Pháp chính rthức đặt ách đô hộ lên đất nước ta, trong đó có Hà Nội; không nên chia đến năm 1858, vì gần 30 năm sau đó (1858 - 1884), nền kinh tế - xã hội của cả nước và Hà Nội vẫn chưa có gì thay đổi. Cũng vậy, cần phải tách giai đoạn kháng chiến chống Pháp riêng.
- Những luận điểm đưa ra ở Mục 5 theo tôi chưa đầy đủ, bởi nhóm tác giả cần làm rõ thêm một số vấn đề sau đây :
+ Phương thức tổ chức sản xuất của làng nghề, phố nghề,
+ Mối quan hệ giữa thủ công nghiệp với nông nghiệp và thương nghiệp, giữac làng nghề ở nông thôn với phố nghề ở Thăng Long, giữa sản xuất của cấc nghề thủ công với thiết chế xã hội truyền thống (nhất là lệ tục của làng xã, của phố phường, với pháp luật của nhà nước phong kiến để thấy được, các phố nghề làng nghề thời phong kiến phát triển ỳ ạch bởi các nhân tố này; do vậy ở ta không hình thành các trung tâm công thương nghiệp lớn đủ sức phá vỡ kết cấu kinh tế- xã hội truyền thống, thủ công nghiệp chỉ là bộ phận gắn chặt với nông nghiệp.
3. Về nội dung của Chương 2
Cần có thêm một mục đánh giá tình hình của phố nghề và làng nghề hiện nay trên tất cả các mặt : số lượng nghề (trên cơ sở xem xét sự chuyển đổi nghề để thấy nghề nào con giữ, nghề nào mất, nghề mới được nhân cấy…), sự chuyển đổi về kỹ thụât sản xuất, phương thức tổ chức làm nghề, tiêu thụ sản phẩm (Mục 4 của Chương này chỉ là một phần của vấn đề cần nghiên cứu).
4. Về nội dung của Chương 3
Mục 1 của Chương này (viết về thực trạng yếu kém của làng nghề) cần được chuyển xuống Điểm b của Mục 2 (Về thách thức….) cho hợp lý hơn. Trong thực trạng yếu kém của làng nghề, phố nghề của ta hiện nay còn phải nêu thêm là có quá nhiều nghề giản đơn, cho thu nhập thấp, thiếu vắng những nghề mũi nhọn, chiến lược, đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.
1I. VỀ PHẦN HAI
- Nếu giới thiệu được như ý định là điều đáng khuyến khích.
III. VỀ MỘT SỐ ĐIỂM KHÁC
1. Về lịch sử nghiên cứu vấn đề : các tác giả nên và cần phải điểm lại những tác phẩm đã đề cập nhiều và tương đối chuyên khảo về làng nghề, phố nghề, phải làm rõ các công trình đó đã tiếp cận vấn đề phố nghề, làng nghề từ các góc độ nào, đã giải quyết được những vấn đề gì, những vấn đề gì chưa được làm sáng tỏ, để nhóm tác giả tiếp tục việc nghiên cứu trên cơ sở kế thừa các kết quả nghiên cứu trước đó, không thể chỉ liệt kê vài cuốn sách, trong đó rất nhiều cuốn nói rất ít về vấn đề phố nghề, làng nghề. Vả lại, các tác giả đã không điểm đến nhiều cuốn sách chuyên khảo về nghề thủ công của địa bàn Hà Nội hiện nay, như các chuyên khảo của P. Gourou, Hoàng Trọng Phu viết về các nghề của tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc Hà Nội), cuốn Hà Tây làng nghề làng văn (tập 1), Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội của hai tác giả Trần Quốc Vượng và Đỗ Thị Hảo…
2. Các tác giả cần nêu rõ các phương pháp tiếp cận chính khi thực hiện Đề tài.
3. Phố nghề, làng nghề là một đề tài khoa học rộng lớn, hơn nữa, đối với Hà Nội mở rộng hiện nay, có địa dư rất rộng (có đến vài trăm làng nghề ở các huyện thuộc “tứ trấn” của Thăng Long xưa). Vấn đề này không đơn giản. Cần phải có thời gian và lực lượng ngnhêin cứu một cách bài bản. Tôi băn khoăn không rõ nhóm tác giả đã chuẩn bị được nguồn tư liệu đến đâu để viết cho kịp tiến độ giao nộp bản thảo vào tháng 6 năm 2009, bảo đảm được các yêu cầu nội dung đặt ra cho cuốn sách; trong khi hiện nay đã là cuối tháng 12 năm 2008.
|
|
PGS.TS. Đỗ Thị Hảo viết ngày 22/08/2011
Nghề, làng nghề, phố nghề thủ công truyền thống của Việt Nam là một di sản vô cùng quý báu và độc đáo do cha ông ta sáng tạo và tích lũy từ hàng ngàn năm truyền lại. Vì vậy, việc nghiên cứu về thủ công nói chung, đặc biệt là làng nghề, phố nghề Hà Nội nói riêng là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa, nhất là lại sắp tới đại lễ kỷ niệm Thăng Long 1000 năm tuổi.
Đề tài “Phố nghề, làng nghề Thăng Long - Hà Nội - Từ truyền thống đến hiện đại” của nhóm tác giả Vũ Quốc Tuấn, với mục đích:
- Tổng kết hoạt động phố nghề, làng nghề Hà Nội (bao gồm cả Hà Tây) trong quá trình lịch sử (về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội).
- Tôn vinh những thành tựu đã đạt được của cộng đồng phố nghề, làng nghề, nghệ nhân, nêu cao lòng tự hào chính đáng của nhân dân Thủ đô Thăng Long và đất trăm nghề Hà Tây.
- Từ quá trình phát triển, rút ra bài học, kinh nghiệm, đề xuất phương hướng bảo tồn và phát triển phố nghề, làng nghề trong tình hình mới, tiếp tục đổi mới, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế…
Là phù hợp với nội dung bộ sách kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, và theo tôi là rất nên làm.
Sau khi đọc kỹ đề cương, tôi có một số ý kiến nhỏ như sau:
1. Tên đề tài: “Phố nghề, làng nghề Thăng Long - Hà Nội… Thực tế làng nghề sinh ra phố nghề, như trong đề cương là ngược, không lôgic.
2. Các chương mục của đề cương:
a) Phần một, chương 1, mục 1:
- Tác giả căn cứ vào đâu để tính thời kỳ hình thành và phát triển cực thịnh của nghề thủ công là từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 15?
- Chương 1, mục 2 (… Hà Nội được gọi theo địa giới mới bao gồm cả Hà Tây). Vậy còn Lương Sơn - Hòa Bình và Mê Linh - Vĩnh Phúc cũng có các làng nghề sao không được tính (nhất là nghề của đồng bào dân tộc ít người).
Nhìn chung chương 1 các tác giả không nên chẻ nhỏ các mốc lịch sử ra như vậy. Bởi lẽ mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi mốc phân định đều phải dựa vào những chứng cứ khoa học, những tư liệu lịch sử. Theo tôi được biết có rất nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của nghề thủ công nghiệp Việt Nam (không thấy ghi trong mục tài liệu tham khảo của đề tài này). Song chưa thấy ai phân chia các giai đoạn như trong đề cương, mong các tác giả xem lại vấn đề này.
Tôi cho rằng nội dung chủ yếu của đề tài này là chương 2, chương 3, phần một và phần hai. Bởi lẽ độc giả kể cả những người nghiên cứu muốn hiểu thực trạng làng nghề, phố nghề Hà Nội (cả cũ lẫn mới) hiện ra sao? Và những giải pháp để bảo tồn và phát triển làng nghề, phố nghề Hà Nội trong thời hội nhập này? Những số liệu đưa ra, những tên làng nghề, phố nghề, những nghệ nhân phải cần cập nhật cụ thể, có địa chỉ rõ ràng, có thể tìm đến tận nơi được, đó là những cái mới mọi người đều cần, đồng thời cũng là sở trường của nhóm tác giả.
Với lý do như đã nêu, chương một, phần một nên rút ngắn lại chỉ cần giới thiệu một cách khái quát với liều lượng vừa phải về lịch sử hình thành và phát triển của nghề thủ công nói chung và làng nghề, phố nghề Hà Nội nói riêng. Nếu đi quá sâu, cặn kẽ vào vấn đề lịch sử và văn hóa của làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội như đã trình bày trong đề cương thì e rất dễ rơi vào tình trạng nhắc lại điều mà những người đi trước đã “cày xới” quá kỹ, quá nhiều và không cần thiết với người đọc.
Kết luận: Nếu đề cương được điều chỉnh một cách hợp lý với những tư liệu mới và cập nhật chắc chắn đề tài sẽ hay hơn và giúp ích cho độc giả nhiều hơn.
|
|
Ông Đặng Văn Tu viết ngày 22/08/2011
1. Đây là một đề tài khoa học hay, có ý nghĩa và giá trị cả về khoa học và thực tiễn. Bởi lẽ:
- Nó đề cập đến một vấn đề đặc trưng khá tiêu biểu của Hà Nội: đó là phố nghề, làng nghề, có thể nói mang tính trội vượt của Thủ đô so với các địa phương khác trong cả nước.
- Với những nội dung nghiên cứu, đề tài này chẳng những đặt ra những vấn đề phục vụ phát triển kinh tế, phát triển phố nghề, làng nghề mà còn góp phàn bảo tồn, phát triển văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến.
- Nếu được giải quyết một cách thuyết phục, đề tài sẽ giúp các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, kinh tế, các doanh nghiệp và những người làm nghề phát huy lợi thế, khắc phục những khó khăn, thách thức để phát triển.
2. Đề tài được thực hiện do Ban quản lý Dự án thuộc Nhà xuất bản Hà Nội - một địa chỉ tin cậy, có nhiều thành tựu và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chủ nhiệm đề tài là người đã từng góp phần tham gia công tác quản lý kinh tế vĩ mô, là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cùng với cộng sự thuộc các lĩnh vực khoa học chuyên ngành, khiến bản thân tôi rất tin tưởng vào sự thành công xuất sắc của đề tài khoa học này.
3. Tôi nhất trí với mục đích, yêu cầu của đề tài khoa học và cũng là đề tài cuốn sách “Phố nghề, làng nghề Thăng Long - Hà Nội, từ truyền thống đến hiện đại”.
4. Tôi tham gia một số ý kiến như sau:
- Nếu không vì quyết định của cấp thẩm quyền đã phê duyệt, tên đề tài “Phố nghề, làng nghề Thăng Long - Hà Nội, từ truyền thống đến hiện đại” có thể rút thành “Phố nghề, làng nghề Hà Nội từ truyền thống đến hiện đại”. Bởi lẽ “truyền thống” đã hàm chứa có Thăng Long. Mặt khác, tên sách như trên càng thể hiện rõ phố nghề, làng nghề Hà Nội trong bối cảnh và thực tiễn Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của Quốc hội.
- Về đề cương chi tiết cuốn sách, theo tôi có thể cấu trúc thành 3 phần chính:
+ Phần một: Phố nghề, làng nghề Hà Nội, lịch sử hình thành và phát triển
Ở phần này trước tiết 1 trong dự thảo nên có khái niệm phố nghề, làng nghề Hà Nội để từ đó thống nhất nội hàm phố nghề, làng nghề được đề cập, bàn luận trong cuốn sách này.
Cũng ở phần một sau tiết 3, nên bổ sung một tiết: Mối quan hệ giữa làng nghề và phố nghề Hà Nội. Đó là mối quan hệ văn hóa: là mối quan hệ về sự hình thành từ làng nghề đến phố nghề; cùng chung tổ nghề; về sự thúc đẩy tạo nên sự tinh xảo của nghề, thúc đẩy thị trường, giao lưu hàng hóa, nhờ đó nghề càng phát triển.
+ Phần hai: Phố nghề, làng nghề Hà Nội trong quá trình đổi mới và hội nhập. Phần này có các chương:
Chương một: Khái niệm, đặc điểm, thực trạng phố nghề, làng nghề Hà Nội hiện nay.
Chương hai: Thành tựu phố nghề, làng nghề Hà Nội trong thời kỳ đổi mới, hội nhập.
Chương ba: Phố nghề, làng nghề, nghệ nhân tiêu biểu.
+ Phần ba: Phương hướng phát triển phố nghề, làng nghề Hà Nội trong tình hình mới. Gồm các chương:
Chương một: Yêu cầu đối với phố nghề, làng nghề Hà Nội trong tình hình mới (lấy lại phần yêu cầu của thời kỳ mới và bổ sung thêm cho rõ, nổi bật thêm).
Chương hai: Cơ hội và thách thức
Chương ba: Phương hướng phát triển phố nghề, làng nghề Hà Nội trong thời kỳ mới (gồm toàn bộ tiết 3 của chương 3 trong dự thảo).
Trên đây là ý kiến của tôi tham gia vào bố cục của cuốn sách.
5. Nhận xét khái quát: Bản đề cương được thực hiện một cách nghiêm túc, tương đối khoa học, thể hiện được những nội dung cơ bản của cuốn sách, là cơ sở để triển khai đề tài và biên soạn cuốn sách. Chủ nhiệm đề tài và cộng sự đã thể hiện tinh thần khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm cao. Những đóng góp của tôi trên đây với thiển nghĩ cho kết cấu đề cương mạch lạc hơn và đặc biệt là muốn nhấn mạnh thêm (phần ba) và tầm quan trọng của cuốn sách này. Tôi đồng ý nghiệm thu đề cương chi tiết cuốn sách, để thực hiện những bước tiếp theo, đảm bảo tiến độ, thời gian của đề tài.
|
|
TS. Trần Kim Hào viết ngày 29/03/2011
Sau khi đọc kỹ bản thảo cuốn sách “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trên đường phát triển” của nhóm nghiên cứu do chuyên gia kinh tế cao cấp Vũ Quốc Tuấn làm chủ biên, tôi có một số nhận xét sau đây:
1. Những thành công
- Nhóm biên soạn đã dày công sưu tầm, chắt lọc và hệ thống các tư liệu về nguồn gốc các nghề thủ công, làng nghề trong lịch sử, từ các nghề tại chỗ sẵn có trên đất Đại La xưa, trước khi vua Lý Thái Tổ dời đô đến các nghề ở địa phương trong cả nước được du nhập vào Thăng Long - Hà Nội cùng với việc di dân do những sự kiện và biến cố lịch sử, để hình thành các làng nghề truyền thống, các phố nghề chuyên biệt, tồn tại và phát triển cho tới ngày nay.
- Bằng những luận cứ khoa học và các tài liệu minh chứng, nhóm biên soạn đã đưa ra các khái niệm về nghề thủ công truyền thống, làng nghề truyền thống, phố nghề xưa và nay, cụm sản xuất làng nghề tập trung, nghệ nhân... giúp người đọc phân biệt với nghề mới du nhập, làng nghề mới trong thời kỳ hiện đại. Cuốn sách dẫn dắt người đọc đi từ làng nghề, phố nghề cổ Thăng Long thời Lý, Trần, Lê.. đến thời Nguyễn và Pháp thuộc, cho tới Hà Nội ngày nay, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa làng nghề và phố nghề xưa...
- Cấu trúc cuốn sách bao gồm lời nói đầu và ba chương chính, bắt đầu từ làng nghề phố nghề Thăng Long xưa trong lịch sử đến thực trạng làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội và kết thúc bằng chương ba: Làng nghề phố nghề Thăng Long - Hà Nội trong thời kỳ phát triển mới nhằm đề xuất những nhận thức mới, các giải pháp về thể chế, chính sách và xu hướng phát triển để góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề, phố nghề của thủ đô. Đây cũng là sự phù hợp với yêu cầu của tủ sách Thăng Long một ngàn năm. Lời văn có cách diễn tả mộc mạc, dân dã nhưng vẫn lột tả được những cái hay, cái đẹp của làng nghề, phố nghề của đất Kinh kỳ. Bên cạnh đó, hai phụ lục khá chi tiết làm cho cuốn sách hấp dẫn người đọc hơn.
- Phần thực trạng đã nêu được những giá trị của làng nghề, phố nghề Hà Nội: Từ tạo việc làm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến phát huy các giá trị văn hóa phát triển du lịch, phát triển xã hội... Nêu được những thành tựu và yếu kém chủ yếu của làng nghề, phố nghề Hà Nội, những mất mát đáng tiếc đang có xu hướng xảy ra trong các làng nghề như: mất dần các di sản văn hóa, mất dần tài hoa, mất dần truyền thống, mất dần tiềm năng (trang 101). Từ đó đưa ra các giải pháp thích hợp ở chương 3.
- Về phương hướng mục tiêu, giải pháp phát triển trong thời kỳ mới, nhóm biên soạn đã đưa ra được định hướng phát triển các loại làng nghề, phố nghề trong điều kiện hiện tại và tương lai. Đưa ra chương trình “mỗi làng một nghề” (theo kinh nghiệm của một số nước đã thành công trong khu vực) về các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong làng nghề...trong đó nhấn mạnh vai trò của hộ gia đình và khai thác thế mạnh của tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển làng nghề (trang 129).
Trong giải pháp xây dựng chiến lược sản phẩm, cuốn sách đã tiếp cận quan niệm về “phát triển bền vững” trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và khái niệm "sản xuất sạch hơn” trong đổi mới sản phẩm từ khâu thiết kế đến công nghệ và bảo vệ môi trường (trang 132-133). Mười giải pháp đưa ra là cần thiết và xác đáng. Trong đó nhấn mạnh công tác quy hoạch (trong giải pháp tăng cường chức năng quản lý của Nhà nước); giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ lao động kỹ thuật, tôn vinh nghệ nhân và giải pháp nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, phát triển tầng lớp doanh nhân làng nghề để Hà Nội có thể bắt kịp với khu vực và thế giới trong quá trình hội nhập.
2. Một số góp ý để hoàn thiện
- Bản thảo cuốn sách có tên: "Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trên đường phát triển” nhưng người đọc có cảm giác tác giả hơi nghiêng về Hà Tây. Bởi những làng nghề Hà Nội theo địa giới cũ chưa được miêu tả đậm nét. Phần phố nghề chưa được đề cập nhiều trong bản thảo, nhất là phần thực trạng.
- Phần nguyên nhân của các yếu kém (trang 96) còn sơ sài. Nhất là nguyên nhân chủ quan do bản thân các làng nghề, phố nghề và nguyên nhân khách quan do công tác quản lý chỉ đạo của Nhà nước. Đây lại là cơ sở quan trọng để đề xuất các giải pháp. Vì vậy cần được quan tâm thỏa đáng để hoàn thiện.
- Cần có những giải pháp “đặc trưng” đối với làng nghề, phố nghề Hà Nội trong tổng thể các giải pháp chung của làng nghề cả nước. Bởi những giá trị to lớn của làng nghề, phố nghề trong đời sống hàng ngày của dân cư cũng như trong công cuộc phát triển thủ đô, và bởi làng nghề, phố nghề là một di sản vô cùng quý báu của Thủ đô, nơi đã giữ gìn và lưu truyền các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống độc đáo thể hiện bàn tay tài hoa và sức sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân, thợ giỏi đã tô đẹp thêm, làm rạng rỡ thêm làng nghề, phố nghề Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Trên cơ sở đó, cần định hướng lan tỏa ra cả nước, phát huy vai trò trung tâm của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Tóm lại đây là cuốn sách có giá trị lớn về nhiều mặt, có công phu sưu tầm và biên soạn của nhóm tác giả, xứng đáng được đánh giá cao.
Sau khi hoàn thiện, cuốn sách này sẽ là món quà rất bổ ích đối với bạn đọc trong nước và nước ngoài, là niềm tự hào của những người dân làng nghề, phố nghề Hà Nội và cả nước. Cuốn sách cũng là tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý để hoàn thiện các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến của chúng ta.
Bản thảo vẫn còn lỗi chính tả, nhóm biên soạn và nhà xuất bản cần chú ý khắc phục. Tôi đề nghị hội đồng nghiệm thu bản thảo này và đề nghị nhóm biên soạn tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh bản thảo này theo ý kiến của hội đồng, trước khi in và công bố rộng rãi.
|
|
PGS.TS. Bùi Xuân Đính viết ngày 20/05/2010
Ngoài Lời nói đầu, Danh mục tài liệu tham klhảo chính, bản thảo gồm phần Chính văn với 170 trang, được chia làm 3 chương :
- Chương Một: Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử (53 trang),
- Chương Hai: Thực trạng làng nghề, phố nghề Hà Nội (48 trang),
- Chương Ba: Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trong thời kỳ phát triển mới (69 trang).
Bản thảo còn có ba phụ lục :
- Phụ lục 1 (73 trang): Danh sách làng nghề được công nhận kèm theo các bài viết về một số làng nghề truyền thống.
- Phụ lục 2 (42 trang): Danh sách nghệ nhân Hà Nội được công nhận, kèm theo các bài viết giới thiệu một số nghệ nhân tiêu biểu.
I. NHỮNG ƯU ĐIỂM, THÀNH CÔNG CỦA BẢN THẢO
1. Bản thảo đi đúng hướng (cả tên sách, các chương, mục chính yếu) theo các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học tại buổi nghiệm thu đề cương chi tiết “Phố nghề, làng nghề Thăng Long - Hà Nội từ truyền thống đến hiện đại”, do GS, TSKH Tô Ngọc Thanh chủ trì sáng ngày 11 tháng 02 năm 2009. Do vậy kết cấu bản thảo hợp lý và khá cân đối.
2. Các tác giả đã tiếp cận vấn đề làng nghề, phố nghề từ góc độ phát triển, tức nhìn nhận thực trạng các làng nghề, phố nghề truyền thống trong bối cảnh hiện nay và dự báo xu hướng phát triển sắp tới, từ đó đề xuất một số giải pháp. Đây là cách tiếp cận đúng, phù hợp với các điều kiện nghiên cứu của các tác giả.
3. Các nội dung trong các chương nhìn chung đã giải quyết được các yêu cầu của hướng nghiên cứu chung, cũng như yêu cầu của từng chương, mục.
Trong 3 chương của bản thảo, Chương Hai và Chương Ba là trọng tâm, là hướng chính và đích chính, các tác giả đã giải quyết tương đối thành công. Cụ thể, trong Chương Hai (tập trung ở mục II), bản thảo đã đánh giá đúng mức những thành tựu chủ yếu trong việc khôi phục và phát triển làng nghề, phố nghề kể từ khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới; cũng như những yếu kém, những khó khăn, bất cập của làng nghề, phố nghề hiện nay.
Chương 3, trên cơ sở đặt ra những yêu cầu phát triển của giai đoạn sắp tới, đó cũng là những cơ hội, tiềm năng phát triển và những thách thức của làng nghề, phố nghề, bản thảo đề xuất những nhóm giải pháp chủ yếu để phát triển làng nghề, phố nghề theo một số quan niệm phát triển hiện nay. Nhìn chung, các luận điểm nêu ra là phù hợp, dựa trên các cơ sở khoa học, có sức thuyết phục và có tính thực thi.
4. Bản thảo có nguồn tư liệu rất phong phú, gồm các tư liệu từ các công trình đã công bố, các báo cáo tổng kết của ngành công - thương thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây cũ, từ các nguồn thông tin trên các loại hình báo chí… để minh họa, làm rõ cho các luận điểm được nêu. Đây là ưu điểm lớn nhất của bản thảo sách.
II. MỘT SỐ ĐIỂM TRAO ĐỔI THÊM VỚI NHÓM TÁC GIẢ
1. Về bố cục, sắp xếp các chương mục: nên sắp xếp lại một số mục cho hợp lý, lô gíc hơn. Cụ thể :
- Chương 1: cần có một mục lớn để nói về diên cách của thành phố Hà Nội hiện nay, gồm các vùng đất sau:
+ Kinh đô Thăng Long cũ,
+ Một phần trấn Kinh Bắc (các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn và phần lớn huyện Đông Anh);
+ Một phần trấn Sơn Nam (đầu thế kỷ XIX là trấn Sơn Nam Thượng, tức toàn bộ tỉnh Hà Đông, tồn tại từ năm 1902 - 1965 sau này),
+ Toàn bộ trấn Sơn Tây (tỉnh Sơn Tây cũ, phần lớn huyện Mê Linh và một số làng xã thuộc huyện Đông Anh hiện nay).
Thành phố Hà Nội hiện nay hình thành là kết quả của 3 lần điều chuyển lớn (theo hướng mở rộng) địa giới hành chính:
- Lần 1 (tháng 5 năm 1961): nhập các huyện Đông Anh của tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Gia Lâm của tỉnh Bắc Ninh và một phần các huyện Đan Phượng, Hoài Đức của tỉnh Hà Đông, xã Văn Đức (huyện Văn Giang của tỉnh Hưng Yên) về Thủ đô.
- Lần 2 (tháng 12 năm 1978): nhập một bộ phận lớn các huyện của tỉnh Hà Sơn Bình (đến tháng 10 năm 1991 lại cắt trở lại khi tỉnh Hà Tây được tái lập), một số huyện của tỉnh Vĩnh Phú (Đa Phúc, Kim Anh, Mê Linh…).
- Lần 3 (tháng 8 năm 2008): nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của tỉnh Hòa Bình.
Có được mục này ở đầu, bản thảo sẽ có thêm những ưu điểm mới :
+ Không phải nhắc lại nhiều lần cụm từ “tỉnh Hà Tây cũ” ở những phần sau.
+ Làm rõ được sự phát triển của làng nghề, phố nghề của địa bàn Hà Nội hiện nay là kết quả của nhân tố “địa lợi” (Kinh đô Thăng Long có sức sản xuất và tiêu thụ lớn; lại nằm kề cận trực diện địa dư của 3/ 4 trấn bao quanh là Kinh Bắc, Sơn Nam và Sơn Tây).
Cũng trong Chương Một, không nên tách thành hai mục “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử” và “Những chặng đường phát triển” (theo từng thời kỳ lịch sử) vì bị trùng lặp, nên nhập làm một và chia thành các thời kỳ lớn (Phong kiến tự chủ, Pháp thuộc, Kháng chiến chống Pháp và từ Hòa bình đến năm 1986), tiểu mục 5 “Thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay” của mục III “Những chặng đường phát triển” là thuộc phạm vi thời gian của Chương Hai, không nên đặt ở đây, không lô gic.
Chương Hai :
+ Tiểu mục 1 “Hà Nội trong diện tích mới” cần bỏ, vì đã được nói về diên cách Hà Nội ở Chương Một. Vả lại, tên của tiểu mục này không ổn. Như vậy, nội dung của Chương Hai chỉ bao gồm Tiểu mục 2 và Mục II.
2. Về các nhận định :
Bàn về sự yếu kém của các làng nghề hiện nay, theo tôi cần nhấn mạnh thêm ba đặc điểm :
- Một là, một bộ phận lớn các nghề thủ công trong các làng nghề hiện nay là những nghề “giản đơn”, tạo ra các sản phẩm rất đơn giản, thiếu những mặt hàng có giá trị kinh tế cao, có tính chủ lực, mũi nhọn, chiến lược dài hạn (huyện Thanh Oai là ví dụ điển hình : có 15 / 47 làng nghề làm nón); nhiều sản phẩm ở các làng thủ công mỹ nghệ muốn xuất khẩu phải qua khâu trung gian của các nước khác, vì chỉ làm được và được làm các sản phẩm “thô” với giá công thấp.
- Hai là, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong các làng nghề, thậm chí vi phạm pháp lụât, làm cho những người làm ăn chân chính bị thua thiệt; cho dù ở nhiều địa phương đã hình thành các hội, hiệp hội, song chỉ hoạt động cầm chừng, vì thế, thiếu sự liên kết thật sự giữa những người làm nghề trong một làng và giữa các làng với nhau, giữa các nghề với nhau.
- Ba là, các làng nghề và người các làng nghề không vươn ra được các cụm công nghiệp (do không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật…), một số có khả năng vươn ra nhưng không muốn ra, do tâm lý sản xuất của người tiểu nông. Do vậy, sản xuất của làng nghề không mang nhiều tính đột biến.
Bàn về những nguyên nhân yếu kém của các làng nghề hiện nay, theo tôi cần nhấn mạnh hoặc đi sâu hơn một số điểm sau :
- Một là, các làng nghề hiện nay đều đi lên từ những làng nghề tiểu nông và thuần nông thời phong kiến, thiếu quy hoạch nên phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm, mạnh làng nào làng ấy làm, thiếu sự định hướng và quản lý của nhà nước.
- Hai là, do sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, vi phạm pháp luật trong nội bộ người các làng nghề cũng như giữa các làng với nhau, xuất phát từ những mặt trái trong tính cách của người nông dân - người thợ thủ công Việt là ăn xổi, chụp giựt, chỉ nhìn thấy mối lợi trước mắt mà không tính đến lợi ích, hiệu quả lâu dài cùng với tính đố kỵ tiểu nông, không muốn người khác hơn mình
- Ba là, bên cạnh công tác quản lý nhà nước với các làng nghề quá yếu kém, còn có công tác dự báo phát triển cho nghề và làng nghề hầu như không có, quy hoạch cho làng nghề còn nhiều hạn chế. Vì thế, làng nghề càng phát triển theo xu hướng tự phát.
Về các nhóm giải pháp chủ yếu phát triển làng nghề hiện nay, tôi tham góp thêm với nhóm tác giả một số suy nghĩ từ thực tế nghiên cứu ở huyện Thanh Oai, Hoài Đức, cần lưu ý thêm một số giải pháp :
- Cần xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể, lâu dài cho các nghề và làng nghề, trên cơ sở làm tốt công tác dự báo xu hướng phát triển của từng loại nghề. Đây là điều cốt yếu đầu tiên để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề.
- Xây dựng các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp đầu ngành, hình thành các cụm công nghiệp tại địa phương, làm đầu tàu để liên kết các hộ làm nghề, các làng nghề, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới vào các làng thuần nông, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân, giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo; làm cho các làng nghề từ chỗ là những làng nghề nhỏ lẻ, đơn lẻ, tự phát trở thành vệ tinh đắc lực của các cụm công nghiệp, tiến tới trở thành các xí nghiệp hợp tác và cạnh tranh bình đẳng với các xí nghiệp đàn anh.
- Có định hướng, chính sách đầu tư, nuôi dưỡng các ông chủ và đội ngũ thợ lành nghề, nghệ nhân trong các làng nghề
Các ông chủ giữ vai trò chính yếu trong tổ chức công ăn việc làm cho dân làng thông qua việc tìm nguyên liệu “gần gốc”, bán sản phẩm đến “gần ngọn”. Hầu hết các ông chủ này đều trưởng thành từ những người thợ có tay nghề cao. Nếu không có họ thì nghề khó có thể nhân cấy được trong các làng quê, hay có nhân cấy được thì từng làng muốn làm nghề, tiêu thụ sản phẩm đều phải qua ngư¬ời làng khác, khi đó, giá đầu vào nguyên liệu sẽ tăng lên, và như vậy, giá công của người làm nghề sẽ giảm xuống. Các ông chủ cũng phải chịu nhiều sức ép, gặp phải những khó khăn. Họ không chỉ phải nỗ lực lo đầu ra cho sản phẩm (tức đem công ăn việc làm cho dân làng), mà còn nhọc nhằn lo đầu vào (thu gom sản phẩm về đúng theo thời hạn của hợp đồng với các công ty, đủ số lượng và đương nhiên phải bảo đảm chất lượng). Trong môi trường làng xã, nhiều khi họ phải chịu những thiệt thòi, rủi ro bởi bất trắc không thể kiểm soát được.
Tóm lại, các ông chủ giữ vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức sản xuất của các làng nghề. Vì thế, cần nuôi các ông chủ để họ vươn ra ngoài, không chỉ ngoài địa phư¬ơng mà còn là ngoài tỉnh, ngoài nư¬ớc. Nhà nước cần sớm ban hành các quy định, các chế độ ưu tiên, khuyến khích (về việc lập doanh nghiệp, cho thuê đất, cho vay vốn, phong tặng các danh hiệu…) đối với các ông chủ này, nhất là các chủ có khả năng phát triển, nhân cấy nghề trên một vùng rộng lớn; để mỗi làng, xã, mỗi nghề hình thành một đội ngũ các ông chủ (chủ lớn, chủ nhỏ) đủ sức để duy trì và phát triển nghề.
Gắn với các ông chủ là các nghệ nhân. Trong các làng nghề truyền thống, mỗi tốp thợ hay mỗi cơ sở sản xuất đều có một đội ngũ những người thợ, trong đó có những người thợ có tay nghề rất cao, tâm huyết với nghề, được dân làng tôn vinh là “Nghệ nhân”. Họ giữ vai trò quyết định với sự tồn tại và phát triển của cơ sở sản xuất. Ngày nay, đội ngũ thợ có tay nghề cao này là nhân tố quyết định trọng trong việc duy trì tinh hoa nghề cũ, tiếp nhận để nhân cấy nghề mới.
Vì vậy, cùng với việc nuôi dưỡng đội ngũ các ông chủ, Nhà nước cần ban hành các quy định khuyến khích phát triển đội ngũ thợ lành nghề.
- Khắc phục những mặt hạn chế, tâm lý tiêu cực và cả những tính xấu của ngư¬ời sản xuất tiểu nông là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất tạo ra những yếu kém của làng nghề hiện nay. Đây là giải pháp rất quan trọng, song rất khó khăn, liên quan đến con người, đến nhiều mặt cxủa đời sống, nhiều ngành, nhiều cấp.
3. Về tư liệu của bản thảo: có rất nhiều thiếu sót, sai sót do các tác giả sử dụng các nguồn tư liệu chưa được thẩm định lại. Tôi đã ghi rõ trong bản thảo. Dưới đây xin nêu một số sai sót, nhầm lẫn, mâu thuẫn (theo thứ tự số trang của bản thảo), các tác giả phải sửa nếu muốn xuất bản :
+ Trang 9 viết làng Bát Tràng có 25 tiến sĩ, trong đó có 1 trạng nguyên (thực tế, làng Bát chỉ có 8 tiến sĩ, không có trạng nguyên - vì Trạng nguyên Giáp Hải mà người làng Bát thờ tại Văn từ là ở làng Dĩnh Kế nay thuộc thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).
+ Trang 18, các tác giả viết, năm Minh Mạng thứ 12 (1831), trọng tâm của cuộc cải cách hành chính là bỏ xóa bỏ Bắc Thành Tổng trấn là không chuẩn. Thực tế, là xóa bỏ cấp Thành (Bắc Thành) và cấp Trấn để lập cấp tỉnh, còn Bắc Thành Tổng trấn là chức danh, không phải đơn vị hành chính). Cũng trang này ghi phủ Thường Tín có 3 huyện là thiếu (còn thêm huyện Thanh Oai). Cũng phần nay, nên thống nhất quy đổi huyện cũ theo huyện hiện nay cho tất cả các đơn vị, không nên chỉ quy đổi một số huyện.
+ Trang 22, các tác giả viết tỉnh Hà Đông trước đây có làng Thiết Úng là không đúng (làng này thuộc tổng Hà Lỗ, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
+ Trang 23, địa danh “Hà Nội có nghĩa là ở “trong sông”. Đây là nhận định không chuẩn xác, vì trên thực tế, rất nhiều làng xã (thuộc các huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức…) lại nằm ở bên kia sông Đáy, không phải là “theo đúng nghĩa Hà Nội là phía trong sông” như các tác giả viết.
+ Trang 24: làng Đa Hội nay thuộc thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, không phải ở Đông Anh (Hà Nội).
+ Trang 26, cần phải kể thêm hai làng thuọc huyện Thanh Oai có nhiều người làm nghề ở nội thành Hà Nội là Ước Lễ (làm giò chả), Cự Đà (dệt kim). Cũng trang này, tác phẩm “Essais sur les Tonkinois” phải dịch là “Ghi chép (hay tiểu luận) về Bắc Kỳ”, không phải là “Sản phẩm ở Bắc Kỳ”.
+ Trang 31, nhà Mạc chọn quê gốc để dựng kinh đô thứ hai (Dương Kinh) là huyện Kiến Thụy (xã Ngũ Đoan ) thuộc thành phố Hải Phòng, không phải ở Nam Sách.
+ Trang 31 (và nhiều trang): con số 36 phường của Thăng Long chỉ có tính tương đối, cho một giai đoạn nào đó trong thời Lê, không phải cố định, vì nhiều ghi chép của các học giả nước ngoài ghi đến 72 phường.
+ Trang 35, Di chỉ khảo cổ học Vinh Quang nay thuộc xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, không phải là xã Vinh Quang.
+ Trang 36 và 207, ghi tổ của nghề khảm trai Chuyên Mỹ là Trương Công Thành sống vào thời Lý, mâu thuẫn với trang 26 (tổ nghề là Nguyễn Kim sống vào thời Vua Lê Hiển Tông 1740 - 1786).
+ Trang 36, ngoài mâu thuẫn với trang 26 về tổ nghề khảm trai làng Chuyên Mỹ nêu trên, còn có tư liệu sai: Trương Công Thành đỗ Thái học sinh thời Lý (các sách Đăng khóa lục đều không chép nhân vật này), sau lại đỗ Hoàng tử ? (hoàng tử là con trai vua, không phải là học vị).
+ Trang 38, đền Cự Linh nay thuộc phường Thạch Bàn, quanạ Long Biên, không phải huyện Gia Lâm.
+ Trang 39: khi dẫn tư liệu về tuổi tác của một nghệ nhân (hay nhân vật nào đó), cần lưu ý đến thời điểm, liệu có đúng vào thời điểm tác giả viết sách không? Chẳng hạn, cũng trang nay, có câu: "Các nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã như bà Đan, ông Ứng, ông Chồi…. là những thợ giỏi bậc nhất ở nước ta hiện nay” (hiện nay các vị này có còn sống không ?).
+ Trang 59: năm 1962 không có sự điều chỉnh địa giới Hà Nội, mà là năm 1961.
+ Trang 186 viết trước năm 1945, Bát Tràng và Giang Cao là hai xã riêng (điều này đúng - BXĐ), thuộc hai tỉnh khác nhau (điều này sai - BXĐ), vì cả hai làng - xã trước Cách mạng Tháng Tám 1945 đều thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (Thuận Thành), tỉnh Bắc Ninh.
+ Trang 201, xã Tân Hòa nằm ở phía Đông huỵện Quốc Oai, không phải phía Nam.
+ Trang 202, viết Ước Lễ là một chốn sầm uất trong vùng, là nơi hội tụ, giao lưu với các hoạt động chợ búa, buôn bán… là không chuẩn. Thực tế, làng này nằm trong vùng sâu, vùng chiêm trũng của huyện Thanh Oai (từ ngã tư Vác đi vào tới hơn 4 km), Gần đây (năm 2002), đoạn đường này mới được trải nhựa, trước đó, đến được làng này rất vất vả. Chính vì tính chất “vùng sâu, chiêm trũng” này mà người làng phải “tha hương” ra Thăng Long - Hà Nội, từ đó mà có nghề làm giò chả. Hiện nay, tuy gọi là làng nghề chế biến giò chả, nhưng trong làng không có gia đình nào làm giò chả.
+ Trang 228, làng Chuông (nay là xã Phương Trung) xưa nay đều thuộc huyện Thanh Oai, không phải huyện Chương Mỹ.
+ Trang 230, ông Phạm Trần Canh - nghệ nhân làng Chuông, sinh năm 1931, trong bản thảo tác giả dẫn lại tư liệu của người khác là 87 tuổi (không rõ vào năm nào).
+ Trang 240, làng Đa Sĩ, từ tháng 12/ 2008 thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (không còn là thị xã).
4. Về hình thức: bản thảo có quá nhiều lỗi kỹ thuật, lỗi chính tả và cả lỗi diễn đạt.
III. KẾT LUẬN
Nhìn chung bản thảo đi đúng hướng, đúng cách tiếp cận, giải quyết được cơ bản các yêu cầu nội dung đề ra. Đề nghị Hội đồng nghiệm thu thông qua biên bản nghiệm thu Đề tài.
Tuy nhiên, để bản thảo xuất bản được thành sách, các tác giả phải sửa chữa những tư liệu sai và các lỗi kỹ thuật. Còn các ý kiến về nhận định, tôi nêu để các tác giả tham khảo, xem xét để bản thảo có chất lượng tốt hơn, khi sách ra sẽ “đứng” được với bạn đọc.
|
|
PGS.TS. Đỗ Thị Hảo viết ngày 20/05/2010
Cuốn sách "Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trên đường phát triển" gồm 3 chương (không kể phần phụ lục):
Chương 1: Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử.
Chương 2: Thực trạng làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội.
Chương 3: Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trong thời kỳ phát triển.
Với kết cấu như thế này tôi cho là hợp lý và đúng như đề cương các tác giả đã chỉnh sửa qua góp ý của Hội đồng họp ngày 11/02/2009 tại Nhà xuất bản Hà Nội.
Sau khi đọc kỹ, tôi thấy cuốn sách có một số ưu điểm nổi bật như sau:
- Với kết cấu rõ ràng, mạch lạc, người đọc phổ thông có thể biết được những nét đại thể về làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Biết được thực trạng của làng nghề, phố nghề Hà Nội hiện nay và đặc biệt là làng nghề, phố nghề Hà Nội trong thời kỳ phát triển. Điều này đã đáp ứng được mục tiêu mà nhóm tác giả đã đặt ra trong đề cương.
- Tôi đặc biệt đánh giá cao nội dung các tác giả đã thể hiện trong chương 3. Những yêu cầu của thời kỳ mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức, hội nhập sâu rộng... tất cả đều tác động đến muôn mặt của đời sống xã hội nói chung, trong đó có nghề thủ công, làng nghề của cả nước và Hà Nội nói riêng. Trong chương này các tác giả đã phân tích một cách cặn kẽ đầy đủ về cơ hội và thách thức của thời kỳ mới đối với làng nghề, phố nghề Hà Nội, trên cơ sở đó đề xuất những phương hướng và giải pháp khả thi giúp làng nghề, phố nghề Hà Nội giữ gìn và phát huy được "di sản văn hóa nghề" của ông cha. Có lẽ với "tay nghề cao" như chủ biên Vũ Quốc Tuấn thì mới có thể viết được chương này.
- Phần phụ lục (1 và 2) các tác giả đã cung cấp được danh sách đầy đủ và chính xác về những làng nghề được công nhận và danh sách nghệ nhân Hà Nội đã được công nhận. Những tư liệu này góp phần làm phong phú và tăng độ tin cậy đối với cuốn sách.
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, theo tôi các tác giả cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Như tiêu chí của cuốn sách là phục vụ đông đảo bạn đọc, vì vậy cách viết nên rõ ràng rành mạch dễ hiểu. Đọc chương 1, tôi có nhận xét các tác giả chia giai đoạn phát triển của nghề, làng nghề ra quá vụn vặt, thêm vào đó là những "định nghĩa", những "lý sự" về nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống rất tùy tiện, không đâu vào đâu (nghề thủ công truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ, không phân biệt giữa nghề thủ công với nghề chế biến ẩm thực...).
- Những tư liệu về tổ nghề không nhất quán và không chính xác.
+ Tổ nghề khảm trai Chuyên Mỹ là Trương Công Thành hay Nguyễn Kim?
+ Làm gì có họ Nguyễn ở Vĩnh Linh, Trường Yên (Hoa Lư) kéo ra Bát Tràng lập nghiệp...
- Lỗi đánh máy mất dấu, mất chữ, sai nhiều quá, cần phải rà soát lại.
Kết luận: Đề nghị các tác giả sửa lại những tư liệu chưa chính xác, bỏ bớt những chỗ không cần thiết trong chương 1. Viết để người đọc không có cảm tưởng là đọc một bản báo cáo trường thiên (trích nghị quyết, quyết định, văn bản quá dài dòng), trước khi xuất bản
3. TS. Trần Kim Hào - Tạp chí Quản lý kinh tế - Viện Quản lý Kinh tế
Sau khi đọc kỹ bản thảo cuốn sách “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trên đường phát triển” của nhóm nghiên cứu do chuyên gia kinh tế cao cấp Vũ Quốc Tuấn làm chủ biên, tôi có một số nhận xét sau đây:
1. Những thành công
- Nhóm biên soạn đã dày công sưu tầm, chắt lọc và hệ thống các tư liệu về nguồn gốc các nghề thủ công, làng nghề trong lịch sử, từ các nghề tại chỗ sẵn có trên đất Đại La xưa, trước khi vua Lý Thái Tổ dời đô đến các nghề ở địa phương trong cả nước được du nhập vào Thăng Long - Hà Nội cùng với việc di dân do những sự kiện và biến cố lịch sử, để hình thành các làng nghề truyền thống, các phố nghề chuyên biệt, tồn tại và phát triển cho tới ngày nay.
- Bằng những luận cứ khoa học và các tài liệu minh chứng, nhóm biên soạn đã đưa ra các khái niệm về nghề thủ công truyền thống, làng nghề truyền thống, phố nghề xưa và nay, cụm sản xuất làng nghề tập trung, nghệ nhân... giúp người đọc phân biệt với nghề mới du nhập, làng nghề mới trong thời kỳ hiện đại. Cuốn sách dẫn dắt người đọc đi từ làng nghề, phố nghề cổ Thăng Long thời Lý, Trần, Lê.. đến thời Nguyễn và Pháp thuộc, cho tới Hà Nội ngày nay, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa làng nghề và phố nghề xưa...
- Cấu trúc cuốn sách bao gồm lời nói đầu và ba chương chính, bắt đầu từ làng nghề phố nghề Thăng Long xưa trong lịch sử đến thực trạng làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội và kết thúc bằng chương ba: Làng nghề phố nghề Thăng Long - Hà Nội trong thời kỳ phát triển mới nhằm đề xuất những nhận thức mới, các giải pháp về thể chế, chính sách và xu hướng phát triển để góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề, phố nghề của thủ đô. Đây cũng là sự phù hợp với yêu cầu của tủ sách Thăng Long một ngàn năm. Lời văn có cách diễn tả mộc mạc, dân dã nhưng vẫn lột tả được những cái hay, cái đẹp của làng nghề, phố nghề của đất Kinh kỳ. Bên cạnh đó, hai phụ lục khá chi tiết làm cho cuốn sách hấp dẫn người đọc hơn.
- Phần thực trạng đã nêu được những giá trị của làng nghề, phố nghề Hà Nội: Từ tạo việc làm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến phát huy các giá trị văn hóa phát triển du lịch, phát triển xã hội... Nêu được những thành tựu và yếu kém chủ yếu của làng nghề, phố nghề Hà Nội, những mất mát đáng tiếc đang có xu hướng xảy ra trong các làng nghề như: mất dần các di sản văn hóa, mất dần tài hoa, mất dần truyền thống, mất dần tiềm năng (trang 101). Từ đó đưa ra các giải pháp thích hợp ở chương 3.
- Về phương hướng mục tiêu, giải pháp phát triển trong thời kỳ mới, nhóm biên soạn đã đưa ra được định hướng phát triển các loại làng nghề, phố nghề trong điều kiện hiện tại và tương lai. Đưa ra chương trình “mỗi làng một nghề” (theo kinh nghiệm của một số nước đã thành công trong khu vực) về các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong làng nghề...trong đó nhấn mạnh vai trò của hộ gia đình và khai thác thế mạnh của tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển làng nghề (trang 129).
Trong giải pháp xây dựng chiến lược sản phẩm, cuốn sách đã tiếp cận quan niệm về “phát triển bền vững” trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và khái niệm "sản xuất sạch hơn” trong đổi mới sản phẩm từ khâu thiết kế đến công nghệ và bảo vệ môi trường (trang 132-133). Mười giải pháp đưa ra là cần thiết và xác đáng. Trong đó nhấn mạnh công tác quy hoạch (trong giải pháp tăng cường chức năng quản lý của Nhà nước); giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ lao động kỹ thuật, tôn vinh nghệ nhân và giải pháp nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, phát triển tầng lớp doanh nhân làng nghề để Hà Nội có thể bắt kịp với khu vực và thế giới trong quá trình hội nhập.
2. Một số góp ý để hoàn thiện
- Bản thảo cuốn sách có tên: "Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trên đường phát triển” nhưng người đọc có cảm giác tác giả hơi nghiêng về Hà Tây. Bởi những làng nghề Hà Nội theo địa giới cũ chưa được miêu tả đậm nét. Phần phố nghề chưa được đề cập nhiều trong bản thảo, nhất là phần thực trạng.
- Phần nguyên nhân của các yếu kém (trang 96) còn sơ sài. Nhất là nguyên nhân chủ quan do bản thân các làng nghề, phố nghề và nguyên nhân khách quan do công tác quản lý chỉ đạo của Nhà nước. Đây lại là cơ sở quan trọng để đề xuất các giải pháp. Vì vậy cần được quan tâm thỏa đáng để hoàn thiện.
- Cần có những giải pháp “đặc trưng” đối với làng nghề, phố nghề Hà Nội trong tổng thể các giải pháp chung của làng nghề cả nước. Bởi những giá trị to lớn của làng nghề, phố nghề trong đời sống hàng ngày của dân cư cũng như trong công cuộc phát triển thủ đô, và bởi làng nghề, phố nghề là một di sản vô cùng quý báu của Thủ đô, nơi đã giữ gìn và lưu truyền các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống độc đáo thể hiện bàn tay tài hoa và sức sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân, thợ giỏi đã tô đẹp thêm, làm rạng rỡ thêm làng nghề, phố nghề Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Trên cơ sở đó, cần định hướng lan tỏa ra cả nước, phát huy vai trò trung tâm của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Tóm lại đây là cuốn sách có giá trị lớn về nhiều mặt, có công phu sưu tầm và biên soạn của nhóm tác giả, xứng đáng được đánh giá cao.
Sau khi hoàn thiện, cuốn sách này sẽ là món quà rất bổ ích đối với bạn đọc trong nước và nước ngoài, là niềm tự hào của những người dân làng nghề, phố nghề Hà Nội và cả nước. Cuốn sách cũng là tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý để hoàn thiện các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến của chúng ta.
Bản thảo vẫn còn lỗi chính tả, nhóm biên soạn và nhà xuất bản cần chú ý khắc phục. Tôi đề nghị hội đồng nghiệm thu bản thảo này và đề nghị nhóm biên soạn tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh bản thảo này theo ý kiến của hội đồng, trước khi in và công bố rộng rãi.
|