|
TS. Trần Kim Hào viết ngày 23/08/2011
Trong lịch sử phát triển đất nước, 3 thế kỷ (XVII-XIX) đã diễn ra nhiều sự kiện làm thay đổi diện mạo quốc gia, đặc biệt là ở Thăng Long - Hà Nội cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Những vấn đề kinh tế xã hội của kinh thành trong giai đoạn này đã thu hút sự quan tâm rộng lớn cúa các nhà lãnh đạo, giới nghiên cứu trong ngoài nước và nhiều doanh nhân. Tuy nhiên, đến nay, những tác phẩm mang tính hệ thống, có sức hấp hấp dẫn, thu hút và thoả mãn được nhu cầu người đọc chưa có nhiều. “Kinh tế xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” do PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên sẽ là một chủ đề đáp ứng được mong muốn của đông đảo những người quan tâm.
Bản thảo chuyển đến tôi thẩm định là một công trình khá đồ sộ, được biên tập công phu, thể hiện qua 442 trang in khổ giấy A4, font chữ 13; gồm 5 chương, 8 phụ lục; sử dụng 278 tài liệu tham khảo, số lớn là của giả nước ngoài với 137 thư tịch bằng tiếng Anh, Pháp. Bản thảo đưa ra cho thấy, một nguồn tư liệu phong phú, kiến thức uyên thâm và thái độ nghiêm túc của nhóm tác giả trong nghiên cứu một vấn đề không dễ trong quá trình có nhiều biến động kéo dài suốt 3 thế kỷ của lịch sử dân tộc.
I. Về nội dung công trình
Sau lời giới thiệu mở đầu, chương I tác phẩm đã tập trung vào phân tích vị thế lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, một thành phố tiêu biểu trong hệ thống đô thị truyền thống với những điểm nổi bật về thiên thời, địa lợi, nhân hoà; được đặt trong xu thế chuyển biến kinh tế - xã hội của cả nước, khu vực và quốc tế thông qua hệ thống giao thương đường thuỷ thuận lợi.
Trong 3 thế kỷ phân tích, Thăng Long - Hà Nội đã lần lượt trải qua các triều đại Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, Nguyễn ở Đàng Trong, Tây Sơn rồi các vua Nguyễn sau này. Đây là một thời kỳ đầy biến động, mâu thuẫn và nghịch lý; chiến tranh, loạn lạc xen kẽ cùng những năm tháng phát triển hoà bình, thịnh vượng; suy vong và trỗi dậy. Trải qua những cuộc binh lửa, những thay đổi vương triều và phong trào nông dân; kinh thành Thăng Long dường như không được bình yên. Tuy nhiên, với hệ thống giao thông đường thuỷ thuận lợi, Thăng Long vẫn là nơi hội tụ, trung tâm tập kết, trung chuyển và phân toả đi các địa phương, trở thành một đô thị vượt trội không có địa điểm nào có thể sánh cùng..
Theo nhóm tác giả, Thăng Long Hà Nội là điển hình tiêu biểu, là một mũi nhọn kinh tế - xã hội trong toàn cảnh lịch sử Việt Nam, nhưng đến cuối thế kỷ XIX, qua những chứng nhân, hình ảnh phố phường Hà Nội còn quá nghèo nàn. Điều trăn trở đặt ra làm day dứt nhiều thế hệ là vì sao đô thị hàng ngàn năm tuổi này qua nhiều thế kỷ vẫn không bứt phá để thoát khỏi trì trệ, lạc hậu? Lý giải vấn đề này, tác giả công trình cho rằng, trong khung cảnh lịch sử của xã hội Việt Nam truyền thống, chúng ta đã không có được nền sản xuất của các công trường thủ công đô thị, không có thương nghiệp lớn đường dài và càng không thể nảy sinh được nền kinh tế tư bản công nghiệp. Hạn chế cơ bản về vị thế của Thăng Long Hà Nội trong nền kinh tế đô thị chính là đã không phá vỡ được cái vỏ cứng chật hẹp của nền sản xuất, buôn bán nhỏ đậm chất nông thôn,
Chương II đề cập đến kinh tế đô thị Thăng Long, có thể coi đây là một trong những chương chủ đạo của tập sách. Diện mạo nổi bật của kinh tế đô thị là nền sản xuất hàng hoá tiểu thủ công và thương mại với hạt nhân là các phường sản xuất và những phố hàng. Cùng với cơ cấu kinh tế đô thị, làng nghề và những bến sông thuận lợi cho buôn bán đường dài, kinh tế đô thị đã tạo cho Thăng Long - Hà Nội, ngay từ thế kỷ XVII, thành nơi giao lưu thương mại với nhiều nước châu Á và một số nước phương Tây. Kinh tế đô thị với mức gia tăng cả về quy mô, mức độ tinh xảo, chất lượng hàng hoá và thị trường đã mở ra những cơ hội phát triển mới. Tuy nhiên, do hạn chế chính sách của các triều đại phong kiến “trọng nông ức thương” nên về cơ bản vẫn trong tình trạng sản xuất lưu thông nhỏ lẻ.
Phân tích thực trạng kinh tế đô thị Thăng Long trong những thế kỷ XVII-XIX, nhóm tác giả nhận xét: Kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, ngay cả ở Thăng Long Hà Nội vẫn có vai trò quan trọng. Sự bảo lưu kinh tế nông nghiệp và ảnh hưởng nhiều mặt của nông thôn vẫn là đặc trưng lịch sử của Thăng Long-Hà Nội. Với việc mở mang kinh tế hàng hoá, hoạt động chợ ở Thăng Long ngày càng nhộn nhịp; mạng lưới thương nghiệp dân gian cốt lõi này đã biến nơi đây thành một thứ chợ phiên khổng lồ. Tuy vậy, nó vẫn chỉ là sản phẩm của một nền sản xuất nhỏ mang tính gia đình, thôn, xã của những tiểu chủ, tiểu nông. Kinh tế Thăng Long chưa tạo được những chuyển biến về chất mang tính đột phá để thay đổi kết cấu kinh tế - xã hội theo hướng đô thị.
Đặc trưng sản xuất và thương mại nội đô thường diễn ra tại các phường mang tính chuyên nghề. Ở đó, người sản xuất kinh doanh liên kết thành những cộng đồng nghề nghiệp; khái niệm phường hành chính và phường kinh tế - xã hội đã gặp gỡ, đan xen, trùng hợp cùng nhau. Xem xét một cách tổng quát, nhóm tác giả nhận xét, Thăng Long Hà Nội đã hình thành mối liên kết hữu cơ giữa hoạt động thương mại với sản xuất thủ công; trong đó, buôn bán giữ vai trò chủ đạo. Cũng cần lưu ý là, đây là một dạng kết hợp đặc biệt của mạng lưới chợ với các làng nghề nông thôn chuyển dịch vào đô thị. Đô thị đã trở thành nơi tập kết, tích tụ các mặt hàng thủ công được làm ở các làng quê phụ cận; bao gồm những nhóm hàng dệt vải lụa, tơ lụa, giấy, đúc đồng, gốm sứ mang sắc thái riêng, thể hiện nét độc đáo được thương nhân nước ngoài ưa chuộng.
Với lợi thế đường thuỷ, giao thương của Thăng Long Hà Nội đã lan toả chằng chịt từ đồng bằng đến Trung du, Thanh Nghệ và vươn tới Biển Đông; hình thành nên những tuyến thương mại liên vùng quan trọng cả với thị trường trong nước lẫn tầu buôn nước ngoài. Theo các tác giả, lẽ ra những hoạt động buôn bán này sẽ tạo đà hứng khởi cho kinh tế hàng hoá đô thị và mở rộng thị trường quốc gia. Thế nhưng, do cơ chế và sự kiểm soát ngặt nghèo của những triều đại phong kiến quan liêu, hoạt động buôn bán đường dài và nửa đường dài ở Thăng Long Hà Nội đã không tạo được sự phát triển để chuyển đổi kết cấu kinh tế - xã hội đô thị sang hình thái mới. Một số ít năm mở mang giao thương với nước ngoài, mậu dịch đối ngoại có những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế đô thị. Nhưng do độc quyền và sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước phong kiến, thị phần tham gia của dân chúng nhỏ bé nên không tạo được những chuyển biến cơ bản trong cấu trúc của nền kinh tế.
Chương III trình bày một cách cặn kẽ kết cấu đời sống xã hội, văn hoá đô thị Thăng Long; đã phản ánh đậm nét sự hỗn dung của cơ sở kinh tế chuyển biến năng động với thượng tầng thiết chế xơ cứng của các triều đại phong kiến trong 3 thế kỷ. Kinh tế hàng hoá được ghi nhận như một tác nhân góp phần tạo sự khác biệt trong phân tầng xã hội truyền thống, được luật pháp phong kiến quy định theo địa vị. Theo các tác giả, sự tham gia của kinh tế hàng hoá với chất xúc tác là đồng tiền và thói quen thời thượng của người Kẻ Chợ đã làm cho quá trình giao lưu đẳng cấp và việc phân tầng xã hội có sự chuyển hoá. Mặc dù vậy, Vua quan vẫn là giai tầng thống trị; theo lối chuyên chế gia trưởng; còn tầng lớp bình dân chưa có cơ hội vươn lên, vẫn cam chịu thân phận thần dân bị trị.
Cùng với biến cố lịch sử, chiến tranh, xáo trộn chính trị và những cơn binh lửa liên miên khiến tầng lớp thị dân Thăng Long Hà Nội vốn không ổn định, lại càng không cố kết được thành lực lượng thuần nhất; tính chất thị dân đã bị pha loãng bởi những yếu tố nông dân, không có được một kết cấu xã hội đặc thù khác về bản chất so với nông thôn. Thăng Long Hà Nội xưa đã không tồn tại một tầng lớp thị dân đích thực; cộng đồng dân cư ở đây mang đặc trưng nổi bật là cư dân đa thành phần. Với 4 tầng lớp (tứ dân) sỹ, nông, công, thương; Vua quan là giai tầng thống trị; thứ dân bách tính là lớp người bị trị và trung gian ở giữa là nho sỹ, tăng ni, đạo sỹ. Cho dù thợ thủ công, thương nhân ngày càng đông đảo, vượt trội về số lượng, có vai trò chủ thể về kinh tế song vẫn chỉ là thần dân, lệ thuộc vào những đẳng cấp quan liêu. Tính chất cư dân đô thị đa thành phần đem lại sự ổn định hài hoà tương đối, nhưng cũng hàm chứa những khiếm khuyết, tiềm ẩn nhiều hệ luỵ của sự bảo thủ, trì trệ khiến Thăng Long Hà Nội đã không tạo được những đột phá để thay đổi.
Đặc thù của cơ chế đẳng cấpThăng Long - Hà Nội thể hiện tính đương diện tương phản; tác động qua lại giữa đẳng cấp quan liêu và thứ dân; dưới ảnh hưởng của môi trường kinh tế đô thị, đã tạo nên những mâu thuẫn và xu thế phức tạp về xã hội học. Nhà nước phong kiến đã đề ra luật lệ, biện pháp, quy chế nhằm định rõ vai trò và uy thế thống trị của đẳng cấp quan liêu. Nhưng do tác động của kinh tế hàng hoá và sinh hoạt đô thị, cơ chế đẳng cấp phong kiến có sự biến dạng cùng với sự giao lưu, tiếm vượt và chuyển dịch. Tiền bạc đã bào mòn, san đi những kỷ cương, trật tự của xã hội cũ. Mặc dù vậy, sức mạnh của cơ chế đẳng cấp trong xã hội truyền thống vẫn chưa bị đảo lộn và càng không dễ để chấp nhận cho một chuyển biến trong cơ cấu kinh tế xã hội đô thị đương thời.
Đời sống văn hoá tinh thần của người Kẻ Chợ cũng đã để lại những dấu ấn phong phú về bản sắc dân tộc. Trong thời gian dài của các triều đại, nhiều chùa, quán trong kinh thành được xây dựng hoặc trùng tu, tôn tạo; đã phản ánh nét đẹp trong đời sống xã hội. Thiên thần và nhân thần đều chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh. Xuất phát từ một tinh thần gia tộc bền chặt, với niềm tôn kính và biết ơn Tổ tiên, tục thờ cúng Tổ tiên của người Việt đã vượt khỏi một tín ngưỡng để trở thành tôn giáo. Người Kẻ Chợ có tinh thần khoan dung tôn giáo, ở mọi nơi, tôn giáo đều có sự hoà trộn tín ngưỡng cả trong học thuyết, việc thờ cúng để cùng đan xen trong nhiều thế kỷ.
Thiên nhiên đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong đời sống của người Kẻ Chợ, dường như là thân thể thứ hai của con người, Triết lý và cuộc sống gần với thiên nhiên trong lối sống hài hoà ấy dường như cũng là mục tiêu đang vươn tới của phát triển bền vững trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Văn hoá Thăng Long Hà Nội được xem là nền văn hoá mở, khoáng đạt, năng động, dễ tiếp thu và thích ứng cùng những nhân tố mới. Tính chất này là một đặc trưng gắn liền với những nền văn hoá đô thị trong lịch sử. Trong điều kiện lịch sử nước ta hậu kỳ trung đại, nền văn hoá kinh thành Thăng Long tuy phát triển sôi động, nhưng vẫn thiếu một cơ sở kinh tế xã hội vững chắc, một tầng lớp xã hội mới với thế lực kinh tế, chính trị đủ mạnh nên chỉ có thể làm suy yếu, biến dạng; chứ không đủ sức phá vỡ mô hình thiết chế của hệ tư tưởng để tạo nên sự chuyển biến xã hội mới về chất.
Chương IV đã đi sâu phân tích hệ thống quản lý nhà nước và chính sách phát triển kinh tế xã hội, được thể hiện khá chi tiết trong hơn 60 trang bản thảo.
Khác với phong kiến phương Tây của các lãnh chúa cắt cứ đương thời, chế độ phong kiến nước ta, tồn tại trong thế kỷ XVII - XIX, là một nhà nước với chính thể quân chủ tập quyền, có chức năng kiểm soát toàn diện đời sống dân chúng từ chính trị, kinh tế đến văn hoá, tư tưởng. Trong chính thể này, nhà Vua có vai trò biểu trưng được Thần Thánh hoá; quyền lực thực sự của các vương triều nằm trong đẳng cấp quan liêu, được tuyển chọn thông qua chế độ thi cử; được coi là nét đặc thù trong xã hội Việt Nam truyền thống. Quan liêu được xem là một tầng lớp ưu tú của xã hội; họ có chức năng “mục dân”, “sự dân” (chăm lo, phục vụ nhân dân); nhưng cũng là tầng lớp có quyền lực thống trị, sai khiến dân (sự dân).
Nhìn chung, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các vương triều thế kỷ XVII - XIX đối với Thăng Long - Hà Nội vẫn dựa vào quan niệm truyền thống “trọng nông, ức thương”, “trọng bản, ức mạt”, “Trọng nghĩa, khinh Lợi”. mà chưa thấy được lưu thông phân phối là công đoạn chủ yếu trong sản xuất kinh doanh. Quan chức đương thời đã theo quam điểm “Tín nhi, hiếu cổ” để khước từ mọi thay đổi; đây được coi là nguồn gốc dẫn đến tư tưởng thủ cựu, là nguyên nhân sâu xa của những trì trệ xã hội kéo dài ở đô thị Thăng Long.
Chính sách nông nghiệp của các triều đại từ thời Lê - Trịnh luôn tuân theo nguyên tắc “trọng nông”, công hữu đất đai. Nhà Vua đảm bảo cho thần dân nền kinh tế mưu sinh; tự sản tự tiêu; sau khi nộp tô, thuế còn vừa đủ để duy trì cuộc sống tối thiểu của gia đình. Mấu chốt chính sách là phép quân điền, ruộng đất cấp cho dân được phân chia lại theo định kỳ. Tuy nhiên, cùng với gia tăng nông sản hàng hoá, phát triển tư điền trong thế kỷ XVIII - XIX, đã dần kéo theo sự phá sản của phép quân điền, tạo thế giằng co, bất ổn; buộc các triều đại sau phải điều chỉnh bằng thuể công điền,tư điền và thuế thân, thuế lao dịch gọi là “ tô - duy - diệu”..
Đối với phát triển tiểu thủ công nghiệp, bản thảo đã làm nổi bật bộ phận kinh tế nhà nước với các quan xưởng và chế độ công tượng được Triều đình thiết lập để đáp ứng nhu cầu kinh tế, quốc phòng và sinh hoạt của bộ máy nhà nước. Chế độ công tượng cưỡng chế được áp dụng phổ biến để tập trung thợ theo lối quân sự hoá. Các quan xưởng và việc duy trì chế độ công tượng khắt khe ở Thăng Long thực chất đó là hình thức cưỡng bức siêu kinh tế.
Trong thủ công nghiệp dân gian, người thợ dược hưởng một quy chế tương đối tự do hơn so với công tượng. Ngoài nghĩa vụ nộp thuế, làm gia công và bị trưng dụng khi cần thiết, người làm nghề thủ công được tự do sản xuất và bán sản phẩm làm ra. Trong tổ chức sản xuất; phụ thuộc theo nghề, những người sản xuất ở những phường, thôn lập ra tượng cục; đó là một loại hình liên kết theo kiểu hợp tác. Tuy không bị kiểm soát chặt chẽ như chế độ công tượng, song việc áp dụng chế độ thuế thổ sản biệt nạp, thể hiện sự khống chế và cưỡng bức siêu kinh tế, đã làm nghiêm trọng thêm thế cân bằng lưỡng nguyên đối trọng nhà nước-nhân dân trong phát triển kinh tế đô thị.
Thế kỷ XVII - XIX, Thăng Long - Hà Nội là một đô thị sống chủ yếu bằng buôn bán trong điều kiện hàng hoá phát triển. Tại đây, sự đương diện, đối chọi giữa đường lối chính sách của nhà nước phong kiến và hiện thực xã hội đã diễn ra trực tiếp và gay gắt hơn nhiều vùng khác, đã tạo thành thế lưỡng nguyên đối trọng. Trước thế lưỡng nan giữa phát triển thương mại liên vùng và hoạt động của những trạm tuần ty và hà lạm trong thu thuế; nhà nước phong kiến tìm cách dung hoà, nhưng vẫn không thể thoát khỏi cơ chế “trọng nông, ức thương” khiến kinh tế đô thị không thể vượt lên.
Chính sách giao thương buôn bán với nước ngoài được tập trung phân tích. Mặc dù có những nhân tố đáng kể để mở mang phát triển, song với chính sách khắt khe về buôn bán và giao tiếp với người nước ngoài, Thăng Long - Hà Nội đã không có được những người buôn lớn, không tạo được những luồng giao thương xuyên quốc gia và những tuyến buôn bán đường dài. Điều đáng tiếc là, trong hoạt động ngoại thương, nhân tố Hoa kiều lại là nét đặc trưng cơ bản của kinh tế đô thị. Dựa vào ưu thế vốn, thủ đoạn buôn bán khôn ngoan, xảo quyệt và lợi dụng được chính sách “bế quan, toả cảng”, Hoa kiều ở Thăng Long Hà Nội đã tìm mọi cách để nắm độc quyền trong những ngành hàng xuất khẩu ở đây.
Sau cùng, chính sách quản lý xã hội được đề cập đã thể hiện rõ nét về một thượng tầng ý thức của chủ nghĩa nhà nước toàn trị trong các vương triều phong kiến đương thời. Việc quản lý xã hội đã thực hiện bằng biện pháp đức-lễ, hành pháp và thông qua trách nhiệm cộng đồng. Thăng Long Hà Nội đã thực thi chính sách quản lý xã hội thông qua cộng đồng tự quản, tự tổ chức và điều hành những công việc nội bộ. Chính quyền không can thiệp vào các hoạt động kinh tế - xã hội của dân sở tại, nhưng nắm tình hình và kiểm soát chặt chẽ các cộng đồng dân cư.
II. Khía cạnh bình luận
Từ những nội dung cốt lõi khá tâm đắc nêu ra ở phần nội dung công trình, chúng tôi nhận thấy:
- Thăng Long Hà Nội là đô thị lớn nhất cả nước trong nhiều thế kỷ, được coi là mẫu hình của xã hội Việt Nam truyền thống, Trong 3 thế kỷ (XVII-XIX) đầy biến động; những tiềm năng cơ hội phát triển kinh tế có nhiều; nhưng những mâu thuẫn, khủng hoảng diễn ra lại đầy phức tạp. Tổng kết làm rõ được những vấn đề kinh tế xã hội của Thăng Long Hà Nội ở giai đoạn này có thể phản ánh được cấu trúc và sự vận hành của kinh tế - xã hội cả nước. Độc giả mang nhiều kỳ vọng về tiêu đề cuốn sách nêu ra
- Các chương mục và nội dung đề cập của bản thảo đã để lại những ấn tượng tốt về nguồn tư liệu phong phú. Cuốn sách là một tư liệu tham khảo bổ ích cho giới nghiên cứu, để gạn đục khơi trong, tìm hiểu và rút ra được những bài học từ vấn đề tuy xưa, nhưng có ích để vận dụng trong nghiên cứu, xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội lâu dài.
- Đời sống kinh tế xã hội của thời gian dài, quá xa ngày nay là một phức hợp không dễ nắm bắt; càng khó khăn hơn khi những hiện tượng lịch sử đã được biên tập, chỉnh sửa qua nhiều bộ biên niên sử không còn tồn tại với đúng bản chất thật sự. Với tham vọng nhìn về thực trạng kinh tế xã hội Thăng Long Hà Nội trong 3 thế kỷ, nhóm tác giả đã tìm cách tiếp cận lịch sử từ những góc nhìn khách quan thông qua những nguồn tư liệu lịch sử chính thống, phi chính thống, trong dân gian và những học giả phương Tây như những chứng nhân thời đại.
- Không gian Thăng Long Hà Nội xưa là một cấu trúc phức hợp với đường biên luôn co giãn, thay đổi qua từng giai đoạn lịch sử có nhiều biến động, Nhóm tác giả đã giới hạn vấn đề nghiên cứu, khảo sát để công bố trong khuôn khổ nhân lõi cứng của phố phường đô thị, chấp nhận sự thiếu cập nhật của cả khu vực ngoại vi với dân số và đất đai gấp nhiều lần là cách làm hợp lý, không cầu toàn, sẽ là có ích khi nguồn tư liệu đủ để bổ sung, hoàn thiện ở giai đoạn sau.
- Ba thế kỷ của một thời kỳ lịch sử có nhiều xáo động, những biến cố dồn dập cùng với sự mở rộng của hoạt động thương mại quốc tế, chính sách kinh tế xã hội của các vương triều luôn thay đổi; những nguồn tư liệu Hán Nôm lưu giữ được dịch thuật về kinh tế xã hội không nhiều. Có lẽ vì hạn chế này, buộc các tác giả sử dụng đến nhiều tư liệu cận đại hoặc những tác giả nước ngoài viết về Thăng Long Hà Nội.
Thái độ khách quan của nhóm tác giả thể hiện thông qua việc xử lý tư liệu, cố gắng sàng lọc để tìm được những điểm chung dễ chấp nhận, đồng thời đưa ra những dị biệt mà chưa kết luận. Ý kiến gợi mở để cùng trao đổi thảo luận là một cách làm nghiêm túc, đáng để trân trọng. Một sự đối thoại, lắng nghe chân thực với quá khứ lịch sử sẽ không bao giờ thừa như lời kết của cuốn sách có lẽ là điều cần suy ngẫm để thẩm định cuốn sách này.
Với tinh thần khiêm tốn nhóm tác giả cũng cho rằng, những luận điểm nêu ra của bộ sách sẽ tạo nhịp cầu bắc nối nhận thưc giữa quá khứ và hiện tại là việc làm rất đáng trân trọng. Với ý thức này, vì một Thăng Long ngàn năm lịch sử, để làm thấu tỏ ngọn nguồn của kinh tế xã hội nơi đây, nên chăng sau khi cuốn sách ra đời, các cơ quan hữu quan nên tiếp tục việc nghiên cứu, khảo cứu để làm phong phú thêm nguồn tư liệu hiện hữu.
III.Một vài suy nghĩ đóng góp
Với chủ đề Kinh tế xã hội đô thị Thăng Long Hà Nội, khi đọc bản thảo này cảm nhận đầu tiên thấy hơi nặng về địa chí và những sự kiện, nên chủ đề kinh tế xã hội có bị dàn trải. Với kết cấu 5 chương, nên chăng có thể kết hợp, đưa phần I diện mạo và kết cấu đô thị của chương II vào chương Những nền tảng tự nhiên - xã hội - lịch sử của sự hình thành và phát triển của đô thị Thăng Long Hà Nội, để có thể làm sâu sắc hơn vấn đề kinh tế đô thị.
Trên tinh thần chủ đạo của cuốn sách là những vấn đề kinh tế và xã hội, nên chăng một số nội dung quá chi tiết của chương IV có thể đưa về chương II và III; và nếu cần, có thể phân 2 chương này thành một số chương để làm nổi bật vấn đề cần làm rõ.
Trong biên tập, đặc biệt ở lời giới thiệu còn quá nhiều lỗi in ấn dẫn đến hiểu sai. Ví dụ trang 6 (các thời ngực trị của lối đủ duy màn hình den trắng..., thư đô của nước Việt Nam....) trang 7 (dùng để khảo ta đô thị, thầm dân, tở ra xô cứng...), trang 8 ( ở chương cuốn sách, chưa sách vượt được..., sáng vai cùng bè bạn...), trang 45 (phương thức tịnh tiến...); số liệu sử dụng cũng cần cập nhật chuẩn hơn ví dụ tỷ lệ nông dân hiện nay xấp xỉ 75% (trang 345).
|