|
TS. Lê Văn Hoạt viết ngày 23/08/2011
Tôi đã nhận được bản sơ thảo cuốn sách “Thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội ” do PGS Nguyễn Lang biên soạn, được nhà xuất bản Hà Nội gửi đến xin ý kiến nhận xét, góp ý. Sau khi nghiên cứu toàn văn, đối chiếu với yêu cầu của Đề cương nghiên cứu, tôi có một số ý kiến nhận xét, góp ý như sau :
1. Bản sơ thảo cuốn sách đã bám đúng chủ đề, thực hiện đúng các nội dung cơ bản theo đề cương nghiên cứu.
2. Những điểm góp ý của Hội đồng nghiêm thu đề cương lần cuối đã được tác giả tiếp thu, chính sửa. Phạm vi nghiên cứu cơ bản đã được mở rộng ra trên địa bàn Thủ đô Hà Nội sau hợp nhất.
3. Hệ thống tư liệu, tài liệu khá phong phú; Cấu trúc trình bày (các chương mục) phù hợp;
4. Cuốn sách đã cơ bản định hình .
Tuy nhiên, Đề nghị tác giả quan tâm thêm một số điểm sau đây khi bổ sung, hoàn thiện:
1. Cần rà soát lại một cách tổng thể để khắc phục nhiều chỗ viết trùng lặp, một số chỗ trình bày hơi dàn trải.
2. Về tổng thể các chương, mục là hợp lý nhưng cách trình bày trong từng chương, mục có cùng tính chất thì chưa nhất quán nên người đọc có cảm giác thiếu hụt, không logic. Thí dụ :
* 6 thời kỳ lịch sử phát triển của thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng long đến Hà Nội trình bày ở chương I có cấu trúc trình bày không giống nhau. Nên chăng, mỗi thời kỳ nên thống nhất cấu trúc trình bày:
+ Bối cảnh lịch sử (hoàn cảnh khách quan), trong đó đặc biệt chú ý đến những chủ trương, chính sách của nhà nước trong từng giai đoạn ấy; yếu tố “thành” và yếu tố “thị” tác động tích cực, tiêu cực đến phát triển thủ công nghiệp, công nghiệp trong mỗi thời kỳ như thế nào;
+ Tình hình và kết quả phát triển thủ công nghiệp, công nghiệp;
+ Những điểm đáng chú ý (các đặc trưng) trong phát triển thủ công nghiệp, công nghiệp mỗi thời kỳ? ( về điểm này trong bản sơ thảo có thời kỳ thì nêu có thời kỳ lại không nêu).
* Thời kỳ cải tạo và phát triển kinh tế (1958-1960) nặng về đưa ra các số liệu nhưng không trình bày toát lên được chủ trương cải tạo và nội dung cải tạo.
* Dung lượng trình bày trong các thời kỳ cũng chênh lệch nhau nhiều quá. Thí dụ viết về các làng nghề dệt, nhuộm, thêu, may (trang 49-53), một số làng nghề trình bày rất sơ lược, nhưng một số làng nghề (làng nghề dệt lụa Vạn Phúc chẳng hạn) thì viết quá dài, quá chi tiết. Một số làng nghề và phố nghề khi trình bày có sơ lược lịch sử phát triển xưa và nay nhưng một số làng nghề (chẳng hạn như một số làng nghề chế biến lương thực thực phẩm) lại chỉ có nay, mặc dù làng nghề đó có bề dày lịch sử phát triển…
Tất cả những điều đó làm cho độc giả cảm thấy tác giả có gì, thu thập được gì thì trình bày thế chứ không có mục tiêu định trước một cách rõ ràng.
1. Trang 29 khi trình bày nguyên nhân của những khó khăn trong phát triển công nghiệp giai đoạn 1976-1985, tác giả viết đoạn“Đồng thời vì các xí nghiệp phải chịu một sự hao mòn hữu hình và vô hình rất lớn nên ảnh hưởng xấu đến nhiệm vụ đảm bảo hiệu quả của sản xuất kinh doanh”. Cần cân nhắc thêm nhận định này.
2. Trong lần góp ý cho đề cương, tiến sỹ Chu Tiến quang có gợi ý nên sử dụng các hộp tư liệu, các mô hình. Tuy nhiên các sử dụng hộp tư liệu trong bản sơ thảo này khá nặng nề, kém hiệu quả.
3. Trong chương II, Tác giả thống nhất trình bày theo kết cấu: Giới thiệu nghề; một số làng nghề, phố nghề; một số Công ty, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh nghề. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu như tác giả đưa ra tiêu chí thống nhất để chọn, giới thiệu một số Công ty, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh nghề. Do không đưa ra tiêu chí chọn các cơ sở kinh doanh điển hình để giới thiệu nên có cảm giác vừa thừa, vừa thiếu.
4. Trong mục phố nghề chế biến lương thực – thực phẩm nên bổ sung phố Tống Duy Tân (phố ẩm thực).
5. Trong mục XIII (trang 146-169) viết về ngành công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin tác giả lại trình bày quá dài, thiếu sức khái quát và thiên về trình bày sự phát triển của ngành điện tử - công nghệ thông tin của Việt Nam chứ không phải của Hà Nội.
6. Chương III viết còn quá sơ sài.
7. Mặc dù đề cương đã xác định chọn trình bày 11 nhóm nghề (xem kết luận của Hội đồng nghiệm thu đề cương) nhưng tôi vẫn thấy băn khoăn nếu bỏ qua sự phát triển của hai nghề: Cơ khí; sản xuất vật liệu xây dựng.
Xin mạnh dạn góp ý để tác giả xem xét thêm khi bổ sung, hoàn thiện bản thảo cuốn sách.
|
|
TS. Đinh Hạnh viết ngày 23/08/2011
Bản thảo của đề tài “Thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội” đã tiếp thu và chỉnh sửa nhiều so với đề cương ban đầu đã được Hội đồng nghiệm thu đề cương chi tiết góp ý, như phạm vi địa giới hành chính của Thăng Long - Hà Nội có liên quan đến nội dung của đề tài; cách phân kì, phương pháp diễn đạt nội dung sao cho súc tích để độc giả dễ cảm nhận được những nét tinh hoa, đặc sắc trong ngành nghề truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.
Tuy nhiên để cho “Thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội” xứng đáng được đưa vào Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” - theo tôi cần bổ sung và làm rõ một số điểm sau đây:
1. Về cách trình bày, cách viết:
- Theo tôi, viết theo dạng giới thiệu sách cho Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, chứ không viết theo dạng tác phẩm sách.
- Trình bày các nghề, làng nghề, phố nghề... trong bản thảo trùng lắp nhiều lần, lắp đi lắp lại (thể hiện qua các trang: 12, 17, 18, 19, 20, 21, 46, 47, 48, 49...) mà nên tập trung vào một mục giới thiệu về nghề, làng nghề, phố nghề... đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội. Tránh một địa danh, một nghề mà nhắc đi, nhắc lại nhiều lần dễ gây phản cảm và nhàm chán.
- Nên lược bỏ bớt những danh nhân, những nghề mà địa danh quá xa Hà Nội, như: Thừa Thiên (trang 20, 21), Quảng Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Nam - Đà Nẵng, Gia Định, Bình Định...
2. Cần bổ sung tình hình, những biến đổi về ngành nghề do sắp xếp lại tổ chức quản lí, như: Các tập đoàn, các Tổng công ty, công ty đã được sáp nhập, tổ chức lại, đã thay đổi tên, đã cổ phần hoá... Hàng loạt công ty và tổng công ty mà bản thảo có ghi nay đã không còn nữa!
Một số hiệp hội lớn, được Chính phủ “xếp hạng” cao lại không thấy có trong bản thảo, trong khi các hiệp hội, hội “bé” lại ghi rất hoành tráng, như: Hiệp hội danh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Hà Nội không thấy có, khi Hiệp hội sản xuất kinh doanh thuốc thú y Việt Nam, Hội các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dây dẫn điện Hà Nội lại đưa vào sách...
3. Đề tài viết vào thời điểm kinh tế thế giới và Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng. Nên bổ sung tình hình và tác động của nó đối với công nghiệp và thủ công nghiệp Hà Nội hiện nay.
4. Bản thảo của đề tài lần này vẫn chưa khắc phục được cách viết ở một số mục của chương III - Một số định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Đó là cách viết theo kiểu “lời khuyên”, như: “Cần phải quán triệt” (tr173, 174), “cần lưu ý”, “cần được gắn với...”, “cần mở rộng”, “cần xây dựng”, “cần có giải pháp” (trang 174, 176, 178, 182, 183...).
5. Bản thảo đề tài “Thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội” đã tham khảo, chép lại rất nhiều tư liệu từ tập “Kinh tế Thăng Long - Hà Nội 1000 năm (1010 - 2010)” trong công trình Bách khoa toàn thư Hà Nội gồm 18 tập đã được xuất bản năm 2006 và tái bản năm 2008 (Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin), nhưng tác giả không hề nhắc đến hoặc ghi lại trong Tài liệu tham khảo là không minh bạch.
Yêu cầu tác giả của đề tài này cần bổ sung vào Tài liệu tham khảo trước khi do nghiệm thu và xuất bản.
|
|
GS.TS. Vũ Đình Bách viết ngày 21/08/2011
Qua bản đề cương chỉnh sửa sau nghiệm thu có thể thấy PGS. Nguyễn Lang chủ nhiệm của công trình Thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, và đã sửa chữa bản đề cương theo hướng kết luận của Hội đồng. Điều này đã thể hiện trên những nét sau đây:
1. Đề cương đã bổ sung thêm phần giới thiệu những đặc điểm của mảnh đất Thăng Long đã có ảnh hưởng đến quá trình hình thành thủ công nghiệp, công nghiệp cũng như ảnh hưởng đến tính chất tiêu dùng của sản phẩm làm ra.
2. Nội dung của chương II “Sự phát triển của một số ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp và công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội” đã được mở rộng rất nhiều so với bản thảo đề cương ban đầu. Mục tiêu cũng như nội dung nghiên cứu của chương này cũng đã được xác định rõ ràng. Kết cấu các mục của chương khá hợp lý. Nó không chỉ trình bày tổng quan quá trình phát triển các ngành nghề (13 ngành nghề), mà còn phần giới thiệu các làng nghề, phố nghề… Điều đó giúp cho người đọc thấy được những nét văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.
3. Kết cấu, nội dung của chương III đã thay đổi cơ bản. Thay vì “Một số bài học kinh nghiệm ban đầu” (như đề cương ban đầu) bằng “Một số định hướng phát triển công nghiệp Hà Nội” như vậy là hợp lý.
4. Đề cương không chỉ dừng ở mức chung chung mà đã trình bày khá chi tiết.
5. Tóm lại kết cấu cũng như nội dung đề cương của cuốn sách “Thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội” là phù hợp với yêu cầu đặt ra đối với một công trình giới thiệu về thủ công nghiệp và công nghiệp trong dịp 1000 năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội, góp phần giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội qua những sản phẩm của ngành thủ công nghiệp và công nghiệp ở Thăng Long - Hà Nội.
|
|
TS. Lê Văn Hoạt viết ngày 21/08/2011
Tại bản góp ý lần I cho đề cương sơ bộ của đề tài tôi đã góp ý về 8 điểm cụ thể. Tuy không tham dự được phiên họp của Hội đồng nghỉệm thu đề cương để có cơ hội trình bày kỹ hơn những quan điểm của mình, nhưng nhiều điểm đã được nhóm nghiên cứu tiếp thu trong bản đề cương nghiên cứu chi tiết lần này. Tuy nhiên, cùng với những ý kiến góp ý vào nội dung bản đề cương nghiên cứu lần này, tôi xin chuyển lại cả bản góp ý lần trước để các đồng chí tham khảo cho có hệ thống (văn bản kèm theo)
Bản đề cương lần này đã khá chi tiết và bám theo những kết luận của hội đồng nghiệm thu đề cương lần trước. Do đây là đề cương chi tiết nên tôi hình dung toàn bộ cuốn sách sẽ được trình bày các nội dung và theo trình tự đã thể hiện trong đề cương.
Tôi đề nghị quan tâm thêm một số điểm sau :
1/ Phần mở đầu có cần thiết dài thế không? có cần trình bày cả 3 nội dung như trong đề cương ((1)Những đặc điểm của mảnh đất Thăng long Hà Nội; (2) Vấn đề địa giới hành chính của Thăng Long - Hà Nội trong nghiên cứu về thủ công nghiệp, công nghiệp của Thăng Long - Hà Nội và (3) Những đặc điểm cần lưu ý trong quá trình hình thành và phát triển của thủ công nghiệp và công nghiệp Thăng Long - Hà Nội).
Tôi rất tiếc là đề cương lần này cắt bỏ đi một mục rất quan trọng đó là khái quát những đặc trưng và các bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội.
Tôi đề nghị: Bỏ mục (3) định trình bày trong phần mở đầu theo đề cương chi tiết lần này và bổ sung thêm một chương (nếu có thể) sau chương I và II, hoặc một mục ở chương III về nội dung: Khái quát những đặc trưng và các bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội.
2/ Cũng trong lời nói đầu, tại điểm (1) các tác giả có nhấn mạnh đến một đặc điểm cơ bản của thị trường Thăng Long - Hà Nội là: “Hai là, nhu cầu tiêu dùng của triều đình là một loại nhu cầu có tính ổn định, đòi hỏi một sản lượng lớn” . Tôi đề nghị ghi thêm “và có chất lượng cao”.
3/ Nếu vẫn giữ nội dung (3) ở trong lời nói đầu thì đề nghị cần lưu ý khi viết:
- Bỏ hai từ "Hà Nội" trong câu: “Công nghiệp Hà Nội là ngành sản xuất có đặc điểm là từ những giá trị sử dụng ban đầu (nguyên vật liệu), qua việc ứng dụng những phương pháp chế biến thích hợp, đã thu được những giá trị sử dụng mới (thành phẩm) không có sẵn trong tự nhiên " (đầu tiên ở mục 3).
- Trong những đặc điểm nổi bật của Thủ công nghiệp, công nghiệp Hà Nội, các tác giả cần chú ý đến đặc điểm: Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi tập trung những ngành nghề thủ công truyền thống với kỹ thuật tinh xảo.
4/ Trong chương I: Tôi đề nghị cân nhắc kỹ hơn trong việc lựa chọn phân kỳ lịch sử phát triển của Thủ công nghiệp, công nghiệp Hà Nội. Ngoài cách phân kỳ như đề cương (6 kỳ) có thể tham khảo một số cách phân kỳ sau đây:
- Giai đoạn từ 1010 - 1888: Giai đoạn Phong kiến
- Giai đoạn 1888 - 1954 : Giai đoạn thuộc Pháp
- Từ 1955 - 1985 : Giai đoạn phát triển theo mô hình kế hoạch hóa tập trung
- Giai đoạn 1986 - 2010 : Giai đoạn đổi mới, phát triển kinh tế thị trường
Đương nhiên là trong mỗi giai đoạn sẽ được chia thành những đoạn nhỏ hơn
5/ Dù lựa chọn cách phân kỳ nào thì giai đoạn đầu (thời kỳ phong kiến) cũng nên lấy điểm cuối kỳ vào năm 1888 chứ không phải mốc năm 1858 như đề cương. Bởi vì năm 1958 là năm Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược nước ta, quá trình xâm chiếm Hà Nội từ 1874 (năm Pháp mới có được khu nhượng địa ở phía Đông ven sông Hồng) và kết thúc vào năm 1888 với việc triều Nguyễn đồng ý chuyển toàn bộ Thành Hà Nội thành nhượng địa của Pháp. Như vậy, thời kỳ thuộc Pháp của Hà Nội phải bắt đầu từ năm 1888.
6/ Khi trình bày nội dung từng giai đoạn, ngoài việc chú ý đến những đặc điểm nổi bật trong từng thời kỳ như đề cương đã nêu, đề nghị cố gắng thống nhất phân tích các nội dung: Quy mô, tốc độ, cơ cấu ngành, đặc điểm về tổ chức sản xuất thủ công nghiệp và công nghiệp trong từng thời kỳ.
7/ Riêng giai đoạn phát triển từ 1986 đến nay cần tập trung nghiên cứu sâu và có thể phân ra làm 3 giai đoạn nhỏ :
- 1986 - 1990: Giai đoạn mò mẫm, thử nghiệm các chính sách đổi mới
- Giai đoạn 1990 - 2000: Giai đoạn hình thành, thực hiện các chính sách đổi mới (chủ yếu theo chiều rộng)
- Giai đoạn 2001 - 2010 Giai đoạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới (đổi mới theo chiều sâu)
8/ Phần định hướng ở chương III thực sự còn hạn chế, cần nghiên cứu kỹ và bổ sung thêm. Cố gắng tranh thủ các kết quả nghiên cứu đã có của Thành phố như Chiến lược phát triển kinh tế Thủ đô; Quy hoạch phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội; Quy hoạch phát triển công nghiệp; Kinh tế hàng hóa Thăng Long Hà Nội - Kinh nghiệm phát triển; và nhiều công trình đã nghiên cứu khác, có liên quan. Trong đó chú ý: Định hướng cơ cấu ngành công nghiệp Thủ đô (cơ cấu ngành, cơ cấu các thành phần kinh tế), định hướng tổ chức và bố trí sản xuất (tổ chức không gian công nghiệp); định hướng chiến lược sản phẩm; định hướng kỹ thuật và công nghệ vv…
Trên đây là một số điểm xin mạnh dạn đề xuất để nhóm nghiên cứu tham khảo thêm.
|
|
TS. Đinh Hạnh viết ngày 21/08/2011
1. Đề cương của đề tài “Thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội” đã được chỉnh sửa sau nghiệm thu lần thứ nhất, cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu của cơ quan quản lý và cơ quan chủ trì đề tài nêu ra.
- Chủ nhiệm đề tài đã có Lời nói đầu, nêu rõ phạm vi của đề tài, nội dung nghiên cứu, địa giới hành chính mở rộng có liên quan cũng như các phạm trù mà tác giả sẽ đề cập trong các chương, mục của đề tài. Đây là sự đề cập cần thiết để độc giả đỡ phần tranh luận khi tham khảo đề tài này.
- Về nội dung trong các chương, mục đã phản ánh tương đối đầy đủ quá trình hình thành và phát triển của thủ công nghiệp, công nghiệp của Thăng Long - Hà Nội. Tác giả đã khái quát được lịch sử phát triển qua các thời kỳ, đi từ cấp độ 1 - Tổng quan, đến cấp độ 2, cấp độ 3: chi tiết từng ngành nghề, phố nghề, làng nghề, các công ty tiêu biểu…
- Phương pháp nghiên cứu, tiếp cận với nội dung của đề tài: khoa học, rõ ràng và dễ hiểu. Cách trình bày gọn gàng, súc tích với nội dung phong phú.
2. Cần bổ sung và hoàn thiện một số nội dung sau đây:
- Nếu rõ đặc điểm của Thủ công nghiệp và công nghiệp ở Thăng Long - Hà Nội, xưa và nay, khác gì với các tỉnh và thành phố khác, từ đó có liên quan đến chương III - Một số định hướng phát triển Công nghiệp Hà Nội trong thời gian tới; Trong đó cần đề cập đến công nghiệp Trung ương (chiếm tới ¾ về số lượng và quy mô) trên địa bàn thành phố Hà Nội - Mối quan hệ với công nghiệp địa phương và vai trò quản lý của chính quyền thành phố Hà Nội.
- Nên trình bày cụ thể sát với nội dung của Thủ công nghiệp và công nghiệp của Hà Nội; nếu có trích nghị quyết thì trích nghị quyết của Thành ủy Hà Nội qua các kỳ Đại hội nói về phát triển Thủ công nghiệp và công nghiệp của Thủ đô (bớt trích nghị quyết Trung ương vì Hà Nội vận dụng nghị quyết Trung ương vào tình hình cụ thể của Hà Nội).
- Cần lý giải rõ ràng các sự kiện và nhận định đưa ra, ví dụ như: Tại sao các doanh nghiệp công nghiệp của Hà Nội lại chuyển dời về các tỉnh bạn? Do yêu cầu về môi trường? Do giá đất? Do thủ tục hành chính ở Hà Nội quá phiền hà?...
- Chương III: Một số định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nội -> Không rõ thời gian đến bao giờ.
- Trong chương II, mục 6 có tiêu đề: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp thời kỳ 2001 - 2010; Vậy thì định hướng phát triển công nghiệp Hà Nội dự định trình bày ở chương III có phải từ 2010 đến 2020 hay không? Trước khi xác định định hướng phát triển công nghiệp Hà Nội trong thời gian tới cần phải phân tích định hướng và cơ cấu phát triển kinh tế của thủ đô đã được chuyển dịch và thay đổi so với trước đây (trước đây công nghiệp được xếp ưu tiên hàng đầu, nay ở vị trí thứ hai - sau dịch vụ và du lịch. Trong cơ cấu phát triển công nghiệp cũng có sự thay đổi, chủ yếu cho công nghiệp sách, công nghệ diện tử, công nghệ cao…) (Xem Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XIV).
- Chương III: Một số định hướng phát triển công nghiệp Hà Nội lại ghi “…để thực hiện Nghị quyết Đại hội IV, Đại hội V, …” hoặc “…Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII” thì quá lạc hậu (trang 22 của Đề cương).
3. Về cách viết:
- Đây là đề cương chi tiết của đề tài, do chủ nhiệm đề tài soạn thảo chứ không phải bản nhận xét hay ý kiến đóng góp của đồng nghiệp nên tránh dùng các cụm từ “cần làm rõ”, “cần lưu ý”, “không nên quá lệ thuộc”, … (trang 2, trang 4 và trang 5 của đề cương). Tác gỉa nói thẳng quan điểm của mình chứ không phải bằng “lời khuyên”, “nên” hay “cần”.
- Về tên của chương I, thay chữ “lên” bằng dấu phẩy (,): Sự hình thành và phát triển của thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội. Vì thủ công nghiệp và công nghiệp là hai phạm trù khác nhau, luôn song song tồn tại chứ không phải là hai giai đoạn trước - sau, chỉ khác nhau về cấp độ, quy mô, công nghệ,…
Trên đây là một vài ý kiến đóng góp của tôi để chủ nhiệm đề tài tham khảo. Rất mong sự lượng thứ nếu có ý kiến nào đó không được tác giả vừa lòng.
|
|
PGS.TS. Chu Tiến Quang viết ngày 21/08/2011
Sau khi đọc bản đề xuất các nội dung chính của đề tài “Thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội” đã được sửa chữa, bổ sung, tôi có một số ý kiến sau.
1. Về tên Đề tài
Tôi thấy vẫn nên đặt lại tên đề tài theo hướng “Những chặng đường phát triển thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội” để làm rõ hơn chủ đích của đề tài này và thích ứng với những nội dung sẽ trình bày theo đề cương này.
2. Về bố cục và nội dung các chương
Lần này, Tác giả đề xuất 3 chương và Lời nói đầu, trong đó:
- Lời nói đề cập các nội dung về: đặc điểm đất Thăng Long; đặc điểm của quá trình hình thành và phát triển thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội;
- Chương I đặt tên “Sự hình thành và phát triển của thủ công nghiệp lên công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội” đề cập về: thủ công nghiệp Thăng Long dưới chế độ Phong Kiến (1010-1858); CN và TTCN Hà Nội dưới thời Pháp thuộc (1858-1954); CN và TTCN thời kỳ 1955-1975; CN, TTCN thời kỳ 1976-1985; CB, TTCN thời kỳ 1986-2000; CN, TTCN thời kỳ 2001-2010;
- Chương II đặt tên “ Sự phát triển của một số ngành nghề TTCN và CN từ Thăng Long đến Hà Nội” đề cập sự phát triển của 13 lĩnh vực ngành nghề CN, TTCN của Hà Nội từ Thăng Long đến nay
- Chương II đặt tên “ Một số định hướng phát triển CN Hà Nội” đề cập các nội dung: tổ chức lại sản xuất CN Hà Nội để thực hiện NQ Đại hội IV, Đại hội V về tổ chức lại sản xuất xã hội; Tăng hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của CN Hà Nội để thực hiện NQ của Hội nghị lần thứ 4 Ban CHTW Đảng khóa VIII; đưa TTCN Hà Nội lên trình độ công xưởng hiện đại bằng các giải pháp thích hợp với đặc điểm kinh tế-kỹ thuật của từng ngành hàng; phát huy chức năng quản lý theo ngành kinh tế kỹ thuật đối với CN trên địa bàn.
Với bố cục trên đây, đề xuất lần này đã làm rõ hơn rất nhiều những nội dung cần đề cập trong đề tài theo tên gọi đã xác định. Tác giả đã chi tiết hóa được rất nhiều nội dung cần trình bày về TTCN và CN của Hà Nội qua các thời kỳ từ Thăng Long đến nay, đặc biệt là những nội dung về sự phát triển của 13 lĩnh vực, ngành nghề TTCN của Hà Nội (chương II).
Về cơ bản, Tôi thấy bản đề xuất đã phản ánh được những góp ý của Hội đồng trong lần họp trước và phản ánh khả năng của nhóm tác giả trong việc triển khai thành công nghiên cứu đề tài này. Tuy nhiên, về bố cục cần bổ sung thêm kết luận của đề tài.
3. Về một số một số vấn đề cần làm rõ hơn trong khi viết đề tài này
3.1. Trong lời nói đầu
Vì kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là một cuốn sách mang tính lịch sử kinh tế, cụ thể là lịch sử phát triển kinh tế TTCN và CN của Hà Nội từ Thăng Long đến nay. Vì vậy, Lời nói đầu cần được viết như một bản tóm tắt các nội dung cơ bản của cuốn sách này, khái quát đầy đủ các nét chính của sự phát triển TTCN và CN của Hà Nội từ thời kỳ Thăng Long đến nay với những đặc điểm về: phương thức hình thành các làng nghề, phố nghề TTCN; sự hình thành các điểm CN tập trung; sự lan tỏa, kết nối TTCN Thăng Long- Hà Nội với các TTCN các vùng lân cận qua các giai đoạn phát triển.
3.2. Trong chương I
a. Cần lưu ý cụm từ “phát triển của TCN lên CN” ở tên của chương, theo tôi sự phát triển của TCN và sự phát triển của CN là hai vấn đề khác nhau, có cơ sở lịch sử kinh tế không giống nhau, vì vậy nếu viết phát triển TCN lên CN thì e rằng sẽ gây ra hiểu lầm là con đường phát triển TCN sẽ tiến CN. Thực tế cho thấy không như vậy, các ngành nghề TCN trải qua nhiều năm phát triển nhưng vẫn tồn tại với những nét văn hóa riêng của nó, không bị công nghiệp hóa một cách cơ học. Mặt khác trong nội dung trình bày cung không thấy sự chuyển hóa của TCN lên CN như thế nào. Vì vậy nên cân nhắc tên gọi của chương này cho phù hợp
b. Cân nhắc ký hơn những hạn chế của TCN thời phong kiến (1010-1858) như giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung quốc, triều đình phong kiến, quy mô sản xuất hộ nhỏ…Phải chăng đây là những đặc điểm riêng của phát triển TCN của Hà Nội ở thời kỳ Thăng Long, phản ánh những nét văn hóa riêng của người Tràng An trong phát triển TCN cần được khai thác, việc trích Nghị quyết Hội nghị V khóa IX vào đây là không phù hợp.
c. Trong trình bày sự phát triển TCN và CN Hà Nội qua các thời kỳ nên tập trung miêu tả trung thành sự phát triển thực tế, tránh sa đà vào đánh giá cơ chế, chính sách, như vậy nội dung sẽ hấp dẫn hơn, không khô khan, đồng thời cho phép cách viết phong phú, chứa đựng nội dung hình tượng cao.
3.3. Trong chương II.
Trong trình bày sự phát triển của 13 lĩnh vực, ngành nghề TCN và CN của Hà Nội cần mô tả rõ các hình thức tổ chức sản xuất, phương thức lan tỏa nghề và sản phẩm, qua đó phân tích, lột tả khía cạnh văn hóa của TCN và CN Hà Nội qua các thời kỳ như đã phân đoạn ở chương này.
3.4. Trong chương III. Có ba lưu ý sau
a. Cân nhắc cụm từ “Định hướng phát triển TCN và CN Hà Nội”, vì lẽ đề tài này khó đủ tầm đưa ra được định hướng cho sự phát triển sắp tới của CN Hà Nội, hơn nữa đây không phải là nhiệm vụ của đề tài này. Nên sử dụng cách viết mở, chẳng hạn như: “Con đường phía trước của TCN và CN Hà Nội”, hay “TCN, CN Hà Nội hướng tới tương lai”…
b. Nội dung chương này nên viết theo hướng phác họa bức tranh chung về TCN, CN của Hà Nội trong tương lai, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa và gìn giữ văn hóa dân tộc…không quá đi sâu vào các nội dung tổ chức sản xuất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh sản phẩm…vì đấy là những vấn đề khó, rộng mà đề tài này sẽ không đủ sức thực hiện thành công.
c. Bổ sung thêm nội dung về sự phát triển các chính sách hỗ trợ phát triển CN, TTCN của Chính quyền Hà Nội trong những năm gần đây để định hướng chính sách cho những năm tới.
Trên đây là một số góp ý của tôi, mong được các tác giả tham khảo để hoàn thiện thêm bản đề xuất lần thứ hai này.
|
|
Luella viết ngày 19/08/2011
Frnakly I think that's absolutely good stuff.
|
|
GS.TS. Vũ Đình Bách viết ngày 19/08/2011
Để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long việc biên soạn và xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” là hết sức cần thiết trong đó công trình nghiên cứu về công nghiệp và thủ công nghiệp là không thể thiếu được và có vị trí quan trọng.
Tuy là đề cương nhưng qua nội dung cho ta thấy đây là việc làm có suy nghĩ công phu. Đề cương đã xây dựng một khung nghiên cứu khá hoàn chỉnh gồm lời nói đầu và kết cấu 3 chương. Trong lời nói đầu đã giới hạn không gian nghiên cứu, những đặc điểm cần chú ý của quá trình phát triển Thăng Long – Hà Nội. Trong từng chương tuy chưa có phân mục cụ thể, chi tiết nhưng cũng đã nêu lên những yêu cầu cũng như gợi lên một số nội dung chính cần nghiên cứu cho từng chương (Ví dụ: như chương I: “Sự hình thành và phát triển của thủ công nghiệp lên công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội” đề tài đã đặt ra 3 yêu cầu và 6 nội dung lớn). Để góp phần hoàn chỉnh bản thảo xin có một ý kiến trao đổi sau đây.
1- Cần làm rõ mục đích (mục tiêu) đặt ra của công trình nghiên cứu. Điều này hết sức quan trọng vì cùng vấn đề nghiên cứu nhưng mục tiêu khác nhau sẽ có kết cấu nội dung và cả lối viết khác nhau. Đặc biệt viết về thủ công nghiêp và công nghiệp Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều công trình nghiên cứu nếu không dễ trùng lặp. Đây là việc chủ yếu đặt ra đối với người đặt hàng (Nhà xuất bản Hà Nội) cũng như người viết.
2- Trong lời nói đầu tác giả có đề xuất việc đổi tên đề tài (Từ tên đề tài “Công nghiệp Hà Nội những chặng đường phát triển” sang “Thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội”). Điều này theo tôi đổi tên cũng được mà không đổi tên cũng được vì theo tác giả phạm trù “thủ công nghiệp và công nghiệp” chỉ là tên gọi trong để chỉ giai đoạn phát triển khác nhau của ngành công nghiệp. Hơn nữa, việc đổi tên còn phụ thuộc vào mục tiêu nghiên cứu. Với tên đề tài do Nhà xuất bản đặt ra cách viết có thể không bị gò bó như tên đề tài do tác giả đề nghị sửa đổi.
3- Trong đề cương nên dành một mục hoặc một chương nói về những đặc điểm của Thăng Long - Hà Nội ảnh hưởng tới quá trình hình thành và phát triển thủ công nghiệp và công nghiệp Hà Nội.
4- Nhìn một cách tổng hợp giữa ba chương và đặc biệt yêu cầu và nội dung đặt ra cho 2 chương I và III thì thấy đề tài đã thiên về hướng một công trình nghiên cứu tìm ra chủ trương chính sách đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển công nghiệp Thăng Long - Hà Nội trong suốt thời gian lịch sử vừa qua. Việc mô tả quá trình phát triển công nghiệp gắn với những đặc điểm mang nét truyền thống văn hoá thể hiện qua đề cương còn hạn chế. Tuy nhiên đây chính lại là yêu cầu quan trọng đối với một công trình giới thiệu về công nghiệp trong dịp kỷ niệm 1000 năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp mang tính chất chung. Do đề cương chưa có mục tiêu của công trình và chưa có các mục cụ thể của từng chương nên việc góp ý chưa thể chi tiết.
|
|
TS. Lê Văn Hoạt viết ngày 19/08/2011
Do đây mới chỉ là bản đề cương sơ bộ nên chắc chắn là đến bản đề cương chi tiết sẽ còn nhiều điểm có thể và cần phải trao đổi thêm.
Trên cơ sở bản đề cương sơ bộ này, tôi xin có một số ý kiến như sau:
1. Về tên đề tài: Nhóm nghiên cứu đề nghị đổi tên thành “Thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội”. Đúng là tên mới này nghe hấp dẫn hơn nhưng chung chung quá, không thể hiện rõ được tư tưởng chủ đạo của đề tài mà Ban chủ nhiệm chương trình đã đặt ra. Hơn nữa, sử dụng chung từ “công nghiệp” là đủ chứ không cần phải thêm từ “thủ công nghiệp” vào tên đề tài.
2. Tại điểm (1) ở lời nói đầu, nhóm nghiên cứu có đưa ra khái niệm “công nghiệp”. Việc thống nhất nhận thức và làm rõ các khái niệm cơ bản trước khi nghiên cứu là rất cần thiết. Tuy nhiên, có đôi điều cần trao đổi thêm để cố gắng làm rõ hơn :
- Cần làm rõ những thuật ngữ có liên quan đến khái niệm “công nghiệp” trong điều kiện hiện nay và từ đó giới hạn rõ phạm vi nghiên cứu của đề tài đến đâu. Tôi đồng ý là: “thủ công nghiệp” và “công nghiệp” là hai khái niệm quen gọi thường để chỉ hai giai đoạn phát triển khác nhau về trình độ kỹ thuật, trình độ công nghệ của ngành công nghiệp. Thủ công nghiệp là công nghiệp chủ yếu được làm bằng tay, còn công nghiệp thường để chỉ giai đoạn hay trình độ phát triển kỹ thuật cao hơn của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, ý nghĩa đó chỉ khi đặt hai khái niệm: “công nghiệp” và “thủ công nghiệp” đi liền với nhau. Còn khi viết riêng khái niệm “công nghiệp” thì thường hiểu theo nghĩa thông thường là ngành khai thác (công nghiệp khai thác) hay chế biến (công nghiệp chế biến) các sản phẩm tự nhiên và tự khái niệm đó đã bao hàm cả “thủ công nghiệp” rồi.
- Trong thống kê hiện nay còn dùng thuật ngữ “công nghiệp mở rộng” mà nội dung của nó bao gồm công nghiệp nói chung (cả công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến) và công nghiệp xây dựng. Trong mục (1) lời nói đầu mới đề cập đến khái niệm công nghiệp theo nghĩa hẹp - đó là công nghiệp chế biến. Thiết nghĩ cần làm rõ thêm để xác định phạm vi nghiên cứu.
3. Đồng ý là sự phát triển công nghiệp Thăng Long - Hà Nội sẽ không đóng khung trong địa giới hành chính, nhưng địa giới hành chính của Thăng Long - Hà Nội có tác động không nhỏ đến sự phát triển công nghiệp, do vậy, không nên coi nhẹ yếu tố địa giới hành chính trong sự phát triển của công nghiệp Thăng Long - Hà Nội trong quá trình nghiên cứu để tìm ra những bài học kinh nghiệm cho hiện tại và tương lai.
4. Việc phát hiện ra những đặc điểm và bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển công nghiệp Thăng Long - Hà Nội là một yêu cầu, mục tiêu nghiên cứu của đề tài, cần được quan tâm trong suốt quá trình nghiên cứu. Một số đặc điểm mà nhóm nghiên cứu nêu ra trong phần mở đầu của đề cương sơ bộ chỉ có tính chất định hướng cho quá trình nghiên cứu đề tài sau này.
5. Do đây là bản đề cương nên trước khi đi vào trình bày dự kiến nội dung nghiên cứu các chương, cần thiết làm rõ mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu để có định hướng chỉ đạo cho toàn bộ quá trình nghiên cứu về sau.
6. Sau khi xem xét, cân nhắc, tôi nhận thấy việc bố cục nội dung thành 3 chương như dự thảo đề cương là hợp lý và việc phân chia các giai đoạn nghiên cứu như trình bày ở chương I là phù hợp. Tuy nhiên, nên thống nhất bố cục trình bày nội dung nghiên cứu đối với mỗi thời kỳ: Bối cảnh lịch sử; Tình hình phát triển; Những nhận xét đánh giá về thành tựu, hạn chế và nguyên nhân. Để làm rõ tình hình phát triển công nghiệp Thủ đô trong từng thời kỳ cũng nên thống nhất những nội dung chính cần đi sâu như: cơ cấu ngành; hình thức tổ chức sản xuất; trình độ kỹ thuật và công nghệ vv…
7. Tại mục 6 (trang 7) về công nghiệp thủ đô thời kỳ 2001 - 2010 các tác giả có đề cập một đặc điểm của công nghiệp Thủ đô thời kỳ này là: “Sự phát triển của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô đã góp phần khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội của cả nước” - Cần cân nhắc thêm nhận định này. Đúng là giai đoạn trước đó đất nước ta có chịu ảnh hưởng mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực (1997) nhưng khủng hoảng kinh tế - xã hội của cả nước ta thì không phải. Vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội vào những năm cuối của thập kỷ 80, đến giai đoạn đầu thế kỷ XXI chúng ta đã có quá trình gần 15 năm thực hiện chính sách đổi mới, kinh tế thủ đô và cả nước đã có bước phát triển khá trong nhiều năm.
8. Về các bài học kinh nghiệm rút ra, xin góp thêm một số điểm cần quan tâm:
- Trong lịch sử, nhiều nghề cổ truyền, nhiều kỹ nghệ tinh hoa đã được du nhập từ khắp các vùng trong nước đến Thăng Long và góp thêm cho Thăng Long nét đẹp văn hoá. Nhân tố nào tạo nên và làm thế nào để phát huy được những nhân tố đó trong điều kiện hiện nay?
- Các làng nghề, phố nghề của Thăng Long đã tồn tại và phát huy sức sống của nó xuyên suốt các giai đoạn lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Vậy đâu là nguyên nhân? Cái gì tạo nên sức sống ấy?
- Bài học về xử lý mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp với các ngành nông nghiệp và dịch vụ ở Thủ đô qua các thời kỳ phát triển ?
- Bài học về xử lý mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp với phát triển đô thị ở Hà Nội?
Trên đây là một số điểm góp ý cho bản đề cương sơ bộ đề tài nói trên.
Xin kính chuyển đến nhóm nghiên cứu để tham khảo thêm.
|
|
TS. Đinh Hạnh viết ngày 19/08/2011
1- Trước hết, theo đề nghị của Chủ nhiệm đề tài cho điều chỉnh tên đề tài “Công nghiệp Hà Nội - những chặng đường phát triển” đổi thành “Thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội”, tôi có ý kiến sau đây:
Nếu xác định đây là đề tài viết về lịch sử phát triển thủ công nghiệp, công nghiệp Thăng Long - Hà Nội xuyên suốt chiều dài lịch sử qua các thời kỳ thì nên điều chỉnh tên đề tài theo đề nghị của GS.TS. Nguyễn Lang là thích hợp. Còn nếu yêu cầu đề tài chỉ là một bài tiểu luận “Công nghiệp Hà Nội - những chặng đường phát triển” thì cách viết hoàn toàn khác: một bên mang tính viết lịch sử, một đằng mang tính chuyên đề hội thảo. Từ sự khác biệt này có ảnh hưởng rất lớn đến bố cục của đề tài, liên quan đến các phần, các chương, mục, kể cả cách trình bày các sự kiện…
Từ sự chưa dứt khoát về tên đề tài nên tôi có cảm nhận đề cương sơ bộ của đề tài mang “lưỡng tính”: có chương, có mục viết theo cách viết sử (chương I), lại có chương, có phần lại trình bày theo kiểu viết chuyên đề, tiểu luận (chương III). Trong từng chương, từng mục lại trích quá nhiều về Nghị quyết hoặc bình luận, như dùng các cụm từ: “cũng cần lưu ý”, “đặc biệt lưu ý” (chương II)… làm cho người đọc cảm thấy thiếu khách quan khi trình bày các sự kiện. Theo tôi, tốt hơn hết là tả chân, trình bày sự việc đúng với diễn biến của lịch sử để người đọc tự suy ngẫm, không bình luận chủ quan…
Từ đó, tôi đề nghị nên điều chỉnh tên đề tài theo như đề nghị của GS.TS. Nguyễn Lang hoặc là “Thủ công nghiệp, công nghiệp Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ” cho phù hợp với sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2010).
2- Có nên mở rộng địa giới hành chính ra khỏi Thăng Long - Hà Nội thể hiện ở đề tài này hay không?
Thăng Long - Hà Nội là kinh đô, là Trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của cả nước. Những sự kiện diễn ra ở đây đều mang tính đặc trưng, có nhiều việc liên quan đến các địa phương khác.
Do vậy, khi trình bày có thể mở rộng không gian nghiên cứu trong phạm vi “Vùng kinh đô” có liên quan đến các sự kiện.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng đem tất cả những công việc của đất nước, không liên quan gì đến Thăng Long - Hà Nội vào sách.
Ví dụ: Viết về phát triển các làng nghề, phố nghề; việc chuyển dịch lao động, thợ thủ công từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Đông, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc… về Thăng Long - Hà Nội là một tất yếu khách quan, diễn biến qua quá trình phát triển của lịch sử, cần phải đưa vào sách. Ngược lại, những sự kiện, những nhân vật lịch sử… ở các địa phương nói trên không liên quan đến Thăng Long - Hà Nội thì không nên đưa vào. Cần tập trung chủ đề liên quan đến thủ công nghiệp, công nghiệp thuộc phạm vi Thăng Long – Hà Nội, giảm bớt những đoạn thuyết trình, bình luận về vai trò lãnh đạo chung chung.
3- Về chương III: “Một số bài học kinh nghiệm ban đầu”
Có nên chăng trình bày thành một chương như đề cương đưa ra hay không? Theo tôi, nếu viết dưới dạng sách sử thì nên bỏ chương này. Chỉ nên phản ánh đúng các sự kiện lịch sử, không nên có những nhận định hoặc bình luận mang tính hội thảo. Lịch sử đã và sẽ chứng minh sự đúng đắn hay sai lầm của những chủ trương, chính sách mà giai cấp hoặc người cầm quyền qua các thời kỳ lịch sử đã đưa ra. Còn nếu có những diễn giải gì thấy cần thiết thì nên đan xen vào từng sự việc ở từng phần chứ không nên trình bày dưới một chương trong sách như mang tính tổng kết của một bài viết mang tính tiểu luận.
4- Có những sự kiện rất quan trọng không thấy trình bày trong đề cương như: chính sách “Đổi mới”, “mở cửa”, đầu tư nước ngoài vào Hà Nội… ảnh hưởng đến công nghiệp Thủ đô. Phần này rất quan trọng, nên bổ sung.
5- Đề nghị nên trình bày lại đề cương theo cấu trúc từng phần, chương, mục… theo từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử. Trong từng chương, từng mục có những nội dung chủ yếu gì định viết - chưa cần phải trích nghị quyết hoặc bình luận gì trong Đề cương.
Trên đây là một số ý kiến nhận xét của tôi về Đề cương của đề tài. Có thể do tôi chưa nhận thức đầy đủ yêu cầu của Ban Quản lý Dự án và ý định của chủ nhiệm đề tài, nên cần có một cuộc thảo luận trực tiếp của các bên để có được một Đề cương chuẩn xác.
Xin thứ lỗi cho tôi, nếu có những ý kiến chưa thật thoả đáng.
|
|
PGS.TS. Phan Đăng Tuất viết ngày 19/08/2011
Sau khi đọc đề cương dự án, tôi xin có một số ý kiến sau:
- Tôi thấy nên chọn tên đề tài là “Thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội” bởi nó sát hơn và mang “tính lịch sử” hơn.
- Phần mở đầu nên thể hiện các nội dung đầy đủ gồm: Tính cấp thiết, mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu, đối tượng, phạm vi, phương pháp nghiên cứu và các nội dung chủ yếu.
- Về phạm vi, giai đoạn này nên tính đến việc mở rộng Hà Nội (ở giai đoạn 2001-2010).
- Các nội dung thể hiện qua 6 giai đoạn nên đề cập đến vấn đề môi trường và phát triển bền vững, đây sẽ là vấn đề sống còn của đô thị hiện đại Hà Nội trong tương lai.
- Vấn đề các Ngành công nghiệp không còn là vấn đề trọng tâm trong tương lai mà cần quan tâm đến vấn đề liên kết công nghiệp (industrial cluster).
- Bài học cho Hà Nội nên quan tâm đến vấn đề phân bố công nghiệp và thủ công nghiệp cho dài hạn, khẳng định vai trò “công nghiệp” của Hà Nội như thế nào cho phù hợp với xu thế chung của các Thủ đô.
Tôi hoàn toàn ủng hộ nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu đề tài.
|
|
TS. Chu Tiến Quang - Viện Quản lý kinh tế TW viết ngày 18/01/2010
Chương I trình bày tổng quan quá trình phát triển thủ công nghiệp (TCN) và công nghiệp (CN) của Hà Nội từ thời Thăng Long đến nay qua 6 thời kỳ:
- Từ 1010 đến 1858 với đặc điểm chế độ Phong kiến nên các ngành nghề TCN và CN đã phát triển dưới sự tác động mạnh (cả tích cực và hạn chế) của các triều đại vua chúa Việt nam (thời nhà Lý; thời nhà Trần; thời nhà Lê và thời nhà Nguyễn) đã hình thành nên các làng nghề cổ xưa về các nghề dệt, rèn sắt, đúc đồng, gốm, làm giấy, mộc, xây dựng, đồng hồ, chế biến đường, thủ công cổ truyền, khai khoáng, buôn bán..
- Từ 1858 đến 1954 với đặc điểm về sự ảnh hưởng mạnh của chế độ thực dân Pháp, một số nghề bị bóp nghẹt, đồng thời du nhập một số nghề mới như (diêm, rượi bia, nước đá, máy kéo…;
- Từ 1955 đến 1975 với đặc điểm là dưới chế độ mới, các nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, bên cạnh đó hình thành một số ngành CN mới (số cơ sở tăng từ 9 lên 206) gắn với khôi phục kinh tế và cải tạo kinh tế, phát triển các cơ sở kinh tế quốc doanh để làm nền tảng cho kinh tế XHCN; tác động của chiến tranh chống Mỹ
- Từ 1976 đến 1985 với đặc điểm là khôi phục lại kinh tế, nhưng gặp nhiều khó khăn nhiều nghề TCN phá sản, các ngành CN suy thoái và thúc đẩy đổi mới;
- Từ 1986 đến 2000 với đặc điểm là kinh tế trong chính sách đổi mới, tự do hóa và mở rộng thương mại quốc tế, các nghề CN Hà Nội phải chuyển hướng thị trường, gặp nhiều khó khăn nhưng từng bước tìm cách thoát ra và phát triển, nhiều ngành CN mới ra đời trên cơ sở mở rộng hợp tác liên kết với nước ngoài;
- Từ 2001 đến 2010. Với đặc điểm là các ngành CN Hà Nội có sự khởi sắc, phát triển đa dạng, hình thành các nghành nghề mới đi đôi với phát triển các địa bàn CN tập trung như các khu cụm CN và các làng nghề truyền thống cũng được phát triển trong cơ chế mới, đó là theo thị trường và Hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2008 giá trị CN Hà Nội đã đạt trên 82,5 ngàn tỷ đồng, nhiều loại hình DN tham gia phát triển CN ở Thủ đô.
Với 6 thời kỳ trên đây, cuốn sách đã mang lại cho người đọc những thông lý thú và có hệ thống về sự phát triển các ngành nghề TCN và CN ở Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử từ Thăng Long đến nay như thế nào, đâu là những yếu tố tác động đến nó. Có thể coi đây là một trong những thành công lớn nhất của cuốn sách.
|
|
TS. Trần Kim Hào - Viện Quản lý kinh tế Trung ương viết ngày 14/01/2010
Nhóm tác giả đã rất công phu trong việc sưu tầm những tư liệu về các nghề, các làng nghề, phố nghề “Từ cổ chí kim” làm cho bản thảo cuốn sách phong phú, khá toàn diện và hấp dẫn người đọc. Có thể nói đây là cuốn sách phản ánh khá đầy đủ và tổng quát nhất từ trước tới nay về các nghề, các làng nghề, phố nghề trong lĩnh vực Thủ công nghiệp - Tiểu công nghiệp và công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội.
Cấu trúc cuốn sách tương đối hợp lý, ngoài phần mở đầu, gồm 3 chương chính đi từ sự phát triển của Thủ công nghiệp, Công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội một cách tổng quát, đến sự phát triển của 13 ngành nghề thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp, công nghiệp, cụ thể, chi tiết của các ngành công nghiệp điển hình của Hà Nội. Đồng thời đưa ra được một số định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn Hà Nội trong hiện tại và tương lai là phù hợp với yêu cầu của Tủ sách Thăng Long 1000 năm.
Phần sự phát triển một số ngành nghề, tác giả đã đi từ xuất xứ của nghề, đến các làng nghề, phố nghề cổ; đến làng nghề, phố nghề đương đại và các công ty, xí nghiệp đang sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại; dẫn dắt người đọc đi từ thời kỳ sơ khai của các nghề thủ công nghiệp Kinh thành Thăng Long thời cổ đến Hà Nội ngày nay. Thông qua những bước thăng trầm của từng nghề để đi đến con đường hiện đại hóa các ngành công nghiệp thủ đô theo tiến trình phát triển của xã hội loài người là hợp với quy luật.
Việc hình thành các Hợp tác xã (HTX) gắn với bước phát triển từ thủ công lên tiểu công nghiệp, rồi lên trình độ công xưởng tuy chưa được tác giả bổ sung trong bản thảo; nhưng tin rằng với khả năng và trình độ của mình, tác giả sẽ có những bổ sung giải trình thỏa đáng về vai trò của các HTX trong quá trình phát triển ngành nghề từ thời kỳ cải tạo và phát triển kinh tế cho đến ngày nay và cả trong tương lai, khi những người thợ thủ công và các hộ kinh tế cá thể vẫn cần loại hình hợp tác này.
Phần định hướng phát triển, trong việc chủ động tổ chức lại sản xuất công nghiệp Hà Nội theo hướng di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp cũ và đầu tư xây dựng mới các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoại vi thủ đô, nhất là các tỉnh trung du và thượng du là phù hợp với xu thế …. Tại trung tâm Thủ đô chỉ giữ lại các cơ sở công nghiệp sạch, công nghệ cao, các cơ sở thủ công nghiệp độc đáo, tiểu công nghiệp tinh xảo, thân thiện với môi trường. Đồng thời phát triển hệ thống cơ quan quản lý của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn, gắn với những trung tâm giới thiệu và bảo hành sản phẩm của các đơn vị …
Trên cơ sở đó, cần định hướng lan tỏa ra cả nước phát huy vai trò trung tâm của thủ đô.
Các tác giả cũng đã đề cập đến vấn đề hiện đại hóa công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật của công nghiệp Thủ đô, đồng bộ với xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có trình độ tương ứng. Đây là một định hướng đúng và cần được triển khai trong thực tiễn. Bởi lẽ, đầu tư hiện đại hóa công nghệ là một trong những giải pháp chủ yếu để tăng hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đồng thời phải được triển khai đồng bộ với nhiệm vụ đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ tương ứng thì mới đáp ứng được xu thế. Đây là vấn đề cốt lõi của mọi thành công trong nền kinh tế thị trường hội nhập.
Đây là cuốn sách tốt, công phu sưu tầm tư liệu và biên soạn của tác giả xứng đáng được đánh giá cao. Sau khi hoàn thiện, cuốn sách này sẽ có tác dụng thiết thực cho những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, rất hữu ích cho công chúng, nhất là cho thế hệ trẻ để họ hiểu kỹ về các nghề thủ công truyền thống của cha ông và nền công nghiệp hiện đại đi từ Thăng Long đến Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta.
|