|
GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ - Khoa Lịch sử - ĐHSPHN viết ngày 24/08/2011
1- Về nguồn tư liệu:
Nội dung sách dựa trên các tài liệu đã xuất bản bằng tiếng phương Tây (tuyệt đại đa phần là tiếng Pháp) có một số cuốn sách viết bằng tiếng Anh nhưng tác giả không phải là người Âu (chiếm tỷ lệ nhỏ).
Một số cuốn sách được xuất bản lần lần đầu vào thế kỉ XIX, còn lại ở thế kỉ XX.
Nội dung các cuốn sách ít nhiều cho biết những thông tin về vương quốc An Nam, về cuộc chinh phục của người Pháp, về xứ Đông Dương nói chung hoặc về Bắc kỳ, Trung Kỳ, một số nét về sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội bản địa, được các tác giả ghi chép lại trong quá trình khảo cứu hoặc sau các chuyến viễn du.
Trên cơ sở các nguồn tài liệu phương Tây kể trên (theo bảng kê có 161 thư mục), các soạn giả đã công phu chọn lựa những đoạn tư liệu viết về Thăng Long - Hà Nội và phân thành 2 thời kỳ :
Thời kì tiền thực dân (đầu thế kỉ XVII đến năm 1883( Hiệp ước Hac măng)
Thời Pháp thuộc (từ 1884 đến 1945 (Cách mạng tháng Tám)
Cách lựa chọn tư liệu và phân chia mốc thời gian của sách như trên, theo chúng tôi là hợp lý, giúp cho người đọc có thể theo dõi tra cứu một cách dễ dàng
Cũng cần phải nhấn mạnh là, các tư liệu được các tác giả tuyển chọn đều là những tư liệu quý hiếm, nhiều tư liệu có lẽ là lần đầu được giới thiệu bằng tiếng Việt ở nước ta.
2- Về phương pháp tiếp cận:
Các tác giả sách đã khảo sát kĩ lưỡng, xem xét toàn diện các nguồn thư tịch phương Tây trước khi quyết định lựa chọn và tuyển dịch sang tiếng Việt. Đã tiến hành khảo sách các văn bản tư liệu và các tác giả, tác phẩm viết về Thăng Long - Hà Nội mang tính nguyên gốc. Trên cơ sở đó, các dịch giả đã dịch sát nghĩa các tài liệu trên, dùng làm tài liệu tham khảo để tìm hiểu về vùng đất lịch sử, con người, cảnh vật, văn hóa, xã hội, đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của Hà nội xưa, ít nhất là trong vòng 3 thế kỉ (từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XX)
3- Về bố cục và chất lượng sách:
Nội dung sách trình bày các thư tịch viết về Hà Nội theo thứ tự thời gian, từ xa cho tới gần, sớm nhất là các tài liệu ở thế kỉ XVII tiếp đó là các thế kỉ XVIII, XIX, XX.
Các tài liệu trên không sắp xếp, phân loại theo chủ đề mà trình bày theo trình tự thời gian.
Sau các phần viết có tính chất chuyên sâu mô tả các vấn đề có liên quan đến mảnh đất con người Hà Nội như cảnh quan, thiết chế chính trị, dân sự, tôn giáo, đời sống kinh tế... từ mục 25 trở đi, sách giới thiệu các bài viết mô tả các thắng cảnh ở Hà Nội, về các địa danh lịch sử, công trình kiến trúc, những vùng ngoại ô Hà Nội thời thuộc địa.
Nhìn chung các bản dịch khá tốt, văn phong thanh thoát, việc chuyển ngữ cơ bản là thành công.
4. Những vấn đề cần làm trước khi xuất bản sách:
Tuy bản dịch về cơ bản là tốt, nhưng đề nghị Chủ biên vẫn cần xem lại (hiệu đính) lần cuối cho hoàn thiện.
Sách cần được biên tập viên rà soát, sửa các lỗi chính tả, cơ học và lỗi tu từ còn khá nhiều trong bản thảo.
Phần tiếng Pháp cần chỉnh sửa cho chính xác (nhiều từ viết còn sai).
5. Kết luận:
Bản thảo sách khá công phu, đã được chỉnh sửa khá nhiều so với bản lần 1.
Đã đạt được chất lượng và số lượng theo yêu cầu đặt ra
Sau khi vi chỉnh, chỉnh sửa (chủ yếu các lỗi cơ học) có thể đưa vào xuất bản để kịp thời ra mắt bạn đọc.
|
|
PGS.TS. Tạ Thị Thúy - Viện Sử học viết ngày 24/08/2011
Sau khi nhận tập bản thảo “Tuyển tập tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tư liệu phương Tây” mà nhà xuất bản Hà Nội đưa cho, tôi đã đọc một cách chăm chú từng trang của nó và sau khi hoàn tất công việc này, với những ghi chú rất cụ thể về từng công trình được tuyển chọn tôi mạo muội đưa ra một vài cảm nhận như sau:
1. Những ưu điểm
Trước hết về hình thức quy mô, bộ sưu tập này quả là quá lớn so với những hiểu biết thông thường về tác phẩm, những công trình của các tác giả phương Tây liên quan đến Hà Nội. Những người thực hiện công trình hẳn đã nhiều công phu trong tìm kiếm, lựa chọn được bằng ngần ấy tác giả, tác phẩm với một số lượng trang không phải là nhỏ và chuyển dịch, tập hợp chúng thành tập bản thảo bằng tiếng Việt, dẫu trong đó còn có những chỗ chưa thể in ngay ra được cũng phải nói là có chất lượng rất tốt, sự phong phú đa dạng của công trình được tuyển chọn cả về thời gian xuất hiện, thể loại và nội dung phản ánh đã đem lại cho người đọc sự thích thú khi thấy mình chưa mấy hiểu về nó. Điều đó có thể được tóm tắt lại là tôi rất đồng ý với sự lựa chọn của các tác giả của bộ sưu tập này. Có lẽ đây là lần đầu tiên một tập hợp (collection) khá đầy đủ các công trình tiêu biểu của người phương Tây ghi chép, hồi cố về Thăng Long – Hà Nội, được tổ chức như vậy.
Về nội dung, các công trình được tuyển dịch trong tập bản thảo này đã phản ánh được một Hà Nội trong suốt quá trình lịch sử của nó trải qua nhiều thế kỷ, với những thay đổi nhiều chiều, từ là về diện cách, diện mạo, cư dân cho đến những thay đổi về chính trị, tức là những thăng trầm của các chế độ ngự trị trên nó, trải qua các thời kỳ phong kiến quân chủ lâu dài cho tới thời kỳ thuộc địa mang tính chất thực dân – phong kiến cùng với cả những sóng gió, binh đao và hòa bình xây dựng cùng là những thay đổi đời thường của nó trên các mặt kinh tế, văn hóa và xã hội (tôn giáo, tín ngưỡng, phong kiến, tập quán…). Dù là dưới các bút pháp khác nhau, thái độ khác nhau khi thì kiêu ngạo miệt thị, lúc lại tỏ ra thân thiện tâng bốc tùy vào mục đích của mỗi lúc, mỗi người, cuối cùng các tác giả đều không thể phủ nhận vị trí quan trọng của mỗi Thăng Long – Hà Nội dù là dưới thể chế chính trị nào. Điều đó cho ta thây tính trường tồn của nền văn hiến đã nuôi dưỡng thành phố này, đem lại cho ta niềm tự hào và cả thấy được trách nhiệm phải bảo vệ, duy dưỡng, xây dựng đối với nó cả về những giá trị thực thể và những giá trị phi thực thẻ mà một phần đã được phản ánh, được ghi lại cho những công trình được tuyển chọn trong tập bản thảo chúng ta có trong tay.
Điều đặc biệt đối với tôi, một người nghiên cứu sâu về lịch sử Việt Nam cận đại, tôi đã đọc được từ tập bản thảo này nhiều điều bổ ích về những thay đổi của Hà Nội trên mọi phương diện song song với quá trình thiết lập, vận hành của chế độ cai trị thực dân của người Pháp ở Bắc Kỳ, mà trước hết là ở thành phố đầu não Hà Nội.
Với những thành công như vậy, chắc chắn tập bản thảo này, một khi được công bố sẽ có giá trị tham khảo rất lớn đối với tất cả những người muốn tìm hiểu sâu về Thăng Long – Hà Nội. Các tác giả của công trình sẽ nhận được sự biết ơn sâu sắc của những người sử dụng nó.
2. Một vài điều trao đổi cùng tác giả.
Trước hết, nếu có thể mở rộng hơn công trình này, các tác giả nên tuyển chọn thêm những tư liệu liên quan đến Lịch sử Việt Nam cận đại, không chỉ vào cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX (như đã làm) mà còn là những công trình hay là những tư liệu liên quan đến những giai đoạn sau, khi mà Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã vào sâu trong quá trình phân hóa về xã hội, tiếp biến sâu về văn hóa về văn hóa và thay đổi sâu vê chính trị dưới tác động của chủ nghĩa thực dân. Từ là nơi chứa trong mình chỉ những di sản của chế đọ phong kiến, Hà Nọi chuyển sang một thời đại khác mà một chiều là những dấu ấn của chế độ thuộc địa mang tính chất thực dân - phong kiến và ở chiều kia là biểu hiện tập trung của sự phản kháng, phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam chuyển từ phạm trù phong kiến sang phạm trù tư sản và cuối cùng là vô sản. Trong suốt quá trình chuyển biến đó, Hà Nội luôn là nhân chứng của tất cả những gì đã diễn ra. Những điều này hình như hãy còn mờ nhạt trong tập bản thảo, có lẽ do sự hạn chế về số lượng trang được dịch (vì còn liên quan đến vấn đề tài chính ???) hay là do những tiêu chí đặt ra cho tập bản thảo mà tôi chưa được biết.
Vậy, sẽ rất bổ ích và lý thú khi ta mở rộng hơn những mots clés của việc nghiên cứu, cũng có nghĩa là mở rộng thêm các chủng loại tư liệu tuyển chọn.
Lấy ví dụ như, nêu các tác giả đã sử dụng đến những “Recueil” thì cũng có thể tham khảo thêm các loại Annuaire économique, Annuaire statistique de l’Indochine hay là Bulletin administratif du Tonkin…có thể được gọi là tài liệu cũng có thể được coi là những tư liệu, trong đó có thể tìm được nhiều thứ quan trọng liên quan đến Hà Nội về dân số, về kinh tế, về hành chính, về giáo dục, y tế, xuất bản…về đời sống của thị dân, của công nhân bằng con số và những cứ liệu rất cụ thể…Cũng như vậy, tôi thấy các tác giả đã tham khảo đến các tạp chí Indochine, nhưng hình như lại quên Indochinoise illustrée là tạp chí có những bài riêng về Urbanistion, trong đó nếu tôi không nhầm thì cả về Urbanistion de Hà Nội?
Về bản tiếng Việt, mặc dù rất dày nhưng khi đọc tôi thấy nói chung rất suôn, chứng tỏ trình độ cao củ những người tham gia vào việc dịch cũng nhu cái tài cảu người chủ biên trong việc hiệu đính và Việt hóa bản dịch. Đặc biệt, khi đọc những phần liên quan đến thời kỳ cận đại, tôi không thấy có những lỗi trong việc chuyển dịch các ngôn từ mang tính lịch sử, nhất là các từ chỉ chức danh, nơi chốn…thường gặp ở những bản dịch khác (chẳng hạn như Paul Bert là Tổng trú sứ Trung - Bắc Kỳ chứ không phải là toàn quyền Thống sứ như tôi đã đọc được ở một bản thảo nào đó…)
Tuy vậy, để tăng thêm giá trị cho tập bản thảo này, thiết nghĩ các tác giả vẫn nên rà soát, chỉnh sửa lại những lỗi dịch và lỗi tiếng Việt ở một số trang, nhất là ở tập 3/6, từ trang 233 đến 270 (tôi có đánh dấu đỏ vào những chỗ mà tôi cho là nên chỉnh sửa)
Về trình bày, nên có chú thích nguồn dẫn: tác giả, tác phẩm, nơi, năm xuất bản số thứ tự trang cho mỗi đề mục để tiện cho việc sử dụng, tránh những nhầm lẫn không đáng có. Cũng như vậy, nên thống nhất việc viết lời đề dẫn (chapeau) cho mỗi tác phẩm, tác giả không nên tùy tiện, khi thì để cuối tác phẩm, khi lại để ở trên đầu. Có lẽ tiện nhất là nên để ở ngay đầu.
Đó chỉ là một vài ý kiến trao đổi nho nhỏ, cũng là những mong muốn của tôi, có hợp lý hay không còn tùy vào sự minh định của các tác giả.
Kết luận cuối cùng của tôi vẫn là đánh giá rất cao giá trị tham khảo cảu tập bản thảo. Quy mô và chất lượng của nó thật xứng với “đồng tiền, bát gạo” mà nhà nước đã bỏ ra!
|
|
PGS.TS. Trần Thị Vinh - Viện Sử học viết ngày 24/08/2011
Thăng Long - Hà Nội là thủ đô lâu đời của đất n¬ước nên trong lịch sử đã có nhiều du khách nư¬ớc ngoài đến đây với nhiều mục đích khác nhau, nhất là từ thế kỷ XVII trở đi và họ đã có không ít những ghi chép về Thăng Long - Hà Nội trên nhiều phư¬ơng diện khác nhau. Những ghi chép này là nguồn tài liệu rất có giá trị, mang tính khách quan phản ánh về đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá của Thăng Long - Hà Nội và là nguồn bổ sung vô cùng quí giá cho sự thiếu hụt của t¬ư liệu trong nư¬ớc. Vì vậy, việc Nhà xuất bản Hà Nội cho dịch thuật, giới thiệu và xuất bản những tài liệu ghi chép về Thăng Long - Hà Nội của người nước ngoài đương thời thành Tuyển tập t¬ư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội : Tư¬ liệu ph¬ương Tây là hết sức cần thiết, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội trong quá khứ.
Về nội dung công việc:
Sau một thời gian khẩn trương thực hiện, nhóm dịch thuật gồm: TS. Hoàng Anh Tuấn, ThS.Vũ Thị Minh Thắng, ThS. Nguyễn Mạnh Dũng và ThS. Nguyễn Thị Bình do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ trì đã hoàn thành được một khối lượng công việc khá đồ sộ với một tập bản thảo thô là 671 trang của 39 đầu tài liệu, trong đó có 37 trang giới thiệu về nguồn tư liệu thư tịch phương Tây với tiến trình lịch sử Thăng Long- Hà Nội (từ thế kỷ XVII thời tiền thực dân qua thời Pháp thuộc). Bài mở đầu giới thiệu nguồn thư tịch được viết khá hay, giúp người đọc cũng như người sử dụng nguồn tài liệu này nắm rõ được nội dung và giá trị của từng loại tài liệu trong nguồn tài liệu Phương Tây viết về Thăng Long - Hà Nội theo tiến trình lịch sử. Ngoài phần dịch thuật, công trình còn có phần Thư mục mục tham khảo (Tư liệu phương Tây) để giới thiệu thêm nguồn tài liệu mà trong công trình chưa có điều kiện dịch.
Về kết cấu: Có lẽ nhóm tác giả mới hoàn thành việc dịch thuật, chưa kịp hoàn thiện việc sắp xếp các nguồn tài liệu theo bố cục của cuốn sách như lần Hội đồng nghiệm thu đề cương góp ý thống nhất là chia làm 2 phần :
- Phần I : Thế kỷ XVII - cuối XIX (gồm tài liệu số 1 đến số 15).
- Phần II: Cuối thế kỷ XIX - 1945 (gồm tài liệu từ số 16 đến số 39).
Mặc dù bản thảo đã sắp xếp theo thứ tự thời gian nhưng vẫn nên để chúng vào hai phần riêng để người sử dụng sách dễ theo dõi hơn.
Về nội dung dịch thuật: Tập bản thảo được dịch thuật nhìn chung khá tốt, có một số văn bản cũng đã được những người khác dịch, ví dụ: những tài liệu về buôn bán của các công ty Đông Ấn Hà Lan, hoặc những giáo sĩ đến Đàng Ngoài và Thăng Long vào thế kỷ XVII - XVIII đã được dịch trong cuốn “Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII” của Thành Thế Vĩ nhưng ngôn từ thể hiện trong cuốn đó không được thanh thoát dễ hiểu như bản dịch lần này. Hoặc là những tài liệu qui định những luật lệ về ngoại thương cũng đã được dịch trong tập Những văn bản pháp luật vv… nhưng nghĩa không được sát như bản dịch lần này. Nhiều tài liệu Mô tả về vương quốc Đàng Ngoài của S.Baron, G.Careri ; về Nhà nước Lê Trịnh của JB.Tavernier, Launay và Richard ; về Đời sống của dân chúng Kẻ Chợ và Đàng Ngoài giữa thế kỷ XVIII của Reydellet ; về Nạn đói năm 1681 ở kinh thành Thăng Long của Maybon… được nhóm dịch giả dịch tương đối chuẩn xác. Bản dịch thuật này sẽ rất bổ ích cho việc tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội nói riêng và Đàng Ngoài nói chung. Bản thảo nói chung không có quá nhiều lỗi về kỹ thuật.
Tuy nhiên, để bản dịch có chất lượng tốt hơn, nhóm dịch giả nên rà soát lại tất cả những lỗi về kỹ thuật. Ví dụ: Trong bài dịch “Bản tường trình về xứ Đàng Ngoài” của cha Baldinotti, năm 1626 , có 2 chỗ viết thành 1926 (tr.38). Nên sửa lại câu của bà Thái hậu nhà Trịnh nói với cha Baldinotti về việc theo đạo Thiên Chúa (tr.40), câu này tối nghĩa. Hoặc là từ Thái ấp (tr. 43), nên tra lại bản gốc và dùng từ khác, vì thời kỳ này không còn khái niệm thái ấp nữa. Tr.45 và một số trang khác còn có lỗi kỹ thuật.
Bản dịch bài “Mô tả về vương quốc Đàng Ngoài” của S.Baron, nội dung dịch thuật khá tốt và văn bản này được dịch để xuất bản sẽ rất có giá trị vì ở trong đó có nhiều chi tiết mà S.Baron đã phê phán, không đồng ý với những ghi chép của JB.Tavernier trước đó khi tả về nhà nước Lê Trịnh. Nhưng trong bản dịch này có vài chỗ nhầm lẫn của người viết về lịch sử Việt Nam, tất nhiên người dịch phải tôn trọng bản gốc, nhưng dịch giả nên chua hết những chỗ nhầm lẫn đó để những người sử dụng không phải là những người chuyên về lịch sử sẽ không mắc phải sai lầm theo người viết. Ví dụ tr.125 nói về Lê Đại Hành bị tử trận để ngôi báu cho Libatvie (Lý Bát Đế) cũng phải chú thích như ở tr.126 mà dịch giả đã chú thích về sự tồn tại của vương triều Lê sơ là 100 năm chứ không phải 200 năm. Hoặc tr.127 Nguyễn Kim chỉ là đại thần của triều Lê chứ không phải là hoàng tử như người viết. Trong ghi chép của Baron còn nói tới các chức quan trong triều đình Lê Trịnh làm người dịch rất khó đoán. Ví dụ ở tr.130, chỗ này, người dịch có thể tra thêm trong mục Quan chức chí của Phan Huy Chú, hay tìm trong quyển Chế độ chính trị Việt Nam, thế kỷ XVII-XVIII của Lê Kim Ngân, hoặc Từ điển quan chức Việt nam của Đỗ Văn Ninh để đối chiếu. Chẳng hạn từ Quan fo Lew có thể gọi là: Quan phủ liêu (tr. 130, 137). Nếu vẫn để nguyên tên như trong bản gốc thì người sử dụng rất khó xác định đó là chức quan gì.
Kết luận : Nhìn tổng thể tập bản thảo “Tuyển tập t¬ư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội : Tư¬ liệu ph¬ương Tây” đã được nhóm dịch giả thực hiện khá tốt, nhóm dịch giả sau khi rà soát lại những lỗi về kỹ thuật, tra xét đối chiếu những từ ngữ về chức quan chuyển dịch thành tiếng Việt, chú thích những nhầm lẫn về lịch sử Việt Nam của người nước ngoài, sắp xếp những bài dịch theo bố cục hai phần của cuốn sách và một số công việc cần thiết khác, công trình dịch thuật này hoàn toàn có thể đem xuất bản được. Công trình được xuất bản chắc chắn sẽ phục vụ rất tốt cho việc nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội trong quá khứ.
|
|
TS. Đào Thị Diến - Trung tâm lưu trữ Quốc gia I viết ngày 24/08/2011
Sau khi đọc kỹ bản thảo, chúng tôi xin được có một vài nhận xét sau:
1. Về đề cương: Bản thảo sách được biên soạn theo đề cương đã được chỉnh sửa sau nghiệm thu ngày 25-6-2009. Điều đó thể hiện tinh thần nghiêm túc trong nghiên cứu của các tác giả.
2. Về nội dung:
- Trước hết, bản thảo đem đến cho người đọc một độ tin cậy lớn. Đó là vì sách do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ làm chủ biên nổi tiếng trong nghiên cứu về Hà Nội với nhiều công trình có giá trị. Thêm nữa, bản thảo lại được một nhóm TS, ThS trẻ, giỏi, đầy tâm huyết với Hà Nội tham gia biên dịch, cùng sự cộng tác tổ chức khoa học của PGS.TS Vũ Văn Quân và ThS Tống Văn Lợi.
- Độ tin cậy của sách còn thể hiện qua nguồn tư liệu biên soạn nên bản thảo. Đây là lần đầu tiên, một khối lượng đáng kể sách của các học giả phương Tây viết về Thăng Long - Hà Nội được tuyển chọn và được in thành ấn phẩm đặc biệt trong khuôn khổ của tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Những tư liệu này được tuyển chọn một cách có nguyên tắc, tuyệt đại đa số là những tư liệu gốc, nguyên bản, chưa được dịch hoặc xuất bản. Điều này làm nên tính mới mẻ và sự hấp dẫn của ấn phẩm, mặc dù những tư liệu đó đã được công bố cách đây nhiều thế kỷ.
- Là những tư liệu của các tác giả người Âu viết về những gì thuộc về và liên quan đến Thăng Long - Hà Nội, đương nhiên chúng chứa đựng cả những lợi điểm, ưu thế và những khiếm khuyết, hạn chế. Nếu chỉ căn cứ vào nội dung các bản dịch những tư liệu đó không thôi thì Tuyển tập sẽ chỉ đáp ứng cho một phần rất ít độc giả (chủ yếu là những nhà nghiên cứu). Với phần lời dẫn chung cho cả Tuyển tập, thông qua kết quả khảo sát tác giả tác phẩm, chủ biên đã phân tích ý nghĩa giá trị tư liệu, những điểm yếu cũng như những điểm mạnh của những tư liệu đó, tổng hợp chúng và đi đến một đánh giá khách quan. Phần này đòi hỏi kiến thức sâu rộng của người viết và nhờ có lời dẫn này mà Tuyển tập trở nên có giá trị đặc biệt.
- Vì nhiều lý do đã được giải thích rõ trong phần đầu của bản thảo (thí dụ như hạn chế về khuôn khổ dung lượng sách), nên Tuyển tập đã thiếu vắng một số tác phẩm trước đây đã có bản dịch tiếng Việt, mặc dù có giá trị như cuốn “Histoire du royaume du Tonkin” (Lịch sử vương quốc Đàng ngoài) của Alexandre de Rhodes hay cuốn “Hanoï pendant la période héroïque” (Hà Nội trong thời kỳ hào hùng) của André Masson. Khiếm khuyết đó được nhóm tác giả đền bù bằng một thư mục bổ sung để tham khảo. Cho dù rất tiếc nuối song chúng ta đành phải bằng lòng và hy vọng vào lần tái bản sách.
- Nội dung chính của Tuyển tập là bản dịch các nguồn tư liệu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, chủ yếu là ngôn ngữ cổ (Anh, Ấn, Pháp), trong đó có cả những ngôn ngữ đặc biệt (Ý cổ, Hà Lan cổ). Ngạn ngữ Pháp có câu: Traduire c’est trahire ! (Dịch là phản). Điều này cho thấy công việc đầy khó khăn của nhóm tác giả. Tuy nhiên, bản thảo này đã chứng minh được ý thức thận trọng và trách nhiệm cao của những người tham gia biên dịch chính bằng chất lượng của nó. Sẽ là một ấn phẩm tuyệt vời nếu một vài đoạn dịch có thể Việt hoá hơn, đỡ rườm rà hơn và chính xác hơn. Thí dụ: trong “Chuyến du hành của chiếc tàu Hà Lan Grol từ Nhật Bản tới Đàng ngoài”, ở trang 67 có đoạn: “Để trả lời việc viên quan yêu cầu 5000 lạng, người ta nói rằng thủ trưởng, ngài Nicolas Koeckbacker trong lá thư gửi nhà vua, đã đưa ra một danh mục chính xác tất cả những gì ở trên con tàu”. Theo thiển ý của chúng tôi, từ thủ trưởng quá hiện đại cho một chức danh ở thế kỷ thứ XVI.
Trang 68-69 có đoạn:
“Viên quan trả lời: “Việc chúng tôi đến chắc chắn sẽ làm Hoàng thượng hài lòng, và ông đã cử người khẩn báo đến Hoàng thượng để người biết được việc chúng tôi đến… nhưng chúng tôi không thể đến được”.
Viên quan đáp: “Chúng tôi có thể tìm một vũng đỗ tàu khác bên kia đảo Đức Vua… đối với con tàu của chúng tôi”.
Nếu câu để trong ngoặc kép tức là câu trích dẫn nguyên văn. Và nếu đã trích dẫn nguyên văn thì không thể là “Việc chúng tôi đến…” mà là “Việc các ông (hoặc các ngài) đến…”. Hay viên quan đáp thì không thể là “Chúng tôi có thể tìm một vũng đỗ tàu khác…” vì viên quan không phải là chủ nhân của chiếc tàu.
Cũng trong trang 69, chú thích số 18 viết: “Chúng tôi không cần phải nói rằng chúng tôi trong khi dịch đoạn nhật ký cổ xưa này đã không hề muốn làm thay đổi những quan hệ hữu nghị hiện nay đang tồn tại giữa những người Bồ Đào Nha và Hà Lan”. Phải chăng nên chú thích như sau: “Cần phải nói rằng, trong khi dịch đoạn nhật ký cổ xưa này, chúng tôi không muốn làm thay đổi mối quan hệ hữu nghị đang tồn tại hiện nay giữa hai dân tộc Bồ Đào Nha và Hà Lan” ?
3. Về các vấn đề khác:
- Trước hết là kỹ thuật đánh máy. Bản thảo được đánh máy có lẽ hơi vội để kịp tiến độ, nên còn nhiều thiếu sót. Thí dụ nhiều chỗ không có khoảng cách giữa các từ, trong khi đó nhiều chỗ lại để khoảng cách rộng quá quy định; thiếu dấu chấm hết câu, ngay cả khi xuống dòng; sai chính tả… (xin xem cụ thể phần chữa trong bản thảo).
- Cần chú ý đánh máy đúng các từ bằng tiếng nước ngoài, thí dụ: cuốn sách “Pour le com-préheusion de l’Indochine et de l’Occident” (trang 46), đúng ra là “Pour le compréhension de l’Indochine et de l’Occident” và một vài chỗ khác (xin xem cụ thể phần chữa trong bản thảo).
- Phần chú thích cuối trang còn có một vài chỗ chưa theo nguyên tắc, chưa có sự khác biệt rõ ràng trong chú giải giữa dấu ngoặc đơn ( ) và ngoặc vuông [ ], thư mục tham khảo lập chưa đầy đủ các yếu tố cần phải có đối với mỗi xuất bản phẩm (xin xem cụ thể phần chữa trong bản thảo)…
Trên đây là một vài vấn đề rất nhỏ cần hoàn thiện để Tuyển tập được ra mắt bạn đọc chào mừng ngày đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cho dù nếu những vấn đề này không được hoàn thiện tất cả vì thiếu thời gian, Tuyển tập tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tư liệu phương Tây vẫn là một ấn phẩm tuyệt vời, xứng đáng với sự mong đợi của tất cả những ai quan tâm và yêu thích lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
|
|
GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ viết ngày 22/08/2011
1- Về mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ của đề tài:
Đề tài giới thiệu kho tư liệu tiếng phương Tây (tiếng Pháp, tiếng Anh) viết về Thăng Long – Hà Nội trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội từ thế kỷ XVII đến năm 1945.
Đối tượng phục vụ chủ yếu là giáo viên, sinh viên, học viên cao học của các trường đại học, cao đẳng, các nhà nghiên cứu thuộc những chuyên ngành khác nhau của KHXH-NV.
Đề tài có ý nghĩa khoa học, chính trị và thực tiễn, thiết thực phục vụ việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
2- Về nội dung đề tài:
Đề tài chủ trương tiếp tục hướng đi của các cơ quan nghiên cứu, các Nhà xuất bản, các cơ quan truyền thông, nhất là của Hà Nội trong những năm qua.
Đặt vấn đề tiếp cận từ nguồn tư liệu mới (tiếng phương Tây), thông qua việc chọn lọc, dịch thuật, xử lí nhằm làm rõ chính sách của các chính quyền Thăng Long- Hà Nội thời phong kiến và thuộc địa cũng như vấn đề quy họạch đô thị, diện mạo đô thị, sự thay đổi trong đời sống của dân chúng đô thị qua các thời kì.
3- Về phương pháp tiếp cận nghiên cứu:
Đề tài định hướng phương thức tiếp cận và phương pháp nghiên cứu hợp lý.
Trước hết đề tài liệt kê đầy đủ danh mục sách báo, các tài liệu có liên quan được sưu tầm tại các trung tâm lưu trữ, các thư viện, tủ sách gia đình (viết bằng tiếng phương Tây).
Tiến hành tuyển chọn, dịch thuật, hiệu đính, biên tập thành sách để giới thiệu với công chúng.
4- Về những tài liệu tiếng phương Tây được tuyển chọn giới thiệu:
Đề tài thống kê 35 đầu tài liệu cần trích dịch, giới thiệu, đó đều là những tài liệu hiếm quý, bao gồm 10 tài liệu viết vào thế kỷ XVII, 6 tài liệu của thế kỷ XVIII-XIX và 19 tài liệu công bố trong thời kỳ thuộc địa.
Các nguồn tài liệu nói trên khá đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, gồm các bài nghiên cứu, hồi ký, thư từ, bút ký, ký sự, tranh ảnh, bản đồ, sơ đồ, tản mạn, ký họa…
Những tư liệu này hết sức bổ ích và cần thiết, giúp người đọc hình dung về Thăng Long - Hà Nội, những chu kỳ và sự đổi thay, ít nhất là trong ba thế kỷ gần đây.
5- Những dự định về kết quả và tiến độ đề tài:
Đề tài dự định công bố kết quả bằng cuốn sách 600 trang (Khổ 16x24 cm).
Hoàn thành bản thảo: Tháng 8 – 2009
6- Kết quả chung:
Căn cứ vào khả năng chuyên môn, kinh phí, lực lượng chủ trì và lực lượng tổ chức bản thảo.
Đề tài hoàn toàn có khả năng thực hiện đúng kế hoạch về thời gian và tiến độ.
|
|
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc viết ngày 22/08/2011
Đề tài chủ yếu tập trung giới thiệu các sách tiếng Pháp và tiếng Anh trong kho tư liệu sách phương Tây viết về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội từ thế kỷ XVII cho đến trước năm 1945 phục vụ cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ưu điểm chính:
1. Số lượng các tài liệu sưu tầm và tuyển chọn là khá lớn: có đến 35 tài liệu, đều là tài liệu quan trọng, có giá trị và bao quát được các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của Thăng Long - Hà Nội từ thế kỷ XVII cho đến năm 1945. Bên cạnh đó còn có 50 bản đồ, hình ảnh, biểu bảng (tuy không thấy giới thiệu cụ thể) với tổng số khoảng 800 trang bản thảo.
2. Tài liệu được đặt trong hệ thống thư mục đầy đủ và được tuyển chọn một cách chặt chẽ, theo đúng quy định và quy trình của một công trình học thuật. Sau khi tuyển chọn, tài liệu được dịch và chú thích, hiệu đính bởi một tập thể các chuyên gia giỏi về lĩnh vực này.
3. Tài liệu được các tác giả nghiên cứu cơ bản và có bài khảo cứu như một công trình khoa học tổng thể nghiên cứu, đánh giá và giới thiệu tài liệu một cách khoa học và hệ thống.
4. Tôi tin đây là bộ tư liệu phong phú và đầy đủ nhất và chắc chắn sẽ là tốt nhất của các tác giả phương Tây viết về Thăng Long - Hà Nội từ trước đến nay mà chúng ta tập hợp được.
Một số điểm cần lưu ý:
1. Đề cương chia ra thành 3 giai đoạn là thế kỷ XVII; thế kỷ XVIII - XIX và thời Pháp như thế đã hợp lý và cân đối chưa? Theo tôi có thể chia thành 2 giai đoạn: thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX và thời kỳ thực dân Pháp thống trị tính từ cuối thế kỷ XIX đến 1945, mỗi thời kỳ có khoảng 16 - 18 tài liệu.
2. Cần phải giới thiệu rõ 50 tài liệu hình ảnh, bản đồ, biểu bảng là các tài liệu nào và lý do gì mà chọn tài liệu đó.
3. Nhân đây tôi cũng muốn biết rõ hơn về nguyên tắc và tiêu chí tuyển chọn: chỉ chọn sách nghiên cứu, khảo tả, chuyên khảo hay chọn cả các tư liệu, giấy tờ có liên quan được viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.
4. Tư liệu tiếng phương Tây được khoanh lại gồm tiếng Pháp và tiếng Anh như vậy đã hợp lý chưa? Tài liệu tiếng Bồ Đào Nha, tài liệu tiếng Hà Lan thế nào? Tác phẩm được viết bằng thứ tiếng khác nhưng được dịch sang tiếng Anh hay tiếng Pháp thì gọi là tiếng gì và có được tuyển vào đây không?
Đánh giá chung: Đây là bộ sưu tập tốt, được chuẩn bị tương đối công phu và có khả năng hoàn thành tốt. Đề nghị nghiệm thu và những người thực hiện cần chỉnh sửa, bổ sung theo đóng góp của hội đồng.
|
|
PGS.TS. Trần Thị Vinh viết ngày 22/08/2011
Thăng Long - Hà Nội là Thủ đô của đất nước nên trong lịch sử đã có nhiều người nước ngoài đến với nhiều mục đích khác nhau, nhất là từ thế kỷ XVII đến trước khi Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong thời gian này, du khách ngoại quốc đến Thăng Long - Hà Nội đã có không ít những ghi chép về Thăng Long - Hà Nội trên nhiều phương diện khác nhau. Những tài liệu này rất có giá trị và mang tính khách quan phản ánh về đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá của Thăng Long - Hà Nội và là nguồn bổ sung vô cùng quí giá cho sự thiếu hụt của tư liệu trong nước. Vì vậy, chủ trương dịch thuật, giới thiệu và xuất bản thành Tuyển tập tư liệu văn hiến: Tư liệu phương Tây của Nhà xuất bản Hà Nội là hết sức cần thiết nhân dịp kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi.
Đề cương thực hiện công việc dịch thuật nguồn tư liệu quí hiếm này do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ và các thành viên trong nhóm xây dựng nhìn tổng thể là tốt. Đề cương bao gồm nhiều hạng mục công việc từ tuyển chọn danh mục các tư liệu tiếng phương Tây viết về Thăng Long - Hà Nội đương thời (gồm 35 đầu sách), đến việc phân công dịch thuật, hiệu đính và đặc biệt công trình còn có phần viết Tổng hợp và đánh giá khảo chứng về nguồn tài liệu sẽ được dịch thuật để giúp người đọc dễ sử dụng nguồn tài liệu bằng tiếng nước ngoài khi họ chưa có điều kiện đọc văn bản gốc.
Về phương pháp tiếp cận, ngoài việc tiếp cận từ nhiều nguồn tư liệu, rồi chọn lọc, xử lý tư liệu để dịch, nhóm công trình có đề ra mục đích ưu tiên dịch những tư liệu phán ánh về các mặt: Chính sách của các chính quyền Thăng Long - Hà Nội thời phong kiến thuộc địa; Qui hoạch và diện mạo đô thị cùng sự thay đổi đời sống các mặt của dân chúng ở Thăng Long - Hà Nội.
Nhóm công trình chú trọng vào những tư liệu thuộc lĩnh vực đó là rất tốt và rất cần thiết cho người nghiên cứu tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội.
Về phương pháp nghiên cứu : Nhóm công trình chú trọng tuyển chọn để dịch những tư liệu quí, cần thiết, bổ ích và có tư liệu thì dịch toàn văn nhưng có tư liệu sẽ dịch từng phần và từng đoạn. Làm như vậy là hợp lý vì không có điều kiện về tài chính và thời gian để dịch hết tất cả các tư liệu hiện có, nhưng không nên lược dịch hoặc trích dịch sợ sẽ không phản ảnh hết được nội dung của tư liệu thậm chí phản ánh không sát về nội dung khiến người đọc rất khó sử dụng khi cần thiết phải trích dẫn văn bản. Đề cương đề ra là sau khi dịch sẽ có các lời giới thiệu và chú thích cho từng đầu mục sách và không dịch lại những sách đã dịch của những tác giả đã dịch ngoài nhóm dịch của công trình, như vậy là rất đúng.
Về thời gian thực hiện: Nếu đề tài chỉ được thực hiện trong 6 tháng thì thời gian thực hiện từng hạng mục công việc phải được chỉnh lại trong đề cương cho phù hợp.
Về kinh phí: Chưa thấy trong đề cương kê khai mục kinh phí thực hiện đề tài. Dịch thuật là công việc yêu cầu phải chính xác, trình độ dịch thuật phải điêu luyện, trình độ ngoại ngữ phải tốt... nên kinh phí đầu tư nếu không thoả đáng thì sẽ không đảm bảo được chất lượng của công trình.
Kết luận : Đề cương Thăng Long - Hà Nội, Tuyển tập tư liệu văn hiến: Tư liệu phương Tây do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ và nhóm dịch giả xây dựng đã đảm bảo được những yêu cầu cơ bản của một công trình nghiên cứu dịch thuật. Công trình mang tính khả thi cao vì đây là công việc đã được chủ nhiệm đề tài và nhóm tác giả quan tâm, thực hiện từ trước. Công trình này nên sớm được phê duyệt để nhóm dịch thuật tiến hành cho đúng tiến độ. Công trình dịch thuật những nguồn tư liệu tiếng phương Tây từ thế kỷ XVII đến trước năm 1945 viết về Thăng Long - Hà Nội là rất cần thiết vì nó sẽ phục vụ rất tốt cho nhiều đối tượng khi tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội nên công trình này cần phải được đầu tư kinh phí thoả đáng để thực hiện.
|
|
TS. Đào Thị Diến viết ngày 22/08/2011
1. Theo đề cương trình bày, nội dung khoa học của đề tài (phần II) bao gồm:
+ Mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ (mục 8):
- “Giới thiệu kho tư liệu tiếng phương Tây (tiếng Pháp, tiếng Anh) phong phú về Thăng Long - Hà Nội về mọi mặt đời sống (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá) từ thế kỷ XVII đến trước năm 1945”: đề cương cho thấy đề tài bao hàm rất rộng, nếu thực hiện được như vậy thì cuốn sách sẽ rất bổ ích, và là một trong những thành phần quan trọng của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
- “Đối tượng phục vụ là các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, các giáo viên, giảng viên và nhà nghiên cứu cùng đông đảo các bạn đọc gần xa quan tâm và yêu thích đến lịch sử Thăng Long - Hà Nội ”: đây là một việc rất khó thực hiện vì đối tượng phục vụ hầu như toàn bộ các tầng lớp nhân dân. Điều này cho thấy trọng trách của chủ nhiệm đề tài và người tổ chức bản thảo.
+ Tình trạng đề tài (mục 9.2):
- “Liệt kê danh mục các tác phẩm, công trình có liên quan đến đề tài đang thực hiện” theo trình tự: tên công trình, tác giả, nơi và năm công bố. Mục này chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu của một số đối tượng nêu trên song kết quả còn phụ thuộc vào tiêu chí tuyển chọn tư liệu (nêu trong mục 10: Cách tiếp cận).
+ Phương pháp nghiên cứu (mục 11): thể hiện quá trình làm việc có phương pháp khoa học của đề tài.
+ Đề cương chi tiết:
- Tư liệu trong thời thuộc Pháp (mục III): danh mục gồm 19 đầu tư liệu (trong số 35 cuốn của đề tài), trong đó bao gồm cả sách và các bài đăng trong một số ấn phẩm định kỳ. Đây là những cuốn tư liệu rất qúy, hiếm và còn lại rất ít ở Việt Nam. Điều đó thể hiện những người tham gia đề tài đã bỏ nhiều công sức trong việc sưu tầm tư liệu. Tuy nhiên đề tài đã bỏ sót một vài cuốn quan trọng của một số tác giả Pháp viết về Hà Nội. Ví dụ cuốn Hanoï pendant la période héroïque (1873 - 1888) của ANDRE MASSON, Paris, Librairie Orientaliste Paul Geuthner, 13 Rue Jacob (VIè), 1929…
Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, đây là một đề tài hấp dẫn, là một đầu sách quan trọng trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Nó nhất định phải được tổ chức và hoàn thiện để xuất bản đúng lộ trình trên cơ sở kinh phí đầu tư xứng đáng để đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo người nghiên cứu và bạn đọc gần xa. Cá nhân tôi cũng rất mong chờ được cầm cuốn sách đó trong tay.
|