|
PGS.TS. Lâm Bá Nam viết ngày 24/08/2011
Tôi đã đọc bản thảo cùng biên bản Hội đồng nghiêm thu chi tiết đề cương của tuyển tập này và xin nêu một số nhận xét sau đây :
1. Về cơ bản các tác giả đã tiếp thu góp ý của Hội đồng thẩm định và đã có những điều chỉnh cần thiết. Theo tôi những điều chỉnh về đề cương đã giúp các tác giả xây dựng được một tuyển tập khá tinh lọc và sắp xếp có hệ thống. Đây là một tuyển chọn hay, có giá trị, giúp cho bạn đọc có điều kiện hiểu sâu sắc hơn về văn hóa Thăng Long - Hà Nội và là tài liệu bổ ích cho các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách về mảng đề tài rộng lớn và có tầm quan trọng đặc biệt này. Bởi lẽ, đối với Thủ đô, vấn đề văn hóa có vị trí quan trọng hàng đầu.
2. Ngoài mở đầu với tiêu đề “Lời thưa cùng bạn đọc" 13 trang giới thiệu tổng quan về yêu cầu, mục tiêu, tiêu chí lựa chọn cũng như những vấn đề cốt lõi của công trình, tuyển tập gổm 691 tr khổ A4, khá dày dặn với 84 bài nghiên cứu với 66 tác giả được chia thành 6 phần. Về cơ bản tôi đồng ý với cấu trúc của tuyển tập mà các tác giả đã xây dựng.
Việc sắp xếp các bài trong từng phần về cơ bản là hợp lý. Các bài viết được tuyển chọn có chất lượng khoa học cao, đáp ứng tiêu chí lựa chọn mà các tác giả nêu ra.
Trong phần thứ nhất khi tuyển các bài viết về môi trường sinh thái, tôi cho là sự lựa chọn đúng, giá như có thêm bài viết về hồ Hoàn Kiếm.
Trong phần thứ hai về đời sống vật chất kinh tế, sự lựa chọn như thế là khá toàn diện. Giá như có thêm bài viết về Nghề trồng hoa và cây cảnh như Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Quảng Bá, Nhật Tân chẳng hạn. Đấy là chưa nói đây không chỉ đơn thuần là hoạt động kinh tế mà còn là hoạt động văn hóa, làm nên sắc thái Thăng Long - Hà Nội.
Trong Phần thứ ba về đời sống tôn giáo tín ngưỡng khá tốt. Nên cân nhắc bài thứ 41: Nguyễn Huệ với bia Tiến sĩ ở Văn Miếu ở Hà Nội. Phải chăng nên đặt bài này vào phần sinh hoạt văn hóa hoặc phần cái nhìn tổng quan, vì bài này không đề cập đến tôn giáo tín ngưỡng?
Phần về người Hà Nội nên cân nhắc thêm một số danh nhân khác. Cần lưu ý khi lựa chọn các danh nhân với các tiêu chí cụ thể. Riêng mục này tôi thấy tiêu chí lựa chọn chưa rõ. Điều này lại có liên quan đến không gian Hà Nội, ví như trường hợp Ngô Thì Nhậm chẳng hạn (Làng Tả Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Nội trước đây, Hà Đông rồi Hà Tây sau này, bây giờ mới là Hà Nội sau khi mở rộng). Làm rõ tiêu chí trong tuyển chọn trong mục này để tránh những tranh luận không cần thiết.
Trong Mở đầu của tập sách có Lời thưa cùng bạn đọc của chủ biên công trình khá bao quát và hấp dẫn như là một chuyên khảo. Trong Lời thưa này xin đề nghị tác giả làm rõ thêm về không gian Thăng Long - Hà Nội đối với tuyển tập này; bỏ phần chú thích về các tác giả ở tr 9 hay chú thích về giáo phận Hà Nội tr 11, 12 ( Phận mục lục sách đã có). Trong phần này chú ý ghi tên các tiêu đề nhất quán với phần ghi trong nội dung, ví dụ Người Thăng Long - Hà Nội hay Người Hà Nội.
Trong một số bài viết do địa dư có thay đổi nên có chú thích của Ban biên tập. Ví dụ Hải Hưng, Hà Bắc, Hà Sơn Bình... hay các địa danh thuộc Hà Tây trước đây nay thuộc Hà Nội.
3. Đánh giá chung: Tôi đánh giá cao chất lượng khoa học của Tuyển tập công trình này. Có thể nói đây là một tập hợp dày công nghiêm túc, lựa chọn được các bài nghiên cứu có giá trị, giới thiệu khá rõ nét về văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Đề nghị sớm hoàn chỉnh sau khi điều chỉnh một vài sửa chữa nhỏ và cho xuất bản phục vụ đại lễ 1000 năm Thăng Long và đông đảo bạn đọc.
|
|
PGS.TS. Lê Sỹ Giáo viết ngày 24/08/2011
Trong cuộc họp nghiệm thu đề cương chi tiết công trình này ngày 01/8/2009, tôi đã có ý kiến đồng tình về thông tin chung của đề tài, về người chủ trì và cơ quan chủ trì, về bố cục của tuyển tập và ý kiến đó không có gì thay đổi.
Lần này bản thảo đã được tổ chức, về mặt nội dung, hình thức, chất lượng có thể nói là rất nghiêm túc, rất đáng khen ngợi.
Tuy nhiên, tôi xin góp thêm một vài ý kiến, mong sao khi xuất bản có thể bổ sung thêm một số nội dung mà tôi cho rằng còn khuyết thiếu.
1. Đọc tập bản thảo này, người đọc vẫn chưa nhận thấy Thăng Long - Hà Nội là thủ đô của một nước Việt nam đa dân tộc, đa văn hóa. Nguyên do thì có thể là do thiếu các công trình, các bài viết đã công bố về vấn đề này (về các yếu tố Chăm, Taà - Thái, Malayô...). Riêng các yếu tố văn hóa Hán, văn hóa Pháp (phương Tây) nói chung thì rất rõ ràng, ai cũng cảm dược.
Cũng có thể là do các tác giả chưa tìm kiếm được các bài viết, các công trình có liên quan đến vấn đề này đã được công bố ở đâu đó. Nếu đúng như vậy thì đây là một điều đáng tiếc.
2. Phần đời sống tôn giáo tín ngưỡng - mới chủ yếu đề cập đến các yếu tố Phật giáo. Theo tôi, cần phải quan tâm đến hai lĩnh vực không kém phần quan trọng:
- Các tập tục có liên quan đến thờ cúng tổ tiên. Đây là tính ngưỡng tiêu biểu nhất của người Việt và tín ngưỡng này của Việt nam cũng được coi là điển hình nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
- Còn vắng bóng các bài viết về vị trí của Thiên chúa giáo đối với đời sống tín ngưỡng, tinh thần của người Hà Nội (Ngày Noel 25/12 là một ví dụ điển hình).
3. Phần giao thoa văn hóa
- Giao thoa văn hóa Việt - Hán có bề dày lịch sử hầu như không phải chứng minh thì ai cũng phải thừa nhận.
- Giao thoa Đông - Tây (Việt - Âu Mỹ) cũng rất rõ ràng, ít có ý kiến phản bác.
- Tuy nhiên, giao thoa văn hóa Việt - các dân tộc Nam Trung Hoa, Việt - các dân tộc Đông Nam Á (mà Hà Nội là trung tâm) cũng có bề dày lịch sử lại chưa thấy có công trình nào.
4. Tuyển tập này có khi xuất bản cần có hình ảnh minh họa thì sẽ sinh động hơn và tính thuyết thục sẽ cao hơn rất nhiều.
|
|
PGS.TS. Lê Hồng Lý viết ngày 24/08/2011
Toàn văn công trình có dung lượng 690 trang được chia thành sáu phần với 84 bài nghiên cứu. Công trình được mở đầu bằng Lời thưa cùng bạn đọc. Tôi xin đi luôn vào những nhận xét:
I- Về những ưu điểm của công trình
Trước hết phải công nhận đây là một công trình được thực hiện công phu với một khối tư liệu lớn được thu thập, lựa chọn từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau trong một thời gian dài của lịch sử. Các tác giả đã phải mất nhiều công đi “nhặt nhạnh” ở nhiều nơi mà nếu không có nghề thì rất khó hoàn thành được trong một khoảng thời gian nhất định.
Công trình đã hệ thống được theo các phần với một logic khá hợp lý và đã cố gắng tiếp thu được những góp ý của hội đồng đánh giá đề cương ban đầu. Về cơ bản các bài đã được lựa chọn theo đúng nội dung của chủ đề từng phần.
Qua nội dung của mỗi phần, người đọc cũng thấy rõ ý đồ của các tác giả đã cố gắng tìm kiếm các bài viết cho phù hợp, đồng thời lại bảo đảm được tính bao quát hết mọi vấn đề của lĩnh vực mà phần đó đặt ra.
Những nguồn trích dẫn được ghi rõ, cụ thể, điều này giúp người đọc có thể kiểm tra khi cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là bảo đảm được tính lịch sử của nó, đồng thời cũng phản ánh được tình hình nghiên cứu của mỗi giai đoạn và tránh được những bất cập về mặt địa danh, tên gọi, số liệu v.v…
Công trình thực sự là một công trình bao quát được những vấn đề văn hóa của Hà Nội và phần nào cũng cho thấy được chừng mực về độ đậm đặc của vấn đề nghiên cứu qua nội dung của từng phần.
II- Một số ý kiến thảo luận thêm cùng các tác giả
Có lẽ vì phải cố gắng bao quát hết mọi vấn đề nên việc lựa chọn các bài vào tuyển tập chưa phải là những bài tốt nhất, có chất lượng nhất trong từng lĩnh vực. Vì vậy, nên chăng trong phần thưa trước cần có sự phân tích và giới thiệu cặn kẽ hơn về cách thức mà nhóm tác giả lựa chọn.
Cũng chính vì sự không đồng đều của các bài được tuyển chọn, nên phần Lời thưa cùng bạn đọc của tuyển tập cần phải được gia công nhiều hơn, kĩ hơn để dẫn dắt người đọc, mà đồng thời cũng để lấy được sự cảm thông trước của người đọc. Theo tôi, lời thưa trước này nếu được đầu tư kĩ hơn chắc chắn sẽ làm cho công trình tăng thêm chất lượng.
Về các bài nhóm tác giả vẫn có thể tuyển chọn thêm hoặc bớt sau khi nghe góp ý của Hội đồng nghiệm thu.
Lỗi về in ấn, lỗi chính tả vẫn còn cần được tiếp tục sửa chữa.
Kết luận, bản thảo đã có thể công bố được sau khi gia công thêm phần giới thiệu, đề nghị Hội đồng nghiệm thu.
|
|
PGS.TS. Trần Thị Minh Nguyệt viết ngày 24/08/2011
I/ Ý nghĩa của cuốn sách
Thăng Long - Hà Nội - Kinh đô của nhiều triều đại phong kiến trước đây và Thủ đô của nước Việt Nam ngày nay đã trở thành nơi lắng động, hội tụ tinh hoa văn hoá dân tộc trong suốt chiều dài ngàn năm lịch sử. Văn hóa Thăng Long- Hà Nội không chỉ là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam mà còn là yếu tố hấp dẫn, lôi cuốn bất kỳ người ngoại quốc nào đặt chân đến Việt Nam. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã tìm hiểu, nghiên cứu, phát hiện những nét đặc sắc, tinh tế trong đời sống văn hóa của vùng đất ngàn năm văn vật này. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức sưu tầm, tuyển chọn để cho ra đời cuốn sách: “Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, tuyển các bài nghiên cứu”. Đây là một việc làm có ý nghĩa khoa học và nhân văn rất lớn. Tập hợp các công trình nghiên cứu về văn hoá Thăng Long - Hà Nội ở các khía cạnh, với nhiều cách nhìn khác nhau cho phép chúng ta thấy rõ những nét tiêu biểu trong văn hoá Thăng Long - Hà Nội, đồng thời thấy được quá trình vận động và biến đổi các giá trị văn hoá từ truyền thống đến hiện đại của vùng đất đặc biệt này. Cuốn sách được xuất bản sẽ là tài liệu tham khảo quý cho những người nghiên cứu văn hóa. Hơn thế, cuốn sách chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sức sống và sức lan tỏa của văn hóa Thăng Long - Hà Nội sẽ được nhân lên nhiều lần không chỉ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
II/ Ưu điểm của bản thảo cuốn sách
1.Cuốn sách “Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, tuyển các bài nghiên cứu” là tập hợp những bài viết tiêu biểu về văn hoá của Thăng Long - Hà Nội đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành, các hội nghị khoa học,.... Có thể thấy nhóm biên soạn đã làm việc rất nghiêm túc và công phu. Từ việc tập hợp gần 7000 bài viết của hơn hai nghìn tác giả về văn hóa Hà Nội, nhóm biên soạn đã lựa chọn ra 142 bài tiêu biểu, thể hiện trong đề cương cuốn sách. Trên cơ sở đó, nhóm đã chắt lọc được 84 bài của 65 tác giả để đưa vào cuốn sách theo các tiêu chí chất lượng bài viết và sự phản ánh toàn diện các khía cạnh văn hoá Thăng Long Hà Nội, được thể hiện trong 691 trang bản thảo.
2. Các bài viết được lựa chọn đưa vào cuốn sách phần lớn của các tác giả nghiên cứu văn hóa và lịch sử có tên tuổi và uy tín cao trong nghiên cứu khoa học. Nội dung các bài viết đảm bảo tính khoa học, phân tích sâu sắc, có tính thuyết phục, hấp dẫn.
3. Các bài viết được sắp xếp thành 6 phần tương đối khoa học và hợp lý, phản ánh các khía cạnh của đời sống văn hoá và các giá trị văn hoá tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội qua suốt chiều dài 1000 năm lịch sử. Dung lượng các phần khá cân đối: Phần thứ nhất: 145 trang; Phần thứ 2: 143 trang; Phần thứ 3: 104 trang; Phần thứ 4: 92 trang; Phần thứ 5: 130 trang và Phần thứ 6: 55 trang.
Các bài viết của các tác giả người nước ngoài được tuyển chọn nhìn chung phù hợp với chủ đề của từng phần, góp thêm cái nhìn đa chiều về văn hoá Thăng Long – Hà Nội.
4. Cuốn sách được biên soạn khá cẩn thận, ít lỗi văn bản.
III/ Một số vấn đề trao đổi với nhóm biên soạn
Việc đặt tên cho từng phần chắc chắn đã được nhóm biên soạn cân nhắc kỹ lưỡng. Nhìn chung cách sắp xếp các bài trong từng phần và tên gọi từng phần hợp lý. Tuy nhiên tôi vẫn muốn đề nghị nhóm xem xét lại tiêu đề phần 2: “Đời sống vật chất, kinh tế”. Nội dung các bài viết trong phần này đề cập đến khía cạnh văn hóa trong đời sống vật chất của cư dân Thăng Long – Hà Nội, hoàn toàn phù hợp với chủ đề văn hóa, nhưng tiêu đề này vẫn gây cảm giác xa chủ đề văn hóa của cuốn sách. Nên chăng gọi tên phần này là “Lối sống vật chất” ?.
IV/ Kết luận
Cuốn sách là một tập hợp các công trình nghiên cứu văn hóa Thăng Long - Hà Nội có giá trị, có kết cấu khoa học và hợp lý. Cuốn sách được xuất bản sẽ là tài liệu tham khảo quý cho những người nghiên cứu văn hóa cũng như những người quan tâm tới Thủ đô Hà Nội và văn hoá Thăng long- Hà Nội.
|
|
GS.TS. Ngô Đức Thịnh viết ngày 23/08/2011
1. Chúng tôi hoan nghênh loại sách tuyển tập như thế này trong tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Bởi vì, ngoài các tác phẩm riêng lẻ đi vào các chủ đề riêng thì các bài nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội chiếm số lượng hàng ngàn bài, trong số đó có nhiều bài có giá trị, thậm chí có giá trị hơn cả muôn cuốn sách. Do vậy cần sưu tầm và tuyển chọn các bài viết đó trong khuôn khổ một tuyển tập theo các lĩnh vực khác nhau, mà ở đây là về văn hoá. Nếu không chúng ta sẽ bỏ sót một mảng bài nghiên cứu có giá trị.
Cuốn sách này ngoài phục vụ bạn đọc rộng rãi muốn tìm hiểu sâu về các khía cạnh văn hoá khác nhau của Hà Nội thì nó rất cần cho các nhà nghiên cứu, có thể tham khảo khi cần thiết một cách nhanh chóng và tiện lợi.
2. Về cơ cấu sách chia làm 6 phần cơ bản là hợp lý :
- Phần thứ nhất về môi trường sinh thái và cái nhìn tổng quan
- Phần thứ hai : Đời sống vật chất và kinh tế
- Phần thứ ba : Đời sống tín ngưỡng
- Phần thứ tư : Sinh hoạt văn hoá
- Phần thứ năm : Người Hà Nội
- Phần thứ sáu : Giao lưu và tiếp xúc văn hoá
Tất nhiên, khi biên tập, chúng ta có thể tìm được những tên đặt cho từng phần cho hay và phù hợp, thứ tự trước sau các phần sao cho cho hợp lý hơn.
3. Cái quan trọng của cuốn sách này là khâu tuyển chọn, phát hiện cho hết các bài ở các thời kỳ khác nhau, tránh để sót các bài hay. Việc biên tập cũng rất cần, làm sao giữ được tính “lịch sử” của các bài cũng như nội dung của nó phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay.
Tất nhiên việc tuyển chọn và biên tập là khâu thao tác cụ thể, liên quan đến các thành viên của ban biên tập, sẽ bàn cụ thể sau.
|
|
PGS.TS. Lê Sỹ Giáo viết ngày 23/08/2011
1. Thông tin chung về đề tài là rõ ràng. Người chủ trì và cơ quan chủ trì đề tài đều là những địa chỉ đáng tin cậy, có uy tín và đã thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu, nhiều đề tài cấp bộ và cấp nhà nước hàng chục năm qua.
2. Nội dung khoa học của đề tài đã được cơ quan Nhà xuất bản Hà Nội đặt hàng, sẽ được một Hội đồng gồm các chuyên gia về nhiều lĩnh vực (Văn hoá học, sử học, nhân học) tuyển chọn những công trình được coi là tiêu biểu nhất cho tuyển tập.
Với các tên tuổi, các gương mặt được ghi ở mục 12.1.Tên đối tác ( người tổ chức và hợp tác), tin rằng công trình sẽ được hoàn thành đúng tiến độ và có chất lượng cao.
3. Công trình được cấu tạo thành 6 phần với các tiêu đề :
- Văn hoá Thăng Long - Hà Nội: Môi trường sinh thái và cái nhìn tổng quan (25 bài)
- Đời sống vật chất - kinh tế (35 bài)
- Đời sống tôn giáo tín ngưỡng (31 bài)
- Sinh hoạt văn hoá (12 bài)
- Người Hà Nội (29 bài)
- Tiếp xúc và giao lưu văn hoá (10 bài)
Với 142 bài sẽ được tuyển chọn có đầy đủ các gương mặt, các chuyên gia về Hà Nội học hoặc có quan tâm đến nghiên cứu Hà Nội cả trong và ngoài nước cho thấy kết cấu chương trình là khá hợp lí với nội dung phong phú.
Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn Tuyển tập các công trình nghiên cứu văn hoá Thăng Long - Hà Nội không chỉ nhằm chứng minh Thăng Long - Hà Nội chỉ là trung tâm Kinh tế - Chính trị - Văn hoá của khu vực đồng bằng Bắc Bộ mà nó còn ghi dấu ấn của các nền văn hoá của một số cộng đồng thiểu số Việt Nam xứng với Thủ đô của một đất nước đa dân tộc, đa ngôn ngữ, đa văn hoá. Hình như vấn đề này chưa được quan tâm xem xét một cách thích đáng.
|
|
PGS.TS. Lê Hồng Lý viết ngày 23/08/2011
Ý tưởng của công trình là một ý tưởng tốt. Trong số vô vàn những chuyên luận nghiên cứu về Hà Nội từ trước đến nay cũng cần có một sự tập hợp lại những bài có giá trị. Điều này giúp cho người đọc không có điều kiện đọc rộng có thể bằng một cuốn sách mà có cái nhìn toàn diện về những vấn đề nghiên cứu về Hà Nội. Vì vậy, vai trò của người chủ biên và hội đồng tuyển chọn là rất quan trọng. Để hoàn thiện đề cương chúng tôi xin góp ý với tác giả như sau:
- Nên đặt ra một tiêu chí tuyển chọn để dựa vào đó mà làm việc, đồng thời cũng giúp các tác giả trả lời các chất vấn tại sao chọn bài này mà không chọn bài kia, chọn tác giả này mà không chọn tác giả khác.
- Qua việc tập hợp và hệ thống các bài được lựa chọn để gửi đến người đọc một thông điệp nào đó, vì thế việc sắp xếp có hệ thống là cần thiết. Trong đề cương cho thấy các tác giả muốn chọn những bài nghiên cứu có tính chất tổng quan về các vấn đề văn hoá của Hà Nội, đó là một tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, việc sắp xếp cần có hệ thống hơn. Chẳng hạn ở Phần thứ nhất bài "Folklore kẻ Chợ..." của GS. Vượng nên tập trung về mảng folklore. Tương tự như vậy có một số tài liệu khác trong những phần sau.
- Có nên giới hạn mốc thời gian và tài liệu của các công trình được tuyển chọn hay không? Nếu giới hạn thì bắt đầu từ đâu và tại sao cũng nên cho người đọc biết.
- Về các tác giả cũng như vậy, ở đây chỉ quan tâm đến nội dung công trình nghiên cứu, dù nó là của ai, người Việt Nam hay người nước ngoài? Nếu có cả các tác giả nước ngoài viết về Hà Nội thì chỉ chọn những bài đã dịch hay cả những bài chưa dịch nhưng nổi tiếng nay cần phải dịch?
- Tôi không rõ tập I cuốn sách về vấn đề gì, còn tập II như các tác giả cho biết chuyên về Văn hoá, vậy tên của Phần thứ II cần phải đặt lại, nên chăng là văn hoá vật chất hay một cái tên tương tự. Ngay cả tên của Phần thứ nhất cũng nên suy nghĩ thay đổi chuẩn hơn được sẽ hay hơn. Một lần nữa chúng tôi xin lưu ý, vì đây là cuốn sách tập hợp các công trình nghiên cứu theo nhiều chủ đề khác nhau nên hết sức chú ý việc lựa chọn và đặc biệt là sắp xếp một cách hệ thống để chuyển tải được những thông điệp cần thiết đến độc giả.
|
|
PGS.TS. Trần Thị Minh Nguyệt viết ngày 23/08/2011
I/ Ý nghĩa của cuốn sách
Vốn là Kinh đô của nhiều triều đại phong kiến trước kia và là Thủ đô của nước Việt Nam ngày nay, Thăng Long - Hà Nội trở thành nơi hội tụ tinh hoa văn hoá dân tộc. Những giá trị văn hoá đặc sắc của Hà nội là nguồn cảm hứng và đề tài nghiên cứu khoa học của nhiều học giả trong và ngoài nước. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, việc sưu tầm, chỉnh lý và biên soạn cuốn sách: “Thăng Long - Hà Nội, tuyển tập các công trình nghiên cứu” của Nhà xuất bản Hà Nội là một việc làm có ý nghĩa khoa học và nhân văn rất lớn. Đây là công trình sưu tầm tuyển chọn công phu và khá đầy đủ các công trình nghiên cứu về các khía cạnh văn hoá Thăng Long - Hà Nội xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, giúp cho bạn đọc trong và ngoài nước thấy rõ những nét tiêu biểu trong văn hoá Thăng Long - Hà Nội, đồng thời thấy được quá trình vận động và biến đổi các giá trị văn hoá từ truyền thống đến hiện đại của Hà Nội.
II/ Ưu điểm của đề cương cuốn sách
1.Bản đề cương cuốn sách “Thăng Long - Hà Nội, tuyển tập các công trình nghiên cứu” (Tập II: Văn hoá) đã xác định khá rõ mục đích và đối tượng phục vụ của cuốn sách. Đó là tập hợp những bài viết tiêu biểu về văn hoá của Thăng Long - Hà Nội, dành cho những ngưởi quan tâm và những người nghiên cứu về văn hoá Hà Nội.
2.Phương pháp nghiên cứu, sưu tầm, tuyển chọn các bài viết phù hợp với đề tài và đảm bảo chất lượng khoa học. Các bài viết được tập hợp trên cơ sở các sách, tạp chí khoa học đã được công bố. Một Hội đồng các nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực văn hoá sẽ tuyển chọn các bài viết tiêu biểu nhất trong số đó theo các tiêu chí chất lượng bài viết và sự phản ánh toàn diện các khía cạnh văn hoá Thăng Long Hà Nội.
3. Đề cương chi tiết của cuốn sách phản ánh quá trình làm việc nghiêm túc và công phu. 142 bài viết tiêu biểu đã được lựa chọn, sắp xếp tương đối khoa học và hợp lý, phản ánh các khía cạnh đời sống văn hoá và các giá trị văn hoá tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội qua suốt chiều dài 1000 năm lịch sử.
Cuốn sách dự kiến được chia làm sáu phần với các chủ đề và cơ cấu như sau:
- Phần thứ nhất: Văn hoá Thăng Long - Hà Nội: Môi trường sinh thái và cái nhìn tổng quan (25 bài)
- Phần thứ hai: Đời sống vật chất và kinh tế (35 bài)
- Phần thứ ba: Đời sống tôn giáo tín ngưỡng (31 bài)
- Phần thứ tư: Sinh hoạt văn hoá (12 bài)
- Phần thứ năm: Người Hà Nội (29 bài)
- Phần thứ sáu: Tiếp xúc và giao lưu văn hoá (10 bài)
Nhìn chung việc phân chia các phần như trên tương đối hợp lý, bao quát được các vấn đề văn hoá gắn với đời sống vật chất và tinh thần của Hà Nội.
Các bài viết của các tác giả người Việt Nam và người nước ngoài được tuyển chọn nhìn chung phù hợp với chủ đề của từng phần, phản ánh cái nhìn đa chiều về văn hoá Thăng Long - Hà Nội.
III/ Một số vấn đề trao đổi với nhóm biên soạn
Hai nội dung chủ đạo: văn hoá tinh thần và văn hoá vật chất xuyên suốt toàn bộ cuốn sách là cách tiếp cận hợp lý trong bối cảnh có nhiều quan điểm chưa thống nhất về khái niệm văn hoá. Tuy nhiên, trong cách đặt tên tiêu đề cho mỗi phần của cuốn sách nên diễn đạt rõ hơn những đặc điểm văn hoá Thăng long - Hà Nội, tránh gây cảm giác quá xa với chủ đề văn hoá. Chẳng hạn như “Đời sống vật chất - kinh tế”.
Một số bài viết trong Phần thứ tư “Sinh hoạt văn hoá” có thể đưa cả vào Phần thứ ba” Đời sống tôn giáo tín ngưỡng” .
IV/ Kết luận
Đề cương cuốn sách được chuẩn bị chu đáo, kết cấu khoa học. Cuốn sách được xuất bản sẽ là tài liệu tham khảo quý cho những người quan tâm tới Thủ đô Hà Nội và văn hoá Thăng Long - Hà Nội.
|