|
PGS. Trần Nghĩa viết ngày 25/08/2011
Tôi đã nhận được tập bản thảo “Thanh thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn” do NXB Hà Nội gửi tới để đọc và góp ý.
Theo đề cương chi tiết (nghiệm thu và ngày 10/10/2009) thì sách gồm Lời giới thiệu; bài nghiên cứu, giới thiệu sử liệu trong “Thanh thực lục” đối với Việt - Thanh chiến sử; bản dịch, bản gốc chữ Hán, bảng tra cứu. Nhưng bản thảo tôi hiện nhận được mới có phần dịch và phần nguyên bản chữ Hán.
Sau đây là một số nhận xét của tôi:
1. Bản dịch lần này, so với bản dịch do NXB Hà Nội công bố năm 2007, cũng dưới tiêu đề “Thanh thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn” có nâng cao thêm về chất lượng dịch thuật; cách trình bày bản dịch cũng mang tính khách quan, khoa học hơn. Nhóm công trình đã tiếp tục phát huy những ưu điểm mà chúng ta đã nhận thấy khi nghiệm thu bản thảo “Minh thực lục: Quan hệ Việt - Trung thế kỷ XIV - XVII” cách đây không lâu.
2. Khi thẩm định bản dịch, nhờ có phần chữ Hán kèm theo, tôi có dịp đối chiếu bản dịch với bản gốc và thấy đây là một công trình dịch thuật công phu, nghiêm túc. Nhưng rõ ràng phải rà soát lại toàn bộ trước khi xuất bản để có thể thật sự yên tâm.
Hãy lấy vài đoạn dịch trong bản thảo làm thí dụ:
[1] Ngày 1 tháng 7 năm Càn Long thứ 53 [2/8/1788]
- Ngay đầu bài “Dụ” có cụm từ “Mục Mã trấn di quan” được dịch là “viên quan người di ở trấn biên cương”. Thực ra, Mục Mã ở đây là tên lỵ sở của tỉnh Cao Bằng. Thời Lê Vĩnh Trị, Cao Bằng là đơn vị hành chính thuộc cấp trấn. Vậy cụm từ trên phải dịch là “viên quan người di ở phố Mục Mã trấn Cao Bằng”.
- Tiếp đoạn này, có câu “Nguyễn Huy Túc đẳng hộ tống vương mẫu, vương tử tị nạn nội đầu”. Chữ “tị nạn nội đầu” có nghĩa là “vào Trung Quốc để lánh nạn” (nội: nội địa, chỉ Trung Quốc; đầu: vào), vậy không thể dịch là “nội phục” [đầu phục triều đình nhà Thanh], dịch như vậy vừa không rõ nghĩa (nhất là chữ “nội phục”), vừa chưa hết chữ cần dịch (tị nạn = lánh nạn).
- , chữ không thể phiên là “Đoan” vì trong các từ điển Trung Quốc hiện không có chữ ấy, mà đây chỉ là một lỗi chính tả trong bản gốc chữ Hán. Vậy cần hiệu đính lại là , đọc là “Diêu”, tên của vua Lê Cảnh Hưng, như sử ta đã chép.
- , chữ “cẩn” ở đây có nghĩa là “chỉ”, “chỉ có”, chứ không phải “kính cẩn” như bản thảo đã dịch. Chữ “cẩn” là “kính cẩn”, bên trái là bộ ngôn , chữ không phải nhân đứng .
- “Chuẩn kỳ bổ cấp sắc phong” dịch là “sẽ bổ cấp sắc phong” bỏ sót chưa dịch chữ “chuẩn” với nghĩa là “cho phép”. Cả cụm từ có nghĩa là “cho phép bổ cấp sắc phong”.
[209] Ngày 15 tháng 8 năm Gia Khánh thứ 8 [30/9/1803]
- , được dịch là “Bọn người An Nam Lê Quýnh cư trú tại xưởng Lam Điện”, chữ “lam điện” vốn có nghĩa là một loại thuốc nhuộm màu xanh chàm, thì ở bản thảo lại hiểu như một danh từ riêng, cả hai chữ đều viết hoa. Đúng ra phải dịch là “Bọn Lê Quýnh người An Nam cư trú tại xưởng làm thuốc nhuộm màu chàm”.
- “Lê Quýnh đẳng khẩn giả nghênh thám cống sứ”, chữ “giả” ở đây có nghĩa là “nghỉ việc”, cả câu phải dịch là “Bọn Lê Quýnh khẩn khoản xin nghỉ việc để đi đón thăm công sứ”. Bản thảo đã bỏ sót không dịch chữ “nghỉ việc”.
- “Phát vãng đến Ô Lỗ Mộc Tề”. Có thể chú thích địa danh Ô Lỗ Mộc Tề là: tên một huyện ở Tân Cương, Trung Quốc.
Tình hình chung là như vậy.
Kết luận: Tôi đồng ý nghiệm thu bản dịch gồm 310 trang này trong cuộc họp hôm nay. Nhưng sau khi nghiệm thu, đề nghị nhóm biên dịch gia công thêm để khi xuất bản, bạn đọc có một ấn phẩm thật tin cậy.
|
|
PGS.TS. Phan Văn Các viết ngày 25/08/2011
Theo yêu cầu của Ban quản lý Dự án Nhà xuất bản Hà Nội trong thư mời đề ngày 30 tháng 6 năm 2010 do ông Tổng giám đốc Nguyễn Khắc Oánh ký tên, tôi đã đọc bản thảo “Thanh thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn” do nhóm Hồ Bạch Thảo thực hiện (dưới đây gọi tắt là bản thảo sử liệu) và xin có một số ý kiến nhận xét sau đây.
1. Nhà xuất bản chỉ mới chuyển đến chúng tôi toàn văn bản dịch chú 209 đoạn trích Thanh thực lục kèm theo nguyên văn chữ Hán, chưa có bài nghiên cứu giới thiệu nên nhận xét của chúng tôi chủ yếu chỉ thực hiện đối với phần dịch chú. Mà với loại sách này, xin lưu ý Nhà xuất bản là cần hết sức coi trọng bài nghiên cứu giới thiệu vì nó nói lên quan điểm của người dịch trong việc đánh giá sử liệu và lý do của việc giới thiệu sử liệu ấy với bạn đọc. Phần này cũng sẽ gắn với trách nhiệm của Nhà xuất bản trước Nhà nước và xã hội.
2. Riêng về phần tuyển chọn và dịch chú, chúng tôi thấy bản thảo sử liệu đã được thực hiện cẩn thận và nghiêm túc.
a- Đã trích dịch đủ 209 trang đoạn có liên quan.
b- Dịch khá chuẩn xác
c- Chú thích tương đối kỹ, đúng mức cần thiết.
d- Danh mục thư tịch tham khảo liệt kê 18 bộ sách có liên quan, cho thấy nhóm dịch giả đã làm việc khá cẩn trọng.
3. Tuy nhiên, vẫn còn một số câu chữ còn cần kiểm tra lại và cân nhắc thêm, đề nghị nhóm dịch giả lưu ý:
+ Câu cuối tr.2 bản dịch “...đã kính cẩn chuẩn bị văn thư...” là sai ý về đọc nhầm chữ (cẩn với bộ nhân đứng, nghĩa là chỉ, chỉ có) với chữ (cẩn, bộ ngôn, nghĩa là cẩn thận, kính cẩn). Thật ra câu văn của nguyên tác chỉ là lời trách cứ “Trước đây về nước này đánh mất ấn tín mà chỉ có văn bản xin cấp bù, chứ chưa hề sai sứ giả sang cáo tang, theo thể chế là không hợp”, không có ý gì đánh giá kính cẩn hay không kính cẩn.
+ Tr. 5 bản dịch, chú thích 5: Khu tự trị Tráng tộc Quảng Tây nên sửa lại: Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
+ Tr. 6 bản dịch, cùng một tên người mà ba lần phiên khác nhau: Nguyễn Đình Phái/ Nguyễn Đình Bái. Phải là Bái mới đúng.
+ Tr. 306 bản dịch “bên dùng tên cũ Nam Việt” Nguyên bản (tr.572) viết
lẽ ra phải dịch đúng tên cũ An Nam, dịch đổi lại như trên mà không nói lý do là không ổn.
Những lỗi tương tự như vậy e cũng còn không ít vì chúng tôi chỉ mới đủ thời gian đối chiếu thử mấy trang mà thôi.
4. Nhìn chung lại, bản thảo tốt, đề nghị rà soát kỹ rồi cho xuất bản.
|
|
TS. Nguyễn Công Việt viết ngày 25/08/2011
1. Nhận định chung
Giai đoạn Tây Sơn 1778 - 1801 tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, song đáng tiếc đã không được lưu lại trong chính sử nước ta. Chính vì vậy việc khai thác những tư liệu lịch sử quý giá về giai đoạn này trong Thanh thực lục là điều rất cần thiết và có ý nghĩa khoa học.
Nội dung của các tài liệu lịch sử này hầu hết là các bản dụ của Hoàng đế Thanh Càn Long cho các quân cơ đại thần, Tổng đốc, Tuần phủ Lưỡng Quảng... đối với An Nam mà chủ yếu là đối với triều Tây Sơn. Đồng thời với các bản dụ là một số loại hình văn bản khác cũng thuộc thể loại văn bản hành chính. Những văn bản này hàm chứa đầy đủ tính quan phương và ý nghĩa hoàn chỉnh dưới góc độ văn bản học. Trên cơ sở đó sử quan mới ghi chép lại ở thể thực lục.
Tác giả Hồ Bạch Thảo và nhóm công trình đã bỏ nhiều công sức thời gian tuyển dịch về sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn trong Thanh Thực lục. Bản dịch hoàn chỉnh từ ngày 1 tháng 7 năm Càn Long thứ 53 (1788) đến ngày 15 tháng 8 năm Gia Khánh thứ 8 (1803) tương ứng với triều đại Tây Sơn. Nhìn chung phần dịch sát nghĩa, văn phong diễn đạt đúng theo ngôn ngữ thể thực lục.
Dưới mỗi trang dịch các tác giả đã thực hiện chú thích rõ ràng. Đối với các tác phẩm lịch sử xuất bản hay tái bản thì phần chú thích là phần quan trọng và được đánh giá cao nếu như dịch giả làm tốt. Việc chú thích ở đây đã được dịch giả Hồ Bạch Thảo và người cộng sự Phạm Hoàng Quân thực hiện nghiêm túc đầy đủ có đối chiếu tra cứu cẩn thận. Đây là một bản thảo khá hoàn chỉnh đảm bảo về chất lượng nội dung trước khi xuất bản.
2. Một vài trao đổi
- Tên đề tài có thể xem xét đặt lại cho phù hợp với nội dung tác phẩm dịch.
- Nên có lời giới thuyết chung mở đầu của cuốn sách, vừa làm tăng giá trị của tài liệu vừa để người đọc tiện tra cứu theo dõi.
- Phần dịch: dòng 2 trang 139 “Đô đốc Lạng Sơn” dịch từ chữ “đốc”. Đốc ở đây là chức Đốc trấn Lạng Sơn, là chức của văn quan được đặt ra thời Lê cùng chức Lưu thủ, Đốc phủ phụ giúp chức Trấn thủ là quan đầu Trấn. Không phải là Đô đốc ở ngạch võ quan có phẩm hàm cao. Trong quan chế nước ta giai đoạn này không có chức Đô đốc ở cấp tỉnh.
- Lưu ý một số chú thích:
+ Chú thích 1 - Trang 4 “Năm 1789 tổng chỉ huy chiến dịch Tấn công An Nam” thực tế là năm 1778 và đầu năm 1789 mới thua chạy.
+ Chú thích 3 - trang 5. “Tỉnh Cao Bằng” phải ghi là phủ Cao Bình. Vì từ thời Lê đến trước cải cách Minh Mệnh 1831 Cao Bằng vẫn là cấp phủ. Đế giữa đời Quang Trung kiến húy nên mới đổi Bình thành Bằng.
+ Chú thích 2 - trang 29. Phiên mục tỉnh Tuyên Quang –lúc này Tuyên Quang vẫn là cấp trấn chưa đổi là tỉnh.
+ Chú thích 3. trang. 40. Năm Đinh Mùi (1788). Năm 1788 phải là năm Mậu Thân (là Dương Can, Dương Chi)
+ Chú Thích 3 trang 201 “Giang Nam là các tỉnh phía nam sông Dương Tử”. Chính xác phải là sông Trường Giang.
3. Tóm lại
Bản thảo đề tài đã được các dịch giả thực hiện nghiêm túc, công phu đối chiếu tra cứu cẩn trọng. Sau khi tiếp thu ý kiến của Hội đồng bản thảo sẽ hoàn chỉnh hơn trong một thời gian ngắn thì có thể chuyển nhà xuất bản in ấn ra mắt bạn đọc, kịp lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|
|
PGS.TS. Nguyễn Minh Tường viết ngày 25/08/2011
Bộ Thanh Thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn do Dịch giả Hồ Bạch Thảo thực hiện đã được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành vào năm 2007, nay lại được gia công, chỉnh sửa, bổ sung thêm các chú thích để tái bản nhằm phục vụ bạn đọc tốt hơn. Tôi đã đọc kỹ cả 2 bản Thanh Thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn, nói trên, xin có một vài nhận xét như sau:
1. Dịch giả Hồ Bạch Thảo có một vốn kiến thức chữ Hán khá vững, do đó, có thể thấy bản dịch sang tiếng Việt chất lượng tốt. Bản dịch Thanh Thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn lần này, giống như trước đây, tôi đã được Nhà xuất bản Hà Nội mời đọc duyệt bản dịch Minh thực lục: Quan hệ Trung Hoa - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII, cũng do Dịch giả Hồ Bạch Thảo dịch và Phạm Hoàng Quân hiệu đính - chú thích, cả hai bản dịch sang tiếng Việt đều khá chuẩn mực, văn phong trong sáng, dễ hiểu.Vốn Hán học của Hồ Bạch Thảo và Phạm Hoàng Quân là rất đáng ghi nhận trong thời kỳ mà Hán học có chiều giảm sút đáng kể ở Việt Nam, hiện nay.
2. Tuy vậy, bản thảo Thanh Thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn vẫn còn một vài điều cần bàn thêm hoặc chỉnh sửa chút ít.
a. Trước hết là tiêu đề của tập sách, theo tôi là thiếu chính xác, chưa phản ánh đúng toàn bộ nội dung của nó:
Thanh Thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn trình bày 209 văn bản dịch trích ra từ Thanh thực lục, trong khoảng thời gian từ ngày 1 - 7 năm Càn Long thứ 53 (2-8-1788 - Văn bản 1) đến ngày 15 - 8 năm Gia Khánh thứ 8 (30-9-1803 - Văn bản 209). Trong khi đó, Cuộc chiến tranh giữa nhà Thanh và triều Tây Sơn - Quang Trung chỉ diễn ra và được thể hiện ở các văn bản, từ Văn bản 1 ngày 1 - 7 năm Càn Long thứ 53 (2-8-1788) đến Văn bản 74: Ngày 10-4 năm Càn Long thứ 54 (4-5-1789), với nội dung: "Dụ cho các quân cơ đại thần: Về việc An Nam đã quyết định không đánh nữa, nên không cần nhiều binh đóng giữ. Tất cả số binh Quảng Đông 3000 tên đã giáng chỉ phải triệt hồi ngay...".Những văn bản từ 75 đến văn bản 209 (tức 135 văn bản, chiếm tới 2/3 số lượng văn bản của toàn bộ sách) không nói gì đến "Chiến tranh Thanh - Tây Sơn" nữa, như vậy tiêu đề của sách chỉ phản ánh có 1/3 số văn bản chứa trong sách.
Vì thế, theo tôi nên sửa lại tiêu đề của sách là: Thanh Thực lục: Quan hệ giữa nhà Thanh và Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
b. Trong phần Nguyên thư, Thanh thực lục, sử thần Trung Quốc gọi nước ta thời Tây Sơn là An Nam, là có ý kỳ thị. Thực ra, bấy giờ nước ta vẫn giữ quốc hiệu là Đại Việt. Tiếc rằng, trong các chú thích, Hồ Bạch Thảo và Phạm Hoàng Quân, ở một số trang như: trang 11 chẳng hạn cũng viết: "Hứa Thế Hanh... trong cuộc chiến tranh xâm lược An Nam tử trận ở đồn Ngọc Hồi...", hoặc: "Trương Triều Long... sau khi chết trận ở An Nam...". Ta nên sửa lại là Việt Nam.
Cũng ở chú thích trang 11, Hồ Bạch Thảo chú chữ "Xưởng dân: dân làm việc trong các xưởng mỏ tại vùng thượng du Bắc Việt, dân này phần lớn là người Tàu". Trong văn bản chính thức ấn hành rộng rãi, không nên sử dụng từ "người Tàu", nên sửa lại là "người Hoa". Ở chú thích 1, trang 179, cũng ghi "sứ bộ Tàu", cũng nên sửa là "sứ bộ Trung Quốc".
d. Ở chú thích trang 46 ghi: "Đề đốc Ô Đại Kinh đem 8 nghìn quân lấy đường qua cửa Mã Bạch, thuộc sách Khai Hóa, vượt sông Chúc (tức Đỗ Chú) vào cõi Giao Chỉ...". Con sông này tên chính xác là Đổ Chú (chữ Đổ bên phải chữ Bối, bên trái chữ Giả: nghĩa là đánh bạc; chữ Chú: bên trên có 2 chữ Khẩu, bên dưới có bộ Nhân - giống hai chân người đang đi, nghĩa là: nguyền rủa, thần chú).
e. Văn bản 147: Ngày 23-4 năm Càn Long thứ 55(5-6-1790) chép về: Sắc dụ của Càn Long cho Quốc vương An Nam Nguyễn Quang Bình (tên Quang Trung đặt ra để quan hệ với nhà Thanh), khi Quốc vương An Nam chuẩn bị đến tháng 8 năm ấy sang mừng thọ Càn Long "Bát tuần vạn thọ" - 80 tuổi.
Theo tôi, ở đây nên chú thích: Đoàn sứ bộ năm ấy (1790) không phải do vua Quang Trung dẫn đầu, mà do Quốc vương giả: Phạm Công Trị - cháu gọi Quang Trung bằng cậu đóng thế (xem Đại Nam liệt truyện - Sơ tập, Q30).
Mặc dù, còn một vài sai sót nhỏ trên đây, song tôi vẫn khẳng định bản dịch Thanh Thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn của Dịch giả Hồ Bạch Thảo thực hiện, Phạm Hoàng Quân hiệu đính, chú thích đạt chất lượng tốt. Nhóm soạn giả cần nhanh chóng chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo, để xuất bản phục vụ bạn đọc gần xa./.
|
|
PGS. Trần Nghĩa viết ngày 24/08/2011
Tôi đã đọc đề cương chi tiết của 2 công trình dịch thuật do ông Nguyễn Bá Dũng chủ trì. Sau đây là một vài nhận xét:
1. Trước hết, phải nói đây là những đề tài có ý nghĩa. Nó sẽ cung cấp thêm cho ta một nguồn tư liệu nữa, bên cạnh những ghi chép của chính sử Việt Nam, để nghiên cứu quan hệ bang giao giữa ta và Trung Quốc dưới thời trung đại. Mặt khác, những vấn đề được phản ánh trong 2 công trình vừa nói đều rất gắn với Thăng Long - Hà Nội, nơi sắp sửa kỷ niệm 1000 năm tuổi. Hai công trình biên dịch này, do đó, xứng đáng góp mặt vào Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
2. Nhưng để đứng được trong Tủ sách Thăng Long - Hà Nội, chất lượng công trình phải tốt. Về điểm này, ta có thể tin vào trình độ Hán ngữ cổ đại và cách thức tổ chức thực hiện công trình của nhóm biên dịch.
3. Để có bản dịch tốt, tôi có mấy đề nghị:
- Nên chọn bản gốc đáng tin cậy nhất trong số các bản hiện có để dịch (in tại Trung Quốc lục địa, Đài Loan, Nhật Bản…).
- Có thể thêm phần “Khảo dị” giãn các bản, chí ít là ở những câu, chữ hoặc đoạn văn quan trọng để rộng đường tham khảo.
- Làm thật tốt phần chú thích, như nhóm biên dịch đã dự kiến. Ở bản dịch “Thanh thực lục”, những “lời bình của người dịch” trong bản đã xuất bản (NXB. Hà Nội, 2007) có thể vẫn giữ lại trong lần tái bản, nhưng vị trí của chúng sẽ đưa xuống cuối trang, xem như chú thích của người dịch.
4. Một số chỗ cần xem lại:
- Trong “Nhị thập tứ sử” có cả phần Minh sử. Chẳng lẽ cụ Đào Duy Anh lại bỏ qua phần này, khi tuyển dịch những sự kiện lịch sử liên quan tới Việt Nam? Đề nghị nhóm biên dịch xem lại.
- Thư mục tham khảo phần hiệu chú “Minh thực lục”, tr.7: An Nam chí nguyên nên chữa lại cho đúng tên của sách là An Nam chí. Tr.25, chú thích 1: tên của Trần Dụ Tông là Hạo 皞, sách “Minh thực lục” chép là Khuê 珪, cách viết khác nhau này có lẽ xuất phát từ tinh thần “cảnh giác” của triều đình Việt Nam và đây không phải là trường hợp hi hữu. Ví dụ cháu của Triệu Đà tên là Muội 昧, nhưng trong Sử ký của Tư Mã Thiên lại chép là Hồ 胡 …
Về phần cá nhân, tôi thấy 2 bản đề cương này có thể thông qua, để các dịch giả tiến hành các bước tiếp theo.
|
|
PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn viết ngày 24/08/2011
Vì lý do hai đề tài này về mặt cấu trúc, cách làm giống nhau, chỉ khác về tư liệu, vì vậy xin được nhận xét cho cả hai đề cương:
Có thể khẳng định ngay rằng, việc dịch thuật, chú thích, xuất bản hai bộ tư liệu trích từ Minh thực lục và Thanh thực lục có liên quan tới Việt Nam là việc hết sức cần thiết. Nó có giá trị nhiều mặt, không chỉ nghiên cứu lịch sử Việt Nam, mà còn giúp cho việc nghiên cứu các quốc gia khác trong khu vực, kể cả Trung Quốc. Nó giúp ích cho rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu có liên quan tới quá khứ. Việc dịch và xuất bản vì thế không cần phải bàn thêm.
Nhóm thiết kế hai đề tài này thể hiện sự quan tâm sâu và đã có thời gian dài làm việc với tư liệu. Với các tài liệu đã xong phần dịch thuật như trình bày trong đề cương, thiết nghĩ đề tài có tính khả thi.
Các vấn đề dự kiến hoàn thiện trong công trình cũng đảm bảo tính nghiêm túc, khoa học và công phu. Các ý tưởng về dịch, chú giải, in chữ Hán thể hiện sự nghiêm túc đó.
Với tính chất của một tập hợp tư liệu, hướng đi và cách làm tôi tán thành và ủng hộ về cơ bản.
Vì đây là những đề tài khá đặc biệt so với các công trình khác thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” nên tôi có thêm một số ý kiến sau đây. Có những ý kiến là những vấn đề nêu ra để nhóm tác giả và nhà xuất bản tham khảo thêm.
- 1329 văn bản, theo cách gọi của tác giả, kỳ thực là 1329 trích đoạn cũng được. Có những trích đoạn dài vài ba trang in, dung lượng tới 500 - 600 chữ, nhưng cũng có đoạn chỉ gồm có 01 dòng, thậm chí ½ dòng.
- Đề cương cần nói, chọn từ hai bộ sách đồ sộ đó ra các phần liên quan tới Việt Nam thì tiêu chí chọn ra là gì. (Nói vậy bởi vì có những phần ghi về chính sách của triều đình Trung Quốc đối với các nước khác nói chung, không cụ thể là Việt Nam, nhưng lại có can hệ tới Việt Nam thì sao? Trong thời gian 20 năm thuộc Minh, nhiều chính sách ban hành cho toàn Trung Quốc, có phân biệt và nhấn mạnh tới các vùng sâu vùng xa, trong đó có Việt Nam, vậy có chọn không?). Sau khi đã chọn ra rồi dịch hết toàn bộ hay chỉ trích dịch, nếu là trích dịch thì tiêu chí là gì. Mà theo đề cương thì là dịch hết toàn bộ những gì liên quan tới Việt Nam tính theo thời gian của triều đại, mà suốt triều đại đó thì không chỉ là vấn đề sử liệu chiến tranh, nó còn là giao thiệp văn hóa, giao lưu học thuật và nhiều phương diện khác nữa. Tên của công trình (đặc biệt là cuốn Thanh thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn) khiến người ta nghĩ đây chỉ là trích tuyển).
- Có nên để tên là: Đại Việt và Chiêm Thành hay là nói quan hệ Việt Trung thế kỷ XIV-XVII? Vì các sách trích lục Minh thực lục của Trung Quốc đề cập tới quan hệ Việt Nam đều để như thế cho tiện, tránh phức tạp.
- Không thấy nhắc tới các công trình loại toản, tức sự chọn lựa của Trung Quốc, vì dựa vào các tiêu chí khác nhau người ta có thể chọn ra số lượng khác nhau. Không nhắc tới các công trình loại toản của Trung Quốc là không công bằng, vì nếu đọc để chọn thì với trên 3000 quyển, đọc hết để chọn ra số tư liệu đó có lẽ mất cả đời người. Các phương tiện tra cứu kỹ thuật số hiện nay chưa cho phép tra cứu hai bộ sách này để chọn lọc.
- Công trình nói là không có tư liệu nghiên cứu về vấn đề này là không đúng, tài liệu tiếng Trung và tiếng Anh có khá nhiều, xoay quanh chủ đề “An Nam khí thủ”.
- Trong đề cương, các phần trình bày chỉ nêu ra các yêu cầu, rằng người dịch phải thế này, người hiệu đính phải thế kia… đó là các yêu cầu, mà không phải phản ánh chất lượng công trình sẽ đạt tới.
- Với tư cách là một đề cương cho một cuốn sách, đề cương cũng cần cho biết phần nghiên cứu giới thiệu sẽ được viết với tinh thần nào, những luận điểm chính sẽ triển khai trong phần viết tổng quan.
|
|
TS. Nguyễn Công Việt viết ngày 24/08/2011
1. Giai đoạn lịch sử Việt Nam cuối thế kỉ XVIII với những biến động lớn là sự suy tàn của nhà Lê - Trịnh, sự diệt vong của chúa Nguyễn cùng sự khởi phát thành công của phong trào Tây Sơn. Nhà Tây Sơn tiêu biểu là Quang Trung Nguyễn Huệ gắn với chiến thắng oanh liệt 20 vạn quân Mãn Thanh mà sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn đã được ghi chép trong Thanh thực lục. Đây là những tư liệu lịch sử quý giá cần được khai thác giới thiệu bổ trợ cho sự thiếu vắng của sử liệu Việt Nam về giai đoạn này.
2. Nội dung
Vì điều kiện chỉ được học hơn 10 trang bản dịch, chúng tôi có ý kiến như sau:
- Lưu ý tên đề tài đặt đầy đủ đúng ngữ văn.
- Bản thảo đề tài dự định công bố cần được dịch hoàn chỉnh đầy đủ, đã qua phần hiệu đính của người giỏi chữ Hán và chuyên môn lịch sử.
- Phần dịch cần rà soát đối chiếu chỉnh lại cho chuẩn, nhất là phần nhân danh, địa danh, tên chức quan.
- Phần chú thích cũng cần xem xét tra cứu lại cho chính xác, không nên theo hết chú thích của bản dịch cũ.
- Chú ý những đoạn có liên quan đến chính trị, tôn giáo, dân tộc như quan điểm đối với Chiêm Thành (ví dụ trang 756-758 quyển 1314 Cao Tông thực lục “... Chi bằng lấy đất cũ của Chiêm Thành trả lại cho Chiêm Thành lại càng danh chính ngôn thuận. Dân tộc này đang độ điêu tàn, được khôi phục lại đất nước, đội ơn Thiên triều làm việc hưng diệt kế tuyệt vẹn cả hai đường...”)
3. Thanh thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn là tài liệu lịch sử có giá trị không chỉ nói lên cuộc chiến tranh giữa nhà Thanh và nhà Tây Sơn mà còn bổ sung nhiều sự kiện dưới góc độ sử liệu về giai đoạn cuối thế kỉ 18 ở Việt Nam. Tài liệu này cần được dịch và công bố, tuy nhiên cần thực hiện theo ý kiến đóng góp của Hội đồng.
|
|
Ông Đào Hùng viết ngày 24/08/2011
Tôi đã được đọc cuốn Thanh thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn
Theo yêu cầu của NXB Hà Nội, tôi xin có một vài nhận xét như sau:
1. Trước hết là tên sách :
Chủ đề của cuốn sách này là “quan hệ bang giao Trung - Việt trong giai đoạn nghĩa quân Tây Sơn chiếm Bắc Hà” chứ không phải chỉ là “chiến tranh Thanh - Tây Sơn”. Cho nên đặt tên sách chưa sát với nội dung.
Nên chữa là Bang giao Trung - Việt thời Tây Sơn. Nói là thời kỳ Tây Sơn nhưng có thể hiểu theo nghĩa rộng, chỉ cả một giai đoạn lịch sử, vì sau đấy còn có quan hệ giữa triều đình Mãn Thanh với vua Gia Long.
Ở đây còn có nhiều mối quan hệ khác, không chỉ là quan hệ chiến tranh, nên không cần gọi là “sử liệu chiến tranh”.
Đặt tên sách là Thanh thực lục, theo tôi cũng chưa chính xác. Vì đây không phải là toàn bộ Thực lục của nhà Thanh, vì bộ Thực lục còn nhiều lắm, mà đây chỉ là một số trích đoạn. Do vậy nêu chữ Thực lục lên đầu không phản ánh đúng nội dung của sách.
Theo thiển ý thì tên sách nên đặt là: Bang giao Trung-Việt thời Tây Sơn - qua sử liệu của Thanh thực lục.
2. Tôi đã từng gặp dịch giả Hồ Bạch Thảo, và biết ông là một dịch giả nghiêm túc. Tạp chí Xưa & Nay đã từng đăng nhiều bài viết của ông, giới thiệu những sử liệu mà ông đã dịch được trong các sách sử Trung Quốc. Nhưng khi giới thiệu những bài ông viết trên báo, chúng tôi thường phải biên tập lại, sử dụng có giới hạn những lời bình của ông. Vì dịch giả không phải là một người nghiên cứu lịch sử, nên có những nhận xét chưa thích hợp.
Vì vậy trong sách này chỉ nên sử dụng những phần dịch thuật, còn các lời bình thì không cần thiết. Để cho các nhà nghiên cứu tự rút ra kết luận khi sử dụng tư liệu này.
Nhưng trong lời nói đầu cũng nên xác định rõ cho người đọc biết: đây là sử liệu do triều đình Trung Quốc biên soạn, nên tất nhiên phản ánh quan điểm của Thiên triều, nhiều khi ngược lại với những nhận định của sử sách Việt Nam. NXB chỉ muốn cung cấp cho độc giả tài liệu để tham khảo, chứ không phải là quan điểm của NXB.
3. Nếu có thể, nhà xuất bản nên mời một số nhà nghiên cứu lịch sử làm công việc chú thích. Chú thích có hai loại:
- Một là giải thích những chữ khó hiểu hoặc những từ cổ chữ Hán mà ngày nay không còn sử dụng.
- Hai là chú thích những vấn đề lịch sử được nhận định khác nhau theo quan điểm của Trung Quốc và theo quan điểm trong các sách sử của ta. Việc này hơi khó và tốn nhiều công, nếu thấy không làm được thì cũng có thể bỏ qua, hoặc làm có mức độ.
Một vài ý kiến nhỏ, mong được Nhà xuất bản tham khảo. Đối với cuốn Minh thực lục mà nhà xuất bản đang có ý định thực hiện thì ý kiến của tôi cũng như trên.
Xin cám ơn và chúc các vị trong Nhà xuất bản làm tốt công việc này.
|