|
PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn viết ngày 31/08/2011
1. Căn cứ theo Thuyết minh tổng thể đề tài lập ngày 9/2/2008, bản Đề cương chi tiết và biên bản nghiệm thu Đề cương chi tiết ngày 5/9/2009, chủ yếu là bản thảo công trình Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập công trình nghiên cứu Văn học - Nghệ thuật của Nhóm tác giả (1065 trang) nhận từ ngày 11/12/2009 và bài tổng luận Cùng các nhà nghiên cứu nhìn lại văn học nghệ thuật Thăng Long – Hà Nội của PGS. TS. Chủ biên Trần Nho Thìn (16 trang) nhận vào ngày 28/01/2010, Người phản biện có các ý kiến “phản biện” sau.
2.1. Trong một thời gian ngắn, Nhóm tác giả đã bổ sung, chỉnh lý, hoàn thành bản thảo với số lượng 1065 trang và bài tổng luận 16 trang (so với văn bản “Thuyết minh đề tài” ngày 9/12/2008, dự kiến hoàn thành từ tháng 6/2009) thể hiện rõ nỗ lực và quyết tâm cao.
2.2. So với Đề cương, cách thức xây dựng, triển khai đề tài lần này đã được nâng cấp rõ rệt, thực hiện sát đúng theo đối tượng, phạm vi sáu lĩnh vực chuyên ngành văn hóa - nghệ thuật khác nhau, tạo nên cấu trúc thực sự hệ thống, đảm bảo tính khoa học.
Cấu trúc công trình từ chỗ có 2 phần chính: Văn học Thăng Long - Hà Nội và Nghệ thuật đã được gia công, phân loại rõ thành sáu chuyên ngành đồng đẳng với nhau, về cơ bản là hợp lý, chặt chẽ, sáng rõ. Rõ ràng số lượng trang của phần Văn học Thăng Long có vượt trội hơn (411 trang) song cũng phù hợp với đối tượng, bề dày lịch sử và tính đặc thù của bộ môn nghiên cứu ngữ văn.
Kết cấu chia thành sáu phần: Văn học Thăng Long - Hà Nội, Sân khấu Thăng Long - Hà Nội, Điện ảnh và nhiếp ảnh, Hội họa và điêu khắc, Kiến trúc, Âm nhạc khá cân đối với số trang và cân đối với đặc điểm, yêu cầu của từng loại hình nghệ thuật. Chỉ cần xem lại nhan đề các chương cho thống nhất (bốn phần sau không có thành phần “Thăng Long - Hà Nội”. Riêng phần thứ nhất Văn học Thăng Long - Hà Nội có hai mục, nên ghi rõ thành A- Văn học dân gian (hiện có 11 mục bài) và B- Văn học viết (hiện có 36 mục bài). Mặc dù số trang đã đầy đặn nhưng mục Văn học viết nên bổ sung thêm một vài tác gia tiêu biểu, không thể thiếu như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát…
- Các mục bài thuộc phần văn học trong Đề cương trước đây như Về bài thơ Nôm của Bùi Xương Trạch “Đêm trung thu không trăng”, Bài sớ của nông dân trại Văn Chương xin vua Quang Trung dựng lại bia Tiến sĩ đề danh trong nhà Giám, Văn Miếu và Câu đối, hoành phi và đề tự bằng chữ Hán ở đề Ngọc Sơn, Hà Nội đã được chọn lựa, tinh tuyển phù hợp hơn. Phần viết liên quan đến ngôn ngữ văn học có thể tuyển thêm trang (Chẳng hạn, có thể bổ sung bài của TS. Võ Xuân Quế: Ngôn ngữ một vùng quê trong các tác phẩm đầu tay của Tô Hoài. TCVH, số 5-1990 và một số bài trên Tạp chí Ngôn ngữ, Nghiên cứu nghệ thuật và mở rộng loại sách “Về tác gia, tác phẩm” của NXB Giáo dục có liên quan đến tác gia Thăng Long - Hà Nội…). Tuy nhiên, phải ghi nhận rằng công trình đã có được cấu trúc hợp lý và đã tinh tuyển được những mục bài nghiên cứu tiêu biểu nhất ở tất cả các chuyên ngành văn học - nghệ thuật. Do đó, việc nhấn mạnh, thêm bót một vài bài chỉ có ý nghĩa chỉnh lý, gia cố thêm, không ảnh hưởng đến cấu trúc và chất lượng chung của cả công trình.
2.3. Trước đây, mục Tổng quan có tới 3 bài gây nên cảm giác không còn là “tổng quan”, đến nay đã chuyển lại thành một bài, tạo nên tính thống nhất và bao quát đầy đủ các vấn đề... Bài tổng luận ngắn gọn Cùng các nhà nghiên cứu nhìn lại văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội đã được thực hiện đúng với ý nghĩa “tổng luận”, thực hiện nhiệm vụ “nghiên cứu về sự nghiên cứu” một cách khái quát những vấn đề đặt ra từ chính thành tựu nghiên cứu về văn học - nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội trong suốt thế kỷ XX…
Bài tổng luận được chia thành ba tiểu mục: I - Thăng Long - Hà Nội là không gian văn hóa cho những trào lưu, khuynh hướng văn học nghệ thuật quan trọng; II- Hình tượng Thăng Long - Hà Nội trong văn học nghệ thuật; III- Những vấn đề hiện thời của văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội đã bao quát được nhiều vấn đề thuộc về tiến trình lịch sử văn hóa cũng như những đặc điểm nội dung và nghệ thuật ở một số tác gia, tác phẩm, thể loại, thể tài tiêu biểu qua hệ thống các công trình nghiên cứu. Điều này tạo nên cái “tứ” và nét đặc sắc riêng của công trình… Hoàn toàn có thể đồng thuận với tư tưởng chủ đạo của người viết tổng luận: “Tuy không thể nói những tư liệu được sưu tầm trong tập sách này đã phản ánh đầy đủ nhất tất cả những tinh hoa nghiên cứu về các sáng tác văn học nghệ thuật của và về Thăng Long - Hà Nội, song chúng ta vẫn có thể có một số ý niệm căn bản về mảng sáng tác quan trọng này” (tr.1)...
Riêng với đề mục III- Những vấn đề hiện thời của văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội mới được chưa đầy 2 trang, có thể gia tăng cả về dung lượng, nhấn mạnh thực trạng cũng như một vài định hướng, giải pháp cơ bản.
3. Đôi điều lưu ý về qui cách, hình thức
- Cần soát xét lại toàn bộ văn bản bản thảo, kể từ Mục lục tới các mục bài nghiên cứu cụ thể.
- Cần thống nhất qui cách chú thích nguồn xuất xứ tài liệu, cách ghi tên người, tên tác phẩm (Chẳng hạn, tên Vũ Tuân Sán, Vũ Tuấn Sán và Tảo Trang? Xem lại Mục lục và trang 95?), đặc biệt với cách ghi chú thích ở các mục bài được sưu tập từ nhiều nguồn, nhiều khoảng thời gian và vốn có những cách chú dẫn khác biệt nhau. Trong điều kiện cho phép, nên ghi theo chú thích lần in đầu tiên (giá trị thời gian), nhất là với loại tài liệu có xuất xứ từ các tuyển tập, hợp tập, hợp tuyển…
- Còn có nhiều lỗi in, cần được soát xét, chỉnh sửa, biên tập cẩn thận (đơn cử các trang 127, 139, 200, 297,…).
* Kết luận
Công trình được thực hiện nghiêm túc, đạt yêu cầu chất lượng.
|
|
TS. Tạ Hoàng Vân viết ngày 31/08/2011
1. Sau 4 tháng bổ sung, chỉnh sửa theo góp ý của hội đồng khoa học nhận xét bản đề cương thì bản thảo cuốn sách “Thăng Long - Hà nội, Tuyển tập các công trình nghiên cứu Văn học - Nghệ thuật” cũng đã hoàn thành.
Tôi và chắc không chỉ riêng tôi vẫn luôn khẳng định về giá trị và ý nghĩa của những cuốn sách như thế này. Một lần nữa, tôi vẫn muốn nhắc lại rằng đây là cuốn sách và là tủ sách thực sự có ý nghĩa, giá trị giáo dục và quảng bá nhanh nhất, hiệu quả nhất, sâu sắc nhất về hình ảnh của thủ đô.
2. Bản thảo cuốn sách gồm 1064 trang, với bố cục theo các phần:
- Phần thứ nhất: Văn học Thăng Long - Hà Nội.
Trong đó, văn học dân gian: tuyển lựa 11 bài
văn học viết: tuyển lựa 36 bài
- Phần thứ hai: Sân khấu Thăng Long - Hà Nội: 21 bài
- Phần thứ ba: Điện ảnh và Nhiếp ảnh: 14 bài
- Phần thứ tư: Hội họa và Điêu khắc: 28 bài
- Phần thứ năm: Kiến trúc: 26 bài
- Phần thứ sáu: Âm nhạc: 21 bài
Tổng cộng tập hợp được 157 bài viết (1064 trang) có chất lượng của các tác giả đã rất quen thuộc với Hà Nội, các tác giả gắn tên tuổi của mình với thủ đô như Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Vinh Phúc...; các tác giả ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nhà báo, nhà văn, sử học, ngôn ngữ, hoạ sĩ, nhà văn hoá...vv; các tác giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau; các tác giả trong và ngoài nước... điều đó rất có ý nghĩa để thấy được một mạch nguồn xuyên suốt theo thời gian, không gian của thủ đô Hà Nội, và cũng để thấy tấm lòng của mỗi con người dành cho Hà Nội.
Ở mỗi phần: các bài viết được tuyển lựa của các tác giả, các nhà nghiên cứu tiêu biểu của lĩnh vực đó. Có những bài viết đã rất đỗi quan thuộc với nghiều người, hay đã được sử dụng rất nhiều làm tài liệu tham khảo của các luận văn, luận án. Vì thế các bài viết này đã được chứng thực về chất lượng và sự độc đáo về văn phong.
Nguồn tài liệu được sử dụng khai thác mà nhóm nghiên cứu tổng hợp cũng khá phong phú: từ tạp chí, sách báo, các bài chuyên khảo nhỏ và cho đến các website... một thức công cụ rất hữu ích, tiện lợi phục vụ tốt cho việc tra cứu và tập hợp.
Mỗi phần của cuốn sách cũng đã được sắp xếp khá hợp lý. Các bài viết có tính chất tổng quan chung, đánh giá chung của lĩnh vực đó được xếp lên đầu, như vậy sẽ giúp người đọc hiểu, nắm bắt, tra cứu tiện lợi cho mỗi vấn đề mà mình quan tâm.
Có thể nói với 6 phần của nội dung chính và bài viết tổng quan chung về văn hoc nghệ thụât của chủ trì đề tài đã tổng hợp, tập hợp, phân loại, xếp đặt khá hợp lý, nội dung của cả cuốn sách rất có giá trị khoa học.
Bài viết tổng quan/tổng luận của PGS. Trần Nho Thìn đã khái quát được một tiến trình lịch sử của văn học nghệ thuật Thăng Long theo tiến trình lịch sử và theo các vấn đề xã hội
Bản thảo lần này cũng đã chỉnh sửa theo góp ý của hội đồng đề cương lần trước. Bố cục các phần của cuốn sách là tương đối hợp lý,
3. Một số trao đổi
Để hoàn thiện bản thảo, tôi cũng xin có một số góp ý nhỏ sau:
- Trang 1: Mục lục sách
Trần Nho Thìn, Tổng quan về văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội và tình hình nghiên cứu giới thiệu nhưng bài viết lại là Cùng các nhà nghiên cứu nhìn lại văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội. Nên thống nhất tên bài. Một số đoạn còn thiếu chú thích nguồn dẫn. Cuối bài tổng quan nên chăng có lời kết.
Quy cách biên soạn: chưa thấy thể hiện trong phần nội dung bản thảo (Có lẽ là nhóm tác giả sẽ bổ sung trong quá trình chỉnh lý).
- Phần văn học dân gian: bài số 9, bổ sung thêm tên tác giả (Hoàng Diệu Kinh, Địa danh Hà Nội qua ca dao tục ngữ)
- Phần văn học viết: bài số 27 và 28 trùng nhau (Nguyễn Tuân, Luỹ hoa)
- Ở một số bài viết có phần ảnh minh họa, có bài không có. Những bài này đều được lấy từ nguồn internet. Nếu lấy từ nguồn internet thì chất lượng ảnh sẽ không đảm bảo khi in ấn, vì thế các bài viết nên thống nhất việc sử dụng ảnh hay không sử dụng ảnh. Tuy nhiên, trong phần đề cương trước cũng đã có đề cập đến một số khối lượng ảnh, bản đồ trong cuốn sách nhưng trong bản thảo thể hiện. Vì những tư liệu này cũng cần có sự lựa chọn của nhóm nghiên cứu và đóng góp của hội đồng khoa học. Và nếu ở phần bản thảo chưa kịp bổ sung thì có thể phần trình bày nghiệm thu nhóm nghiên cứu nên trình chiếu và xin ý kiến góp ý trực tiếp!
- Mỗi số lỗi chính tả và đánh máy, tôi cũng sửa trực tiếp trên bản thảo. Một số lỗi font chữ và ảnh, cần được xem xét, kiểm duyệt lại
4. Kết luận
Và dường như để chào mừng ngày đại lễ, nên hết thảy các công việc đều phải được hoàn thành gấp gáp vì thế mà những đòi hỏi nói đúng hơn là mong muốn một nội dung của cuốn sách đầy đặn, chất lượng về thông tin và hình thức cũng là một áp lực với nhóm nghiên cứu. Đây là sản phẩm của nhóm nghiên cứu rất tận tâm và nỗ lực hoàn thành để kịp theo đúng tiến độ hợp đồng và đạt chất lượng tốt về nội dung.
Đề nghị hội đồng khoa học nghiệm thu với kết quả: Tốt
|
|
PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh viết ngày 31/08/2011
Phần mở đầu:
Phần mở đầu là một phần viết khá đầy đủ, chất lượng cả về lý luận và thực tế về công trình “Tuyển tập công trình nghiên cứu: Văn học - nghệ thuật" nói trên.
Nội dung về văn học, dân gian, văn học học viết hay sân khấu, điện ảnh, hội hoạ điêu khắc… đều viết súc tích mà người đọc thấy đủ để nhận biết về mỗi nội dung của tuyển tập. Qua đó cho thấy tác giả của bài viết là người nắm chắc các đối tượng nghiên cứu và sưu tập của mình, đem lại cho độc giả những hiểu biết về các đối tượng ấy, dù là những nét cơ bản hay phác thảo, phù hợp cho một bài mở đầu cho tuyển tập do mình chủ trì.
Để cho bài viết trên gắn bó hơn với phần sưu tập đặc biệt là đối với độc giả đông đảo, Chủ biên đã cần nói thêm một số điểm có tính chất chỉ dẫn về sự tuyển chọn (tiêu chí, cách sắp xếp) của mình.
Các phần của Tuyển tập: Thí dụ như mục văn học, với văn học dân gian: các bài viết dài 108 trang (khổ A4) chủ biên đã chọn được những bài viết như:
- Việc nghiên cứu văn hóa dân gian của Hà Nội từ xưa đến nay của Đinh Gia Khánh.
- Nhìn lại vốn văn nghệ dân gian thủ đô Hà Nội của Phan Tất Liên.
- Qua mấy nét ca dao thử nhận định một vài khía cạnh về lịch sử Hà Nội của Hoa Bằng.
- Truyền thuyết ven Hồ Tây của Vũ Tuấn Sán
- Ca dao Hà Nội của Toan ánh
- Hai nét riêng của ca dao Hà Nội của Nguyễn Xuân Kính
v.v….
Là những bài viết hết sức tiêu biểu về văn học dân gian Hà Nội, với những tác giả cũng tiêu biểu của giới nghiên cứu về lĩnh vực này. Nó có giá trị về mặt lý thuyết và trực tiếp về văn học dân gian Thăng Long - Hà Nội.
Phần văn học viết:
Cũng với tinh thần tuyển chọn ở trên, bản thảo đã chọn những bài viết tiêu biểu của những nhà nghiên cứu tiêu biểu.
Phần này có độ dày hơn phần viết về văn học dân gian về số bài viết và số trang viết (303 trang/109 tr), phản ánh qui mô của phần nghiên cứu văn học viết về Thăng Long - Hà Nội. Từ những vấn đề chung như:
- Văn học Thăng Long của Nguyễn Huệ Chi
- Văn học Thăng Long - Hà Nội hội tụ và nhạy cảm của Trần Thị Băng Thanh.
- Thăng Long - Hà Nội, một không gian cho những cấu tứ thơ văn của Lại Nguyên Ân.
- Mấy đặc trưng thơ Thăng Long - Hà Nội của Vũ Quần Phương.
v.v…..
Rồi tiếp về các tác phẩm văn học Hán Nôm.
- Thành Thăng Long qua thơ Hán Nôm của Đỗ Thị Hảo.
Rồi đến những nội dung Thăng Long - Hà Nội trong những tác phẩm cụ thể như: Truyền thuyết mạn lục; Bích câu kỳ ngộ; Hai bài phú về Hồ Tây của Nguyễn Huy Lượng và Phạm Thái, thơ Nguyễn Văn Siêu về Hà Nội; Long Thành Cẩm giả ca của Nguyễn Du v.v…
Phần văn học viết bằng văn tự Việt - La tinh - quốc ngữ như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, rồi đến các tác giả nổi tiếng Vũ Trọng Phụng với Số đỏ, Nguyễn Huy Tưởng với Luỹ hoa, Sống mãi với Thủ đô.
Tiếp theo là:
- Mấy nét về tình hình văn học trong lòng Hà Nội thời kháng chiến của Nguyễn Bắc
- Một số hoạt động văn nghệ ở Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1947 – 1954) của Nguyễn Bắc.
- Sáng tác văn học ở Hà Nội - Sài Gòn thời kỳ 1945 - 1954 của Mã Giang Lân.
Rồi tiếp nữa: Với Thạch Lam, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Bằng ….
Qua phần văn học đến các phần: Sân khấu, với các bài viết:
- Sân khấu Thăng Long - Đại Việt của Trần Quốc Vượng. Giàu tính chất: sử học, văn hóa, văn học đan xen.
- Sân khấu cung đình Thăng Long với sân khấu chèo của Hà Văn Cầu.
- Bảo tồn, phát huy giá trị tuyền thống của chèo Hà Nội của Trần Tri Trắc.
Rồi:
- Nguyễn Đình Long - người kéo màn sân khấu hiện đại …
- Tiếp là những bài viết sâu về sân khấu Việt Nam hiện đại (Nguyễn Thị Minh Thái), từ Đứa con đầu lòng của sân khấu hiện đại (Đỗ Trọng Quang), sân khấu thời chống Mỹ (Nguyễn Bắc), với những đóng góp của Lưu Quang Vũ (câu chuyện về xung quanh cái chết của nhà viết kịch tài ba thật cảm động, thật ngậm ngùi). Rồi Sân khấu Hà Nội - Ba mươi năm qua của Tất Thắng.
Các phần: Điện ảnh - nhiếp ảnh.
Phần hội hoạ, điêu khắc và kiến trúc… khó có thể ghi ra hết ở trong một bài viết nhận xét của tôi.
Nhưng ưu điểm ở các phần trên tiếp tục thể hiện trong các phần này. Đó là sự tập hợp ở bài viết tiêu biểu và các tác giả tiêu biểu.
Cũng như các nhà nghiên cứu và giảng dạy liên quan đến văn học nghệ thuật tôi đã có một quá trình theo dõi các công trình nghiên cứu về văn học nghệ thuật. Nhưng không phải lúc nào cũng nhớ hết những gì mình đã đọc, và những gì mình đã ghi vào trong bộ nhớ của mình. Cho nên qua tuyển tập về công trình nghiên cứu văn học nghệ thuật này tôi lại được hình dung ra cả một qui mô của nó. Một qui mô về trí thức và thực tế của sự phát triển văn học nghệ thuật Thăng Long-Hà Nội trong suốt nhiều năm tháng dài qua những bài viết ngắn những công trình nhỏ nhưng lại tập hợp được cả một lịch sử dung chứa cả một nguồn tư liệu và tri thức lớn. Có lẽ đó là thành công của tuyển tập của Chủ biên người điều hành bản hợp xướng với phần mở đầu có sức khai mở nhập lộ khá nhuần nhuyễn và hấp dẫn.
Tôi đề nghị hội đồng nghiệm thu công trình thông qua kết quả của tuyển tập hàng nghìn trang này để tiếp tục đi vào chặng đường sửa chữa của Chủ biên để biên tập và xuất bản tập sách này với tiến độ chung của dự án.
|
|
GS.TS. Ngô Đức Thịnh viết ngày 24/08/2011
Chúng tôi đã nhận được bản thảo sách “Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập các công trình nghiên cứu Văn học - Nghệ thuật”, bản thảo dày 1065tr A4. Sau đây là một số nhận xét:
Có thể đánh giá chất lượng công trình này trên ba phương diện: bài tổng quan, tuyển chọn và cấu trúc sách và công tác biên tập kỹ thuật.
1. Với tính chất là một bài tổng quan thực sự chứ không phải một vài bài nào đó được người tuyển chọn dùng làm bài tổng quan, như các làm lần trước, tác giả đã hướng nội dung bài tổng quan này vào 3 vấn đề: 1) Thăng Long - Hà Nội là không gian văn hóa cho các sáng tác văn học - nghệ thuật; 2) Hình tượng Thăng Long - Hà Nội trong văn học - nghệ thuật và 3) Những vấn đề hiện nay của văn học - nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội. Với ba chủ đề trên đã khái quát được các vấn đề cơ bản từ trong các bài nghiên cứu văn học - nghệ thuật về Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, nên nhấn mạnh hơn nữa phần thứ ba trong bài tổng luận, tức là các vấn đề hiện thời của văn học - nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội. Trong các lĩnh vực, thì trong bài tổng luận, phần văn học được tác giả đi sâu, còn phần âm nhậc, kiến trúc, hội họa... còn sơ sài, nên bổ sung thêm.
2. Kết cấu sách thành 6 phần về cơ bản là hợp lý, tên các phần cần thống nhất tiêu đề có chữ “Thăng Long - Hà Nội”. Số lượng các bài tuyển chọn như vậy là phù hợp, trong đó văn học là nhiều hơn cả, điều đó phản ánh vị trí của văn học trong sáng tác cũng như nghiên cứu. Việc xếp đặt trước sau các bài trong mỗi phần cũng nên có quy cách, tiêu chí trong xếp đặt trước sau khá hợp lý, phải chăng các bài đề cập chung đặt trước, đi vào những vấn đề cụ thể thì xếp sau. Một số bài mang tính thông tin thuần túy thì nên bỏ, ưu tiên cho các bài nghiên cứu.
3. Phần biên tập đã có nhiều tiến bộ hơn lần trước, tuy nhiên nên có sự thống nhất trong quy cách trích dẫn. Trong việc trích dẫn nguồn, có nên để thêm số trang của mỗi bài, từ tr. đến tr. trong sách hay tạp chí mà các bài đã công bố. Vì đây là các công trình khoa học. Vẫn còn nhiều sai sót về lỗi chính tả và lỗi kỹ thuật vi tính.
4. Có nên sửa tên sách một vài chữ cho phù hợp: “Thăng Long - Hà Nội, tuyển tập các bài nghiên cứu văn học - nghệ thuật”.
Nhìn chung đây là bản thảo đạt được những yêu cầu cơ bản của Nhà xuất bản nêu ra. Sau khi sửa chữa đôi chút theo góp ý của Hội đồng, có thể cho phép xuất bản.
|
|
PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh viết ngày 23/08/2011
1. Bản đề cương viết theo đúng quy cách của nhà xuất bản đề ra với đầy đủ các nội dung. Trong đó, các mục: mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ rõ ràng: Tái hiện bức tranh văn học nghệ thuật của Thăng Long Hà Nội qua nghìn năm lịch sử; từ nhiều nguồn tư liệu, nhiều tác giả, nhiều vấn đề; cung cấp kiến thức sâu rộng về văn hoá nghệ thuật của một vùng văn hoá tiêu biểu – kinh kỳ giàu truyền thống, bản sắc và nhiều đỉnh cao.
2. Bản đề cương chỉ ra được tình hình nghiên cứu, cách tiếp cận phương pháp nghiên cứu rõ ràng, khoa học. Chủ biên là nhà khoa học có kinh nghiệm và thành tựu nghiên cứu có giá trị và đặc sắc. Các cộng tác viên cũng là những nhà khoa học có kinh nghiệm và thành tựu. Lực lượng này chắc chắn sẽ thực hiện Đề tài một cách tốt nhất.
ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT CỦA ĐỀ TÀI
Những vấn đề chính yếu và nòng cốt của Đề tài đã được bản Đề cương chỉ ra đó là: Những vấn đề về lịch sử, nguồn gốc tư liệu, thành quả, những biến chuyển của văn học nghệ thuật Thăng Long Hà Nội qua lịch sử ngàn năm và hai nội dung văn học và nghệ thuật quán xuyến toàn bộ Đề tài. Kết cấu Đề tài với các phần
VĂN HỌC THĂNG LONG HÀ NỘI
1. Từ tổng quan: 3 bài, đến các nội dung khác như:
2. Khảo sát nguồn tư liệu Hán Nôm: 15 bài
3. Văn học dân gian : 12 bài
4. Văn thơ : 15 bài
PHẦN NGHỆ THUẬT
1. Tổng quan : 6 bài
2. Kiến trúc: 22 bài
3. Nghệ thuật: 14 bài
4. Hội hoạ, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh: 26 bài
Với 113 bài, dự kiến số trang chữ khổ 16 x 24 từ 800 đến 900 cộng với hình ảnh, bản đồ, biểu bảng, tập sách đạt tới 1200 trang khổ 16 x 24. Có thể nói tập sách khá đồ sộ và với nội dung trên thực sự quý giá, xứng đáng là một trong những công trình sưu tập lớn của Tủ sách Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Tôi nghĩ với số lượng 113 bài có thể còn bổ sung thêm được những bài có đủ tiêu chí mà đề cương tuyển chọn? (có thể tôi sẽ tìm thêm và góp ý sau), hình như đề cương chưa nói đến phần giới thiệu bộ sách?
KẾT LUẬN:
Bản đề cương này có đủ điều kiện để Nhà xuất bản và Dự án duyệt và sớm triển khai, vì thời gian hạn hẹp.
Kính chúc Chủ biên và các tác giả thành công!
|
|
PGS.TS. Hà Văn Đức viết ngày 23/08/2011
1. Cho đến nay đã có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ văn học cho đến sân khấu, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, v.v... Tuy nhiên các công trình này được đăng tải ở nhiều công trình, tạp chí khác nhau, và vào nhiều thời điểm khác nhau. Chính vì vậy, ý đồ xuất bản một cuốn sách tập hợp những bài viết tiêu biểu về văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội để giúp người đọc dễ dàng tiếp cận những vấn đề nghệ thuật của mảnh đất ngàn năm lịch sử, theo tôi là cần thiết, và có ý nghĩa về nhiều mặt.
2. Kết cấu của công trình được chia làm 2 phần: Phần thứ nhất Văn học Thăng Long - Hà Nội và Phần thứ hai Nghệ thuật. Ở mỗi phần, sau bài tổng quan là tập hợp những bài viết nghiên cứu theo những lĩnh vực khác nhau, như kiến trúc, mỹ thuật, rồi hội họa, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh. Cách triển khai kết cấu như vậy theo tôi là hợp lý và có tính khoa học.
Nhìn vào danh mục các bài viết mà bước đầu các tác giả đã sưu tầm và tập hợp lại, có thể thấy nội dung khá phong phú, các bài viết tiêu biểu, chọn lọc, và tin chắc sẽ đạt được nội dung, mục đích mà các tác giả đặt ra cho cuốn sách. Đây là công trình có tính khả thi cao.
3. Một số góp ý cho đề cương bản thảo:
- Tên mục hai phần nên có sự thống nhất với nhau: Ở phần thứ nhất là Văn học Thăng Long - Hà Nội, thì ở phần thứ hai cũng nên gọi là Nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội.
- Tốt nhất là nên có một bài tổng quan chung về văn học - nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội, giúp người đọc có cái nhìn bao quát những vấn đề văn hóa nghệ thuật của một vùng đất giàu truyền thống và bản sắc văn hóa. Bài tổng quan này có thể gồm nhiều người viết theo một kết cấu chung, thống nhất. Nếu để như kết cấu hiện tại, thì theo tôi, bài tổng quan về từng phẩn văn học, nghệ thuật cũng phải là một bài viết chung, chứ không phải gồm nhiều bài viết như dự kiến của đề cương.
- Phần tuyển chọn những bài viết cũng cần được bổ sung thêm, đặc biệt là phần 2 Nghệ thuật.
|
|
TS. Tạ Hoàng Vân viết ngày 23/08/2011
1. Chúng ta đang tiến lại gần đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Một khoảng thời gian lịch sử dài ghi nhận nhiều dấu ấn, điểm mốc và các sự kiện trọng đại của một dân tộc, một thủ đô bậc nhất ở Việt nam. Diện mạo thủ đô đã thay đổi hàng ngày, quy mô được mở rộng càng khẳng định vao trò chức năng đặc thù của một thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước.
Với những giá trị đó, Hà Nội vẫn luôn là đối tượng khơi gợi cho những sáng tác, sáng tạo và nghiên cứu trên mọi phương diện cuộc sống. Văn học - Nghệ thuật vốn đã là một phần tất yếu trong huyết mạch của thủ đô, nó khẳng định sự bề dày và bản sắc độc đáo của mảng nghiên cứu này với Hà Nội. Cuốn sách “Thăng Long - Hà nội, Tuyển tập các công trình nghiên cứu Văn học - Nghệ thuật” được tổng hợp, hệ thống khoa học, dễ hiểu và có thể phổ biến rộng rãi tới người dân Hà Nội nói riêng, những ai yêu mến Hà Nội và đông đảo bạn đọc trên cả nước.
Cá nhân tôi cho rằng, đó là công việc thực sự có ý nghĩa, giá trị giáo dục và quảng bá nhanh nhất, hiệu quả nhất, sâu sắc nhất về hình ảnh của thủ đô.
Với tư cách là một độc giả, tôi mong mỏi đón nhận cuốn sách này.
2. Một số trao đổi
Phần II (8) Mục đích, ý nghĩa và đối tượng: đã đưa ra rất rõ tiêu chí và định hướng nghiên cứu của công trình. Đối tượng chính là mảng Văn học - Nghệ thuật được chọn lọc, bố cục nhằm thể hiện tính xuyên suốt theo dòng thời gian.
Về phần Nghệ thuật, nên bổ sung thêm các bài nghiên cứu về quy hoạch Hà Nội (gắn kiến trúc và quy hoạch Thăng Long - Hà Nội) để thấy được sự chuyển biến hình thái đô thị Hà Nội trong truyền thống và trong bối cảnh thủ đô mở rộng.
Mục II (10) Cách tiếp cận: khá rõ ràng. Đối tượng khảo cứu rộng và ở những thời điểm khác nhau vì thế cũng khá khó khăn trong việc tuyển lựa/chắt lọc những tác phẩm “tiêu biểu”.
Mục II (11) Phương pháp nghiên cứu
Trong phần phương pháp có ghi “ phương pháp nghiên cứu, điều tra phù hợp với nội dung của đề tài. Làm rõ tính mới, sáng tạo độc đáo của các phương pháp nghiên cứu và điều tra tư liệu”.
Thực ra, nghiên cứu này áp dụng phương pháp khá phổ biến là tập hợp, khảo cứu, sưu tầm từ đó có đánh giá chung, hoặc đưa ra nhận xét chung và kết quả theo yêu cầu nghiên cứu. Nó mang tính chất “khảo cứu” hơn “điều tra” để làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu chứ không phải là “rõ tính mới, sáng tạo độc đáo của các phương pháp nghiên cứu”.
Nên hệ thống danh mục sách và tạp chí ở các mảng nghiên cứu (1)
Tiêu chí nào lựa chọn các bài viết, các tác giả? (2)
II (13.2) Kết cấu:
* Phần thứ nhất: Văn học Thăng Long - Hà Nội
Đã đề cấp đến rất nhiều đến khai thác các bài nghiên cứu từ tư liệu Hán nôm, văn bia, thư tịch đây là nguồn tư liệu quan trọng (tư liệu gốc) là hướng đi rất đúng.
Tuy nhiên, bài viết nên bố cục lại:
+ Theo tên tác giả (tiện theo dõi)
+ Theo trình tự thời gian các vấn đề viết về Hà Nội
Bài viết từ nguồn tư liệu văn bia hán môn địa chí bản dập cho đến các thời kỳ lịch sử các vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn học..vv.
(Cuối mỗi bài viết nên có trích nguồn dẫn)
Tương tự như vậy ở phần THƠ VĂN cũng nên có sắp xếp hợp lý hơn. Các bài được lựa chọn cũng mới chỉ dừng lại đến thời kỳ kháng chiến. Nên chăng bổ sung thêm các bài nghiên cứu điển hình ở các giai đoạn sau (những năm 80-90 thế kỷ XX) khi có chính sách đổi mới, và giao thời giữa 2 thế kỷ cho đến thời kỳ hội nhập ngày nay, để thấy rõ sự phát triển liên tục, luôn năng động và làm mới mình của văn học thủ đô. Đây cũng là thời điểm xuất hiện nhiều tay viết, nhà nghiên cứu trẻ có suy nghĩ, sáng tạo, chuyên sâu mang tính chất đột phá... đó mới thực sự là hình ảnh đổi mới của văn học thủ đô khi cận kề tới tời điểm đại lễ.
* Phần thứ hai: Nghệ thuật
Có thể tìm hiểu chính trên các tạp chí Kiến trúc Việt nam, T/c Quy hoạch (Viện KTQH ĐT&NT), T/c Kiến trúc (Hội KTS VN), T/c Xây dựng, T/c Xưa nay. Một số tác phẩm, tuyển tập nghiên cứu của một số các KTS : Ngô Huy Giao, Ngô Huy Quỳnh, Đặng Thái Hoàng, Hoàng Đạo Kính... là những tác giả đồng thời là các nhà chuyên môn có các bài nghiên cứu về kiến trúc Hà nội rất sâu sắc.
Nên sắp xếp theo các vấn đề và trình tự thời gian
Kiến trúc Hoàng Thành Thăng Long
Phố cổ, phố cũ, kiến trúc làng, làng nghề
Quỹ kiến trúc xanh (Sông hồ, Công viên, cây xanh…)
Các di tích kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội
Các vấn đề về trùng tu, bảo tồn và phát huy di sản. vv.
Các bài chọn lực cần có sắp xếp theo lôgíc hơn.
Mỹ thuật, Hội hoạ: đã có sắp xếp tương đối với lý từ theo loại hình truyền thống.
Một số sai sót kỹ thuật: Hoàng Đạo Kính (không phải Hoàng Đình Kính; Vũ Tuân Sán (không phải Vũ Tuấn Sán..)
3. Kết luận
Nội dung đề cương sáng sủa, rõ ràng.
Đây thực sự là một công trình có giá trị và ý nghĩa thực tiễn. Phục vụ thiết thực cho mọi đối tượng và nhu cầu tìm hiểu về lịch sử thủ đô Hà Nội.
Đây cũng là tài liệu tập hợp khá đầy đủ, chắt lọc, và tổng quan nhất về Văn học - Nghệ thuật theo tiến trình lịch sử của thủ đô Hà Nội.
Là sản phẩm có ý nghĩa đóng góp vào tủ sách nghiên cứu về đô thị, chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|
|
GS.TS. Ngô Đức Thịnh viết ngày 23/08/2011
1. Trước hết, tôi xin bày tỏ sự ủng hộ việc thực hiện công trình này trong bộ sách 3 tuyển tập các bài nghiên cứu về Lịch sử, về Văn hóa và về Văn học - Nghệ thuật, cũng như trong bộ sách lớn nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Tôi cũng ủng hộ cơ quan chủ trì đề tài là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, cũng như Chủ biên và nhóm tác giả biên tập.
2. Về tên cuốn sách nên chỉnh lại là “Thăng Long – Hà Nội, Tuyển các bài viết về Văn Học – Nghệ thuật”. Các mục nhỏ hơn của cuốn sách cũng phải nhất quán, như “Văn học Thăng Long – Hà Nội” hay “ Nghệ thuật Thăng Long – Hà Nội”. Xem lại mục “Khảo sát nguồn tư liệu Hán - Nôm” hay chỉ là “Tư liệu Hán - Nôm”
3. Có nên có bài tổng quan cho cả cuốn sách hay bài tổng quan của từng phần hay chỉ là lựa chọn các bài “mang tính tổng quan” để đưa lên trước. Có nên đặt ra đề mục “tổng quan” cho mỗi phần sách hay không?
4. Tiêu chí chọn bài (113 bài) như vậy đã ổn chưa? Có những mảng, những tác giả còn trống vắng, như các nhân vật vua, quan, các nhà trí thức lớn đương thời…họ ở Thăng Long – Hà Nội, viết về Thăng Long – Hà Nội.
Nguyên tắc là có thể sót một số bài, nhưng không được sót các bài hay, các tác giả tiêu biểu.
5. Vấn đề phản ánh vùng đất Hà Tây mới sát nhập. Theo tôi không nên đưa vào vì 2 lý do: 1- Thời gian quá gấp. 2- Quan trọng hơn là không phù hợp với lịch sử.
6. Bố cục công trình, tuy ở các chi tiết có thể điều chỉnh, nhưng về cơ bản là ổn:
Phần Văn học Thăng Long - Hà Nội, chia thành 4 phần: 1- Tổng quan, 2- Khảo sát nguồn tư liệu Hán - Nôm, 3- Văn học dân gian, 4- Văn thơ.
Phần Nghệ thuật Thăng Long – Hà Nội có 4 phần: 1- Tổng quan, 2- Kiến trúc, 3- Nghệ thuật, 4- Hội họa, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh…
Xem lại phần tổng quan, tổng luận, có nên có phần đó không, đay là các bài mang tính chung, tính tổng quan, chú không có bài tổng quan.
7. Sau lựa chọn, sắp xếp thì biên tập là khâu quan trọng nhất quyết định sự thành công và cũng là phần đòi hỏi nhiều công phu, thời gian nhất. Trong biên tập, phải tôn trọng lịch sử, nhưng cũng phải đảm bảo tính thống nhất và tính hiện đại của sách.
Các chú thích, chú giải liên quan đến địa danh, nhân vật, sự kiện…là rất quan trọng.
Tóm lại, tôi đồng tình với bản đề cương này, đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội cho phép thực hiện.
|