|
TS. Phạm Văn Thắm viết ngày 31/08/2011
1- Sự cần thiết của đề tài
Thần phả là một loại hình văn bản ghi lại sự tích các vị thần đang được người dân thờ cúng tại các địa phương trên đất nước Việt Nam. Có thể nói tục thờ thần, một mặt thể hiện một loại hình tín ngưỡng của người dân đất Việt, mặt khác nó thể hiện tấm lòng thành kính của của người dân đối với người có công với dân với nước. Từ trước tới nay, có nhiều nhà nghiên cứu đã quan tâm tới mảng tư liệu này. Một số công trình sưu tập, nghiên cứu đã được công bố, nhưng riêng về địa bàn Hà Nội, các công trình nghiên cứu về Thần tích, thần phả cũng còn rất khiêm tốn. PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh đã chọn và đề xuất công việc sưu tập, biên dịch, nghiên cứu, giới thiệu Thần tích, thần phả của Thăng Long - Hà Nội (tuyển) viết bằng chữ Hán và chữ Nôm là một việc làm rất cần thiết, không trùng lặp với các công trình của người đi trước. Kết quả của công trình góp phần giúp cho đông đảo bạn đọc ở Thủ đô, bạn đọc trong và ngoài nước hiểu thêm về tâm linh của người dân vùng đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
2- Hướng tiếp cận
Địa giới hành chính của Hà Nội hiện nay gồm 29 quận huyện với hàng ngàn đơn vị hành chính làng xã. Trong dân gian Việt Nam có lưu truyền câu lệnh làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ, câu ngạn ngữ này thể hiện tính riêng biệt trong việc thờ thần của mỗi làng, do đó các tác giả đã nêu cách tuyển chọn văn bản theo vùng, theo niên đại, theo nội dung, ưu tiên chọn sự tích các anh hùng dân tộc như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Cách tuyển chọn văn bản như vậy là hợp lý.
Về phần tuyển chọn văn bản tôi xin đề nghị bổ sung:
- Như chúng ta đã biết, các vị thần trên đất Việt có 3 loại: Nhiên thần, Thiên thần và Nhân thần. Các vị Nhiên thần là các thần mây, mưa, sấm, gió... Việc thờ cúng các vị thần này thể hiện lòng tín ngưỡng của người dân đối với các hiện tượng tự nhiên, cho nên cũng cần đưa vào mỗi loại một văn bản.
- Các vị thiên thần như Phù Đổng thiên vương... Các vị thiên thần giáng thế chủ yếu là giúp dân chống giặc ngoại xâm từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đến công cuộc chống quân Minh - Thanh sau này. Số lượng tuyển chọn cũng nên chiếm tỷ lệ thỏa đáng.
- Các vị Nhân thần như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Bỉnh Khiêm là những con người thật được người dân thần thánh hóa để tôn thờ. Việc tuyển chọn loại văn bản này thực có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, theo tôi nên bổ sung, chọn thêm các vị thần vốn xuất thân là thường dân như ông bà Vũ Phục làm nghề bán dầu đã xả thân để chữa khỏi bệnh đau mắt cho vua Lý Nhân tông, ông Mục Thận một người đánh cá bình thường đã xả thân cứu vua Lý Nhân tông khỏi nạn hóa hổ... hành động của người dân bình thường sả thân vì vua, vua là người đại diện cho đất nước, xả thân vì vua tức xả thân vì đất nước. Những hành động xả thân vì đất nước của những người dân này được tôn thờ chính là để giáo dục cho người đương thời và cho thế hệ mai sau, cho nên cần bổ sung loại văn bản này.
- Cần nhấn mạnh thêm việc thờ thần ở tứ trấn. Đây là nét đặc trưng về tâm linh của người dân Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình nghìn năm lịch sử.
3- Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện công việc này, các tác giả nêu phương pháp thực hiện công việc như: điều tra, sưu tầm các văn bản thần tích, thần phả được lưu giữ tại các thư viện: thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, thư viện Quốc gia, thư viện Hà Nội, thư viện viện Thông tin khoa học xã hội... kết hợp với việc đi thực tế tại một số địa phương của Hà Nội như Mỗ, La, Canh, Cót... sau đó tiến hành phân loại theo nội dung, theo hình thức văn tự rồi chọn văn bản ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm tiến hành phiên âm, dịch nghĩa, chú giải, viết giới thiệu về nguồn gốc tài liệu và giá trị của mảng tài liệu này. Phương pháp nghiên cứu, qui trình thực hiện công việc, kết cấu cuốn sách với độ dày 1.000 trang khổ 16cm x 24 cm như vậy là khoa học và hợp lý.
4- Đề nghị
Hà Nội đang chuẩn bị chương trình kỷ niệm 1.000 năm thành lập. Công việc sưu tập, giới thiệu các văn bản Thần tích, thần phả Thăng Long - Hà Nội của PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh lµ mét viÖc lµm rất cần thiết và có ý nghĩa. Tôi đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội nghiệm thu bản đề cương Thần tích, thần phả Thăng Long - Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh làm chủ biên, tạo mọi điều kiện để công trình được thực hiện đúng tiến độ.
|
|
PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn viết ngày 25/08/2011
Thần tích, thần phả là nguồn tư liệu cổ rất quý, chúng lưu giữ nhiều thông tin về văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân các vùng miền trong cả nước. Nghiên cứu vê văn hóa một làng, một vùng hầu như không thể bỏ qua nguồn tài liệu này. Vùng đất Thăng Long – Hà Nội với bề dầy văn hóa hàng nghìn năm đã là cơ sở sản sinh rất nhiều truyền thuyết dân gian, những phong tục tập quán, tìn ngưỡng đặc sắc thể hiện đời sống tinh thần của người dân vùng đất kinh kỳ. Việc chọn và đưa vào bộ sách Tư liệu văn hiến Thăng Long- Hà Nội bộ sách Tuyển tập Thần tích, thần phả là hoàn toàn hợp lý, có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa văn hóa. Cuốn sách có nhiều giá trị trong dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long.
Công trình Tuyển tập Thần tích, thần phả là mới, không trùng lặp với các công trình đã từng được triển khai.
Công trình thể hiện kết quả làm việc công phu, từ phần tổng quan, giới thuyết ở đầu cũng như phần tuyển chọn giới thiệu 56 văn bản thần phả, thần tích, sự công phu được thể hiện đặc biệt ở phần chọn tuyển văn bản.
Mục tiêu chính của những người biên soạn là giới thiệu và sưu tầm những thần tích thần phả thuộc khu vực Thăng Long- Hà Nội, tuy nhiên những nghiên cứu khái quát chung về thần phả và thần tích có nhiều ý nghĩa đối với việc nghiên cứu thần tích thần phả nói chung.
Tôi tán thành với các tiêu chí tuyển chọn của nhóm tác giả như: Chọn các văn bản thần tích có giá trị ghi chép về tôn thần ở tứ trấn ( Huyền Thiên Chân Vũ; Tôn Thần Bạch Mã; Tôn Thần Linh Lang; Tôn thần Cao Sơn ); các thần tích ghi chép về Tứ Bất tử; Tuyển chọn các thần tích rộng khắp 29 đợn vị quận huyện; Ưu tiên giới thiệu các văn bản thần tích về các vị nữ thần, các văn bản Nôm diễn ca một số sự tích Tản Viên Sơn Thánh, Sự tích Chử Đồng Tử; Tuyển chọn cả văn bản trên giấy và văn bia ghi thần tích…
Phần dịch thuật không có nguyên bản và chữ Hán và chữ Nôm để đối chiếu nên không nhận xét được
Phụ lục các danh mục kèm theo có giá trị tham khảo
Công trình thể hiện đã có sự tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định đề cương trước đây.
Việc đánh số thứ tự các thần tích còn lộn xộn cần rà soát đánh số lại; Một số thần tích không có tiểu dẫn;
Kết luận: Công trình có chất lượng tốt, đồng ý nghiệm thu
|
|
TS. Nguyễn Công Việt viết ngày 25/08/2011
Trước hết xin khẳng định đây là một đề tài mang ý nghĩa văn hoá, xã hội, tín ngưỡng phong tục khá điển hình cần được nghiên cứu giới thiệu và xuất bản phổ biến không chỉ ở Thủ đô nói riêng với cả nước nói chung.
Tiếp thu ý kiến xây dựng đề cương đề tài của hội đồng ngày 28/9/2009, chủ biên cùng nhóm công trình đã thực hiện gấp rút và hoàn thành bản thảo dầy hơn 800 trang. Tôi đánh giá cao cố gắng này nhất là trong dịp lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hiện nay.
Cơ sở tư liệu là gần 60 bản thần tích Hán Nôm có xuất xứ rõ ràng được tuyển chọn trong mấy trăm thần tích khác nhau, là cứ liệu khoa học chắc chắn, trung thực và khá đầy đủ đại diện cho hệ thống các vị thần thánh được tôn thờ của Thăng Long - Hà Nội.
1. Kết cấu bản thảo được chia làm 2 phần, phần giới thiệu và phần tuyển dịch, cuối sách có phần phụ lục. Phần giới thiệu gần 50 trang với các đề mục riêng biệt trong đó Tổng quan về thần tích thần phả được giới thiệu khá đầy đủ từ quá trình tạo lập văn bản, cơ cấu văn bản, danh hiệu tôn thần đến các hạng thức tồn tại của văn bản thần tích. Cuối phần giới thiệu tác giả đã đúc kết được những điểm chính giá trị của văn bản thần tích thần phả.
Phần tuyển dịch 57 văn bản thần tích được thực hiện với số lượng khá dày dặn với hơn 500 trang bản thảo bước đầu đã cho ta thấy được nội dung đa dạng trong hệ thống thần tích được thờ phụng ở mỗi một di tích, địa phương khác nhau của Hà Nội.
Về cơ bản các văn bản được dịch cẩn thận, đầy đủ và qua hiệu chỉnh của chủ biên cũng nên đảm bảo về mặt chất lượng nội dung. Dưới mỗi văn bản đều có ghi xuất xứ văn bản, địa danh thờ thần, nơi lưu giữ văn bản, ghi rõ cả kí hiệu. Nội dung văn bản dịch những chỗ khó hiểu có chú thích ngắn gọn.
Phần phụ lục với 80 trang ghi theo các tiêu chí từng ô, mục chứng tỏ thêm sự công phu của các tác giả công trình.
Nhìn chung bản thảo đề tài đã được thực hiện tốt đảm bảo nội dung chất lượng của một tập sách ở góc độ văn hoá.
2. Tuy nhiên để có thể thành một cuốn sách hay các tác giả nên lưu ý một số điểm, theo tôi là nên hoàn chỉnh thêm:
- Phần giới thiệu xem xét lại việc đánh số tiểu mục để tránh nhầm lẫn (tr.39, tr.45).
- Dưới mỗi đầu đề thần tích nên có sự thống nhất việc giới thuyết với các tiêu chí: Địa danh mới cũ, nơi lưu giữ, miêu tả văn bản thần tích, kí hiệu... (ví dụ tr.71, 123, 188, 512, 558). (Phần này ngắn gọn, đơn giản nên cũng không mất nhiều thời gian).
- Vấn đề niên đại văn bản ở phần giới thiệu cũng cần nói rõ hơn đối với các văn bản ghi tên tác giả soạn Nguyễn Bính và người sao là Nguyễn Hiền thời Lê Trung Hưng.
- Phần phụ lục: Tiêu đề Danh mục các địa phương thờ thần... có thể đặt là Địa danh thờ thần... kèm theo kí hiệu thư mục.
Nên bỏ hai chữ “nơi thờ” được viết trùng lặp nối liên tục theo số thứ tự suốt 20 trang phụ lục.
Một vài địa danh, kí hiệu cần ghi đầy đủ S.45 (tr.5), S.74 (tr.7) [phụ lục 1]; S.9 (tr.13) [phụ lục 2].
Những sơ suất nhỏ trên không ảnh hưởng đến nội dung chất lượng của bản thảo cuốn sách.
3. Kết luận:
Bản thảo tập sách Tuyển tập thần tích thần phả Thăng Long - Hà Nội được các tác giả thực hiện một cách công phu, nghiêm túc. Nội dung cơ bản đáp ứng được yêu cầu của một tác phẩm văn hoá. Sau khi hoàn chỉnh thêm một chút theo ý kiến đóng góp của Hội đồng, bản thảo xứng đáng trở thành một cuốn sách hay, có giá trị, sớm ra mắt bạn đọc kịp lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|
|
TS. Phạm Văn Thắm viết ngày 25/08/2011
1- Bản thảo Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích Thần phả do PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí - PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh làm chủ biên gồm 3 phần chính: Lời giới thiệu và Phàm lệ 48 trang (trang 1- trang 48), phần dịch 57 văn bản 532 trang (trang 51- trang 583), phần phụ lục 86 trang. Đây là tập bản thảo của một công trình đã thể hiện đúng và đầy đủ những điều mà Ban chủ nhiệm đề tài đã ký với các cấp có thẩm quyền.
2- Phần mở đầu của công trình, các tác giả đã giới thiệu một cách khoa học về văn bản Thần tích Thần phả. Có thể nói Ban chủ nhiệm đề tài là những người đã có quá trình nghiên cứu trong lĩnh vực Hán Nôm nên các vấn đề như: Quá trình tạo lập văn bản, sự tích các vị thần, nghi thức thờ cúng, số lượng và các dạng tồn tại của văn bản... được các tác giả trình bầy mang tính chất tổng kết, đặc biệt là vấn đề tên, danh hiệu của các vị thần.
Tên, danh hiệu của các vị thần được ghi chép bằng chữ Hán và chữ Nôm như văn bản thần tích của một vùng ven sông Cầu ghi chép sự tích của bốn anh em từng phù giúp Triệu Việt vương đánh giặc cứu nước. Tên của bốn vị thần đã được người đi trước phiên âm là Hống, Hát, Lăng, Lễ Căn cứ vào chữ viết (nhất là chữ Nôm) trong văn bản, các tác tác giả đã chỉ ra tên của bốn vị thần là Hống, Hát, Lừng, Lẫy (Lời giới thiệu. trang 13).
Căn cứ vào chữ viết (chữ Nôm) trong văn bản, các tác giả đã phân tên, danh hiệu của thần theo các loại:
1- Danh hiệu các vị thần gắn với các địa danh lịch sử. Các địa danh có các chữ:
+ Chữ Bến như : Thần Đài vàng Bến Nước đại vương
+ Chữ Cửa như: Thần Càn Kỳ Cửa Chùa đại vương
2- Danh hiệu các vị thần gắn với các loài cây như :
+Thần Thiên quan Cây Gỗ đại vương
+ Thần Cả Cây Đa linh thông đại vương
+ Thần Cây Gạo đại vương
+ Thần Cả Cây Tre đại vương
3- Danh hiệu các vị thần gắn với các gò đất, đống đất, mô đất, đống đá, cống, đường. .. như:
+ Thần Đống Đá Chiêu Cảm đại vương;
+Thần thiên quan Đường Cõi đại vương;
+Thần Thiên quan Cống Khẩu đại vương.
4- Tên các vị thần được ghi theo số thứ tự như:
+ Ông Cả Hoàng Thái tử Đô Thống đại vương
+Thánh Cả thanh xứ đại vương
+ Vua Cả Đông Hán đại vương
+Đức vua Cả Đông Hải quan đại vương
Các chữ Nôm Bến Nước, Cửa Chùa, Cây Gỗ, Cây Đa, Cây Gạo, Cây Tre, Đống Đá, Cống Khẩu, Cả ... đều viết theo dạng chữ Nôm tự tạo (Chữ Nôm do người Việt sáng tạo). Có thể nói vấn đề tên, danh hiệu của các vị thần được các tác giả trình bầy trong lời giới thiệu từ trang 12 đến trang 22 thực sự là một đóng góp cho khoa học nghiên cứu về Thần tích thần phả nói chung và là một đóng góp mới, rất thiết thực trong công trình Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích Thần phả. Tôi đánh giá cao đóng góp này của công trình.
3- Phần tuyển dịch chiếm một tỷ lệ lớn trong công trình ( 532 trang). Chúng tôi nhận thức rằng dịch sách Hán Nôm đã khó nhưng dịch các văn bản Thần tích, thần phả Thăng Long- Hà Nội khó hơn nhiều vì rằng tập tục thờ thần của mỗi vùng cũng mang những bản sắc riêng, cho nên ngôn từ thể hiện trong văn bản cũng có những sắc thái riêng. Bản dịch trong đề tài đã thể hiện tín, đạt, nhã. Đó là một điểm thành công của công trình này.
4- Tuy nhiên chúng tôi cũng xin nêu ra một số điều, đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài có thể khảo cứu thêm, cho chỉnh sửa trước khi đưa in:
- Nguyên văn văn bản ghi Thần tích, thần phả là loại hình văn bản ghi chép sự tích các vị thần được tôn thờ ở đền miếu. Đề nghị thêm chữ đình ( tr.1 dòng 2 ...)
- Tại trang 10 có dòng chú thích ( đại ý bốn câu thơ ấy là giải thích nghĩa ba cái trứng). Đọc 4 cây thơ thì thấy ý của bốn câu thơ đó là ông tiên ban cho gia đình ông họ Nguyễn 3 quả trứng rồng và bảo ông ấy đem về để làm mưu kế giữ gìn đất nước, cùng với năm tháng, [ gia đình ông họ Nguyễn ] ngày càng được hưởng thêm nhiều phúc ở vùng bến Tiêu Xá. Cũng ở trang này có mệnh đề Đọc xong lại đằng không nhi khứ, theo tôi dịch thẳng luôn: ông tiên đọc xong liền bay về trời.
5- Căn cứ vào những kết quả mà các tác giả đã trình bầy trong công trình, tôi nhận thấy các tác giả đã thể hiện sự lao đông cần cù, có tư duy khoa học. Có thể khẳng định bản thảo công trình đạt chất lượng cao, sản phẩm của đề tài đóng góp thiết thực cho khoa học. Tôi đề nghị Hội đồng thông qua đề tài Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích thần phả do PGS.TS Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS.Nguyễn Văn Thịnh làm chủ biên và đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội cho in để đáp ứng nhu cầu của xã hội và thiết thực góp phần hoàn thiện Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến hướng tới chào mừng Đại lễ của Thủ đô.
|
|
TS. Phạm Thị Thuỳ Vinh viết ngày 25/08/2011
Thần tích là một loại hình văn bản khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Việt, đặc biệt là trong các làng xã. Văn bản thần tích giúp các thế hệ người Việt biết được lai lịch, công trạng của các vị thần được thờ làm Thành hoàng làng. Nếu không có văn bản thần tích được lưu lại ắt hẳn chúng ta sẽ gặp vô số khó khăn để hiểu được những đóng góp cụ thể của từng vị Thần được thờ trong các ngôi đình làng Việt. Vì thế công bố một số bản dịch về thần tích của Thăng Long - Hà Nội là một việc cần thiết và hữu ích không chỉ trong dịp chào mừng Thăng Long ngàn năm tuổi.
Tôi đã đọc gần hết các bản dịch và toàn bộ lời giới thiệu trong tập bản thảo Tuyển tập thần tích thần phả Thăng Long - Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh đồng chủ nhiệm đề tài, vì thế xin có một số nhận xét như sau:
1. Về cấu trúc của tập sách gồm phần giới thiệu, phần tuyển dịch và một số bảng phụ lục giúp người đọc nhận diện rõ hơn về văn bản thần tích của Thăng Long Hà Nội là hợp lý. Tuy nhiên tôi vẫn cứ băn khoăn về số lượng văn bản được tuyển chọn vì phần lớn những văn bản này thuộc về Hà Tây cũ, Hà Nội với ngàn năm tuổi chỉ chiếm 1/4 tổng số văn bản, như vậy có quá ít không so với mục đích lấy Thăng Long làm chuẩn? Cũng có thể số văn bản của Hà Nội cũ còn ít hơn chăng nhưng tỷ lệ như vậy theo tôi cũng là quá it.
2. Phần công bố bản dịch của 57 văn bản thần tích về cơ bản đã chuyển tải được những thông tin về các vị thần. Có những bản thần tích được dịch khá hay, uyển chuyển nhưng cũng còn không ít những văn bản cần phải xem lại một số đoạn dịch và cần chú thích thêm ở dưới. Hầu như chỉ có chú thích ở một vài bản thần tích viết bằng chữ Nôm. Xin nêu ví dụ:
- Trang 290 có dịch một câu là: Cung phi chửi một tiếng kinh thiên triệt đia... dịch như thế hơi thô thiển nên chuyển sang Việt hóa cho uyển chuyển hơn.
- Trang 268, khi nói về Từ Đạo Hạnh, bản dịch là: "Khi mới sinh ông đã sẵn có tiên phong đạo cốt. Từ thưở thiếu thời theo đảng du hiệp...” chúng tôi không hiểu dịch thế người Việt lĩnh hội như thế nào?
- Trang 406: "Kim nhân có thơ rằng”... vậy Kim nhân là ai? Là người vàng hay là người đời nay? Vì không có bản chữ Hán để đối chiếu mà người dịch cũng không chú thích gì nên câu trở nên rất khó hiểu ngay cả đối với người trong ngành chứ chưa nói đến đọc giả phổ thông khác.
- Trang 575: "Nghe xong trong núi còn có sất tra?” ở đây người dịch có lẽ để nguyên phần phiên âm mà ko dịch nghĩa hai chữ này, nếu ko thì phải chú thích ở dưới.
3. Dường như có sự nhầm lẫn khi xã Giao Tự huyện Gia Lâm có đến hai văn bản thần tích. Ở bản số 15 trang 154 theo tôi là đã bị xếp nhầm địa danh, vì khi đọc nội dung trong văn bản chúng tôi không thấy xuất hiện địa danh Giao Tự trong đó mà là địa danh trang Phúc Thọ huyện Phúc Lộc (hay Thúc Lộc theo văn bản?) phủ Quảng Oai đạo Sơn Tây. Nếu như văn bản này vẫn đang lưu giữ tại thôn Giao Tự xã Kim Sơn huyện Gia Lâm như giới thiệu ở trang 154 thì ắt là cầm nhầm thần tích của trang Phúc Thọ.
4. Một số quy đổi về địa danh hiện nay trong phần giới thiệu văn bản là không chính xác cần bổ sung thêm.Ví như: trang 317 ghi xã Phú Gia nay là xã Phú Gia huyện Từ Liêm là không đúng, thôn này thuộc phường Phú Thượng quận Tây Hồ. Hoặc trang 579 ghi xã Phú Mỹ tổng Phương Canh nay thuộc xã Xuân Phương huyện Từ Liêm cũng không chính xác. Xã Phú Mỹ trước kia giờ là thôn Phú Mỹ xã Mỹ Đình huyện Từ Liêm, cũng như vậy cần bổ sung lại phần ghi về xã Nhân Mỹ trang 304. Xã Nhân Mỹ hiện nay là thôn Nhân Mỹ xã Mỹ Đình huyện Từ Liêm...
5. Phần viết giới thiệu về văn bản thần tích của Thăng Long - Hà Nội theo chúng tôi là cần được gia công hơn nữa để nêu bật được đặc điểm về văn bản cũng như giá trị nội dung mà văn bản thần tích Thăng Long - Hà Nội chuyển tải. Phần này có lẽ do tác giả quá bận nên chưa có thời gian đầu tư vào chăng? Bởi cái cần đọc nhất trong phần giới thiệu về văn bản thần tích Hà Nội là những giá trị về nội dung thì hầu như không được đề cập tới. Một số trang trong đó lại bị trùng lặp với các bảng phụ lục ở cuối sách,có đến gần 10 trang từ trang 28 đến trang 37 là phần phụ lục ở cuối tập bản thảo. Theo chúng tôi có lẽ nên bỏ bớt phần này mà thay vào đó là nêu bật những giá trị nội dung của thần tích Hà Nội.
Một điểm cũng đáng lưu ý là trong phần giới thiệu có lẽ các tác giả nên đề cập thêm về vấn đề niên đại của loại hình văn bản thần tích nói chung cũng như của Hà Nội nói riêng. Bởi nếu không sẽ dễ lầm tưởng các bản thần tích còn lại được viết từ năm Hồng Phúc và được sao lại vào thời Vĩnh Hựu. Hiện nay có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn bản thần tích mới được biện soạn hầu hết vào thời Nguyễn và có chung xuất xứ từ vùng Bằng Đắng của tỉnh Vĩnh Phúc. Vấn đề này xin được trao đổi lại với các chuyện gia có quan tâm.
6. Nhìn chung bản thảo đã cung cấp cho người đọc nhiều thông tin về các vị thần cũng như lệ thờ cúng các vị thần có công với quên hương đất nước. Đây cũng là lần đầu tiên văn bản thần tích của Hà Nội được công bố nên việc chỉnh sửa lại đôi chỗ cũng là cần thiết. Phần chế bản nên rà soát lại vì khá nhiều lỗi về vi tính.
Với sự mong muốn cho bản thảo ngày càng hoàn chỉnh hơn cũng như với tình cảm quý mến trân trọng của tôi đối với các chủ biên bản thảo là PGS.TS Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh nên tôi có một số đóng góp nhỏ trong quá trình thẩm định bản thảo để hy vọng các tác giả sẽ có sự đầu tư thêm để bản thảo tốt hơn, đảm bảo kịp tiến độ xuất bản.
|
|
TS. Nguyễn Công Việt viết ngày 23/08/2011
1. Thần tích thần phả là những văn bản Hán Nôm ghi chép về danh tính, hành trạng, công tích của một hay nhiều vị thần, thánh được dân tôn thờ. Thần tích thần phả gắn liền với tín ngưỡng phong tục nghi lễ thờ cúng của người dân Việt Nam nói chung và Thăng Long - Hà Nội nói riêng đi liền với các di tích lịch sử như đình, đền, miếu ở một làng xã thôn phường cụ thể. Đây là mảng đề tài mang ý nghĩa văn hóa, xã hội, tín ngưỡng phong tục điển hình và cần thiết khai thác giới thiệu.
2. Đối tượng nghiên cứu là các văn bản thần tích thần phả được lưu giữ ở các thư viện cùng các điểm di tích thuộc Hà Nội. Số lượng tuyển chọn là hơn 60 bản. Cơ sở tư liệu như vậy là phong phú, trung thực, đảm bảo về mặt cứ liệu khoa học của đề tài.
3. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp điều tra khảo sát thu thập tư liệu, phân loại phiên âm, dịch nghĩa, giới thiệu văn bản là những phương pháp hợp lí, hữu hiệu. Song cần thể hiện rõ thêm phương pháp văn bản học Hán Nôm với các tiêu chí đặc thù riêng của Hán Nôm học.
4. Kết cấu đề tài được chia làm 2 phần:
- Phần thứ nhất: Khảo cứu tư liệu, giới thiệu về thần tích thần phả ở các di tích của Thăng Long - Hà Nội.
- Phần thứ hai: Tuyển dịch giới thiệu khoảng 60 bản thần phả.
Kết cấu nội dung như vậy là phù hợp với dạng đề tài này.
* Kết luận: Thần tích thần phả Thăng Long - Hà Nội là một đề tài hay có ý nghĩa văn hóa, xã hội, tín ngưỡng, phong tục và mang tính cấp thiết. Cơ sở tư liệu phong phú, phương pháp sử dụng hợp lí. Chủ biên và thành viên tham gia là những người có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn sâu trong việc thực hiện các công trình khoa học, văn hóa Hán Nôm. Do đó công trình này mang tính khả thi cao, đảm bảo tiến độ và chất lượng nội dung.
Có thể một vài chi tiết hạn chế nhỏ, Hội đồng sẽ góp ý xây dựng để bản thảo công trình được hoàn chỉnh hơn. Rất mong chủ biên công trình tích cực sớm hoàn thiện bản thảo để kịp thời xuất bản. Hy vọng kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chúng ta sẽ được đón đọc tập sách Thần tích thần phả có quy mô và dung lượng cao.
|
|
TS. Phạm Văn Thắm viết ngày 23/08/2011
1- Sự cần thiết của đề tài
Thần phả là một loại hình văn bản ghi lại sự tích các vị thần đang được người dân thờ cúng tại các địa phương trên đất nước Việt Nam. Có thể nói tục thờ thần, một mặt thể hiện một loại hình tín ngưỡng của người dân đất Việt, mặt khác nó thể hiện tấm lòng thành kính của của người dân đối với người có công với dân với nước. Từ trước tới nay, có nhiều nhà nghiên cứu đã quan tâm tới mảng tư liệu này. Một số công trình sưu tập, nghiên cứu đã được công bố, nhưng riêng về địa bàn Hà Nội, các công trình nghiên cứu về Thần tích, thần phả cũng còn rất khiêm tốn. PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh đã chọn và đề xuất công việc sưu tập, biên dịch, nghiên cứu, giới thiệu Thần tích, thần phả của Thăng Long - Hà Nội (tuyển) viết bằng chữ Hán và chữ Nôm là một việc làm rất cần thiết, không trùng lặp với các công trình của người đi trước. Kết quả của công trình góp phần giúp cho đông đảo bạn đọc ở Thủ đô, bạn đọc trong và ngoài nước hiểu thêm về tâm linh của người dân vùng đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Điều đó cũng khẳng định vị trí của cuốn sách trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến hướng tới Đại lễ của Thủ đô.
2- Hướng tiếp cận
Địa giới hành chính của Hà Nội hiện nay gồm 29 quận huyện với hàng ngàn đơn vị hành chính làng xã. Trong dân gian Việt Nam có lưu truyền câu lệnh làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ, câu ngạn ngữ này thể hiện tính riêng biệt trong việc thờ thần của mỗi làng, do đó các tác giả đã nêu cách tuyển chọn văn bản theo vùng, theo niên đại, theo nội dung, ưu tiên chọn sự tích các anh hùng dân tộc như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Cách tuyển chọn văn bản như vậy là hợp lý, khoa học, và tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc trong việc tiếp cận, theo dõi nội dung công trình.
Về phần tuyển chọn văn bản tôi xin đề nghị bổ sung:
- Như chúng ta đã biết, các vị thần trên đất Việt có 3 loại: Nhiên thần, Thiên thần và Nhân thần. Các vị Nhiên thần là các thần mây, mưa, sấm, gió... Việc thờ cúng các vị thần này thể hiện lòng tín ngưỡng của người dân đối với các hiện tượng tự nhiên, cho nên cũng cần đưa vào mỗi loại một văn bản.
- Các vị thiên thần như Phù Đổng thiên vương... Các vị thiên thần giáng thế chủ yếu là giúp dân chống giặc ngoại xâm từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đến công cuộc chống quân Minh - Thanh sau này. Số lượng tuyển chọn cũng nên chiếm tỷ lệ thỏa đáng.
- Các vị Nhân thần như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Bỉnh Khiêm là những con người thật được người dân thần thánh hóa để tôn thờ. Việc tuyển chọn loại văn bản này thực có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, theo tôi nên bổ sung, chọn thêm các vị thần vốn xuất thân là thường dân như ông bà Vũ Phục làm nghề bán dầu đã xả thân để chữa khỏi bệnh đau mắt cho vua Lý Nhân tông, ông Mục Thận một người đánh cá bình thường đã xả thân cứu vua Lý Nhân tông khỏi nạn hóa hổ... hành động của người dân bình thường sả thân vì vua, vua là người đại diện cho đất nước, xả thân vì vua tức xả thân vì đất nước. Những hành động xả thân vì đất nước của những người dân này được tôn thờ chính là để giáo dục cho người đương thời và cho thế hệ mai sau, cho nên cần bổ sung loại văn bản này.
- Cần nhấn mạnh thêm việc thờ thần ở tứ trấn. Đây là nét đặc trưng về tâm linh của người dân Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình nghìn năm lịch sử.
3- Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện công việc này, các tác giả nêu phương pháp thực hiện công việc như: điều tra, sưu tầm các văn bản thần tích, thần phả được lưu giữ tại các thư viện: thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, thư viện Quốc gia, thư viện Hà Nội, thư viện viện Thông tin khoa học xã hội... kết hợp với việc đi thực tế tại một số địa phương của Hà Nội như Mỗ, La, Canh, Cót... sau đó tiến hành phân loại theo nội dung, theo hình thức văn tự rồi chọn văn bản ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm tiến hành phiên âm, dịch nghĩa, chú giải, viết giới thiệu về nguồn gốc tài liệu và giá trị của mảng tài liệu này. Phương pháp nghiên cứu, qui trình thực hiện công việc, kết cấu cuốn sách với độ dày 1.000 trang khổ 16cm x 24 cm như vậy là khoa học và hợp lý.
4- Đề nghị
Hà Nội đang chuẩn bị chương trình kỷ niệm 1.000 năm thành lập. Công việc sưu tập, giới thiệu các văn bản Thần tích, thần phả Thăng Long - Hà Nội của PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh lµ mét viÖc lµm rất cần thiết và có ý nghĩa. Tôi đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội nghiệm thu bản đề cương Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích, thần phả do PGS.TS Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh làm chủ biên, tạo mọi điều kiện để công trình được thực hiện đúng tiến độ.
|