Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Sách tư liệu tổng hợp |  Bạn đang ở:Trang chủ » Sách tư liệu tổng hợp
Giới thiệu về sách

1. Tóm tắt nội dung:

Thực Lục là một thể tài sử thư, chuyên ghi chép những sự kiện lớn nhỏ trong suốt thời gian trị vì của một hoàng đế, đồng thời cũng ghi chép tiểu truyện của các văn thần võ tướng trong triều vua ấy.

Minh Thực Lục, gồm 13 Thực Lục (3.053 quyển), khoảng bốn mươi ngàn trang, là bộ sử chép việc xẩy ra trong gần 300 năm lịch sử triều Minh (1368-1644). Minh Thực Lục là bộ sử lưu hành hạn chế trong triều đình, nên đương thời người dân chưa từng được xem. Minh Thực lục -về thể loại - được giới sử học Trung Quốc hiện đại định tính là “biên niên thể sử liệu trường biên”

Việt Nam là nước láng giềng được chép nhiều nhất trong Minh Thực Lục, cuốn sách này gồm 1.329 văn bản (là toàn bộ các văn bản) liên quan đến Đại Việt và Champa; trong khi các nước khác như Singapore, Mã Lai chỉ được đề cập trong vài chục văn bản.

Do vậy, cuốn sách dịch Việt các tư liệu sử liên quan tới Việt Nam (Đại Việt và Champa) trong “Minh Thực lục” là một tư liệu tối thiểu và quý báu cho giới sử học và những người yêu sử; cung cấp cho giới nghiên cứu và bạn đọc toàn cảnh quan hệ giữa nhà Minh với Đại Việt và Champa thể hiện trong Minh Thực lục thông qua bản dịch của 1.329 văn bản gốc mà dịch giả đã rà soát thu thập và dịch từ nguyên bản.

Chi tiết sách
  • Tác giả:  Hồ Bạch Thảo (Dịch giả) cùng nhóm biên soạn hiệu đính và chú giải bổ su
  • Nhà xuất bản: Nhà Xuất bản Hà Nội 
  • Năm xuất bản:  
  • Tổng số trang:  2880 trang
  • Kích thước:  
  • Mã số:  
  Bình luận (5)  
TS. Nguyễn Công Việt viết ngày 31/08/2011
1. Minh thực lục là một bộ sử đồ sộ có độ dầy 40.000 trang ghi chép về những sự kiện lớn nhỏ gần 300 năm thời nhà Minh Trung Quốc, trong đó có đến 1.329 văn bản liên quan đến Đại Việt và Chiêm Thành. Giá trị của Minh thực lục là việc ghi chép đầy đủ ngày, tháng, năm trong mỗi triều vua về biên niên sự kiện, toàn cảnh xã hội trên nhiều lĩnh vực mở rộng ra cả những nước khu vực trong đó có Việt Nam. Những sử liệu gốc này rất cần được dịch chú, giới thiệu. 2. Cở sở tài liệu Minh thực lục là bản in tại Đài Loan từ năm 1963 đến 1968 từ bản microfilm chụp thời Dân Quốc. Ở đây có nói tới bản Minh thực lục của Lương Hồng Chi in năm 1941, bản Minh thực lục hiệu khám kí kèm bản dịch Anh văn. Vì đây là bản dịch mới tác giả cần mô tả khảo sát tác phẩm dịch dưới góc độ văn bản học, đó là điều tất yếu bước đầu công bố bản dịch của sử liệu quan trọng có liên quan đến Việt Nam. 3. Nội dung Vì điều kiện chỉ được đọc hơn 10 trang bản dịch trong đó có cả các trang tóm tắt, kèm 23 trang bản photocopy chữ Trung Quốc chúng tôi có ý kiến như sau: - Số lượng trang bản dịch ở đây chưa đủ điều kiện nhận xét cho đề tài dịch công bố sử liệu có liên quan đến Việt Nam - Chiêm Thành. - Đề tài phải được dịch hoàn chỉnh đầy đủ, đã qua phần hiệu đính của người giỏi chữ Hán và chuyên môn lịch sử. - Đây là sử liệu quan trọng đề cập đến chính trị, bang giao, giữa Việt Nam và Trung Quốc thời Minh cần phải hết sức thận trọng trong việc dịch, chú và công bố xuất bản. - Đối với vấn đề Chiêm Thành hiện nay là vấn đề cũng rất quan trọng, nhạy cảm. Sử liệu của Việt Nam có thể ghi chép khác với Trung Quốc về vấn đề Chiêm Thành, đặc biệt là những ghi chép về hải phận và chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông. Sử liệu Trung Quốc thời Minh đã ghi về đường hàng hải của Trung Quốc trên biển Đông. Phần chéo qua Bắc Việt Nam họ không ghi là qua Đại Việt mà nói rằng từ đảo Hải Nam họ đi men theo lãnh thổ Chiêm Thành rồi xuống phía Nam. Trên thực tế từ Đại lục Trung Hoa thuyền buôn Trung Quốc đi xuống phía Nam qua ven biển Đông Nam đảo Hải Nam chéo qua vùng biển Bắc Việt Nam rồi dọc theo eo biển miền Trung Việt Nam đi xuống phía Nam. Tiếp tục qua ven biển phân theo các tuyến sang quần đảo JaVa và sang vịnh Thái Lan, hướng chính đi tới eo biển MaLaCa sang Ấn Độ Dương thẳng tới châu Âu. Ở chính sử Việt Nam ghi năm 1471 vua Lê Thánh Tông đã chinh phạt Chiêm Thành thắng lợi, từ đó lãnh thổ Việt Nam đã mở rộng đến mãi phía Nam và thời chúa Nguyễn Hoàng lãnh thổ nước ta đã mở rộng xuống đến Bình Thuận... - Minh thực lục cũng như những bộ chính sử Trung Quốc khác được biên soạn theo định hướng quan điểm của nhà nước phong kiến Trung Quốc nên việc ghi chép có những sự kiện sai lệch, thiếu chính xác; do đó việc chọn dịch giới thiệu cũng cần xem xét kĩ lưỡng. * Đề tài này khi hoàn thiện đầy đủ cần có một Hội đồng thẩm định về văn bản học, về chất lượng dịch chú, về nội dung liên quan đến quan hệ Trung Hoa - Việt Nam và Champa đảm bảo về mặt chính trị, ngoại giao giữa hai nước Việt - Trung và quan điểm đối với dân tộc Chiêm Thành.
PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn viết ngày 31/08/2011
Minh thực lục (còn gọi là Đại Minh thực lục, Hoàng Minh thực lục) là một bộ sử liệu "trường biên", viết theo thể biên niên, ghi chép thật về vương triều Minh, bắt đầu từ Minh Thái Tổ đến Minh Hy Tông, tất cả 15 triều vua, 13 bộ sách, trong đó Kiến văn (Huệ đế) phụ với Thái Tổ thực lục, triều Cảnh Thái (Đại Tông) phụ với Anh Tông thực lục. Trong bộ sử liệu đồ sộ này có rất nhiều sự kiện liên quan tới các quan hệ giữa nhà Minh và nhà Lê, đặc biệt là từ đời Thành Tổ Vĩnh Lạc (1403-1424) đến Tuyên Tông (Tuyên Đức) (1426-1435), Anh Tông, Hiến Tông, Hiếu Tông, Vũ Tông, Thế Tông... Khi nghiên cứu lịch sử các mối quan hệ giữa nhà Lê và nhà Minh không thể thiếu Minh thực lục, bên cạnh các sách sử khác của Trung Quốc như Minh sử, Minh sử kỷ sự bản mạt, Minh thư... Điều đáng tiếc là ở Việt Nam không có Minh thực lục. Trong kho sử tịch cổ Trung Quốc tàng trữ tại Thư viện Trường Viễn Đông bác cổ Pháp ở Hà Nội, có rất nhiều bộ sử quý, nhưng Minh thực lục thì không có. Một số nhà nghiên cứu lịch sử viết về thời nhà Minh xâm lược Việt Nam có dẫn Minh thực lục, song đều là dẫn lại theo các học giả Nhật Bản và Pháp... Vì vậy, việc Nhà xuất bản Hà Nội đưa bản dịch Minh thực lục, phần tuyển chọn các mục nói về quan hệ Việt - Trung thế kỷ XIV - XVII, vào đề tài nghiên cứu, biên soạn của "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến", là một việc làm hết sức có ý nghĩa khoa học, một đóng góp quan trọng về sử liệu học, cung cấp cho giới nghiên cứu lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc một khối lượng tư liệu vô cùng phong phú và quý hiếm, lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam, vừa in nguyên văn chữ Hán kèm với bản dịch, chú, dày hàng nghìn trang. 30 năm về trước, tôi là người đã có điều kiện đọc trực tiếp bộ Minh thực lục (Nam Kinh Quốc học đồ thư quán, 1940) tại Thư viện Trung Quốc học ở Matxcơva, và cũng chỉ khai thác những nội dung nói về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời Lê - Minh, nên tôi có thể khẳng định, phần quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ghi chép trong Minh thực lục, đã được học giả Hồ Bạch Thảo tuyển chọn đầy đủ không để sót sự kiện nào. Phần dịch nghĩa của ông nói chung là rất tốt. Bản dịch nghĩa Minh thực lục: Quan hệ Việt - Trung thế kỷ XIV - XVII đã được học giả Phạm Hoàng Quân hiệu đính và PGS.TS. Nguyễn Minh Tường hiệu chỉnh lần cuối cùng. Bản dịch Minh thực lục: Quan hệ Việt - Trung thế kỷ XIV - XVII sau khi được hiệu đính, hiệu chỉnh kỹ lưỡng, có thể nói đã đạt tới độ chính xác cao, người đọc có thể hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào bản dịch này. Tôi đánh giá rất cao phần chú thích của hai vị Hồ Bạch Thảo và Phạm Hoàng Quân. Độ chân xác và tính uyên bác cũng như công sức lao động học thuật lớn lao mà hai vị Hồ - Phạm đã dành cho phần chú thích Minh thực lục: Quan hệ Việt - Trung thế kỷ XIV - XVII, có thể nói là đáng kính trọng vô cùng. Dưới đây, tôi đề nghị nên chỉnh sửa mấy chi tiết nhỏ, trước khi đưa in: Phần I: Minh Thái Tổ. Hồng Vũ 1. Trang 9, chú thích (1): "Sử Việt như Toàn thư và Cương mục đều chép vua Trần Dụ Tông tên Hạo, nhưng Minh thực lục và Minh sử... lại chép tên vua là Khuê, chưa rõ vì sao". - Sở dĩ có hiện tượng này vì các vua Việt Nam thời Trần - Hồ - Lê, khi viết biểu, tấu gửi sang Trung Quốc thì không nói tên thật mà đưa ra một tên khác (giả). Và sử Trung Quốc cứ theo tên viết trong biểu, tấu mà ghi lại. Có thể nêu ra nhiều thí dụ trong Minh thực lục và Minh sử..., chẳng hạn, Minh sử chép: "Năm đầu niên hiệu Thành Hóa (1465)... Hiển (tức Lê Thánh Tông) hùng cường, tự cho là nước giầu, quân mạnh. Năm thứ 4 (1468) xâm chiếm Bằng Tường Quảng Tây...". 2. Trang 10 - 11, chú thích (3): "Theo Toàn thư..., vua Trần Dụ Tông mất, sứ thần Trung Quốc Ngưu Lượng làm bài thơ viếng như sau: Nam phục thương sinh điện chẩm an Long Biên khai quốc khống chư man. ... và dịch thơ. - Nguyên văn chú thích này đã có ở trang 25, phần Giới thiệu sơ lược về Minh thực lục. Vì vậy ở phần chính văn, chỉ ghi xem chú thích 4, trang... Nhân đây, tôi đề nghị bỏ tất cả những mục có in chữ Hán và dịch nghĩa ở phần Giới thiệu sơ lược về Minh thực lục. Vì sau đó những mục này lại được dịch ở phần Minh Thái Tổ Hồng Vũ. 3. Trang 15, chú thích (1): "Trung thư, gọi tắt (đánh máy thành "tắc") từ Trung thư tỉnh, tên cơ quan...". - Chữ tỉnh ở đây phải đọc là sảnh: tức là Trung thư sảnh. Theo Từ Hải: 1) Đọc tỉnh nghĩa là xét. 2) Đọc sảnh nghĩa là tên cơ quan. 4. Trang 61, chú thích (3): "Huyện Đồng... Nguyên bản viết Đồng - Chữ sơn bên chữ đồng đọc là động: Nơi cư trú của người thiểu số. 5. Trang 65, chú thích (2): "Hồ Duy Dung: theo Minh Thái Tổ... nên bản thân và bè đảng bị Minh Thái Tổ thanh trừng tru lục". - "Tru lục" nên dịch nghĩa cho dễ hiểu là giết chết. Chú thích (3): "Chính tâm, thành ý: Những tư tưởng căn bản trong sách Đại học", nên chú thích lại: "Chính tâm thành ý" là "Lòng ngay, ý thực", chữ trong sách Đại học", một trong Tứ thư. 6. Trang 153, chú thích (1): "Gia Lâm: Thời Trần - Hồ, Gia Lâm là một huyện thuộc lộ Bắc Giang, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh". - Gia Lâm nay thuộc Hà Nội chứ không phải Bắc Ninh. 7. Trang 160: "Đó là những tội lớn, kỳ dư không cần nói thêm". - "Kỳ dư": nên dịch nghĩa là "ngoài ra". 8. Trang 159 và 161: Câu chữ Hán trong Minh thực lục: "Cử binh công kỳ cựu châu Cách Liệt đẳng địa". - Trang 159 (tội thứ 14 của họ Hồ), dịch: "Bèn mang quân đến đánh các đất Cách Liệt, châu cũ của Chiêm Thành". - Trang 161, dịch: "Đem quân đánh châu cũ Cách Liệt và các nơi". Câu văn này cần được dịch thống nhất như nhau. Theo tôi, dịch như ở trang 159 là chính xác. 9. Trang 164, chú thích (5): "Theo Cương mục vị trí thành Đa Bang tại xã Cổ Pháp, huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây. Theo ĐNVNQCĐ hiện nay là huyện Quảng Oai tỉnh Hà Tây. - Sơn Tây nay thuộc Hà Nội (sau khi Hà Nội mở rộng). 10. Trang 197, chú thích (6): "Lỵ Nhân viết sai là Lợi Nhân ". - Chữ Lỵ Nhân không viết sai, vì Lợi còn đọc Lỵ (như xá lỵ). 11. Trang 250, chú thích (2): Xem lại chữ Lạt Tát. Nếu viết ( ) thì đọc Thích. Lạt thì có bộ khẩu ở bên thích. Chú thích (3): Cáp lạt = Cáp thích ? Chú thích (6) (tr. 251): Ngõa Lạt hay Ngõa Thích? Chú thích (2) (tr. 304): Sư hay Súy là hai cách đọc âm của một chữ ( ). Chú thích (5) (tr. 350): Bất Lạt Oa = Bất Thích Oa... 12. Trang 360, chú thích (1): "Đông Triều châu chi cổ Liễn giang hạ Hộ Ông" được dịch như trong chính văn, tr. 359 là đúng: "Xã Mộ Ông ở cuối sông Cổ Liễn châu Đông Triều". Còn dịch như Ngô Mạnh Nghinh: "Cổ Liễn, Giang Hạ, Mô Ông châu Đông Triều" là không chính xác, không đúng ngữ pháp của câu văn. 13. Đề nghị bỏ các mục 854 (tr. 571), 861 (tr. 574), 863 (tr. 573), 865 (tr.575), vì nó không có nội dung gì có thể khai thác được.
PGS.TS. Nguyễn Minh Tường viết ngày 31/08/2011
Trong những bộ sử do triều đình phong kiến Trung Hoa biên soạn, thì Minh thực lục dành khá nhiều trang ghi chép về Quan hệ giữa Trung Hoa và Việt Nam, cũng như tình hình chính trị - xã hội... của Việt Nam từ năm 1368 đến năm 1644. Với tư cách nhà nghiên cứu Lịch sử Cổ - Trung đại Việt Nam, tôi đã tiếp xúc nhiều lần với Minh thực lục, nhất là khi tìm hiểu về Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) và tình hình bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc dưới triều Lê sơ (1428-1527) và triều Mạc (1527-1592). Tuy nhiên, do nhiều lý do, tôi chưa có thể đọc hết được tất cả các trang liên quan tới Việt Nam trong Minh thực lục. Gần đây, được ông Nguyễn Khắc Oánh, Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội mời làm Người Biên tập nội dung lần cuối cùng Bản dịch: Minh thực lục: Quan hệ Trung Hoa-Việt Nam thế kỷ XIV-XVIII của Dịch giả Hồ Bạch Thảo, Người Hiệu đính - chú thích: Phạm Hoàng Quân, do ông Nguyễn Bá Dũng làm đại diện, tôi đã vui vẻ nhận lời, vì như vậy, tôi sẽ có điều kiện để đọc lại Minh thực lục, nhất là những trang viết liên quan tới Việt Nam... Sau khi đọc kỹ toàn bộ bản thảo Bản dịch Minh thực lục: Quan hệ Trung Hoa Việt Nam thế kỷ XIV-XVII, tôi xin có một vài nhận xét như sau: 1. Đây là bản dịch có chất lượng tốt: Dịch giả Hồ Bạch Thảo tỏ ra là một người có kiến thức căn bản vững chãi và về Hán học. Nhìn chung bản dịch ra tiếng Việt của Dịch giả Hồ Bạch Thảo đã lột tả được chân thực nội dung của nguyên tác chữ Hán. Tôi đã đọc bản dịch Thanh thực lục - Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn (Nxb Hà Nội, Hà Nội - 2007) và một số bài của ông Hồ Bạch Thảo công bố trên Tạp chí Xưa và Nay mấy năm gần đây, tôi nhận thấy ông Hồ Bạch Thảo là người rất say mê Hán học và làm việc nghiêm túc. Cũng cần ghi nhận thêm là trong nhiều trang, ngoài việc dịch thuật, ông Hồ Bạch Thảo còn bỏ công sức để hiệu khám, đính chính những chỗ in sai trong nguyên tác và chú thích những điển tích, những sự kiện lịch sử cần thiết. 2. Phần Hiệu đính và chú thích do ông Phạm Hoàng Quân thực hiện, là những thông tin vừa quý vừa công phu. Với tư cách là người nghiên cứu văn hóa Trung Hoa, tôi hiểu rằng ông Phạm Hoàng Quân đã phải bỏ ra khá nhiều thời gian và công sức mới có thể có được phần Hiệu đính - chú thích khá kỹ lưỡng và khoa học như vậy. Có thể nói, phần Hiệu đính - chú thích của ông Phạm Hoàng Quân làm cho nội dung và chất lượng bản dịch Minh thực lục... của ông Hồ Bạch Thảo được nâng lên rất nhiều. 3. Ở đầu bộ sách Minh thực lục: Quan hệ Trung Hoa - Việt Nam thế kỷ XIV-XVIII, có bài khảo cứu: Minh thực lục và Minh thực lục: Quan hệ Trung Hoa - Việt Nam thế kỷ XIV-XVIII của ông Phạm Hoàng Quân với dung lượng lên tới 44 trang khổ A4. Tôi đánh giá cao bài khảo cứu này của ông Phạm Hoàng Quân. Đọc bài khảo cứu trên, chúng ta càng nhận thấy ông Phạm Hoàng Quân làm việc với một tinh thần trách nhiệm khoa học cao trước độc giả. Bài khảo cứu của ông Phạm Hoàng Quân sẽ giúp ích rất nhiều cho độc giả, nhất là các độc giả không có chuyên môn sử học, trước khi tiếp cận với Bản dịch của ông Hồ Bạch Thảo. 4. Mặc dù, sách Minh thực lục: Quan hệ Trung Hoa - Việt Nam thế kỷ XIV-XVIII, được Dịch giả Hồ Bạch Thảo và Người hiệu đính - chú thích Phạm Hoàng Quân chuyển ngữ sang tiếng Việt với chất lượng khoa học khá cao, nhưng vẫn còn một vài hạt sạn nhỏ, tôi xin góp ý với hai ông để hoàn thiện, giúp cho bản dịch tốt hơn. - Trang 461, ông Hồ Bạch Thảo chú 2 chữ "Phong Thiền" là: "Tế phong thần núi, thần sông" là không chính xác. Sách Từ nguyên (bộ Thốn, tập Dần) giải thích đại ý là: "Phong Thiền (có thể đọc là Phong Thiện) là tế thần núi Thái Sơn, để báo công với Trời, gọi là Phong; báo công với Đất gọi là Thiền. Từ đời Hán trở đi, rất trọng lễ tế Phong Thiền". - Trang 534, phần chú thích của ông Phạm Hoàng Quân, do người đánh máy vi tính đánh nhầm tên từ: Kiềm quốc công Mộc Thạnh, thành Mộc Thạch. - Trang 606, chính văn ghi: "... từng lấy lời của Phạm Trọng Yêm đặt tên nhà ăn là Hậu Lạc", tôi thấy cần chú thích chữ "Hậu Lạc" (tức vui sau) là lấy điển từ bài Nhạc Dương lâu ký của Phạm Trọng Yêm, danh nho đời Tống: "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu; hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). - Trang 683, ông Hồ Bạch Thảo chú chữ "Mãng bào: Mãng tức loại rồng có 4 chân. Áo Mãng bào là áo thêu rồng 4 chân" là thiếu chính xác. Nên sửa lại là: "Mãng tức loài rồng có 4 móng. Áo Mãng bào (hay Mãng phục) là áo thêu rồng 4 móng" (Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh). Vì theo quy chế thời phong kiến, rồng 4 móng là tượng trưng cho bề tôi, còn rồng 5 móng là tượng trưng cho nhà vua. Ngoài ra còn một vài sai sót nhỏ, tôi đã sửa lại trên bản thảo, đề nghị Nhóm Dịch giả - Hiệu đính cần chỉnh sửa. Cuối cùng, tôi xin khẳng định một lần nữa Công trình Minh thực lục: Quan hệ Trung Hoa - Việt Nam thế kỷ XIV-XVIII, do ông Hồ Bạch Thảo dịch thuật và ông Phạm Hoàng Quân hiệu đính - chú thích là một công trình phiên dịch có chất lượng tốt, công phu và khoa học. Tôi mong muốn Nhà xuất bản Hà Nội nhanh chóng cho công bố Bản dịch này để phục vụ rộng rãi bạn đọc gần xa./.
TS. Nguyễn Công Việt viết ngày 31/08/2011
1. Nhận xét chung Minh Thực lục biên niên sử đồ sộ của nhà Minh Trung Quốc biên soạn suốt 13 triều từ Minh Thái Tổ đến Minh Hy Tông gồm 13 bộ với 3053 quyển không kể 17 quyển phụ được thực hiện sau này. Pho sử quý giá không chỉ có ý nghĩa với dân tộc Trung Hoa mà còn hàm chứa nhiều thông tin quan trọng đối với Việt nam và các nước đồng văn. Việc nghiệm thu và công bố bản dịch Minh Thực lục: Tư liệu về Thăng Long thế kỉ XIV – XVIII của nhà xuất bản Hà Nội là việc làm có ý nghĩa khoa học, văn hóa và sự cần thiết. Cơ sở tư liệu Minh Thực lục có xuất xứ rõ ràng, phong phú với nhiều dị bản khác nhau được thực hiện dưới góc độ văn bản học qua các tiêu chí nhất định, nó đủ đảm bảo về mặt khoa học cho việc dịch chú bộ sử thư lớn này, cách dẫn giải về cơ sở tư liệu của dịch giả ở đây theo tôi là có tính thuyết phục. Ở bản thảo Minh Thực lục: Tư liệu về Thăng Long thế kỉ XIV- XVII này là bản dịch của tập hợp các đoạn văn có liên quan đến lịch sử Đại Việt và ChamPa trong 13 bộ Thực lục nhà Minh. Những phân đoạn văn có nội dung độc lập về những sự kiện hay một sự kiện có cùng ngày hay tháng nhưng lại có một khoảng cách rất xa về mặt địa lí là một đặc thù riêng của phương pháp biên niên sử này. Chúng ta sẵn lòng cảm thông những nội dung chuyển tải mà các sử quan nhà Minh thực hiện khi nói đến Việt Nam và các nước khu vực phụ cận cả Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Những đoạn văn hoặc những ngôn từ khinh thị đối với nước ta và lân bang đã nói chứng minh thế giới quan của Trung Quốc đại lục; song dưới góc độ văn bản học nó lại thể hiện sự trung thực của một biên niên sử chính thống thời Trung đại. 2. Phần giới thiệu (hay lời mở) Phần Lời mở với số lượng 44 trang được viết công phu khái quát chia làm 4 mục: Tổng quan về Minh Thực lục, giá trị sử liệu Thực lục và Minh Thực lục, sử liệu Đông Nam Á trong Minh Thực lục và sử liệu Việt Nam trong Minh Thực lục. Trong đó phần IV Sử liệu Việt Nam trong Minh Thực lục chiếm nửa số lượng trang của cả 4 mục, đây là phần trọng tâm mà tác giả muốn nhấn mạnh. Các tiểu mục trong mỗi phần mục được thực hiện rõ ràng khá chuẩn xác tương ứng với nội dung mục phần. Lập luận lôgic chặt chẽ, văn phong sáng sủa mạch lạc, ngôn từ phù hợp đối với thể tài lịch sử mà ở đây là một biên niên sử lớn. 3. Phần nội dung dịch thuật Phần dịch nhìn chung là cơ bản sát nghĩa, chấm câu ngắt đoạn đúng, văn phong mạch lạc, ngôn từ dùng phù hợp theo từng thể tài lịch sử. Ở đây được sử dụng với các thể tài khác nhau của văn bản hành chính như chiếu dụ, chế, cáo, sắc, chỉ, lệnh, truyền, sai... Ta tạm gọi là văn thư nội, là những văn bản từ Hoàng đế gửi xuống các cơ quan, quân doanh, chính quyền địa phương hay ban bố cho thiên hạ để thực thi, nó được thể hiện các mệnh lệnh thức trong ngôn từ. Loại thứ hai là những sớ hay tấu tập từ các cơ quan hay chính quyền địa phương, quân doanh xa gần gửi về kinh trình lên Hoàng thượng. Nó được Sử quan ghi chép gắn liền với lời phán duyệt của Hoàng thượng được coi như mệnh lệnh mà tất cả phải tuân chỉ. Bên cạnh là nhiều sử liệu lớn nhỏ được ghi chép đầy đủ có ghi rõ ngày tháng can chi. 4. Phần chú thích: Phần chú thích đầy đủ rõ ràng có tra cứu đối chiếu cẩn thận, Đây là phần quan trọng mà người đọc rất chú ý. Một số chữ khó đã được tác giả tra cứu chú thích và cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu người đọc. 5. Một vài trao đổi Không có điều kiện đọc kĩ và đối chiếu chữ Hán phần dịch thuật, chỉ xin trao đổi một vài ý phần chú thích trong bộ sách. - Nên lưu ý phần phiên âm, dịch, viết hoa tên chức quan, tước vị rải rác ở nhiều trang: tr. 7, tr. 32. tr. 33 (phần lời mở) : Tổng tài, Nội các, Đô sát, Hàn lâm viện, Đồng tri. Ở phần dịch là các trang 12, 13, 15 (Trung thư tỉnh), tr. 60 (Tổng quản), 192 (Trấn thủ), 302 Đồng Tri phủ, Tr. 303 Tuần kiểm. - Lưu ý chữ ghi địa danh Tr. 31 (phần lời mở) châu: Lợi Nhân là Lỵ Nhân tức Lý Nhân. Viết hoa đúng tên địa danh tr. 60: Châu Ky Mi, Tr. 105. Vĩnh Bình. - Thống nhất về viết hoa hay không danh từ Hoàng đế, Thiên tử, Hoàng hậu, Sứ giả... - Xem lại tr. 14 (phần lời mở) Chu bản... có phải là Châu bản có ngự bút không? - Tr. 43 (phần lời mở) không nên dùng từ lịch Tàu, lịch Tây, lịch Ta như khẩu ngữ, vì niên lịch Việt Nam có khác Trung Hoa. - Lưu ý chú thích tr. 62: không có bộ phận sinh dục, nên ghi là thiếu bộ phận sinh dục. - Lưu ý chú thích tr. 296 “ tả hữu xuân phòng” phải là “tả hữu xuân phường” - Xem lại chú thích 1 (tr. 63) “thẻ khám hợp” có thể là “bằng khám hợp”. * Một số hạn chế nhỏ này không ảnh hưởng đến thành công của tập sách. 6. Tóm lại: Đây là một công trình dịch thuật được thực hiện công phu, nghiêm túc, được đối chiếu, so sánh nghiên cứu khá kĩ, phần chú thích cẩn thận, rõ ràng tra cứu cẩn trọng. Tôi đánh giá tốt tác phẩm dịch thuật này. Sau khi hoàn chỉnh chút ít bản thảo có thể sắp xếp chuyển nhà xuất bản ấn hành, kịp thời ra mắt lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.
Ông Đào Hùng viết ngày 31/08/2011
Xin nêu một ý về công việc chú thích đối với mục: [1232] Ngày 4 tháng 4 năm gia Tĩnh thứ 20 [29-4-1541] - Trong mục này có chép Biểu xin hàng của nhà Mạc gửi nhà Minh (tr. 814-816). Đọc các sách nghiên cứu về vương triều Mạc gần đây, có nhiều điều đính chính về những sai lầm của các sử gia xưa khi đánh giá nhà Mạc. Đặc biệt cuốn Lịch sử triều Mạc của Đinh Khắc Thuân (Nxb KHXH, 2001) có trích đăng bài biểu xin hàng của Mạc Đăng Dung, trích từ Đại Việt thông sử của Lê Quí Đôn (bản dịch của Lê Mạnh Liêu, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, Sài Gòn, 1973). So sánh hai bản thấy có chỗ khác nhau, nếu có thể xin chú thích thêm (Đinh Khắc Thuân, sđd. tr. 51-55). - Cũng cần chú thích thêm về sự kiện đầu hàng của nhà Mạc, mà trước đây đã bị các sử gia phê phán gay gắt vì coi như là một hành động làm nhục quốc thể. Gần đây đã được nhiều nhà nghiên cứu xem xét lại để hiểu cho đúng thực chất của sự kiện này để thấy những tình tiết lắt léo trong chính sách đối ngoại của nhà Mạc. - Về việc nhà Mạc trả đất lại cho nhà Minh: Vấn đề này trước đây GS Trần Quốc Vượng đã từng đề cập đến, đã từng phân tích rằng họ Mạc quả thực có dâng danh sách những châu nộp cho nhà Minh, nhưng sự thật đấy là những đất đã bị nhà Minh hay các triều đại khác lấn chiếm từ trước. Gần đây lại được một số nhà nghiên cứu nhắc lại. Ví dụ Đại việt sử ký toàn thư chép: năm 1528 Đăng Dung đã cắt hai châu Quy Thuận dâng nhà Minh. Nhưng theo GS Đào Duy Anh thì “…nhà Tống đã chiếm từ thời nhà Lý nước ta rồi” (Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb KHXH, 1964), các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng xác nhận điều đó. Và còn nhiều địa điểm khác, cũng cần có chú thích cho rõ thêm vấn đề lịch sử của ta. Xin gửi đến Văn phòng dự án chút ý kiến nhỏ. Còn cảm giác nói chung khi đọc bản dịch thì thấy đây là công việc làm nghiêm túc, các chú thích được làm cẩn thận. Nhưng cần chú ý thêm khi trình bày: tên các tác phẩm được dẫn nên in chữ nghiêng (italique) cho thống nhất, nếu là bài báo thì nên để tên bài trong ngoặc kép, còn tên báo hay tạp chí thì in nghiêng.
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá