Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Sách tư liệu tổng hợp |  Bạn đang ở:Trang chủ » Sách tư liệu tổng hợp
  • Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập văn khắc Hán Nôm
  • Công trình tập hợp, tuyển dịch khoảng 150 văn bản khắc trên bia đá, chuông, khánh đồng của 14 quận huyện thuộc thành phố Hà Nội (chỉ tính đến trước ngày 31/8/2008 khi Hà Tây chưa sát nhập vào với Hà Nội). Đây là những bài minh văn tiêu biểu phản ánh về sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và đời sống cộng đồng của Thăng Long - Hà Nội trong suốt gần 1000 năm lịch sử. Với những bài minh văn khắc trên chất liệu có tính bền vững như đá và đồng, các bài văn này là tư liệu gốc, nguyên bản, chính xác về từng thời kỳ lịch sử trong quá trình phát triển đi lên của Thăng Long Hà Nội.
  • Tác giả :   PGS.TS Phạm Thị Thuỳ Vinh (Chủ trì tuyển trọn, giới thiệu)
  • Bình chọn:
    (Tổng số: 1 - Trung bình: 0.00)
  •   Bình luận   |  Ý kiến của bạn |  Xem thêm sách cùng chủ đề
  •   Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách
    Công trình tập hợp, tuyển dịch khoảng 150 văn bản khắc trên bia đá, chuông, khánh đồng của 14 quận huyện thuộc thành phố Hà Nội (chỉ tính đến trước ngày 31/8/2008 khi Hà Tây chưa sát nhập vào với Hà Nội). Đây là những bài minh văn tiêu biểu phản ánh về sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và đời sống cộng đồng của Thăng Long - Hà Nội trong suốt gần 1000 năm lịch sử. Với những bài minh văn khắc trên chất liệu có tính bền vững như đá và đồng, các bài văn này là tư liệu gốc, nguyên bản, chính xác về từng thời kỳ lịch sử trong quá trình phát triển đi lên của Thăng Long Hà Nội.
   Tuyển tập văn khắc được tuyển chọn từ các điểm di tích tiêu biểu của các quận nội thành đến các huyện xa như Sóc Sơn, Đông Anh. Đó là các di tích như đình, chùa, đền, miếu, lăng mộ, từ đường dòng họ, văn miếu và văn chỉ, cầu, chợ. Với nhiều loại hình di tích như vậy thì giá trị của tư liệu văn khắc mang lại sẽ rất phong phú, đa dạng về Thăng Long - Hà Nội.
   Cuốn sách là một tập hợp những di văn tiêu biểu của Hà Nội, đó là những thông điệp của người xưa trao lại, giúp chúng ta hình dung được sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của Thăng Long xưa..
 
 
Chi tiết sách
  • Tác giả:  PGS.TS Phạm Thị Thuỳ Vinh (Chủ trì tuyển trọn, giới thiệu)
  • Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội 
  • Năm xuất bản:  2010
  • Tổng số trang:  1268 trang
  • Kích thước:  
  • Mã số:  TH - 016
  Bình luận (8)  
TS. Phạm Văn Thắm viết ngày 24/08/2011
1- Bản thảo Tư liệu văn hiến Thăng Long- Hà Nội. Tuyển tập Văn bia do TS. Phạm Thị Vinh chủ trì có độ dày 926 trang, chia làm 3 phần. Phần giới thiệu 50 trang, phần tuyển dịch văn bia 874 trang, còn lại là phần phụ lục. Công trình đã hoàn thành đúng tiến độ về thời gian. Về chất lượng bản thảo, phần giới thiệu đã nêu bật được quá trình hình thành, phát triển và những giá trị quí báu của mảng di văn khắc trên chất liệu cứng đá và đồng. Phần tuyển dịch văn bia, sau khi đã trao đổi cụ thể với chủ biên, và chủ biên đã tiếp thu và cho sửa chữa ngay, tôi đề nghị hội đồng nghiệm thu công trình Tuyển tập Văn bia do TS. Phạm Thị Vinh làm chủ biên.. 2- Trước khi xuất bản cần đối chiếu cẩn thận phần chữ Hán, phần phiên âm phần dịch nghĩa trên bản thảo với thác bản văn bia. Các ký hiệu chữ mất, chữ mờ, chữ đoán định thể hiện trên bản thảo nên theo qui định của các nhà Hán học quốc tế.
PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn viết ngày 22/08/2011
Phải khẳng định ngay rằng đây là một công trình rất có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa văn hóa và đặc biệt có ý nghĩa trong việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Công trình có một số ưu điểm như sau: 1. So với công trình Tuyển tập văn bia Hà Nội đã xuất bản năm 1978 trước đây thì công trình này có nhiều điểm mới, đặc biệt là về quy mô chọn tuyển và giới thiệu văn bia. Công trình trước đây chỉ tuyển khu vực nội thành và chỉ tuyển văn bia trên đá. Công trình này bao gồm cả nội ngoại thành, cả bia đá và minh văn trên chuông, khánh…. 2. Không gian địa lý chọn tuyển là khu vực Hà Nộ chưa sát nhập với Hà Tây cũng là hợp lý, vì quy mô sưu tầm giới thiệu như vậy cũng đã là khá lớn. Việc chọn các văn bia đặt tại đình, chùa, đền, miếu, lăng mộ, từ đường, văn miếu, văn chỉ, cầu, chợ… hứa hẹn một tập hợp tư liệu văn hiến phong phú và có giá trị nhiều mặt. 3. Quy mô của cuốn sách tập hợp 150 văn bản văn bia, cho địa bàn 14 quận huyện, như vậy là khá hợp lý cho một cuốn sách bề thế dự kiến 1200 trang bản thảo như đề cương dự kiến. ( nếu không nói là có phần hơi lớn quá). 4. Đề cương đã nêu được danh mục các bia dự kiến chọn rất cụ thể, điều đó cho thấy nhóm thực hiện đề tài đã hiểu kỹ đối tượng và tính khả thi của công trình cao. 5. Các phương diện tiêu chí chọn tuyển, địa bàn chọn tuyển, số lượng bia cho từng quận huyện, loại hình văn bia, cơ cấu danh mục văn bia, tỷ lệ số bia kế thừa các công trình đã làm và các văn bia mới được giới thiệu… theo tôi là hợp lý, mang tính khoa học và đều chấp nhận được. 6. Nhóm các nhà khoa học thực hiện đề tài là những người có khả năng giải quyết công việc trong thực tế. Vài điều trao đổi Đề cương nói tới tiêu chí chọn theo địa bàn, theo loại hình di tích, vậy tiêu chí niên đại có được cân nhắc hay không. Đề cương có nói tới việc đưa vào một số bia có niên đại sớm, như vậy chưa có nghĩa là một tiêu chí để chọn. Đặt ra hay không, hoàn toàn do những người xây dựng, vấn đề cần nói rõ là có hay không có tiêu chí này. Đề cương cũng chưa nói tới tỷ lệ văn bản Hán và Nôm Trong phần viết tổng quan cũng nên điểm tới một vấn đề: các tác gia của văn bia được chọn. Nó cũng cho thấy một vấn đề lý thú về tầng lớp trí thức xưa và trí thức gắn với Thăng Long- Hà Nộ nói chung. Mỗi huyện chỉ chọn giới thiệu 5-10 văn bản, như vậy so với yêu cầu của cuốn sách, thời gian tiến hành là hợp lý, nhưng số lượng như vậy cũng có phần hạn chế trong việc thể hiện diện mạo văn hóa địa phương. Do vậy trong phần tổng quan, người viết có thể điểm qua một diện mạo rộng hơn số văn bia, phần phụ lục có tổng danh mục văn bia địa bàn Hà Nội thì tốt hơn. Cuốn sách khi in có thể có ảnh chụp không gian đặt bia thì tốt Cụm bia Văn miếu quốc tử giám là cụm đặc biệt quan trọng. Có thể nó là đối tượng của một công trình khác, tuy nhiên công trình cũng cần nói tới việc, tại sao không đưa vào giới thiệu trong tập sách này. Có thể không đưa bia tiến sĩ đề danh vào, nhưng phần giới thiệu tổng quan chung của văn bia Thăng Long – Hà Nội thì cũng không nên bỏ qua. Kết luận : Đây là công trình có nhiều ý nghĩa khoa học, ý nghĩa văn hóa. Công trình có tính khả thi cao, đề nghị cho triển khai sớm.
TS. Nguyễn Công Việt viết ngày 22/08/2011
Tư liệu văn khắc Hán Nôm là di sản văn hóa thành văn rất quý của dân tộc Việt. Nguồn tư liệu này là những trang sử được khắc lên chất liệu bền vững như đồng, đá để bảo quản cho nội dung văn bản được lưu giữ lâu hơn so với in hoặc viết trên giấy và đảm bảo độ chính xác của văn bản. Trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, các thác bản văn khắc chiếm một nửa trong tổng số các thư tịch cổ Hán Nôm và đang là đối tượng nghiên cứu của các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Tư liệu văn khắc Hán Nôm hiện còn Hà Nội chiếm số lượng khá lớn so với cả nước. Nếu tính cả tư liệu văn khắc trên địa bàn Hà Nội mới sau sát nhập ngày 31/8/2008 thì số lượng văn khắc của Hà Nội hiện nay chiếm khoảng 1/3 so với tổng số kho thác bản. Hà Nội đã có lịch sử ngàn năm văn hiến nên những di sản văn hóa còn lại trên mảnh đất này thực sự rất đáng quan tâm khai thác, nhất là khi Thủ đô đang hướng tới kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội thì khai thác tư liệu văn khắc là vô cùng cần thiết. TS. Phạm Thùy Vinh là người phụ trách phòng Nghiên cứu Văn khắc Hán Nôm của Viện chúng tôi đã nhiều năm nay, do vậy khi chị chọn đề tài Tuyển tập văn khắc Hán Nôm Hà Nội chúng tôi thấy rất hợp lý và hoàn toàn có thể khả thi theo những mốc thời gian mà tác giả đề ra. Chúng tôi xin có những nhận xét sau: 1. Qua bản đề cương chi tiết và danh mục văn khắc tuyển chọn để dịch mà chủ nhiệm đề tài đưa ra là mới, không có sự trùng lặp với những văn bản đã được chọn dịch trong Tuyển tập văn bia Hà Nội đã xuất bản cách đây 30 năm. Phạm vi tuyển chọn cũng mở rộng ra rất nhiều, không chỉ dừng lại trong các quận nội thành như trước đây. Chúng tôi nghĩ rằng, tác giả hoàn toàn có thể kế thừa những thành quả của lớp người đi trước, tuyển thêm những bài văn bia trong Tư liệu văn hiếnThăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Văn khắc Hán Nôm và bổ sung những văn bản mới cho phong phú, đa dạng hơn. Số lượng văn bia cần tuyển dịch khoảng 150 văn bản là vừa phải. Bởi lẽ với số lượng văn khắc khoảng 5000 đơn vị văn bản của Hà Nội qua hai đợt sưu tầm: đầu thế kỷ XX do Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tiến hành và các năm đầu của thế kỷ XXI do Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiến hành là rất lớn, phải khai thác trong nhiều năm liên tục mới có thể hoàn thành. Hiện nay trong khoảng thời gian đầu tư rất ngắn mà đã tập hợp để tuyển dịch được những văn bản tiêu biểu ở tất cả các quận huyện nội ngoại thành của Hà Nội trước ngày sát nhập 31/8/2008 như thế là một cố gắng rất lớn của tác giả và các cộng sự. 2. Tuyển tập văn khắc Hán Nôm Hà Nội lần này không chỉ là những bài minh văn trên bia đá mà còn là những minh văn trên chuông, khánh đồng. Các địa điểm để tuyển chọn văn bản đã mở rộng ra rất nhiều so với Tuyển tập văn bia Hà Nội trước đây, qua đó chúng ta có thể cảm nhận được nhiều hơn về địa danh Hà Nội trong quá trình vận động, phát triển. Chúng ta sẽ có một tập hợp văn bản phong phú và đa dạng hơn để tìm hiểu về xã hội, văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của Hà Nội xưa. Đề tài sẽ đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện đại muốn tìm hiểu về quá khứ của Hà Nội không chỉ với 36 phố phường mà còn mở rộng ra đến tận Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm. 3. Công trình Tuyển tập Văn khắc Hán Nôm Hà Nội đang hướng tới chào mừng Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn năm tuổi, vì vậy cần được sự hỗ trợ, khuyến khích của các cấp, ban ngành của thành phố để nhóm công trình hoàn thành tốt hơn. 4. TS. Phạm Thùy Vinh là chuyên gia nghiên cứu văn bia lâu năm và quản lý phòng Nghiên cứu văn khắc từ khi mới thành lập đến nay, vì thế chúng tôi tin tưởng rằng Tuyển tập Văn khắc Hán Nôm Hà Nội sẽ hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của xã hội khi muốn tìm hiểu về nguồn tư liệu văn khắc của Hà Nội. 5. Khi nào có điều kiện tốt hơn, chúng ta hoặc sẽ cho khai thác nhiều hơn nữa số lượng văn khắc Hán Nôm trên địa bàn Hà Nội, hoặc sẽ mở rộng tiến hành điều tra, sưu tập đầy đủ số lượng văn khắc của Hà Nội hiện nay, tức gồm cả tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh và bốn xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã sát nhập về. Như vậy, cùng với sự hội nhập mới thì văn hóa cũng cần được triển khai đồng bộ cho phù hợp. Kết luận: Tư liệu văn hiếnThăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Văn khắc Hán Nôm là đề tài hoàn toàn mới, số lượng công việc đề ra không ít khó khăn, nhưng với kinh nghiệm nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài và các thành viên tham gia, chúng tôi tin tưởng chúng ta sẽ có sản phẩm đạt chất lượng cao để phục vụ xã hội.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh viết ngày 22/08/2011
1. Về mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ của đề tài. Văn bia (văn khắc trên bia, chuông khánh bằng đá và đồng). Là nguồn tư liệu quý trong hệ thống tư liệu văn hiến. Một tập khảo cứu và tư liệu về văn bia, trong tuyển tập tư liệu văn hiến Thăng Long Hà Nội. Trong dịp này là thực sự cần thiết và có ý nghĩa, không chỉ nhân dịp kỷ niệm 1000 năm mà còn có ý nghĩa lâu dài, trong quá trình làm phát huy tinh hoa của văn hiến Đại Việt và trước nhất là miền đất Thủ đô Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến. Với số lượng chọn lọc 150 văn bia từ khoảng 3500 đơn vị thác bản văn bia đăng lưu trữ tại Thư viện nghiên cứu Hán Nôm, tuy chưa phải là nhiều, (khoảng 4%) nhưng cũng là một công trình đáng kể so với những công trình khác trong bộ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Tập sách này sẽ hợp với bộ sách về Văn bia Tiến sĩ đề danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội, thì cũng là một công trình đáng kể cho việc khai thác tư liệu văn bia của Hà Nội. 2. Về lịch sử nghiên cứu, đã có một số công trình về văn bia Hà Nội. - Văn bia Văn Miếu (có tới 4 bản dịch và xuất bản) - Bia Nội thành Hà Nội - Văn bia làng Nành - Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc… Tập văn bia mà các tác giả đưa ra lần này có vị trí khác, nó cho thấy diện mạo, rộng hơn, phong phú hơn của văn khắc Thăng Long – Hà Nội sau Tập bia Tiến sĩ. 3. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu đã được chủ biên đưa ra là hợp lý và khoa học, không gì tốt hơn là việc dựa vào các thác bản văn bia đã được lưu trữ tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm và khi cần xác định thêm thì đi thực tế để đối chiếu chỉnh lý xem xét lại. Tất nhiên trong thời gian có hạn thì việc này cũng có rất nhiều khó khăn nhưng chắc chắn là các thác bản văn bia tại Viện nghiên cứu Hán Nôm có thể nói là tương đối bảo đảm về độ rõ của Văn tự, trường hợp mờ mòn phải đối chiếu chắc cũng không nhiều. Về phương pháp nghiên cứu, chúng tôi tin tưởng vào chủ biên của công trình về mặt này, vì là người đã đi vào thực tế nghiên cứu và dịch thuật văn bia nhiều năm và có thành tựu cụ thể và có tầm cỡ luận văn Tiến sĩ và ở tập ảnh Văn bia xứ Kinh Bắc. Nhưng các phương pháp chỉ ra chưa được rõ là phương pháp gì (chắc chủ biên coi đấy là việc đương nhiên đối với người nghiên cứu) để người đọc đề cương thì vẫn muốn biết. Vì đoạn viết “Luận cứ…. điều tra tư liệu” chưa chỉ ra đựơc những phương pháp . Tất nhiên đoạn nối tiếp nêu khá rõ ràng các bước tiến hành với 5 bước rõ ràng. 4. Về lực lượng thực hiện với 12 thành viên Tiến sĩ 2, Thạc sĩ 8, Cử nhân 2, trong 2 cử nhân này có 1 cử nhân thực sự là một nhà nghiên cứu có thâm niên (khóa 1 ngành Hán Nôm) như vậy là một lực lượng mạnh, chắc chắn họ sẽ hoàn thành tốt công việc đề ra. 5. Về đề cương chi tiết Với dự định tập sách gồm các phần chính: - Khảo cứu về tư liệu văn bia Hà Nội trong suốt 1 ngàn năm lịch sử - Tuyển dịch 150 văn bản (trong bảng kê mới có 132) có lẽ còn có chỗ để thêm một số bia khác trong đó nên có : Bia Thọ Ông Từ, là bia về Trọng Xỉ và Bia Nhà học xã Khương Đình, có thể đây là bia duy nhất về trường Pháp Việt. 6. Về tiến độ thực hiện. Trong khoảng 8 tháng từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2009 bản thảo có độ dày trên dưới 1000 trang sẽ hoàn thành đó là một cố gắng cao của các nhà khoa học tham gia đề tài. Chắc chắn công việc này phải thừa kế những thành tựu trước đó của nhiều tác giả khác và sự chuẩn bị trước đó của Chủ biên và những người tham gia, nếu không thì làm sao có thể hoàn thành được một tập Văn Bia với số lượng văn bản và số lượng trang như trên? Cho nên, ngoài sự cố gắng của Chủ biên và các nhà khoa học tham gia công trình cần phải hỗ trợ về phía NXB và dự án với nhóm các tác giả những điều kiện về nhiều mặt, trong đó có nguồn kinh phí cho đề tài. 7. Một ý kiến đề đạt: Với điều kiện thời gian rất có hạn, các tác giả đã hạn chế chỉ dịch các văn bia của khu vực Hà Nội cũ tôi vẫn thấy băn khoăn, có lẽ ngoài kinh phí thông thường để thực hiện một đề tài đã có sự khống chế thì những đề tài thực hiện muộn như thế này dự án nên nghiên cứu bằng một cách nào đó để có thêm kinh phí thực hiện việc giới thiệu và dịch Văn Bia khu vực Hà Tây cũ. Để động viên nhân dân vùng mới sát nhập Tôi nghĩ, nếu có kinh phí thì lực lượng Hán Nôm trong Viện có thể giải quyết được việc này mà vẫn bảo đảm được tiến độ về thời gian.
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí viết ngày 22/08/2011
1. Văn khắc Hán Nôm là một loại hình văn bản Hán Nôm tồn tại rất phổ biến. Do tính chất tạo lập văn bản là sử dụng các công cụ cứng sắc như dao khắc, đục sắt để vạch chữ lên các chất liệu văn bản cứng rắn khác như đồng, đá, gỗ, xương. Đặc điểm này khiến cho văn bản rất ít có khả năng làm lại hoặc làm giả. Do vậy các thông tin chứa trong văn bản văn khắc rất đáng tin cậy. Lịch sử xây dựng phát triển của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến hiện còn lưu giữ được số lượng văn bản văn khắc Hán Nôm rất đáng kể. Theo thống kê của các soạn giả công trình Tuyển tập văn khắc Hán Nôm Hà Nội thì trên địa bàn 14 quận huyện của Thành phố Hà Nội lúc chưa sáp nhập với Hà Tây đã nhiều đến 3.500 văn bản. Con số thật ấn tượng, người đọc có thể hình dung được khối lượng thông tin đồ sộ có ích như thế nào cho việc tìm hiểu nghiên cứu Hà Nội. 2. Các tiêu chí tuyển chọn văn bản văn khắc mà các tác giả nêu ra đều rất hợp lý khoa học, thuyết phục người đọc. - Về niên đại các tác giả ưu tiên tuyển chọn các văn bản có niên đại sớm từ đời Trần, Lê, Mạc, Tây Sơn. Thực tế ở phần danh mục các tác giả lựa chọn có 133 văn bản, trong đó có 92 văn bản có niên đại từ đời Lê trở về trước. - Về phạm vi không gian, các tác giả lựa chọn cả ở 14 quận huyện, số văn bản tương đối đều nhau. - Về cơ sở di tích lưu giữ nguyên bản, các tác giả cũng lưu ý đầy đủ các loại như đình, đền, chùa, văn miếu, văn chỉ... 3. Các phương pháp nghiên cứu tiếp cận với văn bản cũng được các tác giả sử dụng có hiệu quả. Đó là phương pháp nghiên cứu văn bản Hán Nôm như điều tra thống kê định lượng các bản dập văn bia hiện có ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, xác định tính chân nguỵ của văn bản rồi tuyển chọn ra những bản có giá trị đích thực để nghiên cứu khai thác. Đồng thời các tác giả còn thận trọng nêu ra phương pháp tiến hành điều tra thực địa. Cách làm này thực sự có ích lợi, nó sẽ bổ sung được nhiều điểm có giá trị mà bản dập văn bia ở Thư viện Viện Hán Nôm còn thiếu, như đọc được các chữ khắc nhỏ, các chữ mờ, các chữ có vết đục... 4. Các tác giả tham gia công trình Tuyển tập văn khắc Hán Nôm Hà Nội được chủ biên Tiến sĩ Phạm Thuỳ Vinh tuyển chọn mời tham gia đều là những cán bộ nghiên cứu Hán Nôm có bề dày kinh nghiệm, có nhiều kết quả nghiên cứu được đánh giá cao là chuyên gia hàng đầu, như Tiến sĩ Nguyễn Công Việt, NCV Trần Thị Kim Anh... Do vậy chúng tôi tin chắc rằng công trình này sẽ hoàn thành đạt chất lượng cao và đúng thời hạn đề ra. 5. Ý kiến đóng góp thêm: 5.1. Về tiêu chí tuyển chọn mỗi quận huyện từ 5 đến 10 văn bản được các tác giả đặt ra chưa phù hợp. Bởi lẽ nếu tuyển chọn theo tiêu chuẩn là 10 văn bản thì tổng số mới đạt 140 văn bản, chưa đạt chỉ tiêu "tuyển chọn khoảng 150 văn bản khắc trên bia đá chuông khánh đồng..." mà chính các tác giả nêu ra (xem tr.2). 5.2. Đề nghị thêm một số văn bia nổi tiếng ở các cơ sở di tích nổi tiếng khác như ở chùa Liên Phái quận Hai Bà Trưng, nơi có đến 59 văn bia đang lưu giữ ở chùa. 6. Kết luận Công trình Tuyển tập văn khắc Hán Nôm Hà Nội do Tiến sĩ Phạm Thùy Vinh làm chủ biên là một đề tài nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thực tiễn cao. Kết quả thực hiện công trình sẽ cung cấp nhiều tư liệu quý giá đáng tin cậy để tìm hiểu nghiên cứu vùng đất Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến. Bản đề cương công trình mà các tác giả soạn thảo công phu đầy đủ, từ phương pháp nghiên cứu, những người thực hiện cho đến cơ cấu của cuốn sách đều rất rõ ràng, thuyết phục người đọc, đủ để khẳng định công trình có thể thực hiện đúng tiến độ và đạt chất lượng tốt. Đề nghị ban lãnh đạo các cấp ở thành phố Hà Nội chấp nhận thông qua, tạo điều kiện cho công trình sớm được triển khai.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh viết ngày 29/03/2011
1. Nhận xét chung: Bản thảo tuyển tập văn bia trong bộ tư liệu Văn hiến Thăng Long - Hà Nội do TS. Phạm Thuỳ Vinh chủ biên, tôi đã được tham gia hai hội đồng: - Thẩm định đề cương - Kiểm tra tiến độ Qua một thời gian rất có hạn chủ biên và các thành viên tham gia đã hoàn thành một bản thảo có độ dày đáng kể và bảo đảm các yêu cầu mà các lần Hội đồng đã tham gia ý kiến đến thời điểm này mà nói tuyển tập văn bia đã hiện diện trước chúng ta một tác phẩm có giá trị về văn hiến Thăng Long Hà Nội chắc chắn qua lần góp ý của các thành viên trong Hội đồng chủ biên và các tác giả sẽ rà soát chỉn chu bản thảo sẽ có đóng góp và có vị trí xứng đáng trong bộ Tùng thư Thăng Long ngàn năm văn hiến. 2. Phần khảo cứu: Chủ biên đã giành cho phần khảo cứu 51 trang khảo luận về văn bia Thăng Long Hà Nội, có thể nói hai phần nổi trội trong bản khảo cứu là về văn bản văn bia nói chung và văn bia Thăng Long Hà Nội. Bản khảo cứu cho chúng ta thấy khá rõ tình hình văn bản văn bia nói chung và văn bia Hà Nội nói riêng đã qua một quá trình sưu tập và lưu trữ. Tình hình bảo tàng và khai thác văn bia qua các giai đoạn lịch sử. Bản khảo luận cũng nêu lên giá trị của văn bia về mọi mặt: lịch sử, văn hoá, văn học. Trong phần này các tác giả không chỉ giới thiệu các giá trị văn bản mà còn gợi lên những cảm xúc về giá trị đó, đặc biệt khi nói về các văn bia có những đặc điểm, những giá trị đặc biệt về sử liệu, văn liệu. Phần viết khảo luận về văn chương rất sáng sủa nhiều đoạn gây cảm xúc với sự tiếp nhận văn chương thông qua những giá trị về tư liệu. Tuy nhiên, tôi vẫn nói thêm một chút có thể là cảm giác rất riêng của tôi (cảm giác đó đã gặp khi viết phần khảo cứu các sách mà tôi chủ biên) đó là nghiêng về viết nghiên cứu mà chưa làm được mong muốn viết nghiên cứu cho nhiều đối tượng, cho nên khi đọc phần giới thiệu văn bản văn bia này tôi thấy có cái khô của người viết nghiên cứu chưa có cái tươi của một tập sách nghiên cứu phục vụ nhiều đối tượng. Nếu chủ biên của tập văn bia đồng cảm được những ý kiến của tôi thì chắc chắn sẽ gia công và sự gia công này có lẽ không thật là khó vì đây chỉ là một sự chuyển hướng nhẹ cho bút pháp mà thôi. 3. Phần dịch thuật: Phần này gồm phần nguyên văn chữ Hán, phiên âm Hán việt dịch ra Việt văn và chú. Độ dày phần này với 877 trang (trang 52-928) với 127 văn bản văn bia. Mỗi một văn bản - Có phần giới thiệu tóm lược về tên bia, địa điểm dựng bia, niên đại dựng bia, đặc điểm của bia với các phần: (chất liệu, số mặt…) và tác giả văn bia. - Phần nguyên văn chữ Hán: vi tính - Phần phiên âm Hán Việt - Phần dịch nghĩa - Phần chú thích Nhìn chung phần hai này được chủ biên và các tác gia thực hiện tốt: phiên âm chính xác, dịch sát nghĩa, chú thích tương đối tỷ mỷ. Sau cuộc họp này chắc chắn các tác giả sẽ hoàn thiện thêm về các mặt thì có đủ khả năng đưa vào biên tập thực hiện khâu cuối cùng của nội dung của tập sách. Tôi xin nêu một số chi tiết góp ý khi đọc bản thảo này, lấy ví dụ tấm bia đầu tiên: Nhật tảo cổ chung đọc phần thông tin văn bia tôi thấy quá cô đọng thí dụ, mục địa điểm: chùa Nhật Tảo nên thêm đế được rõ thêm: hiện đặt tại đình Nhật tảo, xã Nhật Tảo, huyện Từ Liêm. Mặc dù phần chú có nói nội dung này. Mục chú văn bia theo tôi nó thuộc phần chú thích sau phần phiên âm và dịch nghĩa văn bản nó là một phần của nội dung gắn chặt về mặt khoa học, văn hoá với phần phiên dịch, nếu để ngoài chân tảng sách sẽ làm giảm phần nội dung còn những chú thích ở chân trang sẽ là những ghi chú thêm mà thôi. Trên thực tế thì người đọc góp ý cũng chỉ dừng ở Tẩu mã quan hoa chưa đi sâu vào ngõ ngách của văn bản. Nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng trình độ chủ biên là người đã nhiều năm chuyên sâu nghiên cứu văn bia đã có công trình xuất sắc về phương diện này rất mong chủ biên sau Hội nghị giành thời gian rà soát chỉn chu. Tôi tin tưởng công trình văn bia Thăng Long - Hà Nội có vị trí xứng đáng trong bộ tùng thư Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến.
PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn  viết ngày 20/05/2010
Phải khẳng định ngay rằng đây là một công trình rất có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa văn hóa và đặc biệt có ý nghĩa trong việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Công trình có một số ưu điểm như sau: 1. Đây là một công trình được biên soạn đặc biệt công phu, tỷ mỷ thể hiện lượng công sức trí tuệ bỏ ra cho công việc này là hết sức to lớn. Tổng số trang của công trình gồm cả phần viết tổng quan, phụ lục dịch thuật, các biểu bảng, phụ lục khác tất cả gồm 998 trang. Văn khắc là loại văn khó dịch, các tác giả của công trình đã tập hợp được một lượng tài liệu như vậy quả là đã làm được một công việc to lớn. 2. Công trình có đóng góp trên hai phương diện, cũng đồng thời là hai phần của cuốn sách, phần thứ nhất nghiên cứu và tổng quan về văn khắc Thăng Long – Hà Nội và phần hai dịch thuật văn bản. Trong phần nghiên cứu và giới thiệu tổng quan ( 56 trang) , công trình đã làm được công tác thống kê, kiểm kê, mô tả tình hình hiện trạng phân bố văn khắc theo địa phương, ngoài ra còn đưa ra được các con số thống kê tổng danh mục gồm 1971 thác bản văn khắc của Hà Nội. Công trình cũng đã làm công tác phân loại số văn bia nói trên về nên đại, chủng loại văn bia. Công trình đã nêu lên được những đặc điểm văn bản và những nội dung chính, nổi bật mà hệ thống văn bia đề cập tới- cũng đồng thời là giá trị nội dung của văn bia. Có thể thấy một diện mạo hết sức phong phú, đa dạng và giá trị nhiều mặt của hệ thống văn khắc Hán Nôm thông qua sự mô tả của nhóm tác giả. 3. Có nhiều giá trị tư liệu quý trong hệ thống văn bia đã được giới thiệu, chẳng hạn giá trị hệ thống văn bia liên quan tới hệ thống làng nghề, về ruộng đất, phong tục tập quán, tín ngưỡng… khiến cho vùng đất này mang đặc sắc của kinh kỳ, của chất Thăng Long. Có thể xem đây là một đóng góp đáng ghi nhận của các tác giả công trình. 4. Công trình còn đề cập tới một vấn đề khó giải quyết khác ( lần trước khi nghiệm thu đề cương đã góp ý, lần này đã thấy đề cập), đó là lực lượng tác giả tham gia biên soạn văn bia. Tôi tán thành với ý kiến đánh giá tổng quan về giá trị của văn khắc Hán Nôm Hà nội rằng: “Chúng ta có thể tìm hiểu về địa danh, nhân danh, chức danh, có thể tìm hiểu về tôn giáo, tín ngưỡng, về các danh thắng, về tình hình ruộng đất và việc giao thương buôn bán, về sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân Thăng Long trong 10 thế kỷ xây dựng và phát triển. Đó là nguồn tư liệu tổng hợp của Hà Nội từ nhiều thời kỳ khác nhau cùng viết về Thăng Long – Hà Nội. Đó còn là nguồn tư liệu có giá trị về nghệ thật với hình thức biểu hiện rất phong phú và đa dạng. Những cảnh trí thiên nhiên cùng cỏ cây, hoa lá, chim thú đều được các nghệ sĩ dân gian đưa lên trang trí trên văn bia khá sinh động. Hoa văn trang trí trên văn bia Hà Nội nói riêng, văn bia Việt Nam nói chung có sức biểu cảm cao, đặc sắc, khác hẳn với trang trí hoa văn trên văn bia của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước đồng văn với chúng ta trong quá khứ.” ( tr55) 5. Tôi cũng tán thành và đánh giá cao cách làm tỷ mỷ, khoa học của nhóm biên soạn trong phần dịch thuật, gồm: - Sắp xếp trình bày theo niên đại văn bản, văn bản nào có niên đại sớm đưa lên trên, văn bản có niên đại muộn đưa xuống dưới. - Trên mỗi văn bản đều giới thiệu cả phần nguyên văn chữ Hán, phần phiên âm Hán Việt và phần dịch nghĩa. - Trước mỗi văn bản đều có giới thiệu sơ lược tình trạng văn bản như niên đại, hình thức văn bản, tác giả biên soạn và địa điểm lưu giữ văn bản, ký hiệu thư viện để độc giả tiện tra cứu. 6. Phần dịch thuật và giới thiệu do dung lượng quá dài, không thể đọc hết được, người nhận xét chỉ đọc kiểm tra một số văn bia, thấy về cơ bản chất lượng dịch thuật đảm bảo được yêu cầu công bố. Phần dịch thuật đã được thống nhất về quy cách, chú giải công phu. Việc ghi rõ tên người dịch cho các văn bia không phải nhóm đề tài dịch cũng là việc làm thận trọng, tốt. 7. Các ý kiến góp ý và kết luận của hội đồng đánh giá đề cương trước đây hầu như đã được các tác giả tiếp nhận và thể hiện trong kết quả của công trình. Vài suy nghĩ khác: Việc sắp xếp theo niên đại thì có ý nghĩa về mặt giá trị văn bản theo thời gian, nhưng đó cũng chỉ là một cách, cũng có thể tính tới cách sắp xếp theo địa bàn hay không ( ?) việc sắp xếp này đảo lại có cần thiết không và có mất thời gian không, đề nghị cân nhắc. Về mục ghi : Ký hiệu. Lần đầu nên nói rõ là ký hiệu trong kho lưu trữ thác bản văn bia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm rồi lần sau hãy không ghi để người đọc biết là ký hiệu gì. Phần chế bản chữ Hán, nếu là chỗ bị khuyết nên để ô vuong hay trò to tương tự chữ, số lượng các ô bằng số lượng chữ bị thoát để người đọc dễ theo dõi, không nên để dấu 3 chấm, dấu đó người xem không biết nó thoát tự bao nhiêu. Phần chế bản chữ Hán có văn bản có cú đậu, có văn bản không? Tại sao, dụng ý là có hay không có? Phần mục lục: chính xác là 129 hay 128 bia? Có một số bị lệch. Đầu mỗi văn bản cần đánh số từ 1 tới hết. Đánh giá chung: đây là công trình chất lượng tốt.
TS. Nguyễn Công Việt  viết ngày 20/05/2010
1. Nhận xét chung - Đây là một đề tài hay có ý nghĩa khoa học và cấp thiết, được thực hiện công phu nghiêm túc và hoàn thành gần 1000 trang bản thảo kể cả phần trích dẫn tư liệu. - Qua việc thống kê và quy mô tuyển chọn giới thiệu 150 văn bản từ khối lượng tư liệu lớn đã thể hiện được sự bao quát tổng thể và phản ánh những đặc điểm chung của loại hình văn bia, văn chuông Thăng Long - Hà Nội. - Mỗi một văn bản ở đây đều gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa ở mỗi địa phương khác nhau của Hà Nội, từ đình, chùa, đền, miếu đến văn chỉ, từ đường, lăng mộ, chợ, cầu... Các địa danh và di tích danh thắng Hà Nội được tái hiện với những tên gọi cổ xưa cùng những tiêu chí xác định đã cho ta những thông tin giá trị bổ ích trong khai thác giới thiệu về Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. - Bản thảo công trình này còn cung cấp thông tin quan trọng và chính xác về tên nhân vật lịch sử, về tên chức quan, tước vị phẩm trật được ghi trong văn bản. Giá trị trung thực của loại hình văn khắc ở đây được đánh giá cao hơn so với mảng tài liệu thư tịch sao chép sau này. - Các tiêu chí được thể hiện trên mỗi văn bản về tiêu đề, địa điểm, niên đại, đặc điểm, tác giả soạn, nhuận sắc và viết, khắc chữ cùng toàn bộ nội dung văn khắc công bố đã đảm bảo ý nghĩa khoa học dưới góc độ văn bản học Hán Nôm. - Việc dịch chú cơ bản sát nghĩa, phản ánh trung thực nội dung văn bản. Phần phiên âm được thực hiện trước phần dịch chú và phần chữ Hán tạo điều kiện cho việc đối chiếu chỉnh lí văn bản được hoàn chỉnh. Phần phiên âm cũng cần được in ấn để tiện cho độc giả tra cứu. 2. Một vài điểm cần lưu ý: - Phần giới thiệu ở mục 2 Giá trị nội dung của văn khắc Hán Nôm Hà Nội từ trang 20 đến trang 50 là phần chính, nên đặt các tiểu mục nhỏ phân chia loại hình di tích gắn liền với hiện vật văn khắc như đình, chùa, đền, miếu, văn chỉ, từ đường, lăng mộ, cầu, chợ... để bạn đọc dễ hiểu và tiện theo dõi. - Rà soát lại một số chỗ dịch khó, chỗ ghi tên chức quan, tên cơ quan, đơn vị, chỗ ghi địa danh, nhân danh. - Nên có một số ảnh hiện vật văn khắc tại các điểm di tích cho cuốn sách thêm sinh động. 3. Kết luận Đây là một đề tài có ý nghĩa khoa học, văn hóa và cần thiết, nhóm tác giả đã hoàn thành với tinh thần nghiêm túc, công phu. Bản thảo với số lượng trang đầy đặn thể hiện sự phong phú của loại hình văn khắc Hán Nôm. Phần giới thiệu đã bao quát được toàn bộ nội dung đề tài. Phần phiên âm, dịch chú cơ bản sát nghĩa hoàn chỉnh. Qua góp ý một số điểm nhỏ cần hoàn chỉnh thêm của Hội đồng, bản thảo có thể đưa xuất bản kịp lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. * PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh - Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn 1. Nhận xét chung: Bản thảo tuyển tập văn bia trong bộ tư liệu Văn hiến Thăng Long - Hà Nội do TS. Phạm Thuỳ Vinh chủ biên, tôi đã được tham gia hai hội đồng: - Thẩm định đề cương - Kiểm tra tiến độ Qua một thời gian rất có hạn chủ biên và các thành viên tham gia đã hoàn thành một bản thảo có độ dày đáng kể và bảo đảm các yêu cầu mà các lần Hội đồng đã tham gia ý kiến đến thời điểm này mà nói tuyển tập văn bia đã hiện diện trước chúng ta một tác phẩm có giá trị về văn hiến Thăng Long Hà Nội chắc chắn qua lần góp ý của các thành viên trong Hội đồng chủ biên và các tác giả sẽ rà soát chỉn chu bản thảo sẽ có đóng góp và có vị trí xứng đáng trong bộ Tùng thư Thăng Long ngàn năm văn hiến. 2. Phần khảo cứu: Chủ biên đã giành cho phần khảo cứu 51 trang khảo luận về văn bia Thăng Long Hà Nội, có thể nói hai phần nổi trội trong bản khảo cứu là về văn bản văn bia nói chung và văn bia Thăng Long Hà Nội. Bản khảo cứu cho chúng ta thấy khá rõ tình hình văn bản văn bia nói chung và văn bia Hà Nội nói riêng đã qua một quá trình sưu tập và lưu trữ. Tình hình bảo tàng và khai thác văn bia qua các giai đoạn lịch sử. Bản khảo luận cũng nêu lên giá trị của văn bia về mọi mặt: lịch sử, văn hoá, văn học. Trong phần này các tác giả không chỉ giới thiệu các giá trị văn bản mà còn gợi lên những cảm xúc về giá trị đó, đặc biệt khi nói về các văn bia có những đặc điểm, những giá trị đặc biệt về sử liệu, văn liệu. Phần viết khảo luận về văn chương rất sáng sủa nhiều đoạn gây cảm xúc với sự tiếp nhận văn chương thông qua những giá trị về tư liệu. Tuy nhiên, tôi vẫn nói thêm một chút có thể là cảm giác rất riêng của tôi (cảm giác đó đã gặp khi viết phần khảo cứu các sách mà tôi chủ biên) đó là nghiêng về viết nghiên cứu mà chưa làm được mong muốn viết nghiên cứu cho nhiều đối tượng, cho nên khi đọc phần giới thiệu văn bản văn bia này tôi thấy có cái khô của người viết nghiên cứu chưa có cái tươi của một tập sách nghiên cứu phục vụ nhiều đối tượng. Nếu chủ biên của tập văn bia đồng cảm được những ý kiến của tôi thì chắc chắn sẽ gia công và sự gia công này có lẽ không thật là khó vì đây chỉ là một sự chuyển hướng nhẹ cho bút pháp mà thôi. 3. Phần dịch thuật: Phần này gồm phần nguyên văn chữ Hán, phiên âm Hán việt dịch ra Việt văn và chú. Độ dày phần này với 877 trang (trang 52-928) với 127 văn bản văn bia. Mỗi một văn bản - Có phần giới thiệu tóm lược về tên bia, địa điểm dựng bia, niên đại dựng bia, đặc điểm của bia với các phần: (chất liệu, số mặt…) và tác giả văn bia. - Phần nguyên văn chữ Hán: vi tính - Phần phiên âm Hán Việt - Phần dịch nghĩa - Phần chú thích Nhìn chung phần hai này được chủ biên và các tác gia thực hiện tốt: phiên âm chính xác, dịch sát nghĩa, chú thích tương đối tỷ mỷ. Sau cuộc họp này chắc chắn các tác giả sẽ hoàn thiện thêm về các mặt thì có đủ khả năng đưa vào biên tập thực hiện khâu cuối cùng của nội dung của tập sách. Tôi xin nêu một số chi tiết góp ý khi đọc bản thảo này, lấy ví dụ tấm bia đầu tiên: Nhật tảo cổ chung đọc phần thông tin văn bia tôi thấy quá cô đọng thí dụ, mục địa điểm: chùa Nhật Tảo nên thêm đế được rõ thêm: hiện đặt tại đình Nhật tảo, xã Nhật Tảo, huyện Từ Liêm. Mặc dù phần chú có nói nội dung này. Mục chú văn bia theo tôi nó thuộc phần chú thích sau phần phiên âm và dịch nghĩa văn bản nó là một phần của nội dung gắn chặt về mặt khoa học, văn hoá với phần phiên dịch, nếu để ngoài chân tảng sách sẽ làm giảm phần nội dung còn những chú thích ở chân trang sẽ là những ghi chú thêm mà thôi. Trên thực tế thì người đọc góp ý cũng chỉ dừng ở Tẩu mã quan hoa chưa đi sâu vào ngõ ngách của văn bản. Nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng trình độ chủ biên là người đã nhiều năm chuyên sâu nghiên cứu văn bia đã có công trình xuất sắc về phương diện này rất mong chủ biên sau Hội nghị giành thời gian rà soát chỉn chu. Tôi tin tưởng công trình văn bia Thăng Long - Hà Nội có vị trí xứng đáng trong bộ tùng thư Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến.
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá