Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Sách tư liệu tổng hợp |  Bạn đang ở:Trang chủ » Sách tư liệu tổng hợp
  • Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873-1954)
  • Căn cứ vào tiến trình lịch sử của sự hình thành và phát triển Thành phố Hà Nội từ khi Pháp bắt đầu mở rộng chiến tranh xâm lược Trung - Bắc kỳ, dùng vũ lực quân sự kết hợp với các thủ đoạn chính trị để chiếm và biến Hà Nội thành “đất bảo hộ” cho đến ngày Thủ đô hoàn toàn được giải phóng; Căn cứ vào nguốn tài liệu hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phản ánh chính xác tiến trình lịch sử nêu trên
  • Tác giả :   TS. Đoàn Thị Diến (Chủ biên)
  • Bình chọn:
    (Tổng số: 0 - Trung bình: 0.00)
  •   Bình luận   |  Ý kiến của bạn |  Xem thêm sách cùng chủ đề
  •   Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách
    Căn cứ vào tiến trình lịch sử của sự hình thành và phát triển Thành phố Hà Nội từ khi Pháp bắt đầu mở rộng chiến tranh xâm lược Trung - Bắc kỳ, dùng vũ lực quân sự kết hợp với các thủ đoạn chính trị để chiếm và biến Hà Nội thành “đất bảo hộ” cho đến ngày Thủ đô hoàn toàn được giải phóng; Căn cứ vào nguốn tài liệu hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phản ánh chính xác tiến trình lịch sử nêu trên, đề tài phản ánh:
   + Sự hình thành và phát triển về mặt địa giới - tổ chức hành chính Thành phố Hà Nội;
   + Sự hình thành các hệ thống giao thông - thuỷ lợi của Thành phố Hà Nội;
   + Vấn đề quy hoạch và quá trình xây dựng Thành phố Hà Nội;
   + Chính sách văn hoá - giáo dục của Thành phố Hà Nội từ 1873 đến 1954. - Công trình cung cấp cho các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và toàn xã hội nguồn tài liệu lưu trữ về lịch sử Hà Nội; góp phần kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
   Đây là lần đầu tiên, Trung tâm Lưu trữ Quốc giá I công bố trên quy mô lớn những tài liệu có liên quan đến lịch sử Hà Nội, một mặt nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mặt khác nhằm nâng cao vai trò của tài liệu lưu trữ đối với đời sống chính trị của Thủ đô. Công trình phục vụ rộng rãi các đối tượng bạn đọc đặc biệt là các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu..
Chi tiết sách
  • Tác giả:  TS. Đoàn Thị Diến (Chủ biên)
  • Nhà xuất bản: Nhà Xuất bản Hà Nội 
  • Năm xuất bản:  2010
  • Tổng số trang:  1748 trang
  • Kích thước:  16x24cm
  • Mã số:  TH16
  Bình luận (3)  
PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế viết ngày 24/08/2011
Mọi nẻo đường... đều đến và góp được với Thăng Long - Hà Nội: từ văn chương, báo chí - truyền thông, văn học dân gian, khảo cổ, lịch sử, địa lý, địa chất .... Vì Thăng Long - Hà Nội “lắng hồn núi sông ngàn năm” là của mọi người, mọi ngành, không phải của riêng ai... Bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp chúng tôi - những người nghiên cứu lịch sử văn hoá, thì càng không thể đến với “Ngàn năm lịch sử văn hoá kinh kỳ” nếu bỏ qua nguồn tài liệu văn thư lưu trữ. Nói cách khác, chúng tôi đã tự khẳng định từ lâu rồi: Không có tài liệu lưu trữ lấy gì làm tư liêu nghiên cứu lịch sử văn hoá! Thế nhưng, vẫn biết là tài liệu lưu trữ là cực kỳ quý, cực kỳ quan trọng và phong phú với người muốn tìm hiểu về Lich sử văn hoá nói chung, về Thăng Long, Hà Nội nói riêng. Nhưng, khi cầm, đọc tập bản thảo gồm 2 tập A4 với trên 1000 trang - công trình Hà Nội qua tài liệu lưu trữ (1873-1954 ) do TS. Đào Thị Diến làm chủ biên, thì càng cụ thể, mạnh mẽ thêm về nhận thức ấy. Nữ TS họ Đào và cộng sự đã biên soạn công trình này từ các khối tài liệu tiếng Pháp và tiếng Việt : Tài liệu tiếng Pháp gồm các sắc lệnh, nghị định, quyết định do chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương ban hành, có liên quan đến Thành phố Hà Nội, được tập hợp từ một số ấn phẩm định kỳ xuất bản trước năm 1954, như : + Công báo Đông Dương thuộc Pháp (Journal officiel de L’Indochine Francaise). + Niên giám Đông Dương thuộc Pháp (Annuaire de L’Indochine Francaise ) + Người hướng dẫn xứ bảo hộ Trung - Bắc kỳ (Moniteur du Protectorat de L’Annam du Tonkin ) + Công báo hành chính Bắc Kỳ (Bulletin administratif du Tonkin ) + Công báo Thành phố Hà Nội (Bulletin municipal de la ville de Hanoi )... Trong đó Công báo Đông Dương thuộc Pháp là ấn phẩm thường kỳ thời thuộc địa được sử dụng chủ yếu Tài liệu Hán - Nôm: được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ Quốc Gia I có 2 phông: Nha huyên Thọ Xương và Nha Kinh lược Bắc Kỳ. Khối tài liệu tiếng Việt: các sắc lệnh, nghị định, quyết định do Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chính phủ VNDCCH ban hành có liên quan, đăng trên Việt Nam Dân quốc công báo từ 29 - 9 - 1945 đến 23 - 11 - 1946 (số 1 - 47) Những tài liệu đa dạng về hình thức văn bản, có nhiều loại là chỉ dụ, biểu, nghị định, tờ sức, tờ bẩm, tờ truyền, đơn từ, nhật ký, thống kê, biên bản cho đến các loại công văn giấy tờ, thư giao dịch giữa các cơ quan chính quyền các cấp. Chưa cần nó chính thức ra đời đâu, mới chỉ ở dạng bản thảo thôi, với tò mò của người nghiên cứu lịch sử văn hoá thôi tôi đã rất thú vị khi theo dõi, chẳng hạn: Hay khi quan tâm đến các phần III Quy hoạch - xây dựng cuối và đầu thế kỷ XIX, sẽ gặp những dòng chữ: có khi rõ ràng như: Nghị định về việc quy định cho nước từ trên ống máng mái nhà, sân thượng, mái che và mái hiên chảy hẳn xuống rãnh chứ không được cho rơi trực tiếp xuống đường đi công cộng (RST - 80034, 21 - 6 - 1906 ) MHN 4185: Nghi định 30/6/1937 bổ sung thêm danh sách các con đường theo điều 53 nghị định 19 - 2 - 1930 thành 33 con đường nơi chỉ các ngôi nhà kiểu Âu mới được xây dựng, chính thức cấm xây dựng nhà theo kiểu bản xứ hoặc kiểu nhà tập thể .... Hay những thông tin rời rạc khác TT Công trình Nhà thầu Pháp Nhà thầu Việt, Hoa Ghi chú 1 Bảo tàng Viễn Đông Bác cổ Aviat - khó khăn Trình Quy Khang 2 Trường Tiểu học Pháp Việt Yên Phụ Đinh Tran 3 Vola 4 Pháp Việt Jaure... ( phố Quang Trung) Abt - Garnier Danh sách các nhà thấu 5 Trường Hậu Bổ (phố Sinh Từ ) Blot (xây dựng) - Lưu Ba Vi cung cấp động sản 6 - Bruni: quét sơn, làm cửa kính Hà Văn Tư thực hiện lấp ao 7 Nhóm trường học phố Sinh Từ Vernet Phạm Văn Mẫn quét sơn làm cửa kính 8 Trường học làng Giấy (Thụy Khuê) Pees = Chazeau 9 Công ty điện máy lắp máy ly tâm ------ ..... ..... Nếu ai đó quan tâm đến tiềm lực, thực trạng cạnh tranh giữa các nhà thầu Pháp và nhà thầu Việt, tiếp tục khai thác hẳn sẽ thú vị biết bao.... Về Văn hoá giáo dục : Chẳng hạn qua HCBK 115 Règlement scolaire concernant les écoles du premier degré au Tonkin 1924 (Quy chế học đường liên quan đến các trường bậc đệ nhất cấp ở Bắc Kỳ ) Hồ sơ có 106 tờ gồm toàn bộ quy chế học đường có liên quan đến các trường tiểu học Pháp Việt ở Bắc kỳ do Nha Giáo dục tiểu học Bắc Kỳ ban hành ngày 10-3-1924 gồm chương; I. Quản lý cơ sở vật chất của nhà trường II. Tổ chức sư phạm III. Kỷ luật (chương này dành cho cả giáo viên và học sinh) có các quy định: Giáo viên tránh giao du với những hội, những địa điểm nổi tiếng xấu như nhà chứa, tham gia vào các cuộc canh tranh cục bộ. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giáo viên cũng phải thực hiện lệnh cấp trên, không được nhận bất kỳ một khoản tiển, quà biếu nào từ học sinh hay phụ huynh học sinh. Ngoài các giờ lên lớp giáo viên chi được dạy cùng một lúc tối đa 5 học sinh tại nhà riêng trong 5 giờ/1 tuần, với điều kiện phải thông báo điều đó bằng văn bản cho thanh tra các trường trong khu vực. Bản khai phải chỉ rõ địa điểm giờ giấc và chương trình dạy, tổng số học sinh và tổng số tiền thù lao mà họ trả cho giáo viên. Cấm tuyệt đối mọi hành vi gây sức ép trực tiếp hay gián tiếp lên học sinh nhằm bắt học đi học thêm. Nếu để xảy ra hiện tượng này, lớp học sẽ bị đóng cửa ngay tức khắc chưa kể đến các hình thức kỷ luật theo quy định. Giáo viên chỉ được mở lớp và dạy thêm trong các trường tư khi có sự cho phép đặc biệt của cấp trên và trong giới hạn và điều kiện được cấp trên quy định, Chỉ cho phép giáo viên được làm thêm các nghề không liên quan đến thương mại và công nghiệp ... Hay như, là một người của trường Đại học, tôi không thể thờ ơ với phông của trường Đại học Hà Nội: JOIF 1930 N46. Arrêté du 24 mai 1930 du Gouverneur general d L’Indochine instituant une bibliotheque generale à L’Universite de Hanoi (Nghị định của Toàn quyền Đông Dương cho mở một Thư viện tại Đại học Tổng Hợp Hà Nội 24/4/1930, trong đó: + Trừ các ngày lễ, thư viện mở cửa vào tất cả các ngày còn lại để phục vụ học sinh và giáo viên + Học sinh chỉ được đọc sách tại thư viện, không được mang sách ra ngoài. + Giáo viên có thể đọc sách tại chỗ hoặc mượn về nhà với tối đa là 15 ngày. + Người mượn phải chịu trách nhiệm về tình trạng hư hại hoặc làm mất tài liệu bằng tiền. Tài liệu chỉ được trao giả khi có biên lai. V,v và v,v... với biết bao thú vị, bổ ich Tôi cũng đã đọc nhận xét của GS Phan Huy Lê khi viết lời giới thiệu tập tài liệu này: “các tác giả đã làm việc với tinh thần nghiêm túc, cần mẫn, với ý thức trách nhiệm cao với người đọc.. Tác dụng của cuốn sách này, sẽ được các nhà khoa học và bạn đọc hoan nghênh và đón nhận nó như là một sách công cụ bổ ích để khai thác nguồn tài liệu lưu trữ từ đó có những tìm tòi khám phá về Hà Nội”. Trước và trong khi hoàn toàn nhất trí với những lời nhận xét trên, tôi chỉ tiếc là tiếc rằng : Như tên gọi Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ, thì Hà Nội là đích đến chứ không phải là công tác lưu trữ. Lưu trữ thì quá quan trọng rồi, nhưng trong trường hợp này, Tài liệu lữu trữ là con tàu đưa chúng ta về với Hà Nội - Mà Hà Nội qua các nguồn tài liệu ở đây là Hà Nội của thời Pháp thuộc, năm đầu Dân Chủ cộng hoà, năm đầu giải phóng 1954. Trực tiếp hay gián tiếp, tiềm ẩn qua các văn bản rất khô khan và công thức, hành chính đó lại là một Hà Nội với môi trường tự nhiên, là lịch sử, là văn hóa, thực trạng sinh động của công tác quy hoạch, là những vấn đề kinh tế - xã hội..., không chỉ có ý nghĩa riêng với cuối XIX đến nửa đầu XX. Các nhà lưu trữ rất chuyên nghiệp, nếu không muốn nói là dày dạn kinh nghiệm thuộc hàng đầu ở Việt Nam, là tinh hoa của giới lưu trữ Việt Nam đã lao động cật lực bằng tình cảm, trách nhiệm và năng lực chuyên môn của mình, trong mấy chục năm qua (chứ không phải chỉ từ khi nhận dự án này đâu) đã giải dịch, giới thiệu lưu trữ Hà Nội! Nhưng, nếu như ... hình như thiếu có sự phối hợp ở những mức độ cần thiết, liên ngành, chuyên gia, nên nhiều thông tin các nhà biên soạn không chú ý khai thác, giới thiệu. Tôi nói như vậy , vì tôi đã từng được đọc một ít công trình dạng giới thiệu nguồn lưu trữ chữ Hán, chữ Pháp khác, như : Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ của Vũ Thị Minh Hương, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, hay Văn khắc Hán Nôm Việt Nam của Nguyễn Quang Hồng.... Đối với Hà Nội qua tài liệu lưu trữ này, nếu như (nếu như thôi), cập nhật thêm, chẳng hạn giới thiệu: Bản vẽ mốc giới các khu đất thuộc khu vực Thanh Hà, hay Bản vẽ khu vực phía đông thành Hà Nội tại các khu vực giáp với đường sắt (Khu nhà dân sự, Xây phủ toàn quyền, ... Trưng thu, trưng dụng đất, Mua một số mảnh đất trong khu vực thành Hà Nội 1899 - 1900) thì sẽ giàu tính thời sự, hấp dẫn hơn ....
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật viết ngày 24/08/2011
1. Ưu điểm của công trình: 1.1. Như các nhà khoa học trong Hội đồng đã nói trong lần thông qua bản Đề cương công trình, và qua dư luận của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, việc xuất bản cuốn sách Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ mà trước đó là cuốn Địa giới và tổ chức hành chính Hà Nội là rất cần thiết, bổ ích và cần kíp phục vụ trực tiếp cho việc nghiê cứu về Hà Nội, nhất là trong dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội hiện nay. 1.2. Những góp ý, đề nghị của Hội đồng trong lần thông qua đề cương, các tác giả đã nghiên cứu và điều chỉnh từ tên gọi cho đến bố cục công trình. 1.3. Về bố cục: Sách được biên soạn dưới dạng tra cứu có tóm tắt nội dung tài liệu, gồm 2 tập: - Tập 1: Tập hợp tài liệu về lĩnh vực Địa giới - Tổ chức bộ máy hành chính và Giao thông công chính. Tập 1 gồm 2 phần: + Phần 1: Địa giới hành chính với 95 trang gồm các văn bản của chính quyền Nam triều, chính quyền thực dân và Chính phủ Việt Nam DCCH trên các nội dung: Xác định gianh giới thành phố, mở rộng phạm vi thành phố; Tổ chức Ủy ban thành phố và Tòa Đốc lý thành phố. + Phần 2: Giao thông công chính gồm hơn 200 trang; gồm các văn bản về giao thông đường bộ, giao thông đường thủym giao thông hàng không, đê kẻ và cấp thoát nước. Trong tập này có phần Phụ lục với hơn 100 trang với các biểu bảng có giá trị. - Tập 2 gồm 2 phần Quy hoạch - xây dựng và Văn hóa - giáo dục + Phần 1 về quy hoạch xây dựng với hơn 330 trang gồm các tài liệu về quy hoạch xây dựng khối công sở hành chính, công sở chuyên môn, công sở văn hóa, trường học, bệnh viện, cơ sở nghiên cứu, khối công sở thuộc tòa án, mật thám, quân đội; + Phần 2 về Văn hóa - Giáo dục gồm 410 trang tập hợp các tài liệu về văn hóa xã hội, văn hóa tín ngưỡng và giáo dục. + Trong mỗi tập, các tác giả có Lời dẫn riêng, viết dưới dạng báo cáo chuyên đề, giúp người đọc hiểu một cách có hệ thống các nguồn tài liệu được tập hợp và trình bày công trình. + Cuối mỗi tập, là phần Phụ lục gồm danh mục ảnh minh họa, từ điển chú giải và mục lục. 1.4. Về phương pháp sưu tập và trình bày. Các tác giả đã kết hợp tốt phương pháp nghiên cứu của khoa học lịch sử với phương pháp công cố tài liệu của bộ môn lưu trữ học. Các trình bày rõ ràng, khoa học, người đọc dễ tham khảo. 1.5. Về nguồn tài liệu. Đây là nội dung và là sản phẩm chính của cuốn sách. Các danh mục tài liệu, tư liệu được nghiên cứu, lược thuật và trình bày gồm tài liệu, tư liệu của chính phủ Nam Triều, của chính quyền thuộc địa và của chính phủ VNDCCH. Đây là những danh mục tài liệu gốc, quý hiếm, có giá trị (và tất nhiên phần lớn là chưa công bố) đã được các tác giả nghiên cứu và giới thiệu tóm tắt nội dung chính. 2. Một số góp ý - Bố cục cuốn sách chưa thật sự cân đối, có thể do mức độ của sự kiện, do chưa khai thác hết hoặc do cách xử lí của tập thể tác giả. - Nội dung của các tài liệu trong các phần, các tập cũng chưa thật sự thống nhất và cân đối. - Rất tiếc và không hiểu tại sao công trình lại không có phần về Kinh tế vì đây là nội dung hay, cần thiết và quan trọng, nội dung đã được Hội đồng góp ý trong lần thông qua Đề cương biên soạn. - Trong từng phần, các nội dung nên đặt thành chương hoặc đánh số thứ tự để tiên theo dõi. 3. Kết luận: Cuốn sách được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, trình bày khoa học, đáp ứng đúng yêu cầu đã kí kết với Nhà xuất bản Hà Nội Đồng ý nghiệm thu công trình để xuất bản.
PGS.TS. Tạ Thị Thúy viết ngày 24/08/2011
Là người chuyên nghiên cứu Lịch sử Việt Nam cận đại dựa trên phần đại đa số là các tài liệu lưu trữ, với hơn 20 năm làm việc tại các trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước, tôi luôn đánh giá rất cao những công trình dựa vào nguồn tài liệu này. Tôi hiểu rất rõ giá trị của nguồn tài liệu quý giá, vấn đề từ ngọn nguồn của nó. Công trình đồ sộ này thật sự quý giá đối với những người muốn nghiên cứu về Hà Nội nói riêng, về Bắc Kỳ và cả Việt Nam nói chung trong thời kỳ cận đại trên nhiều khía cạnh nếu muốn cho những nghiên cứu của mình tránh được tình trạng quá tư biện. Điều này đã được nhìn nhận ngay từ khi công trình mới chỉ được manh nha, dưới dạng một đề cương. Vậy thì khỏi cần phải hỏi tới cảm nhận của tôi về giá trị sử dụng, giá trị phục vụ của tập bản thảo mà chúng ta có trong tay, mà theo tôi nó còn giá trị hơn cả một quyển guide (Hướng dẫn) và một quyển Respertoire (Biên mục ) về các tài liệu lưu trữ cộng lại trong nghiên cứu về Hà Nội. Đi vào nhận xét cụ thể, tôi mạo muội đưa ra những ý kiến sau đây cả về những “cái được” và những điều tôi còn thắc mắc hay chủ quan thấy cần phải điều chỉnh, bổ sung để nâng cao giá trị của công trình. 1. Về nguồn tài liệu được xử lý: Với 7 loại tài liệu lưu trữ hạng hai, hay là tư liệu hạng 1, trong đó 5 bằng tiếng Pháp, 2 bằng tiếng Việt và 19 Fonds tài liệu lưu trữ, trong đó 17 bằng tiếng Pháp, 2 bằng tiếng Việt được lựa chọn để khai thác, phục vụ đề tài này, theo sự hiểu biết của tôi là khá tốt (Khá tốt vì còn nhiều nguồn tư liệu khác chưa được sử dụng). Các tác giả quả thật đã rất am hiểu và làm chủ được nguồn tài liệu lưu trữ ở hai trung tâm tại Hà Nội và cũng lắm công phu trong việc đọc, chọn, dịch hàng trăm tập tư liệu và hàng ngàn hồ sơ lưu trữ để cho ra mắt một tập bản thảo thật đồ sộ hiện nay với những phần dẫn luận, có nội dung là những nghiên cứu sơ bội đối với mỗi vấn đề được đặt ra. Tôi đánh giá rất cao ý tưởng của những người tổ chức bộ sách và những cố gắng của các đồng nghiệp của tôi trong việc thực hiện đề tài. Tuy nhiên, để cho các chỉ dẫn được đầy đủ hơn, tôi cho rằng đối với mỗi fonds lưu trữ các tác giả nên đưa ra một con số ước lượng về số lượng hồ sơ và số trang hồ sơ có thể khai thác. Bởi vì tôi biết rõ số hồ sơ được tuyển vào công trình này không phải là tất cả. 2. Về các nội dung nghiên cứu: Tôi biết là các tác giả đã dựa vào những nội dung được phản ánh trong các nguồn tài liệu để đề xuất ra loạt các vấn đề (mots clés) trong công trình, như là: Địa giới - Tổ chức hành chính; Giao thông - Công chính; Quy hoạch - Xây dựng; Văn hóa - Giáo dục. Các nội dung này không được các tác giả nói rõ trong phần Dẫn luận chung nhưng đã được trình bày trong phần dẫn luận riêng cho mỗi phần. Thế nhưng, tôi cũng không hiểu sao trong loạt vấn đề này lại thiếu hẳn hai nội dung khác, đó là Hà Nội kinh tế (đã từng được hội đồng xét đề cương lưu ý) và Hà Nội chính trị trong thời kỳ cận đại. Điều đó làm cho người đọc chỉ hiểu về một Hà Nội của Tây, còn một Hà Nội sống (bằng kinh tế) và chiến đấu chống Tây thì hầu như lại không thấy đâu, trong khi các tư liệu và các tài liệu lưu trữ về cả hai khía cạnh quan trọng bậc nhất này lại rất chi là phong phú. Bổ sung các tài liệu về hai nội dung này vào công trình sẽ giúp người đọc, người nghiên cứu có thêm những chỉ dẫn không phải chỉ về một Hà Nội về địa lý, hành chính, quá trình đô thị hóa… mà còn về một Hà Nội - trung tâm về kinh tế, với những chuyển biến của các ngành kinh tế, dưới tác động của chủ nghĩa thực dân trong quá trình khai thác, bóc lột thuộc địa và một Hà Nội khác, phản kháng lại chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc qua các giai đoạn của Việt Nam cận đại. Việc bổ sung thêm hai nội dung này sẽ làm cho công trình thêm cân đối và như vậy, sẽ tăng thêm giá trị của nó. Còn nếu như không làm được như vậy, các tác giả cũng cần phải có lời giải thích rõ ngay trong phần Lời dẫn chung về cách đặt vấn đề của mình để người đọc hiểu rõ hơn về những nguồn tài liệu có thể khai thác khi muốn nghiên cứu về Hà Nội. 3. Về cách thể hiện Tôi cho rằng việc các tác giả trình bày các nguồn tài liệu theo biên niên là hợp lý. Nhưng nếu như có quá nhiều tài liệu về cùng một khía cạnh nhỏ nào đó thì có lẽ nên lựa cách trình bày sao cho có thể liệt kê nhiều số hiệu hồ sơ, tên hồ sơ nhưng không cân nhắc lại nội dung của loạt hồ sơ, như tôi đã nhìn thấy trong một số tập bản thảo. 4. Một số lưu ý đối với mỗi phần nội dung của bản thảo - Phần dẫn luận chung, ngoài những phi lộ mang tính chất chỉ dẫn về lưu trữ đã rất tốt ra thì nên có những giải thích về những nội dung được đề cập trong công trình như tôi vừa nói trên. - Phần I: “Địa giới - Tổ chức hành chính” Tên đề của phần này có lẽ nên để là “Địa giới - Tổ chức bộ máy quyền” thì hơn là chỉ là “Địa giới - Tổ chức hành chính”. Lý do là ở chỗ nếu chỉ là tổ chức hành chính, tức là bộ máy hành pháp thì mới chỉ phản ánh được một trong ba chức năng của bộ máy chính quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp) dẫu cho ở Việt Nam nói chung, ở Hà Nội nói riêng bộ máy chính quyền mà Pháp dựng lên chưa phải là bộ máy “tam quyền phân lập” thực sự theo đúng nghĩa hiện đại của từ này. Trên thực tế, tài liệu liên quan đến nội dung này có rất nhiều và không phải chỉ có hồ sơ về các Ủy ban, Hội đồng thành phố (mới chỉ là những cơ quan tư vấn đối với một số hoạt động của bộ máy hành chính) và những hồ sơ về bộ máy chóp bu của Hà Nội (đã được tác giả tuyển dịch nhiều) mà còn nhiều tài liệu về bộ máy Tư pháp và đàn áp (hệ thống tòa án, hệ thống nhà tù, các lực lượng quân đội, cảnh sát, an ninh…) nữa mà tôi không thấy đưa vào ở phần này. Có lẽ các tác giả nên nghĩ cách tuyển chọn thêm để cho công trình phản ánh được ý đồ mang tính chất lý luận về Bộ máy chính quyền. Phần Dẫn luận của phần này quá “tham lam”, tỷ mỷ ở cả hai nội dung “Địa giới” và “Tổ chức hành chính” làm cho người đọc dễ có cảm giác là tác giả đã làm thay việc của người nghiên cứu khi nhắc lại nội dung của hầu hết các tài liệu. Theo tôi có lẽ tác giả nên đi sâu giới thiệu về khối lượng tài liệu liên quan, những nội dung chính mà tài liệu phản ánh hơn là đi quá sâu vào khía cạnh Lịch sử của vấn đề như đã làm (cũng giống như dẫn luận ở các mục khác). Mặt khác, nên căn cứ vào những tiêu chí của một bộ máy chính quyền “hiện đại” khi nhận xét về đặc điểm, tính chất của bộ máy chính quyền mà Pháp đã thiết lập ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Chỉ có như vậy mới có thể giải thích được tại sao bộ máy đó đã bị thất bại, bị thay thế bởi một bộ máy khác của người Việt Nam. Phần II: “Giáo thông - Công chính” Phần Dẫn luận nhấn mạnh đến giao thông đường bộ và giao thông đường sắt hơn là bao quát cả những khía cạnh khác của phần Công chính như “Đê - kè” và “Cấp thoát nước” mà trong bản thảo đã có nhiều tài liệu được tuyển chọn. Hơn nữa trong phần Giao thông đường bộ, tác giả quá dài dòng về phương tiện giao thông, trong đó có đến 6 trang về phương tiện Xe tay, trong khi thì ngoài xe tay còn có các phương tiện khác như ô tô, xe đạp, xe bút… và hơn nữa ngoài phương tiện giao thông còn có hệ thống đường giao thông, tổ chức giao thông … cần đề cập. Phần III “Quy hoạch và xây dựng” Phần dẫn luận tốt, bao hàm được các nội dung tài liệu. Ở phần “Quy hoạch” tài liệu phong phú nhưng lưu ý đến các thông tin có rất nhiều trong JOIF và BAT liên quan đến các Concessions urbaines, bao gồm việc cấp nhượng đất công để xây dựng nhà máy, xí nghiệp, các công trình công cộng hoặc việc chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng trọt sang đất xây dựng… rất có ích để nghiên cứu về quá trình Urbanistion ở thành phố này. Ở phần “Xây dựng” các tài liệu nhiều và được sắp xếp theo các lại công sở như thế là hợp lý. Tuy nhiên, nên lưu ý đến việc phân biệt giữa tài liệu về “kỹ thuật” và tài liệu về “hành chính” với các tiểu mục như vậy là khác với việc trình bày ở các khối tài liệu khác. Phần IV. Văn hóa - Giáo dục Cũng giống như dẫn luận ở những phần trước, dẫn luận ở phần này quá tham, quá tỷ mỷ. Trong phần về “Văn hóa”, tác giả thiên về các việc tu bổ, sửa chữa, sử dụng các công trình tín ngưỡng, việc tổ chức các ngày lễ, tết. Trong khi đó khái niêm “văn hóa” còn có thể cho phép mở rộng hơn việc nghiên cứu. Tôi lấy ví dụ như về các tổ chức văn hóa thì ngoài Viễn Đông bác cổ còn có các tổ chức văn hóa khác như là Hội khai trí tiến đức (1919) của giới “thượng lưu”, hội Truyền bá chữ quốc ngữ của Đảng cộng sản… hay như là các hoạt động văn hóa thị không phải chỉ có các hoạt động tín ngưỡng, hay là việc tổ chức các ngày lễ tết… mà còn có nhiều hoạt động văn hóa khác nữa trong đời sống của dân Hà Nội dưới tác động của những thay đổi về kinh tế, chính trị, xã hội… Cũng như vậy, ngoài Văn Miếu ra còn có các công trình văn hóa khác như là các Thesatres, các Cinémas… Trong phần về Giáo dục, tác giả cũng nên bám sát nội dung tài liệu mà không nên đi quá sâu vào lịch sử giáo dục cũng nên bám sát nội dung tài liệu mà không nên đi quá sâu vào lịch sử giáo dục như trong dẫn luận. (giống như cuốn sách của ông Phan Trọng Báu) Phần tài liệu, việc tuyển dịch rất tốt. 5 Về bố cục và trình bày Với những nội dung trên, tôi thấy dự tính phân chia công trình thành hai tập, với sự chênh lệch lớn về số trang giữa tập I, hơi ít với tập II, hơi nhiều. Tôi cho rằng nên xáo trộn một chút để cho hai tập không quá nhau về độ dày và hợp lý hơn về nội dung. Theo tôi, nên bố cục sẽ như sau: Tập I sẽ gồm các tập 1/7, 2/7, 3/7, 4/7 và 5/7, tổng cộng 676 trang, vì thực ra nội dung của các tập 4/7, 5/7 về “Quy hoạch và Xây dựng” cũng thuộc về Công chính (Travaux publics), chi phí cho các công việc này cùng được trích vào mục Thực hiện các Công trình công cộng của Ngân sách các cấp. Tập II sẽ gồm các tập 6/7, 7/7 về “Văn hóa - Giáo dục” và tất cả Phụ lục (của cả hai tập) tổng cộng là 556 trang. Nếu có thể thì bổ sung thêm một số hồ sơ (được cho là quan trọng nhất) về Kinh tế và Chính trị (khoảng 150 trang nữa) vào tập II. Như vậy vừa hoàn hảo về nội dung, vừa cân đối về bố cục và độ dày mỗi tập. 6. Về việc dịch Các đồng nghiệp của tôi đều là những người “thạo việc”, quen với tài liệu lưu trữ của thời kỳ cận đại, cũng đã quen với việc chuyển dịch những tài liệu này nên tôi thấy phần dịch và tóm tắt nội dung của các hồ sơ trong bản thảo rất tốt. Suốt cả 7 tập của bản thảo, tôi chỉ có thể “bới" ra được một vài lỗi cần sửa, đã được tôi đánh dấu rồi. Chẳng hạn như: Tramways électriques phải được dịch là Tàu điện để phân biệt với Xe điện là Tramways autobus eslectriques. Trains phải dịch là Tàu hỏa chứ không phải là Xe hỏa. - Rive droite dịch là tả ngạn thay cho bờ phải - Consigne spéciale là Toa hành lý riêng chứ không phải là tín hiệu đặc biệt - Appropritaion là chiếm lấy, chiếm hữu, thường được dịch là truất hữu. - Acquisition là trưng mua chứ khong phải là trưng dụng - Expropriation là trưng dụng - Achat dịch là mua hẳn hoi chứ không phải là trưng mua - Domaine local dịch là Công sản Cấp xứ chứ không phải là Công sản địa phương (tr. 47 tập II) - Cần phân biệt các bộ phận của Domaine để dịch cho chính xác. - Terrains communaux phải được dịch là đất công làng xã chứ không phải là công sản bất kỳ. Trở lên trên, tôi đã mạnh dạn trình bày những ý kiến “phê phán” của mình đối với tập bản thảo “Hà Nội qua tài liệu lưu trữ” do TS. Đào Thị Diến làm chủ biên. Những “phê phán” của tôi đối với những cái “chưa được” của bản thảo chỉ với mong muốn làm cho công trình được hoàn hảo hơn, chứ không có nghĩa tôi phủ nhận những giá trị mà tập bản thảo này đã đem lại cho chúng ta hiện nay. Kết luận cuối cùng của tôi là đánh giá rất cao giá trị sử dụng của tập bản thảo, cũng có nghĩa đánh giá cao lao động của nhóm tác giả công trình.
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá