Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Sách tư liệu tổng hợp |  Bạn đang ở:Trang chủ » Sách tư liệu tổng hợp
  • Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập công trình nghiên cứu Lịch sử
  • Trong lịch sử Việt Nam, không một địa phương nào lại thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của đông đảo giới học giả trong và ngoài nước như Thăng Long - Hà Nội. Thành tựu nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội phản ánh vị thế, tầm quan trọng cũng như tương xứng với bề dày của mảnh đất “ngàn năm văn vật”. Những kết quả đạt được không chỉ tạo nên bức tranh đa diện về Thủ đô nghìn tuổi, mà còn góp phần làm sáng tỏ nhiều nội dung quan trọng của lịch sử, văn hóa Việt Nam.
  • Tác giả :   Nhiều tác giả - Chủ trì tuyển chọn, giới thiệu: GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
  • Bình chọn:
    (Tổng số: 3 - Trung bình: 3.50)
  •   Bình luận   |  Ý kiến của bạn |  Xem thêm sách cùng chủ đề
  •   Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách
    Trong lịch sử Việt Nam, không một địa phương nào lại thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của đông đảo giới học giả trong và ngoài nước như Thăng Long - Hà Nội. Thành tựu nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội phản ánh vị thế, tầm quan trọng cũng như tương xứng với bề dày của mảnh đất “ngàn năm văn vật”. Những kết quả đạt được không chỉ tạo nên bức tranh đa diện về Thủ đô nghìn tuổi, mà còn góp phần làm sáng tỏ nhiều nội dung quan trọng của lịch sử, văn hóa Việt Nam.
   Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào tập hợp những kết quả nghiên cứu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Kết quả nghiên cứu tuy nhiều, song chúng lại được trình bày rải rác ở nhiều nơi: trong sách hoặc kỷ yếu khoa học, trên các tạp chí chuyên ngành, xuất bản ở trong và ngoài nước… khiến việc tìm hiểu, nghiên cứu gặp không ít khó khăn. Công trình đáp ứng mong muốn tuyển chọn, tập hợp những bài viết tiêu biểu nhất của các tác giả trong và ngoài nước đã được công bố từ trước đến nay.
   Đề tài tập hợp, tuyển chọn và giới thiệu những bài viết tiêu biểu nhất về các vấn đề của lịch sử Thăng Long - Hà Nội (từ khởi thủy cho tới hiện nay). Đây không chỉ là công trình có giá trị khoa học đối với các nhà sử học, mà còn là tài liệu tham khảo bổ ích và cần thiết cho những người yêu Thủ đô và lịch sử Thủ đô Hà Nội.
 
 
Chi tiết sách
  • Tác giả:  Nhiều tác giả - Chủ trì tuyển chọn, giới thiệu: GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
  • Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội 
  • Năm xuất bản:  2010
  • Tổng số trang:  1616 trang
  • Kích thước:  16x24cm
  • Mã số:  TH - 019
  Bình luận (8)  
GS.TS Đỗ Thanh Bình viết ngày 30/08/2011
1. Hiện nay tại Hà Nội diễn ra rất nhiều những hoạt động khác nhau để chuẩn bị, tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Tuyển tập các công trình nghiên cứu Lịch sử về Thăng Long - Hà Nội do GS.TS Nguyễn Quang Ngọc chủ biên là một trong nhiều hoạt động đó. Việc tập hợp, tuyển chọn và giới thiệu những bài viết tiêu biểu nhất về các vấn đề Lịch sử Thăng Long - Hà Nội từ khởi thủy đến nay nếu được hoàn thành nó không chỉ là một công trình khoa học có giá trị mà còn là một tài liệu quí, cung cấp cho người dân Hà Nội và người dân trong cả nước có những hiểu biết khá đầy đủ về Thủ đô xưa và nay. Nếu không có công sưu tầm, tập hợp, giới thiệu, chú giải những bài, những công trình đã có viết về thủ đô thì có lẽ ngay người dân Hà Nội cũng không có cơ hội hiểu đầy đủ về thủ đô, nơi mình đang sinh sống, chứ chưa nói người dân ở các địa phương khác. Vấn đề quan trọng như thế, được nhận thức và tiến hành sưu tầm tuyển chọn là điều cần thiết và đáng hoan nghênh. Thủ đô Hà Nội là một địa phương duy nhất được các học giả trong và ngoài nước từ lâu nay quan tâm nghiên cứu công bố nhiều nhất. Tuy nhiên những công bố đó còn lẻ tẻ. Cho đến nay vẫn chưa có một người nào đứng ra tập hợp những kết quả nghiên cứu đó và công bố. Do vậy việc làm của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc rất có ý nghĩa. 2. Về nội dung của công trình. Dựa trên những công trình, những bài viết về các lĩnh vực của Thăng Long - Hà Nội, nhóm tác giả do GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đứng đầu đã sắp xếp theo trình tự thời gian và theo vấn đề (nội dung mà các công trình đơn lẻ đề cập). Cách làm như thế là khoa học, người đọc dễ theo dõi và tra cứu. Cụ thể: - Phần mở đầu: đề cập đến những vấn đề chung. - Bốn phần chính (trong đề cương là 4 phần chứ không phải 3 phần) đặt theo diễn trình thời gian và theo các nhóm vấn đề: + Phần 1: Hà Nội trước định đô. + Phần 2: Hà Nội trong kỉ nguyên độc lập Tiêu đề của hai phần này, theo tôi nên sửa: “Thăng Long – Hà Nội trước định đô” và “Thăng Long – Hà Nội trong kỉ nguyên độc lập”. Trong phần thứ hai, nhóm tác giả xếp theo thời gian và vấn đề: * Từ Cổ Loa đến Thăng Long (theo thời gian) * Hệ thống thành luỹ * Quy hoạch phố phường * Đời sống kinh tế - xã hội * Kháng chiến chống ngoại xâm Theo tôi sắp đặt như thế này là hợp lý, khoa học. + Phần 3: Hà Nội thời kì cận đại (trong đề cương có sự nhầm lẫn là phần thứ hai) cũng được nhóm tác giả sắp xếp theo vấn đề và thời gian. * Kháng chiến chống thực dân Pháp cuối thế kỉ XIX * Phong trào yêu nước đầu thế kỉ XIX Hai nội dung này theo tôi nên đổi vị trí cho nhau thì mới hợp theo thời gian. * Hà Nội trong cuộc vận động thành lập Đảng và Cách mạng tháng Tám. * Những biến chuyển trong đời sống kinh tế, xã hội thời cận đại. + Phần 4: Hà Nội từ 1945 đến nay, cũng được sắp xếp theo thời gian và vấn đề * Hà Nội từ sau Cách mạng tháng tám đến toàn quốc kháng chiến. * Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp. * Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ * Hà Nội từ 1975 đến nay. Nói chung, sắp xếp như vậy là khoa học. Rất tiếc, về công cuộc xây dựng thủ đô, phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá…có lẽ ít có những bài viết về lĩnh vực này (chỉ có 1 bài trong đề cương của Đinh Quang Hải: nhìn lại công nghiệp ở Hà Nội thời kì 1961-1965), do đó không có mục tập hợp riêng về Hà Nội thời kì xây dựng trước năm 1975. Đánh giá chung về nội dung công trình: - Các bài nhóm tác giả sưu tầm là tiêu biểu, nói về nhiều mặt của Thăng Long - Hà Nội. - Cách sắp xếp dự kiến trong Tuyển tập công trình theo diễn tiến thời gian và nhóm vấn đề là phù hợp, khoa học, giúp người đọc dễ theo dõi, hay tra cứu. 3. Cách tiếp cận của nhóm tác giả. - Về không gian: Tôi đồng ý với nhóm tác giả sưu tầm trong pham vi Hà Nội trước khi mở rộng. Vì Hà Tây mới nhập vào, nên không thể nằm trong phạm vi nghiên cứu, đưa vào sẽ loãng, những bài viết về Hà Tây chứ không phải là Hà Nội, nếu có mà ghép vào sẽ bị gò ép. - Về thời gian: Tôi cũng tán thành với quan điểm của nhóm tác giả: không chỉ lấy thời điểm bắt đầu từ khi Lý Công Uẩn đến định đô, vì Hà Nội được xây dựng và phát triển trên nền đất ấy. - Về đối tượng, về các nguyên tắc tuyển chọn mà nhóm tác giả đưa ra là cần thiết. Trong quá trình tuyển chọn, sắp xếp mà đảm bảo được tính lịch sử, tính lôgic, tính toàn diện, tính hệ thống thì giá trị khoa học của công trình càng cao. Những nguyên tắc này đã được nhóm tác giả thể hiện ngay trong xây dựng đề cương. 4. Các phương pháp thực hiện công trình: khảo sát, thu thập và tổng hợp tài liệu, phương pháp chuyên gia, phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic được sử dụng là phù hợp và sẽ đảm bảo chất lượng công trình. Kết luận: Đây là bản đề cương về công trình được chuẩn bị công phu, có tính khả thi. Nếu thực hiện được đúng như ý tưởng trong bản thảo đề cương này thì chắc chắn công trình sẽ hoàn thành có chất lượng và sớm ra mắt dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
PGS.TS. Trịnh Vương Hồng viết ngày 30/08/2011
1. Về quan niệm chung và những vấn đề đặt ra về nghiệp vụ nghiên cứu Tập thể tác giả xác định mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ của công trình là xác đáng, nhất là việc đề cao tính tiêu biểu (“tiêu biểu nhất”) về các vấn đề của lịch sử Thăng Long - Hà Nội từ khởi thủy đến nay. Việc nghiên cứu “tình hình nghiên cứu” là cần thiết, giúp nắm tổng quan vấn đề và chỉ ra định hướng và phương pháp tập hợp, lựa chọn. Cách tiếp cận được nêu ra thỏa đáng, cả về không gian, thời gian và đối tượng (sách, bài nghiên cứu) khảo sát. Các nguyên tắc tuyển chọn, trình bày được xác định cụ thể và đúng đắn. Các phương pháp nghiên cứu được lựa chọn xác đáng. Tập thể các nhà khoa học được mời “thi công” công trình (được gọi là đối tác), hầu hết là những nhà khoa học đầu ngành (về khoa học lịch sử), có uy tín cao. Các yếu tố trên hẳn sẽ giúp đề tài hoàn thành có chất lượng cao và đúng tiến độ. Ở nội dung kể trên, chúng tôi có mấy đề xuất sau: Ở mục 8 (mục đích, ý nghĩa), đề cương viết: “Đây không chỉ là công trình có giá trị khoa học đối với các nhà sử học, mà còn là tài liệu tham khảo bổ ích và cần thiết cho những người yêu Thủ đô và lịch sử Thủ đô Hà Nội”. Nên sửa “Đây là những công trình khoa học (hoặc có giá trị khoa học), và là tài liệu tham khảo bổ ích và cần thiết cho bạn đọc nói chung, cho những người yêu Thủ đô và lịch sử Thủ đô nói riêng”. Ở tr.3 (tính toàn diện và tính hệ thống) nên chăng khi nói toàn diện, cần nêu rõ “đề cập toàn diện các lĩnh vực và vấn đề…”, bởi chỉ nêu vấn đề cơ bản thì có khi dẫn đến sơ khoáng về lĩnh vực (cần đầy đủ). Cũng tr.3, tính hệ thống xếp theo nhóm vấn đề trong lĩnh vực. Nên chăng, nêu lịch sử hình thành và phát triển bộ mặt đô thị (quy hoạch, kiến trúc, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội). 2. Về kết cấu và danh mục bài tuyển chọn Kết cấu theo phân kỳ lịch sử, trong nội dung xếp theo lĩnh vực - vấn đề là xác đáng. Tuy nhiên chúng tôi xin nêu vài khía cạnh để tác giả nghĩ thêm về phần II (tr.4, tr.5). Quy hoạch phố phường (III) có thể đưa lên (II), chuyển một số bài nói về địa giới ở mục II gộp vào III cũ với tiêu đề Địa giới và cơ cấu hành chính. Bố trí như vậy sẽ giới thiệu được khái lược (lịch sử) địa giới và tổ chức xã hội Thăng Long - Hà Nội, cũng như không để lẫn nội dung địa giới vào lĩnh vực thành lũy (quân sự). Nhờ đó làm nổi bật đặc trưng đô thành, không phải là quân thành. Đời sống kinh tế - xã hội (IV) có thể đưa lên thành mục II, giới thiệu về sản xuất và sinh hoạt của cư dân Thăng Long thời đó. Nêu như trên, Hệ thống thành lũy sẽ thành mục IV. 3. Về bài chọn, chúng tôi nghĩ, hệ bài đã chọn đúng, trúng, tiêu biểu Tuy nhiên nên cân nhắc thêm: Về 60 ngày đêm… có hai bài trực tiếp là tốt. Nhưng đây là hai bài khá chung, lại chưa đặt trúng vị trí Hà Nội trong sự kiện trên. Nên chọn một bài về Hà Nội Mở đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (có thể lấy mục II, chương IV, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954, tập II, QĐND, H., 2005) (Cuốn của Trung tướng Vương Thừa Vũ và một số cuốn khác đưa vào danh mục chung). Về 60 ngày đêm, nên chọn thêm bài về chiến đấu ở Liên khu I về trận chợ Đồng Xuân, Trung đoàn Thủ đô… Nên chọn bài thay thế để không tập trung nhiều ở một tác giả bình thường (117, 120, 139). Về cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối năm 1972, nên tìm một số kỷ yếu khoa học của Bộ Quốc phòng - Quân chính Phòng không - Không quân và Thành ủy Hà Nội, nên chọn thêm một số bài tốt (chia ra cho các binh chủng). 4. Tên sách cũng có thể đặt là Thăng Long - Hà Nội hợp tuyển công trình khoa học (tập 1: Lịch sử) Tóm lại, đây là bản đề cương được xây dựng nghiêm túc, hợp lý, xác đáng. Vì bài được chọn không ghi nguồn nên người đọc chưa thể đối chiếu để đóng góp ý kiến cụ thể hơn. Đề nghị Chủ nhiệm đề tài tham khảo, chỉnh lý. Đề nghị Hội đồng khoa học nghiệm thu.
PGS.TS. Nguyễn Đình Lê viết ngày 30/08/2011
Đề cương bản thảo Thăng Long – Hà Nội, Tuyển tập các công trình nghiên cứu lịch sử 1. Biên soạn Tổng tập sách về Thăng Long ngàn năm Văn hiến nói chung trong đó có bộ sách về lịch sử Thủ Đô Thăng Long- Hà Nội vào dịp kỉ niệm Thăng Long 1000 năm là việc làm cần thiết, vừa có ý nghĩa thiết thực kỉ niệm ngày lịch sử trọng đại của dân tộc, mặt khác đây là dịp có điều kiện tợp hợp tập Tổng đại thành về đất nước, về Thủ đô ngàn năm văn hiến. 2. Đơn vị chủ trì đề tài và chủ nhiệm đề tài có đầy đủ kinh nghiệm và trách nhiệm để thực hiện đề án này. 3. Đề cương đã nêu rõ mục đích, hướng tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và đối tác nghiên cứu của công trình; nêu được yêu của chung của bộ sách trong tổng thể toàn phần tuyển tập. 4. Phần đề cương chi tiết nêu rõ những vấn đề, những nội dung và cấu trúc đề tài mà từ đó làm nền tảng cơ sở để lựa tuyển các công trình. THời gian được sắp xếp theo từng thời kỳ lịch sử, bao gồm: Trước định đô, Trong kỉ nguyên độc lập, Trong thời kỳ cận đại và Từ năm 1945 đến 2010. Các chủ đề cụ thể trong các phần trên phản ánh hết các công trình nghiên cứu lịch sử Hà Nội trong 10 thế kỉ qua. 5. Các danh mục trong đề cương đã phản ánh cơ bản các công trình nghiên cứu của các tác giá trong và ngoài nước về lịch sử Thăng Long – Hà Nội trong thời gian trên. Tuy nhiên có thể cần bổ sung thêm một số công trình ở thời kỳ lịch sử từ 1945 đến nay (ví dụ như một số bài viết của Hồ Chủ tịch về Hà Nội…) 6. Dự kiến kết quá nghiên cứu như đề cương đã nêu là hoàn toàn có cơ sở khoa học. 7. Tiến độ nghiên cứu phù hợp với thời lượng cần phải có của một đề tài và kịp với lễ kỉ niệm ngàn năm Thủ đô văn Hiến. 8. Kết luận: đề nghị thông qua bản đề cương và các cơ quan tiến hành các thủ tục cần thiết để các tập trong Bộ Tổng tập Thủ đô Hà Nội Ngàn năm Văn hiến sớm ra mắt bạn đọc, đáp ứng yêu cầu của mọi giới nhân dân trong cả nước.
PGS.TS. Trần Thị Vinh viết ngày 30/08/2011
Thăng Long - Hà Nội có bề dầy lịch sử hàng nghìn năm nên Thăng Long - Hà Nội thường xuyên là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Đã có bao công trình nghiên cứu, cũng như bao bài báo khoa học viết về Thăng Long - Hà Nội từ khởi thuỷ cho đến nay, nhưng những công trình và bài viết ấy hiện đang nằm rải rác ở nhiều nơi rất khó khăn cho người sử dụng khi muốn tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội. Để thuận tiện cho việc sử dụng, tra cứu và tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội nhân dịp kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội một nghìn năm tuổi, Nhà xuất bản Hà Nội có chương trình xây dựng Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” trong đó có tập sách Thăng Long tuyển tập công trình nghiên cứu về lịch sử là một việc làm hết sức cần thiết. Bản thuyết minh đề tài do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc xây dựng nhìn tổng thể là một đề cương tốt, có tính thuyết phục và mang tính khả thi. Mục đích của đề tài là tập hợp, tuyển chọn và giới thiệu những bài viết tiêu biểu nhất về các vấn đề của lịch sử Thăng Long - Hà Nội từ khởi thuỷ cho đến nay, giới hạn như vậy là cần thiết, vì viết về các vấn đề lịch sử của Thăng Long - Hà Nội từ xưa cho đến nay không phải là ít, nếu như không dừng ở việc tuyển chọn những bài viết tiêu biểu thì sẽ khó phục vụ tốt cho người đọc khi tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội. Nguyên tắc tuyển chọn và trình bày được đề cương vạch ra là tuân theo trình tự thời gian và theo nhóm chủ đề, như vậy là rất tốt, sẽ giúp người sử dụng dễ dàng tra cứu. Nhưng, đi vào kết cấu nội dung tuyển chọn thì ở Phần thứ nhất (Hà Nội trước khi định đô) và Phần cuối (Hà Nội từ năm 1945 đến nay) lại không thấy chia đề mục theo nhóm chủ đề. Khi đề tài triển khai nên được bổ sung các nhóm vấn đề vào hai phần này cho thống nhất với các phần khác thì tốt hơn. Về kết cấu nội dung, ở trang 3 của đề cương chỉ nêu công trình gồm 4 phần (Phần mở đầu và ba phần chính), nhưng thực tế trong đề cương lại trình bày 5 phần (Phần mở đầu và 4 phần chính, gồm Hà Nội trước định đô, Hà Nội trong kỷ nguyên độc lập, Hà Nội thời kỳ cận đại và Hà Nội từ năm 1945 đến nay). Phần thứ hai: Hà Nội trong kỷ nguyên độc lập có thể sửa thành Hà Nội từ khi định đô đến trước thời cận đại (hoặc đến thế kỷ XIX) thì hợp lý hơn. Mốc thời gian của các bài viết về các vấn đề nêu trong đề cương là phản ánh đúng giai đoạn lịch sử đó. Nếu lấy tên Hà Nội trong kỷ nguyên độc lập thì chưa được chuẩn lắm, vì trong giai đoạn lịch sử dài này cũng vẫn có một thời kỳ bị nhà Minh đô hộ. Các bài tuyển chọn nên mở rộng nhiều hơn nữa đối với những bài viết hoặc sách đề cập tới vùng ngoại thành Hà Nội thời kỳ trước khi mở rộng địa giới. Về thời gian thực hiện: Nếu đề tài chỉ đ¬ược thực hiện trong 6 tháng mà công việc tiến hành với việc phê duyệt thực hiện còn vênh nhau thì đề cương cũng nên được chỉnh lại tiến độ thực hiện cho phù hợp. Về kinh phí: Ch¬ưa thấy trong đề c¬ương kê khai mục kinh phí thực hiện đề tài. Tuy chỉ là công việc tuyển chọn các bài viết và các sách đã xuất bản về các vấn đề lịch sử Thăng Long - Hà Nội, nhưng khối lượng công việc rất lớn và việc đọc, thẩm định để tuyển chọn được những bài viết có chất lượng cũng đòi hỏi một Ban tư vấn chuyên môn có trình độ, vì vậy kinh phí đầu tư cho việc này cần phải hợp lý. Kết luận: Đề c¬ương Thăng Long - Hà Nội tuyển tập công trình nghiên cứu (Tập I: Lịch sử) do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc và nhóm công trình xây dựng đã đảm bảo đ¬ược những yêu cầu cơ bản của một công trình tuyển chọn. Công trình mang tính khả thi cao vì đây là công việc đã đ¬ược chủ nhiệm đề tài và nhóm tác giả quan tâm, thực hiện từ trư¬ớc. Công trình này nên sớm đ¬ược phê duyệt để nhóm tác giả tiến hành cho đúng tiến độ. Công trình Thăng Lon g- Hà Nội tuyển tập công trình nghiên cứu( Tập I : Lịch sử) là rất cần thiết vì nó sẽ phục vụ rất tốt cho nhiều đối tượng khi tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội nên công trình này cần phải đ¬ược đầu tư¬ kinh phí thoả đáng để thực hiện.
PGS.TS. Trần Thị Vinh * viết ngày 12/04/2010
Thăng Long - Hà Nội là thủ đô lâu đời của đất nước nên đã được các học giả trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu khá nhiều. Đặc biệt về lĩnh vực lịch sử, đã có không ít các công trình nghiên cứu, cũng nh¬ư các bài báo khoa học đề cập tới Thăng Long - Hà Nội từ cội nguồn cho đến nay, như¬ng những công trình và bài viết ấy hiện đang còn nằm rải rác ở các nơi, rất khó cho ng¬ười sử dụng khi muốn tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy, Nhà xuất bản Hà Nội đã đưa tập sách Thăng Long-Hà Nội: Tuyển tập công trình nghiên cứu lịch sử vào Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” là một việc làm hết sức cần thiết. Tập bản thảo do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc làm chủ nhiệm đã hoàn thiện rất tốt việc tuyển chọn, gồm 140 đầu mục bài viết, được sắp xếp thành 4 phần chính và một phần mở đầu với dung lượng 1270 trang trên khổ giấy A4. Kết cấu của cuốn sách được sắp xếp theo trình tự thời gian: Thăng Long - Hà Nội trước định đô, Thăng Long - Hà Nội trong kỷ nguyên Đại Việt, Hà Nội thời Pháp thuộc và Hà Nội từ năm 1945 đến nay, như vậy là hoàn toàn hợp lý. Trong mỗi bài tuyển chọn đều có chú thích xuất xứ nguồn chính xác, điều này rất cần thiết vừa đảm bảo tính khoa học vừa tiện lợi cho người sử dụng khi phải tra cứu bản gốc. Trong 4 phần chính, có Phần thứ hai và Phần thứ ba, các bài nghiên cứu được sắp xếp thành từng chủ đề rất tốt và rất dễ cho người sử dụng. Còn Phần thứ nhất và Phần thứ tư thì chưa làm được như vậy. Nhưng có lẽ do những công trình nghiên cứu trong hai giai đoạn này có phần tản mạn nên khó có thể sắp xếp theo chủ đề như ở hai phần kia được. Nếu nhìn tổng quát thì cuốn sách chưa được nhất quán cho lắm giữa các phần nhưng cũng không vì thế mà giảm đi chất lượng của các công trình được tuyển chọn.
PGS.TS. Nguyễn Đình Lê viết ngày 12/04/2010
1. Tuyển tập công trình nghiên cứu lịch sử, bao gồm các bài viết của các nhà nghiên cứu tập trung quanh chủ đề lịch sử ngàn năm Thăng Long do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc làm chủ nhiệm là đề tài quan trọng, phục vụ tốt kỉ niệm niệm 1000 năm Thăng Long. 2. Tuyển tập gồm 140 công trình gồm các bài viết được tuyển chọn của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước (chủ yếu trong nước) đã toát lên những nội dung căn bản, cốt yếu của lịch sử Thủ đô. Tập tuyển chọn này có ý nghĩa khoa học, giúp người đọc hệ thống được các kiến thức cơ bản về lịch sử Thủ đô Hà Nội. 3. Chất lượng các bài tuyển chọn cao, gồm các công trình của các nhà nghiên cứu chuyên ngành (Nghiên cứu Lịch sử, Khảo cổ học, Dân tộc học…). 4. Nội dung chủ đề được sắp xếp khá tập trung, gồm phần Thăng Long trước định đô, Thăng Long trong kỉ nguyên Đại Việt, Thăng Long thời Pháp thuộc và Thăng Long trong lịch sử Việt Nam hiện đại (1945 đến thời kỳ đổi mới). Chia thời kỳ như vậy là phù hợp, khách quan, đúng lịch sử Thăng Long. 5. Các tiết trong các thời kỳ được sắp xếp phù hợp và khái quát được lịch sử Thăng Long qua các chủ đề cụ thể, như qui hoạch phố phường, thành lũy, đời sống kinh tế - xã hội, kháng chiến chống ngoại xâm, kháng chiến chống thực dân Pháp, trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, đời sống kinh tế - xã hội thời Pháp thuộc, Hà Nội trong năm đầu sau cách mạng Tháng 8 (1945), Hà Nội trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Hà Nội trong thời kỳ từ thống nhất nước nhà đến hiện tại. Phân mục như vậy là khoa học, tiện tra cứu. 6. Nguồn tư liệu có ghi xuất xứ rõ ràng. Tóm lại, dù công trình là bộ sưu tầm các bài viết đăng trên các tạp chí, nhưng vì có chọn lọc, lựa tuyển công phu nên công trình này có giá trị khoa học và chắc chắn sẽ là một công cụ tra cứu bổ ích cho công việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập cho những người quan tâm đến chủ đề Hà Nội - Thăng Long qua nhiều góc độ khác nhau.
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi  viết ngày 12/04/2010
Tập bản thảo “Thăng Long- Hà Nội tuyển tập công trình nghiên cứu (Tập I: Lịch sử)” được biên soạn, tuyển chọn trên cơ sở bản đề cương được thông qua lần trước. Tập bản thảo là tập hợp các bài nghiên cứu có chất lượng và tiêu biểu về lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Tập bản thảo rất đồ sộ gồm 1270 trang khổ A4 với 135 bài của 104 tác giả, trong đó có nhiều bài viết hay của những tác giả nổi tiếng trong làng nghiên cứu sử. Nội dung sách được bố cục theo vấn đề và trình tự thời gian với tổng thể gồm 5 phần (không kể Lời giới thiệu và Mục lục). Phần Mở đầu gồm 5 bài (40 trang); Phần thứ nhất: Thăng Long - Hà Nội trước định đô gồm 14 bài (153 trang); Phần thứ hai: Thăng Long - Hà Nội trong kỷ nguyên Đại Việt, gồm 5 mục với tổng số 44 bài (515 trang); Phần thứ ba: Hà Nội thời Pháp thuộc, gồm 4 mục, 37 bài (242 trang); Phần thứ tư: Hà Nội từ 1945 đến nay, gồm 4 mục 35 bài (306 trang). Với một tập hợp được tuyển chọn tập trung thể hiện được cả “điểm” và “diện” trong bản thảo như vậy là chứng tỏ sự đầu tư công sức cao của tập thể nhóm biên soạn do GS.TS Nguyễn Quang Ngọc chủ trì .
GS.TS. Đỗ Thanh Bình viết ngày 12/04/2010
Đây là một công trình mang nhiều ý nghĩa là đóng góp đáng trân trọng trong dịp Đại Lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, không chỉ là một công trình khoa học có giá trị còn là một tài liệu quý, cung cấp cho người dân Hà Nội và người dân trong cả nước, thậm chí cả người nước ngoài, có những hiểu biết khá đầy đủ về Thủ đô xưa và nay. Do vậy, việc sưu tầm, tuyển chọn, biên tập và xuất bản cuốn sách là cần thiết. Đến nay, công việc sưu tầm, tuyển chọn, sắp xếp, biên tập bước đầu đã hoàn thành với 1270 trang (không kể phần giới thiệu cuốn sách - chưa được viết của nhóm tác giả). Số trang so với dự kiến đề cương (1000 trang), có tăng lên, nhưng tôi cho như thế là vừa phải, không nên giảm đi. Độ dày ấy cũng thể hiện sự bề thế của công trình. Các tác giả về cơ bản đã trung thành với ý tưởng đề cương khi đưa ra bảo vệ. Cấu tạo cuốn sách thành 5 phần: phần mở đầu với những bài chốt của các nhà nghiên cứu giới thiệu tổng quan về Thăng Long - Hà Nội, 4 phần còn lại được các tác giả sắp xếp theo thời gian, qua từng thời kì lịch sử của Thủ đô và theo vấn đề (ngay trong từng vấn cũng được các tác giả cố gắng sắp xếp theo thời gian để thể hiện sự phát triển của Thủ đô). Tôi tin rằng việc thiết kế như thế là rất khoa học, chặt chẽ, đảm bảo tính lôgic, tính toàn diện, tính lịch sử, do đó người đọc dễ tra cứu khi có nhu cầu.
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá