|
GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ viết ngày 25/08/2011
1. Về tính cấp thiết và ý nghĩa của công trình:
Đề tài có ý nghĩa khoa học, mang tính thời sự cao, thiết thực phục vụ đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Là tài liệu tra cứu cần thiết cho việc tìm hiẻu toàn diện trên nhiều bình diện và lĩnh vực như lịch sử, vùng đất, con người thủ đô.
Đề tài kịp thời bổ sung cho Tủ sách Thăng Long - Ngàn năm văn hiến một bộ công cụ hữu ích, lần đầu được sưu tập, biên soạn và công bố ở Việt Nam.
2. Nội dung công trình
Theo dự kiến, sách liệt kê các tác phẩm, công trình có liên quan nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội được công bố dưới dạng sách, chủ yếu bằng chữ Hán - Nôm; phân tích, đánh giá cụ thể những ván đề còn tồn tại, hạn chế của các tác phẩm, công trình nghiên cứu trước và các yếu tố, các nội dung cần đặt ra trong khuôn khổ đề tài.
Cuốn sách được thực hiện theo trình tự:
1- Tập hợp phiếu thông tin tại các trung tâm lưu trữ và các cuốn thư mục đã có trước
2- Phân loại theo loại hình tư liệu
3- Quy đổi đơn vị hành chính.
4- Lập bảng địa danh
5- Tổng quan và giới thiệu nguồn tư liệu
3. Kết quả nghiên cứu và các sản phẩm
Bộ thư mục tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội đã tập hợp tối đa các tư liệu, trong đó phần lớn đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Thông tin khoa học xã hội, Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 và các cơ quan lưu trữ, nghiên cứu khoa học khác ở Trung ương và Hà Nội.
Bản thảo sách gồm 5 phần:
1- Tư liệu văn khắc
2- Tư liệu hương ước
3- Thư liệu thần tích, thần sắc
4- Tư liệu địa bạ
5- Các tư liệu Hán Nôm khác
Các mục từ trong mỗi phần đều được xếp theo thứ tự Alphabet
Tổng độ dày bản thảo trên 1100 trang
Với các chỉ dẫn của sách (được hệ thống hóa và chi tiết), độc giả có thể tra cứu một số vấn đề có liên quan đến địa lý, lịch sử, văn hóa... trong khuôn khổ không gian 29 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã của Thủ đô tính đến thời điểm năm 2010. Đó thực sự là một cuốn sách công cụ bổ ích cho việc nghiên cứu và giới thiệu về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội 1000 năm.
Đây cũng là một công trình khoa học bổ ích và cần thiết, vượt lên trên tầm vóc của một cuốn Thư mục tra cứu thông thường.
Bản thảo sách vẫn còn có một số lỗi đánh máy cơ học.
Sách cần có thêm mục lục (toàn phần hoặc cho mỗi phần) để người đọc tiện tra cứu.
4. Kết luận:
Sách được biên soạn trên cơ sở tiếp thu những thành tựu của một số công trình đã có từ trước, có bổ sung, chỉnh lý, sắp xếp cho phù hợp.
Bản thảo sách đáp ứng những yêu cầu đặt ra về mặt khoa học.
Sau khi biên tập lại (chỉnh sửa về mặt kĩ thuật và mĩ thuật) có thể xuất bản để phục vụ yêu cầu bạn đọc.
|
|
PGS.TS. Nguyễn Công Việt viết ngày 25/08/2011
1. Đề tài
Hiện nay việc khai thác nghiên cứu về lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội đang được các cấp các ngành quan tâm thực hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, trong đó việc khai thác tư liệu Hán Nôm được coi là nền tảng trong nghiên cứu nói chung. Xây dựng và hoàn chỉnh đề tài thư mục tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội là đề tài có ý nghĩa văn hóa và sự cần thiết.
2. Nội dung
Ngoài phần giới thiệu khái quát về giá trị của nguồn tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội, trọng tâm chính của đề tài được chia làm 5 phần mục khác nhau
1. Thư mục tư liệu văn khắc
2. Thư mục tư liệu hương ước
3. Thư mục tư liệu thần tích, thần sắc
4. Thư mục tư liệu thần tích, thần sắc.
5. Thư mục tư liệu Hán Nôm khác.
Nội dung thư mục đã được giới thiệu trình bày khá đầy đủ qua các tiêu chí khác nhau từ tên tư liệu, địa danh cũ và mới, hình thức mô tả, niên đại, tác giả, tóm tắt nội dung.v.v... về cơ bản đáp ứng được thư mục của các tư liệu Hán Nôm. Nhìn chung đã định hình được về cơ bản nội dung của một cuốn sách Thư mục.
3. Một vài điểm trao đổi với nhóm công trình
- Về tên đề tài và tên phần mục
Về tên đề tài đây là tập hợp thư mục của một số loại tư liệu Hán Nôm nói về Thăng Long - Hà Nội, nên chăng đặt là Thư mục tư liêu Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội thì phù hợp hơn.
Phần thứ nhất Tư liệu văn khắc ở đây 100% là bi kí nên có thể đặt ngay là Tư liệu văn bia, bởi tư liệu văn khắc khá rộng bao gồm cả chuông, khánh, hoành phi, câu đối, ấn chương, vũ khí, cổ vật... với các chất liệu khác nhau có khắc văn tự Hán Nôm...
- Lời nói đầu cần viết kĩ hơn, khái quát chung về mỗi loại hình tư liệu Hán Nôm được thể hiện dưới dạng thư mục. Giới thuyết chung là điều cần thiết đối với dạng sách như quyển thư mục này; nó làm tăng thêm ý nghĩa giá trị của cuốn sách và để người đọc tiện theo dõi.
- Ờ mỗi phần cũng nên có lời dẫn về xuất xứ, nội dung, hình thức... của mỗi loại tư liệu tương ứng.
- Phần thứ 2 Tư liệu hương ước. Lưu ý ghi về huyện Phú Xuyên từ trang 434 đến 462 một số trang nhầm lẫn giữa tỉnh Hà Đông và Hà Nội. Xem lại tên địa phương cấp đơn vị hành chính tương ứng với thời kì lịch sử.
- Phần thứ 3: Tư liệu thần tích thần sắc, lưu ý niên đại ghi ở một số văn bản Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Nguyễn Hiền sao năm Vĩnh Hựu 1 (1735)? Thực ra đây là bản sao cuối thời Nguyễn.
- Phần thứ 5 Tư liệu Hán Nôm khác: Có thể bổ sung thêm một số văn bản khác cũng nằm trong địa phương chí có xuất xứ rõ ràng để phần này khỏi bị ngắn cụt đơn điệu chỉ là một tài liệu xã chí.
- Các tiêu chí của mối loại hình thư mục cũng cần được sắp xếp trình tự thống nhất để bạn đọc tiện tra cứu theo dõi...
* Tóm lại : Đây là một đề tài có ý nghĩa văn hóa và sự cần thiết đã định hình được về cơ bản nội dung của một cuốn sách. Các tác giả nên cố gắng hoàn thiện hơn nữa theo ý kiến của Hội đồng để cuốn sách đảm bảo chất lượng nội dung, sớm xuất bản ra mắt bạn đọc.
|
|
PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn viết ngày 25/08/2011
1. Về ý nghĩa khoa học của công trình
- Thăng Long- Hà Nội sẽ không trở thành một trung tâm văn hóa lớn của dân tộc trong cả nghìn năm lịch sử một cách đầy đủ nếu thiếu đi những di sản văn hóa thành văn đã được sáng tạo và lưu giữ. Vì vậy, việc nghiên cứu một cách toàn diện về di sản văn hiến Thăng Long – Hà Nội là đương nhiên cần thiết. Một hệ thống thư mục về kho di sản này, lẽ ra phải là công trình cần làm từ lâu, cần làm trước mọi công trình khác. Nói như vậy để khẳng định rằng, công trình Thư mục văn hiến Thăng Long- Hà Nội là hết sức cần thiết và có ý nghĩa khoa học nhiều mặt. Bản thân công trình có ý nghĩa học thuật trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa thành văn của TL-HN, mà nó còn có ý nghĩa thúc đẩy việc nghiên cứu của các ngành khác và các nghiên cứu liên ngành cùng phát triển. Công trình này cũng không trùng lặp với bất cứ công trình nào đã được triển khai.
2. Những ưu điểm cơ bản của công trình
- Công trình được biên soạn công phu, tỷ mỷ, chi tiết ( Công trình gồm trên 1100 trang – đề cương dự kiến 3000 ?), chú ý tới phục vụ tra cứu khai thác.
- Công trình đã bao quát được các mảng quan trọng nhất của tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội.
- Cách mô tả thông tin cho từng mục là tương đối hợp lý, khoa học, dễ sử dụng, nhiều thông tin hữu ích.
- Công trình thể hiện rõ tính chuyên nghiệp, tính khoa học và tính tỷ mỷ chi tiết của những người tham gia biên soạn công trình này.
3. Trao đổi:
- Việc đặt tên các phần: Phần thứ nhất Tư liệu văn khắc và các phần còn lại là Tư liệu địa bạ; Tư liệu thần tích thần sắc; Tư liệu Hán Nôm khác; Tư liệu hương ước, … là không ổn, vì gọi văn khắc là gọi theo cách thể hiện và chất liệu thể hiện, còn các loại khác gọi theo loại văn bản. Trong trường hợp các hương ước và thần tích, khoán lệ ghi trên bia đá hoặc khắc trên các chất liệu khác thì xử lý như thế nào?
- Với tính chất là một tập thư mục, các đối tượng được đề cập tới chủ yếu ở mức đề yếu, thì việc đưa vào đó nhiều thông tin có phần quá tỷ mỷ, trong khi đó thông tin về tình hình của tư liệu ( với tính chất là một văn bản) , việc lưu giữ tư liệu thì không được đề cập tới.
- Đây là công trình giới thiệu về tư liệu văn hiến trước 1945, chủ yếu là tư liệu Hán Nôm, vì vậy việc đưa chữ Hán vào cho phần tên tư liệu, địa danh, nhân danh là hết sức cần thiết.
- Phần cuối cùng: Tư liệu Hán Nôm khác, theo đề cương còn gồm tư liệu địa chí, văn thơ, gia phả, cổ chỉ, xã chí… nhưng trong thực tế công trình mới chỉ có phần về xã chí.
- Tư liệu văn hiến về Thăng Long còn có tư liệu lịch sử, các bộ sử các loại, các văn bản hành chính, truyện ký, chính trị, giáo dục… không thấy nhắc tới
Đánh giá chung:
Công trình đạt chất lượng tốt, có giá trị khoa học. Tài liệu sau khi điều chỉnh, hoàn thiện có thể xuất bản được.
|
|
GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ viết ngày 25/08/2011
1.Về Mục đích, ý nghĩa của sách :
Đây là cuốn sách giới thiệu các tư liệu (chủ yếu viết bằng chữ Hán, Nôm) có liên quan đến các vấn đề (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội) của Thăng Long - Hà Nội qua các thời kì lịch sử.
Những tài liệu nói trên được ghi chép trên những chất liệu khác nhau và dưới những hình thức khác nhau được lưu giữ (hoặc nguyên bản, hoặc thác bản) tại các trung tâm lưu trữ, các cơ quan,Viện nghiên cứu ở khắp nơi trong cả nước, đặc biệt là tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội.
Trọng tâm khai thác của đề tài là các văn bia, hương ước, địa bạ, thần tích, thần sắc, gia phả... được tập hợp, giới thiệu trong phạm vi hành chính của thành phố Hà Nội hiện nay (2010) có nghĩa là bao gồm cả vùng đất mới được sáp nhập về Hà Nội (tháng 10 năm 2008)
Sách chủ trương sưu tầm, biên soạn tư liệu trên cơ sở đảm bảo 3 tính chất:
- Tính toàn diện (sưu tầm triệt để các loại hình tư liệu chữ viết (chủ yếu là chữ Hán Nôm) có giá trị khoa học
- Tính cơ bản: Giới thiệu những thông tin cơ bản về từng tư liệu theo các nguyên tắc của khoa học thư mục.
- Tính tiện ích (phục vụ các đối tượng và mục đích khác nhau khi sử dụng sách)
2. Dự kiến về cấu tạo sách:
Công trình ngoài phần giới thiệu khái quát về giá trị của nguồn tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội, sẽ đi vào hai phần nội dung
Phần thứ nhất: Thư mục tư liệu văn hiến Tháng Long - Hà Nội
Gồm: Thư mục tư liệu văn khắc, Thư mục tư liệu hương ước, Thư mục tư liệu địa bạ và Thư mục tư liệu thần tích, thần sắc
Phần thứ hai: Sách dẫn
Phần này phục vụ tra cứu theo địa danh hành chính hiện đại, như thành phố, quận huyện, phường, xã, thôn... có chú giải để người đọc có thể nhận biết và tra cứu, đối chiếu, so sánh.
3. Dự kiến về kết quả, khối lượng công trình :
Công trình dự kiến có 3 tập, với khoảng 3000 trang sách (khổ 16x24 cm), trong đó phần tư liệu và phần tra cứu theo địa danh khoảng 200trang.
4. Kết luận chung:
Như vậy, cùng với các cuốn sách: Thăng Long - Hà Nội tuyển tập tư liệu tiếng phương Tây; Thăng Long - Hà Nội, thư mục công trình nghiên cứu... lần này, sách Thư mục tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội tiếp tục giới thiệu về sác công trình nghiên cứu về Tháng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi qua mảng tư liệu hết sức quan trọng là tư liệu Hán Nôm.
Đây là công việc hết sức quan trọng, cần thiết, không thể bỏ qua, nếu không muốn nói là có ý nghĩa cốt tử khi nghiên cứu về Hà Nội cổ.
Ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề thì đã rõ.
Vấn đề còn lại là công việc của các tác giả, các nhà nghiên cứu và ban chủ nhiệm đề tài.
Đọc bản đề cương sách, chúng tôi thấy cách tiếp cận vấn đề, phương pháp nghiên cứu, nguyên tắc định hướng và cách thức tổ chức bản thảo về cơ bản là phù hợp, có thể triển khai.
Tuy nhiên, để cuốn sách có tính đồng bộ với các công trình đã được biên tập và chuẩn bị xuất bản, chúng tôi thấy nên chăng tên sách cần chỉnh sửa, thay vì tên dự kiến hiện nay bằng một tên khác, hợp hơn, ví dụ nên lấy tên sách là: Thăng Long - Hà Nội, tuyển tập tư liệu văn hiến: Tư liệu Hán Nôm, như vậy, sách sẽ là sự tiếp nối các công trình đi trước, ví như công trình do PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ biên soạn (Tư liệu tiếng phương Tây)
Ngay cả tên dự kiến trong đề cương: Thư mục tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội, theo tôi cũng cần suy nghĩ, chỉnh sửa cho thật chuẩn xác, vì người ta hay nói Mục lục tư liệu, Danh mục, còn Thư mục (tức là tên sách thì phải xem lại vì tư liệu thu thập bao gồm nhiều chủng loại chứ không phải chỉ có tên sách).
Phần dự kiến tiến độ thực hiện công trình, vì đề cương không ghi nên chúng tôi không có ý kiến. Chỉ biết rằng, cho dù các tài liệu đã có sẵn thì việc điều tra sắp xếp lại cho hợp lý, hiệu đính, hiệu chỉnh cho chuẩn xác, nhất là phần bổ sung tư liệu mới có liên quan dến các vùng đất mới sáp nhập về Hà Nội... cũng chiếm mất khá nhiều thời gian và sức lực.
Tuy nhiên, với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, tâm huyết, chắc chắn công trình sẽ được hoàn thành với khối lượng và thời gian như dự kiến.
|
|
TS. Nguyễn Công Việt viết ngày 25/08/2011
1. Đề tài
Hiện nay việc khai thác nghiên cứu về lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội được các cấp các nghành quan tâm thực hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, trong đó việc khai thác tư liệu Hán Nôm được coi là nền tảng trong nghiên cứu nói chung. Xây dựng và hoàn chỉnh đề tài thư mục tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội là đề tài có ý nghĩa khoa học và cấp thiết.
2. Đối tượng nghiên cứu của đề tài bao gồm cả tư liệu hiện vật văn khắc và tư liệu thư tịch Hán Nôm viết về Thăng Long - Hà Nội hiện được bảo lưu ở thu đô Hà Nội. Cơ sở tư liệu như vậy là phong phú đa dạng, có xuất xứ rõ ràng, đáng tin cậy đảm bảo về mặt khoa học cho việc hoàn thành đề tài.
3. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng phương pháp thu thập từ phiếu tư liệu, thống kê phân loại. Phương pháp như vậy là hợp lý, song ở đây nên bổ sung thêm phương pháp văn bản học Hán Nôm trong phân loại, đối chiếu tư liệu.
4. Nội dung
Ngoài phần giới thiệu khái quát về giá trị của nguồn tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội, đề tài được chia thành 2 phần chính.
Phần thứ nhất: Thư mục tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Phần thứ 2: Sách dẫn.
Phần thứ nhất là trọng tâm chính của đề tài được chia làm 5 mục khác nhau.
1. Thư mục tư liệu văn khắc.
2. Thư mục tư liệu hương ước.
3. Thư mục tư liệu địa bạ.
4. Thư mục tư liệu thần tích, thần sắc.
5. Thư mục tư liệu Hán Nôm khác (gia phả, địa chí, thơ văn...).
Các mẫu thư mục đã được giới thiệu trình bày khá đầy đủ qua các tiêu chí khác nhau từ tên tư liệu, địa danh cũ và mới, hình thức mô tả, niên đại, tác giả, tóm tắt nội dung ... về cơ bản đáp ứng được mẫu phiếu thư mục của các tư liệu Hán Nôm.
Phần thứ hai là phần Sách dẫn mục đích phục vụ việc tra cứu theo địa danh hành chính thời hiện tại được sắp xếp theo cấp đơn vị hành chính từ tỉnh xuống đến thôn, xóm. Ở đây được sắp theo 2 cấp hành chính là tỉnh và quận, huyện trong đó có cấp cơ sở thấp nhất.
5. Một vài điểm trao đổi với nhóm công trình.
- Trong phần thứ nhất, mục A Thư mục tư liệu văn khắc nếu tư liệu hầu hết là bi kí thì có thể đặt ngay tên là Thư mục tư liệu văn bia bởi tư liệu văn khắc khá rộng bao gồm cả chuông, khánh, biển gỗ, hoành phi, câu đối, vũ khí, cổ vật với các chất liệu khác nhau có khắc văn tự Hán Nôm.
- Trong mục E Thư mục tư liệu Hán Nôm khác thì tiểu mục xã chí nên đưa lên nằm trong tiểu mục Thư mục tư liệu địa chí bởi xã chí cũng nằm trong địa phương chí của địa chí nói chung (địa chí gồm quốc chí và địa phương chí).
- Các tiêu chí của mỗi loại thư mục cũng cần được sắp xếp có trình tự, thống nhất để bạn đọc tiện tra cứu, theo dõi,.
*Tóm lại : Đây là một đề tài có ý nghĩa khoa học và cần thiết, nội dung đã đáp ứng được yêu cầu của một để cương đề tài khoa học. Nhóm tác giả có đủ kinh nghệm và trình độ chuyên môn để hoàn thành đề tài. Thời gian nên chăng mở rộng hơn để đảm bảo chắc chắn tính khả thi của một đề tài khoa học
|