|
PGS.TS. Vũ Văn Quân viết ngày 30/08/2011
Sách “Hà Nội qua số liệu thống kê 1945 - 2008” do tác giả Nguyễn Thị Ngọc Vân làm chủ biên có một vị trí quan trọng trong cơ cấu “Tủ sách sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Bởi lẽ, nó là lịch sử Thủ đô thời kỳ hiện đại nhưng được thể hiện chủ yếu bằng hệ thống các con số và ý nghĩa to lớn của nó còn ở chỗ nó là nguồn tư liệu gốc - cơ sở cho việc nghiên cứu Hà Nội trên nhiều phương diện.
Cấu trúc sách gồm hai phần: phần bình và phần thống kê số liệu. Đó là một cấu trúc thông thường và hợp lý. Phần bình luận cơ bản được “chiết xuất” từ các số liệu thống kê nhưng người viết đồng thời cũng kết hợp với sự hiểu biết rộng rãi của mình mà trình bày vấn đề. Trong phần thống kê số liệu, sách đã căn bản bám theo trình tự thời gian và phân đoạn dựa trên sự phân đoạn lịch sử Việt Nam và lịch sử Thủ đô Hà Nội hiện đại cũng là hợp lý. Trong từng phân đoạn, các số liệu bao gồm tương đối toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội Thủ đô, trong đó tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Một số lưu ý cùng chủ biên và các tác giả.
- Dường như có gì đó chưa thật tương xứng lắm giữa tên sách và nội dung (tên sách rộng hơn nội dung thể hiện)
- Phần bình luận đôi chỗ đi xa hơn các số liệu thống kê (nên chỉ giới hạn chủ yếu từ các số liệu thống kế - tất nhiên đây được coi như một luận văn khoa học nên nó tuỳ thuộc rất nhiều vào người viết)
- Cần thống nhất cách trình bày (như có nên đánh số thứ tự các bảng thống kê hay không).
- Trong nhiều bảng ở phần các số liệu chung, các tháng chỉ hoàn toàn viết bằng tiếng Anh e không ổn (cần phải viết tiếng Việt trước sau chua thêm tiếng Anh như các bảng khác).
Nhìn chung, đây là một bản thảo nghiêm túc, khoa học, chất lượng và có giá trị cao - rất cần cho nghiên cứu Hà Nội và về mặt thực tiễn. Tôi đánh giá cao nỗ lực của các tác giả và đồng ý nghiệm thu công trình này. Các tác giả chính sửa theo góp ý của Hội đồng trước khi xuất bản.
|
|
Bà Nguyễn Thị Chiến viết ngày 30/08/2011
Cuốn sách Hà Nội qua số liệu Thống kê 1945-2008” là một trong những ấn phẩm có ý nghĩa trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến hướng tới Đại lễ Nghìn năm Thăng Long Hà Nội. Là một cuốn sử về Thủ đô được viết bằng số, phác hoạ sống động sự phát triển của Thủ đô hơn 60 năm qua.
Về kết cấu của bản thảo:
Chặt chẽ, hợp lý, rõ ràng theo sát Đề cương đã được Hội đồng thẩm định kết luận, gồm 2 phần riêng biệt: (1) Tổng quan kinh tế xã hội Hà Nội và (2) Số liệu thống kê kinh tế - xã hội Hà Nội 1945-2008. Phần Tổng quan kinh tế xã hội Hà Nội, đã phân chia thành phần khái quát các điều kiện tự nhiên và phân bố hành chính của Hà Nội và phần chính tập trung đánh giá động thái, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, với 3 thời kỳ phát triển đó là thời kỳ từ khi cách mạng tháng Tám thành công đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1945 - 1975); thời kỳ từ giải phóng miền Nam đến trước đổi mới 1976 - 1985, và thời kỳ từ khi đổi mới đến nay (1986 - 2008). Năm 2008 đồng thời là năm Thủ đô được thay đổi lớn về địa giới hành chính, với sự nhập vào của Hà Tây, huyện Mê Linh và 4 xã của Hoà Bình. Trong các thời kỳ trên, có phân kỳ theo các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Phần số liệu đã được thiết kế theo lát cắt ngang và chia làm 3 giai đoạn rõ rệt, gắn với các thời kỳ phát triển chung của cả nước, đó là các thời kỳ 1945 - 1975; thời kỳ 1976 - 1985; thời kỳ 1986 - 2010. Trong mỗi thời kỳ, các biểu số liệu đều được bố trí theo thứ tự: dân số, lao động, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, mức sống dân cư. Bên cạnh đó, trên cơ sở số liệu thu thập và tổng hợp được, đã thiết kế bổ sung thêm một Phần số liệu tổng hợp chung với các chỉ tiêu được liệt kê theo chuỗi thời gian dài, nhiều tư liệu.
Về nội dung bản thảo:
Phần tổng quan kinh tế xã hội Hà Nội, trước hết đã khái quát được các đặc điểm tự nhiên và hành chính của Hà Nội về vị trí địa lý, đặc điểm khí hậu, đặc điểm địa hình và đất đai, sông hồ, đặc biệt là các hồ có tên tuổi gắn với các truyền thuyết và những nhân vật lịch sử làm cho thông tin bằng số thêm nổi bật và thú vị. Phần phân bố hành chính chỉ rõ các năm mốc điều chỉnh địa giới hành chính của Hà Nội, đó là các năm 1962, 1978, 1991 và lần điều chỉnh gần đây, vào tháng 8/2008. Đây là các mốc thời gian quan trọng làm cơ sở để kiểm định các số liệu và so sánh, đánh giá sau này.
Trong phần 2 của Tổng quan, trước khi đi vào đánh giá động thái và thực trạng kinh tế xã hội dưới chế độ mới từ 1945 đến nay theo các phân kỳ lịch sử phát triển kinh tế xã hội, đã điểm được những thông tin quan trọng về lịch sử hình thành Thủ đô từ khi Lý Công Uẩn định đô; nối kết các thông tin giới thiệu về Hà Nội qua thời kỳ Pháp tạm chiếm, tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trở thành thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và thủ đô của nước CHXHCNVN từ tháng 7/1976. Các phần đánh giá tiếp theo được đặt trong bối cảnh điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể và gắn kết với nhiệm vụ lịch sử trọng tâm của từng giai đoạn, do vậy các mô tả, bình luận sát với thực trạng tình hình. Nội dung phân tích trong từng giai đoạn cũng đã đề cập được tương đối toàn diện các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục.
Trong quá trình biên soạn, các tác giả đã không bị lệ thuộc vào các số liệu một cách cứng nhắc, hay theo viết theo kiểu các báo cáo mà đã có sự kết hợp khéo léo, hài hoà giữa sử dụng các số liệu, phương pháp thống kê trong so sánh, đánh giá, phân tích định lượng với thông tin, tư liệu, sự kiện lịch sử và tình hình thực tế của đời sống xã hội để đưa ra các phác hoạ, bình luận, diễn giải làm sống động các giai đoạn phát triển của Thủ đô. Nhiều thông tin ngoài các bảng số liệu ở phần II đã được thu thập bổ sung, minh hoạ thêm làm sâu sắc các đánh giá Tổng quan.
Phần số liệu thống kê kinh tế xã hội Hà Nội, nhìn chung đã được các tác giả sưu tầm, chỉnh lý và biên soạn một cách có hệ thống, công phu vừa đảm bảo được tính khái quát, vừa cung cấp được những thông tin chi tiết cho phép so sánh, đối chứng làm sâu sắc thêm các mô tả và bình luận, kết luận. Do cuốn sách tập hợp các nguồn tư liệu khác nhau nên nhóm tác giả đã có sự gia công, chuẩn hoá, kiểm định và hệ thống nhất quán các số liệu.
Kết luận chung:
- Về cơ bản, cuốn Hà Nội qua số liệu thống kê 1945-2008 là một công trình tập thể, nghiên cứu công phu, nghiêm túc có thể coi là tác phẩm lịch sử Hà Nội được viết bằng số theo đúng như tên gọi của cuốn sánh và đã khắc hoạ được bức tranh sinh động toàn cảnh về Hà Nội. Cuốn sách là một tài liệu có giá trị và có thể là bộ tư liệu thống kê chuẩn cho các đề tài khác của Dự án và cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quí cho các nghiên cứu về Hà Nội sau này. Đây là một món quà thiết thực chào mừng đại lễ kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long Hà Nội.
- Tuy nhiên, do đã thu thập được quá nhiều thông tin, tư liệu nên Dự thảo phần số liệu chưa tinh, gọn và số trang đã vượt quá qui mô đã được cân đối của cuốn sách theo kết cấu mà Hội đồng thẩm định Đề cương đã kết luận “1 viết 3 số liệu thống kê”, do vậy cần cân nhắc để lựa chọn những số liệu tiêu biểu cho mỗi thời kỳ phát triển; lược bỏ những biểu và số liệu không cần thiết, ít có ý nghĩa; sau đó, cần sửa chữa các lỗi và sai sót về mặt kỹ thuật (đã được sửa chữa trực tiếp trên bản thảo). Cần đối chiếu kỹ các số liệu đã trích dẫn hoặc tính toán đưa vào Tổng quan thống nhất với các biểu số liệu phần 2. Đặc biệt lưu ý, ở thời kỳ cuối trong Tổng quan (1991-2008) cần chuẩn lại năm gốc 1991 và năm cuối 2007 để thống nhất trong so sánh và tính toán tốc độ tăng bình quân các chỉ tiêu. Cần bổ sung thêm số liệu năm 2008 và tách riêng một trang để đánh giá về phát triển của Thủ đô so với năm trước, đặc biệt nhấn mạnh biến động lớn về qui mô, từ đó khẳng định các thuận lợi, thách thức và các cơ hội, tiềm năng để phát triển Thủ đô trong tương lai.
- Đồng ý để nghiệm thu bản thảo.
|
|
Bà Nguyễn Vân Anh viết ngày 30/08/2011
1. Tính cấp thiết của đề tài:
Đến nay đã có khá nhiều cuốn sách viết về Thăng Long - Hà Nội về các lĩnh vực lịch sử, văn hoá, du lịch…nhưng chưa có cuốn sách nào phản ánh các thành tựu kinh tế, xã hội của thủ đô trong suốt quá trình xây dựng và phát triển từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay dưới góc độ các con số thống kê.
Chính vì vậy, Nhà xuất bản Hà Nội chuẩn bị xuất bản cuốn sách “Hà Nội qua số liệu Thống kê 1945 - 2008” là điều cần thiết và điều đó càng có ý nghĩa hơn trong dịp Kỷ niệm Đại lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
2. Về kết cấu cuốn sách:
Cuốn sách gồm 2 phần lớn:
Phần thứ nhất: Tổng quan Kinh tế - Xã hội Hà Nội
Phần thứ hai: Số liệu thống kê Kinh tế - Xã hội Hà Nội 1945 - 2008
Trong 2 phần trên, phần thứ nhất khoảng xấp xỉ 100 trang, phần thứ hai khoảng 500 trang. Với tên cuốn sách “Hà Nội qua số liệu thống kê 1945 - 2008” thì kết cấu tỷ lệ như vậy là hợp lý. Hơn nữa, các phần tương đối mạch lạc, rõ ràng, dễ theo dõi.
3. Về nội dung cuốn sách:
Đây là cuốn sử viết bằng số liệu mà quá trình thu thập, tổng hợp và phân tích cực kỳ phức tạp và công phu, đòi hỏi nhóm tác giả phải hết sức cố gắng trong tất cả các khâu để đưa ra bức tranh toàn cảnh của Thủ đô Hà Nội 65 năm qua.
So với đề cương đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua thì bản thảo cuốn sách có những ưu điểm sau:
Tiêu đề của phần thứ nhất: Tổng quan Kinh tế - Xã hội Hà Nội (thay cho tiêu đề cũ: Động thái và thực trạng Kinh tế - Xã hội của Hà Nội 1945 - 2010) có tính chất bao quát hơn cho ta cái nhìn tổng thể về tình hình Kinh tế - Xã hội của Thủ đô Hà Nội từ khi giành được độc lập cho đến nay, sau 63 năm xây dựng và phát triển.
Trong phần thứ hai: Số liệu thống kê Kinh tế - Xã hội 1945 - 2008 không chỉ bao gồm hệ thống số liệu của 3 thời kỳ như trong đề cương đã được thông qua mà tập thể tác giả đã hệ thống được chuỗi số liệu chung của Hà Nội từ 1945 cho đến 2008 thể hiện ở các chỉ tiêu chủ yếu với những bảng số liệu được phân tổ chi tiết và nhiều chiều. Đây là nguồn số liệu vô cùng quý giá đối với các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và những người quan tâm đến số liệu thống kê của Hà Nội và Thủ đô Hà Nội.
4. Một số góp ý đối với cuốn sách:
Bên cạnh những ưu điểm mà tôi đã đề cập ở trên về kết cấu, về nội dung cuốn sách, tôi có một số ý kiến sau đây:
- Tên sách trong Lời giới thiệu phải thống nhất với tên trên bìa cuốn sách.
- Nội dung cuốn sách phản ánh tình hình Kinh tế - Xã hội của Hà Nội trong giai đoạn lịch sử rất dài, từ năm 1945 đến năm 2008, nhưng thực tế do nguồn số liệu có hạn nên các số liệu trong cuốn sách chỉ có từ năm 1955 đến năm 2008 mà thôi. Nên chăng, có thể dùng phương pháp thống kê để nội suy cho số liệu giai đoạn 1945 - 1955.
- Các biểu số liệu nên đánh số thự tự cho dễ theo dõi.
- Nhiều biểu cần bổ sung số liệu năm 2008.
- Các số thập phân trong các biểu số liệu nên để dấu phẩy theo hệ thống số của Việt Nam, không nên để dấu chấm như đang có trong bản thảo.
- Có một số biểu số liệu cột tổng số (cả số tuyệt đối và số tương đối) chưa khớp với tổng số liệu thành phần: các trang từ 310 đến 312; 314 đến 320; 338, 339…
- Còn một số sai sót nhỏ trong quá trình biên soạn cuốn sách:
+ Thời kỳ cuối cùng trong phần thứ hai của cuốn sách (trang 287) là thời kỳ 1986 - 2008, chứ không phải là thời kỳ 1986 - 2010.
+ Nhầm đơn vị tính:
Trang 73, 74: đơn vị tính lượng mưa các tháng là độ C;
Từ trang 314 đến trang 317, đơn vị tính cơ cấu thu chi ngân sách là Tỷ đồng.
+ Thiếu đơn vị tính: trang 95, 119, 290…
+ Vẫn còn một số lỗi chính tả (cả tiếng Anh và tiếng Việt): về các lỗi này, tôi đã sửa trực tiếp vào bản thảo.
KẾT LUẬN:
Cuốn sách “Hà Nội qua số liệu thống kê 1945 - 2008” ra đời là cần thiết khách quan. Bố cục cuốn sách và nội dung của nó là khoa học với hệ thống số liệu được trình bày logic, hợp lý.
Tuy nhiên, nếu trong nội dung cuốn sách có thêm phần số liệu các chỉ tiêu giai đoạn 1945 - 1955 thì cuốn sách sẽ hoàn chỉnh hơn.
|
|
Bà Đỗ Thu Hà viết ngày 30/08/2011
Chỉ còn ít ngày nữa, Hà Nội sẽ kỷ niệm đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, “Hà Nội qua số liệu thống kê 1945 - 2008” sẽ là một cuốn sách có ý nghĩa trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Cuốn sách là một cuốn sử được viết bằng số liệu thống kê với kết cấu hợp lý, nội dung phong phú đã phản ánh những chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Kết cấu của cuốn sách đựợc tác giả bố trí hợp lý thành hai phần, giữa các phần đã có sự kiên kết với nhau.
Nội dung của cuốn sách đã phản ánh được tương đối bao trùm lịch sử phát triển Hà Nội trong giai đoạn từ sau cách mạng tháng tám đến nay.
Phần I tác giả đã giới thiệu về vị trí địa lý, đặc điểm khí hậu, địa hình, đất đai, tổ chức hành chính, dân cư và lịch sử hình thành nên Thủ đô Hà Nội.
Trong phân tích động thái và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, tác giả đã sử dụng các số liệu thống kê và tài liệu tham khảo để phân tích, đánh giá những đặc trưng kinh tế - xã hội trong 4 thời kỳ phát triển của Hà Nội từ năm 1945 đến nay. Nội dung phân tích của từng thời kỳ đã đề cập được đến hầu hết các ngành, lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hoá, y tế, giáo dục…
Phần II tác giả đã xây dựng được một hệ thống số liệu thống kê kinh tế - xã hội với các nhóm chỉ tiêu tương đối đảm bảo được sự thống nhất về nội dung, phạm vi thu thập thông tin cũng như phương pháp tính toán để có thể so sánh, đánh giá về mặt thời gian và không gian.
Cũng như phần I - Hệ thống số liệu thống kê trong phần II đã phản ảnh được khá toàn diện các nội dung nghiên cứu. Số liệu thống kê nhiều năm được phân tổ chi tiết theo ngành, thành phần kinh tế, đơn vị hành chính nhằm phản ánh toàn tiện thực trạng tình hình kinh tế, xã hội Hà Nội trong từng giai đoạn.
Xét tổng thể về mặt nội dung, cuốn sách còn một số điểm đề nghị tác giả cần nghiên cứu và bổ sung:
+ Tác giả cần xác định rõ tên chính thức của cuốn sách là “Hà Nội qua số liệu thống kê 1945 - 2008” hay như lời giới thiệu là “Kinh tế - xã hội Hà Nội 1945 - 2008 qua số liệu thống kê ”.
+ Về mặt nội dung phân tích trong thời kỳ đổi mới kinh tế xã hội từ năm 1991 đến nay, tác giả nên phân tích bổ sung một số vấn đề và lĩnh vực như: văn hoá, khoa học, tác động của đô thị hoá đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội Hà Nội, làng nghề …
+ Các số liệu phân tích cần phải được cập nhật mới nhất để phản ánh qui mô của Hà Nội sau khi điều chỉnh địa giới năm 2008.
+ Hệ thống số liệu cần được sắp xếp hợp lý hơn để đảm bảo thông tin không thừa, không thiếu, không trùng lặp.
Trên đây là những ý kiến nhận xét về bản thảo cuốn “Hà Nội qua số liệu thống kê 1945 - 2008”. Cuốn sách là một tư liệu quý về lịch sử phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trong giai đoan phát triển 1945 - 2008. Đây sẽ là một ấn phẩm đẹp gửi tặng bạn đọc nhân dịp kỷ niệm đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
|
|
Nhận xét của Ông Đỗ Ngọc Khải viết ngày 19/08/2011
Về cơ bản, nhất trí với kết cấu, bố cục và nội dung chi tiết các phần của đề tài sau khi đã được chỉnh sửa. Tuy nhiên, tôi xin góp ý thêm với tác giả hai vấn đề để tác giả tham khảo và hoàn chỉnh trong quá trình thực hiện:
1. Các chỉ tiêu tổng hợp ở thời kì 1976- 1985, không nên dùng chỉ tiêu Tổng sản phẩm xã hội và Thu nhập quốc dân mà nên dùng chỉ tiêu Giá trị sản xuất và Tổng sản phẩm trong nước để thống nhất với các chỉ tiêu chuyên ngành (trong nông nghiệp và công nghiệp, tác giả đã dùng chỉ tiêu giá trị sản xuất). Phương pháp tính chuyển cần được ghi chú rõ.
2. Trong toàn bộ đề tài, hầu hết các chỉ tiêu đều được phân tổ theo Thành phần kinh tế và ngành kinh tế. Để đảm bảo tính so sánh thống nhất, xuyên suốt của toàn bộ cuốn sách, đề nghị tác giả tính toán, phân tổ lại theo qui định mới nhất về ngành kinh tế và Thành phần kinh tế. Đồng thời có giải thích rõ về phương pháp tính đổi để người đọc hiểu được.
|
|
Bà Đỗ Thu Hà viết ngày 19/08/2011
Sau khi nhận được đề cương chi tiết lần 2 của nhóm tác giả biên soạn cuốn sách “Hà Nội qua tư liệu thống kê 1945 - 2010”, tôi có một số ý kiến như sau:
1. Tiêu đề của phần I: “Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội của Hà Nội 1945 - 2010”, tác giả nên thay cụm từ “động thái” bằng một cụm từ bình khác đơn giản, dễ hiểu hơn bởi lẽ đây không phải là một cuốn sách chuyên ngành mà là một cuốn sử viết bằng số liệu thống kê được lượng hóa phục vụ nhiều đối tượng đọc khác nhau.
2. Phần II: Số liệu thống kê kinh tế - xã hội của Hà Nội thời kỳ 1945 - 2010, tác giả đã có sự đầu tư hết sức công phu để xây dựng được một hệ thống chỉ tiêu tương đối hoàn chỉnh bao gồm các nhóm chỉ tiêu phản ánh khá đầy đủ các mặt của đời sống kinh tế, xã hội của Hà Nội trong từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên trong phần này, tác giả nên có một số bổ sung và điều chỉnh như sau:
- Trước khi phân hệ thống chỉ tiêu thành 3 thời kỳ, tác giả nên hệ thống hóa và khái quát một số chỉ tiêu chính như dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính… của Hà Nội xuyên suốt thời kỳ 1945 - 2010 trong một số bảng số liệu để người đọc có thể so sánh, đánh giá nhanh và tổng quát hơn. Đặc biệt trong bảng số liệu này nên có sự nhấn mạnh ở các năm Hà Nội có sự thay đổi về địa giới hành chính (như sát nhập các địa phương khác về Hà Nội cũng như tách ra khỏi Hà Nội…).
- Trong hai thời kỳ 1976 - 1985 và 1986 - 2010, nên bỏ phần đặc điểm tự nhiên và sắp đặt hành chính để có sự cân đối giữa các thời kỳ.
- Các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp quá nhiều và rườm rà chỉ nên tính toán đưa vào các chỉ tiêu chính và phân tổ chính cụ thể như chỉ tiêu GTSX, diện tích và sản lượng của một số loại cây trồng và vật nuôi chủ yếu (nên rút gọn lại số biểu của phần này).
- Các chỉ tiêu của ngành công nghiệp chỉ nên đưa vào các bảng tính GTSX và cơ cấu đến ngành cấp II cũng như một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp nên bỏ bớt các bảng tính chỉ số phát triển.
- Các chỉ tiêu của ngành giao thông vận tải và bưu chính viễn thông không nên đưa các chỉ tiêu về khối lượng vận chuyển và luân chuyển mà chỉ đưa các chỉ tiêu phản ánh năng lực vận chuyển, kết quả HĐ vận tải (doanh thu). Trong thời kỳ 1986 - 2010 nên đưa thêm các chỉ tiêu của vận chuyển hành khách công cộng bằng xe bus vì đây là loại hình vận tải chỉ có và phát triển ở một số tỉnh, thành phố lớn.
Trên đây là một số ý kiến góp ý về đề cương chi tiết lần 2. Tôi rất mong được đóng góp ý kiến của mình để bản đề cương được hoàn thiện, tốt hơn.
|
|
Bà Nguyễn Thị Chiến viết ngày 19/08/2011
Nhận xét chung
Sau phiên Hội thảo lần trước, Ban Chủ nhiệm đề tài đã có nghiên cứu kỹ và tiếp thu các ý kiến tham gia của các Thành viên Hội đồng nghiệm thu và đặc biệt là các kết luận định hướng cho việc hoàn thiện đề cương ông Chủ tịch Hội đồng.
Về kết cấu, đề cương lần này đã tiếp thu và chỉnh sửa lại lượng của hai phần phân tích đánh giá và số liệu thống kê, nâng tổng số trang lời văn và phân tích lên 100 trang (cả tiếng Anh và tiếng Việt) so với tổng số trang của bản thảo dự kiến sẽ lên tới 400 trang (300 trang số liệu), như vậy số trang của cuốn sách sẽ tăng thêm so với đề cương lần trước là 50 trang, và như vậy đảm bảo kết cấu như kết luận của Hội đồng “1 viết 3 số liệu thống kê”.
Nội dung phần lời văn:
Tiêu đề Động thái và thực trạng kinh tế xã hội của Thủ đô 1945-2010 với phần mô tả khaí quát vị trí địa lý và đặc điểm kinh tế, chính trị văn hoá xã hội của Thủ đô có thể tương ứng với phần mở đầu hoặc Những nét khái quát về Thủ đô, trước khi đi vào phân tích đánh giá sự phát triển của Hà Nội qua các thời kỳ.
Chia đoạn theo thời kỳ phát triển của lịch sử như gợi ý của ông Chủ tịch vừa mở, vừa dễ cho người viết lời bình. Kết hợp với dự thảo lần trước, phần bình cần tập trung vào đánh giá những vấn đề nổi bật về kinh tế, xã hội gắn với từng giai đoạn phát triển lịch sử chung của Hà Nội.
Phần đề cương số liệu đã được thiết kế theo lát cắt ngang và chia làm 3 giai đoạn:
Thời kỳ 1945-1975
Thời kỳ 1976-1985
Thời kỳ 1986-2010
và từng thời kỳ có yêu cầu riêng về các chỉ tiêu và biểu số liệu cụ thể, dễ dàng cho triển khai thực hiện và có thể hình dung được khá chi tiết về nội dung phần này. Tuy nhiên, nên vẫn gói mỗi thời kỳ theo ba mục chính (1) Điều kiện tự nhiên, xã hội, (2) Kinh tế, (3) Văn hoá, xã hội. Trong quá trình triển khai, trên cơ sở số liệu thu thập và tổng hợp được, có thể thiết kế bổ sung thêm một vài biểu số liệu tổng hợp trong mỗi thời kỳ và có so sánh với cả nước, với các thành phố trực thuộc trung ương thì tổng quan của cuốn sách sẽ rõ và sắc nét hơn. Cuốn sách hoàn chỉnh sẽ cung cấp bức tranh tổng quát của Hà Nội được phác hoạ qua các con số thống kê và cung cấp nhiều thông tin quí cho tiếp tục nghiên cứu về Hà Nội sau này.
Với đề cương chi tiết này, đề nghị NXB Hà Nội có thể để Ban chủ nhiệm cuốn sách triển khai thực hiện sớm.
|
|
Bà Nguyễn Vân Anh viết ngày 19/08/2011
Sau khi xem xét Đề cương chi tiết lần thứ hai của cuốn sách “Hà Nội qua tư liệu thống kê 1945 - 2010” do nhóm tác giả chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, tôi xin có một vài nhận xét sau đây:
- Về kết cấu: Cuốn sách chia làm 2 phần với phần bình luận, phân tích là 100 trang và phần số liệu là 300 trang như vậy là hợp lý, khoa học.
- Về nội dung:
+ Phần I: Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội của Hà Nội 1945 - 2010
Theo tôi, phần này nên giữ nguyên như đề cương chi tiết đã được góp ý tại buổi thẩm định nghiệm thu do Hội đồng nghiệm thu tổ chức ngày 22/8/2007, cụ thể phần này bao gồm:
Vài nét về vị trí địa lý, đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của Hà Nội
1. Thời kỳ 1945 - 1954
2. Thời kỳ 1955 - 1965
3. Thời kỳ 1966 - 1975
4. Thời kỳ 1976 - 1985
5. Thời kỳ 1986 - 2010
Trong từng thời kỳ nêu rõ đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội, những khó khăn, thuận lợi của Hà Nội để từ đó làm nổi bật những thành tựu mà Hà Nội đã đạt được. Đặc biệt thời kỳ 1986 - 2010 sẽ phân ra làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1986 - 2006 là giai đoạn phát triển theo hướng đổi mới và việc bình luận, phân tích dựa trên số liệu thống kê thực tế; giai đoạn 2007 - 2010 là giai đoạn chưa có các số liệu thống kê vì vậy việc phân tích dựa trên các số liệu dự báo bằng các phương pháp chuyên sâu của thống kê. Trong đề cương chi tiết lần này chưa nhấn mạnh tính đặc thù của giai đoạn này (2007 – 2010).
+ Phần II: Số liệu thống kê kinh tế - xã hội của Hà Nội 1945 - 2010
Với nguồn số liệu thống kê kinh tế - xã hội Hà Nội nằm rải rác nhiều nơi và nhiều nguồn khác nhau, thậm chí nhiều chỉ tiêu không thể thu thập được tất cả các năm, hơn nữa vì mỗi thời kỳ phát triển đều chịu ảnh hưởng của cơ chế quản lý hành chính và quản lý kinh tế khác nhau do đó việc nghiên cứu tình hình kinh tế - xã hội của Hà Nội từ 1945 đến 2010 theo 3 thời kỳ lớn như đề cương lần hai là hợp lý và có tính khả thi cao, cụ thể:
1. Thời kỳ 1945 - 1975
2. Thời kỳ 1976 - 1985
3. Thời kỳ 1986 - 2010
Tuy nhiên, trong đề cương chi tiết lần này chưa đề cập đến phần số liệu dự báo cho giai đoạn 2007 - 2010.
Tóm lại, về cơ bản tôi hoàn toàn nhất trí với đề cương chi tiết lần hai, chỉ có vài ý kiến nhỏ như trên đề nghị nhóm tác giả lưu ý trong quá trình biên soạn để cuốn sách được hoàn chỉnh hơn.
|
|
Ông Đỗ Ngọc Khải viết ngày 19/08/2011
Được sự tín nhiệm và đề cử của Ban tư vấn chuyên môn và nhóm tác giả biên soạn cuốn sách “Hà Nội qua tư liệu thống kê 1945- 2010”, Chúng tôi nhóm các chuyên gia thuộc Cục Thống kê TP Hà Nội có một số ý kiến đóng góp vào đề cương bản thảo “ Hà Nội qua tư liệu thống kê 1945- 2010” như sau:
Về kết cấu: Cuốn sách có 3 phần là hợp lý
Về nội dung từng phần nên có một số điều chỉnh như sau:
- Nên thay phần “Mở đầu” bằng “Lời giới thiệu” để qua đó tác giả (hay nhóm tác giả) giới thiệu mục đích, ý nghĩa và nội dung của cuốn sách.
- Phần II – Theo lời tóm tắt nội dung của đề tài thì cuốn sách được biên soạn như một cuốn sử được viết bằng số liệu thống kê được lượng hoá, vì vậy không nên dùng từ đánh giá mà nên chăng thay câu “ Đánh giá thành tựu kinh tế – xã hội …” bằng “Những thành tựu kinh tế – xã hội … ” . Phần này được xem là nội dung chính, là lời dẫn được lượng hoá của cuốn sách, thông qua việc giới thiệu những khó khăn, những thuận lợi của TP Hà Nội trong từng giai đoạn, để qua đó làm nổi bật những thành tựu vẻ vang về kinh tế – xã hội trong suốt quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Thủ đô Hà Nội.
- Nên bổ sung vào phần 1 như sau: “1. Vài nét về vị trí địa lý, đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá của Hà Nội ” để qua đó tác giả giới thiệu về đặc điểm chính trị nổi bật của Hà Nội là Thủ đô, là trái tim, là trung tâm đầu não chính trị của cả nước.
- Việc phân tích giai đoạn 1945 – 2010 được chia nhỏ qua các thời kỳ là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên nên bổ sung phần phân tích những số liệu về dự báo Hà Nội giai đoạn 2006 – 2010. Vì vậy nên bổ sung thêm phần “ 7. Hà nội của tương lai 2006 - 2010” để tác giả qua đó phân tích những định hướng phát triển của Hà Nội trong giai đoạn này.
- Phần III: Hệ thống các chỉ tiêu kinh tế – xã hội nên được thay bằng : “Hà Nội xây dựng và phát triển qua số liệu thống kê 1945 – 2010”
- Về các nhóm chỉ tiêu, nhìn chung là hợp lý, số liệu có thể thu thập và xử lý được để xây dựng thành một hệ thống chỉ tiêu tương đối hoàn chỉnh.
Trên đây là những ý kiến của nhóm chuyên gia thuộc Cục Thống kê TP Hà Nội. Chúng tôi rất mong được đóng góp những ý kiến của mình để cuốn sách có nội dung xuất bản tốt hơn phục vụ bạn đọc gần xa trong chương kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
|
|
Bà Nguyễn Vân Anh viết ngày 19/08/2011
1. Tính cấp thiết của đề tài:
Để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2010), Nhà xuất bản Hà Nội đang thực hiện dự án xuất bản tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” trong đó có cuốn sách “Hà Nội qua tư liệu thống kê 1945 - 2010” do Cử nhân Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp - Tổng cục Thống kê làm chủ biên.
Đến nay đã có khá nhiều cuốn sách viết về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội về các lĩnh vực lịch sử, văn hoá, du lịch,... nhưng chưa có cuốn sách nào phản ánh các thành tựu kinh tế, xã hội của thủ đô trong suốt quá trình xây dựng và phát triển từ Cách mạng Tháng Tám đến nay dưới góc độ các con số thống kê. Chính vì lý do trên mà việc cho ra mắt bạn đọc trong và ngoài nước cuốn sách “Hà Nội qua tư liệu thống kê 1945 – 2010” là điều cần thiết, nhất là việc tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Việt Nam đang hội nhập và tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
2. Về kết cấu cuốn sách:
Cuốn sách gồm 2 phần lớn:
Phần đầu là phần phân tích, phản ánh động thái và thực trạng kinh tế - xã hội của thủ đô Hà Nội suốt chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển (1945 - 2010). Phần này được phân tích theo các thời kỳ có ý nghĩa về chính trị, lịch sử và kinh tế - xã hội: 1945 - 1954; 1955 - 1965; 1966 - 1975; 1976 - 1985; 1986 - 2006.
Phần thứ hai là phần số liệu, bao gồm những chuỗi số liệu về 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thủ đô Hà Nội được sắp xếp liên tục từ 1945 -2010. Những dãy số liệu liên tục nhiều năm sẽ giúp chúng ta nhìn nhận bức tranh toàn cảnh của thủ đô Hà Nội 65 năm qua.
Kết cấu cuốn sách như vậy là hợp lý, các phần mạch lạc, rõ ràng, dễ theo dõi.
3. Về nội dung:
Đây là cuốn sử viết bằng số liệu thống kê với khối lượng công việc thu thập, tổng hợp và phân tích tương đối phức tạp và công phu, đòi hỏi nhóm tác giả phải rất nỗ lực trong tất cả các khâu của quá trình phân tích thống kê để lượng hoá thành tựu kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội thời kỳ 1945 - 2010. Tôi rất nhất trí với quan điểm nên đưa ra bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội có tính khả thi vì hệ thống chỉ tiêu của thủ đô Hà Nội từ 1945 - 2010 hiện đang rải rác nhiều nơi và chưa được chỉnh lý. Hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội đó bao gồm: 1. Đất đai, đơn vị hành chính; 2. Dân số; 3. Lao động; 4. Tài khoản quốc gia; 5. Ngân sách; 6. Đầu tư -Xây dựng; 7. Sản xuất nông nghiệp; 8. Sản xuất thuỷ sản; 9. Sản xuất công nghiệp; 10. Thương mại, du lịch; 11. Vận tải - Bưu điện; 12. Giáo dục; 13 Y tế; 14. Văn hoá - Thể thao; 15. Mức sống dân cư; 16. Kết cấu hạ tâng nông thôn; 17. Điều kiện sinh hoạt của hộ nông thôn; 18. Doanh nghiệp; 19. Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp. Các chỉ tiêu này với các dãy số liệu được phân tổ chi tiết và đa chiều cùng với phần bình luận trên cơ sở dãy số liệu thống kê định lượng được thu thập, xử lý và tổng hợp một cách khoa học sẽ là tài liệu rất hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và tất cả những ai quan tâm về số liệu thống kê của Thủ đô Hà Nội. Hơn nữa cuốn sách viết bằng số liệu thống kê này sẽ là căn cứ, là tài liệu chính thống để cung cấp số liệu cho các đề tài khác của dự án “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
4. Một số góp ý trong đề cương cuốn sách:
Với nội dung tương đối đầy đủ, khái quát cả thời kỳ dài của Thủ đô Hà Nội từ 1945 đến 2010 và với kết cấu, bố cục tương đối hợp lý, cuốn sách đã khắc hoạ bức tranh kinh tế - xã hội của thủ đô Hà Nội trong suốt 65 năm qua, những thành tích đã đạt được cũng như những thách thức mà nhân dân thủ đô phải đối mặt trong quá trình xây dựng và phát triển.
Tuy nhiên, tôi cũng xin có một ý kiến nhỏ như sau:
Vì cuốn sách sẽ hoàn thành năm 2008 nên số liệu sẽ chỉ có đến năm 2007. Điều đó sẽ dẫn đến một thực tế là không phản ánh được cả thời kỳ 1945 - 2010. Vì vậy, theo tôi cuốn sách sẽ hoàn chỉnh hơn nếu có thêm phần số liệu dự báo cho giai đoạn 2008 - 2010 cũng như trong phần phân tích, bình luận (mục II trong đề cương chi tiết của cuốn sách) có thêm phần “7. Định hướng phát triển và dự báo kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2010”. Phần phân tích này sẽ dựa vào số liệu dự báo.
KẾT LUẬN
Cuốn sách “Hà Nội qua tư liệu thống kê 1945 - 2010” ra đời là cần thiết khách quan. Bố cục cuốn sách và nội dung của nó là khoa học với hệ thống số liệu được trình bày hợp lý, logic. Nếu trong nội dung cuốn sách có thêm phần phân tích cho giai đoạn 2008 - 2010 của Thủ đô Hà Nội dựa trên số liệu dự báo cho giai đoạn này bằng các phương pháp dự báo thống kê chuyên sâu thì cuốn sách sẽ hoàn chỉnh hơn.
|