Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Sách tư liệu tổng hợp |  Bạn đang ở:Trang chủ » Sách tư liệu tổng hợp
Giới thiệu về sách

1. Tóm tắt nội dung:

- Đề tài nhằm tập hợp, tuyển chọn và giới thiệu những văn kiện lịch sử tiêu biểu trực tiếp gắn với quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội; hoặc những văn kiện có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử quốc gia và dân tộc nhưng được ra đời chính tại đây - nơi suốt nghìn năm qua là trung tâm hành chính, chính trị của đất nước. Kết quả của đề tài sẽ là một hệ thống tư liệu có độ tin cậy và giá trị khoa học cao, không chỉ chỉ rõ những bước đường phát triển về mọi mặt của Thăng Long - Hà Nội, mà còn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề của lịch sử đất nước, gắn liền với lịch sử Thủ đô. Đây thực sự là một công trình khoa học có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước của nhân dân cả nước nói chung, người dân Hà Nội nói riêng. Do vậy, đề tài không chỉ cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mà còn hướng tới phục vụ đông đảo độc giả Thủ đô và cả nước.

- Cách tiếp cận:

          Về không gian: Những văn kiện quốc gia quan trọng nhất nhưng được viết và công bố tại Thăng Long - Hà Nội; hoặc những quyết định của/liên quan trực tiếp đến kinh thành Thăng Long trước đây, thủ đô Hà Nội hiện nay.

          Về thời gian: Từ Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến những văn kiện mới nhất của/về Thủ đô Hà Nội.

Về đối tượng: Khảo sát tất cả các nguồn tài liệu, từ chính sử biên niên, các văn bản điển chế pháp luật, thơ văn, tài liệu lưu trữ, sách báo đã công bố…

- Các nguyên tắc tuyển chọn, trình bày:

          + Tính khách quan: Giới thiệu nguyên bản các văn kiện lịch sử lưu trong các nguồn tài liệu. Đối với những văn kiện có nhiều bản dịch hoặc dị bản (chủ yếu ở thời kỳ trung đại), chúng tôi chọn theo chính sử hoặc bản gần nhất với thời điểm được ban bố. Trong một số trường hợp cần thiết, sẽ có những chú giải rõ ràng cho phần nội dung.

+ Tính lịch sử: Các văn kiện được trình bày theo trình tự thời gian mà văn bản đó được công bố.

          + Tính toàn diện: Những văn kiện được tuyển chọn đề cập đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Thăng Long - Hà Nội.

 

Tên sách: Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Văn kiện Lịch sử

Tác giả: GS.TS Nguyễn Quang Ngọc    (Chủ trì tuyển chọn)

Thể loại sách: Sưu tầm, tuyển chọn

Mảng sách: Tư liệu Tổng hợp

Số trang: 980 trang                                     Số tập: 1 tập

1. Tóm tắt nội dung:

- Đề tài nhằm tập hợp, tuyển chọn và giới thiệu những văn kiện lịch sử tiêu biểu trực tiếp gắn với quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội; hoặc những văn kiện có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử quốc gia và dân tộc nhưng được ra đời chính tại đây - nơi suốt nghìn năm qua là trung tâm hành chính, chính trị của đất nước. Kết quả của đề tài sẽ là một hệ thống tư liệu có độ tin cậy và giá trị khoa học cao, không chỉ chỉ rõ những bước đường phát triển về mọi mặt của Thăng Long - Hà Nội, mà còn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề của lịch sử đất nước, gắn liền với lịch sử Thủ đô. Đây thực sự là một công trình khoa học có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước của nhân dân cả nước nói chung, người dân Hà Nội nói riêng. Do vậy, đề tài không chỉ cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mà còn hướng tới phục vụ đông đảo độc giả Thủ đô và cả nước.

- Cách tiếp cận:

          Về không gian: Những văn kiện quốc gia quan trọng nhất nhưng được viết và công bố tại Thăng Long - Hà Nội; hoặc những quyết định của/liên quan trực tiếp đến kinh thành Thăng Long trước đây, thủ đô Hà Nội hiện nay.

          Về thời gian: Từ Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến những văn kiện mới nhất của/về Thủ đô Hà Nội.

Về đối tượng: Khảo sát tất cả các nguồn tài liệu, từ chính sử biên niên, các văn bản điển chế pháp luật, thơ văn, tài liệu lưu trữ, sách báo đã công bố…

- Các nguyên tắc tuyển chọn, trình bày:

          + Tính khách quan: Giới thiệu nguyên bản các văn kiện lịch sử lưu trong các nguồn tài liệu. Đối với những văn kiện có nhiều bản dịch hoặc dị bản (chủ yếu ở thời kỳ trung đại), chúng tôi chọn theo chính sử hoặc bản gần nhất với thời điểm được ban bố. Trong một số trường hợp cần thiết, sẽ có những chú giải rõ ràng cho phần nội dung.

+ Tính lịch sử: Các văn kiện được trình bày theo trình tự thời gian mà văn bản đó được công bố.

          + Tính toàn diện: Những văn kiện được tuyển chọn đề cập đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Thăng Long - Hà Nội.

Chi tiết sách
  • Tác giả:  GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Chủ trì tuyển chọn)
  • Nhà xuất bản: Nhà Xuất bản Hà Nội 
  • Năm xuất bản:  
  • Tổng số trang:  980 trang
  • Kích thước:  
  • Mã số:  
  Bình luận (8)  
PGS.TS Ngô Đăng Tri viết ngày 31/08/2011
1. NHỮNG THÀNH CÔNG VÀ ƯU ĐIỂM CHÍNH 1.1. Về đề tài: Trong những di sản của/về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến có một thứ di sản thật sự có giá trị quý hiếm là các văn bản quản lý, lãnh đạo, thực hiện xây dựng và bảo vệ Thăng Long - Hà Nội của các cấp quản lý, lãnh đạo Trung ương và địa phương. Đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long- Hà Nội: Tuyển tập văn kiện lịch sử” thuộc cơ cấu đề tài “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” là một đề tài hết sức quan trọng và cần thiết. Hơn thế, nó còn có thể được coi là công trình nên có đầu tiên bởi đó là nơi cung cấp các tài liệu lịch sử về các quy phạm pháp luật, lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến xây dựng, quản lý Thăng Long- Hà Nội, đồng thời như là một tập biên niên sự kiện lớn, tập thư mục cơ bản về lịch sử Thăng Long - Hà Nội và phần nào là của nước Việt Nam. Thực hiện tốt đề tài này sẽ làm cho “Tủ sách Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn hiến” có một công trình mang tính cơ bản, hệ thống về khoa học và có tính ứng dụng cao, phục vụ kịp thời thực tiễn xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô hiện nay cũng như lâu dài về sau. Chúng tôi nhất trí với Chủ trì đề tài khi cho rằng: “Sẽ không thể trở thành một công trình toàn vẹn, khi nghiên cứu tiến trình lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng như của đất nước - dân tộc mà lại không khai thác, sử dụng các văn kiện lịch sử... Qua những văn kiện được tập hợp trong cuốn sách, chúng ta có thể hình dung về những sự kiện, nội dung chính yếu trong tiến trình lịch sử Thăng Long - Hà Nội, cũng tức là phần cơ bản của lịch sử dân tộc” (Lời giới thiệu). 1.2. Về cách tiếp cận và các nguyên tắc tuyển chọn, phương pháp nghiên cứu: Chúng tôi tán thành việc phân loại văn kiện cần tuyển chọn là bao gồm cả văn kiện của cấp Trung ương đối với cả nước mà Thủ đô cũng là đối tượng phải thực thi; là những quyết định của chính quyền Trung ương đối với riêng Thăng Long - Hà Nội với tư cách là trung tâm hành chính, chính trị của đất nước; là những văn kiện riêng do chính cấp lãnh đạo, quản lý của Thăng Long - Hà Nội ban hành. Tiêu chí tuyển chọn là đúng đắn, xác đáng, thích hợp, bao gồm: 1) Những văn kiện tiêu biểu, có ý nghĩa sâu sắc liên quan đến những vấn đề lớn, đánh dấu những bước chuyển quan trọng trong tiến trình phát triển của Thăng Long- Hà Nội; 2) Những văn kiện được ban hành trong thời gian từ tháng 2- 1010, khi có Chiếu dời đô của vua Lý thái Tổ đến tháng 8 - 2008, khi có Chỉ thị thực hiện việc điều chính địa giới hành chính thành phố Hà Nội (sát nhập Hà Nội với Hà Tây) của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; 3) Những văn kiện đã được đăng tải theo chính sử, bản gốc, bản chính thức hoặc bản gần nhất với thời điểm được ban bố; 4) Những văn kiện có những nội dung khác nhau, đề cập đến mọi lĩnh vực của Thăng Long - Hà Nội, từ các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, đến kinh tế, văn hóa, xã hội... Phương pháp nghiên cứu, tuyển chọn theo trình tự thời gian xuất hiện các văn kiện, chú ý văn kiện đầu và văn kiện cuối của từng giai đoạn hay cả thời kỳ dài; sự tuyển chọn văn kiện theo các tiêu chí tiêu biểu, nhiều cấp độ, toàn diện... là những phương pháp đúng đắn, khoa học, thể hiện sự nắm vững phương pháp lịch sử, phương pháp lôgíc và các phương pháp nghiên cứu liên ngành, bổ trợ khác trong việc thực hiện đề tài của các tác giả. Cách thức đặt tên các văn kiện cơ bản đã thể hiện được loại văn bản, số ban hành, thời điểm ban hành, cấp ban hành và nội dung chủ yếu. Đó là cách thức tốt nhất để thể hiện nội dung chính yếu của các văn kiện lịch sử đối với loại công trình này. 1.3. Về bố cục và nội dung: Tuyển tập gồm Lời giới thiệu và ba phần chính theo diễn trình ba thời kỳ xuất hiện của các văn kiện lịch sử: Thời kỳ Thăng Long - Đại Việt, thời kỳ Pháp thuộc và thời kỳ từ cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay (có chia ra ba gíai đoạn nhỏ là 1945 - 1954, 1954 - 1975 và 1975 đến nay) là một kết cấu hợp lý. Dự thảo tuyển tập dài gần 650 trang, khổ A4 là đầy đặn. Số văn kiện được tuyển chọn với 140 tài liệu là phong phú, tiêu biểu, có giá trị về nhiều mặt. Các tác giả đã có sự tiếp thu, bổ sung thêm được 38 văn kiện theo ý kiến của Hội đồng nghiệm thu đề cương, trong đó có 4 văn kiện cho giai đoạn Pháp thuộc và 34 văn kiện cho giai đoạn hiện đại. Lời giới thiệu mở đầu công trình là tâm huyết và khoa học. Có thể coi đó là bộ phận hữu cơ, quan trọng của sản phẩm đề tài, một thành tựu của đề tài. Lời giới thiệu không những đã làm rõ thêm mục đích, ý nghĩa và nội dung công trình mà còn có tác dụng dẫn luận, giúp cho đọc giả vừa có sự bao quát chung về công trình vừa thuận lợi hơn khi đi vào tìm hiểu các văn kiện cụ thể. Tại phần thứ nhất: Thăng Long - Hà Nội trong kỷ nguyên Đại Việt, dài 85 trang có 55 văn kiện. Đây là phần đề cập đến khoảng thời gian dài nhất trong ba phần của 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tới khoảng 850 năm. Phần này đã thể hiện khá đầy đủ, toàn diện, tiêu biểu cả số lượng và nội dung các văn bản quy phạm, các tư tưởng lớn, đồng thời cũng khá chi tiết, cụ thể về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội của các triều đại phong kiến kế tiếp nhau trong kỷ nguyên Đại Việt xưa. Trong phần thứ hai: Hà Nội thời Pháp thuộc, dài 100 trang, có 10 văn kiện. Tuy thời gian đề cập không dài, khoảng hơn 80 năm, số lượng văn bản không nhiều, song nội dung là tiêu biểu, tương đối toàn diện, nhất là các văn kiện của Đảng và Mặt trận Việt Minh trước Cách mạng Tháng Tám 945. Trong phần thứ ba: Hà Nội từ năm 1945 đến nay, dài 450 trang, có 75 văn kiện. Đây là phần có thời gian đề cập ngắn nhất, chỉ hơn 60 năm, song lại có số trang, số văn kiện chiếm tỷ trong lớn nhất của công trình (hơn 50% số văn bản và 70% số trang dự thảo công trình). Các văn kiện ở phần này đã tập hợp được một khối lượng văn kiện phong phú, đa dạng, cần thiết, phản ánh sinh động, toàn diện và sâu sắc mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, ngoại giao... của Hà Nội thời hiện đại, từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đến ngày Hà Nội sát nhập với Hà Tây, qua ba giai đoạn nhỏ nối tiếp nhau là 1945 - 1954, 1954 - 1975 và 1975 - 2008. Sự tuyển chọn như trên cơ bản là hợp lý so với số văn kiện thu thập được cũng như tính khoa học và yêu cầu mức độ ứng dụng, phục vụ hiện tại của đề tài. 2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN BỔ SUNG, SỬA CHỮA 2.1. Về một số văn kiện cần bổ sung nếu kịp hoặc cho lần tái bản tới Tuy đã bổ sung thêm được nhiều văn kiện so với dự định của Đề cương nghiên cứu, song theo tiêu chí và nguyên tắc tuyển chọn, người đọc vẫn mong muốn có sự bổ sung thêm một số văn bản sau: - Giai đoạn Kỷ nguyên Đại Việt: Phần này dài hơn 850 năm mà chỉ có 55 văn kiện là hơi ít. Nên bổ sung một số văn bia, sắc phong lớn của các triều đại phong kiến cho vùng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội (ở bia Văn Miếu, bia các đình, chùa, văn bản nội các triều đình Huế,...). - Giai đoạn Pháp thuộc: Có thể bổ sung thêm một số trích đoạn của những văn kiện quan trọng của Đảng ra đời tại Hà Nội giai đoạn trước 1945 (như Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng 7-1929; Luận cương chánh trị của Đảng, tháng 10-1930; Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, năm 1939...); - Giai đoạn hiện đại: Giới thiệu thêm một số văn bản quan trọng về đối ngoại; một số quyết định, thư điện khen thưởng lớn của Trung ương cho Hà Nội; một số trích đoạn nghị quyết Đại hội Đảng họp tại Hà Nội (như Đại hội III, Đại hội VI, Cương lĩnh Đại hội VII...). Cố gắng đưa thêm văn kiện về văn hóa, giáo dục, môi trường... 2.2. Về sự trình bày: Tuy đã có sự thuyết minh ở lời giới thiệu, song cũng cần bảo đảm cao hơn tính thống nhất trong trình bày, kể cả ở tiêu đề văn kiện. Như tiêu đề văn kiện ở phần 1 thì chữ thường, in nghiêng, ở phần 2 và 3 thì in hoa, chữ đứng. Hoặc có nơi để ngày tháng văn kiện trước nội dung văn kiện (phần 2), có nơi để sau tên văn kiện (phần 1), lại có nơi để ở chú thích (phần 3). Hoặc thứ tự văn kiện đã để trong ngoặc vuông [ ] thì sau không nên dùng ngoặc vuông cho trường hợp khác, như ở trang 46 - 54. Một số tên văn kiện ở phần 2 và 3 còn dài, có thể có thể rút gọn, ghi trích yếu và có chú thích thêm như ở phần 1... Phần thứ 2 chỉ có 10 văn kiện mà số trang bằng 55 văn kiện của phần 1 là chưa thật hợp lý, có thể rút gọn số trang của phần này bằng cách trích các văn kiện Đảng, không nhất thiết phải đưa toàn văn. Chú thích xuất xứ các văn kiện nên thống nhất quy cách tương thích cho cả 3 phần, kể cả kiểu chữ. Riêng văn kiện Đảng đã công bố hết ở Văn kiện Đảng toàn tập, cần sử dụng thống nhất từ nguồn này (tra cứu trong các tập đã in, theo năm ban hành, hay tra cứu qua Báo điện tử ĐCSVN, mục văn kiện, đều được). 3. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ 3.1. Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng. Tuy còn một vài hàn chế và có sự mong muốn thêm, song căn bản, đây là một công trình công phu, nghiêm túc, có chất lượng cao, bảo đảm tính khoa học và tính tư tưởng, đã tuyển chọn và giới thiệu được những văn kiện tiêu biểu, toàn diện, quan trọng, cần thiết về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, đáp ứng tốt các yêu cầu do đề tài đặt ra. 3.2. Đề nghị cho nghiệm thu sản phầm của đề tài và thanh lý hợp đồng biên soạn. Sau khi chỉnh sửa, bổ sung, nâng cao theo kết luận của Hội đồng nghiệm thu, cần xã hội hóa bản thảo, xuất bản thành sách để kịp phục vụ cho ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và cho các yêu cầu khác lâu dài về sau./.
PGS>TS. Võ Kim Cương viết ngày 31/08/2011
Như trước đây chúng tôi đã có ý kiến khi được tham dự buổi đánh giá Đề cương đề tài “Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập văn kiện lịch sử” rằng việc thực hiện đề tài này sẽ mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Bời vì, mục tiêu chính của đè tài là tuyển chọn và giới thiệu những văn kiện lịch sử liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của thành phố trải qua nghìn năm lịch sử hoặc các văn kiện lịch sử quan trọng mang tầm quốc gia, dan tộc được công bố tại nơi đây, hoặc trực tiếp liên quan đến Thủ đô. Việc tuyển chọn và giới thiệu một bộ tuyern tập văn kiện như vậy, không chỉ gốp phần hướng tới Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, mà còn góp phần vào việc tuyên truyền giáo dục cho quần chúng trong và ngoài nước về truyền thống yêu nước của nhân dân Thủ đô nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung. Ngoài ra, việc công bố một tuyển tập văn kiện lịch sử về Thăng Long – Hà Nội sẽ góp phần đắc lực vào việc nghiên cứu quá trình phát triển của Thủ đô trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội qua các giai đoạn lịch sử. Chính vì vậy khi được thấy công việc tuyển chọn đã hoàn tất và chuẩn bị nghiệm thu để xuất bản công trình này, chúng tôi thực sự hoan nghênh tinh thần làm việc của nhóm biên soạn cũng như sự hợp tác chặt chẽ của Nhà xuất bản. Sau khi so sánh với những dự tính ban đầu như trong bản Đề cương, chúng tôi thấy rằng nhóm biên soạn đã tiếp thu phần lớn những đóng góp của Hội đồng lần trước và đã bổ sung sửa chữa khá chu đáo. Phần nội dung được phân chia thành 3 phần riêng biệt, với 140 tài liệu (trong đề cương dự tính là 159 tài liệu). Các văn kiện đã được tuyển chọn trên nguyên tắc bảo đảm tính khách quan, tính lịch sử và tính toàn diện. Tuy rằng số lượng tài liệu lịch sử củ thể trong các thời kỳ Đại Việt, thời Pháp thuộc và từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay không đồng đều, nhưng chúng tôi hoàn toàn tán thành với những lý do như Chủ nhiệm công trình đã nêu rõ trong Lời giới thiệu. Các tài liệu được tuyển chọn một cách khá kỹ lưỡng, khách quan trên cơ sở thẩm định, đánh giá tính chính xác của văn bản gốc, đính chính lại các tài liệu mà lâu nay vẫn còn thường hay bị nhầm lẫn...Chúng tôi tán thành với các cách chú giải của nhóm biên soạn khi đưa thong tin liên quan vào trong dấu ( ) để có thể dễ dàng nhận biết chính xác hơn tài liệu cần tìm [ ví dụ: Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt...] Theo chúng tôi, đay là sự đóng góp đáng ghi nhận của nhóm biên soạn. Ngoài phần nội dung, các tác giả đã có Lời giới thiệu với mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng của cuốn sách, mục tiêu phục vụ của nó cũng như kết cấu nội dung và hình thức thể hiện, chú giả...Đây chính là sự hướng dẫn người đọc tra cứu vấn đề mình cần một cách dễ dàng. Tuy nhiên cũng còn có điểm chúng tôi chưa thống nhất với các tác giả. Đó là việc sửa lại các từ ngữ theo cách hiện nay như “zân” đổi thành “dân” Chúng tôi nghĩ rằng đã là tư liệu gốc thì cần tôn trọng nguyên thể, nếu thấy cần thiết thì ghi chú thêm hiện nay có nghĩa là..., hoặc chú thích xuống cuối trang thì hợp lý hơn. Ngoài ra, như trong Lời giới thiệu các tác giả có nhấn mạnh không đưa các Đại hội Đảng...vào vì sợ rằng dung lượng không cân đối, nhưng chúng tôi thấy rằng để bảo đảm tính chính trị, nên trích một ít tài liệu liên quan đến các Đại hội Đảng được tổ chức tại Hà Nội (các tác giả nên cân nhắc trích bao nhiêu, Đại hộ Đảng được tổ chức tại Hà Nội (các tác giả nên cân nhắc trích bao nhiêu, những vấn đề gì...) Vì nếu chúng ta không đề cập thì e rằng nó không phản ánh đúng sự thực khách quan. Chúng tôi cũng chưa thấy tranh ảnh, bản đồ...liên quan để minh họa cho cuốn sách. song có lẽ điều này nhóm biên soạn cũng như Nhà xuất bản đã chuẩn bị rồi nhưng chưa ghép chung vào đây cho nên không có ý kiến gì thêm. Với những điều như đã trình bày, tôi cho rằng bản thảo “Thăng Long – Hà Nội, Tuyển tập văn kiện lịch sử” là một công trình được tuyển chọn công phu có sự cân nhắc cẩn trọng trên các góc độ khách quan khoa học, có sự kiểm định tính chính xác và chú dẫn nguồn xuất xứ, bảo đảm độ tin cậy cao. Người đọc có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng nguồn tư liệu được tập hợp trong tuyển tập văn kiện này Đề nghị Nhà xuất bản thông qua việc nghiệm thu và sớm công bố để phục vụ kịp thời nhu cầu của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.
PGS.TS. Trịnh Vương Hồng viết ngày 30/08/2011
Đọc Thăng Long - Hà Nội - Tuyển tập văn kiện lịch sử, có thể thấy rõ bản thảo đã đáp ứng đúng mục tiêu, yêu cầu được đặt ra cho cuốn sách. Với cái nhìn tổng quan, toàn diện và tuân theo các tiêu chí lựa chọn, tập thể tác giả đã đưa trình một bản thảo dầy dặn, chất lượng, hình thức và kỹ thuật trình bày sáng tỏ, đúng quy cách. Lời giới thiệu mang tính chất mở, nhưng lại rất chặt chẽ, tạo sự liên thông giữa người làm sách và người đọc. Hẳn rằng, đây sẽ là cuốn sách quý cho nhiều đối tượng bạn đọc. Chúng tôi xin nêu lên vài ý, thuộc về, cả kỹ thuật, nội dung và cách xử lý để cùng trao đổi, chỉnh sửa, hoàn thiện hơn nữa bản thảo này. (Xin nêu theo số trang bản thảo, không kịp gộp theo vấn đề). - Tr.16, số 002, Nam quốc sơn hà, không nên (đề kèm) Lý Thường Kiệt. Bởi, với phát hiện của GS. Hà Văn Tấn cùng một số tác giả khác, bài “thơ thần” này không phải của Lý Thường Kiệt, và cũng chưa ai bác được. Vấn đề còn treo đấy. - Tr.235, (74), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ở cuối đề ngày 19 tháng 12 năm 1946 là đúng. Nhưng chú thích cuối trang viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 19-12-1946” là không đúng. Các sách lịch sử viết về sự kiện này, được các vị từng tham gia chiến đấu 19-12-1946, đều cho rằng Lời kêu gọi được đọc vào sáng 20-12-1946. (Xem Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, QĐND xb,1994, tập I, tr.196). Ngoài ra, bản thảo lấy văn bản “bút tích lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam”, thì từ “Thuổng” ở bản thảo (và ở HCM TT, tập 4,1995, tr.480), ở bản bút tích là “xuỗng”) (xuổng) - xem Lịch sử chống Pháp, đã dẫn, tr.192a. - Tr.236, “cảm tử” hay “quyết tử”? - Tr.251, Ban Thường vụ Trung ương (ký) Thận, nên chăng các chữ ký theo bí danh, được chú thích bằng tên thật? Thận - Trường Chinh… - Tr.284, TL Thường vụ… Bí thư Nguyễn Quang Thành. Nên chăng, cần cũng đưa tên ở các văn bản kiểu trên. (Đây là chỗ dễ phát sinh nổi cộm). - Tr.295, kiểm tra lại, hẳn tên đúng là Lê Trung Toản, không phải là Toả. - Tr.304, Lời căn dặn bộ đội vào thành… có nên ghi cả hai nguồn? Hồ Chí Minh tuyển tập, 1960 và Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, tập 7. Thực ra chỉ nên ghi Hồ Chí Minh toàn tập, 2000. - Tr.327, Nghị quyết 15, xung quanh thời điểm ra đời và cách xử lý. Bản thảo ghi ở chú thích “họp tháng 1 năm 1959”. Viết thế cũng có nghĩa là nghị quyết ra đời tháng 1-1959. Tuy nhiên, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 họp 2 đợt. Đợt 1 từ 12-22.1.1959 Đợt 2 từ 10-15.7.1959 (Theo bản thảo Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2) Đó là chưa kể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sách: “Lê Duẩn, một nhà lãnh đạo lỗi lạc một tư duy sáng tạo lớn của Cách mạng Việt Nam”, Chính trị Quốc gia, 2002, cho biết Hội nghị họp lần 1 tháng 1- 1959, lần 2 tháng 5-1959. Tư liệu mới cũng cho biết ngày 14-11-1959, Trung ương Đảng mới điện toàn văn bản nghị quyết cho Xứ uỷ Nam Bộ. Vậy nên, có thể ghi Hội nghị Trung ương lần thứ 15 “bắt đầu họp giữa tháng 1.1959” (?) Những chỗ in nghiêng trong Văn kiện Đảng toàn tập, xử lý ra sao khi bản thảo lấy theo tài liệu tại kho Lưu trữ Trung ương? Cần để ý tính nhất quán, khi, Nghị quyết 16 ghi cả 2 nguồn (kho… và Văn kiện toàn tập), đồng thời in nghiêng (theo Văn kiện Đảng). - Tr.437, về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không có xuất xứ. Bản thảo lấy bản dự thảo đầu tiên, khác bản công bố 1969. Có tới 5 (phương án - bản) kể từ 1965 đến 1969, xử lý thế nào. - Thời đoạn 1975-2007, không có văn kiện nào về Quốc phòng - Quân sự - An ninh. Nên bổ sung. Tóm lại, đây là một bản thảo có chất lượng cao. Tuy nhiên, cần xử lý một số chỗ, nhất quán cách thể hiện và bổ sung một vài văn kiện về Quốc phòng - An ninh cho toàn diện hơn.
GS.TS Đỗ Thanh Bình viết ngày 30/08/2011
1. Bản thảo cuốn sách “Thăng Long - Hà Nội, Tuyển tập Văn kiện Lịch sử” mà chúng ta có trong tay hôm nay là kết quả của đề án điều tra, sưu tầm, tập hợp và tuyển chọn công phu của nhóm tác giả. Đây là một công trình cần thiết và nên có sớm trong hệ thống các công trình của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Tôi xin khẳng định lại một lần nữa: cuốn sách không chỉ có ý nghĩa lớn đối với các nhà nghiên cứu mà còn đối với đông đả công chúng trong cả nước. Cuốn sách ra đời trong dịp đại lễ nghìn năm Thăng Long sẽ là cơ hội giới thiệu về lịch sử Thủ đô cho độc giả trong và ngoài nước qua những tư liệu rất cụ thể. 2. Sau khi được góp ý, trao đổi qua lần nghiệm thu (vào tháng 10 năm 2009) nhóm tác giả đã xem xét nghiêm túc những ý kiến của Hội đồng nghiệm thu và có chỉnh sửa, bổ sung, đưa ra cấu tạo cuốn sách một cách hợp lý và bố cục: ngoài Lời giới thiệu, cuốn sách được chia thành 3 phần: - Phần thứ nhất: Thăng Long - Hà Nội trong kỷ nguyên Đại Việt, gồm 55 văn kiện - Phần thứ hai: Hà Nội thời Pháp thuộc, 10 văn kiện - Phần thứ ba: Hà Nội từ năm 1945 đến nay, 75 văn kiện Sự phân chia như vậy là đúng đắn, phù hợp với cách phân kỳ truyền thống mà lâu nay ta vẫn sử dụng. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhóm tác gỉa cách lựa chọn văn kiện mở đầu và văn kiện kết thúc của cuốn sách, cũng như các văn kiện mở đầu và kết thúc cho mỗi phần. Cách lựa chọn và phân chia như thế là thảo đáng, chặt chẽ, phản ánh đúng bước ngoặt của mỗi giai đoạn lịch sử. Trong tuyển tập công trình, các văn kiện được sắp xếp thứ tự theo diễn tiến thời gian, căn cứ vào thời điểm các văn kiện đó được ban hành. Nhóm tác giả đã đảm bảo tính trung thực của văn kiện, không có sự can thiệp hoặc bình luận thêm nào ngoài việc chỉnh sửa vài ngôn từ cho phù hợp tiêu chuẩn hiện đại về ngữ pháp. Tôi cũng hoàn toàn cho là hợp lý khi nhóm tác giả chỉ trích những nội dung đề cập đến Hà Nội trong những văn kiện lớn của Trung ương khi đề cập đến nhiều địa phương. Việc mỗi văn kiện đưa vào dù là toàn văn hay trích, nhưng nhóm tác giả đều dẫn nguồn trích. Điều đó vừa đảm bảo tính khoa học của công trình, vừa giúp người đọc biết nguồn trích từ đâu khi học sử dụng công trình này. So với đề cương chi tiết trước đây, nhóm tác giả đã thêm bớt chỉ giữa lại và bổ sung với tất cả 140 văn kiện (trước là 154), chủ yếu bớt trong phần hai và ba. Tôi hoàn toàn đồng ý vì có những văn kiện đề cập đến Hà Nội nhưng chưa tiêu biểu và đưa những văn kiện tiêu biểu hơn vào công trình, phản ánh đầy đủ giai đoạn lịch sử đó của Hà Nội. Nói chung, tôi hoàn toàn đồng ý với nhóm tác giả về cấu tạo cuốn sách, cách phân kỳ, việc lựa chọn văn kiện, cách sắp xếp tư liệu... Lời giới thiệu được GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc viết tốt, đã giới thiệu cho bạn đọc đầy đủ về giá trị của công trình, về cấu tạo cuốn sách, về những chú giải trong cuốn sách,... Đây chính là sự hướng dẫn người đọc thuận lợi nhất khi sử dụng cuốn tư liệu này. 3. Vài góp ý nhỏ: - Phần mục lục nên đề số trang để độc giả dễ sử dụng, dễ tìm những mục mình cần. - Trong mục lục, số 109, 129 sửa lại năm. - Trang 12: sửa lại chữ “giành” bằng chữ “dành” - Văn kiện 002 Nam quốc sơn hà - Lý Thường Kiệt. Theo tôi nên diễn đạt lại đầu đề này. 4. Kết luận Đây là công trình đã được nhóm tác giả chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, có giá trị nhiều mặt, cần sớm đưa vào xuất bản ra mắt bạn đọc.
Trịnh Vương Hồng viết ngày 30/08/2011
Tuy triển khai sau nhưng trong hệ thống công trình giới thiệu Thăng Long Ngàn năm văn hiến, đề tài “Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập văn kiện lịch sử” có vị trí rất quan trọng. nội dung của đề tài này không chỉ là cơ sở cho nhiều công trình khác mà còn giúp độc giả rộng rãi có tư liệu để mở rộng nghiên cứu các vấn đề khác nhau. Bản thuyết minh được xây dựng nghiêm túc. Mục đích, ý nghĩa của đề tài xác đáng; tiêu chí lựa chọn, nhìn chung thỏa đáng; danh mục (tư liệu) đã bước đầu được liệt kê...Riêng kinh phí chưa được dự kiến. Sau đây xin nêu mấy điểm để tập thể tác giả suy nghĩ thêm. 1. Nhìn chung, chúng tôi nhất trí với tiêu chuẩn lựa chọn văn kiện được nêu ở II.8 (Mục đích, ý nghĩa...) và 9.3. Tuy nhiên ở đây, cần cụ thể hơn, nếu không sẽ khó trong quá trình tuyển chọn và thẩm định. Ở II.8, có ghi hoặc những văn kiện có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử quốc gia và dân tộc nhưng được ra đời tại đây...Như vậy có rộng quá không? xem 9.3... quyết định cảu chính quyền Trung ương đối với những vấn đề chung của đất nước mà Thăng Long – Hà Nội cũng là đối tượng thực thi. Ở II.10, ghi Những văn kiện quốc gia quan trọng nhất nhưng được viết và công bố tại Thăng Long – Hà Nội. Thế nào là nhất, sao lại nhưng ? (Cần xem II.8, II.9.3) thỏa đáng hơn. 2. Ở thời hiện đại, ngoài văn kiện bản do chính quyền công bố (xem II.9.3), các văn kiện Đảng (Đại hội Đảng toàn quốc, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Cấp ủy khác) như thế nào? 3. Nên quy định rõ chọn văn kiện đến cấp nào công bố (đương thời là Nghị quyết, Chỉ thị...) do cấp nào đề ra...Trong chiến tranh, có nhiều chỉ thị mệnh lệnh, nghị quyết...trực tiếp chỉ đạo Hà Nội, do Tổng chỉ huy, Tổng tham mưu trưởng hoặc cả Tập thể (Chủ tịch UBKC, Chính trị ủy viên khu, Khu trưởng) cùng ký. 4. Ở II.10 (tr.3) về tính toàn diện, Bản thuyết minh viết: Những văn kiện được tuyển chọn đề cập đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Thăng Long – Hà Nội. Vậy đề tài không sưu tầm văn kiện về quân sự, quốc phòng và an ninh? 5. II.10 Về tính khách quan...chọn theo chính sử hoặc bản gần nhất với thời điểm được công bố. Trên thực tế, không hẳn “bản gần nhất” đều chuẩn hơn bản (được nghiên cứu, làm rõ) sau, nhất là khi bản gốc thất lạc. Cũng cần nêu cách xử lý dị bản giữa bản được in (xuất bản công khai) với bản do nhân chứng góp ý. Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Cảm tử quân Hà Nội (xem phù điêu ở bờ Hồ Hoàn Kiếm và phù điêu ở phố Hàng Đậu) và Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến là những ví dụ. 6. Về mảng văn kiện ở thời hiện đại. Văn bản, chỉ thị, mệnh lệnh chỉ đạo kháng chiến. Công việc khẩn cấp bây giờ Điện của Ban Thương vụ TW Đảng gửi các Mặt trận và Chiến khu sáng 19- 12 – 1946 (Ngay cả) tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của TBT Trường Chinh. Và nhiều văn bản khác cho Hà Nội trong chống Pháp và chống Mỹ (mảng về 12 ngày đêm cuối 1972, về chi viện miền Nam, về chiến tranh biên giới...) 7. Về kỹ thuật và nội dung khác. Tiêu đề Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập văn kiện lịch sử, khi in nên bỏ dấu (:) ở giữa mà thể hiện sự khác nhau bằng kiểu chữ. Nên có Lời nói đầu để khu biệt phạm vi, nói rõ việc chọn văn kiện theo tiêu chí nào? Nên có dự toán kinh phí (như đã nêu) Có thể tăng cộng tác viên (nhất là cán bộ ngành Lưu trữ) để kịp thời gian. Tóm lại, Bản thuyết minh đã là cơ sở tốt cho việc “thi công” công trình, nhưng cần tiếp thu ý kiến củng cố thêm về tiêu chí cũng như thống kê đầy đủ hơn về văn kiện trước khi triển khai chọn lọc.
PGS.TS. Võ Kim Cương viết ngày 30/08/2011
Đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập văn kiện lịch sử” là một vấn đề có tính cấp thiết, việc thực hiện đề tài này sẽ mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Bởi vì, mục tiêu chính của đề tài là tuyển chọn và giới thiệu những văn kiện lịch sử liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của thành phố trải qua nghìn năm lịch sử hoặc các văn kiện lịch sử quan trọng mang tầm quốc gia, dân tộc được công bố tại nơi đây, hoặc trực tiếp liên quan đến Thủ đô. Việc tuyển chọn và giới thiệu một bộ tuyển tập văn kiện như vậy không chỉ góp phần hướng tới Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà còn góp phần vào việc truyên truyền giáo dục cho quần chúng trong và ngoài nước về truyền thống yêu nước của nhân dân Thủ đô nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung. Hơn nữa, như trong đề cương đã nhấn mạnh, việc công bố một tuyển tập văn kiện với mục tiêu và phương pháp tuyển chọn mang tính khoa học sẽ góp phần đắc lực vào việc nghiên cứu quá trình phát triển của Thủ đô trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội qua các giai đoạn lịch sử. Kết cấu của đề tài được các tác giả dàn dựng theo trình tự thời gian với 3 phần riêng biệt, bao gồm 159 tài liệu. Số văn kiên này lại được tuyển chọn theo các nguyên tắc bảo đảm tính khách quan, tính lịch sử và tính toàn diện. Với ý đồ nghiên cứu khảo sát như vậy, các tác giả đã đưa ra được một hệ thống các đầu mục tài liệu lịch sử cụ thể trong các thời kỳ Đại Việt, thời Cận đại và từ sau Cách mạng đến nay liên quan đến Thăng Long - Hà Nội, trên cơ sở thẩm định, đánh giá tính chính xác của các văn bản gốc, đính chính lại các tài liệu mà lâu nay vẫn còn thường bị nhầm lẫn... Ngoài phần nội dung, các tác giả còn dự tính trình bày thêm Lời giới thiệu Tuyển tập và một số tranh ảnh, bản đồ liên quan để tăng tính khách quan, khoa học và độ hấp dẫn của công trình. Tuy nhiên, với thiển ý của người nhận xét, tôi nghĩ rằng để có thể nâng cao hơn nữachất lượng của đề tài, việc trình bày nội dung Lời giới thiệu cần được thực hiện một cách nghiêm túc, trong đó cần có những nhận xét, đánh giá tổng quan về tầm quan trọng của tuyển tập tư liệu, về cấu trúc cũng như nội dung của cơ bản của bộ tư liệu. Có thể coi đây như là một phần của lịch sử nghiên cứu vấn đề của đề tài. Hơn nữa, số bản đồ, tranh ảnh cũng cần được lựa chọn kỹ càng, mỗi một tư liệu phải mang tính đặc trưng tổng quát của nội dung đề tài, tránh ôm đồm làm mất tính điển hình của hình ảnh minh hoạ. Thứ nữa, tôi thấy trong khi lên danh sách các văn kiện qua các thời kỳ lịch sử, còn trống vắng các văn kiện của Thành uỷ Hà Nội, Xứ uỷ Bắc Kỳ trong những năm 36-45 của thế kỷ trước liên quan đến lịch sử cách mạng của Hà Nội. Đây là một giai đoạn rất quan trọng trong tiến trình cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội cũng như trong cả nước, nên chăng cần phải bổ sung thêm. Với những điều như đã trình bày, tôi cho rằng Đề cương tuyển tập tư liệu về Thăng Long - Hà Nội được dàn dựng trên cơ sở có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc và hoàn toàn mang tính khả thi để thực hiện. Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét cho phép nhóm tác giả thực hiện đề tài để sớm ra mắt phục vụ công chúng.
GS.TS. Đỗ Thanh Bình viết ngày 30/08/2011
1. Đây là đề tài thuộc lĩnh vực lịch sử. Việc tiến hành thu thập, tuyển chọn và giới thiệu những văn kiện lịch sử tiêu biểu gắn với sự hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội, hoặc những văn kiện quan trọng liên quan đến lịch sử đất nước và dân tộc được ra đời chính nơi đây có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa chính trị và thực tiễn cao. Đây là việc cần thiết, có ý nghĩa thiết thực không chỉ bổ sung vào tủ sách nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, mà còn cung cấp cho người đọc, những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa của Thăng Long – Hà Nội, của đất nước những tư liệu quý. Nhìn bảng danh mục những tài liệu sẽ được tuyển chọn, giới thiệu trong Tuyển tập văn kiện này, chắc chắn nhiều người dân, nhất là thế hệ trẻ chưa được tiếp cận bao giờ và đây là cơ hội để họ hiểu biết thêm về lịch sử Thủ đô. Chúng tôi hoan nghênh việc làm này của nhóm tác giả. 2. Đây là một đề tài hoàn toàn mới mẻ, do vậy việc sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu cho người đọc lại càng cần thiết. Những văn kiện lịch sử về Thăng Long – Hà Nội, hoặc liên quan đến Thủ đô,... được lưu giữ trong chính sử hoặc dưới dạng các tài liệu lưu trữ khác, đã được sử dụng, trích dẫn trong nhiều công trình nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội hoặc những công trình nghiên cứu về đất nước dân tộc. Trên thực tế, những tư liệu, tài liệu này, hiện nay vẫn nằm rải rác ở các cơ quan khác nhau, chưa được tập hợp, hệ thống, sắp xếp lại, thậm chí có những tài liệu ở dạng các dị bản khác nhau, do vậy việc tra cứu, sử dụng gặp nhiều khó khăn. Cho nên triển khai đề tài này càng cần thiết và có ý nghĩa. 3 Tôi hoàn toàn đồng ý với những dự định tiếp cận của nhóm tác giả về không gian, thời gian, đối tượng, đặc biệt các nguyên tắc tuyển chọn, trình bày như đảm bảo tính khách quan, tính chính xác, tính lịch sử, tính toàn diện của các văn kiện lịch sử. 4 Về cấu trúc, việc sắp xếp các văn kiện lịch sử theo từng phần (theo các thời kỳ lịch sử của Thủ đô), thứ tự trình bày các văn kiện lịch sử theo diễn tiến của lịch sử Thủ đô và lịch sử Việt nam là khoa học. Cách trình bày theo cấu trúc này sẽ giúp người đọc dễ tra cứu. Việc sắp xếp theo tiến trình lịch sử này cũng góp phần làm rõ quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô. Trong quá trình tuyển chọn, sắp xếp, trình bày trong tuyển tập, các tác giả cũng luôn tuân thủ nguyên tắc nàylịch sử này. Do vậy, khi triển khai đề tài, nên đổi vị trí của số thứ tự tài liệu 62 và 63 cho phù hợp 5. Các phương pháp nghiên cứu: phương pháp khảo sát, thu thập, xử lý (các tài liệu dị bản...), tổng hợp phương pháp chuyên gia, phương pháp lịch sử, logic được sử dụng để hoàn thành đề tài là phù hợp. Kết luận: Đây là một đề tài có ý nghĩa khoa học, thực tiễn, chính trị, có tính khả thi cao. Đề tài hoàn thành sẽ là tài liệu quý, không chỉ có ý nghĩa là món quà kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà góp phần giáo dục truyền thống cho nhân dân, là tài liệu quý để tra cứu cho những người nghiên cứu. Tôi đề nghị các cấp của Hà Nội tạo điều kiện cho nhóm tác giả sớm hoàn thành đề tài, để ra mắt độc giả.
TS. Đinh Quang Hải viết ngày 30/08/2011
1. Về đề tài: Đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập văn kiện lịch sử” là một trong những đề tài quan trọng thuộc dự án điều tra sưu tầm biên soạn và xuất bản tủ sách “Thăng long ngàn năm văn hiến”. Đây là một đề tài có quy mô rộng lớn tập hợp, tuyển chọn những văn kiện tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và với phạm vi thời gian kéo dài 1000 năm gắn với quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội. Đây thực sự là một công trình khoa học có giá trị, không chỉ cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong và ngoài nước, mà còn đáp ứng yêu cầu hiểu biết lịch sử, văn hóa Hà Nội và góp phần giáo dục truyền thống yêu nước của đông đảo nhân dân cả nước. Do đó phải khẳng định rằng đây là một công trình khoa học rất cần thiết, có ý nghĩa để hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. 2. Cách tiếp cận - Về không gian và thời gian như bản thuyết minh đề tài là phù hợp - Về đối tượng và nguyên tắc tuyển chọn đã đáp ứng được các yêu cầu của đề tài. 3. Về phương pháp: Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong quá trình thực hiện đề tài là sát hợp. 4. Về nội dung: Kết cấu của toàn bộ công trình chia thành 3 phần như vậy là phù hợp, đúng với tiến trình phát triển của lịch sử, phản ánh được toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội qua 1000 năm lịch sử. 5. Một vài góp ý thêm Tôi có một vài điểm nhỏ xin được trao đổi thêm với các tác giả của đề tài. Về nguyên tắc tuyển chọn, trình bày thể hiện tính khách quan, tính lịch sử, tính toàn diện, nên bổ sung thêm vấn đề về quân sự và ngoại giao. - Những văn kiện do cấp nào (Trung Ương, tỉnh, thành phố) ban hành thì được tuyển chọn cũng cần có sự thống nhất. Trong đó đặc biệt chú ý là lựa chọn những văn kiện tiêu biểu cố gắng đảm bảo đưa đầy đủ, không để thiếu, để sót. - Nội dung phân chia làm 3 phần là phù hợp, tuy nhiên sẽ khó đảm bảo cân đối, phần thứ hai sẽ ngắn hơn nhiều so với phần thứ nhất và phần thứ ba. Đồng thời, nếu đặt tên cho các phần như vậy e không nhất quán về tên gọi: phần thứ hai có nên đặt là Hà Nội thời cận đại hay không? và nếu là cận đại thì lấy mốc từ năm 1858, hay lấy từ năm 1888? - Từ sau tháng 2/1947 các cơ quan Trung Ương và Hà Nội đã rút lui an toàn ra khỏi Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc và các vùng lân cận. Hà Nội nằm trong sự cai trị của thực dân Pháp. Vậy thời gian từ 2/1947 đến 10/10/1954 những văn kiện của Pháp và chính quyền tay sai ban hành về Đông Dương và về Hà Nội thì công trình này có đưa vào hay không? - Về dự kiến kết quả, phần hình ảnh, bản đồ, nên bổ sung thêm phần phụ lục trong đó chụp lại một số văn bản gốc, giúp công trình thêm sinh động, có sức thuyết phục hơn. - Đây là công trình có quy mô rộng, thời gian thực hiện 3 tháng là quá ít. Trong cách tiếp cận (mục 10, tr3) đã chỉ ra phạm vi không gian là: “… kinh thành Thăng Long trước đây, Thủ đô Hà Nội hiện nay”. Đây là công trình kỷ niệm tròn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vậy có thể mở rộng phạm vi đề tài về không gian và thời gian (tức là những văn kiện tiêu biểu đến năm 2009 hoặc 2010 của địa giới Hà Nội mở rộng như hiện nay). Tất nhiên như vậy sẽ cần thêm thời gian và kinh phí thực hiện. Kết luận: Đây là một công trình khoa học có giá trị, rất cần thiết. Với sự tham gia thực hiện của các tác giả giỏi, có nhiều kinh nghiệm, tôi tin tưởng công trình sẽ thành công tốt đẹp để kịp ra mắt độc giả đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá