Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 18/07/2009 08:44
“Chăm sóc” kỹ thị trường nội địa
Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu giảm 10% nhưng tổng mức bán lẻ trên thị trường nội địa lại tăng 20% (bao gồm cả yếu tố giá). Cùng với đó, du lịch nước ngoài giảm mạnh (19,1%) nhưng du lịch nội địa lại tăng gần 20%.
Điều này cho thấy, tiềm năng và sức phát triển của thị trường nội địa là rất lớn nhưng thực tế lại chưa được chú trọng một cách đúng mức.

Cân đối xuất khẩu - nội địa

Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, việc quá thiên lệch về chính sách hỗ trợ xuất khẩu (XK) khiến thị trường nội địa (TTNĐ) chưa được đặt tương xứng với vị trí của nó là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế. Biểu hiện ở chỗ ngay trong nhiều văn kiện, chiến lược, TTNĐ cũng chỉ được nhắc đến rất mơ hồ, bởi thế môi trường thể chế rất yếu kém.

Cũng theo ông Tú, gần đây TTNĐ đã được nhìn nhận lại, song để có được sự cân đối tương xứng giữa TTNĐ và XK trong phát triển kinh tế lại là câu chuyện không đơn giản, cần sự can thiệp về mặt vĩ mô. Cụ thể là phải cấu trúc lại thị trường, không “phân biệt đối xử” giữa hàng hóa sản xuất cho XK và cho TTNĐ.

“Cái được trong thời kỳ khủng hoảng là chúng ta đã chú trọng hơn đến thị trường nội địa, nhưng đã nhắm trúng rồi thì cần phải chăm sóc cho thị trường này một cách lâu dài và bền vững”.

Ông Vũ Khoan,
nguyên Phó Thủ tướng

Dẫn ra bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản là hàng sản xuất trong nước bao giờ cũng được ưu tiên chất lượng cao hơn so với hàng xuất khẩu, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ một thực tế: gần như chúng ta chưa có biện pháp gì để hỗ trợ hàng nội địa. Thực tế cho thấy, TTNĐ mới chỉ được doanh nghiệp quay về khi thị trường XK gặp khó khăn. Không có gì đảm bảo khi kinh tế thế giới nói chung và các thị trường XK hồi phục, doanh nghiệp không một lần nữa bỏ rơi TTNĐ để quay lại XK. Để tránh điều này, ông Nguyễn Cẩm Tú đề xuất: "Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp những chính sách đã ưu ái cho XK trước đây. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, có chính sách ủng hộ nông dân và người có thu nhập thấp mua tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng nội địa".

Còn theo ông Vũ Khoan, để TTNĐ trở thành hướng đi lâu dài, cần phải cơ cấu lại, tiến hành các biện pháp đồng bộ từ việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng đến cải tiến mẫu mã, chất lượng, hạ giá thành, hình thành tỷ giá thỏa đáng, mở rộng hệ thống phân phối, quảng bá hàng hóa và các loại hình dịch vụ trong nước.

Bài toán lâu dài

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn chia sẻ, việc chiếm lĩnh TTNĐ không phải chuyện muốn là được. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có chiến lược xây dựng hệ thống phân phối (ngoài một số doanh nghiệp lớn) để chiếm lĩnh TTNĐ, thì các tập đoàn quốc tế đã làm được điều này. Câu chuyện đáng buồn là thị trường bán lẻ trong nước sở dĩ sôi động là nhờ sự góp mặt của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như BigC, Metro…; đặc biệt, gần đây là hàng nhập lậu từ Trung Quốc tràn ngập thị trường, nhất là các tỉnh lẻ, các huyện ngoại thành. 

“Thị trường nội địa không chỉ là điểm tựa để vượt qua giai đoạn khó khăn do khủng hoảng mà còn là động lực thiết yếu tới phát triển kinh tế về dài hạn”.

Ông Nguyễn Cẩm Tú,
Thứ trưởng Bộ Công thương

Còn theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, tiêu thụ nội địa phụ thuộc chặt chẽ vào hệ thống phân phối bán lẻ trong nước, nhưng hệ thống phân phối bán lẻ đang bị “đe dọa” bởi các tập đoàn nước ngoài. “Để kích được TTNĐ, không chỉ ở khâu phân phối bán lẻ mà quan trọng hơn là các nhà sản xuất. Nhà sản xuất Việt Nam vẫn rất yếu khâu cạnh tranh, marketing nên rất khó chiếm lĩnh thị trường. Đồng thời phải tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất nội và nhà phân phối nội, tạo đất sống cho hàng trong nước”, ông Đoàn nói.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ: “TTNĐ Việt Nam rộng lớn, nhiều nước muốn xâm nhập, không có lý gì chúng ta lại bỏ trống”. Tuy nhiên, bài toán TTNĐ không phải dễ có câu trả lời trong một sớm một chiều. Nhật Bản đã khởi động chương trình thúc đẩy TTNĐ từ năm 1990 và mất nhiều thời gian để thực hiện. Việt Nam có thể sẽ mất khoảng 10 năm để lời kêu gọi thúc đẩy TTNĐ đi vào thực tế, với điều kiện phải có được một chính sách đồng bộ về tầm vĩ mô, có chiến lược và các giải pháp thực hiện cụ thể hơn nữa./.

(Theo VOVNews)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)