 |
Nhà thơ Xuân Tâm và cuốn Thi nhân VIệt Nam
in lần đầu tiên năm 1941 |
Lần đến thăm nhà thơ Xuân Tâm (tên thật là Phan Hạp) như chuyến đi tìm lại những thi nhân cuối cùng, tôi đã được trò chuyện với người thơ ngót trăm tuổi đương ở trong ngôi nhà nhỏ ven hồ Tây. Trong câu chuyện, chúng tôi nhắc tới sự kiện Thi nhân Việt Nam cùng những kỷ niệm của thi nhân với văn chương và bạn hữu.
Nhà thơ Xuân Tâm kể: “Tôi còn giữ được một cuốn Thi nhân Việt Nam. Theo chỗ tôi biết thì đó là cuốn cuối cùng của lần xuất bản đầu tiên vào năm 1941, bởi sau này rất nhiều nhà xuất bản muốn in lại đều đến đây mượn tôi cuốn này. Nói rồi ông đi vào nhà trong, một lúc sau bước ra, tay bưng lễ mễ cái hộp sắt tây đã cũ. Ông run run lần giở từng thứ cất trong cái hộp ấy khiến người ta cứ nghĩ đấy là những báu vật cuối đời của ông.
Trong số những “bảo vật” của lão thi nhân ấy, có cuốn Thi nhân Việt Nam in lần đầu năm 1941. Xuân Tâm bảo: Đây là cuốn sách tôi được tác giả tặng từ cách đây trên 60 năm. Nói rồi ông lật giở trang đầu, trên trang giấy vàng ố vẫn còn đây bút tích của hai tác giả cuốn sách và chữ ký tươi của họ. Dòng trên có chữ Tặng anh Xuân Tâm, dòng dưới là chứ ký của Hoài Thanh và Hoài Chân. Tôi lấy làm lạ là tại sao hai chữ ký cùng một dòng mà lại bằng hai màu mực. Nhà thơ giải thích: “Bút tích và chữ ký Hoài Thanh trên trang đầu cuốn sách do Hoài Thanh tự tay viết tặng tôi trong lần đến thăm tôi. Còn chữ ký của Hoài Chân thì về sau, khi tôi gặp và kể lại chuyện cuốn Thi nhân Việt Nam tôi đang giữ là cuốn in lần đầu tại Hà Nội do Nguyễn Đức Phiên( Hoài Chân) tự đứng ra xuất bản nhưng tôi vẫn chưa có chữ ký tặng của tác giả và cũng là người xuất bản. Ông Hoài Chân đã rất trân trọng khi cầm tập sách sau mấy chục năm ra đời vẫn được giữ gìn cẩn thận như mới.
 |
Bút tích của Hoài Thanh đề tặng nhà thơ Xuân Tâm |
Nói rồi Hoài Chân ký tên lên trang sách của tôi bên cạnh chữ ký Hoài Thanh, người anh và là đồng tác giả cuốn sách… Tôi rất vui khi có trong tay cuốn sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân viết trong đó có phần dành cho tôi với tư cách là nhân vật của họ, mà cũng từ đó, tôi có tên trên văn đàn Việt Nam. Điều đặc biệt là tôi có được cuốn sách ấy do chính tay ông ấy xuất bản và rồi tự tay ký vào… Gần bảy mươi năm nay tôi vẫn giữ nó cùng với các tập sách của riêng tôi như bảo vật vậy. Bây giờ thì hai anh em họ đã là người thiên cổ. Mỗi lần giở lại cuốn sách tôi lại tưởng nhớ người có công phát hiện ra mình trong hàng vạn nhà thơ Việt đầu thế kỷ trước, hồi phong trào thơ mới đang lên. Nhờ ông ấy mà tôi đeo đẳng nghiệp văn chương thi phú cho đến bây giờ…”.
Tôi cầm thử cuốn sách lên tay mà lòng bồi hồi như thể nâng niu một bảo vật. Vâng! Hơn cả báu vật vì cuốn sách gần bảy mươi năm nay vẫn còn hấp dẫn nhiều thế hệ người đọc bởi nó như một công trình được xây dựng từ tình yêu văn chương và một lối viết vô tiền khoáng hậu. Thi nhân Việt Nam cho đến nay vẫn là một mẫu mực về phương pháp bình luận văn chương. Cuốn sách được in trên giấy bản ngả màu nâu thời gian nhưng chữ thì vẫn rõ đẹp, sách vẫn còn nguyên vẹn như vừa mới in…
Viết đến đây, tôi bỗng dưng thương cảm những thi nhân. Tài sản cuối đời còn lại mấy vần thơ. Ông đã nâng niu trân trọng nó như đứa con tinh thần của mình cho đến khi tuổi trời ngót trăm năm vẫn còn nồng nàn nguyên vẹn tình yêu đầu tiên với thơ. Vâng thật hiếm thấy có một nhà thơ trọn vẹn với con đường chữ nghĩa như Xuân Tâm, dù từ sau đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam 1957 đến nay ông không sinh hoạt hội, mà đi làm công chức ủy ban Kế hoạch Nhà nước cho đến lúc nghỉ hưu…
Như để kiểm chứng về cuốn sách cuối cùng còn lại của lần xuất bản đầu tiên ấy, tôi đã lục giở nhiều cuốn Thi nhân Việt Nam mà mình có, nhiều cuốn ghi:
In theo bản in lần đầu
Nguyễn Đức Phiên
Xuất bản năm 1942
Cũng may nhờ có cuốn sách in lần đầu còn giữ được bởi một… thi nhân, nếu không, sau 50 lần xuất bản như nhà văn Từ Sơn con trai ông Hoài Thanh nói, thì có lẽ bây giờ ta không còn được đọc nguyên vẹn Thi nhân… bởi nó đã qua mấy lần “tam sao thất bổn”.
Hồi tưởng lại thời được vào Thi nhân… lão thi sĩ như tươi tỉnh trở lại khi thả hồn về với thời trai trẻ. Ông chính là Phan Hạp, chàng học trò trong Quảng ra thi. Thấy cô gái Huế bước đi không đành. Chàng học trường Quốc học, còn nàng là nữ sinh Đồng Khánh. Trai tài gái sắc đã làm say lòng nhau và những vần thơ tặng em Tâm của chàng thư sinh Phan Hạp đã ra đời ở Huế, để rồi từ những vần thơ đầu đời ấy, thơ Phan Hạp - Xuân Tâm đã lọt mắt xanh nhà phê bình Hoài Thanh - Hoài Chân đưa ông bước lên thi đàn sánh cùng 45 nhà thơ khác đại diện cho phong trào thơ mới Việt Nam thời kỳ đang lên đầu thế kỷ XX…
Hãy đọc lại phần Hoài Thanh viết về Xuân Tâm: “Chao ơi! Vui hay buồn XuânTâm đều có vẻ dịu dàng vừa phải. Và… ấy bất cứ đề tài gì, lời thơ vẫn một giọng nhẹ nhẹ êm êm. Nó chầm chậm đi vào hồn ta như một buổi chiều Xuân Diệu…”
Bây giờ thì 46 nhân vật trong Thi nhân… chỉ còn lại hai người đó là Xuân Tâm và Tế Hanh. Tế Hanh thì đã vĩnh viễn ra đi kể từ sau cái đêm kỷ niệm 40 năm đường Trường Sơn ấy. Chỉ còn Xuân Tâm - Thi nhân cuối cùng và cuốn Thi nhân Việt Nam cuối cùng ông đương giữ…
(Theo An ninh Thủ đô)