Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 20/07/2009 10:31
Mong manh "làng di sản" Cự Đà
Hai con cóc đá, dấu xưa của một thời kỳ hưng thịnh ở làng cổ Cự Ðà, giờ thì một con nằm thu mình giữa MỘT bên là cột điện, một bên là bức tường, con còn lại, bị bao vây giữa một đống phế thải... Về làng cổ ven sông Nhuệ này, người ta không khỏi đắng lòng khi chứng kiến những di sản văn hóa bị phá HỦY bởi thời gian và cả bởi chính con người...
Chiếc cổng cổ kính nhưng hai
câu đối đã bị phá hủy một phần.
Ánh hào quang của quá khứ

Toàn bộ kết cấu của làng cổ Cự Ðà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) lấy sông Nhuệ làm xương sống cho sự phát triển. Sát bên cái "xương sống" là một con đường, cách một quãng ngắn, lại có một con ngõ nhỏ sâu hút, mỗi ngõ như thế, với người Cự Ðà là một xóm. Dù thời gian đã khiến cho không gian có nhiều đổi thay, nhưng minh chứng về vai trò của dòng sông với đời sống dân làng vẫn còn hiện rõ. Mỗi con ngõ lại có đường thông tới bờ sông. Lối xuống bờ sông vẫn còn sót lại những bậc đá mà thời gian khiến chúng trở nên nhẵn bóng.

Bước qua cổng làng Cự Ðà, có cảm giác như bước vào một thế giới khác, nơi thời gian như trôi chậm lại. Ðầu mỗi con ngõ, là những cổng ngõ rêu phong. Những con ngõ ở đây đều gợi cho mỗi người những suy nghĩ về đạo làm người: ngõ Nhân Nghĩa, ngõ Hiếu Ðễ... Nhìn vào tên gọi những con ngõ, cũng phần nào hiểu được chuyện chữ nghĩa của ngôi làng. Phía trên mỗi cổng ngõ, được đắp một dòng đại tự, hai bên là đôi câu đối. Người xưa đã gửi vào đây những thông điệp hoặc ca ngợi cảnh đẹp của làng, hoặc răn dạy cháu con về cách đối nhân xử thế... Xưa, con sông Nhuệ là "mặt tiền" của làng, bởi thế, trông ra bờ sông, là những ngôi nhà của các bậc cự phú. Cự Ðà nổi tiếng về sự giàu có hồi đầu thế kỷ 20, nên những ngôi nhà cổ ven sông đều là sự pha trộn giữa kiến trúc Á Ðông và kiến trúc Pháp cổ. Nếu như con đường chính là nơi hội tụ những biệt thự xây thời Pháp thuộc thì những ngôi nhà gỗ truyền thống lại nằm sâu trong những con ngõ. Những ngôi nhà cổ thường quay lưng ra ngõ, thời gian bóc đi những lớp vữa trát khiến những bức tường phô ra những viên gạch cũ kỹ. Thi thoảng, trên nóc cổng ngõ, trên những bức tường bong tróc ấy, lại bắt gặp một cụm đa, hoặc mấy gốc si già buông thõng đám rễ khiến những con ngõ càng trở nên trầm mặc. Ðiểm xuyết trong không gian ấy là mái đình, mái chùa Cự Ðà.

Cự Ðà có khoảng 30 ngôi nhà theo kiến trúc truyền thống Việt có tuổi đời hơn trăm năm và cũng khoảng ngần ấy ngôi nhà biệt thự kiểu Pháp nữa, chưa kể đến nhiều nếp nhà tuổi quãng 70 - 80 năm, cũng mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ. Cự Ðà có điện từ năm 1929. Và Cự Ðà có lẽ cũng là một trong những làng đầu tiên có số nhà ở Việt Nam, khi việc đánh số nhà cũng được thực hiện dưới thời Pháp thuộc. Cự Ðà là một "làng doanh nhân" nức tiếng trong nam, ngoài bắc...

Ít ai ngờ nơi thời gian như chùng lại ấy, lại cách Hà Nội gần 20 km. Chính bởi thế, vài năm trở lại đây, Cự Ðà được coi như một điểm đến của những người muốn tìm về không gian truyền thống, những người mê chụp ảnh... Người Cự Ðà cũng hy vọng, một mai, sẽ trở thành một Phước Tích của Quảng Nam, hay một Ðường Lâm thứ hai của Hà Nội, khi dấu ấn xưa cũ vẫn còn hiển hiện trong từng con ngõ, trong nhiều nếp nhà của ngôi làng...

Du lịch, một giấc mơ

Phố phường Hà Nội ngày một chật chội, ồn ào khiến ngày càng nhiều người có nhu cầu tìm đến không gian truyền thống. Từ Hà Ðông đến Cự Ðà là một quãng đường không xa, nếu thiết kế tua du lịch một ngày khám phá làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Cự Ðà, hẳn nhiều du khách sẽ bị mê hoặc. Nhưng giữa tiềm năng và thực tế là một khoảng cách dài.


Đoạn đường xuống bến sông.

Người Cự Ðà đang sống trong những di sản văn hóa quý báu, nhưng những di sản ấy đang ngày càng mai một bởi thời gian. Gia đình ông Vũ Văn Thắng (xóm Ðồng Nhân Cát) sở hữu một ngôi nhà khá đẹp bởi sự hài hoà giữa kiến trúc Pháp và hoạ tiết trang trí phương Ðông, nhưng sau nhiều năm, các cửa kính đã vỡ hết, có cái được tu bổ bằng cách... xây bịt lại, trần nhà thì vữa rụng cả tảng. Nói về điển hình kiến trúc Pháp, không thể không kể đến nhà của ông Ðinh Văn Tường (xóm Ðồng Nhân Cát). Vẻ bề ngoài ngôi nhà vẫn giữ được những nét uy phong, nhưng bên trong ngôi nhà, mọi thứ đã mục nát gần hết. Trần nhà được chống tạm bợ bằng những chiếc cột gỗ cũng đã bị mối mọt ăn ruỗng, nền nhà vỡ nứt, cánh cửa ra vào lung lay, thủng lỗ chỗ... Ngôi nhà còn là một chứng tích lịch sử. Năm 1947, Trung đội 517 thuộc C3 Tự vệ chiến đấu Hà Nội đã quyết tử chống lại 200 lính thực dân. Ngay ở cạnh tường, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây (cũ) cho dựng một tấm bia kỷ niệm sự kiện này. Nếu không được đầu tư sửa chữa, ngôi nhà hẳn sẽ sập trong thời gian không xa.

Thuộc hàng đẹp nhất trong những nếp nhà gỗ là nhà của ông Trịnh Thế Xủng. Ngôi nhà của ông Xủng được dựng từ năm 1864, hoàn toàn bằng gỗ xoan. Ðược bảo quản khá tốt, nhưng khi thấy khách xuất hiện, bà cụ thân sinh ông Xủng tỏ ra bức xúc. Bà bảo: "Nhà tôi là nhà tư mà các đoàn cứ đi ra đi vào như của công mà chẳng được lợi ích gì. Các ông cấp trên cứ bảo phải giữ gìn, nhưng nếu chúng tôi cần tu bổ chắc gì đã được đồng nào".

Chỉ trong mấy năm qua, đã có ba ngôi nhà cổ bị dỡ đi để xây mới. Có gia đình dỡ nhà cổ vì giới trẻ thích xây những căn nhà bê-tông hai, ba tầng. Có gia đình muốn giữ nếp xưa, nhưng không có tiền, bởi những căn nhà gỗ, chỉ thay một chiếc cột đã tốn khá nhiều tiền của... Những chiếc cổng xóm cũng không còn nguyên vẹn như xưa. Ðể tiện đi lại, có bốn cổng đã bị phá đi. Và cũng để tiện đi lại, mặc cho các cụ cao tuổi trong làng cố gắng giữ gìn, người ta cũng vạc bớt hai bên cổng cho rộng hơn, vô tình, nhiều đôi câu đối quý được đắp hai bên cổng dần biến mất... Tương lai của làng cổ Cự Ðà là một dấu hỏi lớn, giống như băn khoăn của ông Ðinh Ngọc Quý là Chi Hội trưởng Hội Người cao tuổi - người sở hữu một ngôi nhà gần trăm năm tuổi: "Ðời tôi tôi giữ, nhưng chưa biết được đời sau thế nào". Các tiềm năng của Cự Ðà, nếu không có những việc làm cấp bách, sẽ dần mai một. Có lẽ người ta đã quá lãng mạn khi nói tới du lịch Cự Ðà, khi bao nhiêu thứ quá cần kíp chưa được giải quyết.

Con sông Nhuệ, con đường giao thương góp phần làm Cự Ðà giàu có khi xưa, giờ đặc quánh một màu đen, mùi xú uế bốc lên nồng nặc cả ngày lẫn đêm. Cự Ðà vốn có nghề làm tương, những năm gần đây nghề làm miến phát triển. Phế thải của nghề làm tương, làm miến cộng với con sông ô nhiễm khiến những ngày nắng oi, bầu không khí Cự Ðà trở nên đặc quánh bởi những thứ mùi khó ngửi. Dấu tích của một thời vàng son của Cự Ðà là hai con cóc đá ven sông. Xưa, trên hai con cóc này được khoét lỗ để đèn dầu. Ðêm đến, đèn được đốt lên để thuyền bè xác định được bến đậu vào. Giờ đây, một con bị ép giữa tường gạch và cột điện, một con co ro giữa đống phế thải chung quanh. Hình ảnh hai con cóc đá cổ hiện lên như trong tâm trí những người nặng lòng với văn hóa, như là hình ảnh đại diện cho những di sản văn hóa ở Cự Ðà...
 
(Theo Nhân dân Online)

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)