Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 25/07/2009 07:52
'Viết để chống lại sự khô khan của nghề khảo cổ'
Sau vài cuốn tiểu thuyết, Fred Vargas đã trở thành một trong những nữ hoàng truyện trinh thám mới của Pháp, danh hiệu mà cây bút bị ám ảnh bởi các chi tiết này luôn từ chối.

Sinh năm 1957 tại Paris, có mẹ là nhà hóa học và bố là một trí thức không bao giờ xuất bản tác phẩm của mình, cô bé Fred (thu gọn từ cái tên Frédérique) nhanh chóng thể hiện rõ những gì được thừa hưởng từ các bậc sinh thành: đầu óc toán học của mẹ và khiếu nghệ thuật của cha - người mà cô coi là “cuốn bách khoa thư sống”. Những phẩm chất này giúp Fred Vargas trở thành nhà khảo cổ học xuất sắc. Tuy nhiên, Fred Vargas vẫn cảm thấy nhu cầu thể hiện khuynh hướng nghệ thuật thừa hưởng từ cha mình và bắt đầu sáng tác truyện tranh, chơi accordeon, nhưng cuối cùng tìm thấy “niềm vui” khi viết tiểu thuyết trinh thám. Tiểu thuyết đầu tay viết năm 1986 của bà lập tức được nhận giải thưởng dành cho Tiểu thuyết trinh thám tại Festival Cognac.

Tiểu thuyết thứ hai đánh dấu một bước quan trọng trong sự nghiệp của Vargas. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được xuất bản tại NXB Viviane Hamy, một nhà xuất bản trẻ mà cho tới giờ Vargas vẫn chung thủy gắn bó. Đây cũng là lần đầu tiên nhân vật “hộ mệnh” của bà - cảnh sát trưởng Jean-Baptiste Adamsberg - xuất hiện. Trong nhiều tác phẩm sau đó, Vargas tiếp tục theo đuổi các cuộc điều tra của Adamsberg.  

Để dung hòa giữa công việc của nhà khảo cổ học và nhà văn, Fred Vargas có cách làm việc riêng của mình. Những ý tưởng chính hình thành trong tâm trí bà trong vòng một năm, sau đó trí nhớ lựa chọn những ý tưởng tốt nhất, và ngay khi câu chuyện đã khá ăn sâu vào ký ức, bà tái hiện lại bằng ngòi bút liền một mạch trong vòng ba tuần, vào kỳ nghỉ của mình. Sau đó đến giai đoạn sửa chữa. Một câu, một từ, một đoạn không ổn, và thế là cả một trang giấy có thể được thay đổi. Sự nhạy cảm với các chi tiết, phẩm chất của một nhà khảo cổ học, cùng với lần đọc lại của người em gái sinh đôi đã giúp cho bản thảo của Fred Vargas có thể đi thẳng tới nhà in, theo lời của biên tập viên NXB Viviane Hamy.

Nhà văn
Nhà văn Fred Vargas.

Các tiểu thuyết của Vargas tiếp nối nhau xuất hiện và lượng sách bán ra ngày một tăng (giờ đã vượt con số 4,5 triệu bản). Càng thành công, nữ tác giả lại càng ít xuất hiện trước công chúng. Không thích những gì thuộc về xã hội thượng lưu, Fred Vargas tiếp tục lối sống giản dị và dành khoảng thời gian rảnh rỗi ít ỏi cho gia đình: cậu con trai và người em gái sinh đôi mà bà coi là một nửa của mình.

Dưới đây là một số chia sẻ của bà trong những dịp hiếm hoi trả lời báo chí:

- Tại sao bà lại chọn bút danh Fred Vargas?

- Đó là vì cô em sinh đôi làm họa sĩ của tôi đã chọn Jo Vargas làm nghệ danh. Tôi không thể chọn một cái họ giả khác họ em gái sinh đôi của mình được.

- Tại sao bà lại đến với văn học trinh thám?

- Để chống lại sự khô khan trong công việc của nhà khảo cổ học. Và cũng bởi vì tôi không đủ sức để tiếp tục con đường chơi đàn accordeon.

- Bà thường viết ở đâu, lúc nào, và trong khung cảnh như thế nào?

- Ở bất kỳ đâu, miễn là có một chiếc ghế và ổ cắm điện cho máy tính. Tôi không phải người tôn sùng địa điểm. Tiếng ồn ào của lũ trẻ không làm tôi khó chịu, cả môi trường xung quanh cũng vậy, bất kể nó thế nào. Ngồi viết trong yên lặng hay ngồi viết giữa tiếng la hét đùa nghịch, chuyện trò của mọi người đối với tôi cũng như nhau. Chỉ có một điều bất di bất dịch: đó là hướng viết, một khi đã có được nó, tôi viết từ 15 đến 16 tiếng mỗi ngày, và viết đến tận 5 hay 6 giờ sáng.

- Trong quá trình viết, bà thích thời điểm nào nhất: soạn bố cục, viết những từ đầu tiên, hay đặt dấu chấm hết cho cả tiểu thuyết?

- Việc mà tôi ưa thích hơn cả, đó là chỉnh sửa, trau chuốt. Khi bắt đầu một cuốn sách, tôi luôn sợ không thể hoàn thành nó, điều ấy ảnh hưởng đến đam mê viết của tôi. Phải, mục đích duy nhất của tôi đó là kết thúc. Khi bắt đầu tôi có phác qua một bố cục để xem mình có đủ chất liệu viết hay chưa nhưng tôi không thực sự đi theo bố cục ấy. Tôi không muốn thành người quá chuẩn xác, tôi muốn chừa chỗ cho khả năng ứng tác. Phần lớn của cuốn sách được sáng tạo theo cách ngẫu hứng ấy.

- Những chi tiết dựa vào các yếu tố lịch sử trong tác phẩm của bà thuộc nguyên lý của tiểu thuyết trinh thám hay là do ảnh hưởng nghề nghiệp của bà?

- Có thể nói đó là do ảnh hưởng nghề nghiệp bởi tôi làm về khảo cổ học. Đồng thời, tôi không thể hư cấu một nhân vật mà không dựa theo trình tự thời gian. Nếu nhân vật đó có tương lai thì cũng phải có quá khứ. Ví dụ trong tiểu thuyết mới đây nhất của tôi, tôi đã thử để xem những sự kiện xa xưa có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của chúng ta như thế nào.

- Giới học sinh trung học rất thích tiểu thuyết của bà và các giáo viên thường xuyên nghiên cứu chúng. Bà đánh giá sự hâm mộ này thế nào?

- Tôi không thể hiểu nổi tại sao những quyển sách ấy lại được yêu thích, dù là giới trẻ hay độc giả ở bất kỳ độ tuổi nào. Tôi không ngờ lại như thế và tôi là người cuối cùng có thể phân tích chuyện này. Tôi cũng không mong muốn nó.

- Bà có nghĩ đến những độc giả này khi viết không?

- Không. Tôi chỉ nghĩ đến câu chuyện mình muốn được nghe, muốn được người khác kể lại cho. Thế nên tôi kể lại câu chuyện cho chính mình nghe, giống như kể cho một đứa trẻ đang thiu thiu ngủ.

- Bà đã tham gia vào cuộc thi "Je bouquins" nhưng chưa bao giờ chuyên viết cho thiếu nhi. Đã bao giờ bà được mời viết cho một tuyển tập cho thiếu nhi chưa?

- Có chuyện ấy rồi nhưng tôi không thể viết theo đơn đặt hàng. Kết quả sẽ luôn là con số không. Mặt khác, trừ khi còn nhỏ tuổi, tôi không quá tin vào một nền văn học dành riêng cho thiếu nhi được viết theo những chủ đề mà người lớn tưởng tượng ra rằng đó là chủ đề dành cho bọn trẻ. Như thế có vẻ như đã bó buộc chúng. Tôi muốn các bạn nhỏ tự tìm thấy trong những cuốn sách “người lớn” những gì làm chúng thích thú và chúng có thể tìm thấy những điều ấy mà chẳng gặp vấn đề gì.

- Năm 2000, bà đã xuất bản cuốn truyện tranh "Les Quatre Fleuves" (Bốn dòng sông) cùng họa sĩ minh họa Edmond Baudoin. Bà có ý định tiếp tục theo đuổi con đường này không?

- Không, đó chỉ là một ấn phẩm đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập NXB Viviane Hamy. Tuy nhiên, tôi rất thích truyện tranh. Trước cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên, tôi đã thử vẽ truyện tranh. Nhưng em gái sinh đôi của tôi khẳng định với tôi điều mà bản thân tôi cũng nhận thấy rất rõ: tôi vẽ không đủ đẹp để tiếp tục con đường này. Thế nên tôi đã bỏ qua.

- Bà đã nhận được khá nhiều giải thưởng. Vậy bà có nhạy cảm với sự tôn vinh không?

- Nhạy cảm theo nghĩa giải thưởng luôn là nguồn động viên để tiếp tục. Tôi là người rất thiếu tự tin nên hiển nhiên các giải thưởng giúp đỡ tôi rất nhiều. Nhưng theo nghĩa nào đó, tôi lại chẳng quan tâm đến chúng. Một giải thưởng có nghĩa là “cuốn tiểu thuyết trinh thám hay nhất của năm” ư? Tôi không tin, không bao giờ tin điều đó. Tôi không bao giờ có cảm giác đã thành công với các tác phẩm của mình. Chính vì vậy, tôi luôn bắt đầu lại trong nỗi hoài nghi không dứt. Ở khía cạnh này, giải thưởng chẳng thay đổi được gì.

Các tác phẩm của Vargas được xuất bản ở Việt Nam: Trong những cánh rừng vĩnh cửuNgười sói (L'Homme à l'envers ), Dưới những ngọn gió biển (Dans les bois éternels), (Sous les vents de Neptune)


Theo VnExpress
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)