Nhấc máy, chưa kịp “alô”, bác sĩ trực đã nghe từ đầu
dây đằng kia: “Bác sĩ phải không, con tôi đi qua cổng trường có học
sinh bị cúm, nay nó sốt, đề nghị tiếp nhận ngay để chữa trị. Nếu không,
con tôi có sao, các vị sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm”.
Kiểu "alô" vừa hoang mang lẫn hù dọa như trên, theo
bác sĩ trực ban tại các bệnh viện ở TP HCM, xuất hiện với tần suất dày
đặc kể từ khi thành phố xuất hiện hai ổ cúm tại trường phổ thông mấy
ngày qua.
 |
Con không học cùng lớp với ca nhiễm cúm, hai phụ huynh trường Ngô Thời Nhiệm (quận 9), này vẫn không khỏi lo âu. Ảnh: Thiên Chương. |
Gọi điện đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, một ông bố nhà ở
quận 9 hốt hoảng: “Con tôi có chuyện rồi, nó tiêu chắc rồi, nhiễm cúm
là cái chắc, tôi thấy nó nóng lắm. Tôi đã bảo mẹ nó đừng chở con đi qua
ngôi trường có ca cúm mà bà xã không nghe lời. Giờ tôi phải làm sao?”.
Vừa nghe bác sĩ khuyên nên bình tĩnh và đưa cháu đến
bệnh viện quận khám, người đàn ông đầu bên kia điện thoại đã phán ngay:
“Con tôi chết thì mấy người không yên đâu. Tôi muốn được đưa vào bệnh
viện để xét nghiệm ngay”. Không còn cách giải quyết, bệnh nhân sau đó
được tiếp nhận tại bệnh viện, tuy nhiên kết quả kiểm tra cho thấy: “Bé
nóng vì mọc răng”.
Đường dây nóng và phòng khám Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới
TP HCM mấy ngày qua cũng nhộn nhịp không kém, hầu hết phụ huynh mang
tâm trạng hoang mang kiểu “trời ơi”. Con không học tại trường có ca
cúm, cũng chưa có biểu hiện bệnh, song vừa hay tin trên báo, nhiều phụ
huynh đã đưa con đến bệnh viện yêu cầu xét nghiệm. “Chúng tôi giải
thích mãi họ vẫn không hài lòng”, một bác sĩ nói.
Là người phụ trách chính việc tư vấn đường dây nóng,
bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP HCM cho
biết, từ khi xuất hiện hai ổ cúm tại trường học, mỗi ngày ông phải tiếp
nhận đến vài trăm cú điện từ phụ huynh.
“Từ sáng sớm đến đêm khuya, điện thoại không ngừng
reo. Nhiều nhất là phụ huynh có con em đang theo học tại trường có học
sinh nhiễm cúm. Có người chỉ cần được giải thích vài câu thì đã hiểu,
nhưng cũng có phụ huynh vì quá lo lắng đã nằng nặc đòi mang con đi xét
nghiệm”, ông Nghiệm nói.
Lo sợ con bị nhiễm cúm đã trở thành chủ đề nóng của các phụ huynh mấy ngày qua. Đi đến đâu, từ siêu thị, nhà sách, công sở, đến các quán ăn, quán cóc, các ông bố bà mẹ đều mang nỗi lo sợ ra bàn với nhau.
Chị Huyền, nhà ở Phú Mỹ Hưng (hiện làm việc tại quận
3), cho hay, chị đã cho con trai nghỉ học từ 3 ngày nay dù trường cháu
ở tận quận 7, cách xa trường học bị cúm nhiều cây số. “Cháu là con đầu,
tôi thật sự không thể yên tâm cho cháu đi học khi cúm đã có trường bị
cúm tấn công”, chị Huyền nói.
Anh Thái nhà ở quận Tân Bình, cạnh trường trung học
tư thục Nguyễn Khuyến thì tức tốc đưa hai con về quê lánh cúm. Bởi theo
anh, cúm có thể bay trong không khí và có thể lây cho hai con anh.
Sáng 24/7, trước cổng trường mẫu giáo Họa Mi ở quận
5, nhiều phụ huynh đã tụ tập bàn nhau xem có nên tiếp tục cho con đi
học hay không. “Tôi lo đến ngủ vẫn mơ cảnh con bị bạn lây cúm. Cúm xuất
hiện nhiều nơi quá, giờ không biết phải làm sao. Để con ở nhà thì không
ai trông, cho con đi học thì sợ”, một phụ huynh nói.
Nhiều phụ huynh có con học hè ở các trường mầm non
gần trường Ngô Thời Nhiệm, quận 9, cũng lên kế hoạch cho con “lui binh”
để được an toàn.
 |
Phụ huynh với nhiều lớp khẩu trang kiên quyết đưa trẻ rời khỏi trường để khỏi mắc bệnh. Ảnh: Thiên Chương. |
Trao đổi với VnExpress.net,
bác sĩ Phan Văn Nghiệm cho rằng, tâm lý lo lắng của phụ huynh là hợp lý
bởi ca cúm ngày càng nhiều trong cộng đồng, tuy nhiên lo lắng đến mức
quá hoang mang thì không nên.
Theo ông Nghiệm, virus H1N1 không bay tự do trong
không khí để lây cho tất cả mọi người mà chỉ lây khi tiếp xúc gần người
mắc bệnh trong phạm vi 1,5 m. Tuy nhiên khả năng bị lây cũng chỉ có thể
xảy ra nếu người bệnh không mang khẩu trang mà ho, hắt hơi, ngáp khi
đang tiếp xúc với người khác mà người ấy cũng không mang khẩu trang.
Một khả năng khác là khi ta cầm nắm các vật dụng mà người bệnh đã để
virus bám vào rồi cho tay miệng, mũi.
“Phụ huynh chưa thấy con có biểu hiện bệnh nhưng vì
quá lo lắng đến mức yêu cầu được xét nghiệm, hoặc vừa nóng trong người
đã xin vào các bệnh viện chuyên khoa điều trị cúm H1N1 để nằm, là hoàn
toàn không cần thiết vì vừa tốn kém vừa dễ bị lây bệnh”, ông Nghiệm nói.
Cũng theo ông Trưởng phòng Nghiệp vụ Y của Sở Y tế,
miền Nam đang trong mùa mưa, các hiện tượng nóng sốt, ho, sổ mũi, viêm
họng thường xảy ra. “Tất nhiên khi bệnh phải đi khám, song không nên cứ
các triệu chứng này là vội nghĩ do H1N1 gây nên”, ông Nghiệm khuyến cáo.
Riêng khả năng lây bệnh tại hai ổ cúm ở trường tư thục Nguyễn Khuyến và trường Ngô Thời Nhiệm, Giám
đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Châu khẳng định, không phải trường có ca
cúm là tất cả học sinh trong trường đều bị mắc bệnh.
Tính đến chiều ngày 23/7, số học sinh trường trung
học tư thục Ngô Thời Nhiệm, quận 9, TP HCM, về nhà ở các tỉnh rồi phát
bệnh đã lên đến hơn 10 em, trong đó một số em đã lây cho người thân.
Hiện tất cả các ca đều được điều trị ở địa phương. Riêng các em trường
tư thục Nguyễn Khuyến hầu hết đã về đến nhà nhưng đến sáng 24/7, chưa
có học sinh nào phát bệnh. |
“Ngay cả trong lớp
của học sinh mắc cúm, cũng chỉ những bạn tiếp xúc thật gần mới có khả
năng bị lây. Tức không phải cứ học sinh nào về quê đều đã mắc và sẽ lây
cho người khác”, ông Châu trấn an khi có nhiều phản ánh của người dân
cho rằng đưa học sinh trường có H1N1 về quê sẽ dễ tạo điều kiện cúm lây
lan rộng.
Tuy nhiên cũng theo bác sĩ Châu, nhằm cảnh giác trước
những trường hợp học sinh đã mang trùng nhưng bệnh chưa bộc phát, ngành
y tế khuyến cáo gia đình phải tự theo dõi các cháu, tránh để các em đến
chỗ đông người hoặc tiếp xúc quá gần với người khác mà không mang khẩu
trang. Bên cạnh đó, y tế địa phương và giáo viên chủ nhiệm cũng phải
thường xuyên liên lạc theo dõi tình trạng sức khỏe của các học sinh này.
“Từ 7-10 ngày, nếu các em không phát bệnh thì xem như
an toàn. Trường hợp giám sát kỹ tại nhà tỏ ra hiệu quả hơn việc để hàng
nghìn em, trong đó có các em chưa bị mang trùng bệnh ở lại trường, nơi
đã có mầm bệnh và ca bệnh lưu trú”, ông Châu nói.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế khuyến cáo, trong
thời điểm bệnh tăng ca liên tục như hiện nay, người dân cần tự bảo vệ
bản thân và cộng đồng bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc
dung dịch sát khuẩn; thường xuyên vệ sinh môi trường,
thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng
sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị
ho, không khạc nhổ bừa bãi.
Riêng các trường hợp có tiếp xúc với người đến từ
vùng dịch, ổ dịch, nếu thấy biểu hiện bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để
được thăm khám.
Theo VnExpress