Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 29/11/2013 08:20
Nhân dân quyết định Hiến pháp
Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của mọi người dân Việt Nam là Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Và hôm qua, 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Hiến pháp mới, bản hiến pháp thứ 5 của nước CHXHCN Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.
Đây là một sự kiện đánh dấu thời kỳ mới trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước hội nhập và phát triển. Hiến pháp năm 1992 là bản hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới, sau hơn 20 năm thực hiện, đất nước đã có nhiều thay đổi trong xu hướng vận động mạnh mẽ của thế giới. Vì thế việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cần thiết, phù hợp với yêu cầu phát triển mới và nguyện vọng của người dân Việt Nam. Bản Hiến pháp 2013 mới được thông qua là kết quả của một quá trình làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy của các đại biểu Quốc hội, là sự chắt lọc trí tuệ của nhân dân cả nước.

Hiến pháp là văn bản chính trị pháp lý, là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc trong hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền, phản ánh ý chí, lợi ích của toàn dân tộc, thể hiện tâm nguyện của toàn Đảng, toàn dân. Chính vì vậy, trước khi được "nhấn nút" thông qua, việc lấy ý kiến nhân dân về các nội dung của Hiến pháp sửa đổi đã được tiến hành từ tháng 1-2013. Đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến đóng góp và 28.000 cuộc hội nghị, hội thảo được tổ chức. Đây được xem là một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng và dân chủ nhất được tổ chức trên phạm vi cả nước với nhiều hình thức đa dạng. Việc tiếp thu ý kiến rộng rãi của nhân dân cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của mỗi người dân Việt Nam vào việc xây dựng một "đạo luật gốc", là thể hiện rõ nét nguyên tắc mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân có vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng và sửa đổi Hiến pháp và pháp luật. Quá trình lấy ý kiến nhân dân, hoàn thiện Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã phát huy rộng rãi quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Tuy rằng vẫn còn một bộ phận nhân dân, trong đó có cả đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau về một số vấn đề đặt ra khi tiến hành sửa đổi Hiến pháp. Nhưng thực tế là đại đa số nhân dân và đặc biệt là tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội, những người được người dân bầu ra làm đại diện cho mình, đã đồng tình cao với bản Hiến pháp thông qua lần này. Hiến pháp 2013 với tinh thần đổi mới đã thể hiện rõ ý Đảng lòng dân, được xây dựng trên cơ sở lý luận khoa học, kế thừa và phát huy đầy đủ giá trị của 4 bản Hiến pháp trước đó; tổng kết thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới của đất nước. Nhiều ý kiến đóng góp xác đáng của các tầng lớp nhân dân và các đại biểu Quốc hội, được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ghi nhận, tiếp thu bổ sung, hoàn chỉnh để có được một bản Hiến pháp hoàn chỉnh nhất, thực sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Trong quá trình lấy ý kiến, nhiều người đã nói "để dân phúc quyết" và Đảng, Nhà nước đã tạo cơ hội thuận lợi nhất để người dân góp ý. Vậy là chính nhân dân đã quyết định sự ra đời của bản Hiến pháp mới. Hiến pháp mới có hiệu lực từ 1-1-2014, sẽ được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tổ chức thực hiện, đưa đất nước bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập, dân chủ, văn minh.

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)