Phải thực sự xem trọng văn hóa nghệ thuật
Nhà văn Vũ Hạnh lên tiếng: “Cần xem văn hóa
nghệ thuật như các ngành kinh tế trọng điểm khác, có như thế nhà nước
mới chú trọng đến việc đầu tư đúng mức cho văn nghệ sĩ”. Nhà văn Chu Lai
ví von: “Tác phẩm viết 3 năm, số tiền đặt hàng trả cho nhà văn chỉ bằng
1 đêm diễn của ca sĩ hạng sao. Trong khi đó, sân khấu gian nan để sáng
đèn, điện ảnh buông tay cho các đơn vị tư nhân tự thu tự chi. Mọi gánh
nặng gạo tiền đều đổ lên vai những người làm nghệ thuật”. Theo TS Lê
Thành Nghị, hiện nay, chưa có một chế độ đãi ngộ nào xứng đáng với văn
nghệ sĩ. Trước tiên, phải bảo đảm cho họ sống được từ tác phẩm sáng tác.
Cuộc sống không ổn định thì không ai còn tâm trí đâu mà sáng tạo.
Vấn đề đầu tư kinh phí được nhiều văn
nghệ sĩ đồng thuận, quan tâm. Nhà văn Đỗ Kim Cuông nói: “Không thể coi
các giá trị văn hóa nghệ thuật là thứ hàng hóa đơn thuần mà nó còn là
sản phẩm văn hóa đặc biệt, không thể sánh với hàng hóa vật chất”. NSND
Lê Tiến Thọ cho rằng phải phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống
trở thành mục tiêu quốc gia, chỉnh sửa lại chế độ lương bổng, có như thế
mới khuyến khích được sáng tạo.
Những tác phẩm văn học gây nhiều tranh luận trái chiều từ phía người đọc và cơ quan quản lý ngay từ khi ra đời
“Chúng tôi đang cố gắng làm thế nào để có
thể phối hợp với Ban Tuyên giáo, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học,
nghệ thuật trung ương hỗ trợ sáng tác cho văn nghệ sĩ trong thời gian
tới” - ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch,
cho biết. Tuy nhiên, theo ông Biên, điều cốt lõi là cần có tài năng và
môi trường sáng tạo nghệ thuật đúng nghĩa. “Ngày xưa chống Pháp, chống
Mỹ, điều kiện sống kém, thiếu thốn mọi mặt nhưng vẫn có được tác phẩm
hay. Nhà văn phải luôn không bằng lòng với chính mình và tự rèn luyện
tài năng sáng tạo” - ông Biên nói thêm. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát,
Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, câu hỏi “Làm phim để làm gì, cho
ai?” chưa bao giờ được trả lời rốt ráo từ cả hệ thống quản lý lẫn người
sáng tác trong những năm qua. Bài học phát triển đội ngũ nhân lực từ
điện ảnh Hàn Quốc cũng được các đại biểu mang ra so sánh, mổ xẻ. Hiểu rõ
quy trình phát triển nghệ thuật, hỗ trợ nhân tài của xứ người nhưng cả
một thập kỷ chúng ta vẫn loay hoay chưa làm được. Nhiều giải pháp đề ra
còn ở mức khái quát, “vĩ mô” như: đưa vào giảng dạy các trường phái mỹ
thuật thế giới, tổ chức không gian giao lưu văn hóa các nước… “Giải pháp
nói ra thì dễ nhưng thực hiện lại lúng túng. Bao nhiêu năm rồi, nói
nhiều mà thay đổi được gì” - đạo diễn Trần Minh Ngọc ưu tư.
Để công chúng định giá trị
“Thực tế cho thấy những tác phẩm có tầm ảnh hưởng và nghệ thuật cao thường long đong. Từ thời Vũ Như Tô
của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1941) đã phải nằm yên trước sự phán xét
nghiệt ngã của thời gian và giới nghiên cứu, để rồi hơn nửa thế kỷ sau
mới được vinh danh là tác phẩm đỉnh cao, có thể sánh ngang với các kiệt
tác bi kịch trên thế giới” - PGS-TS Phan Trọng Thưởng nhìn nhận.
Nhìn rộng ra có thể thấy nhiều tác phẩm hay cũng có số phận tương tự: Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi; Bạch đàn liễu, Mùa hè ở biển, Đợi đến mùa xuân… của Xuân Trình; Hà My của tôi, Nhân danh công lý của Doãn Hoàng Giang - Võ Khắc Nghiêm, Bài ca giữ nước
của Tào Mạt… cũng từng bị coi là có vấn đề trước khi đến được với công
chúng. “Đến cả những tác phẩm có giá trị vượt thời đại của Lưu Quang Vũ
cũng đã từng bị dư luận chính thống nhiều lần lên tiếng phản kháng gay
gắt. Nếu không có được sự điềm tĩnh trong chỉ đạo, sự nhiệt tình bảo vệ
của hội nghệ sĩ sân khấu và những người làm nghề thì đã không thể nào
mang lại giá trị xứng đáng cho những vở kịch như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Cô gái đội mũ nồi xám…” - GS Mai Quốc Liên nói.
Ở lĩnh vực văn học, các tác phẩm Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Nỗi buồn chiến tranh
(Bảo Ninh)… cũng từng có những dư luận trái chiều, phía ca ngợi, phía
lên án không kém phần gay gắt. Nhưng những tác phẩm này đã tồn tại và có
sức sống mãnh liệt với thời gian từ sự thẩm định của quần chúng.
Hai mặt của vấn đề: Tự do sáng tạo phải có
giới hạn trong những chuẩn mực nhưng sự bản lĩnh, cởi trói tư duy sáng
tạo cũng cần thiết không kém. Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng tác
phẩm hay luôn có giá trị đúng nhưng tác phẩm đúng chưa chắc đã hay.
Chính vì thế, không thể vin vào một số cuốn sách, vở diễn, bộ phim bị
đình bản, cấm phát hành mà cho đó là kìm hãm sáng tạo đỉnh cao. Nói như
TS Lê Thành Nghị, trường hợp cuốn Thời của thánh thần
(tác giả Hoàng Minh Tường, đã bị thu hồi) “phơi bày những tiêu cực của
đời sống, phân tích cặn kẽ những mặt khuất lấp của hiện thực nhưng một
lối thoát tinh thần cho sự ngột ngạt ấy còn chưa được dày công suy ngẫm,
còn là khoảng cách với người đọc”. Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu), Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh)… sau này cũng là những trường hợp vấp phải sự đối nghịch về quan điểm trong dư luận.
Kỳ tới: Kiểm duyệt kìm hãm sáng tạo?
Thế nào là tác phẩm đỉnh cao?
Khái niệm “cao” và “đỉnh cao” đã được mang
ra định nghĩa cụ thể tại hội thảo. Tổng hợp từ nhiều ý kiến của các văn
nghệ sĩ, PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình
văn học, nghệ thuật trung ương - đúc kết: Tác phẩm có giá trị cao phải
phản ánh, thể hiện những tư tưởng tiên tiến, nguyện vọng, lợi ích chính
đáng của nhân dân và những vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước;
có tác động sâu sắc và tích cực đối với xã hội, nêu bật được những vấn
đề bản chất nhất của đời sống hiện thực; có sức truyền cảm lay động, bồi
dưỡng tình cảm lý tưởng sống cao đẹp cho con người; sáng tạo độc đáo về
nghệ thuật, ngôn từ, góp phần nâng cao hệ giá trị thẩm mỹ của văn học
nghệ thuật. Riêng tác phẩm “đỉnh cao” phải vượt qua cả 3 tiêu chí trên,
là tác phẩm hay nhất, được công chúng ngưỡng mộ tán thưởng nhiều nhất,
đặc biệt xuất sắc. |