Song
thời điểm khắc nghiệt nhất đã đến. Sáng ngày 2/9/1969, cả nước đang hân
hoan trong ngày Quốc khánh, thì trong căn nhà nhỏ, giản dị cách ngôi
nhà sàn của Bác không xa, trên một chiếc giường gỗ trải chiếu đơn sơ,
Bác Hồ kính yêu của cả dân tộc ta đang trút những hơi thở cuối cùng.
Vây
quanh Bác là các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, các
giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ
cho Bác. Đồng chí Vũ Kỳ - người phục vụ thân cận nhất của Bác ngồi trên
giường với chiếc quạt lá cọ trên tay không ngừng quạt nhẹ cho Bác.
Nhưng
rồi đúng 9 giờ 47 phút, trái tim Bác ngừng đập. Chiếc quạt lá cọ rời
khỏi tay, đồng chí Vũ Kỳ gục xuống khóc nức nở. Các bác sĩ vẫn không
ngừng xoa bóp, hô hấp nhân tạo với hy vọng mong manh rằng, trái tim vĩ
đại tràn đầy yêu thương của Bác sẽ đập trở lại. Nhưng tất cả đã vô
vọng.
Một
giờ sau, khi trao đổi với các bác sĩ làm công tác cấp cứu, đồng chí
Phạm Văn Đồng đau đớn khoát tay: “Thôi, các đồng chí để yên cho Bác
nghỉ”. Tất cả mọi người có mặt bên giường Bác đều oà khóc nức nở.
Trong
khi đó, diễn biến tình hình sức khỏe của Bác đã liên tục được thông báo
về 75A. Tại công trình 75A, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang
Đạo, Phùng Thế Tài và tôi luôn bám sát tình hình ở Phủ Chủ tịch qua máy
điện thoại. Các chuyên gia Liên Xô và Tổ Y tế đặc biệt được lệnh sẵn
sàng. 10 giờ, tôi đau đớn buông máy điện thoại, nói với các anh tại
75A: “Bác mất rồi”.
Anh
Phùng Thế Tài vừa khóc vừa ra lệnh cho mọi người: “Tất cả vào vị trí”.
Tôi cũng gạt nước mắt lao ra xe chỉ huy. Chúng tôi được lệnh cho xe tới
Phủ Chủ tịch. Trên xe còn có các đồng chí Nguyễn Gia Quyền, Nguyễn Văn
Châu, Nguyễn Trung Hát, Tổ Y tế đặc biệt và đồng chí Đỗ Hải - Chính trị
viên Tiểu đoàn 144. Tới cổng Phủ Chủ tịch, đoàn xe dừng lại, riêng
chiếc xe cứu thương mang biển số FH 1468 do đồng chí Nguyễn Văn Hợp lái
được lệnh đi tiếp.
Xe
vừa đến trước cửa ngôi nhà sàn của Bác đã thấy đồng chí Trần Quốc Hoàn
ra đón. Anh Hoàn ôm lấy tôi, vừa khóc vừa nói: “Sự việc xảy ra rồi! Các
đồng chí phải bình tĩnh làm tốt nhiệm vụ của mình”. Khi nhìn thấy tôi
và Tổ Y tế đặc biệt, đồng chí Phạm Văn Đồng cũng vừa khóc, vừa vẫy tay:
“Thôi, mọi người hãy giãn ra cho các đồng chí chuyên môn làm nhiệm vụ”.
Thấy
Bác nằm thanh thản trên giường, nước mắt tôi trào ra. Nhưng tôi chợt
hiểu rằng, đây là lúc mà mình phải tỉnh táo nhất; mình là cận vệ của
Bác Hồ, lúc này mình phải bảo vệ Bác như tất cả những lần Bác đi công
tác. Nghĩ vậy, tôi trấn tĩnh cùng các đồng chí trong Tổ Y tế đặc biệt
tiến vào. Khi đã đưa Bác yên vị lên xe, tôi quan sát nhanh rồi ra lệnh:
“Lên đường!”. Chiếc xe nhẹ nhàng lăn bánh ra cổng Phủ Chủ tịch. Lúc đó,
tất cả các xe đều giữ đúng vị trí, giữ đúng cự ly. Đoàn xe hộ tống Bác
qua các phố Phan Đình Phùng, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Lê Thánh
Tông về 75A.
Khi
xe dừng lại trước công trình 75A, mọi người ùa ra đón. Tôi chỉ kịp nhảy
xuống xe báo cáo với các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo,
Phùng Thế Tài: “Thưa các anh! Bác đã tới”. Tôi đã nhiều lần được bảo
vệ, tiếp cận Bác trong những chuyến đi công tác, nhưng chưa bao giờ có
chuyến đi nào buồn như vậy.
Suốt
chặng đường từ Phủ Chủ tịch đến 75A, tôi luôn cắn răng tự nhủ với mình:
“Không được khóc! Không được rơi nước mắt”. Nhưng lúc này, sau khi làm
biên bản khám nghiệm xong, các chuyên gia y tế của Liên Xô và của Tổ Y
tế đặc biệt bắt đầu đưa thi hài Bác vào buồng đặc biệt thì tôi không
sao kìm nén được nữa. Nước mắt cứ thế vỡ oà ra.
Trong
buồng đặc biệt lúc đó có đoàn chuyên gia y tế Liên Xô, các đồng chí
trong Tổ Y tế đặc biệt, anh Phùng Thế Tài và tôi lui tới ra vào theo
dõi tiến trình công việc để báo cáo kịp thời với các đồng chí lãnh đạo,
đồng thời cũng làm nhiệm vụ chăm sóc các chuyên gia Liên Xô và Việt
Nam.
Nội
dung và yêu cầu của khoa học giữ gìn lâu dài thi hài Bác là: Phải giữ
được những nét đặc trưng của thi hài Bác như khi Người còn sống. Phải
giữ thi hài được lâu dài. Phải đảm bảo được yêu cầu có thể để đông đảo
người tới viếng thăm trong điều kiện môi trường bình thường. Theo chúng
tôi được biết, khoa học giữ gìn thi hài với nội dung và yêu cầu như thế
thì trên thế giới cho đến lúc đó mới chỉ có Liên Xô làm được.
Có
một điều đặc biệt là tuy tuổi cao, sức yếu nhưng hệ thống mạch máu của
Người về cơ bản vẫn thông suốt đến các hệ thống mao mạch. Điều đó chứng
tỏ sinh thời, Người rất chăm chỉ rèn luyện thân thể. Đây cũng là một
thuận lợi cơ bản trong công tác giữ gìn thi hài Bác. Các chuyên gia y
tế Liên Xô đã làm công việc đó với một tấm lòng yêu thương, trân trọng
lãnh tụ, với tinh thần khoa học rất cao và một tài năng tuyệt vời.
Cuộc
đời tôi tuy đã trải qua không ít những ngày gian khổ, hiểm nguy, trải
qua không ít những đau thương mất mát, nhưng chưa bao giờ tôi phải sống
một ngày đau đớn đến vậy. Vào những ngày Bác mất, Hà Nội lúc nào cũng
như bị đè nặng dưới một bầu trời u ám, sũng nước. Tin về nỗi đau lớn
của dân tộc chưa được phép loan đi, nhưng dường như dần dần mọi người
Hà Nội và cả cỏ cây thiên nhiên đều cảm nhận được nỗi mất mát lớn lao
đó.