Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 07/04/2014 05:06
Bức bích họa về giới trí thức

Lâu nay, nhà báo Hàm Châu được nhiều người nhớ đến với những bài viết về giới trí thức Việt Nam. Ông có lẽ là cây bút bền bỉ nhất, không chỉ theo dõi, quan sát mà đôi khi còn đồng hành với các nhà khoa học trí thức đầu ngành Việt Nam từ những năm tháng chiến tranh. Hơn nửa thế kỷ viết về trí thức, Hàm Châu là một trong rất ít người có đầy đủ nhất thông tin về tiến trình thế hệ của những người làm khoa học nước nhà.

 

 
Cuốn "Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại”
Người đọc có thể tìm thấy các bậc thức giả ấy trong cuốn sách đồ sộ của nhà báo Hàm Châu: "Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại” vừa được NXB Trẻ ấn hành. Từ những trí thức đầu đàn góp phần quan trọng trong buổi đầu lập quốc như GS. Hồ Đắc Di, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng đến các trí thức khác như Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Tụy, Trần Thanh Vân, Trịnh Xuân Thuận... Tuy nhiên, công trình dày tới hơn 1.200 trang này vẫn không quên các nhà trí thức trẻ mà tên tuổi họ làm rạng rỡ cho Việt Nam, như GS. Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn... 56 gương mặt được chọn chưa phải đủ đầy nhưng là một diện mạo tương đối công phu, ở đó mỗi tác giả đều có những quan sát kỹ lưỡng từ xa đến gần, từ sự khái quát sự nghiệp của họ cho đến cuộc sống đời thường mà ông có dịp biết. Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc đánh giá cuốn sách là "một bích họa hoành tráng phản ánh giai đoạn lịch sử Việt Nam đương đại”. "Cuốn sách tạo niềm tự hào và niềm tin vào dân tộc cho tất cả người Việt trong và ngoài nước, đồng thời nêu những gương sáng cho các thế hệ trẻ và cho mai sau”, nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc viết. Song, bằng sự khiêm tốn và đúng mực của một người làm khoa học, nhà báo Hàm Châu nhận mình "làm sao đủ sức viết nổi về tất cả những trí thức tiêu biểu của nước Việt Nam đương đại. Trong sách, chỉ là một số chân dung những trí thức ít nhiều tiêu biểu mà tôi may mắn từng được gặp mặt, chuyện trò”.
 
Lịch sử nền khoa học và sáng tạo Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được lấp. Và cuốn sách đồ sộ của nhà báo Hàm Châu là một nỗ lực lấp đầy khoảng trống đó, nhất là những năm tháng nước nhà gặp nhiều khó khăn. Ở đây, thái độ của một người cầu tiến và phẩm chất tinh thần "đồ Nghệ” đã giúp tác giả vượt qua những trở ngại về tư liệu, cũng như sự ít ỏi của truyền thông khoa học-kỹ thuật nhiều thập niên để dựng nên bức tranh toàn cảnh về không khí học thuật được ghép từ những chân dung khá chi tiết.
 
Những gương mặt được giới thiệu trong cuốn sách này tất nhiên chỉ là phần nào trong đông đảo các trí thức người Việt đầy khao khát cống hiến, phụng sự xã hội cũng như chinh phục đỉnh cao trí tuệ. Họ không chỉ gồm các nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, các nhà lý thuyết nhiều danh vọng mà còn cả những người thầy, những người nghệ sĩ. Trưởng thành và lập thân trong bối cảnh đất nước nhiều biến động, không phải lúc nào cũng sẵn điều kiện cho họ làm việc, thậm chí quá thiệt thòi cho tài năng, những bậc trí thức lớn vẫn tìm cách thích nghi và vượt qua để làm được việc, để thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ người Việt. Họ là mảng tinh hoa của đời sống hòa bình, đời sống xây dựng đất nước để cân bằng với đời sống chiến tranh vốn dĩ đã đẩy đất nước vào tình thế phát triển bất bình thường.
 
Hàm Châu họ Nguyễn, sinh ra và lớn lên trong một dòng họ trí thức Nho gia ở vùng đất khoa bảng Nam Đàn (Nghệ An). Ông từng là Tổng Biên tập của báo Tổ Quốc, cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Việt Nam, nơi tập hợp trí thức theo đề xuất của Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã quen thuộc với bạn đọc nhiều thập niên về những tuyến bài viết về các học giả nước nhà, cũng như các trí thức Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Với văn phong đậm chất giáo khoa, nghiêm túc và mạch lạc, "Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại” thực sự hữu ích cho những ai cần tìm hiểu về một hệ thống phát triển của giới trí thức, đặc biệt là mảng khoa học. Người đọc sẽ tìm thấy niềm tự hào về những thế hệ người Việt đã tiếp cận nền khoa học nhân loại, và cả những nỗi tiếc nuối về những công trình bỏ lỡ do thời cuộc. Đằng sau đó là niềm hy vọng về một tương lai nước nhà, chỉ có lòng hiếu học và tri thức mới đưa đất nước tiến bộ.
(Theo daidoanket.vn)

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)