Tình hình xuất bản hiện nay: Những gánh nặng làm "oằn" thêm trang sách
Nhà
văn Nguyễn Quang Sáng từng nói, ở đất nước ta, lưu thông văn chương không phát
triển bằng lưu thông thực phẩm. Ô mai Hà Nội, phở Hà Nội được bày bán phổ biến
ở Sài Gòn. Sầu riêng, bún mắm ở Sài Gòn dễ dàng tìm mua ở Hà Nội. Nhưng sách in
ở miền này thì không dễ tìm được ở miền kia. Bên cạnh câu chuyện lưu thông,
ngành Xuất bản nhiều năm qua còn trải bao nỗi "truân chuyên" khác.
Ở
giai đoạn đất nước đầu đổi mới, như sự bù đắp cho những thiếu thốn trong và
ngay sau chiến tranh, sách cứ in ra là bán được. Hàng loạt các nhà xuất bản
(NXB) mọc lên như nấm sau mưa. Có những cuốn sách nội dung hầu như "không
có gì" cũng được phát hành tới hàng chục ngàn bản. Đó được coi là giai
đoạn hoàng kim của giới xuất bản trong nước.
Mọi
sự bắt đầu khác đi sau khi những "bù đắp" đó chạm ngưỡng "bão
hòa". Bước vào thời kinh tế thị trường, sách cũng phải đương đầu với áp
lực cạnh tranh căng thẳng hệt như các sản phẩm hàng hóa khác. Và vì là một loại
hàng hóa đặc biệt nên những áp lực giới xuất bản phải đối mặt cũng có những đặc
trưng riêng. Đặt trong bối cảnh thị trường với các quy luật cung - cầu tương
đối sòng phẳng, các NXB mang nặng tư duy làm ăn kiểu bao cấp càng lúc càng
đuối.
Theo
nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, trong khoảng 20 năm trở lại đây, đã có một sự
"soán ngôi" trong lĩnh vực xuất bản ở nước ta. Cụ thể, bắt đầu từ
những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi đề nghị xin được thành lập NXB tư nhân
bị bác bỏ, các công ty văn hóa truyền thông buộc phải tham gia thị trường sách
bằng cách liên kết, mua giấy phép của các nhà NXB. Thời gian đầu, khi quy mô
cũng như khả năng chiếm lĩnh thị phần còn nhỏ, các NXB vẫn giữ được giá trị tên
tuổi, kèm theo đó là nguồn tài chính thu về ổn định.
Tuy
nhiên, sau đó khoảng mười năm, khi các công ty văn hóa truyền thông "đủ
lông đủ cánh", tạo được thương hiệu vững chắc trên thị trường, họ trở
thành người nắm quyền chủ động và có nhiều lựa chọn trong việc mua giấy phép.
Lúc này, họ trở thành người quyết định mua giấy phép của ai chứ không phải
ngược lại.
Ở
đây, không chỉ là câu chuyện chi phối của tiềm lực kinh tế. Hậu quả kéo dài của
phương thức làm ăn dễ dãi, không quan tâm quy luật cung - cầu, không chăm lo
phát triển đội ngũ biên tập viên, công tác viên và nguồn bản thảo, là việc cùn
mòn dần đội ngũ chuyên môn và làm kinh doanh có năng lực.

|
Đơn kiến nghị
của đại diện 7 nhà xuất bản.
|
Nhiều
năm qua, phần lớn các NXB gần như chỉ hoạt động cầm chừng. Nhiều đơn vị trông
chờ nguồn thu đáng kể nhất vào "vụ in lịch" cuối năm. Bên cạnh đó,
tiếp tục các hoạt động liên kết xuất bản như làm sách lịch sử, truyền thống cho
ngành, hội; bán giấy phép xuất bản và liên kết giữa nhà sách (đơn vị phát hành)
với NXB (đơn vị in sách) trong một số mảng sách chính là sách văn học dịch,
sách cung cấp kiến thức phổ thông, kỹ năng sống v.v... Song ngay cả trong mối
quan hệ liên kết này, NXB cũng chỉ đóng vai trò hợp thức hóa về mặt tư cách
pháp nhân cho ấn phẩm, họ không có tác động đáng kể tới chất lượng cũng như khả
năng phát hành. Và dĩ nhiên theo đó, quyền lợi về tài chính cũng không nhiều.
Sự
kiện tập thể lãnh đạo 7 nhà xuất bản (Văn hóa - Thông tin, Thể thao, Văn học,
Âm nhạc, Thế giới, Văn hóa Dân tộc, Hà Nội) vừa qua đã cùng ký vào đơn kiến
nghị gửi Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị được hỗ trợ nhằm
cứu vãn tình trạng nợ nần, có nguy cơ dẫn đến phá sản vì chi phí thuê đất, thuê
nhà quá cao có thể xem như chuyện "cái gì đến cũng phải đến".
Khi
thu không đủ bù chi, doanh nghiệp, dù của Nhà nước hay tư nhân, cũng không thể
tồn tại. Không rõ sau 7 đơn vị "lãnh ấn tiên phong" này, còn bao
nhiêu cơ quan xuất bản sẽ nối gót. Bởi theo một trao đổi riêng của chúng tôi
với nhà thơ Trần Quang Quý - Phó Giám đốc NXB Hội Nhà văn, ông Quý thừa nhận,
nếu được mời đồng ký tên vào đơn kiến nghị, ông cũng sẽ ký!
Về
phía các NXB, một nguyên nhân nhiều đơn vị nêu ra, cũng là luận điểm chính mà 7
đơn vị xuất bản kể trên đề cập, là mâu thuẫn khó dung hòa trong cơ chế quản lý
và hoạt động khi vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị, tư tưởng mà Đảng và Nhà
nước giao phó, vừa phải đương đầu với sự sống còn của thời kinh tế thị trường.
Đây là thực tế đã và đang diễn ra ở nhiều đơn vị xuất bản có chức năng chuyên
biệt như Văn học, Thể thao, Âm nhạc,...
Quan
sát thị trường sách hiện nay, có thể thấy nhiều khó khăn các NXB hiện phải
đương đầu: nạn in lậu, in nối bản, vi phạm bản quyền tràn lan và ngang nhiên;
văn hóa đọc có sự sa sút trông thấy; nhiều tác giả in sách dễ dãi; giá sách còn
quá cao so với sức mua. Đã thế, những khoản chi phí cho xăng dầu vận chuyển,
giá thành nguyên liệu in, tiền thuê đất, thuê nhà, lương bổng cho đội ngũ cán
bộ, nhân viên... ngày càng trở thành gánh nặng oằn thêm trên vai phần lớn các
NXB.
Trên
thực tế, các NXB có thể tồn tại và phát triển được đều có tính tổng hợp, như:
Trẻ, Kim Đồng, Giáo dục, Phụ nữ. Với các nhà này, việc lấy một phần doanh thu
từ các cuốn sách bán chạy để "nuôi" các cuốn sách thuộc nhiệm vụ
chính trị là chuyện tất yếu ai cũng có thể thấy. Trong khi đó, điều này rất khó
thực hiện ở các NXB có tính chuyên biệt. Thế nên, dù ý thức được, song họ cũng
không dễ... làm theo được.
Như
vậy, trên mặt bằng sòng phẳng của nền kinh tế thị trường, sự thật, các NXB có
nhiệm vụ chuyên biệt vẫn đang hoạt động theo một cơ chế cũng quá... sòng phẳng,
ít được cảm thông, chia sẻ với những đặc thù riêng. Với giá tiền thuê đất thuê
nhà từ năm 2013 của NXB Thế giới là 3.702.130.600 đồng/năm, ông Lê Hoàng, Chủ
tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn cho rằng, theo tìm hiểu
của ông, đó là mức giá quy định chung cho việc kinh doanh thương mại, không nên
áp dụng với các đơn vị xuất bản, nhất là đơn vị xuất bản có tính chất chuyên
biệt như NXB Thế giới.
Từng
là người đầu tiên lãnh đạo tập thể NXB Trẻ đề xuất làm sách kế hoạch A, tức
loại sách do NXB tự bỏ tiền đầu tư sản xuất, kinh doanh ngay từ những năm 90
của thế kỷ trước, ông Lê Hoàng hiểu rất rõ những khó khăn mà 7 NXB nhắc tới ở
phần trên đang gặp phải. Ông Lê Hoàng cho rằng, thực sự, với các NXB chuyên
biệt như họ, rất cần một cơ chế hỗ trợ để tiếp tục tồn tại và thực hiện các
nhiệm vụ chính trị riêng biệt. Cụ thể, việc quy định giá thuê đất, thuê nhà của
Ủy ban Nhân dân thành phố cũng nên tính tới yếu tố đặc thù trong sản phẩm kinh
doanh.
Dĩ
nhiên, ngoài việc cảm thông, chia sẻ với khó khăn của các đơn vị đồng ký đơn
gửi Cục Xuất bản, đề nghị được hỗ trợ, không thể phủ nhận, đã và đang có một
tâm lý ỷ lại, trông chờ… ở một số NXB.
Dễ
thấy, các NXB "sống được" thực sự đã coi sự "chống lưng"
của Nhà nước (tức các đơn vị chủ quản) là tiền đề để từ đó phát huy khả năng
nắm bắt thị trường nhanh nhạy, xây dựng hệ thống quảng bá, phát hành sách rộng
rãi, tái đầu tư thích đáng vào những nguồn bản thảo có chất lượng. Nói giản dị,
họ không trông chờ vào tiền ngân sách, dù rõ ràng, ngân sách là phần quan trọng
giúp họ tạo thế đứng vững chắc trên thị trường. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, trợ lý
giám đốc kiêm phụ trách tác quyền trong nước của NXB Trẻ cho biết, để
"bơi" được trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt, đội ngũ cán
bộ, nhân viên của NXB Trẻ đã phải "học bơi" trong suốt gần 20 năm
trước.
Trong
bối cảnh độc giả có quá nhiều lựa chọn như hiện nay, việc lắng nghe thị trường
để có những đáp ứng phù hợp, nhanh nhạy là yếu tố sống còn của các NXB. Muốn
thế, ngoài các yếu tố mang tính khách quan của cơ chế, nội lực của mỗi
"nhà" phải đủ mạnh. Hẳn nhiên sức mạnh đó không thể đến được từ đội
ngũ nhân viên chấp nhận lương thấp, chấp nhận nghỉ việc đóng bảo hiểm giữ chỗ
để rồi "chân ngoài dài hơn chân trong".
Nhưng ngay cả khi nhìn ra nguyên nhân cốt lõi thì đây
vẫn là bài toán hóc búa. Từ góc độ quản lý, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng
Báo chí - xuất bản, Sở Thông tin - Truyền thông Tp HCM cho rằng, Chính phủ cần
có quy hoạch nghiêm khắc và mau chóng về các NXB hiện nay. Rất cần một quy
trình đánh giá, rà soát lại hiệu quả thực sự trong hoạt động để có những quyết
định hợp lý.
(Theo vnca.cand.com.vn)